Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
27- Canh Tân
1. Chương trình canh tân của Ðức Phaolô VI
* Ðức Phaolô VI đã vạch rõ muốn canh tân thế giới ngày nay phải loại bỏ:
1) Thuyết thế gian hóa: chỉ xem hạnh phúc trần thế là cùng đích, tôn thờ khoái lạc, của cải, quyền thế...
2) Thuyết tục hóa: Không còn chấp nhận giá trị của hy sinh, khiêm nhượng, nhẫn nại...
3) Thuyết chính trị hóa: chủ trương chỉ có chính trị mới giải quyết được mọi vấn đề: hòa bình, phát triển, gia đình, huynh đệ, công lý... (ÐHV 655).
* Cuộc đời con chỉ là một chuỗi liên tục: giờ ngủ, giờ thức dậy, giờ ăn, giờ học, giờ công sở, giờ lao tác, giờ giải trí, giờ tivi, giờ đọc báo... Nếu không có một yếu tố gì thống nhất đời con, một yếu tố cần thiết độc nhất, thì đời con thật là nhàm chán rời rạc. Yếu tố ấy là Tình Yêu Thiên Chúa. Ðời con sẽ đổi mới hẳn. Tất cả hoạt động của con từ đây là những nét biểu lộ chứng tích của Thiên Chúa trong con (ÐHV 656).
Ðức Phaolô VI đã nhiều lần kêu gọi canh tân qua các lời giảng dạy cũng như các văn kiện của ngài. Ngài nói có ba điều cần phải tiêu diệt trong tâm hồn người Công giáo trước khi canh tân Hội Thánh và xã hội:
a- Thuyết thế gian hoá (mondanisation) chỉ xem hạnh phúc trần thế là cùng đích của cuộc đời. Nhiều người Công giáo vẫn dự lễ, đọc kinh, vẫn đóng góp vào các việc bác ái, nhưng cuộc sống của họ rất xa lạ với Tin Mừng. Trọng tâm của đời họ là quyền hành, lạc thú, tiền của. Bạn hữu của họ là những người giàu sang, ngay cả những kẻ bóc lột, tham nhũng, những kẻ nắm chức quyền trong tay một cách độc tài khát máu... Họ không nghĩ đến đời sau, họ bình thản như thể sẽ sống muôn đời trên cõi thế này và thiên đàng đối với họ chính là trần gian.
b- Thuyết tục hoá (sécularisation): gạt hẳn sự siêu nhiên ra khỏi cuộc đời của người Kitô hữu, không còn tìm thánh ý Chúa; cho rằng hy sinh, khiêm nhường, nhịn nhục là dại dột, chỉ vâng phục khi nào mình thấy hợp lý, có lợi cho bản thân. Con người tu sĩ, con người Kitô hữu giờ đã hoá nên con người thế tục luôn luôn thốt lên: "Dại gì làm thế cho khổ cái đời!"
c- Thuyết chính trị hoá (politisation): đặt mọi vấn đề dưới khía cạnh chính trị; chủ trương rằng công lý, huynh đệ, hoà bình, phát triển... chỉ được giải quyết bằng chính trị. Loài người chỉ đối thoại với nhau bằng sức mạnh, chỉ giao tiếp bằng sách lược. Loại hẳn Thiên Chúa ra khỏi xã hội, không bao giờ chấp nhận, nhìn xem hoặc giải quyết một vấn đề dưới ánh sáng Phúc Âm. Ðức Phaolô VI đã nói rằng, những chứng bệnh này không những chỉ là người ngoài, mà còn là của những người con Hội Thánh. Chúng là những nguyên nhân căn bản đưa đến sự "tự hủy diệt".
2. Nguyên nhân khủng hoảng hiện tại
* Người ta thường đổ tội cho Hội Thánh ù lì, cổ xưa, nặng nề cơ cấu, nên không lạ gì phải có khủng hoảng. Không đúng vậy đâu. Con đừng la làng và đổ lỗi cho Hội Thánh để chuẩn cho con xét mình và suy nghĩ. Hội Thánh là tất cả dân Chúa, trong đó có con. Ðây là nguyên do khủng hoảng:
1) Hạ giá trị sự cầu nguyện.
2) Người Công Giáo cũng nói, cũng nghĩ như kẻ khác (không còn gì là siêu nhiên).
3) Không chấp nhận sự điên dại của thánh giá Chúa (ÐHV 636).
