Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
18- Trong Trắng
1. Ðóa hoa trinh khiết
* "Phúc cho ai trong trắng vì sẽ được thấy mặt Thiên Chúa." Không phải chỉ có tu sĩ, mà cả người đời cũng phải trong trắng theo đấng bậc mình. Sống trong trắng không phải bị ràng buộc, nhưng cần được tự do hơn (ÐHV 425).
* Bao nhiêu tâm hồn giáo dân trong trắng gương mẫu giữa trần gian. Tâm hồn tận hiến của con phải cảm phục, phấn khởi và vươn cao hơn nữa. (ÐHV 433).
Thánh Nữ Maria Goretti sinh năm 1890 tại miền Pontins, gần bờ biển, cách thành Roma khoảng 25 cây số. Thuở còn nhi nữ, thánh nhân đã là cô gái nhan sắc mặn mà khiến Alexandre, một thanh niên cùng làm việc trong nông trại với ngài, đã dùng lời đường mật dụ dỗ. Thánh nữ cương quyết chống lại và bảo: "Anh Alexandre, đừng, đừng làm thế, Chúa không muốn anh xuống hỏa ngục đâu". Và lần khác, thánh nữ đã nói cách dịu dàng với anh ta: "Không, anh Alexandre, Chúa không muốn chúng ta làm điều đó!" Nhưng chàng trai ấy quá say mê nhan sắc của ngài; vì thế, lúc Goretti mới 13 tuổi đầu, vào ngày 5.7.1902, lợi dụng lúc cả nhà đi làm xa, Alexandre đã dùng võ lực cưỡng bách Goretti. Ngài chống cự mãnh liệt, nhưng vì sức yếu nên cuối cùng phải khuất phục. Và sau đó, vì sợ bị tố cáo, Alexandre đã đâm chết Thánh Nữ. Sáng hôm sau, ngày 6.7.1902, trước khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nettunô, Thánh nữ Goretti đã thều thào: "Vì tình yêu Chúa Kitô, tôi sẵn sàng tha thứ cho anh Alexandre, và muốn anh cũng được vào Thiên đàng với tôi".
Năm Thánh 1950, Ðức Piô XII đã phong Thánh cho Maria Goretti trước sự hiện diện của bà mẹ già yêu dấu và bên cạnh bà, có cả... anh Alexandre, lúc ấy đã vào dòng tu!.
2. Ðôi mắt xanh của chị nữ tu
* Có nhiều thiên thần trong trắng mà lại là ma quỷ của ghen ghét. Vô phúc cho cộng đoàn nào gặp loại thiên thần ấy (ÐHV 426).
* Cha đã gặp nhiều người, thuộc nhiều giới, ở nhiều nước khác nhau, sống độc thân hạnh phúc giữa đời. Bí quyết của họ: "Sống cầu nguyện." (ÐHV 435).
* Giá trị của thân xác con: - Mua chuộc bằng Máu Thánh Chúa, - Làm đền thờ Chúa Ba Ngôi, - Sẽ vinh hiển muôn đời. Ðừng đem bán "xôn"! (ÐHV 450).
* Xem thường không giữ ngũ quan là mở cửa cho địch vào thành. David thắng Goliath khổng lồ nhưng không thắng được mắt mình (ÐHV 455).
Trên khắp các nước, thế chiến đã bùng nổ. Quân Phátxít chiếm cứ khắp nơi. Một viên tướng Phátxít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp. Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phátxít lập tức vào đề:
- Xin bà cho tôi gặp chị Maria. Bà Bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra. Ông tướng vui vẻ hẳn lên và nói cách sổ sàng: "Tôi yêu cầu bà trao ngay cho tôi chị này, tôi say mê chị". Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng; chị Maria vội đỡ lời: "Tôi là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông say mê. Xin ông tìm ở ngoài thế gian, lắm người nhan sắc lộng lẫy... "
- Không! không! Tôi yêu chị vì chị có con mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi say mê quá!
- Không! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.
- Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh tiêu diệt cả nhà dòng này!
Một bầu khí thinh lặng ghê rợn ập xuống phòng khách. Ông tướng đứng lên và bảo: "Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát: nếu không, tôi sẽ..."
Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyện sốt sắng hơn. Thâu đêm chị không thể nào chợp mắt: "Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt? Không, không thể được! Hay tôi phải bỏ Nhà Dòng, bỏ Tình yêu Chúa Kitô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế!"
