Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
31- Bác Ái
1. Bác ái là thí mạng
* Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên thánh giá, Chúa Giêsu còn bị bỏ rơi trong mọi anh em đau khổ, khắp trên thế giới (ÐHV 803).
* Ngày tận thế Chúa phán xét về đức ái, không phải về các thành công vĩ đại (ÐHV 804).
Chúa Giêsu đã dạy: "Không có tình yêu nào cao cả bằng thí mạng vì kẻ mình yêu" và chính Người đã làm gương trước.
Bước theo Ngài, các thánh cũng làm như vậy. Cha xin đan cử một vài mẫu gương sống động sau đây:
Thánh Paulinô, Giám mục thành Nôla (353-431), sau khi thu xếp xong việc gia đình từ bỏ chức lãnh sự ở Roma, đã sống một cuộc đời tu đức khổ hạnh và làm đến chức Giám mục. Khi quân Goths chiếm đóng xứ ngài và bắt nhiều người làm nô lệ, ngài đã bán tất cả gia sản để nuôi người nghèo và chuộc nhiều kẻ nô lệ trong số đó. Tới lúc quân Vandales tiến đến, ngài không còn gì để bán nữa nên đã hy sinh chính bản thân của mình, đi làm nô lệ thay cho con trai của bà góa và bị điệu sang Phi châu. Mãi lâu sau, ngài mới được trả tự do và trở về lại giáo phận Nôla của ngài trước niềm hân hoan cảm phục của mọi giáo hữu.
* * *
* Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt mà tay trái không biết. "Hãy yêu thương nhau như Thày yêu thương chúng con" (ÐHV 755).
* Nếu các công việc từ thiện xã hội của con không phải vì Chúa, thì con chỉ là nhân viên của một chi nhánh Hồng Thập Tự (ÐHV 786).
Thánh Vinh Sơn Phaolô (1581-1660) là một vị thánh của bác ái. Suốt đời ngài tận tụy hy sinh để nâng đỡ cuộc sống của những ai bị xã hội ruồng bỏ, như những kẻ nghèo khó, cô nhi, quả phụ, nông dân quê mùa, hay tội nhân trong chốn ngục tù.
Trước hết về phần thiêng liêng, ngài đã đem hết lòng đạo đức và khôn ngoan để làm bề trên hướng dẫn Dòng Ðức Bà Ði Viếng (là Dòng lo cho những kẻ nghèo khó) trong suốt 40 năm. Ngài cũng đi khắp nơi, nhất là trong những vùng thôn quê, những khu xóm lao động bị giới vương bá bóc lột để rao giảng Tin Mừng. Ngài còn nhiệt thành trong việc canh tân đời sống linh mục và thiết lập các chủng viện.
Về phần xác, nói được ngài là người đầu tiên có sáng kiến khởi xướng việc sáng lập nhiều hội Bác ái từ thiện để lo cho những người khốn khổ, giáo dục các cô thiếu nữ...
Mãi đến lúc tuổi già, nhiều đêm khuya tuyết sa lạnh buốt, ngài vẫn lang thang tìm kiếm những cụ già thân run lập cập giữa cảnh màn trời chiếu đất, hay những trẻ thơ vô tội bị vứt bỏ ở các góc đường để bế về nhà săn sóc, cứu chữa...
Ðể nối tiếp công việc bác ái phi thường ấy, ngài thành lập Hội Dòng "Các linh mục chuyên giảng đại phúc" để rao giảng cho giới bần cùng ở chốn thôn quê và Dòng Nữ Tu Bác ái để cứu giúp những người nghèo khổ.
Vì quá tận tụy trong chức vụ và vì tuổi già sức yếu, ngài đã an nghỉ trong Chúa lúc gần 80 tuổi. Ðức Lêô XIII đã tôn ngài làm bổn mạng các Hội Từ Thiện Công giáo khắp thế giới. Chúng ta nên ghi nhớ câu nói của ngài: "Ðức Bác ái chân thực thì mở tay ra và nhắm mắt lại".
* * *
* Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa (ÐHV 787). * Nếu không triệt để thi hành chúc thư của Chúa Giêsu, là sống bác ái, thì con là đứa con bất hiếu vô phúc thật (ÐHV 806).
Thánh Camillo Lellis (1550-1614) đã lập một Dòng để giúp các bệnh nhân; Dòng ấy có lời khấn thứ tư buộc người tu sĩ phải hoàn toàn dấn thân cho họ bất chấp bệnh truyền nhiễm, vì đó là tiếng gọi của lòng nhân lành Chúa.
Nhưng chúng ta biết, ngay từ thời niên thiếu, Camillo là một quân nhân chỉ biết đua đòi ăn chơi phóng đãng. Ngài đã sống một cuộc đời thanh niên sa đọa, đến nỗi sau cùng phải vào nằm trong bệnh viện Roma. Tại đây, những đau đớn của chính bản thân, nhất là những rên xiết của những bệnh nhân đã khiến ngài xúc động sâu xa và quyết tâm sửa đổi đời sống.
Sau khi trở về cùng Chúa, Camillo đã nhận ra ơn gọi của mình là phục vụ các bệnh nhân nghèo khổ. Bởi đó, trước hết ngài đã tình nguyện giúp việc tại bệnh viện và xin gia nhập Dòng Phanxicô. Khi chịu chức linh mục xong, ngài đã lập một Dòng tu với lời khấn đặc biệt như đã nói. Những lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: "Ta đau yếu và các con đã thăm viếng" đã đốt lên trong tim ngài một ngọn lửa tình yêu mạnh mẽ đối với những kẻ ốm liệt. Về sau, mặc dầu bị bệnh nhức đầu, lỡ loét bao tử liên miên hành hạ, ngày ngày ngài vẫn vui vẻ chăm sóc bệnh nhân. Ngài bình thản chịu đựng mọi tủi nhục khổ đau và thường nói: "Tôi hằng ước ao có một trái tim rộng lớn như thế giới để bao phủ thế giới bằng ngọn lửa của lòng bác ái đang bốc cháy trong tôi".
* * *
* Khi con giúp ai điều gì, phải hết sức bác ái, để người thụ ân tha thứ cho con, cái nhục họ chịu khi nhận của con (ÐHV 788).
Còn vô số gương bác ái của nhiều vị thánh nam nữ khác nữa, nhưng vì khuôn khổ tập sách, chúng ta không thể kể hết được. Có thể nói vị thánh nào cũng có những gương bác ái, bởi lẽ bác ái là bản chất, là mẫu số chung của cuộc sống các ngài. Vì các thánh, là những người sống trọn vẹn cho tình yêu.
2. Tướng tiền phong của công cuộc bác ái xã hội
* Yêu người là "trách nhiệm chắc chắn về lòng mến Chúa" của con (ÐHV 765).
* Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều họ, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ (ÐHV 766).
Người ấy là ai mà được một danh hiệu cao đẹp như thế?
Thưa: một đứa con hoang người da đen thuộc giai cấp nô lệ, tên Martinô Porres (1569-1639) mà Ðức Gioan XXIII đã suy tôn lên đài vinh quang các thánh vào ngày 6.6.1962 và cũng chính là vị Giáo Hoàng khả kính đã tặng danh hiệu cao quý vừa nói cho ngài.
