Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
32- Việc Tầm Thường
1. Tầm thường nhưng cao đẹp
* Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con (ÐHV 814).
* Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti (ÐHV 816).
* Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày mới đạt được đích họ hy vọng (ÐHV 817).
Thánh nữ Margarita Maria (1647-1690) mồ côi cha tử thuở còn bé. Mẹ chị yếu đuối phải cậy nhờ người anh chồng đến giúp đỡ, trông coi cơ nghiệp. Ông anh vui vẻ nhận lời và cùng với vợ con dọn dẹp đến ở cùng gia đình em. Ông ta có biệt tài quản lý trông nom nhưng lại rất keo kiệt, thu tóm hết mọi quyền hành trong gia đình. Mẹ con chị Margarita có thiếu thốn sự gì cũng phải ngửa tay xin hai bác, lắm lúc hai bác lại từ chối một cách tàn nhẫn. Cả bánh ăn cũng giới hạn khiến mẹ con nhiều lần phải xách bị sang hàng xóm mà vay. Không những thế, hai bác còn hành hạ chửi rủa cháu bé một cách thậm tệ đắng cay. Nhiều khi bác đánh quá đau, Margarita phải trốn ở một góc chuồng bò hay xó vườn, mãi đến tối mới dám mò vô lại. Nhiều lần khác bị mắng nhiếc chua cay thậm tệ, cô bé chẳng biết làm sao hơn, bèn lủi thủi ra vườn ngồi khóc sướt mướt, mất cả ăn cả ngủ...
Tuy chịu đau đớn gian khổ từ bé như vậy, nhưng không bao giờ Margarita chịu hở môi kêu trách một lời. Sau này vì vâng lời cha linh hướng, chị mới đơn thành thuật lại mọi chuyện ấy. Ðức Giám mục Laugnet nói: "Chị Margarita rất hiền hậu, khiêm tốn. Chị tự đặt mình làm đầy tớ phục vụ mọi người trong bất cứ công việc nào. Không bao giờ người ta thấy chị tỏ dấu khinh bỉ hay làm mất lòng ai!"
Chính vì những hy sinh rất tầm thường nhưng cao đẹp trước mặt Chúa, mà chị Margarita đã được Chúa chọn để rao giảng sứ điệp tình yêu của Thánh Tâm Chúa.
2. Làm bất cứ bổn phận nào cũng có thể nên thánh
* Việc nhỏ, lòng nhỏ; việc lớn, lòng lớn; việc lớn, lòng nhỏ; việc nhỏ, lòng lớn. Con hãy thực hành cách sau hết: Trung tín trong việc lớn, dễ; trung tín trong việc nhỏ, khó. Chúa khen kẻ thực hành cách sau này (ÐHV 807).
* Không có công việc nào hèn hạ, chỉ có tâm hồn hèn hạ (ÐHV 811).
Thánh Bonaventura (1221-1274) trước khi làm Hồng Y coi sóc giáo phận, đã làm Bề trên Cả điều khiển Dòng Phanxicô. Ngài có tiếng là rất thông minh xuất chúng, viết nên nhiều tác phẩm lừng danh, trong đó có cuốn "Commentaire sur les quatres livres des sentences" và nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị.
Một hôm, thầy nấu bếp xin gặp ngài với nét mặt thật thê lương ảm đạm, thầy trình bày:
- Thưa cha, mấy lâu nay con buồn quá nhưng vẫn cứ ấp ủ mãi trong lòng. Ðến hôm nay, con mới bạo dạn xin phép gặp cha để nhờ cha giải quyết nỗi lo âu cho con.
- Cha sẵn sàng giúp con, con cứ tự nhiên trình bày mọi chuyện.
- Thưa cha, con trộm nghi: thông thái thời danh như cha thì thật là hạnh phúc. Vì nhờ đó cha có thể yêu mến Chúa, phụng sự Chúa, và sau lên thiên đàng dễ dàng hơn, ngồi gần Chúa hơn!... Nghĩ lại phận con là một tên đầu bếp rất hèn, con cảm thấy quá buồn tủi! Không biết rồi đây có được lên thiên đàng không, thấy được sự vinh hiển Chúa không, có gần gũi Chúa như cha được không!
- Ồ, con đừng nghĩ thế! Chúa chẳng bao giờ đòi hỏi sự thông thái thời danh cả. Chúa chỉ sợ con không mến Chúa trong các công việc bổn phận tầm thường hằng ngày của con thôi!
- Vậy dốt như con cũng có thể yêu mến Chúa như cha Bề trên Cả sao?
- Ðúng thế! - Mấy bà ngoài chợ cũng thế à?
- Dĩ nhiên rồi! Miễn là mấy bà dâng cho Chúa mọi công việc!
Nghe đến đây thầy đầu bếp chẳng còn đè nén được niềm phấn khởi. Không kịp chào Bề trên Cả, thầy vội chạy ra khỏi phòng, leo lên thành, nhảy xuống đường, chạy đến phố chợ và la lên: "Anh chị em ơi! Các bà bán hàng ngoài chợ ơi! Tôi báo cho anh chị em một tin rất vui mừng, anh chị em có thể nên thánh bằng cha Bề trên Cả của chúng tôi được".
