Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


19- Gia Ðình

 

1. Một bà hoàng hậu đạo đức

* Gia đình là tế bào của Hội Thánh. Chân lý này làm thấy rõ sự cao cả và sứ mạng của gia đình:

- Nối tiếp Hội Thánh Chúa Giêsu đã thiết lập ở trần gian.

- Hiện diện của Chúa là chủ gia đình thực sự.

- Thừa tác vụ tư tế trong gia đình là vai trò của người cha.

- Chứng tích sự hiện diện Hội Thánh bằng sự sống gia đình hàng ngày.

- Nỗ lực vươn lên đến Chúa của gia đình, làm Hội Thánh cùng tiến lên.

- Liên lạc giữa Chúa và mỗi chi thể trong gia đình. (ÐHV 494).

* Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc nào tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội Thánh và xã hội nhân loại cũng rung rinh sụp đổ. Ðức Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: "Thưa Thầy Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân Thầy Mẹ" (ÐHV 505).

Sống trong cảnh giàu sang và danh vọng của triều đình Pháp vào tiền bán thế kỷ XIII, làm sao Vua Louis IX lại trở thành một thánh nhân được? Ðó là nhờ gương sáng và sự giáo dục của mẹ ngài. Hoàng Hậu Blanche de Castille. Bà đã âu yếm, kiên cường dạy dỗ con. Vua Thánh Louis không bao giờ có thể quên được lời nói của mẹ hằng nhắc đi nhắc lại bên tai ngài: "Louls con thân yêu của mẹ, con biết mẹ yêu con lắm; nhưng thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ trăm ngàn lần, không thà mẹ thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa một lần".

 

2. Những giọt nước mắt không vô ích

* Thời đại ta, Hội Thánh đã vạch ra một linh đạo về hôn nhân, cho chúng ta thấy hôn nhân là một phương tiện để con người triển nở và là một ơn gọi đến sự thánh thiện (ÐHV 475).

* Nếu giáo dân đặt nặng nhiệm vụ trần thế của mình, thì nhiệm vụ trần thế quan trọng nhất, quyết định nhất của họ là đời sống gia đình (ÐHV 477).

* Huấn luyện những chi thể hoạt động trong nhiệm thể Chúa Kitô, làm cho con cái mình nên con Chúa. Nhiệm vụ cha mẹ đòi buộc các con phải đi tiên phong về mọi phương diện, mọi nhân đức (ÐHV 492).

Trước sự sa đọa của cậu con trai tại thành Carthage, bà Monica rất đổi buồn phiền. Bà vẫn thường khóc lóc cầu nguyện cho con và năng chạy đến cùng Thánh Giám mục Ambrôsiô để nhờ cậy ngài khuyên bảo. Thánh nhân an ủi bà: "Nước mắt bà sẽ không vô ích đâu! Bà hãy trông cậy, Augustinô con bà sẽ trở lại".

Ðúng như lời Thánh nhân an ủi, sau những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô cảm thấy chán ngán, cô đơn sầu muộn tột độ. Anh nghiên cứu giáo lý Công giáo, đi nghe thánh Ambrôsiô giảng và chịu phép Rửa tội năm 33 tuổi. Thấy con đã trở về cùng Chúa; bà Monica khấp khởi vui mừng theo con đi về Phi châu, nhưng dọc đường, người mẹ thánh thiện và can trường ấy đã nhắm mắt bình an trong Chúa. Khi thuật lại cái chết của mẹ mình, Thánh Augustinô viết: "Lạy Chúa, chúng con nghĩ: không được làm bổn phận hiếu thảo đối với mẹ chúng con, với lời than khóc rên rỉ vì cái chết của bà đâu phải là một hoạn nạn, và bà cũng chẳng mất đi hoàn toàn: đời sống trong trắng của bà minh chứng điều ấy và chúng con có lý mà tin vững vàng rằng bà đang an nghỉ trong Chúa... Dần dần con lại nhớ đến người tôi tớ của Chúa, mẹ con luôn luôn đạo đức thánh thiện trước mặt Chúa, luôn luôn dịu dàng săn sóc chúng con. Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi con dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ, con dâng nước mắt ấy cầu cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy nữa, thì xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mắt Chúa. Chúa là Cha của tất cả anh chị em chúng con trong Ðức Kitô".

 

3. Bà mẹ can trường

* Tình yêu hôn nhân có sức rút từ quả tim con người tất cả can đảm, tin tưởng và quảng đại (ÐHV 467).

* Người ngoài đánh giá hôn nhân công giáo theo mức độ thánh thiện của gia đình công giáo (ÐHV 499).

Ngày 17.9.1798, thời vua Cảnh Thịnh, Tây Sơn, một người anh hùng xứ Huế gục ngã: Thánh Emmanuel Nguyễn văn Triệu. Pháp trường in vết máu đỏ của ngài.

Trước đó, trên quãng đường từ khám đường đến nơi hành quyết, người ta thấy một bà cụ già đi bên cạnh phạm nhân để an ủi, động viên, khích lệ con can trường chết vì đạo Chúa.

Khi lý hình vừa hoàn tất phận sự: đầu của Emmanuel Triệu vừa rụng xuống, thì giáo dân nhất loạt ùa ra lấy bông và vải thấm máu của ngài. Bà mẹ của ngài tiến thẳng đến trước mặt quan: "Bẩm quan, khi con tôi còn sống thì thuộc quyền của quan, nay con tôi đã chết, xin quan cho tôi được lĩnh xác mang về chôn cất, hay ít nữa được chiếc đầu". Quan truyền binh lính trao ngay chiếc đầu phạm nhân cho bà. Bà mẹ già bình tĩnh lấy vạt áo trước bọc đầu con lại, ôm siết vào ngực, giữa đôi bàn tay xương xẩu và đi bộ trên 10 cây số để trở về nhà.

 

4. Bà mẹ tận tụy

* Hạnh phúc của một người không căn cứ ở của cải, chức vụ, nhưng ở tình yêu mà người ấy tập yêu suốt đời (ÐHV 462).

* Khi con còn trẻ, con đi nơi con muốn, nhưng khi trưởng thành, người khác sẽ cầm tay con, nhiều người khác, nhiều bàn tay nhỏ sẽ níu lấy và lôi kéo con đến nơi con không muốn, nơi mà không bao giờ con dám đến, nơi mà không bao giờ con tin rằng con có sức đến... nhưng tình yêu có thể bắt buộc con làm tất cả! (ÐHV 465).

Bà Margarita có hai đời chồng: người chồng trước mất sớm để lại hai mụn con trai, người chồng sau cũng vội ra đi giữa một đàn con đông đúc, trong số đó có Gioan Boscô mới trọn hai tuổi.

