Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


24- Học

 

1. Thành quả của lòng khiêm tốn học hỏi

* Muốn tiến kịp, tiến nhanh, tiến vững trên đường hy vọng, con phải học (ÐHV 557).

* Học để biết. Học để canh tân. Học để phục vụ. Học để yêu mến (ÐHV 560).

* Không thông thạo, con dễ tự phụ và tuyên bố táo bạo. Trường hợp con có địa vị, con càng dễ ảo tưởng con thông thạo hơn nữa. Ðại họa cho con và cho nhiều người vì sự bất lực ngạo nghễ của con (ÐHV 576).

* Tài không đủ, phải có đức. Tài của con người kiêu căng, khó chịu, chỉ để xử dụng với máy móc và chất hóa học, chứ không để yêu thương thuyết phục người khác (ÐHV 577).

Khi được bổ nhiệm làm Hồng Y Tổng Giám mục thành Milanô, Ðức Cha Ratti (sau này là Giáo hoàng Piô XI) rất lấy làm băn khoăn, lo lắng; bởi vì tuy là một người rất thông minh thánh thiện, nhưng chuyên môn của ngài là ngành ngoại giao và đặc biệt là ngành thư viện (ngài đã quản thủ thư viện Vatican trong nhiều năm); các công việc mục vụ của giáo xứ, giáo phận đối với ngài thật là vấn đề rất mới!

Bởi thế, khi mới về nhận giáo phận, trong suốt sáu tháng đầu, ngài đã khiêm tốn mời ông chủ tịch Công giáo Tiến hành ngày ngày đến Toà Giám mục dạy vẽ cho ngài về phong trào đó: tinh thần, cơ cấu, tổ chức, chi tiết của mỗi ngành cũng như những thành công và thất bại của phong trào trong thời gian trước. Thế rồi, chỉ 6 tháng sau "thầy dạy" của ngài "hết chữ", đành phải công nhận "học trò" đã bao quát, tổng hợp được mọi vấn đề, chiều sâu cũng như chiều rộng. Bây giờ Ðức Hồng Y Ratti mới bắt đầu ngồi lại cùng các chiến sĩ hăng say trong giáo phận để vạch chương trình và ra sức thực hiện những quyết định độc đáo do ngài đề xướng. Công việc mục vụ được tiến hành cách mau lẹ, thành công, đem lại phấn khởi và niềm tin tưởng cho mọi người.

Mấy năm sau, ngài được bầu làm Giáo Hoàng dưới danh hiệu là Piô XI. Trong suốt 17 năm trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã mạnh mẽ xúc tiến khắp nơi vấn đề Công giáo Tiến hành. Dưới sự hướng dẫn sáng suốt của ngài, một đà tiến mới mẻ đã đưa những tâm hồn trai trẻ nồng nhiệt lao mình vào các hoạt động tông đồ ngay giữa lòng trần thế, tại những môi trường kỳ diệu đang mở ra trước mắt họ giữa thập niên 1930-1940. Ai ai cũng cảm nghiệm một nguồn sinh lực tươi vui mới mẻ đang ào ạt thổi vào, làm rung chuyển cả Thân mình Hội Thánh, đến nỗi mọi người đều đồng thanh kính tặng ngài danh hiệu: "Giáo Hoàng của Công giáo Tiến hành ". Ðứng trước sự kiện ấy, nhiều người lầm tưởng Ðức Piô XI đã có một chuỗi đời dày đặc kinh nghiệm về Công giáo Tiến hành; có ngờ đâu thành quả ấy chính là con đẻ của một lòng khiêm tốn kiên trì học hỏi và của sự can đảm thực hiện đúng lúc, không quản ngại những khó khăn, gian khổ...

 

2. Trên ngôi Giáo Hoàng vẫn còn học hỏi

* Làm việc! Học và hành không lìa nhau. Con sẽ gần thực tế hơn, con sẽ thấy: nói dễ, làm khó; con sẽ bớt phê bình, con sẽ gia tăng xét mình (ÐHV 567).

* Con hỏi "Học đến bao giờ?" - Học luôn mãi. Thế giới biến chuyển, tưởng sự hiểu biết của mình vô hạn (ÐHV 580).

