Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
28- Cuộc Sống Mới
1. Cuộc chiến đấu cuối cùng
* Ðối với người không biết đích, giờ chết là giờ thất vọng, vì mất tiền tài, mất khoái lạc, mất bằng hữu; trước mắt họ, toàn tối tăm, hư vô sụp đổ. Ðối với con, cuối con đường hy vọng tràn ngập ánh sáng (ÐHV 665).
* Trước muôn ngàn thử thách đau khổ, con hãy sốt sắng, tin tưởng và đọc nhiều lần: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy." Bí quyết can đảm của người Kitô hữu (ÐHV 674).
- Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen!
Vừa đưa bàn tay mặt nắm chặt lấy tay trái, thánh Hialariô (+371) vừa khẩn thiết kêu xin Chúa và tuyên xưng vào cuộc sống mai sau.
Chúng ta biết ngài là một thầy dòng khổ tu tại Palestina chuyên đời cầu nguyện và hy sinh khổ hạnh. Nhưng đến giờ phút cuối cùng, trước khi nhắm mắt, ngài đã phải đương đầu với một chước cám dỗ rất nặng hầu như ngã lòng trông cậy vào Chúa nhân từ và quá đỗi khiếp sợ toà phán xét nên đã phải cầu nguyện tha thiết như trên.
Còn chúng ta, chúng ta có năng nghĩ đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình không?
2. Cái nhìn của thánh Aloysiô Gonzaga
* Nghe tiếng cha mẹ đến, đứa bé ở nội trú bỏ tất cả, không tiếc một cái gì để chạy theo cha mẹ. Con đừng dính bén bất cứ đồ vật gì nơi tạm trú này (ÐHV 671).
* Máy điện tử tối tân nhất tên là "Muôn đời"; con hãy dùng nó để chọn quyết định quan trọng nhất của đời con. Muôn đời thù ghét trong hỏa ngục? Muôn đời yêu thương trên Thiên Ðàng? (ÐHV 684).
* Cái gì không mang nhãn hiệu "Muôn đời" là đồ giả. (ÐHV 687).
Một hôm, ban giáo sư trường muốn trắc nghiệm các thiếu niên đang chơi ở sân, bèn đặt một câu hỏi: "Nếu anh được biết anh sắp chết trong một giờ nữa thì anh sẽ làm gì?
Có nhiều câu trả lời khác nhau:
- Tôi sẽ vào nhà thờ cầu nguyện.
- Tôi sẽ dọn mình xưng tội.
- Tôi sẽ tìm gặp cha mẹ và người thân lần cuối cùng.
- Còn tôi, nếu tôi biết tôi sắp chết, tôi vẫn tiếp tục chơi!.
Câu trả lời ấy của cậu Aloysiô Gonzaga làm ban giáo sư vô cùng bỡ ngỡ.
- Tại sao trước giờ phút nghiêm trọng như vậy mà anh cả gan tiếp tục chơi?
- Vì Chúa dạy phải luôn luôn sẵn sàng, mà bổn phận hiện giờ của tôi là chơi nên tôi cứ tiếp tục chơi. Thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại này đối với tôi là chơi, nên tôi chơi là làm đẹp lòng Ngài vậy!
Tại sao chỉ là một thiếu niên mà Aloysiô Gonzaga lại có lòng đạo đức khôn ngoan đến thế? Ðó là nhờ công giáo dục của người mẹ thánh thiện, của môi trường học đường. Cậu thường nói: "Tôi nhìn mọi sự và đánh giá mọi sự dưới khía cạnh "đời đời", cái nhìn không có giá trị "đời đời", không xây dựng cuộc sống "đời đời", không hướng dẫn ta đến cùng đích "đời đời" thì đối với tôi đó là hư vô cả".
3. Một cuộc ra đi bình an
* Một lời kinh gây tin tưởng cho con cái Chúa, nhưng vì quá quen, quá thường, con không ý thức tất cả ý nghĩa thế mạt, mà chỉ người Công Giáo được mặc khải: "Hằng sống hằng trị muôn đời. Amen." (ÐHV 673).
* Giữa những đau khổ, oan ức, những giả dối, bất công, con hãy vững vàng tuyên xưng với toàn thể dân Chúa: "Và người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng." (ÐHV 679).
* Thái độ của giáo dân buổi sơ khai chấp nhận sự chết là cả một cuộc cách mạng. Chứng tích ấy khiến thế giới La Mã phải tin ở tình yêu Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu (ÐHV 685).
Cha Franz Rosebaum là một linh mục thuộc Dòng Lời Chúa, quốc tịch Ðức, đã từng phụ trách một nhóm truyền giáo ở Trung quốc; về sau, ngài được Toà Thánh tín nhiệm giao phó trọng trách làm Hiệu trưởng trường Giáo hoàng Học viện thánh Phêrô tại Roma.
Các linh mục thuộc 40 quốc tịch khác nhau đã sống ở Học viện thánh Phêrô đều đồng thanh ca tụng và mến phục tinh thần đạo đức, hy sinh, gương mẫu về mọi mặt của ngài.
Năm 1961, ngài mắc phải chứng bệnh ung thư ruột. Dù qua nhiều cuộc giải phẫu, bệnh tình vẫn cứ nặng dần; tuy thế, ngài vẫn bình tĩnh và cố gắng theo nề nếp sinh hoạt của Học viện, mặc dù đã có cha Schneider thay thế chức vụ cho. Ngài đã tỏ ra tin tưởng, can đảm và vui vẻ cho đến giây phút cuối cùng.
Hôm ấy, trong bầu khí tĩnh lặng của bệnh viện do các Nữ tu Dòng Thánh Linh điều khiển, cha Franz Rosebaum lên cơn hấp hối. Ngài đưa mắt nhìn các thân nhân đang vây quanh ngài và xin mọi người cất lên lời kinh "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa". Câu cuối cùng vừa dứt, cha Rosebaum lặng lẽ ra đi bình an.
4. Ðầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu
* Hạt lúa gieo xuống đất không chết, trong nó sẽ phát xuất sự sống phong phú mới mẻ hơn. Hạt lúa nấu thành cơm nuôi nhân loại cũng không chết, nó tươi nở trong một cuộc sống khác đẹp hơn, cao quí hơn. (ÐHV 688).