* Con phải canh tân tâm hồn quảng đại, đơn sơ đối với Chúa: "Chúa muốn gì, con cũng cho hết", và đừng quên điều thứ hai: "Chúa cho con gì con cũng nhận hết" (ÐHV 642).
* Khi con tật bệnh, cha mẹ tiếp máu, chuyển sang cho con, để đổi mới con, làm cho con sống lại tươi tắn hồng hào hơn. Con chỉ canh tân được đời sống con, canh tân Hội Thánh, nếu con liên lỉ chuyển máu Chúa vào huyết quản, vào tim con, tiếp cứu cho con, thay thế máu xấu của con (ÐHV 643).
* Với tất cả nỗ lực của chúng ta để canh tân, Với tất cả sách vở, tổ chức, ủy ban, hoạt động, hy sinh, Với tất cả con người, cơ khí, nhà máy, xa lộ, phi thuyền, vệ tinh, khoa học,... Chúng ta sẽ là gì? Ðời chúng ta có ý nghĩa gì? (ÐHV 647).
* Nếu chúng ta không nhìn lên Chúa là nguồn hy vọng cho đời ta luôn luôn mới mẻ, an vui. Ai giải đáp được? (ÐHV 648).
Là một nhà thần học Tin lành, mục sư Oscar Cullmann đã giảng dạy nhiều năm tại nước Áo, để lại nhiều tác phẩm rất giá trị về Thần học, Thánh Kinh và Phụng vụ.
Giữa lúc Âu châu đang chìm đắm trong khủng hoảng sau Công đồng Vatican II, người ta đã mời ông sang diễn thuyết cho một số nhà trí thức Công giáo họp tại Strasbourg, nước Pháp. Ông thành thực đi thẳng vào vấn đề và trình bày đại khái như sau:
"Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải chỉ xảy ra trong Hội Thánh Công giáo; chính Giáo Hội Tin lành của chúng tôi cũng không thoát khỏi.
"Sau khi nhìn một cách tổng quát và nghiên cứu nhiều trường hợp địa phương, chúng tôi thiết nghĩ: nguồn gốc sinh ra khủng hoảng có thể tóm tắt như sau:
a- Hạ giá sự cầu nguyện, đang lúc mà sự cầu nguyện phải chiếm địa vị tối thượng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không bám víu vào Chúa thì chúng ta không còn sức mạnh nữa.
b- Người Kitô hữu cũng nói, cũng nghĩ như người khác, không nhìn sự kiện với con mắt Thiên Chúa, không phản ứng với thái độ Phúc Âm. Trên lý thuyết và danh nghĩa thì họ là một Kitô hữu, nhưng ra giữa xã hội, đi sâu vào thực hành thì họ là một người ngoại đạo, một kẻ vô thần.
c- Người Kitô giáo không chấp nhận sự điên dại của Thập giá Chúa, như thánh Phaolô đã dạy. Họ muốn đua đòi khôn ngoan theo kiểu thế gian. Họ tránh hy sinh, tránh khó nghèo. Họ tìm lời khen, họ muốn tự do theo ý riêng họ. Họ muốn theo Chúa Giêsu lúc Người biến hình trên núi Taborê, nhưng dừng lại bên ngoài vườn Giêtsêmani, và không trèo lên núi Thập giá".
Ý kiến của Mục sư Oscar Cullmann trên đây quả phù hợp với tư tưởng của Ðức Phaolô VI vậy.
3. Gioan cụ già rất trẻ
* Phải canh tân bao lâu? - Phải luôn luôn khởi sự lại. - Phải luôn luôn tu chỉnh thêm. Con đừng an nghỉ, bao lâu hôm nay con chưa tiến hơn hôm qua một bước trong sự hiệp nhất với Chúa. Con phải đinh ninh rằng, lúc con khởi sự đứng lại là khởi sự thụt lui xuống dốc, khởi sự cổ hủ (ÐHV 640).
* Thế kỷ nào cũng có những "biến cố Phúc Âm" với những người Chúa Quan Phòng ban cho thế giới, cho lịch sử: Bênêđictô, Augustinô, Phanxicô, Bênađô, Vinh-sơn, Avila, Inhaxiô, Gioan Boscô, Têrêxa Hài Ðồng... và mỗi lần các ngài lại khám phá một khía cạnh mới mẻ, thổi một luồng sinh khí mới của Phúc Âm đáp lại đòi hỏi của thời đại (ÐHV 645).