Suốt đời, Martinô Porres đã luôn giơ tay an ủi kẻ âu lo, thăm viếng chạy chữa thuốc thang cho kẻ liệt lào, nâng đỡ kẻ già nua góa bụa, giúp đáp người cơ khổ túng thiếu, hàn gắn vết thương lòng cho những người cô độc bị áp bức. Mà nhân đức nói trên, Martinô đã thực hành từ tấm bé. Khi còn nhỏ, Martinô lợi dụng những lần mẹ sai đi mua đồ lặt vật để bớt xén tí tiền đem biếu cho những người cậu nghĩ còn cùng khổ hơn. Ðược biết như thế, mẹ Martinô hơi tỏ vẻ khó chịu và nhiều lần trách mắng con. Có lần tức quá bà đã giáng cho cậu một tát tai đau điếng.
Lúc lên 7 tuổi, Martinô đã đủ sáng suốt để nhận thấy rằng thành phố Lima đầy những chướng tai gai mắt. Bên cạnh những lối sống xa hoa trụy lạc do sự bóc lột mà mồ hôi nước mắt của kẻ khác nhan nhản không biết bao nhiêu cảnh cô đơn, nghèo nàn khổ cực. Thế nhưng giữa bao thối nát đen tối ấy vẫn còn sáng lên nhiều mẫu gương tông đồ bác ái đích thực, ảnh hưởng sâu đậm trên tâm hồn của cậu thiếu niên. Ban đầu, mẹ cậu đang ở trong hoàn cảnh nghèo túng cô đơn, thấy con hay giúp người cùng khổ đôi chút tiền bạc thì rất bực mình khó chịu; nhưng dần dần bà suy nghĩ, tỉnh ngộ, đổi ác cảm thành thiện cảm. Bà yêu quý con ngày càng thắm thiết và đã trở thành một vị hiền mẫu giàu lòng bác ái.
Năm 22 tuổi, Martinô xin vào Dòng Ða-minh để làm gia nhân. Nhưng bề trên nhà dòng thấy chàng có nhiều nhân đức nên sau một thời gian đã chọn làm trợ sĩ. Thầy hết sức sống bác ái yêu thương giữa cộng đoàn. Một hôm, tu viện phải khẩn trương thanh toán một món nợ mà chẳng kiếm đâu ra tiền. Cha Bề trên bất đắc dĩ phải mang đi bán một vài báu vật của tu viện. Cha vừa ra khỏi cổng, thầy Martinô đã vội chạy theo, vừa thở vừa thưa:
- Nhà Dòng cần tiền để trả nợ, nhờ ơn Chúa, thưa cha, con có cách trả được!
- Con trả bằng cách nào? Cha Bề trên quay lại hỏi, tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Thưa cha, con là một người da đen hèn hạ, chẳng có chi cho Nhà Dòng. Xin cha cứ bán con đi để lấy chút tiền trả nợ cho người ta. Con xin cha ban cho con đặc ân ấy... Biết đâu lọt vào tay thiên hạ, họ sẽ bắt con làm việc vất vả và hữu ích hơn...
Nghe nói thế, cha bề trên xúc động đến chảy nước mắt. Ngài đăm đăm nhìn thầy Martinô từ đầu đến chân một cách yêu thương trìu mến và ra hiệu bảo thầy quay trở lại nhà dòng.
Ðã chăm làm việc lại có nhiều tài nên thầy Martinô suốt ngày quần quật: hết ở trong kho quần áo lại sang bệnh viện, hoặc lang thang ngoài hè phố để giúp những người nghèo khổ cô đơn. Một hôm đang lúc đi đường, thầy gặp một người áo quần xác xơ tả tơi, mình đầy ung nhọt hôi hám và mắc phải một chứng bệnh đớn đau cùng cực. Thầy bèn cõng người ấy về phòng riêng của thầy ở trong tu viện, đặt nằm thoải mái trên giường, ra sức tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống... Thầy săn sóc bệnh nhân cách tận tụy như săn sóc chính Chúa Giêsu. Thấy vậy, một tu sĩ tỏ dấu bất mãn và lên tiếng trách thầy sao lại đưa đứa ăn mày ghê tởm về phòng và lo lắng quá đàng hoàng. Martinô ôn tồn đáp: "Thưa thầy, tôi nghĩ rằng việc thương người hoạn nạn còn quý gấp vạn lần sự sạch sẽ. Thầy nghĩ xem, mền chiếu tôi có dơ bẩn thì chỉ mất một chút xà-bông là giặt sạch, nhưng cả một suối nước mắt nhân loại cũng không đủ để rửa sạch những vết thương do cái xã hội bất công và ích kỷ gây ra.
3. Cái quần của thánh Gioan Vianney
* Ký sổ vàng, mua vé số, cho áo quần cũ, những việc bác ái để khỏi bị quấy rầy! Yêu thương mới là khó. Hãy để lòng con trong sổ vàng, trong vé số, trong gói áo quần cũ! (ÐHV 740).
* Bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại (ÐHV 792).
Thánh Gioan Vianney thiết tha yêu mến Chúa và các linh hồn. Mấy mươi năm liền, ngài luôn giam mình trong toà giải tội mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ để đem các tội nhân về trong vòng tay Chúa. Không những thế, ngài còn luôn canh cánh bên lòng mối bận tâm và cảnh nghèo túng cơ cực của nhân dân. Chính ngài đã lập nên các viện cô nhi, lớp học mẫu giáo và sẵn sàng cho kẻ nghèo tất cả những gì ngài có hay kiếm được.
Trong lúc toà án giáo phận Belley đang tiến hành việc điều tra về hạnh tích của vị linh mục, để lập hồ sơ xin phong thánh, thì có một cụ già quê mùa nghèo khó đến làm chứng như sau:
"Hôm ấy, trời đã sầm tối, tôi thấy cha Vianney đi giúp tuần đại phúc ở một xứ xa về; giữa đường vắng chỉ có tôi với ngài; vừa gặp tôi, ngài liền lên tiếng chúc một cách vui vẻ:
- Chào ông, mấy lâu nay có được sức khỏe không? Công việc làm ăn ra sao?
- Chào cha, dạ cám ơn Chúa, con cũng thường luôn; nhưng chẳng giấu gì cha, con túng thiếu quá, mất liên tiếp ba vụ mùa liền!
- Tội nghiệp! Tôi thương ông và các cháu lắm! Chúng nó rất ngoan.
Vừa nói ngài vừa xỏ tay vào túi áo, lục soát khắp cùng mà cũng chẳng lòi được một xu. Nhìn trước nhìn sau, ngài ghé vào tai tôi bảo nhỏ:
- Ông chịu khó đợi cha một chút nghe!
Tôi vâng lời đứng đợi. Ngài rón rén đi ra sau một lùm cây... Mấy phút sau ngài trở lại, trao tận tay tôi một vật và nói:
- Cha không còn gì cả. Ông vui lòng lấy cái quần của cha đây đem bán mà mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, bữa sau có gì cha sẽ giúp cho thêm. Thôi chào ông nhé!
Tôi chưa kịp cám ơn vì quá xúc động nghẹn ngào thì bóng dáng ngài đã biến mất sau hàng cây ở trước mặt..."