* Từ đây trên các "vòng hoa phúng điếu", xin con đừng để hai chữ "phân ưu" nữa. Trong các thư từ con đừng để hai chữ "quá cố" nữa, vì họ "đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại" và "đang hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa". (ÐHV 689).
* Ðối với Kitô hữu, không có người chết. Tất cả các kẻ chết của chúng ta đang sống. Họ là chi thể của Chúa Kitô như chúng ta, chúng tôi thông hiệp với nhau trong đức tin (ÐHV 690).
Thuộc quốc tịch Ðức, Vath là một thương gia có hạng ở Thượng Hải (Trung quốc). Giữa lúc công việc kinh doanh đang hồi phát đạt, ông Vath bỗng nghe tiếng Chúa gọi. Và vị thương gia giàu có đó đã can đảm dẹp tiệm mà tận hiến cuộc đời mình cho Chúa. Ông xin vào học trong Chủng viện Thánh Benađô dành cho những người tu muộn tại Roma. Không phải ông chán đời, nhưng ông muốn dấn thân để phục vụ đời cách đắc lực hơn. Và ít năm sau, ông được phong chức linh mục. Sau đó, Ông trở lại Hồng Kông, đầu tư cuộc đời vào việc phục vụ dân nghèo Trung quốc đang sống chen chúc nhau ở trên bán đảo chật hẹp ấy.
Phương pháp hoạt động của cha là thành lập Caritas (Hội Bác ái cứu trợ Công giáo) với những lớp bổ túc văn hóa, những thư viện, những trường dạy nghề, trường kỹ thuật, quán cơm bình dân, lưu xá rẻ tiền cho sinh viên học sinh hoặc các công nhân, văn phòng tiếp đón người tị nạn từ Trung quốc Lục địa... Và chỉ sau một thời gian, Caritas Hồng Kông đã trở thành mô phạm cho các Caritas trên thế giới, nhờ tài kinh doanh của cha Vath được đem ra khai thác đúng chỗ và triệt để (cựu thương gia ở Thượng Hải). Có điều là giờ đây ngài không kinh doanh cho bản thân ngài nữa, mà là kinh doanh cho các người nghèo để thăng tiến cá nhân và gia đình họ.
Vì công lao của ngài quá lớn nên Tòa Thánh đã tặng cho ngài danh vị: Giám chức (Ðức Ông).
Về sau, ngài được bầu làm Giám đốc Caritas Ðông Nam Á và cuối cùng, ngài giữ luôn chức vụ Chủ tịch Caritas quốc tế trong những năm 1971, 1972, 1973. Chính lúc này ngài lại mắc bệnh ung thư. Sau mấy tháng điều trị, ngài đã nhắm mắt lìa đời và được an táng tại Ðức.
Sau khi ngài từ trần, bạn bè lẫn giáo dân ai ai cũng bùi ngùi xúc động: Vì mặc dù trong cơn bệnh đang hoành hành ác liệt, ngài vẫn bình tĩnh ghi băng trao gởi đến họ, đến các kẻ kế nghiệp, đến các nhân viên cộng sự, những trối trăn đượm đầy đức tin và bình an. Ngài nói mình vẫn luôn luôn kiên vững trong đức tin, liên lỉ kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Tử nạn, cũng như không ngừng hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa mà đợi chờ ngày sống lại hiển vinh. Ngài đã ân cần nhắn nhủ, động viên từng người hăng say toàn hiến đời mình cho nhiệm vụ và thực thi bác ái.
Ngài tạm biệt mọi người trong lúc tâm hồn tràn ngập tình tri ân cảm mến. Quả là một ơn Thiên triệu và một cuộc đời kỳ diệu.
5. Bài học hư vô
* Con nhìn thấy những giọt nước lã chã rơi trong một chiều đông. Mỗi ngày bao nhiêu người cùng vào cõi đời đời, như hạt nước kia không ai để ý, và một giây phút nào đó, một hạt nước rơi ấy chính là con (ÐHV 666).
* Nhìn bao nhiêu thân ngọc mình ngà, minh tinh, hoa hậu đã chịu số phận thối tha, hư nát, con hiểu được tiếng "Hư vô" và con tự rút lấy bài học (ÐHV 675).
Là con trai của công tước xứ Gandie, nước Tây Ban Nha, Phanxicô Borgia (1510-1572) mồ côi mẹ lúc 10 tuổi và được giao phó cho một người cậu đang làm Tổng Giám mục thành Saragesse nuôi dưỡng, giáo dục. Năm lên 18 tuổi, chàng được bước chân vào hoàng cung của ông Charles Quint, kết hôn cùng cô Eléonore de Castre và sinh hạ được 5 người con. Sau đó chàng được đắc cử làm cận vệ của hoàng hậu, tương lai huy hoàng mở ra trước mắt.
Nhưng đùng một cái, biến cố sau đây đã làm đảo lộn cuộc đời chàng. Số là hoàng hậu Isabelle, một mỹ nhân sắc nước hương trời vừa hoá ra người thiên cổ. Phanxicô có trọng trách đưa thi hài bà đến an táng tại lăng tẩm nhà vua Genade. Ðến nơi, lúc mở nắp quan tài để giao nhận đúng là thi hài của hoàng hậu Isabelle, Phanxicô đã sửng sốt rùng mình trước một thân xác thối rình, giòi bọ rúc rỉa... Và cảnh tượng ấy đã khiến chàng suy nghĩ thấm thía về cuộc đời tạm gửi ở trần gian để rồi đi đến quyết định: "Từ nay mọi danh vọng của trần thế và mọi lạc thú của nó chẳng còn dính dáng gì đến Phanxicô này nữa!". Chàng đệ đơn lên hoàng đế xin rút lui khỏi triều đình. Ðáp lời, vua Charles Quint đặt chàng làm phó vương xứ Catalogne. Ở đây, vừa tỏ ra là một viên chức gương mẫu tài ba, Phanxicô vừa đeo đuổi một cuộc sống tu trì cầu nguyện. Ít lâu sau, cha của Phanxicô qua đời, ông trở thành công tước xứ Gandie và là sáng lập viên của một bệnh viện và nhiều tu viện khác trong xứ. Khi người bạn đường là bà Eléonore de Castre nhắm mắt, ông xin gia nhập Dòng Tên và 17 năm sau, trở thành vị Tổng quyền thứ ba của Dòng.