* Con hãy hợp tác để tạo nên "Mùa Xuân Mới" cho Hội Thánh. Con hãy chuẩn bị các tâm hồn đón nhận "Một lễ Hiện Xuống mới" trong Hội Thánh. Con hãy nên cánh của mở ra để đón làn gió mát dịu ngập tràn, làm tươi sáng Hội Thánh (ÐHV 657).
* Ðộng lực và tác giả mọi cuộc canh tân trong Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, "Ðấng canh tân mặt đất". Mỗi cuộc canh tân phải là một lễ Hiện Xuống mới và không thể có lễ Hiện Xuống mới ngoài Chúa Thánh Thần. Con không thể canh tân ngoài Chúa Thánh Thần (ÐHV 660).
Chiều ngày 28.10.1958, sau khi lãnh phép lành đầu tiên của Ðức Tân Giáo Hoàng Gioan XXIII, nhiều người đã tỏ vẻ thất vọng thốt lên lời: "Phải mà được Ðức Hồng Y Agsgianian làm Giáo Hoàng thì hay biết mấy, Ðức Giáo Hoàng mới già quá! 78 tuổi rồi còn làm gì được nữa!"
Chính Ðức Tân Giáo Hoàng cũng biết như vậy. Nhưng, ai có ngờ đâu, trong khoảng thời gian không đầy 5 năm, biết bao cuộc canh tân đã được thực hiện trong lòng cuộc sống Vatican cũng như trên toàn thể Hội Thánh và thế giới.
Ngày trước, Ðức Giáo Hoàng không bao giờ bước chân ra khỏi Vatican, trừ dịp hè, đi nghỉ tại Castelgandolfo, vì đó là thông lệ, cũng như vì mỗi lần Ðức Giáo Hoàng ra khỏi Vatican thì nước Ý phải đón tiếp và gìn giữ an ninh trật tự như một vị Quốc trưởng. Thế mà Ðức Gioan XXIII mới lên ngôi Giáo Hoàng chưa được hai tháng đã có ý định đi thăm viếng nhà tù Ara coeli và bệnh viện nhi đồng Gesù Bambino trong thành Roma vào dịp lễ Giáng Sinh. Người ta trình ngài:
- Tâu Ðức Thánh Cha, xưa nay các Ðức Giáo Hoàng đâu có đi ra ngoài như thế!
- Xưa không ra thì nay cha ra thử xem sao!
- Biến cố này đối với năm 1958 thực là mới mẻ táo bạo; các báo cho chạy tít lớn đăng hình ảnh và hết lòng ca ngợi cụ già trẻ trung ấy.
Hôm khác, ngài gọi xe đi thăm một linh mục thân thiết già cả đang lâm bệnh nặng ở xa thủ đô Roma cả trăm cây số. Một lúc sau, cả Vatican báo động: "Ðức Giáo Hoàng đã mất tích" rồi thông báo cho chính phủ Ý hay. Cảnh sát được huy động tối đa mà cũng không sao tìm ra bóng dáng vị Giáo Hoàng lạ lùng ấy. Chiều tối, xe hơi chở Ðức Giáo Hoàng trở về nhà, ngài tươi cười chống gậy bước lên tầng cấp!
Một bữa khác nữa, ngài bảo đi mời một ông bạn đến dùng bữa với ngài. Người ta liền tâu:
- Thưa Ðức Thánh Cha, xưa nay các Ðức Giáo Hoàng chỉ dùng bữa một mình thôi à!
- Cha thấy có luật nào cấm Ðức Giáo Hoàng mời khách ăn cơm thân mật đâu! Ăn cơm với người khác đâu phải là tội!
Một buổi sáng nọ, các công nhân đang làm việc trong nhà in Vatican thấy Ðức Gioan XXIII từ từ tiến vào, chẳng có một lời báo trước... Họ hết sức ngạc nhiên và lúc đầu hoảng hốt, nhưng rồi họ sung sướng vây quanh ngài, nghe ngài hỏi han thân mật.
Chiều chiều, ngài hay xuống bách bộ trong vườn Vatican, và thường lúc ấy các người làm vườn phải đi chỗ khác hay phải nghỉ việc; nhưng ngài ra lệnh cứ để họ làm việc tự nhiên, có lúc ngài dừng chân nói chuyện với họ.