Ðức Piô XII là một vị Giáo Hoàng rất thánh thiện, đạo đức đồng thời cũng là một bậc trí thức vĩ đại. Ngài vừa học vừa hành suốt đời. Hằng đêm, ngọn đèn cuối cùng của thành phố Roma bao giờ cũng là đèn phòng của Ðức Piô XII. Nó chỉ lịm tắt khi đồng hồ thong thả gõ một tiếng.

Ðức Piô XII học trong sách vở, qua các chuyên gia, bác học cũng như từ những kinh nghiệm phong phú đã đang của cuộc sống. Nếu đọc lại các diễn văn của ngài, ta sẽ thấy ngài đề cập đến rất nhiều vấn đề một cách hết sức sâu sắc: từ những vấn đề tôn giáo, thần học, Thánh Kinh, đến các đề tài chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chiến tranh, hòa bình... Ai cũng biết 4 giờ chiều là lúc ngài đi bách bộ trong vườn Vatican và đọc lại bài diễn văn của những ngày sau. Ðức Piô XII còn có biệt tài về ngoại ngữ. Những năm cuối cùng của cuộc đời, lúc ngài đã ngoài 80 tuổi, ngài vẫn còn học thêm nhiều ngoại ngữ. Trong các buổi triều yết, giáo dân rất lấy làm sung sướng ngạc nhiên mỗi lần nghe ngài nói thêm một ngoại ngữ mới.

Các diễn văn của ngài là những tài liệu rất quý giá đã được Công đồng Vatican II tham khảo trích dẫn rất rộng rãi. Ngài thường nói: "Cám ơn Chúa đã cho cha sống đến ngày hôm nay, trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng với nhiều đau thương phức tạp, vì nhờ đó, cha có dịp học hỏi mãi và dấn thân phục vụ nhiều hơn".

 

3. Phép lạ không chấm dứt nỗ lực

* Ai có mười nén phải làm lợi mười nén. Ai có năm nén phải làm lợi năm nén. Ai có một nén cũng phải làm lợi một nén (ÐHV 561).

* Trách nhiệm càng cao mà thiếu khả năng nghề nghiệp càng khốc hại. Con muốn phó mạng trong tay một phi công, một bác sĩ không kinh nghiệm không? (ÐHV 564).

Ðọc truyện thánh Phanxicô Xaviê, ta thấy để đem Tin Mừng cho lương dân, có lúc Chúa ban cho thánh nhân nói thứ tiếng mà mọi người dân bản xứ ai cũng nghe như tiếng nói của mình; và cũng lắm khi "chân ướt chân ráo" đến một xứ lạ, ngài đã phải dùng thông ngôn để giảng đạo.Thế nhưng, chớ quên rằng thánh nhân đã phấn đấu rất nhiều để học thêm ngoại ngữ. Chính ngài đã đưa ra nguyên tắc sau đây cho các nhà truyền giáo thuộc quyền ngài: "Trong một thời gian nhất định, phải cố gắng học thuộc thổ ngữ của vùng mình phụ trách. Nếu ai lười biếng không đạt được yêu cầu, thì mặc dù ở trong tình trạng khan hiếm thừa sai, cũng phải gửi trả người ấy về lại Âu châu!".

 

4. Thiên tài phải đi đôi với đức hạnh

* Xem nghề nghiệp con là một ơn thiên triệu thực hiện ý Chúa giữa xã hội, con sẽ thánh hóa nghề con. (ÐHV 565).

* Hy sinh cho nghề nghiệp, tận tụy với văn hóa, phục vụ khoa học, cao đẹp lắm; nhưng con nhớ đây là phương tiện, không phải là cùng đích (ÐHV 566).

Những ai chuyên về điện và vô tuyến điện không thể không biết nhà bác học Marconi (1874-1937). Chính ông đã xây dựng hoàn chỉnh đài phát thanh Vatican và là một người bạn chí thân của Ðức Piô XI.

