Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


25- Phát Triển

 

1. Linh mục moi rác

* Mặc dù giúp đỡ anh em sung sướng bao nhiêu đi nữa, nếu con để họ thành những "bộ máy tự động", con chưa làm cho họ phát triển thực sự (ÐHV 587).

* Thực là khó! Nhưng con phải quyết tâm giúp cho người khác: - Biết vùng dậy. - Biết suy tư. - Biết tổ chức. - Biết chiến đấu. - Biết chống ngược ý con khi cần. Con sẽ hạnh phúc thật vì anh em cùng thăng tiến với con (ÐHV 593).

Trong trận thế chiến thứ hai, Âu châu lâm vào cảnh bị tàn phá, đói rách tột độ. Một linh mục ở Paris quen gọi là "Abbé Pierre" (Cha Pierre), quá xúc động trước cảnh cùng khốn của đồng bào, bèn nảy ra sáng kiến: Từ căn nhà bé nhỏ của ngài, ngài đã gọi điện thoại đến mọi người, nơi thì xin đôi giày, chỗ khác xin chiếc áo rách, người này xin gói cà phê, gia đình nọ lại được ngài xin một đôi vớ cũ...

Những kẻ mang quà đến cho ngài đều được chứng kiến tận mắt nhân vật "Abbé Pierre" và chỗ ở của ngài: một căn phòng tồi tàn, chật hẹp quá sức tưởng tượng, không đủ chỗ chứa những quà tặng nho nhỏ người ta đem đến. Họ rất đỗi xúc động và to nhỏ cùng nhau: "Có ngờ đâu một linh mục lại ở một căn phòng tồi tàn như thế!" "Ờ! thấy ngài như thế ai mà lại làm ngơ được!" Một thời gian sau. nhiều người tình nguyện đến giúp cha Pierre: kẻ thì biên sổ, kẻ thì đi nhận quà từ các gia đình, người thì mang quà đi phân phát... Tiếng tăm cha ngày càng đồn xa, nhiều người hưởng ứng, tổ chức càng lan rộng, từng triệu người đến cứu giúp, được nâng đỡ xây dựng lại cuộc đời.

Sáng kiến đẻ ra sáng kiến: Trong "đô thành ánh sáng" Paris có những người nghèo khổ quá sức tưởng tượng. Mỗi sáng sớm, trời còn mờ sương, lắm kẻ đã thức dậy, dùng một cây gậy có mũi nhọn, lang thang đến những hầm rác mà các gia đình vừa đổ ra trong đêm trước để bưới móc, xem cái gì còn xài được thì bỏ vô bị mang về nhà: thịt, xương, bánh mì... thì ăn, còn vụn thuốc xé ra bỏ vào ống điếu hút. Lắm lúc đánh lộn nhau bỏ mạng cũng chỉ vì một cục xương, miếng thịt... Cha Pierre thấy thế bèn nảy ra sáng kiến thành lập "Hội moi rác", tiếng bình dân quen gọi là "nhóm moi giẻ rách". Hội đã chia đô thành ra nhiều khu vực để các "thành viên" làm việc, khỏi đánh đập tranh giành nhau vì vấn đề rác nhiều rác ít!

Nhưng cha Pierre không dừng lại đó. Ngài tận dụng những dịp ấy để tiếp xúc với họ, nâng đỡ họ, tìm hiểu yêu thương họ, và cuối cùng đi đến chỗ biến đổi họ, huấn luyện họ biết tôn trọng lẫn nhau. "Nhóm moi giẻ rách" sau một thời gian đã biến thành "Cộng đoàn Emmaus", bao gồm những thành viên biết yêu thương nhau, đón tiếp nhau theo gương hai người bộ hành Emmaus xưa đã biết tiếp đón Chúa.

Cộng đoàn Emmaus không những chỉ moi rác, mà sau đó còn cùng nhau đi xin thu dọn những đống sắt vụn, giấy vụn, gỗ vụn... của các xí nghiệp phế thải rồi đem về bán lại cho người khác. Dần dần số vốn lên cao, họ chia sẻ cho nhau, tạo hạnh phúc ấm no cho các gia đình có chân trong cộng đoàn. Một số vốn khác được họ san sẻ cho các trẻ em nghèo, hoặc những gia đình đói khổ neo đơn, để rồi dần dần những người ấy cũng được khám phá hạnh phúc, tươi nở nụ cười sau những ngày lầm than đen tối.

