Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


29- Gian Khổ

 

1. "Nếu không có những tháng ngày gian khổ..."

* Ðường con đi, có hoa thơm, cảnh đẹp, có chông gai, có hùm beo, có bạn hiền, có trộm cướp, lúc mưa sa, lúc nắng cháy, chuyện không thể tránh được.

Con cứ đi, miễn lòng con đầy Chúa, đi như Phanxicô, như Cyrillô, Athanasiô... đừng mất thì giờ đứng lại, đừng sợ tiếng chửi, đừng ăn mày tiếng khen (ÐHV 693).

* Giữa những thử thách, con hãy nghĩ gian khổ sánh sao được với nước Thiên Ðàng. Ðó là phương pháp của Chúa: "Phước cho ai khó nghèo, ai khóc lóc, ai chịu bắt bớ... vì Nước Thiên Ðàng là của mình vậy" (ÐHV 695).

* Hoạt động con bị hạn chế, danh tiếng con bị lu mờ, chống đối dồn dập tứ phía! Hãy đợi chờ giờ của Chúa: "Cây nào tốt, Cha Ta sẽ tỉa"; cành non sẽ đâm chồi, nở hoa, mang trái nặng trĩu hơn (ÐHV 698).

* Không có cơn thử thách nào lớn lao bằng cơn thử thách của Chúa Giêsu trên thánh giá, lúc xác hấp hối, tâm hồn lại cảm thấy chính Ðức Chúa Cha như cũng bỏ mình, Chúa Giêsu phải nói lên nỗi khổ e chề nhất trong đời Ngài: "Sao Cha bỏ con!" Hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu trong những giây phút hãi hùng, tăm tối nhất của đời con. Bình an sẽ trở lại và con sẽ nói được như Chúa Giêsu: "Con phó mạng sống con trong tay Cha!" (ÐHV 715).

Năm 1953...

Giáo Hội Ba Lan rùng mình trước tin Ðức Cha Baraniak bị bắt.

Một tháng sau, vào một đêm khuya tĩnh mịch, Ðức Hồng Y Wyzynsky nghe có tiếng chuông reo, ngài vội vã ra mở cửa. Con chó trong nhà nhác trông thấy có nhiều người lạ lố nhố ngoài hiên liền nhảy vồ ra ngoặm ngay vào cánh tay một người. Ðức Hồng Y bình tĩnh lấy thuốc rịt vết thương lại và khoác lên mình người lạ một chiếc áo choàng cho y đỡ rét.

Khi biết rõ ý định của họ, ngài xin được sang chào ông cố của ngài đang ở phòng bên cạnh. Họ lắc đầu. Ngài bước lên một xe bịt bùng và đoàn xe bắt đầu chuyển bánh trong đêm...

Sau hai năm cầm tù, ngài còn bị quản chế thêm nhiều tháng ngày nữa tại nhiều nơi trên khắp lãnh thổ Ba Lan. Trung bình cứ mỗi tháng, ngài đều "được" thay đổi nơi cư trú 2,3 lần, vì nghe ngài ở tại đâu, giáo dân khắp nơi đều ùn ùn kéo đến và mặc dù không thấy mặt ngài, họ cũng vây quanh vườn đọc kinh cầu nguyện cho ngài rồi ra về. Thế là chỉ trong vòng mấy năm, ngài hân hạnh được ở khắp đó đây trong nước.

Sau những biến động vào mùa thu năm 1956, ngài được trở về giữa niềm hân hoan, kính mến và tin tưởng của toàn thể giáo hữu. Năm 1957, Ðại Hội Thánh Thể được tổ chức long trọng tại thủ đô Varsovie, giáo phận của ngài, hơn nửa triệu giáo dân đã đến tham dự.

Ðức Thánh Cha Piô XII đã trao cho ngài đặc quyền được thay thế Ðức Giáo Hoàng cắt cử các Giám mục khắp nước Ba Lan. Và ngài đã làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan từ đó đến nay. Ai ai cũng gọi ngài là "con người của Chúa Quan Phòng", vì ngài đã sáng suốt hướng dẫn Giáo Hội Ba Lan và tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp với nhà nước của quốc gia ấy. Có nhiều người, nhất là các phóng viên báo chí, muốn tò mò tìm hiểu các chi tiết của những ngày gian khổ trong đời ngài, đã được ngài trả lời gọn ghẽ: "Tôi đã hiến dâng tất cả cho Mẹ Maria. Tôi không muốn nhắc lại quá khứ. Ta hãy nhìn thẳng vào tương lai mà tiến lên".