Người ta kể lại rằng, chính Marconi là người đầu tiên đã tìm ra "một thứ ánh sáng bí mật, có sức mạnh hủy diệt ghê hồn". Một hôm, ông mang phát minh ấy ra thí nghiệm cho nhà độc tài Phátxít Mussolini xem. Một cuộc tập trận giả có quân đội, vũ khí, chiến xa... được dựng lên. Ông Marconi và Mussolini cùng ngồi trong một chiếc xe ở đàng xa phía trước. Khi đã bố trí sẵn sàng đâu vào đấy, bàn tay Marconi nhẹ bấm vào nút phóng "tia sáng mới lạ" ấy ra thì... ghê rợn thay, toàn thể binh sĩ trong phạm vi luồng sáng chiếu qua đều ngã lăn ra chết, xe tăng, vũ khí lập tức ngưng hoạt động. Mussolini thích chí la lên: "Thành công mỹ mãn!" và yêu cầu nhà bác học Marconi trao ngay tất cả tài liệu về tia sáng ấy cho ông. Mussolini thầm nghĩ: "Với vũ khí này trong tay, từ nay ta sẽ bá chủ Âu châu và cả thế giới!" Ngược lại, Marconi một nhà bác học chân chính, có lương tâm Công giáo, thì lại nghĩ rằng: "Ðây là một thành tựu lớn lao của khoa học, nhưng nếu mà sa vào tay những tên độc tài Phátxít thì nó trở thành vũ khí vô cùng khủng khiếp và sẽ đem lại nhiều hậu quả không sao lường được". Mấy ngày sau đó, Mussolini càng thúc giục, Marconi càng nhẩn nha kéo dài thời gian hứa hẹn thêm. Rồi ngày ngày nhà bác học leo lên một chiếc thuyền con lững lờ trôi dọc theo bờ biển... Từ xa người ta sẽ lầm tưởng đó là một khách thanh thản nhàn du; nhưng nhìn kỹ, họ sẽ thấy một khuôn mặt âu sầu đang trầm tư nghĩ ngợi: "Làm sao tôi có thể trao những công trình nghiên cứu khoa học ấy vào tay những tên độc tài Phátxít được!"

Thế rồi, Marconi cuối cùng đã đi đến một quyết định can đảm.

Không mấy ngày sau, người ta nghe tin ông chết một cách đột ngột, mang theo tất cả mọi bí mật xuống đáy mồ. Tuy màn bí ẩn vẫn bao trùm lên cái chết ấy, nhưng nguyên nhân và thủ phạm gây nên nó, ai cũng đoán ra được dễ dàng!

 

5. Khoa học phục vụ đức tin

* Giờ học là giờ cầu nguyện. (ÐHV 558).

* "Hãy mến Chúa với tất cả quả tim con, với tất cả tâm hồn con, với tất cả sức lực con, với tất cả trí khôn con." Chưa học để phục vụ đúng mức, con chưa mến Chúa. (ÐHV 559).

* Học đây không phải là vào lớp hay văn chương khoa học. Học là luyện khả năng của con, nghề nghiệp của con cho tinh vi, hiện đại (ÐHV 562).

* Thanh niên, đời con đầy hy vọng, hăng say luyện đức và rèn tài. Bao nhiêu phấn khởi và tươi sáng vì con thao thức vươn lên lý tưởng tông đồ, môi trường của con. (ÐHV 570).

* Lên phi cơ, nhìn xe cộ, nhà cửa, người ta, loài vật, như đồ chơi của lũ trẻ; lên nguyệt cầu mới thấy địa cầu nhỏ bé. Người càng học hỏi thông minh, càng khiêm tốn, càng muốn học thêm (ÐHV 571).

* Nhiều người công giáo thông minh một khi sinh hoạt giữa xã hội lại giấu diếm tính cách công giáo của mình. Ðó là hạng "công giáo sơ-mi", tiện đâu thay đó (ÐHV 574).

Ðầu thế kỷ XX này, các nhà khoa học, kỹ thuật đã bỏ dưới đáy biển một dây cáp nối liền Âu châu và Mỹ châu. Kể từ đó, để liên lạc, người ta không cần gởi thơ lâu ngày mà chỉ cần điện thoại ngay cho nhau là có thể thông báo tin tức trong vòng một vài phút.

"Sẽ khánh thành đường điện thoại này bằng lời gì đây?, đó là câu hỏi mà các nhà khoa học đã đặt ra. Cuối cùng, lương cũng như giáo, tất cả đều nhất trí: Lời nói đầu tiên của Ðại Tây Dương sẽ là: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người (thiện tâm) Chúa thương".