* * *
Cũng trong dịp điều tra để phong thánh cho vị linh mục thánh thiện, một bác nhà quê khác đã làm chứng rằng: "Tôi quê mùa chất phác, chẳng biết nói chi, chỉ xin thưa thế này: Tôi nghĩ Thiên Chúa hẳn tốt lành vô cùng vì cha sở chúng tôi là một người phàm giữa thế gian mà đã tốt lành quá sức tưởng tượng..."
4. Bác ái trong cuộc sống thường ngày
* Khi nào con đi công tác cho Ðức Mẹ một cây số xa nhà con, chưa chắc con đã sống bác ái thật. Chừng nào con dám công tác bên cạnh nhà con, đến với những người nghe thấy con mỗi ngày, cha mới tin con bác ái thật! (ÐHV 738).
* Cộng đoàn nào có một thánh tu hành thì thánh ấy hay làm cho cộng đoàn có nhiều thánh tử đạo (ÐHV 760).
* Tính xấu của tôi, gọi là nhân đức. Thiện chí của anh em tôi gọi là khuyết điểm (ÐHV 763).
* Con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em? (ÐHV 764).
* Bác ái là tu đức liên lỉ: tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc.. Tất cả con người con vẫy vùng, nhưng con phản ứng yêu thương, như Chúa Giêsu (ÐHV 797).
Chị thánh Têrêxa Hài Ðồng không bỏ qua một dịp nào mà không hy sinh vì lòng mến Chúa. Chị nên của lễ toàn thiêu suốt ngày. Chúng ta hãy nghe chị thuật lại câu chuyện đơn sơ nhưng đầy can đảm nhẫn nại sau đây để rồi đến phiên ta, ta cũng hãy làm như chị:
"Con còn nhớ hồi con còn nhỏ ở nhà tập, Chúa đã có lần soi sáng cho con thấy một việc bác ái mới. Việc làm tuy nhỏ, song Chúa là Cha, thấu suốt mọi sự kín nhiệm Ngài đã xem chủ ý của con hơn là việc làm bên ngoài của con nên đã ban thưởng cho con ngay ở đời này. Ðó là những lúc chị Saint-Pierre phải xuống nhà cơm hay là xuống ca hội. Giờ nguyện gẫm buổi chiều, chị ngồi ở hàng ghế ngay trước mặt con, cứ tới sáu giờ kém mười phút thì phải có một chị bỏ dở nguyện gẫm để dìu chị xuống phòng ăn, vì hồi đó trong nhà có nhiều người đau khiến các chị y tá không thể đích thân đến rước chị đi được. Mà tất cả đều biết việc này không phải là chuyện dễ. Rất khó làm cho chị Saint-Pierre vừa ý. Chị đau nhiều quá nên hễ động một chút là rên. Tuy nhiên con không muốn bỏ lỡ một cơ hội thi hành đức yêu thương vì nhớ lại Lời Chúa đã phán: "Khi các con làm một việc gì cho anh em hèn mọn nhất của Ta là các con đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40). Thành thử một hôm con hết sức khiêm tốn đến xin giúp chị. Nguyên việc thuyết phục chị chấp thuận cái ý nguyện này cũng đã khó rồi. Cuối cùng, nhờ biết ăn nói khéo léo, con đã thành công mỹ mãn.
Thế là một buổi chiều, khi thấy chị Saint-Pierre lắc cái đồng hồ cát của chị thì con hiểu ý chị muốn nói: Thôi ta đi! Ðầu tiên, con cảm thấy rất ngại, tuy nhiên con cũng vội vã đứng dậy, và các nghi thức bắt đầu. Nguyên việc nhắc cái ghế cho chị cũng có một nghi thức riêng, phải nhắc thật khoan thai, không được vội vã. Sau đó là khởi hành. Phải vừa đi theo vừa đỡ chị ở chỗ thắt lưng. Con phải đỡ nhẹ hết sức, nhưng nếu chẳng may bước lỡ một bước thì lập tức chị làm như thể tại con không biết nâng chị, rồi vừa lảo đảo muốn té vừa bảo: "Chúa ơi! Chị đi mau quá! Tôi ngã bây giờ!" Nếu con cố gắng đi chậm hơn thì chị lại nói: "Theo tôi mau lên! Tôi chẳng thấy tay chị đỡ tôi gì cả. Chị buông tôi ra, tôi ngã đây này. Thì tôi nói có sai đâu: Chị còn trẻ quá, đâu có dắt tôi được!" Thật là may nếu chúng con vào nhà cơm mà không có tai nạn nào. Nhưng đến đó lại gặp những khó khăn mới: Phải khéo léo để giúp chị ngồi xuống mà không làm phật lòng chị, rồi lại phải xem tay áo cho chị (phải biết cách xắn mới được) bây giờ công việc kể như xong. Nhưng rồi nhận thấy hai bàn tay tật nguyền của chị lấy bánh bỏ vào tô cách khó khăn, nên con lại giúp chị luôn việc này nữa. Sau đó con nở một nụ cười rất tươi rồi mới đi. Thấy con để ý giúp chị như thế, chị cảm động lắm. Dần dần, nhờ cách giúp đỡ tự nhiên ấy mà chị thích con, và sau cùng trở nên hết sức dễ dãi.
... Khi dìu chị Saint-Pierre, con làm với tất cả lòng mến của con. Nếu có dìu Chúa Giêsu thật sự, con cũng không thể làm hơn được nữa".
5. Nhìn người khác với con mắt Thiên Chúa
* Trước khi xét đoán, con hãy cầu nguyện rồi hãy làm như Chúa Giêsu trong trường hợp con (ÐHV 737).
* Nếu con khen người khen con, chấp nhận người không phản đối con, giao tiếp với người đồng ý kiến với con, con không bác ái cũng không sáng suốt: Mù dắt mù (ÐHV 759).
* Chúng ta phải biết cám ơn lẫn nhau. Người nhận: vì được yêu thương giúp đỡ. Người cho: vì được dịp lớn lên trong tình yêu (ÐHV 771).
* Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án và bắt anh em con diễn hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế quan tòa, không bao giờ ngồi băng bị can? (ÐHV 772).
* Tại sao con ghi khắc khuyết điểm của người vào bia đá, còn tội lỗi của con thì viết trên cát (ÐHV 776).
* Hạnh phúc cho một huynh đệ đoàn là gì? Là "Phúc cho kẻ bị bắt bớ". Ðúng vậy! Ðây là một cuộc bắt bớ có tổ chức, có thời khóa biểu, có luật lệ. Những cuộc bắt bớ này đem lại sự cứu chuộc, vì đặt con trong ý nghĩa của lịch sử và của Hội Thánh là xã hội hóa trần gian (ÐHV 778).
* Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu (ÐHV 783).
* Ðừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con không ngọt đủ (ÐHV 790).
Cha Gaston Courtois là một vị giảng phòng thời danh và là một nhà linh hướng khôn ngoan, thánh thiện, giàu kinh nghiệm rất được các linh hồn mến phục. Ngài có thuật lại câu chuyện như sau:
"Một nữ tu nọ đến gặp tôi và nói với giọng đầy xúc cảm:
- Thưa cha, con chịu không nỗi nữa, đời sống cộng đoàn làm con ngột ngạt quá. Con đã phấn đấu nhẫn nại, nhưng nay con quá căng thẳng. Xin cha giúp con, nếu không thì...
- Cha nghe con, con cứ thành thật nói những gì đè nặng trên lòng con.