Mặc dù bà cũng thương yêu và chiều chuộng người anh cả Gioan Boscô, nhưng tính tình nó quá nóng nảy hung hăng, khiến bà rất buồn phiền đau khổ. Cha xứ thấy Gioan Boscô vừa sáng trí lại vừa đạo đức, nên khuyên bà cho cháu lúc rảnh rỗi được lên nhà xứ học hành, đào luyện cho ngày bước vào nhà Chúa. Thằng anh cả ghét em lắm! Nó bắt Gioan Boscô làm việc đêm ngày và đánh đập cậu một cách tàn nhẫn. Nó bảo: "Mày xem tao đâu có chữ nghĩa gì mà làm việc có ai hơn nổi không!" Gioan Boscô đáp: "Ờ! thì cũng như con bò nhà ta thôi, nó đâu học hành gì mà vẫn cày thật khoẻ". Bị thua trí, thằng anh tức giận đấm đá túi bụi cho đến lúc Gioan Boscô ngất xỉu trên đất.

Người quả phụ thấy thế càng thêm đau khổ, lắng lo. Một đêm kia, bà gọi Gioan Boscô lại và nói nhỏ vào tai cậu: "Mẹ thương con lắm, nhưng nếu ở gần anh con, mẹ e rằng có ngày anh con nóng tính sẽ đánh chết con mất! Mấy hôm nay, mẹ thao thức băn khoăn và nghĩ thế này: Thôi, mẹ đành tạm xa con, mẹ gởi con qua nhà cậu cách đây vài chục cây số. Con cố gắng giúp việc cậu cho qua ngày tháng. Mẹ con ta cầu nguyện. Chúa sẽ không bỏ con đâu. Người sẽ cho ước vọng con được thành tựu, con hiểu ý mẹ chưa?"

"...Thưa mẹ, Gioan Boscô nhỏ nhẹ nói: con sẽ nghe lời mẹ. Xa mẹ và các anh em con nhớ lắm, nhưng con cố gắng lao động để vừa ý cậu. Con đem theo ít sách vở để kiếm giờ rỗi đọc thêm. Con cương quyết không bỏ ý định dâng mình cho Chúa, dù phải khó khăn đến đâu chăng nữa, xin mẹ cứ yên trí". Sáng hôm sau, lúc trời còn mờ sương, bà quả phụ trẻ đưa tiễn con lên đường. Nhìn theo cậu bé vai mang túi rết đựng ít thức ăn, vài ba cuốn sách... người mẹ không khỏi bùi ngùi rơi lệ.

Ở nhà cậu, tuy Gioan Boscô khỏi bị đánh đập, nhưng công việc lao động lại quá sức nặng nề. Vì nhà người cậu chuyên làm bánh mì hằng ngày, từ ba giờ sáng, cậu Gioan Boscô đã phải dậy sớm đốt lửa. Dưới ánh lửa chập chờn. Gioan Boscô lấy sách ra học. Càng học cậu càng thông minh tiến bộ.

Cuộc đời cứ trôi qua như thế cho đến một hôm, người anh cả của Gioan Boscô quyết định lập gia đình và ra làm ăn sinh sống riêng rẽ. Cậu được mẹ vui sướng đón về và ngày ngày đến nhà cha xứ học hành, tu luyện. Ðến năm 1835, cậu tròn 20 tuổi và được vào Ðại học Torinô. Trước ngày tựu trường, vì gia đình quá nghèo, mẹ cậu phải đành lòng mang chiếc áo cưới, kỷ vật quý báu nhất của bà, sang nhà hàng xóm năn nỉ họ mua dùm, để kiếm tiền may cho cậu chiếc áo chùng thâm.

Ngày tháng thoi đưa. Thoát chốc đã đến lúc Gioan Boscô được hạnh phúc bước lên bàn thánh. Sau lễ thụ phong linh mục bà mẹ hiền sung sướng cảm động quỳ gối lãnh nhận phép lành đầu tay của đứa con trai quý yêu. Bà ôm hôn con âu yếm và nhắn nhủ con mấy lời vàng ngọc, bằng một cung giọng ngọt ngào như xưa: "Hỡi Gioan, con yêu dấu của mẹ, hôm nay mẹ sung sướng lắm, mẹ mãn nguyện thấy con đã trở thành linh mục. Con hãy thành tâm phụng sự Chúa và tận tụy phục vụ các linh hồn. Xin con đừng lo gì cho mẹ, một chỉ nhớ đến mẹ lúc dâng lễ trên bàn thánh, chừng ấy là đủ cho mẹ".

Linh mục Boscô ghi tạc lời mẹ vào trong tâm khảm, sốt sắng phục vụ mọi người, nhất là trẻ em côi cút đơn nghèo và bọn lâu la, cao bồi, du đảng...Từ tháng 12 năm 1841, ngài bắt đầu quy tụ chúng lại để nuôi nấng, dạy dỗ. Dần dần ngài xây dựng thêm nhà cửa, tổ chức công việc giáo dục cách có hệ thống, kỷ cương. Nhưng phần thì tiền bạc hiếm hoi, phần thì thấy bọn lâu la, cao bồi du đảng ai cũng ngán, thành thử chẳng có ai tìm đến giúp đỡ... Gioan Boscô không biết xoay xở cách nào, bèn về quê năn nỉ mẹ già: "Xin mẹ gắng lên giúp con vì Chúa, vì các linh hồn thanh thiếu niên". Thấy con tiều tụy lại thêm lửa mến Chúa yêu người nung đốt, bà Margarita không quản tuổi già theo con lên đường phục vụ.

Dù lũ trẻ trong trường thật ngỗ ngáo mất dạy, sức khỏe của bà lại càng ngày càng yếu, hậu quả của một xuân thời vất vả long đong, nhưng bà Magarita vẫn hăng say dấn thân phục vụ. Mười mấy năm lần lượt trôi qua, càng lâu công việc càng bề bộn ra, cơ sở càng rộng lớn, cha Gioan Boscô càng vất vả, thì bà Magarita càng thêm mệt nhọc. Nhưng đến một hôm, thấy mình không chịu được nữa, bà bèn gọi cha Boscô lại, rót nhẹ vào lòng đứa con trai: "Gioan con yêu quý của mẹ, vì thương con, mẹ đã âm thầm phục vụ suốt bao năm qua; nhưng cái lũ lâu la ấy ngày càng thêm quá quắt. Mẹ không còn sức chịu đựng được nữa. Con nghĩ xem, mẹ trồng được luống rau nào là chúng đá bóng làm tan nát hết; mẹ mới nuôi được bầy gà chúng cũng chẳng tha, rượt đuổi theo làm chúng tán loạn... Con biết, mắt mẹ đã mờ, mẹ rán khâu quần áo cho chúng, nhưng vừa khâu xong, chúng hùa nhau vật lộn đấm đá khiến quần áo chúng chẳng còn tấm nào nguyên vẹn; chăn mền con đã chạy ngược chạy xuôi kiếm về cho chúng, chúng nô đùa dơ bẩn chẳng thèm rửa ráy, cứ phóng đại lên giường trùm kín mít làm dơ bẩn hết trơn; thậm chí còn có đứa ban đêm trốn đi, mang theo cả chăn màn áo xống!"