Ngày nay cộng đoàn Emmaus đã lan tràn sang nhiều nước. Ở tại Nhật Bản, Cộng đoàn đã hoạt động rất đắc lực thu thập nhiều sản phẩm gởi đi phân phát cho các nước nghèo để họ cũng được phát triển mỗi ngày một hơn.

 

2. Người sáng lập tổ chức Caritas

* Bớt diễn thuyết về hạn hán ở Sahel, sóng thần ỏ Bangladesh, bạo động ở Nam Mỹ, nhưng hãy tìm thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi, kém mở mang kế bên con, dưới mái nhà con, bên kia vách tường con. Nếu quả tim nhân loại đã ráo cạn tình yêu. Nếu sóng thần của hận thù ích kỷ đã dâng cao, thì đại họa diệt vong không còn xa! (ÐHV 597)

* Phát triển nói cách cụ thể là một quả đất, ở đó Chúc thư Chúa Giêsu được thực hiện. Mọi người yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, san sẻ với nhau trong tình huynh đệ phổ cập (ÐHV 604)

Dưới ách thống trị độc tài Phátxít của Hitler, nhân dân Ðức quốc nói chung và người Công giáo trong nước nói riêng phải chịu một sự đàn áp hết sức độc dữ, man rợ. Lúc Phátxít Ðức lâm chiến chống lại khối Ðồng minh, thì cảnh cơ khổ lại càng gia tăng không kể xiết.

Ðức Ông Werthmann là một linh mục đã từng tham dự đại chiến thứ nhất, lập được nhiều công lao trong công tác xã hội nên được chính quyền ban thưởng một số huân chương có giá trị.

Thời ấy, linh mục nào có việc phải đến các văn phòng của đám thuộc hạ Hitler đều gặp phải rất nhiều khó khăn rắc rối. Thế nên, Ðức Ông Werthmann mới nảy ra sáng kiến: đi đâu ngài cũng mang huân chương đầy ngực. Nhờ đó, việc ra vô các văn phòng Phátxít lúc nào cũng dễ dàng. Ngài bèn lợi dụng uy tín để đi khắp nơi, tổ chức nhiều công cuộc bác ái, cứu trợ tối đa cho nhân dân đang lầm than, đói khổ.

Năm 1945, chiến tranh thế giới chấm dứt, nước Ðức hoàn toàn bị sụp đổ, tê liệt, lãnh thổ phải chia đôi và đặt dưới quyền kiểm soát các nước Nga, Anh, Pháp, Mỹ. Hội đồng Giám mục Ðức thời bấy giờ muốn Giáo Hội góp một tay vào việc tái thiết đất nước, nhưng không có một tổ chức Công giáo nào có tính cách toàn quốc để mà làm phương tiện cả. Các ngài đang nhóm họp, lúng túng thảo luận với nhau thì sực nhớ đến tổ chức Caritas của Ðức ông Werthmann. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, đồng tâm nhất trí chọn tổ chức ấy làm phương thế để hoạt động. Từ đó, công việc khiêm tốn và kiên trì của Ðức ông Werthmann trở thành một tổ chức quốc gia, rồi dần dần biến thành tổ chức Caritas quốc tế, đặt trụ sở trung ương tại Roma, trong khu vực các toà Bộ của Toà Thánh. Tổ chức này chuyên cứu trợ nạn nhân thiên tai, đói kém, chiến tranh và những người tị nạn, dưới rất nhiều hình thức như phân phát thuốc men, thực phẩm, mở trường học, xây dựng lại nhà cửa và tìm nơi sinh sống định cư cho.

 

3. Bác thợ nề được giải Nobel

* Thiên Chúa muốn sự hợp tác của chúng ta trong việc tạo dựng cũng như trong việc cứu rỗi. Nếu Chúa làm một mình, công trình sẽ hoàn hảo hơn, nhưng con người sẽ kém "cao cả". Con hãy theo phương pháp của Chúa (ÐHV 584).