Trong bài diễn văn đáp lời chúc mừng của Ðức Hồng Y Wyzynsky đại diện cho Giáo hội Ba Lan, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã khai mở bằng một giọng đầy tri ân trìu mến: "Thưa Ðức Hồng Y, nếu không có những tháng ngày gian khổ của Ðức Hồng Y, thì hôm nay không thể có một người con của Giáo Hội Ba Lan ngồi trên toà Phêrô được".

 

2. Thầy đi đâu?

* Trong giờ Tử Nạn, Chúa đem theo những Tông Ðồ Ngài yêu thương riêng: Phêrô, Gioan, Giacôbê. Con sợ Chúa thương không? (ÐHV 699)

* "Ai thuê tôi săn sóc bệnh nhân một vạn đồng một ngày, tôi cũng không nhận!", một bác sĩ nói. - "Thưa bác sĩ, nữ tu đáp, phần tôi, nếu không phải vì mến Chúa, một triệu đồng một giờ tôi cũng không chịu. Nhưng vì Chúa tôi sẽ ở đây đến chết" (ÐHV 709)

* Gian khổ là cơm bữa của đời người. Nhưng với người công giáo, cuộc sống của họ "loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại". Con có sung sướng khi đọc lời ấy không? (ÐHV 710)

* "Con có uống nổi chén đắng của Thầy không?" Con hãy thưa: "Con tình nguyện uống chén đắng đến giọt cuối cùng, vì là chén đắng của Thầy, vì Thầy đã uống trước con!" (ÐHV 716)

* Gian khổ nặng nề nếu con khiếp sợ trốn lánh, gian khổ dịu dàng nếu con can đảm chấp nhận (ÐHV 717)

Cách đây chừng 20 năm, người ta đã dựa vào cốt truyện trong tác phẩm "Quo vadis?" (Thầy đi đâu?) của văn hào Công giáo Ba Lan Sienkiewez (1846-1916), giải Nobel 1905 để đóng một cuốn phim nổi tiếng khắp thế giới cũng mang tựa đề ấy.

Từ đâu có cốt truyện ấy? Ai đã nói tiếng Thầy đi đâu?

Theo truyền khẩu giáo dân thời Hội Thánh sơ khai người ta biết được rằng, vào các thế kỷ I-IV, các hoàng đế Roma đã ra công bách hại đạo Chúa hết sức hung hãn: nào là đâm chém, nào là đóng đinh thập tự, nào là cho thú dữ ăn thịt ở nơi hí trường Colisê để nhân dân thỏa thích thưởng ngoạn, nào là buộc vào cột trụ, tẩm dầu rồi đến đêm châm lửa đốt cháy vùn vụt như bó đuốc. Thật muôn phần khủng khiếp!

Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh, lúc ấy cũng bị truy nã gắt gao theo lệnh của hoàng đế Nêron. Vì thế người có ý định tạm lẩn trốn ra khỏi thành Roma một thời gian, cho qua cơn sóng dữ. Một đêm nọ, người ta trông thấy một bóng dáng đàn ông đang hồi hộp lần bước trên con đường Appia. Lúc gần đến cửa Capena, bỗng nhiên ông ta đứng khựng lại! Từ xa một người đang tiến thẳng về phía ông. Ông dụi mắt rồi quá đỗi vui mừng, Phêrô ôm chầm lấy người ấy và hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu? Thì ra người ấy là Chúa Giêsu, tội nhân bị xử mấy mươi năm về trước. Ðáp lại câu hỏi của Phêrô, Người ôn tồn nói: Phêrô vì con sợ gian khổ, con định đào tẩu, nên Thầy phải vào thành Roma để chết thay cho con". Nói xong Chúa Giêsu biến mất... Phêrô hiểu ý Thầy bèn quay gót trở lại thành Roma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin của anh em giáo hữu, xông pha giữa muôn nghìn nguy hiểm cho đến năm 67 thì bị bắt và bị tống giam ở nhà ngục Tullianum. Theo lưu truyền, Phêrô đã cảm hoá được hai người lính canh ngục tên là Processô và Martinian, cả hai đều được rửa tội và được tử vì đạo. Rồi sau đó, thánh nhân cũng được diễm phúc đi lại con đường thập giá của Thầy, không phải đường lên Núi Sọ ở Giêrusalem mà là đường đến hí trường Caligula, trên đồi Vatican. Nhưng khi đến nơi, vì cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên ngài xin phép cho được đóng đinh ngược, đầu chúi xuống đất.