Cha Gioan Boscô thương yêu mẹ lắm, nghe những lời trên như đứt ruột náy gan; ngài than thở với mẹ: "Mẹ ơi! con biết mẹ rất thương con, con không muốn làm cho mẹ phải khổ, nhưng vắng bóng mẹ thì còn ai giúp con phục vụ hữu hiệu được nữa?" Rồi ngài thinh lặng, ngước nhìn lên Thánh giá. Bà mẹ cũng nhìn lên. Nước mắt cả hai chảy ròng ròng, tình thương dạt dào khôn tả. Bỗng dưng bà Margarita buột miệng: "Gioan con, thôi mẹ hiểu rồi, mẹ sẽ ở lại với con. Ở lại cho đến chết".

Bọn lâu la tuy nghịch ngợm, ngỗ ngáo nhưng càng khôn lớn, chúng càng yêu mến quý chuộng bà. Cả nhà đều gọi bà cái tên âu yếm thân mật: "Mamma Margarita: Má Margarita". Sau hơn 20 năm phục vụ bên cạnh con, mùa đông năm 1865, bà Margarita thanh thản ra đi, để lại niềm thương tiếc xót xa cho đại gia đình. Ai cũng xem bà như một vị Thánh.

 

5. Song thân của Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu

* Các con ngạc nhiên khi nghe nói đến "ơn gọi làm cha mẹ gia đình"? - Người ta lầm lạc khi dành ơn thiên triệu, bậc trọn lành cho tu sĩ thôi (ÐHV 476).

* Sự hiệp nhất giữa đôi bạn phải rất trọn vẹn: hiệp nhất thể xác, tình yêu, tinh thần và thiêng liêng, nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Yêu trong Chúa, đẹp lắm! Yêu thương vì Chúa, càng đẹp hơn! Gia đình lắng nghe tiếng Chúa và cùng tiến lên trong sự thân mật Chúa (ÐHV 489).

* Gia đình là một "trung tâm ánh sáng", đem ngọn lửa hồng đốt sáng nóng kẻ khác. Ngày nào mỗi gia đình là một "trung tâm ánh sáng", thế giới này sẽ là một đại gia đình đầy ánh sáng, đầy hy vọng. (ÐHV 502).

Têrêxa mồ côi mẹ lúc chưa đầy 4 tuổi, các chị lại lần lượt noi gương nhau bước vào Dòng Kín, vì thế cô rất được cha yêu quý chiều chuộng.

Khi vừa 14 tuổi rưởi. Têrêxa ước ao dâng mình cho Chúa theo chân các chị lắm, nhưng chẳng biết làm sao để tâm sự cho cha già hiểu. Cô sợ rằng cái tin sét đánh ấy, sẽ khiến cha đau buồn, giảm thọ, vì ông thương cô "công chúa" của ông lắm; hơn nữa, hai chị sau hết của cô lại mới vào Dòng Kín cách đó chẳng bao lâu.

Một buổi chiều kia, thấy cha ra vườn ngồi chơi, hai tay khoanh lại ngắm thiên nhiên xinh đẹp, Têrêxa đánh bạo đến ngồi gần bên cha, nhưng miệng chưa thốt nên lời mà nước mắt đã ràn rụa. Ông Martin cúi xuống nhìn con tỏ lòng yêu thương tha thiết. Ðoán biết có điều uẩn khúc muốn nói, ông ẵm đầu con vào ngực và hỏi:

- Có việc gì vậy? nói cho cha nghe nào....

Bấy giờ Têrêxa mới gạt nước mắt tỏ cho cha biết việc mình quá sức ao ước vào Nhà Kín. Ông Martin nghe cũng phải bật khóc. Thế nhưng, ông chẳng nói một lời gì ngăn cản ơn kêu gọi của con; ông chỉ bảo cách nhỏ nhẹ:

- Con còn trẻ, làm sao quyết định việc đó được!

Têrêxa vẫn tiếp tục năn nỉ, nêu đủ mọi lý do. Cuối cùng ông Martin cũng phải đành lòng chấp thuận theo thánh ý Chúa.

Ngày nay, du khách nào đến viếng tư đường của Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, xin đừng quên tản bộ ra phía sau vườn, đến ngay chỗ xảy ra câu chuyện trên đây và chiêm ngắm pho tượng trắng bằng đá cẩm thạch do một nhà điêu khắc trứ danh thực hiện. Pho tượng nói lên tất cả tình phụ tử trong giây phút quan trọng của cuộc đời Chị Thánh Têrêxa. Càng nhìn, du khách càng cảm động say mê...

Thế nhưng, dù ý cha đã chấp thuận, Têrêxa vẫn chưa bước vào Dòng Kín được, vì còn quá nhỏ, mới 15 tuổi đầu! Ông cứ bèn đưa cô "công chúa nhỏ" của mình theo đoàn hành hương sang thành Roma yết kiến Ðức Thánh Cha Lêô XIII. Têrêxa đã bạo dạn xin phép Ðức Thánh Cha chuẩn cho mình được vào dòng Kín lúc 15 tuổi. Thấy cô bé nài xin cách đơn sơ chân thành khẩn khoản. Ðức Lêô XIII rất cảm động, nhưng vẫn bảo cứ theo sự quyết định của Ðấng bản quyền trong địa phận và sau cùng các đấng đã chấp thuận.

Thế là Têrêxa được vào Dòng Kín! Công lao và sự hy sinh của ông Martin to lớn biết chừng nào! Về sau, khi viết chuyện "Một tâm hồn", Têrêxa luôn nhắc đến công ơn của cha, không những trong việc nuôi nấng về mặt vật chất, mà cả về mặt thiêng liêng nữa! "Lần kia đang nghe giảng về mẹ Thánh Têrêxa Avila, cha liền cúi xuống khẽ bảo con: con cầm trí nghe, đang nói về thánh quan thầy của con đấy! Con vẫn cầm trí, nhưng xin nói thực rằng con hay nhìn cha hơn nhìn đến diễn giả. Diện mạo cha tốt đẹp, nói cùng con nhiều sự, thỉnh thoảng hai mắt cha ứa lệ, cha cố giữ mà không giữ nổi phải để tràn ra. Khi nghe giảng về chân lý đời đời, cha hình như không còn phải là người dương thế nữa, linh hồn cha như đã bay xa về thế giới khác..."

Ðã có một cha thánh thiện như thế, Têrêxa cũng được một bà mẹ đạo đức. Thánh nữ đã viết về cha mẹ như sau: "Thiên Chúa đã ban cho tôi một người mẹ và một người cha xứng đáng sống ở trên trời hơn là ở dưới thế". Cả hai ông bà đã giáo dục con theo tinh thần Kitô giáo, nhưng vẫn không bao giờ tưởng tượng mình sẽ có một cô bé út sau này sẽ làm thánh cả. Thế nhưng, chính cuộc sống của họ đã chuẩn bị con đường cho Thánh nữ bước đi, như lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm: "Cây tốt ắt sinh trái tốt".