- Thưa cha, dĩ nhiên sống chung thì không làm sao tránh khỏi những va chạm, con chấp nhận thế; nhưng vô phúc cho con vì gặp phải một chị... không chút thiện cảm tí nào. Chị hay phê bình chỉ trích con nhịn mãi không được nên chính con cũng phê bình chị lại. Con thấy nơi chị cái gì cũng xấu cả. Con không thể nào nhìn mặt chị được, đâu có chị là con tránh đi ngay để khỏi bực tức và sinh tội.
- Con giữ đức bác ái sao lại không thương yêu chị ấy?
- Con biết Chúa dạy phải yêu thương cả kẻ nghịch của mình nữa. Song con thú thực với cha, đối với ai cũng được nhưng đối với chị ấy thì con ghét cay ghét đắng, ngửi không được, chịu cũng chẳng nổi!
- Chị ấy xấu lắm sao?
- Thì con đã thưa với cha: chị ấy xấu hết chỗ nói: kiêu ngạo, phê bình, chỉ trích, nóng nảy, hay hờn dỗi, nói xiên nói xỏ, chua cay đắng đót, kể ân kể nghĩa, khoe khoang cùng mình... Nói tóm là xấu từ đỉnh đầu đến dưới bàn chân, từ trong ruột ra tới ngoài vỏ... Con không thể nào chịu nổi được nữa. Quá sức tưởng tượng!
- Con khẳng định chị ấy hoàn toàn là xấu?
- Thì cha không tin con sao? Không lẽ con bịa đặt ra à? Con đã cố gắng hiểu tốt cho chị ấy. Nhưng không thể được.
- Ðây, cha trao cho con một tờ giấy và một cây bút, con khởi sự viết cho cha các tính tốt của chị ấy đi!
- Chao ôi, có đâu mà viết! không lẽ cha bắt con bịa đặt ra sao!
- Con cứ bình tĩnh suy nghĩ xem! Không lẽ xấu đến thế mà người ta lại cho ở trong nhà dòng à?
- Thế mới khốn nạn chứ. Ở với nhau tưởng là thiên đàng, hoá ra là địa ngục, chín tầng địa ngục!
- Bây giờ cha giúp con tìm thử xem chị ấy có mấy tính tốt nhé!
- Vâng, con đã đến đây thì xin vâng lời cha. Ðố mà tìm được! Cha tìm ra một tính tốt, con phục sát đất!
- Chị ấy giờ giấc có đúng theo thời khắc biểu trong nhà không?
- À... chuyện này thì có!
- Con ghi vào đi, số 1. Chị ấy có vâng lời bề trên không?
- Chả biết trong lòng thế nào, chứ bề ngoài thì vâng lời triệt để.
- Ghi vào, số 2. Bổn phận của chị, chị có chu toàn không?
- Thưa cha chị ấy lo làm vườn và nuôi lợn nuôi gà. Mà nhờ khoẻ như trâu nên lúc nào cũng vượt chỉ tiêu cả, làm con chạy theo đến hụt hơi muốn chết.
- Thế là con ghi thêm điểm tốt số 3. Khi ai nhờ vả chị ấy chị có sẵn sàng giúp đỡ không?
- Dạ có! chị đã nhận giúp ai việc gì là làm hết sức tận tụy.
- Con ghi vào điểm tốt số 4.
Cha Gaston Courtois cứ hỏi và chị nữ tu ghi gần hết trang giấy. Ngài dịu dàng bảo:
- Thôi, ngang đây cũng tạm đủ rồi. Từ đây con phải nghe lời cha, trước khó sau dễ: Con hãy yêu Chúa Giêsu trong chị ấy. Con để trang giấy này trên bàn của con và hằng ngày nhìn vào các đức tính của chị để tìm hiểu chị và yêu mến chị. Mỗi khi cảm thấy khó chịu, con đọc một kinh Kính Mừng và cầu nguyện cho chị. Nhất là con cố gắng tươi cười với chị, đừng tìm cách lẩn tránh, ngược lại, phải tìm dịp tiếp xúc chuyện vãn với chị, giúp đỡ chị hay nhờ chị giúp con.
-Thà cha bắt con ăn chay đánh tội một ngàn ngày còn hơn bắt con làm công việc ấy. Khó quá cha à!
- Con cố gắng đi, vì mến Chúa. Con xin Ðức Mẹ giúp con, cha cũng cầu nguyện cho con. Rồi đúng một tháng sau con đến gặp cha lại. Nếu không nghe lời cha thì đừng bao giờ đến gặp cha nữa!
* * *
Một tháng trôi qua, chị nữ tu lại đến gặp cha Gaston Courtois.
- Thế nào, báo cáo lại cho cha nghe coi.
- Liều thuốc cha cho con uống đắng quá, nhưng con đã phấn đấu và bắt đầu có kết quả rồi cha ạ! Con bớt căng thẳng, chúng con đã có dịp trao đổi với nhau năm ba câu. Chị ấy giúp con đôi việc nhỏ, con cũng đã giúp chị vài chuyện lặt vặt... Nhưng bên nào cũng còn giữ thế, chỉ đối xử dò chừng vậy thôi!
- Hoan hô con! Hãy cám ơn Chúa và xin Mẹ Maria giúp thêm. Chúng ta cầu nguyện và chiến đấu thêm hơn nữa với bản thân mình, còn chị ấy con hãy giao cho Chúa. Con đã bước cái bước khó nhất, bây giờ hãy mạnh dạn tiến thêm hơn nữa. Hẹn con tháng sau nhé!....
Từ đây mỗi tháng, chị nữ tu đều gặp cha Gaston Courtois một lần, báo cáo những bước tiến khả quan hơn. Hai bên đối phương đã xích lại gần nhau, đã dám đối thoại với nhau cách thẳng thắn. Dần dần những tháng sau đó, kẻ thù không đội trời chung đã hoá thành bạn hữu: Cả hai đã "bình thường hoá quan hệ" giữa nhau, câu chuyện nhỏ to đã "thắm thiết tình hữu nghị".
Tháng thứ năm, chị nữ tu đến gặp cha Gaston Courtois với nét mặt hớn hở thoải mái:
- Thưa cha, con chịu thua cha rồi! Con xin đầu hàng! Trước đây con đến gặp cha với một tâm hồn bi đát, thất vọng. Giờ đây con lại đến với một tâm hồn tràn ngập hy vọng vui tươi. Chúng con đã hiểu nhau, mọi mây mù đã tan biến nhường chỗ cho khung trời sáng sủa. Chúng con đã trở nên đôi bạn thân, dễ dàng tâm sự và nâng đỡ nhau về mọi mặt. Từ đây, cha khỏi bắt con suy nghĩ về các đức tính của chị ấy nữa, kẻo con sẽ yêu riêng chị mà làm tổn thương đến tình đoàn kết hiệp nhất trong cộng đoàn!
- Không phải cha thắng, nhưng chính trái tim Mẹ Maria, chính tình yêu Chúa Giêsu đã giúp cha con mình chiến thắng... Cha chia vui với con, và con hãy cứ vui tươi mà sống như vậy! Sau cơn mưa trời lại quang đãng! Có Chúa, Mẹ Maria và Thánh Giuse ở giữa các con luôn!
6. Ðừng tiếc lời khen hay nụ cười thân ái
* "Tôi không làm việc bác ái được vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền mới bác ái sao? - Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyện (ÐHV 741).