Sáng hôm sau, khi chị em còn nguyện kinh, ông tướng Phátxít đã có mặt ở phòng khách, đôi mắt hau háu, nôn nóng, sốt ruột.
Từ đầu hành lang, Chị Maria đang tiến lại, nhưng... bên cạnh lại có một người khác dẫn đi, tay chị cầm một cái dĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Chị đã bước vào phòng khách, nhưng ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Maria khuôn mặt đầy máu me, đang sờ soạng đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ trình bày: "Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi... nên tôi xin sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy... trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa".
Viên tướng Phátxít vừa bàng hoàng kinh ngạc vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và không đá động gì đến nhà dòng nữa.
3. Tội lỗi xông mùi
* Chúa chỉ ban sự trong trắng cho linh hồn khiêm nhượng. Con hãy cầu xin hàng ngày với tâm hồn đơn sơ chân thành, thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của con (ÐHV 427).
* Muốn trong trắng, con phải hy sinh; cành huệ trắng tinh, cành mai thơm tho, cành đào xinh đẹp, vì nó đâm rễ sâu vào lòng đất, vì nó cầm cự với mưa bão, vì nó chịu những bàn tay cắt tỉa (ÐHV 431).
* Nhiều thanh niên cười ngạo nghễ mỉa mai, cho là chuyện hoang đường của thời thượng cổ, nếu ai đề cập đến vấn đề sống trong trắng. Nhưng đến phiên họ, họ chọn người bạn trong trắng, họ đánh ghen, họ tự vẫn khi gặp người bạn đồi trụy (ÐHV 434).
* Bại một trận không phải là thua cả cuộc chiến. Chúa muốn dùng mọi sự để làm nên sự lành, kể cả tội lỗi (ÐHV 457).
Gioan Boscô và Philipphê Nêri là hai vị Thánh sống đời trinh khiết lạ thường. Hai ngài còn có lòng yêu mến giới trẻ cách đặc biệt. Các vị hoà mình với các thanh thiếu niên, vui vẻ nô đùa với họ, ăn uống với họ, cầu nguyện với họ và yêu mến họ.
Với sự hiện diện đầy thương yêu ấy các ngài muốn phải làm sao cho họ không thể phạm tội được. Nhưng tuổi thanh niên nhiều yếu đuối làm sao khỏi vấp ngã. Nên Thiên Chúa đã ban cho các ngài một đặc ân là hễ gặp linh hồn nào còn mắc tội trọng, các ngài liền cảm thấy một mùi thối tha ghê tởm xông lên, khiến các cậu thanh niên không thể giấu giếm với các ngài một tội nào!
Sau kỳ nghỉ hè, thanh thiếu niên lại tựu trường và đang nô đùa vui vẻ giữa sân. Thánh Gioan Boscô đi đến với chúng, tươi cười thăm hỏi... Nhưng hễ đứa nào mắc tội trọng chưa xưng thì phải chạy trốn ngay vì sợ ngài ngửi được mùi hôi thối. Hơn thế nữa, chúng còn phải lấy khăn che mặt lại vì không thể chịu được cặp mắt của thánh nhân. Ngài nhìn ai như thấu suốt cả tâm hồn.
4. Thánh Giêrônimô chống với ma quỉ
* Người kiêu ngạo trước sau cũng sa ngã nặng. Họ cậy vào sức riêng mình, không dựa vào Chúa (ÐHV 428).
* Ma quỷ có thể đuổi được, thế gian có thể tránh xa được. Xác thịt con mang theo mãi đến chết (ÐHV 430).
* Con đừng bảo: "Nước không dập tắt được lửa!" - Chỉ vì nước ít lửa nhiều thôi (ÐHV 438).
* Xác thịt là đặc công nằm sẵn trong con, sách báo, phim ảnh, bè bạn xấu là những khí giới ngày càng tối tân hơn. Nếu con không hiện đại hóa khí giới của con: cầu nguyện, bí tích, hy sinh..., nếu con không tỉnh thức canh phòng, nếu con không dẹp ngay mọi mầm mống nổi loạn, nếu con nuôi dưỡng đặc công, nếu bỏ các đồng minh là các thánh, là bạn tốt, con sẽ bị tấn công vũ bão và thảm bại (ÐHV 439).
* Không trong trắng, việc tông đồ không bảo đảm: "Kho tàng con ở đâu, lòng con ở đó." (ÐHV 442).
* Thần ô uế chỉ sợ ăn chay và cầu nguyện. Con đã làm chưa? (ÐHV 452).