Người ta còn nhớ tháng 9 năm 1843, một thanh niên tên Louis Martin đi bộ từ xứ Normandie miền Tây nước Pháp, đến tận Thụy Sĩ, leo lên núi Alpes để xin vào tu Dòng thánh Bernard, nhưng cha Bề trên bảo cậu: "Con chưa biết La ngữ, hãy về học rồi đến đây cha sẽ nhận". Rồi cũng khoảng thời gian ấy, một thiếu nữ tên Maria Guérin cùng đi với mẹ đến xin dâng mình vào Dòng Nữ Tu thánh Vinh Sơn Phaolô, nhưng bà bề trên trả lời cách dứt khoát dưới sự soi sáng của Chúa: "Chúa không muốn, con hãy về ở thế gian".

Ngài biết thiện chí của cậu Louis Martin và cô Maria Guérin, nhưng thánh ý nhiệm mầu của Ngài đã định liệu cách khác. Ngày 13.8.1858, họ đã làm lễ thành hôn tại nhà thờ Ðức Bà thành Alencon.

Hai ông bà sinh được 9 người con, 4 đứa đầu Chúa cất về lúc còn nhỏ tuổi, 5 đứa sau lần lượt dâng mình cho Chúa trong dòng Kín và dòng Thăm Viếng. Têrêxa là con gái út. Hai ông bà rất ước ao hiến dâng cho Chúa một đứa con trai để đi truyền giáo, nhưng Chúa lại gọi hai cậu con trai nhỏ Louis và Jean Baptiste về Thiên đàng lúc chưa được một tuổi. Ðể bù lại, Chúa đã cho Têrêxa, con gái út, được Ðức Piô XI phong làm bổn mạng các xứ truyền giáo, đồng hàng với thánh Phanxicô Xaviê.

 

6. Bà mẹ thánh thiện và đảm đang thành Luân Ðôn

* Chúa Kitô đã muốn xây dựng nhiệm thể Ngài bằng những tế bào gia đình; Hội Thánh có thể thay đổi đường lối tông đồ, thay đổi các hội đoàn, nhưng Hội Thánh luôn luôn phát triển nhờ các gia đình. Ðức tin được thông truyền qua các tế bào sống động và lành mạnh ấy (ÐHV 495).

* Giáo dục con cái là "Trường vươn lên" cho cha mẹ. Trẻ con có "cái nhìn chỉ trích", chúng là những "quan sát viên khắt khe". Chúng bắt buộc các con xử trí đúng vai trò của các con và do đó giúp các con tiến lên (ÐHV 496).

Ðầu thế kỷ XX này, tại Luân Ðôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp, bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày suốt đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động và đặc biệt là trưa nào, rửa chén bát xong, bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ. Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà: "Một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?" Bà tươi cười bảo: "Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế, chúng còn đến trước trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức".

Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaugran: trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám mục giáo phận Luân Ðôn, một người khác làm Tổng Giám mục, hai người làm linh mục hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ; còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện.

 

7. Hai chiếc nhẫn

* Thực đáng buồn khi thế giới văn minh ngày nay chỉ hiểu giáo lý công giáo về hôn nhân qua "những luật cấm!"; thế giới đâu ngờ Chúa Giêsu đã đến cứu chuộc tình yêu nhân loại, đã ban một sự thăng tiến con người lạ lùng là bí tích hôn nhân! Con phải học và trình bày khía cạnh tích cực, tốt đẹp của hôn nhân công giáo (ÐHV 480).

* Gia đình là tế bào của Hội Thánh, nói cách khác, là một "Hội Thánh cỡ nhỏ" (Ecclesiuncula) ở đó Chúa Giêsu hiện diện, sinh sống, chết, phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể (ÐHV 493)

* Con hãy tin rằng: đời sống gia đình công giáo là một "lối tu đức" riêng biệt (ÐHV 497).

Hôm Ðức Cha Sartô (sau này là Thánh Giáo Hoàng Piô X) vừa được thụ phong Giám mục, ngài liền về thăm mẹ. Ngài để tay trên bàn trước mặt mẹ già nghèo khó và thưa: "Mẹ xem đây này, chiếc nhẫn mới Giám mục của con".

Bà cố đưa bàn tay nhăn nheo của mình đặt trên tay con và bảo: "Nếu không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn giám mục của con ngày hôm nay được!".

 

8. Tông Ðồ liên gia

* Ý thức được sứ mạng, nhiều gia đình công giáo sẽ đặt dưới quyền xử dụng của Hội Thánh những mãnh lực nhân loại và siêu nhiên của tình yêu vợ chồng, của bí tích hôn nhân, với một sự hăng say lạ thường (ÐHV 482).

* Những giây phút thinh lặng bên nhau, chìm đắm trong cầu nguyện, Những giây phút tự phát cầu nguyện cho nhau, cho con cái, Những giây phút trao đổi thân mật về đời sống thiêng liêng, về việc tông đồ, Là một mạc khải, một niềm vui sâu xa và thắm thiết. Các con hãy kinh nghiệm: Chúa ở giữa các con! (ÐHV 490).

* Giờ "ngồi bên nhau", "cùng nhau ngồi bên Chúa" là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên. Bầu khí gia đình sẽ thay đổi, nhiều vấn đề gay cấn được thông cảm giải quyết. Trước kia hai vợ chồng "chung sống hòa bình" cách nông cạn, rời rạc. Giờ đây tất cả là một tình yêu, một niềm vui, một lo âu, một lời cầu nguyện. (ÐHV 504).