Ngày 21.7.1969, lúc Neil Armstrong, con người đầu tiên đặt chân lên mặt nguyệt cầu, các nhà khoa học đã muốn đặt trên ấy một vài kỷ niệm cho thế hệ mai sau. Họ đã mời các vị Nguyên Thủ quốc gia mỗi người viết một bức thông điệp ngắn để họ ghi khắc vào một chiếc dĩa nhỏ đặc biệt, làm bằng chất silicon mầu xám. Các bức thông điệp đều được chụp và thu nhỏ lại chỉ còn bằng cái chấm nỏ xíu, phải dùng kính hiển vi mới đọc được. Thông điệp của Ðức Thánh Cha Phao lô VI khởi đầu với câu nhập đề trong Tin Mừng Thánh Gioan: "Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa... Mọi sự đã nhờ Người mà thành sự, và không Người thì đã không gì thành sự" (Jn 1,1-3). Ðoạn tiếp theo là thánh vịnh thứ 8, một thánh vịnh ca tụng vinh quang Thiên Chúa Tạo Hoá: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con. Lẫy lừng thay danh Ngài toàn cõi trái đất. Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngắm trời xanh tay Ngài sáng tạo. Muôn trăng sao Chúa đã an bài. Thì con người là chi mà Chúa còn nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? So với Thần Linh, Ngài không thể thua là mấy. Ban vinh dự huy hoàng làm mũ triều thiên. Kiệt tác của Ngài, Ngài cho làm bá chủ. Muôn loài muôn sự Ngài đặt cả dưới chân... Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con. Lẫy lừng thay danh Ngài toàn cõi đất".

Tưởng cũng nên biết là khi Ðức Thánh Cha theo dõi những bước chân đổ bộ nguyệt cầu của con người đầu tiên, ngài đã ban phép lành Toà Thánh cho phi hành đoàn Apollo XI bằng những lời lẽ như sau: "Danh dự, chào mừng và phép lành cho các con, những người chinh phục nguyệt cầu, ngọn đèn của đêm tối, của giấc mơ... "

Khoa học không đối nghịch với đức tin, nếu được xử dụng với thiện chí và tâm hồn ngay thẳng, vì cả khoa học và đức tin đều kiếm tìm các chân lý từ Thiên Chúa là Chân lý tuyệt đối, tuyệt hảo. Một trong những bằng chứng hiển nhiên nhất là khoa học chú giải Thánh Kinh được tiến triển mạnh mẽ trong những thập niên gần đây phần lớn là như những phát minh khám phá của khoa học. Như các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều di tích trong phạm vị Thánh địa và đã xác đinh được những điều Thánh Kinh ghi lại về các điểm cũng như các sự kiện xảy ra ngày trước. Ðặc biệt nhất là khám phá ra rất nhiều bản sao Thánh Kinh tại các hang động Qumrân bên bờ biển chết từ năm 1947.

Cũng nhờ khoa học kỹ thuật, mà các kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà khảo cổ và sử học theo lệnh Ðức Piô XII, đã đào sâu dưới Ðền thờ Thánh Phêrô, ngay tại bàn thờ chính, và đã khám phá cũng như kết luận một cách chính xác sự kiện mộ thánh Phêrô (xác) và thánh Phaolô (đầu) chôn ở đây, theo đúng truyền thống Hội Thánh đã tin nhận suốt 20 thế kỷ qua.

Một trong những đóng góp đáng kể của khoa học vào lãnh vực đức tin trong thế kỷ 20 này là việc phát hiện ra mặt thực của dấu vết in trên bức khăn liệm thành Torinô nước Ý. Bức Khăn Liệm này là một thánh tích mà người ta cho rằng đã dùng để liệm xác Chúa Giêsu. Nó có in nhiều vết máu và thân thể lờ mờ của một kẻ bị đóng đinh. Người ta vẫn tôn sùng nó từ bao thế kỷ và đến năm 1898 thì nó đã được khoa học khám phá cách đặc biệt. Năm đó nó được chụp ra ảnh lần đầu tiên. Và khi rửa tấm phim, nhà nhiếp ảnh chính thức đã thấy hiện ra trên tấm phim hình một con người với những đường nét, góc cạnh, màu sắc của một bức ảnh thật. Người ta lúc ấy mới khám phá ra rằng các dấu vết in trên khăn liệm chỉ là mặt trái (âm bản) của một hình người thôi. Và từ đó trở đi, nhờ tấm phim của bức khăn (mà đúng ra phải gọi là một bức hình thật), các nhà khoa học đã có dịp nghiên cứu tấm khăn tường tận và thấy các dấu vết trên nó hoàn toàn phù hợp với những điều mà Thánh Kinh mô tả về Chúa Giêsu và về cuộc khổ nạn của Người. Họ đã dùng khoa nhiếp ảnh, giải phẫu, sinh lý, hoá học mà cho ta thấy khuôn mặt thật của Chúa Giêsu và biết được chi tiết cuộc khổ nạn Phục sinh của Người cách đây 2,000 năm vậy.