Sau một chuyến truyền giáo, ngài ngã bệnh tại Ferrare và qua đời năm 1572, thọ 62 tuổi.
6. Nhật ký của một bà mẹ ung thư
* Người ta hối tiếc và than van: "Ðời tàn"; ngược lại, con phấn khởi và reo lên: "Niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô sắp đến." (ÐHV 667).
* Người đời nói: "Mỗi ngày gần mồ thêm một bước." Con phải nói: "Mỗi ngày gần cửa Thiên Ðàng hơn một bước." (ÐHV 668).
* Giữa những thử thách bên trong bên ngoài khủng khiếp nhất, con hãy nhớ lời sách Khải Huyền: "Và Người sẽ lau sạch nước mắt họ, chết sẽ không có nữa, phiền muộn, kêu gào và khó nhọc sẽ không còn nữa, vì các điều cũ đã qua" (ÐHV 682).
* Nhìn cuộc đời chóng qua không phải để mà yếm thế, bi quan, buông trôi... nhưng để phấn khởi, hăng say tranh đua với thời gian. Người ta bảo thời giờ là vàng, con hãy xác tín: thời giờ là Thiên Ðàng, thời giờ là Tình Yêu (ÐHV 686).
Một lần nữa hai vợ chồng trẻ lại lo âu đưa nhau đi khám bệnh ở phòng mạch bác sĩ. Lần này viên bác sĩ tế nhị cho họ hiểu là bệnh ung thư của bà đã đến giai đoạn trầm trọng không thể chữa được. Bác sĩ an ủi, động viên tinh thần họ và cho toa mua ít thuốc để giảm cơn đau.
Thương thay hai anh chị không phải là người sung túc. Ðã nghèo lại có tới 6 mặt con thơ nên cuộc sống thật là lam lũ. Tuy nhiên, gia đình vẫn hạnh phúc êm đẹp, vì cả hai đều thương và tôn trọng nhau, tạo nên một bầu khí chan hoà hạnh phúc, đạo đức. Người vợ tên là Têrêxa, anh là Giuse, cả hai đang ở trong một quốc gia tân tiến nhất: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Sau nhiều ngày cùng lo âu đau khổ, hai vợ chồng đã lấy lại được bình an và can đảm. Họ nhìn thẳng vào thực tế với con mắt đức tin, và đã có những phản ứng thật độc đáo, phát xuất từ niềm tin yêu, hy vọng vốn đang cháy trong lòng họ. Chính bà vợ đã viết tất cả vào cuốn nhật ký, ta hãy lần giở từng trang để chiêm ngắm tâm hồn một phụ nữ quả cảm, một gia đình Công giáo sáng chói và một cộng đồng dân chúng biết yêu thương nhau:
".. Chồng tôi đã đi đến các nhà hàng xóm, bạn bè và nói với họ: Nhà tôi mắc bệnh nặng, mấy lâu nay chúng tôi đã phấn đấu điều trị. Nhưng vừa rồi, bác sĩ đã cho biết đã đến giai đoạn nguy hiểm khó vượt qua. Tôi xin các bạn thương nhà tôi, tạo bầu không khí đầm ấm nâng đỡ nhà tôi...
"Nghe những lời ấy mọi người rất xúc động. Từ đấy chúng tôi được làng xóm và bạn bè quý yêu, mỗi người đều cố tạo cho tôi được hạnh phúc. Từ sáng sớm đã có người đến giúp cho các con tôi ăn để đi học, có người đến đi chợ hộ cho tôi, có bà giặt bộ quần áo, có ông đến cắt cỏ tưới hoa trong vườn, có chị đến lau chùi nhà, có người thỉnh thoảng lại gửi hoa cho thơm tho nhà cửa... Ngoài những sự nâng đỡ bên ngoài ấy, tình cảm của mọi người đối với tôi và của bản thân tôi đối với họ cũng đổi hẳn. Ai cũng yêu thương tôi, đi lại thăm viếng trò chuyện, mang báo chí lại cho tôi đọc giải trí...
Phần tôi, tôi cũng muốn dành những gì là tốt đẹp nhất, yêu quý nhất cho chồng tôi, con tôi và bạn bè của tôi.
"Chồng tôi họp mấy đứa con lại, anh nhắn nhủ lũ trẻ: "Các con yêu, mẹ các con ốm nặng, chắc không còn được ở lâu với cha con ta, các con hãy cầu nguyện cho mẹ, và cha cũng như các con, chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể được để mẹ chúng con được vui luôn. Sức mẹ yếu dần, từ đây cha và các con đừng để mẹ phải vất vả; chúng ta sẽ làm lấy công việc mà các con làm được, tùy sức của mỗi đứa, như dọn bàn, rửa chén, dọn giường, quét nhà, giặt ủi". Chúng đã hiểu và làm đúng như lời cha dặn. Những lúc rảnh rỗi, chúng quấn quít quanh tôi, kiếm chuyện làm cho tôi vui. Và lòng tôi cảm thấy hân hoan, quên đi bao nỗi nhọc nhằn, đau đớn.
"Bệnh tình của tôi ngày càng thêm trầm trọng. Tôi đã bàn với chồng tôi phải giải quyết tương lai cho các con. Sau nhiều ngày bàn luận, tôi đã thuyết phục được chồng tôi chấp nhận đề nghị của tôi. Hôm sau, chúng tôi đã thuê đăng một nhật báo mẫu tin như sau:
"Tôi là mẹ của 6 đứa bé, chồng tôi là công nhân viên, tôi nhiễm bệnh ung thư đã đến giai đoạn trầm trọng. Ðược sự chấp thuận của chồng tôi, tôi xin đề nghị với các bạn khắp nơi: ai muốn nhận nuôi mỗi gia đình một đứa con của chúng tôi (vì gia đình của chúng tôi quá neo đơn, đói khổ), xin cứ liên hệ với chúng tôi.
"Nhưng vì yêu thương các con tôi, tôi xin đặt điều kiện thế này:
1- Phải cho các con tôi giữ đạo sốt sắng, giáo dục chúng theo tinh thần Phúc Âm.