Chưa trị vì được bao lâu mà Ðức Thánh Cha đã đổi hẳn bầu khí ở Vatican như thế, khiến ai ai cũng trìu mến ngài, và nhất là cảm thấy bỡ ngỡ về tính đơn sơ nhân hậu của vị Giáo Hoàng đã ngoài 80 tuổi.
Nhưng trong giáo triều cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, Ðức Gioan XXIII lại còn đem đến rất nhiều bỡ ngỡ nữa:
Mới hai tháng sau khi nhậm chức, ngày 15.12.1958, ngài đã phong một lúc 23 vị Hồng Y mới và bãi bỏ tập tục đã có từ đời Ðức Sixtô V (1586) là giữ số hồng y nhất định là 70 vị (rập theo truyền thống 70 vị kỳ lão trong Thánh Kinh); ngài đưa dần con số Hồng y lên đến 90 vị để nhiều quốc gia được có đại diện trong Hồng y đoàn.
Ngày 25.1.1959, ngài đến dâng lễ mừng kính "Thánh Phaolô trở lại" tại Vương Cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành. Sau lễ, mọi người xếp hàng chào hai bên đường thấy ngài bước lên xe vừa mỉm cười vừa đưa tay ban phép lành cho họ, chẳng một ai hay biết cách đó mấy phút, lúc các Hồng y và Giám mục đưa ngài về phòng thánh ngài đã nói chuyện thân mật và đột nhiên công bố: "Tôi sẽ triệu tập Công đồng chung Vatican II". Mãi đến 12 giờ ngày hôm ấy, lúc đài phát thanh Vatican loan tin, mọi người mới chưng hửng ngạc nhiên trước biến cố lịch sử lớn lao ấy. Thế rồi sau đó, ngài bắt đầu đặt Ủy Ban trung ương, các tiểu ban, văn phòng... để chuẩn bị cho đại công đồng sẽ khai mạc vào ngày 11.10.1962 tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô. Trước đó, ngài đã đi hành hương ở Loretto, nơi tục truyền có nhà của Ðức Mẹ để xin Ðức Mẹ dẫn dắt Công đồng đạt được thành quả tốt đẹp.
Công đồng Vatican II, một biến cố vĩ đại của Hội Thánh cũng như của nhân loại trong thế kỷ XX và còn ảnh hưởng sâu xa đến các thế hệ mai sau chính là do sáng kiến và công lao của Ðức Gioan XXIII vậy. Thế nhưng, với một giọng khiêm tốn và hồn nhiên, ngài đã thuật lại như sau: "Một đêm kia, tôi thao thức không ngủ, đầu óc chồng chất không biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết, tự nhiên, như một ơn linh ứng của Chúa Thánh Linh, tôi tự bảo: Phải triệu tập Công đồng! Công đồng Vatican II, nhất định sẽ là cánh cửa mở để làn gió mát trong và mới mẻ thổi vào lòng Hội Thánh".
Ngài rất tin tưởng và lạc quan về Công đồng, nhưng không bao giờ đánh mất nét thực tế. Khi nghe ngài tuyên bố sẽ thực hiện công trình vĩ đại ấy, có nhiều la lối rùm beng: "Hội Thánh đã canh tân rồi!" Ngài trả lời bằng một câu nói rất thâm sâu: "Hội Thánh không bao giờ canh tân xong, nhưng luôn tự canh tân mãi" (L'Eglise n'est jamais réformée, mais elle est toujours réformants). Chính ngài là người đầu tiên đã dùng danh từ "cập nhật hoá" để nói lên tinh thần và chiều hướng ấy.
4. Hoạt động canh tân của Ðức Phaolô VI
* Tình yêu nhân loại giới hạn một nhóm người.
- Tình yêu thần linh tiếp đón mọi người.
- Tình yêu nhân loại đáp trả sau,
- Tình yêu thần linh tình nguyện bước trước.
- Tình yêu nhân loại kéo riêng về mình,
- Tình yêu thần linh hợp nhất với kẻ khác.
- Tình yêu nhân loại chỉ động đến con người.
- Tình yêu thần linh biến đổi cả con người.
- Một khi con người được biến đổi, xã hội sẽ biến đổi, luật lệ sẽ biến đổi, liên lạc giữa người với người sẽ biến đổi: Canh tân toàn diện (ÐHV 638).