* Ðừng đợi gần chết mới làm hòa với nhau. Ðừng để gần chết mới phân phát của cải. Bác ái: "chẳng đặng đừng", bác ái "bất đắc dĩ", con sẽ tiếc vì yêu thương quá chậm (ÐHV 742).
* Người ta không cần của con! Người ta không cần con cho, bằng cần con hiểu họ, thương họ! (ÐHV 743).
* Ðừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì con bao nhiêu tồi tệ mà họ chưa nói (ÐHV 744).
* Cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau khỏi ngã lúc gió bão (ÐHV 746).
* Chúa nói: "Nếu ai mất lòng con, hãy để của lễ, về làm hòa với người ấy..."; còn con, con làm ngược lại: "Cứ dâng của lễ và phóng thanh cho mọi người biết, trừ ra gặp đương sự." Tin mừng của con! (ÐHV 752).
* Con chủ trương phải đối thoại, nhưng con không chấp nhận ai nói trái ý con. Ðó là "đối thoại có chương trình và giới hạn" hay nói đúng hơn: hai người độc thoại (ÐHV 753).
* Tại sao con hà tiện một tiếng khen? Tiếc một nụ cười? Một siết tay với người ta? Bao nhiêu người không cần bạc tiền, chỉ cần lòng con (ÐHV 785).
Cũng chính cha Gaston Courtois thuật lại chứng tích sau đây:
- Một cha phó trẻ tuổi đến gặp tôi với vẻ mặt buồn thiu ảm đạm:
- Thưa cha, con đau khổ quá, con định lên Tòa Giám mục xin thuyên chuyển đi xứ khác!
- Tại sao thế? Con cứ nói hết đầu đuôi câu chuyện cho cha nghe. Cha sẵn sàng giúp con.
- Con nghĩ con thực xấu số: mới tập tễnh vào đời mà gặp một cha xứ quá tệ! Bầu không khí nhà xứ nghẹt thở lắm, cha ạ! Không ngày nào mà không có chuyện va chạm xích mích. Giờ cơm đúng ra là buổi thân mật nhất, vui vẻ nhất lại là lúc im lặng nặng nề, ai cũng cúi đầu ăn cho xong mà đi. Ăn cũng chẳng biết ngon lành gì nữa. Do đó, đời sống thiêng liêng cũng bị ảnh hưởng, lại sinh thêm gương xấu cho giáo dân...
- Ngài khó tính lắm sao?
- Hết chỗ nói! Vừa lạc hậu vừa độc đoán, không bao giờ chấp nhận đối thoại, xem người không bằng ngọn rau má!
- Ngài hay chỉ trích con lắm à?
- Gặp ai ngài cũng chê bai cha phó, cha thấy có tệ hại và chán nản cho tuổi trẻ không! Nào là ít kinh nghiệm, nào là bồng bột, nào là thiếu nghiêm trang, cứ hay chơi đùa với thanh niên, trẻ con, nào là dạy giáo lý không đúng. Ngài muốn con giáo dục thanh thiếu niên theo kiểu xưa, dùng sách giáo lý cổ lỗ sỉ mà dạy thế thì đứa nào thèm nghe! Muốn bệ vệ như ngài thì con lúng túng quá và không cách nào chịu được!
- Thế con có bao giờ chỉ trích ngài không?
- Con phải công nhận là có. Vì con phải bênh vực lập trường của con chứ! Con đã phê bình ngài trước mặt nhiều người. À, mà ngài lại còn hà tiện lắm nữa kia! Con mới ra trường, không có được xu mô. Tuần trước, đưa thiếu nhi đi cắm trại liên hoan sau ngày rước lễ vỡ lòng, con đến xin ngài lì xì; ngài đã không cho thì thôi, lại còn phê thêm một câu chua như giấm: "Các cha đời bây giờ chả làm nên được cái gì cả, chỉ ham chơi đùa với cắm trại!". Dẫn bầy trẻ đi, con phải rán vui nhưng trong thâm tâm thực đắng cay chua xót. Cha thấy có khổ không?... Thú thực với cha, con năng bàn chuyện cha xứ với giáo dân lắm!
- Cha thông cảm với con, nhưng con hãy bình tâm suy nghĩ lại. Ai lại không có tính khí, có lập trường của mình. Nhất là người càng lớn tuổi thì càng giữ quan điểm của thời họ, của lối giáo dục mà họ đã hấp thụ. Sau con đến tuổi già cũng dễ mắc phải tật ấy. Con phàn nàn với người ta về cha xứ, tất nhiên có kẻ mách lại cho ngài biết, và như thế ngài sẽ chỉ trích chê bai con lại. Thế là hết tình nghĩa huynh đệ và càng đắng cay chua xót với nhau hơn. Con đã đến với cha thì cha bàn với con thế này. Con thấy ngài có điểm nào có thể khen được không?
- Chịu? Con thấy ngài như cái hũ cũ, chả có gì mà khen cả!
- Thế con thấy ngài giảng thế nào?
- Kể ra không hấp dẫn mấy, nhưng mà có dọn trước, có bố cục, mạch lạc đàng hoàng; kiểu cổ điển: có mở đầu, kết luận...
- Ngài có chịu khó ngồi tòa giải tội không?
- Cha thì thực là khéo hỏi chuyện! Về vấn đề ấy thì con thua xa ngài. Ngài ngồi tòa thực là kiên trì, và ai xin giờ nào ngài cũng sẵn sàng cả.
- Sổ sách các phép ngài làm có phân minh không?
- Ngài khó tính thì thật là khó tính nhưng sổ sách thì ngài ghi từng ngày một, rõ ràng minh bạch, không chê vào đâu được...
- Bây giờ cha xin con nghe cha: Từ đây ngài có nói gì con thì mặc ngài, trước sau thì ta vẫn là ta; nhưng ngược lại, phần con, vì hy sinh, vì yêu mến Chúa trong ngài, nếu con phải phấn đấu sống với ngài thật là bác ái huynh đệ. Và để ngài xác nhận là con tốt với ngài, cha đề nghi con lợi dụng tất cả mọi dịp để khen ngài. Không phải cha bảo con tâng bốc hay cho ngài đi tàu bay giấy, nhưng con nên khen những điểm tốt mà chính con vừa xác nhận đó! Can đảm lên! Mẹ Maria sẽ giúp con. Tháng sau con tới lại!
Ba mươi ngày trôi qua, cha phó ấy lại đến gặp tôi. Vừa bắt tay ngài đã vội vàng nói:
- Cha ơi có nhiều chuyện vui lắm! Ðể con thuật lại cha nghe!
- Cha vẫn cầu nguyện và mong tin của con.