Thầy vừa chạy vừa la lớn tiếng như điên, quanh cả phố chợ. Người ta thật khó mà nhận ra thầy vì thầy chạy quá nhanh, nhưng giọng nói của thầy thì ai cũng nghe: "Cứ làm bổn phận tầm thường vì mến Chúa thì sẽ nên thánh cả. Chính cha Bonaventura mới cho tôi biết! Mừng quá! Vui quá!"
3. Tấm gương của ông Frank Duff
* Tìm việc lớn, khinh việc nhỏ, con lạc đường hy vọng, vì Chúa hứa: "vào hưởng sự vui mừng của Chúa cho những ai trung thành trong việc nhỏ" (ÐHV 815).
* Một bản nhạc du dương, một bức họa thần tình, một tấm khảm quí đẹp được kết tinh bằng những mũi chỉ, những nét mực, những nốt nhạc đơn sơ, nhưng phải có danh sư nhẫn nại mới sáng tạo ra tác phẩm (ÐHV 823).
* Một việc rất tầm thường mà tạo bầu khí "dễ thở", bầu khí yêu thương, không tốn của, không mất công, không ai thấy. Nhưng nguyệt cầu tốt đẹp mà không ai sống vì không có "bầu khí thở được" (ÐHV 826).
Sinh trưởng ở nước Cộng Hoà Ái Nhĩ Lan, Ông Frank Duff đã sống một cuộc đời rất mực đạo đức thánh thiện, hoàn toàn dấn thân làm việc tông đồ giữa lòng trần thế với phương tiện của trần thế; đặc biệt ông rất có lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria. Ông đã suy ngắm tác phẩm của thánh Montfort và nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh, ông đã thành lập Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ (Legiô Mariae) vào năm 1921, ngay tại quê hương Ái nhĩ Lan của ông.
Như mọi người đều biết, Ðạo Binh Ðức Mẹ đã phát triển khắp nơi một cách nhanh chóng, làm ích cho muôn vàn linh hồn, khiến ông Frank Duff được Ðức Thánh Cha tỏ lòng quý mến ưu đãi, hàng giáo phẩm khắp nơi nể nang kính trọng; người ta đã mời ông đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, cuộc đời của ông bao giờ cũng được khoác lên một vẻ bình dị khiêm tốn. Ban đầu khi Ðạo Binh Ðức Mẹ mới thành lập, ông phải điều hành mọi công việc, nhưng về sau, tuy vẫn còn sức khỏe, chỉ có đôi tai hơi suy yếu, ông đã tự ý rút lui và nhường quyền điều khiển cho kẻ khác.
Mặc dù được nhiều người trên thế giới đến Dublin, thủ đô Ái Nhĩ Lan, viếng thăm, hỏi ý kiến, ông vẫn sống một cuộc đời nghèo khó, tận tụy với công việc bổn phận khiêm hèn nhất.
Nghe nói đến công việc bổn phận khiêm hèn nhất, chắc ai cũng buột miệng hỏi: "Việc gì vậy?"
Thưa đó là việc phát thư, tiếng xưa gọi là lon-ton hay tùy phái. Ai đến tận nơi chứng kiến tận mắt cảnh này cũng đều cảm kích xúc động và trào dâng muôn vàn kính mến. Nguyên trong thành phố Dublin đã có trên 500 tiểu đội Ðạo Binh Ðức Mẹ. Cứ mỗi sáng, vừa đi lễ về, ông Frank Duff đã ngồi ngay ngắn trên chiếc xe đạp cũ rích, và thế rồi, dù trời nắng hoặc sương mù hay mưa gió tuyết sa, chiếc xe đạp vẫn đều lăn bánh tiến về phía bưu điện. Tới nơi, ông Frank Duff nhảy vội đến hộp thơ lấy hết mọi thư tín mang về cho trung tâm. Tại trung tâm, ông lại còn phân phối và bỏ vào các hộc theo địa chỉ của mỗi văn phòng, mỗi cá nhân phụ trách. Nếu có thư về địa chỉ của một trong 500 tiểu đội ở thành phố, ông lại mau mắn đạp xe mang đi ngay.
Vào trung tâm Ðạo Binh Ðức Mẹ, cứ các buổi họp của Ban điều hành hay các buổi sinh hoạt của nhiều tiểu đội ở các phòng bên cạnh; nếu không có người giới thiệu chắc chắn quý khách sẽ xem ông già kia là một anh phát thơ làm mướn cho trung tâm, một tên vô danh tiểu tốt cứ mải mê thinh lặng soạn từng đống thư từ, xếp ngay ngắn vào hộc... Chỉ khi nào anh em cần ý kiến ông để trả lời, giải quyết một vấn đề hóc búa hoặc tế nhị nào từ phương trời xa xôi gởi đến, bấy giờ ông mới vui vẻ đóng góp ý kiến hoặc trả lời thay...