2- Phải xem chúng như con ruột trong gia đình, cho chúng học hành tới nơi tới chốn, tùy khả năng trí tuệ của chúng.
3- Không cắt đứt tình cảm gia đình của chúng, cho chúng thơ từ thăm viếng cha chúng, cũng như giữa chúng với nhau. Hàng năm đến kỳ nghỉ phép của cha chúng. Xin cho tất cả 6 anh em đều được sum họp dưới mái gia đình, đi chơi với nhau trong một vài tuần nghỉ hè của chồng tôi.
4- Nếu sau một thời gian, những điều kiện trên không được thỏa mãn, thì tôi hoặc chồng tôi xin được phép rút các cháu về".
"Nhiều gia đình cảm kích trước sự can đảm và hoàn cảnh đáng thương của tôi nên thư từ tới tấp cho tôi để hỏi thêm các chi tiết; có gia đình từ xa đến thăm viếng, tiếp xúc chuyện trò với các con tôi.
"Tôi và chồng tôi đã thân mật giải thích cho các con tôi hiểu, dĩ nhiên lòng không khỏi xót xa đau đớn. Các con tôi hỏi lại ba má cách cặn kẽ rồi đứa nào cũng vui vẻ chấp nhận. Ai có thể tả được nỗi lòng của mỗi người trong chúng tôi trước phút chia ly!
"Tôi đã thu xếp hành lý, âu yếm căn dặn từng đứa và cho mấy đứa lớn đi trước.
"Cám ơn Chúa đã cho các con tôi gặp những gia đình rất bác ái, đạo đức. Mỗi tuần họ đều biên thư cho chúng tôi. Họ cũng bảo các con tôi biên thư nói về sinh hoạt của chúng tại gia đình cha mẹ đỡ đầu của chúng. Các con tôi đều vui vẻ thoải mái, trừ một đứa không mấy thích hợp; nhưng ông bà đỡ đầu nó đã thông cảm và đã trao nó cho một gia đình khác. Lần này nó vui sống và rất hài lòng hoan hỉ.
"Ðể được thấy tận mắt nơi các con sinh hoạt, tôi gắng sức đi thăm một vòng tất cả bọn chúng, gửi gắm cho các ông bà và hết lòng cám ơn họ trước khi tôi yếu liệt không còn có thể đi lại được nữa.
"Ðứa con út đã lên đường cuối cùng, khi tôi hầu như đã hoàn toàn liệt hẳn. Từ đây, láng giềng và bạn bè lại càng thăm viếng chăm sóc tôi chu đáo hơn. Từ sáng đã có chị em lại chải tóc cho tôi, nâng đỡ tôi trong mọi việc...
"Ðây là những hàng cuối cùng của cuốn nhật ký, tôi không còn sức để viết thêm được nữa. Tôi cảm tạ Chúa trong niềm tin vững vàng. Tôi hiến dâng tất cả. Tôi biết Chúa là Cha nhân lành yêu thương con cái tôi còn hơn muôn vàn lần chính tôi yêu thương chúng nó. Tôi tin rằng tôi đang tiến dần đến ánh sáng hạnh phúc, một hạnh phúc còn chói loà gấp triệu lần hạnh phúc ở trần gian này. Tôi chấm dứt nhật ký trong lời tạm biệt. Hẹn gặp lại bà con anh em trong chốn hạnh phúc vĩnh viễn. Tôi chấm dứt trong niềm hy vọng. Tôi chấm dứt trong niềm cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong niềm cảm mến và yêu thương mọi người".
7. Ðức Phaolô VI suy niệm về sự ra đi của mình
* Trên Thiên Ðàng, người tông đồ mới thôi lao nhọc. Nhưng ngay ở Thiên Ðàng, người tông đồ vẫn tiếp tục cứu giúp trần gian. (ÐHV 677).
* Người tông đồ không chết, sự sống không tiêu diệt, chỉ biến đổi: "Hiện giờ ta thấy, nhưng ở trong gương, cách mường tượng, bấy giờ thì tận mắt, diện đối diện." (ÐHV 678)
Trên đường hy vọng, chúng ta đã lấm phen gặp vị lữ hành cao cả này: Ðức Giáo Hoàng Gioan Baotixita Montini.
Sau lúc ngài về nhà Cha một thời gian, thì vị Bí thư trong suốt 25 năm của ngài, linh mục Pasquale Macchi, đã lục soạn các giấy tờ, bản thảo, nhật ký và đã tìm thấy một bài suy niệm dài về sự chết của ngài. Ở đây chỉ xin trích một vài đoạn ngắn:
"Finis venit, venis finis!". Giờ cuối cùng, vâng, giờ cuối cùng đang đến.
"...Nhưng giờ, trong buổi hoàng hôn đầy ơn soi sáng ngoài ánh sáng cuối cùng của buổi chiều tà, điểm báo của một bình minh vĩnh cửu, một tư tưởng khác đã xăm chiếm trí óc của tôi; đó là nỗi băn khoan làm sao lợi dụng được cái giờ 11; đó là sự khẩn trương phải làm việc gì quan trọng trước khi quá trễ. Làm thế nào để sửa chữa những việc làm sai trái, làm sao để bù lại những thời giờ đã lãng phí, làm sao để chiếm lại cơ hội cuối cùng này để chọn "unum necessarium", điều cần thiết duy nhất?
"Lạy Chúa, con theo Chúa và con nhận thức rằng con không thể rút lui nhẹ nhàng ra khỏi sân khấu trần gian này được. Cả trăm ngàn sợi dây nối liền con với gia đình nhân loại, trăm nghìn mối dây ràng buộc con với cộng đoàn Hội Thánh. Những sợi dây ấy tự chúng sẽ đứt đi, nhưng con không thể quên rằng những mối dây liên hệ ấy đòi hỏi con một phận sự cuối cùng, "discessus pius", một sự ra đi đạo đức. Con nhớ lại Chúa Giêsu đã tạm biệt sân khấu trần gian này thế nào. Con ghi nhớ Người đã luôn luôn báo cuộc khổ nạn của Người thế nào. Người đã thu xếp và chờ đợi "Giờ của Người" đến thế nào. Tâm hồn Người hằng ý thức và rao giảng về ngày cuối cùng làm sao. Trong bữa tiệc ly, Người đã nói với các môn đệ về cái chết gần kề của Người thế nào và cuối cùng, làm sao Người đã muốn cái chết của Người được luôn luôn nhắc nhở bằng cách lập phép Thánh Thể: "Mortem Domini annuntiamus donec venias: các con loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Chúa lại đến".