- Nghe lời cha con về phấn đấu hết sức, lắm lúc phải vận dụng hết tâm lực để dằn lòng xuống mà tươi cười niềm nở với ngài. Hôm chúa nhật, sau bài giảng của ngài, con vào phòng thánh gặp ông từ hỏi ngay: "Ông có nghe cha xứ giảng không? Thực là mạch lạc và sốt sắng! Lúc nào tôi cũng chăm chỉ theo dõi để học cách giảng của ngài". Ba ngày sau, lúc lên làm lễ, gặp ông từ, ông vội đến sát tai con nói khẽ với con: "Con có thuật lại lời cha hôm nọ cho cha xứ nghe, ngài vui vẻ bảo con: "Ông từ thấy chưa, đó là một cha phó còn trẻ mà trí xét đoán rất đúng đắn". Chiều thứ bảy, ngồi tòa xong, con đi xuống bếp và nói với bà bếp: "Tôi còn trẻ mà mới ngồi tòa có một lúc mà đã nghe mỏi mệt cả người, thế mà cha xứ thật là nhẫn nại; ngài ngồi lâu mấy cũng được, ai xin lúc nào cũng sẵn sàng". Ít hôm sau bà bếp mách lại với con: "Cha biết không, con thuật lại lời cha nói bữa chiều thứ bảy cho cha sở nghe; ngài có vẻ đắc chí, vừa cười vừa nói: "Ðấy bà xem cha phó này có lòng khiêm nhượng, biết kiểm điểm mình và đánh giá những điều hay của kẻ khác mà bắt chước. Bà gắng nấu nướng bồi dưỡng cho ngài. Trông ngài độ này hơi xanh..." Con cũng có dịp nói chuyện với các mẹ gia đình và lúc kết thúc đã chêm vào một câu: "Tôi về đây thực là may mắn vì học được rất nhiều đức tính nơi cha sở, đặc biệt sổ sách của ngài thật là phân minh, ngày nào xong ngày ấy không bao giờ để lại hôm sau, cẩn thận số một. Về sau có bà đến bảo riêng con: "Chúng con có thuật lời cha cho cha sở nghe, ngài cười và bảo chúng con: "Cha phó ngày càng tiến bộ, bây giờ ngài hiểu cách tôi điều hành giáo xứ, chịu khó học hỏi lắm. Thực may mới có được một cha phó như thế!" Bầu không khí giữa ngài với con dần dần thêm phần thoải mái cởi mở. Những bữa cơm không còn là giờ cực hình nữa mà là lúc đàm thoại thân mật. Chúa nhật vừa qua ngài còn cho con 100 phật lăng để đem các thiếu nhi đi trại dịp Bổn mạng giáo xứ. Thực may nhờ có cha...
- Bây giờ, con còn đòi lên Ðức Cha xin thuyên chuyển nữa không?
- Hết rồi, cơn khủng hoảng đã qua. Bây giờ lại sợ đổi đi là đàng khác!
7. Vì bác ái phải đau khổ
* Con không lượng được người say rượu có thể làm hại thế nào! Ðâm chém, đốt nhà, giết người... Khi con say vì đam mê hận thù, con càng mất sáng suốt hơn thế nữa (ÐHV 747).
* Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù ghét ở đó có hỏa ngục (ÐHV 749).
* Trong một giây, một chấm phết, bất cứ ai cũng có thể bôi nhọ bức họa vô giá của Raphael, đã tốn bao công phu, thời giờ mới thực hiện, nhưng ai làm lại được? (ÐHV 751).
* Lời bất công của người công chính vô cùng ác hại. Ðó là thuốc độc do tay bác sĩ trao. Toa thuốc ấy càng truyền ra, càng giết người (ÐHV 757).
* Môi trường đòi buộc con thinh lặng hoạt động, con cứ thích nghi môi trường và đi đến đâu con hãy "gieo rắc tình yêu". Con sẽ ngạc nhiên, vì một ngày kia, nhìn lại những nơi con đã đi qua, hạt giống tình yêu đã nặng trĩu gấp mười, gấp trăm nơi tâm hồn những người Chúa Quan Phòng định cho gặp con trên đường hy vọng (ÐHV 777).
* Những ai tổ chức vu cáo, thóa mạ, xúi giục căm thù, chống đối, dù với mục đích nào, cũng không che giấu được tính cách phản Phúc Âm. Vì Chúa là tình yêu (ÐHV 782).
* Sao con trách móc, khi người ta phủi ơn con? Công nghiệp của con mất đi sao? Hay là con bắt Chúa cám ơn con? "Ai làm cho một người hèn mạt nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta." (ÐHV 784).
* Con tốt, người ta nói xấu, con vẫn tốt. Con nghèo, người ta khen con giàu, con vẫn nghèo. Tại sao con lên ký và sút ký theo dư luận? (ÐHV 794).
* Ðừng đê hèn nói xấu người vắng mặt. Hãy nói như lời con được ghi âm, hành động như cử chỉ con được chụp hình (ÐHV 805).
Một phụ nữ tên là Nêrêa Caggianô ước ao vào dòng tu và chị đã trình bày ước nguyện ấy với thầy Giêrađô Magella, trợ sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Nhờ một số giáo dân ở thị trấn Lacédoine giúp đỡ, thầy đã trao cho chị đủ số tiền hồi môn để nạp vào một dòng nữ Chúa Cứu Thế có tiếng là đạo đức thánh thiện tại thành Foggia (Ý). Nhưng khi cơn sốt sắng ban đầu như lửa rơm phực cháy ấy đã qua, chị Nêrêa đâm ra nhớ gia đình, buồn nản và một tháng sau, "tân nữ tu" lủi thủi trở về nhà cha mẹ. Thay vì nhìn nhận mình không đủ thiện chí để bền đỗ trong nếp sống tu tập, chị ta lại kiếm một cách để chữa mình, kể cả nói xấu các bà dòng. Nhưng giáo dân trong vùng ai nghe được những lời của chị cũng đều mau miệng cải chính: Thầy Giêrađô vốn rất quan tâm lo lắng cho các nữ tu ấy được lòng đạo đức sốt sắng, nếu họ xấu xa như chị nói thì thầy lại đưa chị vào tu trong ấy làm gì!" Chị Nêrêa nêu đủ lý do để phân trần nhưng tất cả đều bị họ bẻ gãy. Cuối cùng chị đâm ra ghét luôn cả thầy Giêrađô. Hễ nghe ai nói đến thầy là chị lắc đầu bỉm môi: "À! Thầy Giêrađô! Thầy ấy đâu có hay ho gì...!" Những chữ cuối cùng được chị bỏ lửng một cách có hậu ý làm người nghe hiểu ngầm như thầy Giêrađô có chuyện chi đó rất bí mật, không tiện nói ra. Thế nhưng, chẳng một ai chịu tin vào luận điệu của chị.
Bấy giờ, chị Nêrêa bèn quyết định đánh ván bài xả láng...
Trước tiên chị làm đủ mọi cách để được một linh mục khôn ngoan, có uy tín chấp thuận làm cha linh hướng và cha giải tội của chị, đó là linh mục Benigno Bonaventura. Ðể được ngài tin, chị giả vờ sống thật đạo đức, siêng năng hãm mình chịu khó. Khi thấy ngài có lòng tin tưởng, chị liền cả gan phạm sự thánh, lợi dụng ngay cả phép giải tội để bỏ vạ cáo gian thầy Giêrađô. Chị nghĩ rằng nếu thầy Giêrađô mang tiếng xấu thì chẳng còn một ai tự ý chế nhạo chị về việc bỏ dòng ra về nữa, vì họ sẽ cho rằng thầy Giêrađô là người tào lao bê bối, đã lầm lỡ đưa chị vào một dòng khô khan nguội lạnh nên việc rút lui là một điều dĩ nhiên.