Có phải ông Frank Duff thích làm như thế vì bản tính tự nhiên không? Ông làm như chỉ vì kính mến Chúa và Ðức Mẹ. Chính những hàng sau đây do từ ngòi bút ông viết ra cho chúng ta thấy chí khí phi thường của ông trong những việc tầm thường hèn mọn ấy:
"Lạy Chúa con không dám ước vọng làm những hành vi anh hùng cao cả, những hy sinh lớn lao như vị thừa sai, những việc đánh tội rùng rợn như một tu sĩ hoặc những công việc to lớn như các tâm hồn quảng đại đã làm. Không, con không ao ước làm những công việc ấy. Con chỉ muốn quyết tâm sống một cuộc đời bình thường, thêu dệt bằng những tháng ngày đơn điệu nối tiếp nhau với một tâm hồn quả cảm, không hề biết mỏi mệt.
"Thật ra bản tính tự nhiên con không tán thành cái ý định sống một cuộc đời âm thầm, bình dị, buồn chán, gồm toàn những công việc nhỏ nhặt không đáng kể. Và chính con người con cũng luôn luôn bị thúc bách phải thoát ly để đi tìm kiếm những điều thích thú hay mới lạ hơn...
"Hình như người ta cho rằng, việc có một tâm hồn quả cảm, một ý chí anh hùng trong những công việc nhỏ mọn là một điều rất đỗi khó khăn. Nhưng riêng con, con biết rằng đó là con đường mà Chúa đã vạch ra cho con theo, con đường chứa vô số ơn trợ lực của Ngài, và vì thế mà con vô cùng yêu quý nó.
"Xin Chúa ban cho con một đời sống đầy trung thành và quảng đại".
4. Tâm hồn thánh thiện trong những việc tầm thường
* Theo mắt thế gian, công việc của Ðức Mẹ rất tầm thường: việc ở máng cỏ, việc gúp bà Isave, việc ở Nazareth, việc đi chầu lễ ở Jerusalem, việc chôn cất thánh Giuse, việc bị sỉ nhục đau đớn ở Calvariô. Theo mắt siêu nhiên, đời Ðức Mẹ phi thường, vì tất cả những việc ấy Mẹ đều làm vì mến Chúa Giêsu (ÐHV 808).
* Ẵm đứa bé là chuyện thường, nhưng được mẹ ẵm, đối với em bé là hạnh phúc lớn nhất mà em không chịu đổi với bất cứ giá nào ở trần gian (ÐHV 809).
* Muốn được phong thánh, phải chứng minh có "nhân đức anh hùng". Bền chí làm những việc tầm thường suốt cả cuộc đời vì mến Chúa, hẳn là anh hùng; thánh Têrêsa Hài Ðồng đã làm như thế (ÐHV 813).
* Thiên hạ mua vé lên đỉnh nhà chọc trời Manhattan, khen ngợi kiến trúc tân kỳ, nhưng mấy ai nhớ đến từng thanh sắt, từng viên sạn, từng hạt cát nhỏ nhít làm nền móng vững chắc, gánh vác nổi ngôi nhà ấy (ÐHV 819).
Chị thánh Têrêxa Hài Ðồng đã sống một cuộc đời rất đơn sơ bình dị đến nỗi khi chị ốm nặng, một chị trong dòng đã nói: "Chừng nào chị Têrêxa chết, biết lấy gì để viết về chị trong Nhật ký của nhà dòng đây?" Thế nhưng trong âm thầm khiêm hạ và qua những công việc tầm thường không ai hay, chị thánh Têrêxa đã đặt vào đó một lòng mến Chúa vô cùng cao cả. Chị viết:
"Trong một thời gian khá lâu, vào giờ gẫm buổi chiều, chị ngồi sau lưng con hay có cử chỉ kỳ kỳ; đó là khi vừa quỳ vào chỗ, chị bắt đầu làm ra nhiều tiếng động lạ, giống như tiếng vỏ ốc cọ vào nhau; và chỉ có một mình con nghe thôi, vì tai con thính lắm (đôi khi lại quá thính). Thưa mẹ, con không sao diễn tả cho mẹ hiểu những tiếng sột soạt ấy làm cho con khó chịu đến mực nào; con muốn quay xuống nhìn một cái cho chị hiểu, vì chắc là chị không cố ý làm, và đó là phương thế duy nhất giúp chị thấy. Nhưng con nghĩ bụng: thà để như vậy thì hơn, trước là vì lòng mến Chúa, sau là khỏi làm phiền lòng chị em. Bởi đó, con ngồi yên và cố gắng kết hợp với Chúa cho quên những tiếng động ấy... Nhưng vô ích, chúng như châm chích vào màng nhĩ, càng nghe càng khó chịu, không thể cầm trí mà nguyện gẫm được. Vì thế, con bèn tìm cách mà chịu đựng với tâm hồn thư thái, nghĩa là cố gắng cho mình yêu thích tiếng sột soạt khó nghe đó. Thay vì cố quên đi thì con lại tập trung tất cả trí khôn để nghe cho rõ như thể lắng nghe một khúc nhạc tuyệt diệu. Và như thế là việc nguyện gẫm của con (không phải là giờ nguyện gẫm an tĩnh đâu) đã biến thành việc dâng lên Chúa Giêsu khúc nhạc đó.