Cách đây 20 năm, cha được gia đình Cậu-ly ở Chicago (Hoa Kỳ) mời dùng cơm tối. Suốt buổi chiều hôm ấy, cha nghe hai vợ chồng họ nói say sưa về "Phong trào gia đình công giáo", mà họ đang là hội viên hoạt động. Họ bảo:

"Các Hội gia đình không mang lại kết quả tốt đẹp, vì gia đình muốn làm gì, cả vợ cả chồng phải cùng nhau nhất trí. Nếu một mình vợ giáo dục con cái, còn chồng thì lè phè làm gương xấu thì uổng công. Do đó, chúng tôi đã thành lập "Phong trào gia đình công giáo" có cả vợ chồng cùng tham gia. Cứ bảy, tám gia đình trong khu phố làm thành một nhóm, hằng tuần luân phiên gặp nhau ở một gia đình. Trước hết chúng tôi suy niệm Tin Mừng, rút kinh nghiệm sống trong tuần qua của từng gia đình, từng khu phố. Vấn đề ảnh hưởng trong khu phố rất quan trọng: một cháu hư hỏng có thể lôi kéo cháu khác. Sách báo các cháu đọc, phim ảnh các cháu xem, chúng tôi đều quan tâm kiểm điểm. Thỉnh thoảng có cha xứ đến gặp mặt chia sẻ với nhóm này hay với nhóm khác. Chúng tôi đồng ý với nhau: Lúc họp mặt tất cả mọi người đều hiện diện, đừng thiếu một ai, và chỉ sau khi gặp mặt xong mới uống nước trà bánh ngọt, để không phân biệt gia đình giàu với gia đình nghèo, và để nhà nào tiếp đón khỏi bận rộn đi xuống bếp lúc gặp mặt. Vợ chồng chúng tôi vừa đi vòng quanh thế giới, thăm các nước có phong trào này. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi thấy bầu khí của gia đình đầy tình yêu Chúa, biết giúp nhau biến đổi, biết chấp nhận nhau hơn, sống quảng đại hơn, can đảm hơn, biết nhìn thấy gia đình là một sứ mệnh, một ơn gọi: Vợ chồng giúp nhau, cha mẹ giúp các con, các gia đình cùng khu phố giúp nhau nên thánh.

"Ngoài những buổi họp hằng tuần, mỗi tối, sau lúc cầu nguyện và cho các con đi ngủ, chúng tôi có "giờ ngồi bên nhau" vợ chồng cùng chung một lo âu, một niềm vui, một mối hy vọng, một tình yêu bên Chúa.

"Chúng tôi còn mở rộng nhà đón tiếp không những họ hàng, bạn hữu, mà tất cả mọi người, nhất là người ngoại quốc, các du học sinh, chúng tôi kiếm những gia đình có khả năng tình nguyện tiếp đón một cô, một cậu học sinh ở Ðại học này hay Ðại học khác để cho sinh sống trong gia đình như một người con, hay đón về hưởng bầu khí ấm cúng trong các dịp lễ, ngày nghỉ. Càng ngày chúng tôi tiếp đón được càng đông và càng có ảnh hưởng tốt, không những với cá nhân họ, bè bạn họ, mà cả gia đình họ ở Châu Á, Châu Phi nữa. Lúc họ rời nước chúng tôi, chúng tôi vẫn còn liên lạc mật thiết như người con trong gia đình, và chúng tôi lại đón tiếp một du học sinh khác, lắm lúc là do anh chị em bạn trước giới thiệu đến với chúng tôi. Mấy chục năm nay, chúng tôi say mê công việc tông đồ này".

 

9. "Những bà mẹ không đám cưới"

* Có một sự sáng suốt đáng buồn: xét mọi người theo quá khứ của họ. Có một sự sáng suốt đầy yêu thương: đoán trước người ta có thể biến đổi tốt đẹp chừng nào! (ÐHV 472).

* Tình yêu không mù quáng: Thấy yếu đuối của người yêu và cố gắng gánh vác. Thấy khả năng của người yêu và tế nhị khơi dậy (ÐHV 473).

* Gia đình công giáo làm tông đồ bằng cách "tiếp đón". "Mở rộng nhà" các con và đồng thời "mở rộng lòng" các con. Nhà nào lại không có khách? "Tiếp đón" là cách thế tiện nhất, tự nhiên nhất, để làm chứng tích về tình yêu, về sự hiệp nhất, về niềm vui, về cởi mở... "Nghệ thuật tiếp đón" sẽ trở nên "tông đồ tiếp đón". Các con hãy sống và làm cho những ai đến gia đình các con đều "thèm sống như các con" (ÐHV 503).

Trong xã hội ngày nay, vì cám dỗ xa hoa đồi trụy, vì thiếu kinh nghiệm cuộc sống, nhiều thiếu nữ bị lợi dụng phải sa ngã, đánh hỏng cả cuộc đời. Có những gia đình hạnh phúc đã nghĩ tới họ và lập ra "Phong trào giúp những người mẹ không đám cưới". Tổ chức này hoạt động chính thức ở Canada và Mỹ.

Thông thường, thiếu nữ nào gặp phút sa lỡ cũng đều mang một tâm tư buồn chán đau khổ: đi đến hôn nhân bất đắc dĩ thì không vừa ý và có lẽ sẽ chẳng hạnh phúc, về gia đình lắm lúc bị bố mẹ đánh đuổi, ở lại địa phương thì hàng xóm phỉ báng xấu hổ suốt đời. Nên chỉ còn cách là đi nạo thai hoặc tự tử! Tổ chức nói trên nhằm mục đích giúp đỡ họ trong những hoàn cảnh như vậy.

Ðến văn phòng của tổ chức, các cô gặp những ông bà rất thông cảm, biết lắng nghe tâm tư đau thương và xấu hổ của họ, yêu mến họ và thu xếp mọi sự cho họ. Sau khi nắm rõ sự việc, chính những nhân viên văn phòng ấy an ủi thông cảm với gia đình các cô và liên lạc với những gia đình đạo đức trong tổ chức ở các thành phố khác để đón các cô tới. Các cô có thể chọn lựa mua vé xe hoặc máy bay hay tàu lửa tùy ý. Ðến nơi các cô thấy ngay hai ông bà lạ mặt đón tiếp mình cách niềm nở như cha mẹ ruột. Họ đưa các cô về nhà lo lắng săn sóc cho đến ngày sinh nở. Chính họ làm cho tinh thần các cô biến đổi thấy đời còn đáng yêu, còn đáng hy vọng để sống thảnh thơi, an bình. Họ giúp các cô xây dựng lại cuộc đời nơi này hay nơi khác; hoặc đưa các cô trở về gia đình cũ, tiếp tục nâng đỡ các cô mà không bao giờ nhắc đến quá khứ, chỉ tin tưởng và làm việc cho tương lai.

Không ai biết được số gia đình làm việc như thế là bao nhiêu, nhưng chắc là đông lắm, và phải có một lòng bác ái, hy sinh cao độ mới thực hiện được.

 

10. Hai vợ chồng câm

* Ðòi hỏi biến đổi mà không yêu thương làm cho bạn mình bất mãn. Yêu thương mà không đòi hỏi biến đổi là cho bạn phương tiện. (ÐHV 468).

* Yêu thương để giúp bạn biến đổi là cho bạn phương tiện. Bắt bạn biến đổi mới yêu thương là cất hết phương tiện (ÐHV 469).

* Ý thức rằng các con đồng trách nhiệm về sự trưởng thành trong tình yêu Chúa. Ý thức rằng ơn gọi của các con là cùng nhau và nhờ nhau nên thánh: Ý thức rằng ơn bí tích thường xuyên giúp đỡ các con. Các con được thúc đẩy hăng say sống mầu nhiệm Chết và Phục Sinh qua mọi khía cạnh của đời sống các con. (ÐHV 486).