Ðể kỷ niệm nơi Chúa hiện ra cho Phêrô, giáo hữu đã xây cất ngay tại chỗ đó một nhà thờ mang tên: "Quo vadis, Domine?"

 

3. Ðóa hồng đầy thử thách

* Tránh gian khổ con đừng trông làm thánh (ÐHV 702).

* Trên Thiên Ðàng, con sẽ hối tiếc: "Phải gì tôi đã có dịp mến yêu, chịu khổ vì Chúa hơn!" (ÐHV 704).

* Ðau khổ nhất là do những người phải thông cảm và có phận sự bênh vực con gây nên. Hãy hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh Giá: "Lạy Cha, sao Cha bỏ con!" (ÐHV 705).

Thánh nữ Rosa Lima (1586-1617) đã theo gương can đảm của thánh Catarina thành Sienna để sống một đời hy sinh khổ hạnh, cầu nguyện và bác ái. Nhưng cuộc đời chị thánh đặc biệt chói loà nhờ một cơn thử thách gian khổ rất nặng. Chị sống vỏn vẹn có 31 năm thế mà đã phải trải qua một tình trạng khô khan nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng kéo dài suốt 15 năm, mặc dù chị rất đạo đức! Chị đã phải luôn luôn chiến đấu trong tối tăm mù mịt, như thể bị Chúa bỏ rơi. Chị phải liên lỉ chống trả với những cơn cám dỗ nặng nề lôi kéo chị đến bờ hố sâu chán nản, tuyệt vọng: thực là một vực thẳm còn khốn nạn hơn cả sự chết! Ðó là chưa kể chị phải mắc một thứ bệnh nặng và gặp nhiều khốn khó trong gia đình.

Nhưng chị đã khiêm nhường và bền đỗ sống trong đức tin. Suốt cả cuộc đời, Thánh Thể là lương thực duy nhất nuôi sống chị. Sau cùng Chúa đã ban triều thiên sáng chói cho chị: Rosa thành Lima trở thành thánh bổn mạng của toàn thể nhân dân Nam Mỹ.

 

4. Nghệ thuật sống an bình trong gian khổ

* Trong gian khổ có điều con nên tránh:

- Ðừng điều tra "tại ai"? Hãy cám ơn dụng cụ Chúa dùng thánh hóa con.

- Ðừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thể, Ðức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.

- Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Bỏ quên đi, không nhắc lại bao giờ và nói Alleluia! (ÐHV 700).

* Con tức tối sao không biện minh được với kẻ thù. Ðừng lạ gì: "Họ sẽ giết các con như đã giết các tiên tri" (ÐHV 701).

* Nếu thể xác con căng thẳng, hãy tạm nghỉ. Gác bỏ các lo âu, con sẽ lấy sức lại và công việc kết quả hơn. Chấp nhận giới hạn sức khỏe của con là can đảm, biết săn sóc là khôn ngoan (ÐHV 707).

* Thời gian là một yếu tố quan trọng; khi một biến cố xảy đến, đừng hấp tấp lúng túng. Hãy suy nghĩ nhẫn nại đợi chờ, lắm lúc sau một đêm, con sẽ thấy sự việc khách quan và sáng suốt hơn (ÐHV 708).

* Hành động tốt và thinh lặng (ÐHV 711).

Một tâm hồn thánh thiện nọ, sau khi trải qua bao tháng ngày gian khổ cũng như những giây phút thành công, đã để lại những lời nhắn nhủ, đồng thời cũng là những kinh nghiệm sống rất đơn sơ và hữu ích sau đây. Chúng ta nên suy niệm và thực hành:

* Nghệ thuật điều khiển lưỡi.

Thánh Kinh có nói: "Miệng người khôn ngoan cất trong con tim. Trái tim kẻ dại bày ra ngoài miệng" (Huấn Ðạo 21,26).

Hãy chuộng nghe hơn là nói, vì im lặng quý hơn nói. Nói ít thì khôn hơn nói nhiều. Nói ít mà nói đúng, nói hay thì hay hơn là nói nhiều nhưng nói bậy. Hãy chú ý: nói đúng vấn đề thì hơn là nói luôn miệng.

Những luật sau đây giúp điều khiển lưỡi chúng ta:

- Suy nghĩ trước khi nói.

- Biết nói bằng sự im lặng.

- Cầm giữ miệng lưỡi khi trái tim đang xao xuyến.

- Im lặng khi thấy mình quá ưa nói.

- Nói sau kẻ khác.

- Ðừng bao giờ nói chống đối kẻ khác.

- Bao giờ cũng nói tốt kẻ khác.