"Mẹ yêu mến, con là một tâm hồn thơ bé chỉ biết dâng lên cho Chúa những lễ vật nhỏ mọn như thế thôi, và những việc nhỏ mọn này làm cho tâm hồn con luôn thư thái an tịnh..."
Và chính lời Chúa giúp cho chị hiểu chị có thể nên thánh, có thể yêu mến Chúa bằng nhiều việc tầm thường nhất. Chị có viết như sau:
"Thưa mẹ, như mẹ biết, con vẫn hằng ước ao được nên thánh. Song than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các thánh với con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi chót vót cao và một hạt cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một tiểu lộ vừa thẳng lại vừa không quá đài, một tiểu lộ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu đã thay thang cổ điển bằng thang máy hiện đại thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn một cái thang máy để nâng con lên với Chúa Giêsu vì con nhỏ bé quá sức, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế là con đi tìm trong Kinh Thánh những chỉ dẫn cho biết thứ thang máy con ao ước và con đã đọc thấy những lời sau đây phát xuất từ miệng Ðấng Khôn ngoan muôn đời: "Kẻ nào thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta" (Châm ngôn 9,4).
* * *
Tối áp lễ Ðức Bà Núi Carmêlô, một chị nhà tập nói với chị Têrêxa rằng: "Nếu sáng mai chị rước lễ xong rồi lập tức lìa trần, có lẽ sự ra đi tốt lành ấy an ủi em khỏi hết phiền muộn". Chị thánh Têrêxa đáp lại: "Rước lễ rồi lìa trần! Lìa trần trong ngày lễ trọng! Không, em không muốn thế đâu: những linh hồn thơ ấu không thể học đòi như vậy được. Trong tiểu lộ em đang đi, chỉ có những cái tầm thường, giản dị thôi. Việc gì mà em đã làm, phải là việc các linh hồn thơ ấu cũng làm được hết!"
Trong hội đồng quyết định việc phong thánh cho chị Têrêxa, có một giáo chức thuộc giáo triều đã nói: "Ðời chị Têrêxa không có gì lạ cả, chỉ toàn là những việc tầm thường thôi". Ðức Piô XI trả lời ngay: "Tôi chấp nhận việc phong thánh cho chị, vì chị đã làm những việc tầm thường".
5- Hai thầy trợ sĩ
* Thử lấy kính hiển vi mà xem: một giọt nước óng ánh hơn kim cương, một con vi trùng ghê tởm rùng mình; đừng khinh những cái nhỏ (ÐHV 820).
* Ngày sống của con là một "chuỗi lời nguyện tin yêu cụ thể hóa trong công tác tầm thường" (ÐHV 822)
Mặc dù trong cuộc đời thánh Giêrađô Magella và Martinô Porres có xuất hiện nhiều phép lạ lớn lao, cũng chẳng qua là vì Thiên Chúa muốn dùng sự thánh thiện của cả hai như khí cụ để thực tình và cứu giúp các linh hồn; nhưng chính bản thân các thầy thì chỉ chuyên tìm kiếm những việc tầm thường, luôn hạ mình sống ở địa vị khiêm tốn rốt hèn trong tu viện, làm trợ sĩ, phụ tá cho các anh em linh mục, chứ không thi hành những việc cao cả hoặc có ảnh hưởng bên ngoài lừng lẫy như dâng lễ, giải tội, thuyết giáo.
Martinô Porres, sau khi suy nghĩ kỹ càng và cầu nguyện sốt sắng, đã đến gõ cửa tu viện Santo Rosariô. Vì lòng khiêm nhu, cậu chỉ xin được xem như một lao công trong nhà dòng.
Dằng dẳng chín năm trường, cha tu viện trưởng Juan de Torenzana thấy lòng đạo đức của Martinô quá phi thường và sáng chói, nên đã cho thầy chính thức mặc áo dòng làm trợ sĩ. Martinô tiếp tục vui vẻ làm các việc hèn hạ nhất trong tu viện. Ngoài ra, vì trước khi vào dòng thầy có học nghề y tá, nên thầy còn được phép săn sóc bệnh nhân. Vì quá yêu thương những người xấu số không chốn ngụ cư nên thầy đã xin phép mang họ về nhà dòng để tận tình săn sóc cứu chữa. Có những lần phòng thầy hết cả chỗ, thày phải đem họ sang gởi gắm ở nhà bà chị kế bên.
* * *
* Con bảo đợi lúc nào có thời cơ, con sẽ làm việc vĩ đại; không biết đời con thời cơ sẽ đến mấy lần! Nhưng hãy cướp thời cơ mỗi ngày để thực hiện cách phi thường những việc tầm thường (ÐHV 818).
