Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


20- Khiêm Nhường

 

1. Quỳ gối đọc thư Bề trên

* Hồn tông đồ khiêm tốn và tạ ơn Chúa như Phaolô: "Tôi là kẻ rốt hèn trong các tông đồ và tôi không đáng được gọi là tông đồ... Nhờ ơn Chúa mà tôi được như ngày nay." (ÐHV 508).

* Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con (ÐHV 511).

* Ðừng chối những khả năng của con, những thành công của con. Hãy tạ ơn Chúa vì ngài xử dụng con như họa sĩ dùng ngòi bút ba xu (ÐHV 515).

* Cương quyết vâng lời Hội Thánh là trung thành. Quyết liệt hy sinh vì nhiệm vụ là can đảm, không phải kiêu ngạo (ÐHV 518).

Mặc dù bước chân Phanxicô Xaviê đã rảo khắp gần hết Á-châu đi giảng đạo, ngài lại có bằng Tiến sĩ Ðại học Sorbone trong tay, rồi còn kiêm nhiệm luôn chức Khâm sai Toà Thánh, trong lúc Ignatiô Bề trên của ngài, chỉ là một cựu sĩ quan ít học, nghèo hèn, nhưng mỗi lần nhận được thư của Bề trên, Phanxicô đều quỳ gối đọc thư cách cung kính. Rồi khi viết thơ cho Bề trên cũng thế, ngài quỳ gối để tỏ lòng cung kính vị đại diện Chúa và Giáo Hội!

 

2. Khiêm tốn và hiền lành đích thực

* Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng khi suy nghiệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu mọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta (ÐHV 510).

* Chỉ người khiêm nhượng thật mới được an vui như Chúa Giêsu dạy: "Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng và các con sẽ tìm thấy bình an cho tâm hồn." (ÐHV 516).

* Không thể tránh căng thẳng, nhưng giảm bớt căng thẳng được. Trước hết Chúa không buộc con làm tất cả mọi sự. Thứ đến việc gì Chúa giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện. Nếu với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn. Tại sao căng thẳng ngã lòng? Cứ bình an! (ÐHV 522).

Thánh Phanxicô Salêsiô có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng, bạn bè ai cũng biết thế...

Một hôm, có người đến Toà Giám mục Annecy để thăm thánh nhân. Trong câu truyện trao đổi hai bên, ông ta nhiều lần lớn tiếng cãi vã, đấm bàn, đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lại mời ông khách xơi trà hút thuốc. Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách quý bắt đầu cảm thấy thẹn thùng rồi từ từ rút lui.

Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chú theo dõi câu chuyện hai bên. Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng mình ngay ra phòng khách thánh nhân và lạ lùng thay... Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh. Ông liền nói:

- Nè chú Phanxicô, xưa nay tính chú nóng như lửa sao độ này lại hiền lành nhịn nhục đến thế. Tôi ở phòng sau nghe lão ta nói mà sốt ruột lên gan, muốn nhào ra đánh cho một trận cho vỡ mật ra. Ðồ lếu láo, mất dạy!

- Anh à! ai cũng có máu Adong cả. Em cũng bực tức, xung giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm một ít bằng cách tự bảo: Này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì ráo! Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, bắt được cả bầy ruồi; chứ cậy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con.

 

3. Một vị Hồng Y khiêm tốn

* Bao lâu con còn tôn thờ cái "tôi" của con, chẳng khác nào con cầu nguyện: "Lạy Chúa xin Chúa hãy tin con, hãy trông cậy vào con." (ÐHV 519).

* Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá nhỏ hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng, con còn được thoải mái hơn phần nào! (ÐHV 520).

Năm 1974, người ta nghe một lúc hai tin dồn dập:

- Ðức Cha Goiburu mới qua đời!

- Ngài được thăng chức Hồng Y từ lâu!

Thật thế, sau khi Ðức Cha Goiburu đã nhắm mắt ra đi Ðức Giáo hoàng Phaolô VI mới công bố ngài là một Hồng Y "in pecto" (giữ kín) của Hội Thánh Công giáo.

Lòng trung thành của ngài đối với Hội Thánh đã được Ðức Phaolô VI ban cho vinh dự cao quý nói trên. Ðức Giáo hoàng còn cho biết thêm: sau những năm ngồi tù ở Bungari, Ðức Cha Goiburu bị quản chế trong một xứ nọ. Khi được tin Ðức Thánh Cha chọn mình làm Hồng Y bí mật, ngài đã trình bày cùng Ðức Thánh Cha như sau: "Nay con yếu đuối lại đang ở trong vòng kỷ luật, xin Ðức Thánh Cha hãy để chức Hồng Y lại cho một người khác có khả năng hơn con". Thấy lòng khiêm tốn của Ðức Cha Goiburu, Ðức Thánh Cha càng quý mến hơn và giữ y quyết định và phong ngài làm Hồng Y "không công bố".

 

4. Ðức khiêm tốn của một vị Giáo hoàng

* Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa thì những điều sỉ nhục không thấm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con (ÐHV 506).

* Nếu con biết rõ mình con, con sẽ tức cười, khi nghe tung hô con, và con thấy các sự khinh rẻ con là có lý. Con lại ngạc nhiên tại sao người ta mới xử ngang độ ấy thôi (ÐHV 507).

* Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con khiêm nhượng thật (ÐHV 509).

* Coi chừng khiêm nhượng "giả hiệu" khi con từ chối mà kỳ thực là thoái thác bổn phận dấn thân của con và sợ chịu sỉ nhục vì Chúa (ÐHV 514).

* Người khiêm nhượng như hạ mình sát đất không còn ngã xuống đâu nữa. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp! (ÐHV 517).

Lúc được phong chức Tổng Giám mục, Ðức Cha Roncalli là Khâm sứ Toà Thánh kiêm Ðại diện Tông Toà quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất khó khăn phức tạp, vì phải trông coi cả một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo: Công giáo với Tin lành, Chính thống, Hồi giáo rồi trong chính đạo Công giáo: các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ.

Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Ðức Tổng Giám mục Roncalli nhận được một bức thơ nặng lời chê bai chỉ trích ngài về mọi mặt, do tay một linh mục bất mãn viết. Ðọc thơ xong, Ðức Cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn thiết tha yêu vị linh mục ấy.

Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức Sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi Hồng Y Giáo chủ ở Venêzia và cuối cùng đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan XXIII năm 1958.

Linh mục bất mãn viết thơ năm nào vẫn còn sống. Một hôm gặp dịp giáo dân trong vùng tổ chức một cuộc hành hương sang Roma để yết kiến Ðức Tân Giáo Hoàng cũng là vị cựu Tổng Giám mục yêu quý của họ ngày xưa, linh mục ấy cũng ghi tên theo phái đoàn. Ðến Roma, ngài lại xin cho được đặc ân tiếp kiến riêng Ðức Giáo Hoàng. Lời thỉnh cầu ấy được Ðức Gioan XXIII chấp thuận. Sau đây là câu chuyện do chính cha ấy thuật lại:

"Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican để đợi đến phiên vào triều yết Ðức Thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thơ bất mãn năm xưa mà lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ: đã mấy chục năm trôi qua rồi, giờ đây chắc hẳn Ðức Thánh Cha không còn nhớ gì! Nhưng rủi ngài còn nhớ thì sao? Mà thôi, đã lỡ xin phép gặp ngài riêng, giờ muốn rút lui cũng không được nữa... Lòng tôi cảm thấy xao xuyến hồi hộp: Hy vọng ngài nhân hậu sẽ bỏ quên và tha thứ cho tôi...

"Ðang lúc suy nghĩ miên man thì bỗng cánh cửa xịch mở, Ðức Ông phụ tá dẫn tôi vào. Vừa thấy tôi, Ðức Thánh Cha đã niềm nở đưa tay bắt và mời ngồi. Ngài ân cần hỏi thăm công việc mục vụ của tôi, của giáo phận và bùi ngùi nhắc đến những bạn cũ năm xưa. Ngài thương nhớ tất cả, không trừ một ai, như thể xứ sở tôi chính quê hương của ngài vậy.

"Lúc ấy lòng tôi khấp khởi, vì chắc Ðức Thánh Cha đã quên hẳn bức thơ hỗn láo năm nào... Câu chuyện vẫn tiếp tục trong bầu khí vui vẻ thân tình; bỗng tôi thấy ngài đưa tay với lấy cuốn Kinh Thánh, và từ từ mở ra... ngài để trước mắt tôi bức thơ khốn nạn! Hồn phách lạc xiêu, tôi xấu hổ và sợ hãi quá đỗi, ước chi được độn thổ khuất mặt cho xong! Có ai ngờ mấy chục năm qua mà bức thơ vẫn còn nguyên. Tôi đang lúng túng với muôn ngàn âu lo thắc mắc thì Ðức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo: "Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người, cũng yếu đuối, cha ngăn bức thơ con viết vào Kinh Thánh để hằng ngày đọc vào đó mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xảy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con". Nghe xong, linh hồn tôi chu du phương xa lúc ấy mới trở về! Tôi lấy lại bình tĩnh, nhận quà ngài trao tặng. Ngài còn chúc lành cho tôi, ôm hôn từ giã tôi. Tôi ra về, lòng không bao giờ quên được chân dung của vị Giáo Hoàng hiền lành khiêm nhường đến thế".

 

5. Em chỉ là một cái chổi

* Ðức Maria càng khiêm tốn, thì càng trong sáng, vì càng thấy rõ những sự kỳ diệu Chúa làm trong lòng Mẹ. Như ánh sáng qua một bóng đèn thủy tinh không vướng bụi. (ÐHV 512).

* Người sống trước mặt Chúa không thể kiêu ngạo được. - Ngạo về điều gì? - Tất cả đều là của Chúa! (ÐHV 513).

Sau khi được diễm phúc thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ Ðức nước Pháp, chị Bênadêta đã xin vào tu viện một dòng Kín ở Nevers. Một ngày Chúa nhật kia, vào năm 1876, một nữ tu đưa cho Bênadêta xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Ðức trước đây để xem phản ứng chị thế nào.

Ðang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Bênadêta hỏi:

- Người ta dùng chổi để làm gì hả chị?

- Ðể quét nhà.

- Quét xong họ để chổi ở đâu?

- Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ "cư trú" thường lệ của nó.

- Ðời em cũng thế chị ạ. Ðức Mẹ đã dùng em, rồi để em vào chỗ của em. Em sung sướng lắm, và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi!

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page