 

6. Học để phục vụ các linh hồn

* Muốn cách mạng thế giới, phải có ơn Chúa, nhưng con phải là khí cụ điêu luyện (ÐHV 563).

* "Ở nhưng" là cội rễ mọi sự dữ. "Ở nhưng" là sự dữ. Tông đồ không biết "ở nhưng". Không có "tông đồ hưu", chỉ đổi cách làm việc tùy sức (ÐHV 569).

* Hội Thánh ở giữa trần gian. Tất cả mọi kiến thức, khoa học đều được xử dụng để bênh vực và trình bày chân lý; càng hiểu biết con càng phục vụ Hội Thánh đắc lực hơn (ÐHV 572).

* Con hiểu biết một chân lý khi con tìm học chân lý ấy. Con càng thông hiểu rõ rệt hơn khi con tìm cách bênh vực chân lý ấy (ÐHV 581).

Mọi vị thánh đều phấn đấu khai thác triệt để những "nén bạc" mà Chúa ban hầu phụng sự Hội Thánh, phục vụ các linh hồn cách đắc lực và có hiệu quả.

Nhiều đấng có khả năng giới hạn đã phải nổ lực học hành hết sức và vất vả như:

Thánh Maria J. Vianney. Chúng ta biết ngài được làm linh mục là nhờ "phép chuẩn". Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong linh mục. Rồi khi làm linh mục, dù Chúa đã ban cho ngài lắm ơn đặc biệt để cứu các linh hồn cho đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã nói với ngài: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp". Nhưng ngài vẫn không ỷ lại vào ơn thánh. Cứ mỗi sáng thứ hai, ngài mang giấy bút lên phòng thánh để dọn bài giảng chúa nhật sắp tới. Ngoài ra, ngài tiếp tục mua sách vở thêm để học hỏi. Ngày nay người ta còn giữ lại được một tủ sách khá lớn của ngài.

Thánh Giuse Cupertinô lúc làm chủng sinh cũng phấn đấu học hành "tróc xương, trầy da", nhưng đến kỳ khảo hạch nào cũng... trượt vỏ chuối! Bề trên biết ngài là người đạo đức, thánh thiện nỗ lực, muốn chọn làm linh mục, nên phải bày mưu lập kế cho ngài qua được kỳ thi. Lần nọ, trong lúc khảo hạch, thánh nhân được sắp đứng ở giữa hàng. Ðức Giám mục khởi sự khảo hạch các thầy đứng đầu, ai cũng đáp gọn gàng thông suốt khiến ngài rất hài lòng, và như để tiết kiệm thời giờ, ngài bảo: "Thôi, bây giờ khảo hạch mấy thầy ở cuối hàng xem có thuộc thần học không?". Các thầy đứng cuối hàng cũng không kém các thầy đứng trước, ai nấy đều thuộc bài trôi chảy. Ðức Giám mục xoa tay tuyên bố: "Vậy là đủ, tha hạch những thầy đứng ở giữa hàng". Curpertinô thoát khỏi một phen hú hồn, thở phào nhẹ nhõm, miệng tíu tít cám ơn bề trên. Sau đó ngài được làm linh mục, rồi làm thánh, và hơn thế nữa, ở Âu châu, người ta đã chọn ngài làm quan thầy cho những hạng... đi thi!

Bên cạnh những vị thánh phải học hành vất vả như trên, lại có những vị thánh tài ba xuất chúng, nhưng cũng hy sinh trọn đời để nghiên cứu, học hành và dạy dỗ:

Thánh Gioan Boscô rất thông minh, đã miệt mài tận dụng hết mọi khả năng để nghiên cứu, học hành, viết nhiều sách báo cho giới trẻ và soi sáng, hướng dẫn giáo dân tránh khỏi những lạc thuyết thời bấy giờ.