* Xin nước bà Samaritana, mượn lừa cỡi vào thành Jerusalem, mượn thuyền ngồi giảng, mượn phòng lập phép Thánh Thể, nhìn đồng tiền bà góa bỏ vào hòm cúng; chủ nhân đâu ngờ việc không đâu mà mình được hân hạnh đến thế! (ÐHV 825).
Thầy Giêrađô Magella, lúc còn tuổi thanh niên, đã sớm ôm ấp mong ước ao trở thành một tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, nhưng mẹ thầy không chấp thuận, bởi lẽ thầy là con trai cả độc nhất của bà; hơn nữa, các cha trong nhà dòng cũng chê thầy, chẳng muốn nhận thầy vào Tu viện làm chi. Một đêm kia sau nhiều năm tháng cầu nguyện và thao thức, Giêrađô đã đi đến một hành động quyết liệt: cậu lấy cái khăn phủ giường trong nhà chắp nối lại với nhau, buộc một đầu vào song cửa sổ, đầu kia thắt ngang hong rồi tung mình nhảy xuống đất trốn ra khỏi nhà, để lại trên bàn một mảnh giấy với dòng chữ: "Con từ giã mẹ và các em để đi làm thánh, xin đừng mất công tìm kiếm con".
Biết sáng hôm ấy các cha dòng đi giảng ở Rionoro, nên Giêrađô lặn lội suốt đêm, nhắm hướng ấy mà tiến. Trời vừa sáng, nhác trông thấy các cha dòng ở đàng xa, cậu vừa vẫy tay vừa lớn tiếng gọi các cha. Các ngài dừng lại. Cậu chạy đến thở hổn hển, nước mắt ràn rụa van nài: "Xin các cha nhận con vào dòng. Con quá khát khao trở thành người toàn hiến cuộc đời cho Chúa". Các cha cương quyết từ chối: "Con không thể làm trợ sĩ trong dòng được đâu, về nhà đi". Lòng Giêrađô vô cùng đớn đau nhưng vẫn không nản chí; cậu tiếp tục nói: "Ít là xin các cha cho con thử một thời gian, nếu không được thì đuổi con về". Các cha lẳng lặng tiếp tục con đường, Giêrađô kiên nhẫn lẻo đẻo theo sau. Ðến xứ Rionore, cậu dốc hết khả năng, ngôn ngữ, nài xin tha thiết một lần nữa: "Xin các cha cho con thử một thời gian ngăn ở nhà dòng cũng được". Các vị vẫn lắc đầu. Giêrađô một mực không chịu trở về nhà, cậu ở lại giúp thầy trợ sĩ của các cha. Một hôm, không thể cầm mình được nữa, cậu can đảm quỳ xuống trước mặt cha Cafra, vừa khóc vừa nức nở kêu xin: "Nếu cha không nhận con thì hằng ngày con sẽ nhập đoàn cùng các kẻ khó đến xin ăn ở cửa tu viện!" Thấy lòng khiêm nhường nhẫn nại của Giêrađô, cha Cafaro xúc động và thầm nghĩ: "Chắc cậu ta có ơn Chúa nhiều mới bền đỗ được như thế". Vì vậy sau đó, ngài đã gọi cậu đến cùng cha Lorenzô d'Antonio, tu viện trưởng ở Illicêtô với mấy dòng chữ giới thiệu sau đây: "Con xin gởi đến cha một thanh niên mới chỉ xin vào dòng. Chắc cậu ta chẳng làm được việc gì, vì sức kém lắm; nhưng con xét đáng nhận, vì cậu ta nài xin con rất tha thiết, vả lại cậu ta cũng có tiếng là đạo đức thánh thiện ở xứ Murô". Ðược sự chấp thuận của cha Lorenzô, Giêrađô vô cùng sung sướng, cậu liên lỉ cảm tạ Chúa và hăng hái trong môi trường của mình.
Quả thực, đúng như lời giới thiệu của cha Cafaro, thầy Giêrađô không làm được việc gì ích lợi cho nhà dòng. Thầy chỉ chuyên việc giữ cửa, quét dọn nhà cơm và khâu may áo xống cho anh em. Thế nhưng lời cha Cafaro lại càng đúng hơn, Giêrađô rất mực đạo đức thánh thiện. Bởi thế, các cha đi giảng đại phúc ở đâu cũng đòi thầy đi cho bằng được. Thầy nấu cơm, giặt giũ quần áo giúp các cha, nhất là cầu nguyện ở nhà thờ và khuyên bảo các tội nhân. Có những kẻ quá cứng lòng, các cha không làm gì được, bèn phải trao cho thầy Giêrađô khuyên lơn an ủi, và lần nào thầy cũng đạt được thành quả tốt đẹp, đến nỗi có một cha phải thốt lên: "Sự hiện diện của thầy Giêrađô trong tuần đại phúc cần thiết cho chúng tôi hơn là có một trăm vị linh mục!"