Anh câm, chị cũng câm, thế mà vẫn tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân như mọi người khác! Không những thế, gia đình còn làm ăn khấm khá và dần dần sinh được 6 người con. Xóm giềng thấy thế ai cũng mừng cho gia đình câm và rỉ tai nhau: "Câm cũng khổ mà cũng hay, khỏi có lời qua tiếng lại, cũng chẳng phải nghe tiếng nặng tiếng nhẹ, bớt được nhiều vụ va chạm xích mích".

Ai ngờ đâu, con người có thật lắm cách để bày tỏ tình cảm của mình! Vợ chồng câm mà vẫn cơm không lành, canh không ngọt. Cả hai cùng đưa nhau ra tòa ly dị. Thiên hạ hiếu kỳ lại được dịp đi xem. Tòa chấp thuận cho họ ly dị nhau và quyết định mỗi bên phải nuôi 3 đứa, cứ mỗi tháng hai bên gặp nhau một lần để cho con cái thăm bố mẹ và anh chị em thăm nhau.

Thế nhưng vẫn không xuôi, lại cùng nhau ra tòa lần nữa, vì mấy lần gặp nhau cả hai vợ chồng vẫn có chuyện xích mích trong lúc con cái thì ríu rít vui vẻ. Tòa xử: "Từ đây ba tháng mới gặp nhau một lần".

Ðược một thời gian, gia đình câm ấy lại... dắt nhau ra toà! Vì vợ chồng vẫn tiếp tục sinh sự. Toà án phải đi đến một giải pháp sau hết: "Từ đây, con đi thăm mẹ và anh chị em thì bố đừng đi theo, mà con đi thăm bố và anh chị em thì mẹ phải ở nhà. Chừng ấy mới yên được!"

 

11. Mối tình sắt son

* Ðôi bạn đối với nhau, cũng như đối với con cái, sống tất cả tình yêu của Chúa Giêsu đối với mọi người. Ðôi bạn do đó tham dự và sống lại mầu nhiệm cứu chuộc. Ðôi bạn tập yêu thương cách phong phú, vô bờ bến, như Chúa Giêsu yêu họ và yêu mọi người (ÐHY 466).

* Tình yêu luôn luôn thao thức; không phải vì hoài nghi tình yêu của bạn mình, nhưng vì thấy mình có trách nhiệm tạo cho nhau những gì là mới mẻ, là cảm hứng, là biến đổi, có khi chính bạn cũng không hay biết. Chính nỗi thao thức ấy là một niềm vui (ÐHV 471).

Cuộc sống gia đình của một vị tướng lãnh nọ ở Philippine đang đầm ấm trôi qua trong bầu khí thánh thiện đạo đức, thì bỗng một hôm, bác sĩ chẩn mạch cho biết: bà mắc bệnh phung cùi, phải đưa vào trại cùi xa cách mọi người càng sớm càng tốt.

Thực là một tin sét đánh! Từ đây vợ chồng phải xa nhau sao? Quả thế, không mấy ngày sau, ông tướng buồn khổ đưa vợ vào trại bài phong; nhưng vì quá yêu vợ, ông nghĩ ra được một diệu kế: Tất cả nhà cửa, tiện nghi sang trọng ông đều giao cả cho con cái ở. Còn ông, ông thuê một căn nhà nhỏ ngay trước mặt trại cùi và đến sống ở đó. Ngày ngày, ban sáng, trước khi đi làm, ông ghé vào thăm vợ; chiều tối xong công việc, ông cũng ghé vào an ủi. Cả hai chia sẻ tâm tình lo âu, nhọc mệt cũng như vui sướng trong ngày cho nhau, báo tin về con cái, bạn bè, rồi cùng nhau đọc kinh cầu nguyện.

Lúc đầu không một ai biết rõ, nhưng dần dần người ta mới để ý, tìm hiểu và tỏ lòng cảm phục bàn tán với nhau: "Làm sao họ trung thành với nhau như thế! Làm sao ông tướng tài ba ấy lại quí vợ đến thế!"

Mười mấy năm trôi qua, bệnh bà đến lúc khỏi hẳn. Vị tướng sung sướng lái xe đưa vợ về nhà sum họp với con cái, bạn bè, để lại cho dân chúng xa gần một hình ảnh cao đẹp về mối tình hiệp nhất yêu thương trong Chúa.

 

12. Bà mẹ can đảm của 7 anh em nhà Macabê

* Canh tân gia đình để canh tân Hội Thánh (ÐHV 478).

* Sinh con cái không phải đáp lại nhu cầu nối tiếp giống nòi, nhưng là ước muốn tăng trưởng nhiệm thể; giáo dục con cái là huấn luyện những kẻ thờ phượng Ðức Chúa Cha cách trung thực. Khám phá và khâm phục ý định cao cả của Chúa về gia đình các con (ÐHV 491).

Dưới ách thống trị của các vua dòng dõi Sêlaukus Hy Lạp (198-143), dân Do Thái đã trải qua một cơn bách hại thật là khủng khiếp. Quan quân ngày đêm truy lùng những kẻ cắt bì cho con cái, hội họp ngày thứ Bảy; hoặc bắt ép một số người phải ăn thịt heo, trái với lề luật dạy. Ngày nọ, có một gia đình gồm: một mẹ với 7 người con đều bị bắt và bị cung bách phải ăn thịt heo. Lý hình tra tấn bằng đòn trượng và gân bò, nhưng họ vẫn một dạ trung thành không lay chuyển. Vua Antiôcho quá xung giận. Ông ra lệnh cắt lưỡi và lột da đầu người con cả rồi vất lên chảo; lần lượt người con thứ hai, thứ ba... cho đến người con thứ sáu đều chịu những cực hình như thế. Nhưng tất cả 6 anh em vẫn một mực trung thành với lề luật thánh cho đến hơi thở cuối cùng. Hôm ấy, những kẻ hiếu kỳ đến xem đều nghe được rõ ràng những lời tuyên bố vàng của họ: "Chúng tôi sẵn sàng chết chứ không trái phạm các Lề luật cổ truyền!", "Ðồ khốn kiếp, người cất mạng sống đời này của chúng ta, nhưng Vua vũ trụ sẽ cho chúng ta sống lại!", "Ông đừng có ảo tưởng... "

Còn người mẹ, bà thật là người thật đáng cảm phục, đáng được kính cẩn ghi nhớ. Một lòng cậy trông vào Chúa, bà đã can đảm chứng kiến 7 con cùng chết trong một ngày. Lòng đầy chí khí anh hùng, khí phách nam nhi, bà nói với các con bằng tiếng nói của Tổ tiên: "Mẹ không được biết làm sao chúng con đã xuất hiện trong dạ mẹ, vì không phải mẹ đã tặng chúng con sinh khí và sự sống, cũng không phải mẹ đã xếp đặt các yếu tố xây đắp mỗi đứa chúng con. Ấy vậy, Ðấng Tạo thành vũ trụ, Ðấng đã nắn đúc con người khi sinh ra và đã là nguồn gốc của tất cả mọi sự, người sẽ trả lại cho chúng con, trong lòng lân mẫn Người, sinh khí với sự sống, một khi chúng con đã không màng đến chính mình để bênh vực các Luật của Người".