- Ðừng bao giờ tìm cách tự bào chữa.

- Lúc nào cũng nói năng khiêm tốn.

- Không bao giờ nói trái sự thật.

- Luôn luôn thận trọng trong lời nói.

- Ðừng bao giờ nói theo hứng.

- Im lặng đừng nói những lời chua cay khi trái tim bối rối và bị kích thích. Trong câu chuyện, "khi gió thổi bốc lên thuận chiều", hãy cầm hãm khuynh hướng "trút hết gan ruột ra".

- Cầm mình đừng nói những sai sót của bản thân. Biết giới hạn như vậy sẽ tạo được một nguồn hạnh phúc mới mẻ.

- Hãy kiểm soát giọng nói của bạn.

- Ðừng tìm biết tin tức vì tò mò.

- Hãy nhớ lấy điều này là đừng bao giờ phàn nàn về chuyện gì, đừng chỉ trích ai, đừng than trách hoàn cảnh nào, cũng đừng phê bình sự vật gì hết.

- Ðừng nói về mình, cũng đừng nói về những việc riêng mình.

- Nếu muốn nói về mình, thì chỉ tâm sự với một số rất ít người thôi.

* Im lặng là bài học hay nhất.

- Im lặng khi tức bực.

- Im lặng khi bị chỉ trích.

- Im lặng lúc bị từ chối.

- Im lặng lúc thất vọng.

- Im lặng lúc gặp cảnh vô ơn.

- Im lặng khi cảm thấy lòng ghen ghét.

- Im lặng lúc bị người khác ghen ghét.

- Im lặng lúc bị phản bội.

- Im lặng khi được thỏa mãn.

- Im lặng lúc đau khổ mọi nỗi.

Hình như không có thực hành nào giá trị bằng sự im lặng. Im lặng cho ta thấy một sức mạnh tiềm tàng. Im lặng thu hút được sự tín nhiệm. Im lặng bảo đảm cho ta được sự kính trọng. Người dè dặt đúng mức là con người có dáng huyền bí, biểu lộ một vẻ tuyệt đẹp của tâm hồn.

Im lặng còn có một tính cách tích cực nữa. Nhiều khi im lặng không nói lại là câu trả lời hữu hiệu nhất, thuyết phục lòng người hơn trăm bài hùng biện.

* Cố gắng hơn tí chút.

- Nhẫn nại hơn tí chút để chấp nhận một người không hợp với tôi chút nào, nhưng tôi lại bó buộc sống với.

- Kiên quyết hơn tí chút để tiếp tục công việc này mà bổn phận đời tôi làm tôi cảm thấy chán ngấy.

- Khiêm nhường hơn tí chút để ở lại nơi Chúa dẫn dắt tôi tới, nhưng không mảy may phù hợp với ước vọng và chương trình của tôi.

- Biết lẽ phải hơn tí chút để chấp nhận người khác cùng với bản tính của họ, thay vì đòi hỏi họ rập theo khuôn khổ tôi thích.

- Khôn ngoan hơn tí chút để đừng làm phiền lòng người khác và ít nhúng tay vào công việc của họ.

- Can đảm hơn tí chút để chịu dựng một biến cố đột ngột làm tôi mất bình an cách thâm sâu.

- Tươi tỉnh hơn tí chút để không tỏ ra tôi bị trái ý.

- Bỏ mình hơn tí chút để cố gắng tìm hiểu tư tưởng và cảm nghĩ của người khác.

Trên hết mọi sự, cầu nguyện hơn tí chút để kết hợp với Chúa trong trái tim tôi và bàn hỏi với Ngài.

 

5. Gian khổ của các thánh

* Bão tố quật ngã cây cối, bẻ gẫy cành khô, cành sâu. Nhưng không thể nhổ được cây thánh giá đã cắm vào lòng đất. Ðừng tiếc những cành kia, dù không gió cũng gẫy, không gẫy cũng phải chặt vì nó làm hại (ÐHV 691).

* Chúa Giêsu đến đâu cũng có một số người sống chết cho Ngài, và cũng có một số người quyết giết chết Ngài. Sao con muốn mọi người yêu con? Sao nao núng khi có người ghét con? (ÐHV 692).

* Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Ðức Mẹ (ÐHV 694).

* Người ta vô ơn với con! Con làm ơn để họ cám ơn sao? (ÐHV 696).

* Con than phiền vì kẻ nghịch của con liên lỉ chen lấn, giành giật trở ngại công việc tông đồ của con? Sao con quên "Cây lúa và cỏ lùng"? Lúa cứ vươn lên! (ÐHV 697).