"Một hiện tượng nổi bật hơn cả: "Tradidit semetipsum", Người đã tự hiến mình vì tôi, cái chết của Người là một hy tế Người chết vì kẻ khác; Người chết vì chúng ta. Sự cô đơn của cái chết Người được tràn ngập bằng sự hiện diện của chúng ta, được thấm nhuần tình thương "Dilexit Ecclesiam". Người đã yêu thương Hội Thánh (xem Huyền Nhiệm Chúa Giêsu, của văn hào Pascal). Cái chết của Người mạc khải tình yêu của Người đối với các môn đệ: "In finem dilexit", Người đã yêu thương đến cùng. Mãi đến giây phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, Người đã đưa ra một mẫu gương cảm động về tình yêu khiêm tốn và vô bờ bến (xem việc Người rửa chân cho các môn đệ). Người lấy tình yêu của người làm thành định mức cho ta so sánh và biến thành giới luật cuối cùng. Cái chết của Người là một giao ước của tình yêu. Ta phải ghi lòng tạc dạ điều ấy.
"Vì thế, tôi cầu xin Chúa ban cho tôi ơn được dâng cái chết sắp đến của tôi làm thành một món quà tình yêu trao ban cho Hội Thánh. Tôi nói được rằng là tôi đã luôn luôn yêu mến Hội Thánh; chính tình yêu ấy đã lôi kéo tôi ra khỏi tính ích kỷ hẹp hòi và man rợ của tôi. Tình yêu ấy đã hướng dẫn tôi phục vụ Hội Thánh. Tôi cảm nghiệm được rằng chính vì Hội Thánh, chứ không phải vì ai khác mà tôi đã sống. Nhưng tôi muốn Hội Thánh biết điều ấy; tôi muốn có can đảm để nói điều ấy với Hội Thánh như một niềm tâm sự tự đáy lòng mà người ta chỉ có can đảm nói lên trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời thôi. Sau hết, tôi muốn hiểu biết Hội Thánh cách hoàn toàn: trong lịch sử, trong ý đinh của Thiên Chúa, trong cùng đích, trong cơ cấu phức tạp, toàn thể và duy nhất, trong bản chất nhân loại bất toàn, trong những khốn khổ và đau thương, trong những yếu hèn và khốn nạn của một số đông con cái, trong những hiện tượng ít thiện cảm và trong sự cố gắng liên lỉ để trung thành, để thương yêu, để nên hoàn thiện và đầy bác ái.
"Nhiệm Thể Chúa Kitô ơi, tôi muốn hôn kính, bái chào và yêu thương nhiệm thể nơi mỗi thành phần tạo thành nhiệm thể; nơi mỗi Giám mục, mỗi Linh mục đang phục vụ và hướng dẫn nhiệm thể, nơi tất cả mọi tâm hồn sống với nhiệm thể, làm vinh danh nhiệm thể. Chết đi, tôi không rời bỏ và ra khỏi nhiệm thể, ngược lại, tôi càng hiệp nhất với nhiệm thể vì cái chết là một bước tiến lên trong sự hiệp thông với các thánh.
"...Hỡi những anh em, xin hãy hiểu tôi; tôi yêu mến tất cả anh em với tình yêu tràn đầy của Chúa Thánh Linh mà tôi là người thừa tác có nhiệm vụ làm cho anh em được tham dự vào. Trong tinh thần ấy, tôi hiểu biết anh em; trong tinh thần ấy tôi kính chào anh em, tôi chúc lành cho anh em tất cả. Và riêng anh em, những người thân tình nhất, yêu quý nhất của tôi, an bình cho anh em. Và với Hội Thánh, tôi biết nói gì đây? Mọi sự tôi được đều do Hội Thánh. Nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa ở với người; người hãy ý thức bản chất và sứ mệnh của người, hãy thấu hiểu những nhu cầu cần thiết và sâu xa của nhân loại; hãy tiến lên trong sự khó nghèo, nghĩa là trong tự do, dũng cảm và tha thiết yêu mến Ðức Kitô. Amen - Chúa đến - Amen".
Cuối một đời Giáo Hoàng với nhiều phong ba bão táp nhưng cũng nhiều thành tựu rất tốt đẹp, một sự nghiệp rất lớn lao, Ðức Phaolô VI đã suy niệm về sự chết với những tâm tình khiêm tốn, yêu thương, ý thức sứ mạng và liên lỉ kết hợp với Chúa Kitô như thế đó.
Ngài lại còn muốn nên giống Chúa Kitô trong cách chết: "Tôi muốn được chết nghèo. Về mộ phần, xin chôn tôi ngay trong lòng đất trơn, với một phiến đá đơn giản để ghi chỗ và kêu gọi lòng đạo đức của các tín hữu. Ðừng xây đài kỷ niệm cho tôi...
"Xin dẹp bỏ mọi thứ trang trí hiện được dành cho các tang lễ Giáo Hoàng và thay vào đó bằng một đồ đơn mọn và đạo đức...
"Tôi xin nhắm mắt trên mảnh đất đau thương, bi thảm và kỳ diệu này. Xin gởi đến tất cả mọi người lời chúc lành cuối cùng của vị Giáo Hoàng trước khi ra đi".
8. Bức thư gởi cho chính mình
* Biết trần gian là nơi tạm trú, sao con còn bo bo dành cho được sở này, chức kia, tiếc nuối chiếc bàn, chiếc ghế...? Con sẽ mang nó theo vào Thiên Ðàng "hưởng phúc đời đời" sao? Phi lý và điên khùng! (ÐHV 672).
* Ðừng để lúc sắp bước chân vào ngưỡng cửa đời đời, con hối tiếc vì đã đổi "của thiệt" lấy toàn "đồ giả" (ÐHV 676).
* Luxia, Yaxinta, Phanxicô đã trông thấy hỏa ngục vô cùng rùng rợn kinh khủng và không bao giờ quên được cảnh tượng ấy. Hãy tin lời Ðức Mẹ! Ðừng nhắm mắt không tin có hỏa ngục để rồi một hôm mở mắt thấy mình trong hỏa ngục(ÐHV 683).