* Mỗi ngày báo chí chạy bằng hàng tít lớn những câu chuyện giật gân, những biến cố bùng nổ giữa loài người. Con phải hiện diện, phải hồi hộp thao thức với nhân loại. Những thời hiệu ấy thúc đẩy con xây dựng một xã hội mới mẻ mà báo chí không săn tin nổi: Xây dựng Nước Thiên Chúa, ngay từ trần gian với phương tiện có giữa trần gian (ÐHV 644).
* Canh tân đòi hỏi can đảm. Canh tân đòi hỏi quyết định: Trước bao nhiêu đau khổ, Trước tiếng gọi của Thiên Chúa, Con đừng hững hờ giả lờ, Hãy nên một tông đồ dấn thân cho công cuộc canh tân, dĩ nhiên với nhẫn nại hy sinh và chỉ vì mến yêu Hội Thánh (ÐHV 659).
Tiếp tục sự nghiệp của Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI đã trung kiên thi hành sứ mệnh thực hiện Công đồng Vatican II dù phải trải qua muôn nghìn gian truân, thử thách, khủng hoảng, ra đi trong cũng như ngoài Hội Thánh.
Chiếc mũ "Ba tầng" của giáo phận Milanô dâng cho ngài có nạm nhiều viên ngọc quý sáng ngời đã được ngài đem bán ngày 18.11.1964 để lấy tiền giúp kẻ nghèo và từ đây ngài chỉ đội mũ như các Giám mục.
Ngày 15.9.1970, ngài đã giải tán các đội lính hầu trong Vatican và chỉ để lại vệ binh Thụy Sĩ để gác cổng.
Nhưng ngoài những việc nói được là nhỏ nhất ấy, Hội Thánh và thế giới còn chứng kiến không biết bao nhiêu là công cuộc cải cách được thực hiện dưới triều đại của ngài, một triều đại kéo dài 15 năm giữa lòng một thế kỷ có nhiều thay đổi lớn lao kỳ diệu xen lẫn với những khó khăn, khủng hoảng thật trầm trọng.
Chẳng hạn ngài đã nâng tổng số Hồng Y Ðoàn lên đến 120 vị và quyết định các vị Hồng Y từ 80 tuổi trở lên không được quyền ứng cử và bầu cử Tân Giáo hoàng nữa. Ngài đã quốc tế hoá giáo triều: trước đây, các Toà Bộ thường do những vị có quốc tịch Ý điều khiển, nay ngài quyết định chọn nhiều vị xuất sắc trong hàng giáo phẩm khắp nơi đưa về Roma phục vụ Toà Thánh phụ trách các Toà Bộ có tính cách then chốt ở Vatican, chẳng hạn:
* Ðức Hồng Y Villot (Pháp): Quốc Vụ Khanh Toà Thánh.
* Ðức Hồng Y Franje Seper (Nam Tư): Thánh Bộ Ðức Tin.
* Ðức Hồng Y Agnelo Rossi (Braxin): Thánh Bộ Phúc Âm hoá.
* Ðức Hồng Y Bernadin Gantin (Dahomey): Ủy ban Tông toà Corunum và Công lý Hòa bình.
* Ðức Hồng Y Jan Willebrands (Hoà Lan): Văn phòng Giáo hội Hiệp nhất.
* Ðức Hồng Y Eduard Pironie (Achentina): Thánh Bộ Tu sĩ.
* Ðức Hồng Y Gabriel Carrone (Pháp): Thánh Bộ Chủng viện và Ðại học.
* Ðức Hồng Y R. Knox (Úc đại Lợi): Thánh Bộ Bí tích.
* Ðức Hồng Y Maurice Roy (Canada): Hội đồng Giáo dân.
* Ðức Hồng Y J. Lourdasamy (Ấn Ðộ): Tổng thơ ký Thánh bộ Phúc Âm hoá.
* Ðức Hồng Y L. Rubin (Ba Lan): Tổng thơ ký Thượng Hội đồng Giám mục.
Ðể hỏi ý kiến dân Chúa, ngài đã thiết lập Thượng hội đồng Giám mục gồm các thành viên do Hội đồng Giám mục mỗi nước đề cử và một số do chính Ðức Giáo Hoàng chỉ định; Hội đồng này ba năm họp một lần để góp ý kiến cho Ðức Giáo Hoàng về các vấn đề đang sôi bỏng trên thế giới hoặc quan trọng trong Hội Thánh.