Thánh Giêrônimô sinh năm 340 tại Stridon miền Dalmitie, nước Nam Tư. Ngài là một Ðấng thông minh đạo đức, đã được Ðức Thánh Cha Ðamasô trao cho sứ mệnh dịch toàn bộ Kinh Thánh sang La ngữ. Bản dịch này vẫn còn dùng trong Phụng vụ Giáo Hội: Ðó là bản dịch Phổ thông (Vulgata). Ngài đã sang Thánh Ðịa, vào trong hang Bêlem để ẩn thân cầu nguyện và phiên dịch Kinh Thánh. Thế mà theo lời ngài thuật lại, có những lúc ma quỷ, xác thịt cám dỗ ngài hết sức nặng nề! Chúng làm ngài nhớ lại những quang cảnh xa hoa trụy lạc, những bạn bè xấu nết dâm đảng ngày trước ở thủ đô Roma. Ðể chống lại ma quỉ cám dỗ, ngài đã chay kiêng hãm mình và cầm đá đấm vào ngực. Với ơn Chúa và ý chí mình, ngài đã chiến thắng. Ðức Bonifaciô VII suy tôn ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài mất năm 420.
5. Thánh không ai ngờ
* Mađalêna đã chỗi dậy và nên thánh, chừng nào con mới quyết định? (ÐHV 437).
* Ăn uống nhậu nhẹt vô độ là mở cửa cho quỷ dâm dục (ÐHV 440).
* Các thánh cũng yếu đuối như con, có vị yếu đuối hơn con nữa, có thế mới có công nghiệp, mới làm thánh. Họ chỉ khác con là họ quyết tâm (ÐHV 448).
* Ðừng bao giờ khinh anh em con, nếu đứng vững đến hôm nay là ơn Chúa, xem chừng kẻo ngày mai con ngã nặng hơn! (ÐHV 454).
Với quyết tâm theo Chúa Giêsu, sống cuộc đời như Chúa Giêsu, cha Charles de Foucauld đã sang bên Thánh địa, vào Dòng Khổ tu Xitô, chịu chức linh mục và làm những việc rất hèn hạ trong nhà, để nên giống Chúa. Tuy thế, ngài vẫn chưa thỏa mãn. Sau đó ít lâu, ngài lại xin phép sang Sa mạc Sahara, cư ngụ trong vùng Touareg, để sống cùng thổ dân Berbères, suốt ngày chầu Thánh Thể, viết sách, làm việc bác ái và rao giảng Tin Mừng cho họ. Cuộc sống của ngài là một cuộc sống khó nghèo, trơ trụi và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể cách kỳ diệu.
Nhưng nếu ngược dòng lịch sử cuộc đời của ngài, ta thấy tuổi thanh niên của ngài thực xa hoa. Vào trường võ bị Saint-Cyr, Charles de Foucauld là một sinh viên rất thông minh nhưng vô kỷ luật. Mê tán gái và thích ăn nhậu. Có hôm anh rủ bạn bè trốn học cùng nhau đi dạo phố. Ðể cải trang anh mang bộ râu mép giả. Giữa bữa ăn vui vẻ trong tiệm, bỗng bộ râu của Charles rơi xuống! Thật là rủi ro! Ông chủ tiệm sinh nghi bèn gọi báo cảnh sát. Cảnh sát ập tới, kiểm soát giấy tờ thì ố hô..., toàn là những anh sinh viên sĩ quan phạm kỷ luật! Họ chở về trường và cho nghỉ vài hôm trong khám! Tình nhân của Charles thì hàng tá. Vài cô lại có con với anh. Ðến lúc ra trường sĩ quan để nhập đoàn thám hiểm sa mạc Sahara, Charles de Foucauld vẫn tỏ ra vô kỷ luật vì thế việc thăng quan tiến chức của anh thật chậm chạp.
Một hôm được ơn Chúa đánh động mạnh mẽ, anh rời bỏ binh nghiệp và dâng mình cho Chúa. Nghe nói thế, cả gia đình chẳng một ai tin, còn phì cười nữa. Thế nhưng, với sự quyết tâm dũng cảm và ơn Chúa dạt dào, Charles Foucauld đã nên một vị thánh thời danh, được nhiều người thời đại ta tôn sùng, yêu mến.
Cũng như Augustinô, Charles de Foucauld thật là một vị thánh không ai ngờ.
6. Lời cầu nguyện của một linh mục
* Quả tim của con không phải bằng đá. Quả tim của con quý báu vì nó bằng thịt, vì nó biết yêu thương. Hãy can đảm cầm thánh giá cả hai tay và cắm vào đó (ÐHV 445).