Cha Dominique Pire (1910-1968) gốc người Bỉ, thuộc Dòng Ða Minh, sáng lập viên nhóm "xây dựng" (Les Bâtisseurs) là người đã dấn thân tích cực vào công cuộc cứu trợ hàng triệu người từ Ðông âu sang tị nạn ở Tây âu sau đại chiến thứ hai.

Ngài là "Bác thợ nề " (với hai bằng tiến sĩ thần học và tiến si chính trị xã hội học) đã thu hút được nhiều thanh niên đem hết bầu nhiệt huyết đi theo ngài từ nước này sang nước nọ để xây dựng hàng vạn nhà cửa cho những gia đình trong cảnh màn trời chiếu đất. Họ gồm đủ mọi hạng người, mọi lứa tuổi. Có những công nhân trẻ, những sinh viên, học sinh tự nguyện hy sinh cả kỳ nghỉ phép, nghỉ học của mình để đến một nước xa lạ để xây dựng nhà cửa cho những người khác màu da, khác sắc tộc, khác tiếng nói. Công việc bác ái tự nguyện ấy đã được cả thế giới nhiệt liệt hoan nghênh, khiến cha Pire đã lãnh được nhiều giải thưởng quốc tế, cao quý nhất là giải Nobel Hòa bình năm 1958. Nhưng niềm vui lớn nhất của ngài là đã đem lại hạnh phúc, an cư cho nhiều gia đình, nhất là tạo cho giới trẻ Âu châu một lý tưởng, một lẽ sống xinh đẹp.

 

4. Ông cha "thịt mỡ"

* Thảm kịch của người nghèo không phải chỉ là thiếu thốn, nhưng là vì họ không thể sống "xứng con người" (ÐHV 588).

* Chúa có thể chọn những người "thụ động", những người tội lỗi, hung hăng, rắc rối để hợp tác với Chúa (ÐHV 591).

Cũng sau kỳ đại chiến thứ hai, với làn sống người ồ ạt di cư từ Ðông âu sang Tây âu (nhất là ở Ðức), thực phẩm đã trở nên khan hiếm. Có nơi người ta phải ăn đến cả thịt chó, một điều ngoài sức tưởng tượng của người dân Âu Mỹ.

Một linh mục Dòng Prémontres, người Hoà Lan, tên Warenfried van Straaten đã lao mình cứu trợ trạng huống đáng thương ấy. Với một giọng nói thật tự nhiên, ngài đã lên tiếng ở đài phát thanh: "Xin cho tôi thịt mỡ ướp mặn" - Sao lại xin thịt mỡ ướp mặn? - Thưa vì thịt mỡ ướp mặn ăn được nhiều mì; nếu không mặn thì ăn mì với thịt rất tốn kém!

Chỉ trong vòng mấy tháng sau, người ta đã gởi đến cho ngài hàng ngàn tấn thịt mỡ. Ngài tiếp nhận và phân phát cho nhiều gia đình đang trong tình trạng đói khổ ở các trại tạm cư. Khắp Âu Mỹ ai cũng biết đến tên ngài. Nhưng biết thì biết mà than thở thì vẫn than thở: "Ồ! tên gì mà dài quá! thôi thì tạm gọi là "ông cha thịt mỡ" đi (le père au lard) và thế là tên ấy được phổ biến khắp thế giới. Sau một thời gian, tình trạng người di cư đã tạm ổn định, ngài liền biến tổ chức từ thiện của ngài thành một cơ quan cứu trợ tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của những nơi Hội Thánh đang gặp khó khăn về vật chất cũng như tinh thần (tiếng Pháp gọi là "Aide à l'Eglise en détresse"). Bây giờ, tặng phẩm không chỉ là thịt mỡ ướp mặn mà thôi, nhưng còn là xe đạp, máy khâu, máy chiếu phim, loa, đài, xe máy, xe hơi 2 ngựa, xe tải... Tất cả đều được gởi đi các nước để đẩy mạnh công cuộc phát triển, đưa cuộc sống con người ngày càng xứng đáng với nhân phẩm mà Thiên Chúa đã muốn cho họ có được?