Alexi là một thanh niên vui tươi, hâm mộ thể thao, âm nhạc, đồng thời cũng là một tông đồ nhiệt thành và rất thực tế. Năm 25 tuổi, anh viết cho mình một bức thư, bỏ vào phong bì đề tên tuổi hẳn hoi, bên dưới có ghi: "Sẽ mở đọc vào năm tôi đúng 60 tuổi". Bức thư được anh để ngay trên bàn viết, dưới chân cây Thánh giá nhỏ bằng gỗ.
Ngày tháng như chiếc thoi đưa, thấm thoát anh Alexi đã trở thành cụ già 60, đầu tóc bạc phơ. Vào đúng ngày sinh nhật thứ 60, cụ Alexi mời con cháu bạn bè đến chung vui trong một tiệc trà thân mật.
Sau bữa tiệc, cụ mở ra trước mắt mọi người lá thơ chính tay cụ đã viết 35 năm về trước. Tuy đã lớn tuổi, giọng cụ vẫn còn "phong độ", ai cũng nghe được rõ ràng từng tiếng:
"Bạn thân mến,
"Mừng kỷ niệm 60 năm sinh nhật của bạn! Kể từ hôm nay bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới. Sáu mươi tuổi đã qua là kể như đời bạn đã xế chiều. Dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo dai đã kém thua trước nhiều lắm. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn đóng góp tích cực vào phúc lợi chung.
"Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ cho đàn em trẻ hơn bạn, có khả năng thể xác và tinh thần hơn bạn.
"Nhưng không phải rút lui để rồi cầu an, nhàn hạ. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của 60 năm trước đầy nụ cười và nước mắt của bạn cho đàn em. Và bạn hãy sung sướng khi thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ, Thiên Chúa được vinh danh hơn.
"Bạn hãy tiếp tục dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng, theo sức bạn, theo tuổi bạn. Bạn hãy chuộc lại những thời giờ bạn đã lãng phí trong suốt 60 năm qua. Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa, hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ. Hãy cảm tạ Chúa và sám hối trước mặt Người. Bạn hãy dành phần còn lại của cuộc đời bạn để làm một việc gì cho Chúa, một việc mà giờ đây Chúa đang mời gọi bạn cộng tác dấn thân.
"Bạn đừng quên rằng bạn đang tiến về nhà Cha, mỗi phút một gần hơn. Bạn hãy sẵn sàng, đừng bám víu vào của cải trần gian, vào địa vị. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn, đẹp lòng Chúa và vui lòng gia đình, bè bạn trong mọi sự.
"Hãy dứt khoát, hãy quyết tâm mãnh liệt. Hãy thực hiện nghiêm túc. Hãy kết hợp với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse bạn Ngài.
"An bình và ơn sủng của Chúa ở cùng bạn.
"Ngày sinh nhật thứ 25 của Alexi"
Ðọc xong bức thư, cụ Alexi nói tiếp: "Cách đây 35 năm, tôi ngại rằng khi đã 60 tuổi, tôi sẽ nghĩ mình vẫn còn sức, sẽ bám víu vào địa vị, vào của cải... nên tôi đã viết bức thư này cho tôi. Hôm nay tôi tha thiết xin con cháu, bạn bè cầu nguyện cho tôi thực hiện những gì Chúa muốn trong giây phút hiện tại này".
9. Một tấm gương hấp hối
* Con cảm thấy an ủi vì đấng đoán xét con là cha nhân từ của con; Ngài càng chí công, con càng vững lòng, vì Ngài xử theo sự yếu đuối của con, nhưng đừng lạm dụng lòng nhân lành Chúa để khuyến khích mình liều lẫn trong tội lỗi. (ÐHV 680).
* Chúa gọi con làm thánh, nếu con chấp nhận vào luyện ngục, con đã phụ tình yêu của Chúa. (ÐHV 681).
Không một cơn hấp hối nào có thể tránh được đau khổ về phần xác cũng như lo lắng trong tâm hồn. Chị thánh Têrêxa đã đơn sơ và tự nhiên bước vào giây phút ấy. Ta hãy dõi theo tấm gương thánh thiện của chị. Lúc sức khỏe đã đến hồi hao kiệt, mãi tới ngày áp qua đời, chị Têrêxa vẫn còn muốn ở một mình ban đêm. Thỉnh thoảng chị phụ trách nhà liệt ghé vào thăm chị. Lần nọ, thấy chị chấp tay trên ngực, mắt thì ngước lên trời, chị coi nhà liệt bèn hỏi:
- Chị làm gì thế" Phải nhắm mắt ngủ đi chứ!
- Chị ơi em đau quá, không thể ngủ được nên em cầu nguyện.
- Chị cầu nguyện gì nữa?
- Em chẳng cầu xin gì, em chỉ yêu mến Chúa thôi!
* * *
Thỉnh thoảng chị Thánh lại thốt lên:
- Ôi, Thiên Chúa tốt lành dường nào... Thật Ngài thương xót và nhân từ lắm mới ban sức cho con chịu đau khổ thế này.
Chiều hôm ấy, chị trao cho Mẹ Bề trên một mảnh giấy viết bằng bút chì có những giòng chữ run rẩy như sau:
"Lạy Chúa con, Chúa đối xử với con là lễ mọn tình yêu cách nhân từ lắm! Bây giờ Chúa dung hoà những đau đớn thể xác với những cơ cực linh hồn. Tuy dù con chưa có thể nói: Cơn phiền giờ hấp hối đã bao vây tôi tứ phía, nhưng với tất cả lòng biết ơn, con xin kêu lên rằng: con đã xuống tới vực u ám sự chết, song con không e sợ gì vì Chúa hằng ở với con".
Mẹ Agnès de Jésus bảo Têrêxa:
- Có mấy chị tưởng con sợ chết lắm!