* Gian nan luyện người Chúa đã muốn cho chịu đau khổ để thông cảm với những người đau khổ. Như Chúa đã cầu cho nhân loại với tiếng thống thiết và nước mắt (ÐHV 703).

* Con phản đối: "Bất công!" - Lòng con tức tối trước việc xảy đến gây khổ tâm cho con. Hãy nghĩ lại xem: Chúa Giêsu đã làm gì nên tội mà phải chịu đóng đinh? Như thế có công bình không? (ÐHV 712).

* Hoa hồng, hoa huệ tốt thơm, rực rỡ bao lâu phân tro màu mỡ biến thành hương sắc. Việc tông đồ cũng tiến mạnh khi gian khổ được đổi thành yêu thương (ÐHV 713).

* Thử thách gian khổ là "giấy phép theo Chúa" để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá..." (ÐHV 714).

Mỗi vị thánh đều có chịu gian khổ cách này hoặc cách khác. Môn đệ không thể khác Thầy!

Tất cả 12 Tông đồ đều đã theo gương Thầy Chí Thánh chịu hình khổ Tử đạo.

Tất cả các Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô suốt 300 năm đầu tiên đều đã hy sinh mạng sống vì Chúa.

Thánh Athanasiô (295-373) trong những giây phút đen tối nhất của cuộc đời, vẫn không hề mảy may khiếp sợ trước uy quyền của hoàng đế, không một chút chịu theo những ý kiến trái ngược của các vị Giám mục chạy theo bè rối Ariô ở Công đồng Nikêa năm 325, và cũng không lo phải chịu cực hình gian khổ. Suốt 45 năm trời trong chức vụ chủ chăn, ngài đã phải lưu đày 5 lần tất cả, đúng như lời tiên báo của thánh Pakôme về ngài lúc ngài còn ở trong sa mạc Thébaides: "Athanasiô cột trụ và là đèn pha của Hội Thánh sẽ hứng chịu nỗi đoạn trường". Quả vậy, bị rượt đuổi và để trốn tránh các cuộc bách hại, có lần ngài đã phải ẩn mình trong một hang động suốt 5 năm. Lần khác, kẻ thù công bố một giá rất cao cho những ai chặt được thủ cấp ngài, khiến ngài phải chạy trốn suốt đêm trên một chiếc thuyền con dọc theo bờ sông Nil, Ai Cập. Hoàng đế Constance, kẻ bội giáo Julien, Valens và các kẻ thù khác đều nghĩ: Nếu tóm cổ được Athanasiô họ sẽ tiêu diệt được đức tin của người Công giáo một cách dễ dàng. Rồi lúc đã 71 tuổi đầu, ngài còn ẩn núp trong ngôi mộ thân phụ ngài ròng rã suốt bốn tháng. Nhưng dù ở đâu, thánh Athanasiô vẫn luôn gần gũi tiếp xúc với các giáo dân động viên họ sống kiên cường trong một niềm tin đích thực...

Thánh Hilariô (315-369), Giám mục giáo phận Poitiers tại Pháp, bị nhóm lạc giáo Ariô dùng mưu thuyết phục hoàng đế Constance đày sang xứ Phrygia (Cận đông), vì ngài đã dám triệu tập một Công đồng địa phương để chống họ. Trong cảnh cô đơn tù tội, ngài đã thốt lên: "Người ta có thế đày ải các Giám mục một cách êm thắm, nhưng họ có thể đày chân lý được không?". Suốt thời gian lao tù ngài vẫn hướng dẫn giáo phận của ngài qua thư từ, giáo huấn, rồi còn viết được bộ tổng luận 12 cuốn về Chúa Ba Ngôi, chống lại bè rối Ariô nữa. Bốn năm sau, tại Ðại hội Giám mục ở Séleucie (một thành phố trong xứ Phrygia), ngài đã thuyết phục được toàn thể các Giám mục theo lập trường của Hội Thánh. Phe lạc giáo sợ bị thất bại chua xót nên đã bàn với hoàng đế cho ngài hồi hương.

Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (315-386) đã thức tỉnh các Kitô hữu trước hiểm họa lạc giáo Ariô. Nhờ có trí thông minh, ngài đã bảo vệ Thần Tính của Chúa Kitô, chống lại những lý luận tinh vi nhưng sai lạc của họ. Phẫn uất vì thấy ngài là một lợi khí sắc bén làm cho hàng ngũ họ tan rã, họ đã tìm cách trục xuất ngài và lưu đày ngài nhiều phen, tổng cộng tất cả là 16 năm. Nhưng rồi đức tin, tài hùng biện và phẩm cách anh hùng của ngài tại Công đồng Constantinopoli (381) đã làm cho lạc giáo Ariô bị kết án lần thứ hai và biến ngài thành một trong những vị bảo vệ đức tin vĩ đại.