 

5. Giúp người phát triển

* Con đừng thỏa mãn khi đã giúp người ta. Con đừng làm việc dễ hơn cả: CHO. Chúa đòi con làm việc khó hơn, giúp kẻ khác để họ tự giúp lấy mình và để họ biết sẵn sàng giúp mọi người (ÐHV 583).

* Chúa dạy con, xong công việc, hãy nói: "Tôi là đầy tớ vô dụng..." Thực là sâu xa, giàu ý nghĩa. Vô dụng vì chính ơn Chúa đã làm, con là khí cụ. Vô dụng vì con không cần giữ anh em trong tình trạng thụ ơn, thua kém vĩnh viễn, nhưng con đã làm cho họ không cần đến con nữa (ÐHV 585).

* Hãy làm cho người khác lớn lên và con khuất đi. Hãy cho họ ít thua, đòi hỏi họ nhiều hơn. Hãy biết cứu họ và làm cho họ cứu kẻ khác. Ðừng khư khư giữ địa vị ân nhân, viện trợ, nhưng làm anh em của mọi người, phục vụ mọi người (ÐHV 586).

Joseph Frings! Người ấy là ai? Thưa là một nhạc sĩ nổi tiếng, một nhà thần học sâu sắc, đồng thời là một người có bộ óc thực tế và tâm hồn quả cảm.

Mặc dù cơ quan Caritas quốc tế đã được thành lập ở Ðức với nhiều kết quả đáng khen ngợi, thế nhưng ngài vẫn chưa thỏa lòng. Con người thực tế và quả cảm ấy còn muốn lập thêm một cơ quan mới với mục đích mới. Ðó là cơ quan "Misereor" (Thương xót) với mục đích "giúp người đang gặp khó khăn được phát triển, để rồi họ tự biết cứu lấy bản thân họ, và sau đó chính họ lại giúp người khác cũng được phát triển". Ngài cũng thúc đẩy thành lập một cơ quan tương tự để đặc biệt phục vụ cho người dân ở Châu Mỹ La tinh, lấy tên là "Adveniat" (Tiến lên). Hai cơ quan này đã giúp mở rất nhiều trường học chữ, học nghề, đào tạo chuyên viên kinh tế, tài trợ cho không biết bao nhiêu là tổ hợp, hợp tác xã, chương trình tự túc phát triển tại các nước đang mở mang trên khắp thế giới.

Hồng Y Joseph Frings luôn nhắc nhở nhân dân Ðức: "Lúc nước Ðức tan nát, thế giới đã giúp ta; nay ta phải giúp cả thế giới lại".

 

6. Quỹ phát triển thế giới

* Không phải vũ trụ hết chỗ ở, nhưng lòng người quá chật hẹp! Không phải hết súc vật để ăn, nhưng loài người chực vồ nuốt nhau như thú dữ (ÐHV 596).

* "Phát triển là danh hiệu mới của hòa bình". (Phaolo VI) (ÐHV 600).

* Bao lâu các quốc gia mở mang chưa bỏ một phần trăm lợi tức giúp các dân nghèo phát triển. Bao lâu 20% dân giàu trên thế giới còn chiếm hết 80% tài nguyên của nhân loại, thì hiểm họa thế chiến nguyên tử không thể tránh được. (ÐHV 601).

* Vạch kế hoạch và thực hiện viện trợ bất vụ lợi có triển vọng mang lại hòa bình hơn là các cuộc hội nghị hạn chế vũ khí hạch tâm, thượng đỉnh kinh tế... Phí giờ, phí của, chẳng ai tin ai! (ÐHV 602).

* Con phải là "Tông đồ phát triển" như Ðức Phaolô VI đã kêu gọi và chính Ngài đã là vị "Giáo Hoàng lữ hành vì phát triển và hòa bình" (ÐHV 603).