Thánh Maximilien Kolbe, một linh mục chuyên nghiên cứu và làm tông đồ bằng cách viết sách vở, làm báo chí. Lúc sang truyền giáo ở Nhật Bản, ngài thành lập nhà in xuất bản tạp chí. Khi bị lao phổi phải về lại Ba Lan, ngài tiếp tục hoạt động tông đồ bằng báo chí sách vở cho đến ngày vào tù và chết đói trong một trại giam Ðức quốc xã.

Thánh Albertô Cả là một ngôi sao sáng của thế kỷ XIII. Sau khi theo học Ðại học Padua, ngài vào Dòng Ða Minh và tỏ ra có khiếu về triết học, thần học. Nên sau đó, ngài lại được gọi sang Cologne (Ðức) để tiếp tục tu luyện. Khi đã đỗ đạt, ngài được mời làm giáo sư dạy các Ðại học Hildesheim, Fribourg, Rattisbone và Strasbourg. Danh ngài nổi nhất là thời kỳ làm giáo sư tại Ðại học Paris. Năm 1260 ngài được bổ nhiệm làm Giám mục thành Rattisbone và chết tại đó vào năm 1280, thọ 87 tuổi, để lại nhiều tác phẩm quý giá và đủ mọi vấn đề nhất là triết học và thần học. Năm 1942, Ðức Piô XI đã phong tước vị Tiến sĩ Hội Thánh cho ngài, và tôn ngài làm quan thầy những người chuyên môn về "khoa học tự nhiên".

Thánh Thomas Aquinô, người học trò thông minh xuất chúng nhất của thánh Albertô Cả. Nhờ bầu khí và hoàn cảnh gia đình. Thomas Aquinô đã được hấp thụ một nền học vấn chắc chắn ngay từ lúc còn nhỏ. Lớn lên, ngài lại được thụ huấn với thánh Albertô Cả. Nên mới 27 tuổi mà ngài đã là giảng sư Ðại học với một kiến thức uyên bác có thể hướng dẫn được giới trí thức thời bấy giờ đang say sưa nền triết lý của ngoại giáo Hy Lạp. Ngài chỉ sống đến 49 tuổi mà để lại một kho tàng phong phú khôn lường về thần học và triết học cho Hội Thánh. Trong đó công trình sáng chói nhất là bộ "Tổng luận thần học" mà muôn thế hệ sau này vẫn còn say mê nghiên cứu học hỏi. Cái độc đáo và ưu việt nhất của ngài là tổng hợp được kiến thức của thời đại, giải đáp được các vấn nạn đương thời và có nhiều trực giác vượt thời gian mà đến nay thần học đang khám phá thấy. Năm 1567, Ðức Piô V đã phong ngài làm Tiến sĩ Hội Thánh với biệt hiệu "Tiến sĩ thiên thần". Ðến năm 1880, Ðức Lêô XIII lại đặt ngài làm quan thầy các trường Công giáo và lấy học thuyết của ngài làm mẫu mực cho triết học và thần học của Hội Thánh.

Ðức Gioan XXIII cũng nêu gương sáng cho ta trong việc kiên trì học tập, bất kể tuổi tác và hoàn cảnh. Trong Công đồng Vatican II, các nghị phụ đều nhất trí dùng La ngữ làm ngôn ngữ chung, nên Ðức Thánh Cha tuy đã 81 tuổi, đầu tóc bạc phơ, vẫn phải luyện lại La ngữ. Trong tập hồi ký, ngài có viết: "Chúa nhật 9.9.1962: tiếp linh mục Ciappi để chuẩn bị diễn văn bằng La ngữ trong các phiên họp mà tôi phải chủ tọa (mỗi ngày 11 giờ)". "Thứ năm 13.9.1962 vẫn bàn chuyện đạo đức với linh mục Ciappi bằng La ngữ; tập nói lại cho quen". Ngoài ra ngài còn học thêm Anh ngữ trong suốt thời gian làm Giáo Hoàng.