Thánh Eusêbiô Vercellôsi (315-371), Giám mục giáo phận Vercelli (Ý), cũng vì trung thành với giáo lý chân chính của Hội Thánh mà bị vua Constance II (theo lạc thuyết Ariô) đày sang Scythopolis từ năm 335 đến 362. Ngài đã chịu đói khát, nhục hình đủ cách, nhưng luôn luôn tỏ ra trung thành với đức tin và thường xuyên thư từ liên lạc với các tín hữu để nâng đỡ tinh thần của họ.

Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591), người Tây Ban Nha, đã nỗ lực giúp thánh Têrêxa thành Avila canh tân Dòng Carmêlô (nữ và nam). Nhưng thoạt tiên, cả nhà dòng đều chống lại cuộc cải cách của ngài. Năm 1577, ngài bị giam trong một căn phòng ở Talède và đã trốn thoát sau đó 9 tháng. Trong thời gian ấy, ngài đã sáng tác những vần thơ thần bí nổi tiếng nhất. Về sau cuộc cải cách của ngài được chấp thuận, ngài được giao phó nhiều chức vụ trong nhà dòng. Nhờ có đức từ bỏ trọn hảo và một lòng yêu mến Thánh giá nồng cháy, đời đời ngài đã nên như một ngọn lửa chiếu soi trong đêm tối, hướng dẫn nhiều người tiến lên đỉnh toàn thiện. Châm ngôn luôn luôn xuất hiện trên môi miệng ngài là "Toàn Hiến". Ngài đã cho chúng ta một quy luật sống sau đây: "Nếu bạn muốn đạt đến việc chiếm hữu Chúa Kitô, bạn đừng bao giờ tìm kiếm Người với đôi vai vắng bóng Thánh giá". Ngài còn viết: "Nếu nơi nào không có tình yêu, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa tình yêu vào đó và chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của nó. Và khi cuộc đời chấm dứt, chúng ta sẽ được xét xử căn cứ vào tình yêu". Các tác phẩm thần bí của ngài đã làm cho ngài trở thành tiến sĩ của đời sống chiêm niệm.

Thánh nữ Elisabeth hoàng hậu nước Hungari (1207-1231). Tuy mang tiếng là vợ của một ông vua, nhưng cuộc đời cũng đầy gian lao đau khổ. Khi chồng bà là vua Louis từ trần trong một cuộc thánh chiến (1227) thì Henri là em ông lên tiếm vị. Vì sợ mất ngôi, ông đã trục xuất mẹ con bà ra khỏi hoàng cung. Bà phải bơ vơ tạm trú trong một chuồng ngựa mục nát và còn đi ăn xin để nuôi ba con nhỏ (lúc ấy bà mới 20 tuổi). Tuy đắng cay khổ nhục, bà vẫn vui lòng chấp nhận để nên giống Chúa. Về sau, lúc đoàn quân viễn chinh hồi hương, nhân dân bắt buộc Henri phải trả lại quyền bính cho người cháu, nên thánh nữ đưa con cái trở lại triều đình. Nhưng rồi vì muốn luôn mãi sống khó nghèo, nên ngài khoác lên mình bộ tu phục Dòng Ba Phanxicô, sống thinh lặng và cầu nguyện cho đến ngày trút hơi, lúc mới 24 tuổi.

* Không phải con chỉ can đảm nhẫn nại, nhưng giá trị cứu chuộc của đau khổ rất lớn lao, nếu con hiệp với sự thương khó Chúa Giêsu (ÐHV 706).

Thánh Gioan Maria Vianney không chỉ chịu nhiều hình khổ gây nên do ma quỷ mà còn phải gian nan hơn nữa vì anh em khinh rẻ nhạo báng, chỉ trích công việc tông đồ của ngài.