Thế là một ngày kia, chị Nêrêa vào toà giải tội và thưa với cha Bonaventura rằng: "Cách đây không lâu, thầy Giêrađô đi qua thị trấn Lacédoine và tạm trú tại nhà ông Constantin Capucci, để hôm sau, cùng với ông Capucci đưa hai cô gái của ông ta vào dòng. Ở nhà ông còn có hai cô gái nữa; một trong hai cô ấy lại là người có tính nhát sợ và rất ít nói. Hôm thầy Giêrađô tạm trú ở nhà ông Capucci, chính thầy đã có chuyện đồi trụy xấu xa với cô ta..."
Nêrêa khai rất tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết về ngày giờ, nơi chỗ... và nêu rõ chính chị đã chứng kiến cảnh tượng ấy. Chị nói còn có thể viện ra nhiều nhân chứng khác nhưng vì đức bác ái, chị chẳng muốn lôi nhiều người vào cuộc kẻo to chuyện. Rồi chị yêu cầu cha Bonaventura phải trình bày với bề trên Dòng Chúa Cứu Thế về "vụ thầy Giêrađô", cốt để cho câu chuyện được thêm phần đáng tin hơn. Cha bèn bảo chị cứ làm một tờ đơn báo cáo. Ðoạn ngài ghi thêm vài hàng chữ giới thiệu vào đơn ấy trước khi gửi đến thánh Anphongsô, bề trên tu viện và cũng là bạn thân của ngài.
Ðọc lá đơn xong, thánh Anphongsô đau đớn vô cùng. Vì một đàng, ngài rất tín nhiệm cha Bonaventura, đàng khác ngài biết rõ thầy Giêrađô là một tu sĩ rất mực thánh thiện. Nhưng ngài cũng biết dầu các thánh cũng còn có thể yếu đuối sa ngã, nên dù không hoàn toàn tin tưởng vào bức thư, ngài vẫn cho tiến hành việc điều tra về vụ ấy...
Cha Villani được ngài sai đến nhà dòng Illicêtô, và kết quả sơ khởi cho biết cả hai điều mà bức thư của Nêrêa tố cáo đều đúng: Thầy Giêrađô có đi Lacédoine và có tạm trú tại nhà ông Capucci.
Thánh Anphongsô rất đau khổ vì câu chuyện làm tổn thương đến danh dự nhà dòng rất nhiều. Ngài e ngại rằng đây không phải là một huyền thoại mà là một sự thật!!! Ðau đớn biết bao! Hôm sau, ngài trình bày tất cả mọi chuyện cho thầy Giêrađô hay. Giêrađô im lặng lắng nghe, không tỏ một chút gì xúc động; và như Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn, thầy đã thinh lặng chẳng hé môi đối chất nửa lời. Thầy nghĩ rằng mình phải luôn luôn giữ đúng tinh thần từng chữ trong luật dòng: "Khi bề trên bảo ban sửa dạy, hãy khiêm tốn chấp nhận và đừng tự bào chữa".
Giêrađô làm thinh, và như thế bề trên có thể hiểu là thầy đã nhận tội. Nhưng thánh Anphongsô vẫn nhất mực kính mến thầy, ngài chẳng hoàn toàn tin tưởng vào các lời tố cáo. Dầu thế, vì có chứng cớ rõ ràng mà thầy Giêrađô lại không nói gì hết nên buộc lòng phải ra hình phạt:
- Cấm thầy không được rước lễ.
- Không được gặp khách hay nhận gởi thơ từ cho bất cứ ai.
Giêrađô thinh lặng cúi đầu nhận lấy hình phạt cùng tất cả tủi nhục đớn đau một cách bình tĩnh, khiêm tốn. Thầy bị giam lỏng ở tu viện Pagani. Một số anh em trong Dòng thấy thầy bị phạt mà chẳng hiểu nguyên cớ ra sao, một số bạn bè tâm phúc và một ít linh mục trong dòng biết rõ câu chuyện đều bảo thầy phải tự bào chữa. Thầy Giêrađô suy nghĩ một lúc rồi dịu dàng đáp lại: "Anh em muốn ngăn cản không cho tôi chịu khó vì Chúa sao? Tôi muốn vâng theo thánh ý Chúa vô điều kiện. Tôi cầu nguyện cho những người vu cáo tôi". Sợ mình phải tội cố chấp, thầy xin được gặp cha linh hướng Margotta để trình bày mọi sự? Ngài cũng đồng ý như vậy; cứ giữ thinh lặng, sự thật sẽ giải thoát tất cả.
Mặc dù rất đau khổ và xấu hổ, thầy Giêrađô vẫn giữ trọn niềm tin yêu, phó thác, cậy trông vào Chúa. Có gian nan chí khí và sự thánh thiện của con người mới rạng sáng. Ðối với thầy, nỗi đau đớn nhất không phải là sự hiểu lầm, xấu hổ, nhưng là không được chịu lễ hằng ngày. Thầy luôn luôn tự bảo: "Tôi đau khổ lắm, nhưng không sao cả, miễn là tôi có Chúa trong lòng".
Hôm nọ, có một cha trong dòng đề nghị thầy giúp lễ cho ngài, vì thầy thường tỏ ra ái mộ việc giúp lễ lắm. Thế nhưng, lần này thầy lại kiên quyết từ chối và giải thích cách đơn sơ: "Thưa cha, cha đừng cám dỗ con. Ở gần bàn thờ mà không rước Chúa thì con chịu không nổi. Con sẽ giành Chúa trên tay cha!..."
... Mấy tháng sau, nhân dân trong vùng được tin chị Nêrêa ốm nặng sắp ly trần. Cùng với cơn bệnh đang hoành hành, lương tâm đã cắn rứt giày xéo chị. Chị quá khủng khiếp lo sợ nên cuối cùng đã thú hết mọi chuyện về "vụ thầy Giêrađô" với cha Bonaventura. Ngài buộc chị phải rút lại những lời vu cáo độc địa trên. Chị đã viết một bức thư rút lại tất cả và tự tay ký tên vào dưới bức thư đó. Bức thư được chuyển từ Lacédoine tới tận tay thánh Anphongsô. Ngài vui mừng quá đỗi: thầy Giêrađô yêu dấu của ngài thực đúng là người trong trắng vô tội. Thầy đã chiếu toả một tấm gương bác ái anh hùng và rất mực thánh thiện trong suốt cơn thử thách đau khổ ê chề.
Niềm vui lan đến các tu viện xa gần, đến tâm hồn hết mọi giáo hữu. Từ đó, thầy Giêrađô càng được yêu mến cảm phục.
8. Chơi vẽ chân dung
* Nếu Thiên Chúa chỉ dạy mến Chúa thì hay quá! Nhưng Ngài thêm luật yêu người cũng trọng bằng luật mến Chúa thì thực là vô cùng rắc rối! Phức tạp cho nhiều người (ÐHV 775).
* Một bộ máy, dù tinh vi và kiên cố đến đâu, nếu các bộ phận khô dầu cũng hư hỏng. Hãy rót dầu bác ái của con vào để máy chạy điều hòa không sứt mẻ (ÐHV 791).
* Con phải nói được cách thành thực rằng: "Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi" (ÐHV 793).
* Người ta thuê đăng báo để tâng bốc mình những tài năng tưởng tượng, để tuyên truyền cho mình những công trạng bịa đặt, để chụp mũ đối phương tội ác dựng đứng. Con cũng muốn làm mờ mắt Thiên Chúa như thế sao? (ÐHV 795).