Antiôcho tưởng cho mình bị nhạo báng và nghĩ đó là lời mạt sát ông. Với cậu bé nhất còn sống sót, chẳng những ông ra lời phủ dụ mà còn thề thốt cam đoan mình sẽ ban cho cậu của cải, làm cho cậu hạnh phúc, nếu cậu từ bỏ truyền thống của Tổ tiên, sẽ cho cậu nên thân hữu của mình và trao ban chức tước. Nhưng vì người thanh niên không thèm để ý tới, vua mới gọi bà mẹ lại và mời mọc bà hãy khuyên cậu bé hòng cứu lấy nó. Ông khẩn khoản mãi thì bà nhận việc khuyên con. Bà cúi xuống trên cậu và nhạo lừa bọn bạo chúa ác độc, bà nói thế này bằng tiếng tổ tiên:

- Con ơi, con hãy thương mẹ đấng cưu mang con 9 tháng và cho con bú mớm 3 năm, cũng đã nuôi nấng dẫn đưa con tới tuổi này và đã dưỡng dục con, mẹ xin con hãy ngước nhìn trời đất mà xem tất cả mọi vật trong đó, và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm ra chúng, không phải do vật chất gì đã có trước, và về loài người thì cũng như vậy! Ðừng sợ tên lý hình ấy, nhưng hãy ở sao cho xứng với các anh con và hãy chấp nhận chết, ngỏ hầu nhờ lòng thương xót của Chúa, mẹ được gặp lại con cùng các anh con".

Bà vừa dứt lời thì cậu thiếu niên nói: "Các ngươi còn đợi gì nữa? Ta không vâng theo lệnh truyền của vua, nhưng vâng nghe lệnh truyền của Lề luật đã được ban xuống cho tổ tiên chúng ta ngang qua Moisen. Còn ngươi là kẻ đã bày ra tất cả các trò độc ác này trên người Do Thái, ngươi sẽ không luột khỏi tay Thiên Chúa đâu. Vì nếu chúng ta có phải khổ, ấy là bởi tội lỗi chúng ta; nếu cốt để quở phạt và sửa dạy mà Chúa Hằng sống đã thịnh nộ chốc lát với chúng ta, thì Người sẽ lại nguôi giận làm hoà với các tôi tớ của Người. Còn ngươi, quân vô đạo, đồ khả ố hơn hết giữa mọi người hết thảy, ngươi đừng dương dương tự đắc một cách vô lối, phách tẩu với những hy vọng mờ ám mà giơ tay hành hạ các tôi tớ của Người! Vì ngươi không thoát được án của Thiên Chúa, Ðấng Toàn năng hết thảy mọi sự. Quả vậy, anh em của chúng ta sau khi đã chịu khổ hình vắn vỏi để được sống muôn đời, thì bây giờ đã được đặt dưới giao ước của Thiên Chúa, còn ngươi, do sự phán xét của Thiên Chúa, ngươi sẽ mang lấy án phạt công minh xứng với sự kiêu ngạo của ngươi. Phần ta, cũng như các anh ta, ta xin phó nộp xác hồn ta vì các luật lệ Tổ tiên, mà khẩn cầu Thiên Chúa, xin Người thương đến dân tộc chúng ta và dùng những thử thách tai họa mà đưa ngươi đến chỗ tuyên xưng rằng chỉ có Người là Thiên Chúa. Ta cũng chỉ xin sự thịnh nộ của Ðấng Toàn năng đã giáng xuống cách công bằng trên tất cả giống nòi ta, đến ta và các anh em ta thì dừng lại".

Tức uất người lên, vua đã xử với cậu một cách độc ác hơn là với các người khác, vì lấy làm đắng đót lời chế nhạo ấy. Vậy họ đã qua đời hoàn toàn trong sạch và đầy lòng tin cậy vào Chúa. Cuối cùng, sau các con, người mẹ cũng đã chết Tử Ðạo. (2 Mac 7,1-19; 20,41).

 

13. Tông đồ trong gia đình

* Phương tiện độc nhất để biến đổi tâm hồn bạn mình là chấp nhận bạn như thuở ban đầu, vì được yêu thương là điều kiện cần thiết để biến đổi (ÐHV 470).

* Chúa đã trao cho con một người bạn thân yêu, những đứa con xinh xắn, trong sáng để nâng đỡ nhau nên thánh. Con đã làm gì? (ÐHV 485).

Gia đình em Cécilia cư ngụ ở mạn Bắc Ý, trong một xóm lao động nghèo nàn. Từ sáng sớm, ba em là một công nhân phải đến sở làm việc và mãi tới 8, 9 giờ tối mới về tới nhà. Vì thế, chẳng mấy khi Cêcilia gặp được ba. Còn mẹ thì lo việc nội trợ và làm việc phụ để kiếm chút ít thêm vô ngân quỹ gia đình. Bà rất bác ái, đạo đức. Tuy kinh tế của gia đình chẳng sung túc bao nhiêu, nhưng có gì bà đều san sẻ ngay cho lối xóm. Ai đau ốm, bà biếu thuốc men; áo quần các kẻ rách, bà bỏ giờ khâu vá hộ; nhà nào có nhu cầu, bà đem hết khả năng giúp đỡ. Cả làng xóm ai cũng quý mến bà, tấm tắc khen bà là người hiền lành phúc hậu.

Em bé Cêcilia mới 6 tuổi đầu mà đi học cấp I. Em rất hãnh diện về mẹ và cảm thấy mình sống trong một gia đình hạnh phúc, được mẹ quý mến yêu thương.

Từ hai năm nay, ở trường học của giáo xứ, em Cêcilia được huấn luyện sống Lời Chúa, nhìn thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong những người bị áp bức, đau khổ. Em rất ngoan. Em thường hay chia sẻ kinh nghiệm sống với các bạn.

Một hôm thật bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt, một đứa bạn nói: "Này Cêcilia, mẹ mày thực tốt, nhưng khốn khổ vô cùng!"

- Sao thế?

- Mày đừng tưởng gia đình mày hạnh phúc, vì bố mày đêm nào về đến nhà cũng say sưa be bét. Ông đánh đập, chửi mắng mẹ mày, hàng xóm nhà nào cũng nghe, mày không tin thì cứ thử rình xem!

Câu nói đó như sét đánh vào tai Cêcilia... Bao nhiêu giấc mơ xinh đẹp về gia đình phút chốc tan tành sụp đổ. Tất cả hãnh diện trở thành tủi nhục. Quá xấu hổ với bạn, Cêcilia đành cúi mặt làm thinh.