6. Giám mục bán sữa và Giám mục sửa xe
* Việc nhỏ, nhưng do sức mồ hôi nước mắt mà quí, việc thường nhưng tình yêu tha thiết mà trọng. Người con thảo mặc chiếc áo len cũ rích nhưng không chịu đổi với bất cứ áo đắt tiền nào khác, vì mỗi mũi len đối với anh ta là một cử chỉ yêu thương của mẹ (ÐHV 821).
* Dù con có tử đạo, "nộp mình chịu thiêu," dù con có làm tông đồ: giảng dạy bằng "các thứ tiếng nhân loại và thiên thần", dù con có hoạt động từ thiện "đem cả tư gia vốn liếng mà phát chẩn", mà con "lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích" cho con. Việc con làm không quan hệ. "Cách" con làm mới quan hệ (ÐHV 831).
Cha Trochta, người Tiệp khắc, đã bị bắt giam dưới thời Ðức quốc xã và bị đem đi xử bắn ban đêm với một số đông đảo tù nhân khác. Một loạt súng máy nổ dòn. Tất cả đều ngã gục xuống đất. Sau đó, các tử thi được vứt lên xe. Chuyến xe nặng nề chuyển bánh trong đêm hướng về lò thiêu xác.
Nằm giữa các xác chết, linh mục Trochta dần dần tỉnh lại, một ống chân của ngài đã bị gãy, máu me bê bết khắp cả và mình. Ngài cố hết sức để chui ra khỏi đống tử thi đang phủ trên người; và khi đến một khúc quanh, xe chạy chậm lại, ngài vội vàng tụt xuống đất, nép mình dưới một bờ ao. Sáng sớm hôm sau, đồng bào gặp được cha, họ tìm hết cách để thu giấu ngài và ra sức chạy chữa thuốc men cho ống chân bị gãy...
Sau đại chiến, Ðức quốc xã bại trận, ngài được chọn làm Giám mục, nhưng lại phải bị cầm tù vì tội phản động một thời gian sau. Mãi nhiều năm trôi qua, ngài mới được trả tự do, trở về giáo phận cũ. Kỳ họp Thượng Hội đồng Giám mục nào cũng đều có mặt ngài tại Rôma cả. Dân chúng rất kính yêu quý chuộng ngài, vì ngài thật thánh thiện và bình dân. Họ tặng cho ngài một biệt hiệu rất dễ thương: "Giám mục bán sữa". Thực vậy, ngài có một chiếc xe nhỏ, sáng nào cũng lái đến hãng sữa, lãnh sữa chở đi phân phối cho các tư gia đã đặt mua hàng năm, rồi nhặt các chai không mang về nạp cho hãng sữa. Xong công việc, ngài lại lái xe về Tòa Giám mục chăm lo việc mục vụ, giảng huấn...
Năm 1974, Ðức Phaolô VI tuyên bố Ðức Cha Trochta là một trong hai vị Hồng Y mấy lâu nay chưa được công bố. Nhà Nước Tiệp Khắc đã quan tâm giúp đỡ cho ngài sang Roma để lãnh mũ đỏ trong một nghi thức long trọng được tổ chức riêng cho một mình ngài.
* * *
* Với tâm hồn cao cả, việc tầm thường hóa ra cao cả: Ai cho một bát nước lã vì danh Chúa sẽ được thưởng trên thiên đàng (ÐHV 812).
* Trên đường "dâng hiến", không có việc gì là tầm thường cả, một cử chỉ nhỏ nhặt nhất vì kẻ khác là một bước đến tình yêu, do tình yêu, là một sự phát triển con người (ÐHV 827).
Ðức Cha Alfred Ancel (1898- ), Giám mục phụ tá tổng giáo phận Lyon, là Bề trên Tổng quyền của Tu Hội linh mục Prado, kế vị cha Chevrier, đồng thời cũng là một diễn giả rất nổi tiếng, đã được mời đi khắp đó đây để giúp các tuần tĩnh tâm, các buổi hội thảo cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân mọi hạng.
Ðể hoà mình với giới lao động theo gương Chúa Giêsu ở Nazareth, ngài làm việc mục vụ nửa ngày, còn nửa ngày mang búa, kềm, mỏ lét, cờ-lê... ra xưởng sửa xe, nêu cao giá trị của những công việc tầm thường nhưng rất đẹp lòng Chúa. Năm 1963, ngài cho xuất bản một cuốn sách nói về kinh nghiệm "Giám mục thợ" ấy, mang tên: "Năm năm trời với các bạn thợ".
7. Những cử chỉ đơn sơ phản ảnh một tâm hồn cao cả
* Ngày sống của con là một "chuỗi lời nguyện tin yêu cụ thể hóa trong công tác tầm thường" (ÐHV 822).