Một cộng đoàn nữ tu nọ đã sống với nhau rất thành thực, tràn ngập tinh thần hiệp nhất bác ái. Các chị đã bày ra trò chơi "vẽ chân dung" sau đây:
Tất cả nhà đều ngồi trong phòng chơi. Bốc thăm trúng tên chị nào thì chị ấy mới ra khỏi phòng. Trong lúc đó, các chị em còn lại sẽ cùng nhau vẽ chân dung của chị ấy. Mỗi người, với hoàn toàn tự do và bác ái, sẽ nói lên nhận xét của mình về chị và cả nhà cùng đề cử một người phụ trách ghi chú các nét trên bức chân dung:
1- Những đức tính của chị, để nêu gương cho chị em và để cùng chị cảm tạ Chúa cũng như khuyến khích chị tiến lên cao hơn nữa.
2- Những khả năng, những khuynh hướng tốt đẹp mà có thể chính chị cũng không thấy mình có, để khích lệ bản thân chị khám phá ra và phát triển thêm để phục vụ tích cực hơn.
3- Những khuyết điểm, những thiếu sót cần phải biết căn nguyên để trị liệu và quyết tâm nhắc nhủ nhau phấn đấu cải thiện.
Mọi người nhất trí sẽ không thuật lại cho đương sự ai nói điều nọ điều kia vì mục đích của trò chơi là chỉ vì tình bác ái.
Khi đã vẽ xong chân dung thì mời chị ấy vào và đọc cho nghe những nét chính trong chân dung của chị mà chị em đã hợp tác phác họa. Mỗi người vui vẻ nhận bức chân dung của mình và hợp tác vẽ chân dung của người khác.
Mỗi lần chỉ vẽ chân dung một số ít.
Phải có tình bác ái huynh đệ chân thành và lòng khiêm nhượng đơn sơ mới chơi trò chơi này được. Nó vừa có mục đích giải trí, vừa giúp đỡ cộng đoàn cũng như mỗi tâm hồn thiện chí tiến lên mãi.
9. Bác ái để xây dựng cộng đồng quốc tế
* Bác ái là trở thành một cộng đồng làm phát sinh những mối tương quan mới. Có tương quan mới, sẽ có thế giới mới (ÐHV 799).
* Bác ái không phải chỉ có yêu thương và tha thứ; bác ái là cả một hành động để tạo một bầu không khí mới giữa cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia, cộng đồng quốc tế (ÐHV 800). * Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa (ÐHV 801).
* Không ghét ai chưa đủ, thương người chưa đủ, giúp người chưa đủ. Hiệp nhất trong tình yêu và hành động mới đủ. Chúa Giêsu cầu xin: "Xin Cha cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (ÐHV 802).
Ngày 4.10.1965, Ðức Phaolô VI đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Ðại Hội Liên Hiệp Quốc. Tiếng nói của ngài dĩ nhiên chẳng mặc một màu sắc chính trị, nhưng chỉ là âm thanh vang vọng của sứ điệp Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rõ ràng:
"Thực ra chúng tôi không có gì cần thỉnh cầu, không một vấn đề nào nêu ra cả; tuy nhiên, cũng có một ước muốn cần bày tỏ, là xin phép quí vị cho chúng tôi trong phạm vi và khả năng riêng, phục vụ với lòng vị tha, khiêm tốn và bác ái.
".. Chúng tôi ý thức rằng chúng tôi đang nói lên tiếng nói của những người đã khuất cũng như của những người đang sống: tiếng nói của những người đã khuất, đã ngã xuống trong những trận giặc khủng khiếp vừa qua, ngã xuống trong niềm ước mơ một sự đồng tâm và hoà bình trên thế giới; tiếng nói của những người đang sống sót, dâng lên tự đáy lòng lên án những kẻ nào mưu toan lại cảnh chiến tranh; tiếng nói của những thế hệ trẻ hôm nay đang vững lòng tiến bước trong niềm ước mong chính đáng một nhân loại tốt đẹp hơn nữa.
"Chúng tôi cũng nói lên tiếng nói của những người nghèo khổ, cùng khốn, xấu số của những người khát vọng công bình, nhân phẩm, khát vọng tự do, cuộc sống khá giả và khát vọng tiến bộ. Các dân tộc hướng về Liên Hiệp Quốc như về một hy vọng sau hết hướng tới sự đồng tâm nhất trí và hoà bình.
"Ở đây không phải chỉ hoạt động để giàn xếp những tranh chấp bất bình, nhưng còn để các quốc gia có thể giúp đỡ nhau cách hữu hiệu.
"Chúng ta phải tập quan niệm về con người một cách mới mẻ, quan niệm về cuộc sống chung giữa con người một cách mới mẻ, và sau cùng quan niệm về những nẻo đường lịch sử và những vận mệnh của thế giới một cách mới mẻ..."
Với cử chỉ và lời nói khiêm tốn mà quả cảm ấy, Ðức Phaolô VI muốn dạy chúng ta biết rằng biên cương của đức bác ái không chỉ giới hạn giữa người với người, mà còn dùng để xây dựng một xã hội mới, điều mà người Kitô hữu thường không đánh giá là quan trọng!
10. Mấy nguyên tắc đơn sơ để sống bác ái
* Phàn nàn là một bệnh dịch hay lây, triệu chứng: bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp với Chúa (ÐHV 739).
* Ðặt mình vào địa vị kẻ khác, con sẽ thấy những lời tuyên bố long trọng và vô trách nhiệm của con hớ hênh quá, và con sẽ dè dặt dần dần (ÐHV 761).
Vị linh mục kiêm văn hào E. Loutil với biệt hiệu Pierre l'Ermite đã viết nhiều bài báo và tác phẩm nổi tiếng, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Pháp, nhất là giới trẻ.
Ngài đã nêu lên một ít nguyên tắc đơn sơ, nhưng có hiệu quả lớn lao nếu chịu khó thực hiện:
1- Chấp nhận nhau.
2- Không xét đoán ai.
3- Không chỉ trích ai.
4- Không bè phái.
5- Nghĩ tốt về kẻ khác.
6- Nói tốt về kẻ khác.
7- Sửa lỗi cho nhau.
8- Cùng nhau suy nghĩ.
9- Luôn luôn tha thứ.
10- Cùng nhau hành động.
11- Liên đới trách nhiệm.
12- Cùng nhau giải trí.
13- Cùng nhau cầu nguyện.
Ngài đã sống rất thọ, và trong cuốn sách "Nhìn lại đời tôi ( Je regarde ma vie), ngài có tường thuật: "Tôi đã làm linh mục trên 50 năm, làm chánh xứ, cả đời có 47 cha phó cả thảy. Trừ một cha, còn tất cả đều giảng hay. Mặc dù khác tính, khác sở thích, khác chính kiến, khác tuổi tác, chúng tôi vẫn thông cảm với nhau, vẫn hợp tác chặt chẽ thân tình và yêu thương nhau. Nên nay nếu Chúa cho tôi chọn lại thì:
Thứ nhất: Tôi chọn làm cha xứ.
Thứ hai: Tôi chọn làm cha xứ.
Thứ ba: Tôi chọn làm cha xứ.
Chúng tôi đã tìm thấy hạnh phúc trong đời linh mục do tình huynh đệ thắm thiết có mặt giữa chúng tôi".