Tối hôm ấy, mẹ Cêcilia cho em ăn cơm sớm để em có thời giờ học bài, rồi bà đưa em lên gác. Xong kinh tối, bà ôm hôn con, đắp chăn cho con rồi nhè nhẹ xuống nhà làm việc, đợi chồng về ăn cơm cùng một thể.

Nhưng đêm hôm ấy Cêcilia chẳng tài nào ngủ được, mà em cũng quyết không ngủ để xem câu chuyện các bạn nói hồi chiều có đúng không. Em cứ trằn trọc thao thức cho đến khi tiếng chuông gọi cửa vang lên. Cêcilia nghe rõ tiếng mẹ ra mở cửa. Vứt chăn cách mau lẹ, em rón rén bước nhẹ từng bước đi xuống thang gác, nép kỹ sau bức màn và hồi hộp theo dõi...

Một cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra trước mặt Cêcilia: Ba em đầu tóc rối bù, hơi thở sặc toàn mùi rượu. Ông ném mạnh mũ và áo xuống nền nhà; bà mẹ dịu dàng thu nhặt cất vào tủ, vui vẻ dọn bàn mời chồng ăn tối. Ðôi mắt đỏ ngầu, ông trợn trừng nhìn bà chê lui chê tới, rồi tuôn ra hằng loạt lời mắng chửi như điên. Bà mẹ cúi mặt làm thinh, vừa ăn vừa khóc. Lát sau, ông lùa nguyên cả mâm cơm xuống nền nhà, chén bát vỡ tan tành, đồ ăn chảy lênh láng... Cũng chưa vừa ý, ông còn tặng vợ những cú đá tàn nhẫn.

Sau bức màn, Cêcilia chết lịm. Em thầm thỉ: "Thôi đúng rồi, tụi bạn đâu có nói oan... cả lối xóm đều biết cả... Khốn nạn quá!"

Gượng mình đứng dậy, Cêcilia rón rén lên gác.

Hôm sau bi kịch ấy lại tái diễn trước mắt Cêcilia... Tuy thế sáng nào Cêcilia thấy mẹ cũng vui tươi, nén lòng lao mình vào công việc phục vụ đàn con nhỏ. Riêng Cêcilia thì tâm thần bấn loạn, lòng đã đau xót. Em suy nghĩ, cầu nguyện, nhớ lại Lời Chúa và thương mến mẹ vô cùng, thấy bà tuy đau khổ vì chồng, nhưng vẫn một mực thương yêu trọng kính. Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trong ba, trong mẹ, Cêcilia xác tín được điều đó. Em băn khoăn suy nghĩ hoài, nhưng chẳng biết làm sao. Cuối cùng Chúa soi sáng cho em một diệu kế rất hay.

Từ nay, tối nào Cêcilia cũng nằm thức chờ ba. Vừa nghe tiếng chuông, em liền ra cổng đón ba, cất áo mũ cho ba. Vừa kéo ghế cho ba ngồi, em quay sang giúp mẹ dọn bàn. Trong suốt bữa ăn, em cứ ngồi kề bên ba, ríu rít kể những chuyện vui ở trường, hỏi thăm ba công việc ở sở. Thoạt đầu ba em rất lấy làm lạ, càu nhàu khó chịu, nhưng dần dần cũng đành chịu thua con, thấy trong lòng vui vui... Nhiều lúc Cêcilia đứng giữa nhà hát cho ba nghe các bài hát ở trường em. Ông thích thú lắm. Bầu khí gia đình ngày càng nhẹ nhàng, dễ chịu. Mỗi lần ông bảo: "Cêcilia đi ngủ đi, để sớm mai còn dậy sớm đến trường", Cêcilia đều nũng nịu "Con thương ba nhọc mệt suốt ngày, con muốn ngồi mãi với ba". Tuy vẫn còn ngà ngà say, ông cũng lấy làm cảm động vì câu nói đơn sơ của con, đoạn choàng tay ôm hôn con một cách âu yếm.

Ba tháng trôi qua, bi kịch ngày xưa đã lui vào dĩ vãng. Một hôm như thường lệ, ba Cêcilia bảo: "Ði ngủ đi, mai con dậy sớm đến trường mà con!", Cêcilia âu yếm ôm choàng lấy ba và nói: "Ba ơi! ba biết tại sao con không đi ngủ không?" - "Ba chả biết! Con thức vớ vẩn gì cho hại sức khỏe" - "Không đâu ba ạ! Nếu ba má thương con, ba má cho phép con nói nhé! Mà đừng mắng con" - Ừ, nói đi ba má nghe thử".

Cêcilia đánh bạo thuật lại cách đơn sơ làm sao em đã bị xúc động và tủi nhục trước câu nói của một người bạn, rồi hằng đêm, sau bức màn che, em đã chứng kiến tất cả... Cêcilia thú thực là em thương ba má lắm. Em thấy Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong ba, trong má; vì thế em muốn mang Chúa đến cho ba má, yêu thương người đang bị bỏ rơi trong ba má... Nên mấy tháng nay, em đã thi hành diệu kế như trên... Càng nghe, hai ông bà càng cảm xúc. Họ mừng mừng, tủi tủi, không ngờ con bé khôn ngoan, đạo đức như vậy. Ba má Cêcilia ôm siết lấy con, nghẹn ngào nhìn nhau... Lát sau ba Cêcilia mới thốt lên lời: "Từ nay con phải đi ngủ sớm nghe không! Ba hứa với con: ba má sẽ hoà thuận, thương yêu nhau. Ba má cũng sẽ tìm hiểu và sống Lời Chúa như con. Ba má thương yêu con lắm!"

 

14. Cây thông đâu cần học giáo lý

* Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện, tập viện, chuẩn bị làm giáo sư có trường sư phạm, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? - Không có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân do cuộc phiêu lưu của các con? (ÐHV 463).

Câu chuyện sau đây xảy ra ở xứ Escles, miền Vosges nước Pháp, khoảng cuối thế kỷ XIX. Một hôm, cha xứ gặp một bà mẹ và bảo:

- Bà nhớ cho mấy cháu đi học giáo lý để chuẩn bị rước lễ vỡ lòng nghe!

- Cho hay không cũng chẳng quan hệ gì. Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía rừng thông. Cha xem! Cây thông đâu cần học giáo lý mà chúng vẫn tươi tốt và phát triển như thường đó!

- Ờ.. vậy con heo trong chuồng cũng thế phải không bà?

Sau đó một thời gian, vào năm 1910, cả xứ Escles xôn xao trước hung tin: cậu con trai của người đàn bà nói trên đã bóp cổ giết chết mẹ vì bà ta không đưa tiền cho nó đi tiêu xài, nhậu nhẹt... Màng lưới pháp luật đã tóm cổ nó và tuyên án tử sau đó mấy ngày.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page