Ai đã tung sáng kiến kỳ diệu ấy ra? - Ðức Giáo Hoàng Phao lô VI. Thực vậy, đó là đứa con cưng của ngài, chào đời trong dịp ngài đi Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế ở Bombay (Ấn Ðộ), bên cạnh những người nghèo khổ của một quốc gia trong số mấy mươi quốc gia đang trên đường phát triển. (Ðiệp văn thế giới ngày 4.12.1964).

Với một lời lẽ tha thiết và cương quyết, Ðức Thánh Cha nhắc lại tổ chức ấy trong Thông điệp "Phát triển các dân tộc" công bố ngày 26.3.1967:

Ngân quỹ Quốc tế:

"Tại Bombay, chúng tôi đã kêu gọi thiết lập một ngân quỹ quốc tế đóng góp bởi một phần binh phí, để đem giúp những nước đói kém nhất.

"Chống nghèo đói cần thiết như thế nào, thì phát triển các dân tộc cũng cần thiết như vậy. Ngân quỹ quốc tế này vừa là hình ảnh vừa là khí cụ của sự hợp tác giữa các dân tộc. Chỉ có sự hợp tác như thế mới có thể giúp vượt qua được những tranh chấp vô ích và khơi nguồn cho một cuộc đối thoại phong phú và thanh bình giữa các dân tộc.

Sự khẩn thiết của ngân quỹ quốc tế:

"Ai mà không thấy rằng ngân quỹ quốc tế như chúng tôi đã đề cập tới, sẽ cho phép trích bớt đi một số chi phiếu mà người ta phải hao tốn vì sợ hãi hay kiêu căng.

"Một khi bao dân tộc còn đói khát, bao gia đình còn đau khổ vì túng quẫn, bao người còn chìm đắm trong dốt nát, bao trường học, bệnh xá, nhà ở hẳn hoi còn chưa được xây cất, thì tất cả những phí phạm, công hay tư, tất cả những chi tiêu huênh hoang của nhà nước hay cá nhân, tất cả đó trở thành một điều ô nhục không tha thứ được.

"Chính tôi có nhiệm vụ nặng nề phải tố cáo điều đó. Xin quý vị hữu trách hãy nghe chúng tôi, trước khi quá trễ". (Thông điệp Phát triển các dân tộc, số 51, 53).

Và Ðức Phao lô VI đã làm gương trước hết, ngài đã dạy bán nhiều động sản và bất động sản của Toà Thánh để bỏ vào "Ngân quỹ phát triển".

 

7. Một thế giới tốt đẹp hơn

* Phát triển không phải chỉ là cho ăn, cho mặc, cũng không phải chỉ phát cày phát cuốc, đào giếng, đào mương. Phát triển là thăng tiến con người toàn diện, là làm cho họ sống "xứng người hơn." (ÐHV 582).

* Món quà tuyệt hảo mà con có thể tặng người giúp việc con không phải là chiếc áo đẹp, đôi giày tốt, cái đồng hồ quý, nhưng là "Tình Người", tình anh em mà con âm thầm tặng họ qua các cử chỉ nhỏ nhặt suốt ngày (ÐHV 590).

Trên đây cha đã nhắc tới một số người lữ hành đã có những hành động cụ thể, những sáng kiến độc đáo về lãnh vực phát triển trên con đường họ đã và đang bước đi. Giờ đây cha muốn nhắc đến những người đã vạch ra đường hướng, kế hoạch ấy cho toàn thể Giáo Hội.

Vị phải nhắc đến trước tiên là Ðức Thánh Cha Piô XII. Trong một bài diễn văn quan trọng, ngài đã vạch ra đường hướng căn bản bằng một câu nói thật rõ ràng và đầy ý nghĩa: "Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn". Câu nói ấy đã được ngài giải thích: "Làm cho con người lạc hậu thành con người văn minh, làm cho con người văn minh thành con người của Chúa".

Hưởng ứng lời ngài, linh mục Lombard Dòng Tên đã mở một trung tâm ở ngoại ô thành Roma, kề trại nghỉ hè của Ðức Thánh Cha là Castelgandolfo.