Và chắc không ai quên được những chuyến công du trong đời ngài:
Sau sáu tháng khi nhậm chức, ngày 4.1.1964, ngài đã đi hành hương Thánh địa kính viếng nơi Chúa Giêsu Thầy Chí Thánh đã sống, đã hy sinh để thành lập Hội Thánh, và cũng là nơi sôi bỏng nhất ở Trung Ðông. Ðây là lần đầu tiên hàng rào thù địch giữa Jordanie và Israel đã mở cho một vị Quốc khách đi bên này sang bên kia. Cũng năm ấy ngài sang Bombay (Ấn Ðộ) dự Hội nghị Thánh Thể quốc tế lần thứ 38. Ngày 4.10. năm sau, ngài qua Liên Hiệp Quốc đọc diễn văn kêu gọi hoà bình trước 117 phái đoàn đại diện cho 117 quốc gia hội viên. Năm 1967, ngài sang Fatima dịp kỷ niệm 50 năm Ðức Mẹ hiện ra. Năm 1968, ngài lại đến Bogota (Colombia) tham dự Ðại Hội các Giám mục Châu Mỹ Latinh tổ chức tại Medelli. Sang năm 1969, ngài đã liên tiếp thực hiện hai chuyến công du viếng thăm Genève (Thụy sĩ) và Ouganda (Châu Phi). Trong cuộc viếng thăm Genève ngày 10.6, ngài đọc diễn văn tại hội nghị thứ 50 của Tổ chức Lao động Quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc. Rồi từ ngày 31.7 đến 2.8, giữa lúc biến cuộc tang thương Biafra đang tiếp diễn, ngài đã đến Kampala, thủ đô Ouganda, tham dự Ðại Hội đồng Giám mục Phi Châu. Ðến đâu ngài cũng thực hiện sứ mệnh của một vị tông đồ đi rao giảng Tin Mừng theo như lời ngài đã tâm sự: "Tôi muốn thấy tận mắt, sờ tận tay những đau khổ của con người". Nổi bật nhất là chuyến công du dài 46.400 khi sang Á châu và Ðại Dương Châu vào năm 1970. Cuộc du hành này bắt đầu từ sáng sớm ngày 26.11 tại Ý. Ngài đã ghé thăm Téhéran (Ba Tư), Dacca (Pakistan), bay qua vòm trời Việt Nam, đến Manila (Phi luật Tân), tham dự Ðại Hội các Giám mục Á châu. Sau đó ngài đi thăm Samca, ghé thăm Sydney (Úc) và chủ toạ phiên họp Hội đồng Giám mục Châu Ðại Dương được tổ chức tại đây. Ngài cũng đi viếng thăm Djakarta (Nam Dương), Hồng Kông và Colombô. Ngày 5.12 ngài trở về Roma. Trên suốt quãng đường hành trình ngài đã tiếp xúc với dân chúng, chia sẻ những đau khổ và hy vọng của họ; ngài đã nói lên tiếng nói của bác ái và công bình và kêu gọi sự tương trợ quốc tế.
Chính ngài đã lập nên quỹ Phát triển quốc tế và bán các dinh thự của Toà Thánh để bỏ vào đó hầu giúp những người nghèo khổ trong thế giới thứ ba được phát triển toàn diện. Tất cả những đường hướng ấy đã được ngài đúc kết trong thông điệp: "Phát triển các dân tộc" công bố vào ngày lễ Chúa Phục Sinh 26.3.1967.
Là một Giáo Hoàng của hòa bình, ngài đã biến ngày 1.1 dương lịch hằng năm thành ngày Quốc tế Hoà bình, có mục đích giáo dục, học tập, cầu nguyện và hành động cho hoà bình (kể từ năm 1968); sáng kiến này đã được tổ chức Liên Hiệp quốc tán đồng và trên 50 quốc gia tích cực hưởng ứng. Rồi suốt cuộc đời, ngài đã tích cực nỗ lực vận động hòa bình cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó có dân tộc Việt Nam chúng ta.