- Ðiều ấy rất có thể, chị thưa, con không dám tự tin đâu, con vẫn nhận mình hèn hạ yếu đuối, nhưng hiện giờ đây con cứ hưởng tâm tình vui vẻ Chúa ban cho đã sau định thể khác, cũng còn giờ mà vui chịu cách khác. Cha tuyên úy nhà dòng hỏi con bằng lòng chết chăng, con đã thưa cha rằng: "Thưa cha con trộm nghĩ chỉ phải cam lòng mà sống, chứ được chết thì con vui mừng lắm!" Mẹ ơi, nếu mẹ thấy con phải đau đớn quá, và dù lúc tắt hơi con cũng không tỏ dấu gì vui, mẹ cũng đừng buồn phiền nhé! Chúa chúng ta chẳng chết vì tình yêu sao? Mà mẹ xem đấy, giờ hấp hối của Chúa đã thế nào!
...Ðã mấy tuần lễ qua, Têrêxa đau đớn cơ cực không thể ngồi dậy được, nhưng hôm nay, lúc hai giờ rưỡi chiều ngày 30.9.1897, chị ngồi lên được và kêu:
- Mẹ ơi, chén đắng đã đến đầy miệng rồi! Không bao giờ con dám tưởng mình có thể chịu đau khổ tới chừng này. Con chỉ có thể hiểu rằng: Con chịu được nỗi đau đớn này là bởi lòng con rất tha thiết phần rỗi linh hồn anh chị em.
Một chốc sau, Têrêxa lại lặp đi lặp lại nhiều lần như sau:
- Mọi lời con đã viết về lòng ao ước chịu đau khổ là thật hết. Con không hối hận vì đã hiến thân tế lễ tình yêu Chúa.
Rồi chị thưa Mẹ Bề trên:
- Mẹ ơi, xin Mẹ giúp con dọn mình chết lành!
- Con ơi, con đã rất sẵn sàng để ra trước toà Chúa rồi, vì xưa nay con đã hiểu nhân đức khiêm nhường lắm!
- Vâng, con biết thế, linh hồn con chỉ ước ao tìm sự thật của lòng khiêm nhường!
Bốn giờ rưỡi chiều, bệnh bắt đầu chuyển qua cơn hấp hối, Têrêxa thấy chị em vào phòng bèn mỉm cười cách âu yếm, chào và cám ơn chị em, rồi hai tay rời rạc nắm lấy Thánh giá. Mồ hôi toát ra đầy mặt, chị run rẩy cả mình.
Khi Nhà Dòng đánh chuông kinh tối, chị nhìn lên Mẹ Maria cách âu yếm. Ðến bảy giờ vài phút, chị quay lại thưa mẹ Bề trên:
- Thưa Mẹ, phải đây là giờ hấp hối? Con sắp chết ư?
- Phải, hỡi con, giờ hấp hối đấy; nhưng Chúa muốn con hy sinh ít phút nữa.
- A! Vâng... vâng... con xin vui lòng chấp nhận!
Vừa dứt lời, Têrêxa ngửa mặt lên nhìn ảnh Chuộc tội và than thở:
- Ôi.. Con mến Chúa!... Lạy Chúa con... con... mến... Chúa... lắm!!!
Ðoạn Têrêxa gục đầu qua bên phải mà thiếp đi. Rồi bỗng dưng, chị ngửa mặt lên như có một tiếng mầu nhiệm gọi, mắt mở ra, gương mặt sáng láng bình an vui vẻ lạ thường, đăm đăm nhìn ảnh Mẹ, lâu chừng năm phút... và linh hồn bay về cùng Chúa.
10. Ðức Gioan XXIII trước ngưỡng cửa đời đời
* Người lạc đường, thất vọng; người không biết đích, vô vọng; người tiến về đích, hy vọng; ở đó con sẽ gặp Thiên Chúa, Cha nhân từ đợi chờ con, con sẽ toại vọng (ÐHV 664).
* Con hãy sẵn sàng cầm đèn sáng đợi chờ giờ Chúa trở lại, như Chúa muốn, nơi Chúa muốn, lúc Chúa muốn (ÐHV 670).
Ðức Gioan XXIII luôn luôn chuẩn bị để ra trước toà Chúa. Ngài đã để lại bốn bản di chúc được viết trong các kỳ tĩnh tâm:
1- Bản thứ nhất vào năm 1939-1945.
2- Bản thứ hai làm tại Venise 29.6.1954.
3- Bản thứ ba làm tại Castelgandelfo ngày 12.9.1961, lúc đang là Giáo Hoàng.
4- Bản thứ tư, gửi dòng họ Roncalli, làm tại Vatican ngày 3.12.1961.
Chúc thư sau cùng này được ngài viết cách đơn sơ, thân tình như sau:
"Thăm em Severo,
"Hôm nay bổn mạng em, thánh Phanxicô Xaviê..., anh dùng máy chữ mới, đánh thư này gửi về em, chứng minh dù đã già 80 tuổi, anh vẫn tiếp tục phục vụ Chúa và Hội Thánh.
"Thư này cho em, anh cũng muốn là tiếng nói chính thức với hai em trai Alfredo, Giuseppino, các em gái, các em dâu và các cháu sau này. Dù bận việc, dù đang quy hướng về thế giới, anh vẫn không quên các em, các cháu trong nhà. Các em không còn đến được với anh như xưa, nhưng qua Ðức Ông Capovilla, các em cứ nói tất cả, và anh sẽ nhận được tin tức đầy đủ.
"Các em đều biết: từ ba năm qua, nghĩa là từ khi anh làm Giáo Hoàng, anh không thể biên thơ riêng cho ai, dù là người nhà, các em thông cảm! Tự hãm mình như vậy, tức là vinh dự lớn lao cho chúng ta, và các em biết rằng lòng anh quý yêu gia đình dạt dào không thể tưởng tượng.
"Những cuộc lễ, lời chúc tụng tuổi 80 của Giáo Hoàng đã qua. Anh chỉ thích được chúc tụng cám ơn Thiên Chúa đã và sẽ gìn giữ anh tới cùng.
"Do lòng Chúa thương, tên dòng họ Roncalli đã được toàn thể giáo giới yêu quý. Các em hãy tiếp tục ở khiêm tốn, khiêm tốn như thế. Người đời chỉ biết có tiền, chức vị, lạc thú với bất cứ giá nào, dù man rợ với nhau...
"Nhờ em nói lại với tất cả bà con xa gần, mà giờ này anh không biết rõ:
"Dòng họ Roncalli hãy thương yêu đoàn kết với nhau. Anh không viết thư được cho từng người, vì, đúng như em Giuseppo nói: Anh là Giáo Hoàng, là người tù hạng sang không được làm những gì mình muốn.