Một đêm kia, ngài nghe cả nhà rung chuyển như bị động đất, chung quanh có tiếng giày đi thình thịch, ồn ào như cả đại đội lính, thật hết sức khủng khiếp. Giáo dân ở chung quanh nhà xứ cũng nghe như thế. Họ to nhỏ bàn tán với nhau: "Có ai đến khủng bố cha xứ mình chăng?" Tối hôm sau, thanh niên dân vệ cùng nhau bàn một kế hoạch: tất cả nhất trí mang súng vào quanh hành lang nhà xứ mà ngủ, quyết trừng trị cho bằng được bọn bất lương. Gần nửa đêm, nhà xứ bỗng rung chuyển dữ dội, tiếng ầm ầm nổi lên cơ hồ như sắp tận thế. Nhưng khi bật đèn lên thì thanh nhiên chẳng thấy ai hết. Lạ quá! Họ ngơ ngẩn một hồi, rồi vì quá kinh hãi, bèn cùng nhau ôm súng vắt giò lên cổ mà chạy. Hôm sau, chẳng còn một ai dám lai vãng chung quanh nhà cha xứ. Cha Vianney biết là ma quỷ muốn làm cho ngài phải kinh khiếp, mệt mỏi, mất ngủ, vì ngài đã cướp của chúng khá nhiều linh hồn ở tòa giải tội. Ngày nay, ai tới viếng thăm nhà xứ Ars vẫn còn thấy tang chứng rất rõ: một chiếc giường gỗ bị bọn chúng đốt cháy mất một phần. Lần khác, lúc thánh Vianney còn đang đánh tội, Satan bèn hiện ra làm hại người. Nó xô ngài ngã vào tường. Hiện nay mười ngón tay đầy máu của ngài chống vào tường và đôi vai cũng đầy máu của ngài ngã vào tường vẫn còn in dấu rõ ràng ngay tại nơi đánh tội. Có lần ma quỷ tức tối đã thét lên: "Mày cướp các linh hồn của tao! Mày phải chừa bớt!" Nhưng ngài thì cho biết: "Ðêm nào ma quỷ cũng quấy rầy cha càng dữ thì ngày hôm sau cha bắt được những "con cá càng bự" đã bỏ xưng tội lâu năm".

Tiếng đồn ma quỷ quấy nhiễu cha Vianney làm cho một số anh em linh mục phì cười mỉa mai: "Lại thêm chuyện phép lạ ở xứ Ars! Cái chú Vianney dốt đặc này không chịu an phận cho xong, lại nay bày chuyện này mai đồn tin khác. Toàn là những chuyện nhảm nhí, vô bổ, tung ra cũng chỉ cốt để quyến dụ bà già con trẻ đến cái xứ khỉ ho cò gáy ấy!" Cha Vianney nghe các lời mỉa mai chê trách ấy thì đều dâng cho Chúa và thinh lặng chịu đựng.

Một hôm, nhân dịp mở tuần đại phúc tại một xứ trong hạt, người ta đã mời cha Vianney cùng nhiều linh mục khác đến giúp. Sau bữa cơm tối, cha Vianney nhẹ nhàng nói với anh em: "Thưa các cha, con hay bị ma quỷ quấy phá, nhất là áp những hôm con cứu được nhiều linh hồn tội lỗi nặng. Vì thế, để đề phòng, con xin trình các cha trước, nếu đêm nay ma quỷ có làm gì thì xin các cha cứ biết vậy và an tâm, nó phá một lúc rồi sẽ hết!" Cha Vianney vừa dứt lời, các cha khác đã cười rồ lên:

- Lại chuyện ma quỷ! Sao mà nghe cha nói toàn là chuyện giật gân tào lao không à! Có thật không? Hay cha bị ám ảnh thế?

- Ðây là dịp tốt, cha khác bảo, mình cứ nghe hoài câu chuyện ma quỷ phá rối cha Vianney mà chẳng bao giờ chứng kiến được, may ra tối nay mình sẽ được một pha xem tận mắt! Cha Vianney cứ yên trí "ngủ đi"! Tụi này không sợ ma quỷ gì đâu, trái lại còn mong xem thấy tận mắt là khác!

Cả nhà tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, giữa lúc mọi người đang say sưa giấc điệp thì nhà xứ rung động dữ dội, ghế bàn chạy đi lay lại, đồ đạc thì lăn lóc rơi xuống vung vãi trên sàn nhà, cột nhà thì kêu răng rắc như muốn gãy đôi.. Các cụ hớt hơ hớt hãi mang áo ngủ lùng thùng chạy ra sân, mình toát cả mồ hôi hột, miệng không ngớt kêu lên:

- Dễ sợ quá! Chưa bao giờ thấy chuyện khủng khiếp như thế này! Cái gì thế? Ðộng đất lớn à?

- Thế còn ông Vianney đâu mất?

- Chắc ông ở trên phòng! Ðợi yên ta lên tìm xem.