Là một Giáo Hoàng của sự hiệp nhất, ngài đã thành lập văn phòng liên lạc với các Kitô hữu ngoài Công giáo. Ai có thể tưởng tượng được những nghi thức long trọng và cảm động tại Vương Cung Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành lúc Ðức Phaolô VI ôm hôn Thượng phụ Giáo chủ Athénagoras. Tưởng cũng nên biết rằng trước đó vào ngày 7.12.1965, Ðức Phaolô VI ở Roma và Ðức Athénagoras I ở Istabum cùng một lúc đã tuyên bố xóa bỏ án "vạ tuyệt thông" lẫn nhau, một nguyên do phát sinh sự ly khai năm 1054, khiến cho hơn 900 năm chia rẽ oán hận nhau được xóa nhoà. Năm 1973, khi Ðức Thượng phụ Shenouda của Hội Thánh Marcô, Ai Cập đến thăm Toà Thánh thì điều đó có nghĩa 1500 năm cách trở đã được vượt qua. Mới đây vào năm 1976, Ðức Phaolô VI đã gây chấn động khắp nơi bằng cử chỉ qùy xuống hôn chân vị Ðại diện Giáo hội Chính thống trong lễ kỷ niệm 10 năm hủy bỏ sắc lệnh tuyệt thông.
Ðối với các Giáo hội Kitô khác, ngài đã bước được những bước rất tốt đẹp, Ngày 23.3.1966 tiến sĩ Ramsey, Tổng giám mục Canterbury, Giáo chủ Anh giáo đã đến thăm Toà Thánh. Và năm 1969, Ðức Phaolô VI đã đến Genève (Thụy sĩ) thăm trung tâm Ðại kết các Tôn giáo, nơi quy tụ 234 Giáo hội Tin lành, Anh giáo, Chính thống giáo. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Genève từ khi nơi này trở thành Trung tâm Giáo hội Tin lành (thế kỷ XVI). Ngày 2.10.1970, chính ngài đã chủ tọa lễ cầu nguyện khai mạc Hội nghị Ðại hội Tôn giáo gồm: Anh giáo, Presbyterian, Methodist, Chính thống.
Là một vị Giáo Hoàng của đối thoại, Ðức Phao lô VI đã thành lập văn phòng liên lạc với những người vô thần. Ngài đã tiếp đón nhiều chính khách cao cấp của các nước Chủ nghĩa xã hội như Chủ tịch Nikolai Podgorny của Liên Sô (1967). Chủ tịch của Roumanie (1974), ông Janos Kadar, Bí thư thứ nhất của ban chấp hành Trung ương đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungari, và ông E. Giesek, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1977).
Riêng đối với Việt Nam, Ðức Phao lô VI đã gọi là một "ngày đáng ghi nhớ" lúc ông Xuân Thủy, đại diện Chính phủ đầu tiên của Việt Nam đến Vatican ngày 14.2.1973. Ba tháng sau, Ðức Phaolô VI tiếp kiến ông Nguyễn văn Hiếu, trưởng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Chủ nghĩa Xã hội Việt Nam ở Hội nghị La Celle-Saint-Cloud. Trước đó vào tháng 2.1971, Vatican đã tiếp bà Nguyễn thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và là trưởng phái đoàn của Chính phủ này tại Hội nghị Paris. Ðức Phaolô VI chỉ nói cách khiêm tốn về "một cuộc dấn thân theo sức chúng ta" để vãn hồi hoà bình chính đáng và lâu dài, bảo đảm cho con người được sống trong tự do hạnh phúc xứng với mọi dân tộc.
Ngài đã gởi một phái bộ do Ðức Tổng Giám mục Sergiô Pignedoli dẫn đầu sang Ba Lan và Liên Sô năm 1970. Tháng 2 năm sau, đặc phái viên của ngài là Ðức Tổng Giám mục Agostinô Casaroli được gởi sang Matcova, khởi đầu cuộc Hội đàm với nhà cầm quyền Liên Sô. Cuộc bang giao giữa Toà Thánh với Cộng Hoà Nam Tư cũng đã được tái lập trên cấp bậc Sứ thần và Ðại sứ từ 15.8.1970. Mối quan hệ với các nước Chủ nghĩa Xã hội ở Ðông Âu và sinh hoạt của Hội Thánh tại các nước ấy cũng được bình thường hoá...
Khuôn khổ chật hẹp ở đây không cho phép nói lên tất cả những hoạt động canh tân của Ðức Phaolô VI, nhưng lịch sử rồi đây sẽ ghi chép lại tất cả mọi nỗ lực, nhẫn nại, can đảm và thành tín của ngài trong sứ mệnh thực hiện Công đồng Vatican II.
5. Tại sao người Công giáo chưa canh tân được Hội Thánh và thế giới
* Canh tân là trở về nguồn. Công thức canh tân: Làm cho người công giáo trở lại đạo công giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Mới nghe, con ngạc nhiên, nhưng ngẫm nghĩ lại, con sẽ thấy đúng như vậy. Một câu nói của thánh Gandhi nhiều lần khiến ta suy nghĩ: "Tôi mến Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô." (ÐHV 634).