"Ðặc biệt anh thương những em đang nghèo, đang khổ nhất trong các em... khổ đến nỗi phải di cư ra thành Milan để kiếm công ăn việc làm.
"Các em khổ, vì đôi khi kẻ thiếu nhận xét đã bảo: Có anh làm Giáo Hoàng mà dòng họ vẫn nghèo nàn, tình trạng xã hội không được đổi thay. Trái lại, các em nên biết rằng nhiều người hiểu Giáo Hoàng, hiểu rằng giáo hoàng, con của những người dân quê chất phát nhưng khả kính, rất yêu thương bà con dòng họ; nhiều Giáo Hoàng trước đây cũng xuất thân từ gia đình nghèo như anh; vinh dự của Giáo Hoàng là đã giúp gia đình mình như đã vì bác ái mà giúp bất cứ gia đình nghèo nào khác. Ðó là tước hiệu danh dự của Giáo Hoàng Gioan và của dòng họ Roncalli mà nhiều người đã hiểu và quý mến.
"Anh có chết, nhiều kẻ sẽ ca tụng anh như anh đã ca tụng Thánh Piô X: ngài sinh nghèo và chết nghèo.
"Anh đã 80 tuổi, các em cũng già với anh, can đảm lên! Nơi gường anh có ảnh mồ mả của ông nội, của bác Hai, của Ba má, của ba chị Maria, Ancilla, Têrêxa, của em Giovanni và cháu Enrica. Ðẹp thay cả một đoàn linh hồn đang chờ đợi và cầu nguyện cho chúng ta...!" Anh, Gioan XXIII, Giáo Hoàng.
Ngài đã nhìn giờ Chúa gọi thế nào?
Ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời 15.8.1961, ngài viết trong nhật ký:
"...Nay đã 80 tuổi, con đã đến ngưỡng cửa của "cái già" Chúa nói. Con sẵn sàng hy sinh không hạn chế, dù là mạng sống và nhận lấy cái chết như ngưỡng cửa đưa vào cõi hằng sống. Ðây, con giơ tay lên, đôi tay đã yếu và run rẩy, để kẻ khác mặc áo và dẫn đi. Còn cái "nơi con không muốn tới", cái đó không có, vì chính Chúa mở lối; con sẽ "theo Chúa trên các nẻo đường Chúa đi" (Mt 8,19), dù là đi đến chỗ hiến tế, khổ hình và chết, cái chết bảo đảm cho số phận đời hạnh phúc.
"Lạy thánh Giuse, vị bảo trợ đặc biệt của người sắp chết với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà Ngài đã có phúc đồng hành khi còn sống, con xin kết thúc trang ghi lại cuộc cấm phòng bằng câu kết mà Hội Thánh hát mừng Ngài: xin Ba Ngôi Chí Cao tha thứ cho kẻ nguyện cầu. Vì công lao của Thánh Giuse, xin cho con vào thiên quốc, để chúng con được mãi mãi lặp lại bài ca cảm tạ của lòng chúng con tri ân. Amen".
11. Bức thư trước giờ hành quyết
* Nghe tiếng cha mẹ đến, đứa bé ở nội trú bỏ tất cả, không tiếc một cái gì để chạy theo cha mẹ. Con đừng dính bén bất cứ đồ vật gì nơi tạm trú này (ÐHV 671).
Linh mục Trochu đã viết một cuốn sách rất công phu về Chân phước Ven (Thánh Théophan Vénard). Trong sách đó có ghi lại rằng: đang lúc bị án tử hình vì đức tin và bị giam tại Hà Nội chờ ngày trảm quyết, thánh Ven đã viết nhiều bức thư nhờ giáo dân chuyển về cho gia đình. Trong số các thơ ấy, có mấy dòng sau đây, được thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng (là người bảo trợ tinh thần cho thánh nhân) chọn làm như của chính mình vậy:
"Thế gian chẳng còn gì làm vui sướng đời con nữa. Tâm hồn con đã được cởi mở rộng rãi. Những cái người ta kêu là hạnh phúc ở trên đời, con cho là rơm rác hết. Lòng trí con đang bay về cõi thiên thai. Thời gian sắp mãn cuộc. Hồn con bình lặng như mặt hồ lặng lẽ hay như vòm trời xanh dịu. Con chẳng còn tiếc xót gì ở kiếp phù trần, chỉ khát khao mong mỏi về uống nước trường sinh cõi phúc...
"Không lâu đâu! Linh hồn con sắp được từ giã thế gian rồi. Cuộc đày đọa sắp qua, những ngày giao chinh sắp hết. Con lên thiên đàng! Con đi đến chốn an nghỉ đời đời của các thánh, nghe những nhạc điệu du dương tai chưa từng nghe, ngắm những sự tốt đẹp mắt chưa từng ngắm, vui hưởng hoan lạc trái tim chưa từng hưởng... Nay con sắp đến giây phút mà ai ai cũng thiết tha mong đợi. Quả thật Chúa đã chọn kẻ bé mọn để mỉa mai những kẻ quyền hành thế gian. Con không dám cậy sức riêng con, một chỉ cậy sức Ðấng đã đứng trên Thánh giá mà chiến thắng mọi quyền hành hỏa ngục.
"Con là hoa xuân, nay Chủ vườn muốn hái đem về làm cảnh. Chúng ta hết thảy là hoa Chúa vun trồng trong vườn thế gian, sẽ có ngày Chúa sẽ hái về hết, nay hoa này, mai hoa khác, chầy kíp gì cũng xong cả. Thân con là đoá hoa phù dung, dám xin mạn phép hồi hương trước.
"Hẹn một ngày kia chúng ta sẽ cùng gặp nhau, tay bắt mặt mừng trên Thiên đàng, hân hoan trong vinh phúc trường cửu".
Ngày 2.2.1861, thánh Ven gục ngã dưới lưỡi gươm của đao phủ tại pháp trường Cầu Giấy (Hà Nội) lúc vừa 34 tuổi. Ðầu ngài bị ném xuống sông mãi hai tuần sau ngư phủ mới tìm thấy. Ai tin được trên đây là bức thơ tạm biệt gia đình của một tử tội!