Còn rất nhiều vị thánh khác mà ta không thể kể hết, cũng như có vô số giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đã và đang đóng góp rất nhiều vào công cuộc phát triển thuộc đủ mọi địa hạt. Với một bầu nhiệt huyết nóng hổi của Tin Mừng, họ đã ra sức phục vụ nhân loại và Hội Thánh. Một số đã được mời làm chuyên viên trong ủy ban Công lý và Hoà bình trung ương hoặc các hội đồng giáo dân là những cơ quan đã và đang, sẽ được Toà Thánh tham khảo ý kiến về các vấn đề thuộc phạm vi thế tục. Một số khác được mời vào viện Hàn Lâm Khoa Học của Toà Thánh.

 

7. Phương pháp làm việc trong Hội Thánh

* Hội Thánh cần sự hợp nhất của những bộ óc thông minh để đem tình yêu Chúa đến trong mọi lãnh vực trần thế. Hội Thánh đau khổ và rối loạn vì sự chia rẽ và lộn xộn của những đầu óc thông minh mà tâm hồn tự cao, tự đại. Các thiên thần dữ đã làm như thế (ÐHV 568).

* Tự xem mình "chuyên môn tất cả" là phản khoa học và lạc hậu. Thời đại này, muốn phục vụ, phải đem tất cả hiểu biết để hợp tác (ÐHV 578).

Hội Thánh có một phương pháp làm việc rất độc đáo: Một đàng Hội Thánh trông cậy hoàn toàn vào ơn Chúa, theo lời Chúa Giêsu đã phán: "Không Thầy chúng con không làm gì được"; đàng khác Hội Thánh dùng hết mọi khả năng, phương tiện của loài người. Nên thường thường, trước khi ban những lời giảng dạy, ra những quyết định, Ðức Thánh Cha đều có tham khảo các Ðại học Công giáo, các tổ chức bên cạnh Toà Thánh gồm những Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc đủ mọi ngành mọi giới như vừa kể trên: Ủy ban Công lý Hoà bình, Hội đồng Giáo dân, Viện Hàn Lâm Khoa học.

Ngày 15.9.1965, Ðức Thánh Cha Phaolô VI còn lập thêm một tổ chức mới mang tên: "Thượng Hội đồng Giám mục thế giới", gồm có các đại điện các Giám mục của mọi quốc gia, ba năm họp một lần tại Roma, có Văn phòng thường trực, và trước mỗi khóa họp, chương trình nghị sự cũng như các tư liệu đều được gởi đi tất cả các giáo phận. Các Giám mục tiếp nhận các tài liệu ấy, tham khảo rộng rãi các ý kiến của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong giáo phận, rồi gởi sang Văn phòng thường trực để kịp thời đúc kết và phổ biến lại trước khi khai mạc hội nghị.

Qua tất cả những cơ quan ấy, chúng ta thấy chính Ðức Thánh Cha lắng nghe, học hỏi, tham khảo liên lỉ, rồi cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng mới đi đến những quyết định cụ thể.

Nếu trên thế giới có một tổ chức nào có một người cầm quyền tối cao và được triệt để vâng lời nhất, thì đó là Hội Thánh Công giáo. Nhưng ngược lại, nếu trên thế giới có một tổ chức nào dân chủ nhất, trong đó ai cũng được góp ý mà chẳng sợ có người theo dõi, trả thù... và mỗi ý kiến đệ trình đều được nghiên cứu, đánh giá một cách chân thành, không phe cánh, không mưu mô thì đó cũng là Hội Thánh Công giáo.

 

8. Cha đẻ tiếng Việt

* Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ thôi, nếu mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách thôi, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay từ hôm nay (ÐHV 575)

* Văn bằng chứng minh con đã thông minh một giai đoạn nào đó, đặc biệt lúc đi thi. Nếu sự học hỏi của con đứng ngang đó, dù một đống văn bằng cũng không bảo đảm sự thông minh của con (ÐHV 579).

Không người Việt Nam chính hiệu nào mà lại không biết đến tên cha Ðắc Lộ, một giáo sĩ người Pháp mà danh tính gắn liền mãi mãi với chữ quốc ngữ của dân tộc ta; nhưng thật rất ít người biết trong hoàn cảnh nào ngài đã làm nên một công trình vĩ đại như thế.