Ðức Hồng Y Agagianian, quê ở Arménie (Liên Sô), từ thuở còn bé đã có trí thông minh lạ thường. Mới 13 tuổi đầu mà cậu đã được giáo phận gởi sang du học ở Roma. Vì phải đơn thương độc mã đi tàu thủy đến Napoli, rồi tử Napoli lại phải sang xe lửa lên Roma và tìm đường đến trường nên gia đình cậu, sợ cậu bé thất lạc ở giữa đất khách quê người, bèn làm một tấm bảng, bắt cậu mang trước ngực, trên đó ghi đầy đủ tên tuổi và địa chỉ cần thiết để nhờ hành khách hướng dẫn cho. Mấy năm sau, học hết thần học mà thầy Agagianian vẫn chưa đủ tuổi để lãnh chức linh mục...
Bước đầu lên cấp bậc trong Hội Thánh, Ðức Hồng Y Agagianian suýt đắc cử Giáo Hoàng năm 1958 trong mật tuyển viện bầu Ðức Gioan XXIII.
Vào khoảng năm 1965, ngài bị ung thư ở thận. Vì quý trọng tài đức của ngài nên Ðức Phaolô VI yêu cầu ngài hy sinh tiếp tục điều khiển Thánh Bộ Phúc Âm hoá cho đến tuổi về hưu (75 tuổi). Một bác sĩ cũng gốc Arménie được triệu đến để chẩn bệnh cho ngài. Vị bác sĩ cho biết vì ngài đã quá già chẳng nên giải phẩu làm chi. Tuy rất đau đớn và nhọc mệt, ngài vẫn luôn phấn đấu, bình tĩnh và vui tươi cho đến hơi thở cuối cùng. Mọi người đều biết ngài mắc bệnh ung thư, nhưng chính ngài thì không bao giờ nói đến bệnh tật của mình cả. Ngài vẫn tươi cười niềm nở tiếp đón các Giám mục khắp nơi đến Thánh bộ. Ai hỏi đến sức khỏe của ngài, ngài chỉ mỉm cười trả lời: "Chúng ta đang ở trong lòng bàn tay nhân từ của Thiên Chúa".
* * *
* Dù con có tử đạo, "nộp mình chịu thiêu," dù con có làm tông đồ: giảng dạy bằng "các thứ tiếng nhân loại và thiên thần", dù con có hoạt động từ thiện "đem cả tư gia vốn liếng mà phát chẩn", mà con "lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích" cho con. Việc con làm không quan hệ. "Cách" con làm mới quan hệ (ÐHV 831).
Ðức Ông Don Luigi, trước là người phụ trách các trại huấn luyện tuyên úy hướng đạo Công giáo tại Ý, sau được Ðức Phaolô VI chọn làm Giám mục hầu cận Giáo Hoàng tại Vatican, đã tiết lộ: "Chúng tôi là những người hân hạnh ở sát cạnh Ðức Thánh Cha tại Tòa Thánh cũng như các chuyến công du rất bận rộn và mệt mỏi của ngài. Sau bao năm chung sống, điều đánh động chúng tôi nhất, là Ðức Phaolô VI không kêu mệt kêu đau bao giờ. Chúng tôi biết ngài lớn tuổi, ngài ít ngủ, ngài bị thấp khớp nặng nhưng chí khí sắt đá và ý chí mãnh liệt về sứ mệnh của ngài đã lướt thắng và chấp nhận tất cả, như ngài vẫn thường nói: "Tất cả vì Hội Thánh".
* * *
* Ba mươi năm khôn tả ở Nazareth, chúng ta không biết Chúa, Mẹ Maria làm gì cả; lên thiên đàng chúng ta sẽ hiểu được phần nào (ÐHV 828).
* Chúng ta có thể nghĩ rằng ba mươi năm này đầy mầu nhiệm, mầu nhiệm thông hiệp, mầu nhiệm hiệp nhất. Tình yêu nhân loại không hiểu thấu vì là mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa (ÐHV 829).
* Ba mươi năm chỉ xiết nhìn trông. Mấy hồi thầm lặng nói không ra lời. Giêsu nhìn Giuse, Maria, cha mẹ nhìn Giêsu. Cả nhà nhìn lên Chúa Cha; ba mươi năm hạnh phúc, làm việc tầm thường nhất trong cái nhìn thông hiệp thần linh nhất (ÐHV 830).
Trong hồ sơ điều tra để phong thánh cho một vị tu sĩ, có một chứng tích rất đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Nhân chứng khai rằng: "Tôi là một nhân chứng ở cạnh phòng thầy. Lối kiến trúc cổ điển trong các tu viện thường xếp hai dãy phòng đối diện nhau, dọc theo một hành lang ở giữa. Sống chung lâu ngày, thành thử tuy đóng cửa, nhưng hễ nghe tiếng giày khua trên nền gạch từ xa tiến lại là chúng tôi đoán được dễ dàng bước đi của ai. Có những người anh em bước đi thật mạnh dội vang khắp cả nhà. Thậm chí còn có kẻ bước những bước thật nặng nề hoặc năng đóng cửa cái "rầm" khiến cho mọi người mất cả nghỉ ngơi, an tĩnh. Còn thầy tuy ở sát phòng tôi suốt mấy mươi năm trời, nhưng dù đêm hay ngày, thầy vẫn bước những bước rất nhẹ nhàng, đóng mở cửa thật dịu dàng cẩn thận đến nỗi anh em cũng như tôi không bao giờ biết được thầy đi, thầy về lúc nào. Tôi nghĩ đây chỉ là một cử chỉ nhỏ mọn, nhưng nói lên tất cả sự tế nhị của tâm hồn đầy bác ái yêu thương".