Trung tâm ấy mang tên: "Một thế giới tốt đẹp hơn" có mục đích tạo môi trường thuận lợi cho các cá nhân hoặc đoàn thể muốn đến tĩnh tâm, dự khóa huấn luyện để nung nấu tinh thần phát triển; thêm niềm xác tín vào lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha cũng như để nhận thức cách rõ ràng hơn về sứ mệnh của mình giữa lòng thời đại. Hiện nay trên thế giới, người ta đã mở nhiều trung tâm như thế để đem tia sáng ấy chiếu tỏa ra khắp nơi.

 

8. Kinh tế phục vụ con người

* Chấp nhận những người chỉ biết nằm, biết ngồi, chỉ muốn lẽo đẽo đi theo, muốn được giúp, được cứu, được cho, để con được làm anh trưởng, được luôn luôn cần thiết, thực dễ vô cùng! Nhưng con hãy luyện những con người trách nhiệm, những con người muốn đứng, những con người đáng làm người (ÐHV 592).

* Ðại họa không phải chỉ là đói khát, khốn khó của các dân tộc nghèo khó. Ðại họa chính là sự vô ý thức của các dân tộc nô lệ và bóc lột (ÐHV 599).

Cha Louis-Joseph Lebret (1897-1966), cựu sĩ quan Hải quân, là một tu sĩ Dòng Ða-minh người Pháp, đã có công khởi xướng và cùng với nhà chuyên môn giàu thiện chí khác (như cha: Th. Suavet, H. Quoist) lập nên một học thuyết, đồng thời cũng là một nhóm mang tên "Kinh tế và nhân bản (Economie et Humanisme) nhằm mục đích phát động một nền kinh tế phục vụ con người!

Sau khi nghiên cứu và đúc kết thành một học thuyết, một hệ thống thực sự, ngài đã cùng với các đồng chí cho xuất bản nhiều sách báo, vạch ra một đường hướng phục vụ thế giới mới mẻ, ai muốn hưởng ứng thì cứ vận dụng cách sáng tạo vào hoàn cảnh của địa phương mình.

Cha Lebret đã được mời du hành khắp thế giới (từ nhiều làng bên nước Pháp tới những xứ kém mở mang, từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tới Hội trường Công đồng Vatican II) để trình bày đường lối của ngài về "kinh tế và nhân bản". Ngài nhấn mạnh rằng: "Phải làm sao để vừa phát triển nền kinh tế, vừa phát triển con người toàn diện về mọi mặt, vật chất cũng như tâm linh, và phát triển đồng đều trên mọi miền khắp thế giới".

Ngài đã để lại lời cầu nguyện sau đây thật đáng cho chúng ta suy niệm:

"Lạy Chúa lỗi tại con,

- Tại con không chân thành yêu anh chị em con,

- Tại con không cảm thấy đau khổ trước những sự khốn cùng của anh chị em con,

- Tại con hay thờ ơ lãnh đạm bên cạnh người xấu số,

- Tại con đã khinh dể nhiều người, nhất là những người nghèo hèn, những người có địa vị kiến thức kém hơn con,

- Tại con đã để cho kẻ khác phải chờ đợi con,

- Tại con đã quên hay thất hứa khi con đã hẹn với người ta.

- Tại con không giữ đúng như lời cam kết.

- Tại con không ăn ở dễ dãi với kẻ khác, không sẵn sàng với kẻ khác,

- Tại con không biết tìm hiểu hoàn cảnh của người ta,

- Tại con đã từ chối một sự giúp đỡ, theo tính ích kỷ của con,

- Tại con đã không ra tay xoa dịu một vết thương mà lẽ ra con phải làm,

- Tại con chỉ tới lui kết nghĩa với những người mà con mong sẽ đem lại lợi ích cho con.

- Tại con đã làm tổn thương người ta nhiều vì lời ăn tiếng nói của con,

- Tại con đã hạ bệ những kẻ đối nghịch với con,

- Tại con đã láo xược và ăn ở bất công,

- Tại con đã làm gương xấu quá nhiều...

Nên anh chị em con đã bị tổn thương nhiều vừa hồn vừa xác.

Lạy Chúa, lỗi tại con!!! Xin Chúa tha thứ cho con.

Và con cũng xin Chúa tha thứ cho những anh chị em vì lỗi con mà đã sống bất xứng".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page