Ở đây, thiết tưởng ta nên nhắc lại những lời nói đầu tiên ngài ngỏ với dân bản xứ khi tàu vừa cập bến Cửa Bạng ngày 19.3.1627: "Ðây là tàu của người Bồ Ðào Nha, những người danh tiếng lừng lẫy khắp phương đông... Hiện giờ tàu của họ có chở một thứ hạt trai tuyệt đẹp và quý giá, ai mua thì cả đời được giàu có hạnh phúc muôn thuở. Không nên sợ giá cao, vì chẳng ai nghèo đến nỗi không đủ tiền để mua hạt trai ấy". Tổ tiên chúng ta mới khấp khởi vui mừng xin ngài ít là cho xem qua đôi ba hạt. Ngài trả lời: "Hạt trai ấy mắt xác thịt không thể xem thấy được, chỉ có trí khôn hiểu được mà thôi. Hạt trai ấy chính là lề luật Thiên Chúa, một cái gì quý trọng hơn trân châu và hàng hoá Ấn Ðộ. Chúng tôi sẵn sàng giảng dạy luật đó cho anh chị em, nên không ngại vượt biển băng ngàn đến đây".

Lúc ấy vào thời hai chúa Trịnh Nguyễn, một thời vừa có chiến tranh, vừa có cấm cách bắt đạo Chúa. Sự đi lại vô cùng khó khăn, nhất là đối với một ông tây "da hồng mũi lõ"! Vì thế, thường cha Ðắc Lộ phải giảng dạy, làm lễ, cử hành các bí tích ban đêm. Còn ban ngày, ngài di chuyển bằng cáng: hai người gánh một chiếc võng, ngài nằm trong đó, lấy chiếu che lại. Dạo ấy, từ sông Gianh đến Phan Rang, Phan Thiết chỉ có lưa thưa một vài giáo sĩ. Lắm lúc cả địa hạt rộng rãi ấy chỉ có một mình Cha Ðắc Lộ tung hoành. Ngài phải lẩn trốn nhiều vùng, phải âm thầm đi đi lại lại để củng cố giáo đoàn Ðàng Trong. Mỗi lần ra đến Huế, ngài lại còn lo cho cả giáo dân thuộc địa phận Ðàng Ngoài nữa. Các đại diện của giáo dân bên kia sông Gianh vào gặp ngài, chịu các phép bí tích, nhận chỉ thị để rồi trở về củng cố cuộc sống đức tin của các giáo hữu vắng bóng chủ chăn.

Khắp Ðàng Trong, không chỗ nào mà không in dấu vết chân cha Ðắc Lộ. Ba lần ngài bị phát giác phải đuổi về Macao, và mỗi lần như thế, đợi bầu khí hơi hơi lắng dịu ngài lại sắm sửa lễ vật sang dâng cho Chúa Nguyễn, đi theo ghe thuyền nhà buôn trở lại Việt Nam.

Không có văn phòng, quạt điện, máy điều hoà, thư viện, thiếu hẳn mọi tiện nghi tối thiểu, thế mà cha Ðắc Lộ soạn thảo thành công cuốn "Phép giảng 8 ngày cho những người muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo Thánh Chúa Trời" và cuốn tự điển: "Ba thứ tiếng Việt-Bồ-La" gồm cả văn phạm tiếng Việt, cách dùng chữ La tinh thay chữ Nôm, lối phát âm... Ngài đã mang về ấn loát tại nhà in Vatican vào quãng năm 1651, làm nền tảng cho tiếng Việt ngày nay.

Dĩ nhiên ngài đã căn cứ vào công trình của những người tiền phong như cha Buzomi chẳng hạn. Nhưng ngài đã có công lớn trong việc tổng hợp, phân tách từ ngữ xác định văn phạm, phát âm và đưa tất cả đến tình trạng hoàn chỉnh để phục vụ Hội Thánh. Ngài đã thâm tính rằng: ngôn ngữ là khí cụ thiết yếu để đưa Tin Mừng đến cho mọi dân tộc, không phải chỉ trong chốc lát mà còn cho muôn vàn thế hệ mai sau. Chắc chắn phải có một tâm hồn hiếu học, một tinh thần tông đồ nồng cháy mới có thể kiên trì nghiên cứu, bảo quản và hoàn thành một công trình khó khăn như thế, giữa bao thử thách gian nan.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page