8. Mỗi tháng đi thăm Giám mục một lần
* Với năm cái bánh và hai con cá của em bé, Chúa đã làm phép lạ nuôi năm ngàn người. Chúa vẫn toàn năng, nhưng Chúa yêu thương thiện chí của con (ÐHV 824).
* Có hai đường để sống giây phút hiện tại: Thực hiện ý con hay thực hiện ý Chúa (ÐHV 832).
Cha Thomas Brophy, thuộc địa phận Melbourne (Úc), đã chia sẻ kinh nghiệm sống như sau:
"Tôi thụ phong linh mục đã 27 năm, từng làm phó xứ, làm chánh xứ. Tôi muốn xây dựng xứ đạo tôi thành một cộng đồng mới, tạo lý tưởng yêu mến Chúa bằng cách giúp giáo dân ý thức luôn có Chúa Giêsu đang sống trong họ. Nhưng chương trình ấy không thành công. Nghe nói có khoá tu nghiệp ở Ý dành cho các linh mục, nên nhân dịp năm ngân khánh của tôi, tôi xin phép sang tham dự. Tôi chung sống huynh đệ với 62 linh mục và tu sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Thời gian đó giúp tôi khám phá được câu trả lời cho những băn khoăn của cuộc đời tôi:
Sống giây phút hiện tại và
yêu mến Chúa trong anh em.
Tôi cảm thấy như sờ được chính Thiên Chúa trong anh em và trong vạn vật. Tôi lấy lại niềm tin và sung sướng về lại với giáo phận. Nhưng rồi, ngoài việc xây dựng lại giáo xứ, một hôm tôi đã suy nghĩ: Ðức Giám mục R. Knox của tôi thực là cô đơn, chính ngài là Chúa Giêsu bị bỏ rơi. Mặc dù ngài tiếp nhiều khách, có nhiều nhân viên phụ trách nhiều văn phòng, nhưng hết giờ ai về nhà nấy. Người ta chỉ gặp ngài vì công vụ. Tôi bèn quyết định mỗi tháng sẽ đi thăm ngài một lần. Tôi gọi điện thoại xin phép gặp ngài, ngài hẹn giờ, tôi đến. Nội dung câu chuyện chỉ là trình bày công việc mục vụ trong xứ, hỏi thăm sức khỏe. Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi rút lui. Mấy tháng sau tôi cũng làm như vậy. Ðến tháng thứ tư, Ðức Tổng Giám mục R. Knox hỏi tôi: "Trước kia cha không thăm tôi, sao bây giờ tháng nào cha cũng đến? Cha cứ nói thực, cha có vấn đề gì khó khăn không? Có ý kiến gì cần trình bày không?"
- Thưa Ðức Tổng, con không có vấn đề gì cả. Giáo xứ con vẫn vui vẻ và tiến triển tốt; nhưng thú thực, con đã dốc lòng mỗi tháng đi thăm Ðức Tổng một lần, vì con nghĩ Ðức Tổng là Chúa Giêsu bị bỏ rơi, con phải yêu mến, thăm viếng, chia sẻ nỗi lòng của Ðức Tổng...
Nghe tôi nói, ngài rất bỡ ngỡ và cảm động:
- Mấy lâu nay tôi không ngờ và không để ý đến lòng tốt của cha. Cám ơn cha lắm! Quý hoá quá!
Thế rồi ngài nói hết lo âu của ngài, những khó khăn ngài gặp phải, những chương trình ngài dự định... Tôi chỉ việc ngồi nghe. Lúc tôi kiếu về, ngài bắt tay thân mật và dặn:
- Hẹn tháng sau nhé! Nhớ đến thăm tôi!
Và mỗi lần tôi đến, ngài giữ tôi lại nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ, thao thao bất tuyệt...
Bây giờ tôi hiểu: Tuy ngài có bao nhiêu là Giám mục Phụ tá, Tổng đại diện quản hạt. Nhưng có lẽ tất cả chỉ tiếp xúc với ngài vì công việc thôi. Còn tôi, tuy chỉ là một linh mục tiểu tốt vô danh, chỉ làm một việc rất tầm thường, là mỗi tháng đi thăm Giám mục của tôi một lần, và chăm chỉ nhẫn nại ngồi nghe ngài. Nhưng tôi thiết nghĩ việc nhỏ mọn này cũng có giá trị phần nào và cần thiết, vì Ðức Giám mục của tôi còn có người biết lắng nghe bao tâm sự đang chất chứa trong lòng.