* Xác thịt luôn luôn mỏng dòn, dù mặc áo gì, dưới lớp áo vẫn là xác thịt (ÐHV 449).
* Tôi không muốn biết, muốn nhớ quá khứ của anh em tôi. Tôi chỉ muốn biết hiện tại của anh em để thương nhau, để nâng đỡ nhau, và tương lai để tin nhau, để khuyến khích nhau (ÐHV 458).
Cha Michel Quoist là một linh mục thánh thiện đã viết rất nhiều sách báo giúp các linh hồn, trong số đó có cuốn "Prières" mà lắm người quen thuộc. Riêng trong bản Pháp ngữ, tác phẩm ấy đã in tới 350.000 cuốn. Gần đây, nó đã được dịch sang Việt ngữ dưới một nhan đề rất thi vị "Lời kinh thắp sáng cuộc đời".
Bài "Lời cầu nguyện của một linh mục chiều chúa nhật" trong tác phẩm ấy nói lên tất cả tâm hồn ngài, tâm hồn nhiều anh em linh mục, với sự yếu đuối lẫn sự cao cả của một cuộc đời hiến dâng. Có thể nói đây là lời kinh diễn tả một cuộc đấu tranh, một đời quyết chiến:
"Lạy Chúa, chiều nay một mình con trơ trụi. Những tiếng đồng hồ trong nhà thờ lịm tắt dần. Những người đi chầu đi lễ đã ra hết rồi. Và con cũng lủi thủi trở về nhà xứ, một thân một bóng.
"Con đã gặp những kẻ đi dạo chơi về. Con đã đi ngang qua rạp hát vừa lúc đám đông đổ xô ra. Con đi dọc thềm các quán cà-phê ở đó có nhiều người đi dạo, dáng vẻ đã mệt mỏi, đang ngượng ngạo kéo dài cuộc vui của ngày chúa nhật. Con đụng phải những đứa trẻ đang đi chơi trên vỉa hè. Những đứa trẻ, lạy Chúa, những đứa trẻ của người khác, chứ không bao giờ là của con.
"Lạy Chúa, này con đây. Một bóng một thân. Yên lặng làm con ngạt thở. Cô đơn làm con bực nhọc. Lạy Chúa, năm nay con được 35 tuổi... với một thân thể như bao người khác, với những bàn tay chắc chắn để làm việc, với một quả tim được dành để yêu đương. Nhưng con đã hiến dâng tất cả cho Chúa, vì thật ra Chúa đang cần những cái đó. Con đã hiến dâng tất cả cho Chúa...Nhưng Chúa ơi, dâng như vậy thật là đau khổ.
"Thật là đau khổ khi con phải dâng thân xác cho Chúa: vì thân xác đó cũng tận hiến cho một người khác. Thật là đau khổ khi con phải yêu mọi người mà không được giữ lại riêng ai. Thật là đau khổ khi con bắt một bàn tay mà không được muốn cầm giữ lại. Thật là đau khổ khi con vừa gây được một tình cảm, đã phải vội dâng ngay cho Chúa. Thật là đau khổ khi con không cho mình chút nào, mà phải hoàn toàn sống cho tha nhân. Thật là đau khổ khi con phải sống như những người khác, giữa những người khác, mà phải là một người khác. Thật là đau khổ khi con phải luôn luôn ban phát mà không được tìm cách nhận lãnh. Thật là đau khổ khi con phải đến với những người khác mà chẳng hề có một kẻ tìm đến với con. Thật là đau khổ khi con phải đớn đau vì tội lỗi của tha nhân, nhưng lại không có quyền từ chối nhận lãnh và gánh chịu chung. Thật là đau khổ khi con biết những kín nhiệm mà không được thố lộ cho ai. Thật là đau khổ khi suốt đời con phải luôn luôn lôi kéo tha nhân mà không để một ai kéo lôi, dù chỉ trong chốc lát. Thật là đau khổ khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối còn chính mình lại không thể nương tựa vào một kẻ mạnh hơn. Thật là đau khổ vì phải cô đơn, cô đơn trước mọi người, trước cái chết, trước tội lỗi.
* * *
"Này con, con không cô đơn. Ta đang ở với con. Ta là con. Vì Ta cần một nhân tình thứ hai để tiếp tục mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Từ muôn thuở Ta đã chọn con. Ta cần đến con.