Các cụ kéo nhau lên gác, gõ cửa: "Cộc cộc". Có tiếng guốc khua trên sàn nhà, cha Vianney mở cửa, các cụ ái ngại hỏi:

- Cha đang ngủ à?

- Vâng, con đang ngủ!

- Thế cha không nghe gì cả sao? Chúng tôi kinh khiếp quá!

- Có con có nghe. Thì... hồi tối, ở nhà cơm, con có trình với các cha rồi! Ma quỷ nó hay quấy phá con như thế lắm! Xin các cha cứ yên tâm, có đêm nó làm con nhiều lần như thế, nhưng không sao cả! Vì nó thua to, nó căng thì nó quấy phá vậy thôi!

Nói xong, ngài chào các cha và đi ngủ. Các cụ cũng trở về lại phòng, nhưng suốt đêm không sao nhắm mắt được. Cơn ác mộng kinh hoàng vừa xảy ra cứ bám chặt vào tâm trí các cụ như đỉa đói.

Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, các cụ lại nhắc đến câu chuyện khiếp sợ hồi hôm và nói: "Cha Vianney, bây giờ chúng tôi tin thực đúng là "băng hỏa ngục" nó quấy phá cha. Mấy lâu nay chúng tôi chế nhạo cha, nhưng đêm vừa rồi chúng tôi phải một phen thật kinh hồn khiếp vía và cảm thấy xấu hổ với cha quá! Xin cha thông cảm và thứ tha lỗi lầm cho anh em chúng tôi. Nhưng nay chúng tôi yêu cầu cha một điều: suốt tuần đại phúc này, chiều nào cha cũng phải về xứ Ars để ngủ rồi sáng mai lại chịu khó đến đây. Chứ nếu cha ngủ đây thì chúng tôi phải di tản hết. Khiếp quá chịu không thấu!"

- Con xin vâng lời các cha. Khởi sự chiều nay, con sẽ về nhà ngủ. (ÐHV 705, 706).

Cô Bernađêta được thấy Ðức Mẹ hiện ra nhiều lần tại Lộ Ðức cũng như các em Giaxinta, Phanxicô và Luxia được thấy Ðức Mẹ hiện ra nhiều lần tại Fatima và trao sứ mệnh phổ biến sứ điệp của Mẹ cho toàn thể thế giới đã phải chịu nhiều đau khổ, gian lao. Nào bị cha mẹ rầy la, chửi mắng, đánh đập vì câu chuyện gây phiền nhiễu cho gia đình, nào bị bà con lối xóm chê bai, lăng mạ là đồ gian dối, là lũ ranh con cả gan lường gạt giáo dân; cha xứ cũng cật vấn các em đủ cách, bảo các em đừng tuyên truyền ba chuyện nhảm nhí, xoay các em, bắt các em nói sự thật, nhưng các em chẳng biết làm sao hơn nữa đành khóc sướt mướt, an ủi, động viên nhau cầu nguyện và hy sinh thêm. Cha chánh xứ của Bernađêta lại còn bảo: "Ma quỷ đấy, không phải thần thánh gì đâu! Lần sau có ra hang đá, con phải xách nước thánh theo, hễ thấy Bà ấy hiện ra thì rẩy vào người Bà". Bernađêta rất đau lòng nhưng vẫn tuân lệnh. Khi em rẩy nước thánh vào Bà, Bà chỉ mỉm cười chứ không chạy trốn!

Các em còn phải đau khổ vì các cơ quan an ninh địa phương. Họ cho các em là bọn bịp bợm, mê tín, buôn thần bán thánh, làm rối loạn an ninh trật tự, nên bắt giam, thẩm vấn, đe dọa đủ điều.

Nhưng điều làm cho các em phải dày vò ray rứt hơn cả là bị người ta cấm không cho ra hang đá, ra cây sồi, theo đúng lời đã hẹn với Mẹ. Không lẽ bất tuân lời Mẹ? Nhưng đàng khác, làm sao có thể đi? Mọi người đều ngăm đe nhiếc mắng thế kia! Tuy nhiên, các em vẫn can đảm, nhẫn nại, Mẹ đã thanh luyện các em trong lò gian nan đau khổ để các em nên xứng đáng là những sứ giả tí hon mang sứ điệp Mẹ đến cho toàn thế giới.

Trên đây chỉ đan cử một vài gương sáng của năm ba vị thánh, vì trong tập này đã có dịp nhắc đến gian khổ của nhiều vị thánh khác như Têrêxa d'Avila, Gioan Lasan, Gioan Boscô, Anphongsô, Margarita Maria, các thánh Tử Ðạo...

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page