* Mỗi ngày "Phúc Âm hóa" lại trí óc và quả tim con, bằng cách đọc, suy ngắm, say sưa uống lấy lời hằng sống, để từ từ Phúc Âm thấm nhuần sâu xa vào mỗi tế bào, mỗi thớ thịt của con, đó là canh tân, cách mạng chắc chắn nhất (ÐHV 646).
* Kể từ hôm nay, từ nét mặt con, từ cử chỉ con, từ sự thinh lặng, từ quả tim con, từ tâm hồn con, từ mọi hành động, từ cách sống, từ cách chết của con, phải tỏa ra một ánh sáng của Chúa hiện diện trong con, qua những nơi con đi, vào những người con gặp (ÐHV 649).
* Nếu con chỉ "giữ đạo", con chưa canh tân. Ma quỉ muốn đuổi Chúa ra khỏi thế gian và lôi thế giới ra khỏi Chúa. Con phải đem Chúa đến cho thế giới và đưa thế giới về với Chúa (ÐHV 650).
* Hàng rào kiên cố nhất, không phải là chiến lũy, không phải hàng rào điện tử, đó là "hàng rào hờ hững" của con: "Ai chết mặc ai! Ai đói khổ mặc ai" Sụp đổ, thoái hóa cũng mặc! Như thế được rồi:" làm sao vượt nổi! (ÐHV 652).
* Canh tân xã hội bằng con người đã canh tân trung thực theo Phúc Âm. Ðức tin sẽ đem lại một giá trị mới cho công việc bổn phận của họ. Người ta không biết họ đâu? Không nghe họ nói, nhưng người ta công nhận có sự gì đổi mới, tự nhiên thấy nếp sống đẹp hơn, bầu không khí phảng phất hương vị mới lạ (ÐHV 653).
* Không phải bước nhanh, bước gấp, nhưng bước vững, bước đúng con sẽ tiến xa. Không phải hô hào thúc đẩy cho thế giới tiến, nhưng chính con phải khởi sự tiến lên (ÐHV 654).
Chúng ta nên suy nghĩ những lời sau đây của một cán bộ Cộng sản viết trong báo "Tự Do" xuất bản tại Fribourg, Thụy sĩ:
"Phúc Âm là một lợi khí mạnh mẽ để canh tân xã hội hơn những nguyên tắc Mác-xít của chúng tôi; nhưng dù vậy, sau cùng chúng tôi sẽ là người chiến thắng.
"Vì tuy chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ trong khi các anh, những người Công giáo các anh có cả mấy triệu người. Nhưng các anh chỉ sống theo danh từ, còn chúng tôi những người cộng sản, chúng tôi thực tế hết sức. Chúng tôi quyết đinh phải đạt tới mục đích nên chúng tôi biết tìm những phương thế để đạt tới mục đích đó.
"Những quyền lợi và đồng lương, chúng tôi chỉ giữ một phần cần thiết, và chúng tôi hy sinh phần còn lại để bỏ vào việc truyền bá chủ nghĩa.
"Chúng tôi cũng để tất cả thời giờ nhàn rỗi và một phần những ngày nghỉ việc dành cho công cuộc truyền bá ấy.
"Nhưng các anh, trái lại, chỉ để một thời giờ hẹp hòi và một chút ít tiền của trong việc phổ biến Phúc Âm của các anh.
"Ai sẽ đi vào những giá trị cao siêu của Phúc Âm nếu chính mình các anh không sống theo đó, không tuyên truyền nó, nếu các anh quá hẹp hòi trong việc xử dụng thời giờ và tiền bạc?
"Các anh hãy tin đi, chúng tôi sẽ thắng, bởi vì chúng tôi rất tin tưởng vào Chủ nghĩa Cộng sản của chúng tôi, và chúng tôi đang sẵn sàng hy sinh tất cả, ngay cả tính mạng của chúng tôi để cho công bằng xã hội được thiết lập.
"Còn các anh, các anh sợ phải bẩn tay".
Chúng ta nên tự vấn: những lời này đáng được nói với chính bản thân tôi. Thử hỏi tôi đã đọc, đã học tập Công đồng Vatican II lần nào chưa? Ðược nhiều hay ít? và cố gắng thực hiện được mấy phần?