"Ta cần đến tay con để tiếp tục chúc phúc. Ta cần đến môi con để tiếp tục rao giảng. Ta cần đến thân con để tiếp tục đau khổ. Ta cần đến tim con để tiếp tục yêu thương. Ta cần đến con để tiếp tục cứu độ. Con ơi, hãy ở lại với Ta.
* * *
"Lạy Chúa, này con đây. Này thân xác con đây. Này trái tim con đây. Này linh hồn con đây.
"Xin cho con được cao thượng đủ để vượt lên khỏi thế gian. Xin cho con được mạnh mẽ đủ để nâng đỡ thế gian. Xin cho con trong sạch đủ để ôm ấp thế gian vào lòng mà không hề muốn giữ lại nó. Xin cho con trở nên một nơi gặp gỡ tạm thời thôi. Xin cho con trở nên một con đường không dừng lại ở bản thân, bởi vì nó có thể tiếp nhận một ai, chỉ là để dẫn đưa họ về cùng Chúa.
"Lạy Chúa, chiều nay, khi vạn vật đều im tiếng, và khi trái tim con cảm thấy đau nhói vì cô quạnh. Khi ai nấy đang ngấu nghiến tâm hồn con, mà con lại bất lực không thể làm họ thỏa mãn. Khi bao nhiêu khốn nạn về tội lỗi của thế gian là cả một khối nặng đang đè trên vai con. Thì con nói lại với Chúa tiếng "Xin Vâng", không phải một trong tiếng cười vang, nhưng là chầm chậm, khiêm tốn, sáng suốt, một mình trước mặt Chúa, giữa cảnh chiều tà êm ả".
7. Con là đại thánh
* Một khi đã chỗi dậy, hãy cầm khí giới và quyết liệt tác chiến, ban chiêu hồi của quỷ dâm ô khéo lắm! (ÐHV 456).
Một giáo dân nọ đến xưng tội với Thánh Phanxicô Salêsiô. Anh ta phạm quá nhiều tội trọng nên phải cố gắng hết sức mới xưng đủ mọi tội lỗi. Sau khi lãnh lời tha thứ, ông nói: "Con cám ơn Ðức Cha, bây giờ Ðức Cha nghĩ thế nào về con?"
- Con là một vị đại thánh, vì hồn con trong trắng và được cả Thiên đàng mến yêu.
8. Một phương pháp hay
* Ban thông tin của quỷ dâm ô hấp dẫn lắm, luật sư của xác thịt biện hộ ráo riết lắm. Ðừng đối thoại với nó, hãy biết sau chốc lát hưởng lạc, con sẽ cảm thấy chán ngấy, cắn rứt và cô đơn: Con đổi thiên đàng lấy hỏa ngục sao? (ÐHV 451).
* Càng sống trong trắng, chí khí càng vững, vì đã được rèn luyện qua nhiều trận anh dũng (ÐHV 459).
Lạy Chúa, con muốn sửa mình lắm, nhưng sửa hoài chẳng được. Cơn cám dỗ mạnh quá. Mạnh hơn con nhiều cha ạ!
Thánh Philipphê Nêri nhìn chàng thanh niên thiện chí và dịu dàng khuyên bảo:
- Hãy can đảm lên, cha đề nghi với con hai điều thôi: mỗi ngày con hãy đọc một kinh "Lạy Nữ Vương" và suy niệm đến cái chết; con hãy cố tưởng tượng xác con nằm dưới lòng đất, đôi mắt thối rữa ra, thân mình thì hôi hám, miệng đầy giòi bọ...Rồi con hãy tự nhủ: vì những thú vui xác thịt mà tôi ra như thế và mất nước Thiên đàng!
Chàng thanh niên nghe lời khuyên của vị Thánh, ngày nào cũng cầu nguyện với Mẹ các kẻ đồng trinh và suy niệm về cái chết. Với sức phấn đấu và ơn Chúa, chàng giữ được lòng trong trắng cho đến hơi thở cuối cùng.
9. Vấn đề độc thân của các linh mục
Nhiều lần chúng tôi đã nghe đề cập đến vấn đề sống độc thân của các linh mục. Ðối với giáo dân Việt Nam và đại đa số giáo dân trên thế giới thì đó là điều được mọi người tự nhiên chấp nhận và đòi hỏi: Người tận hiến cho Chúa thì phải dâng tất cả cuộc đời để làm chứng nhân tình yêu vô hạn của Chúa, và để đủ điều kiện phục vụ dân Chúa cách tích cực, hữu hiệu hơn.
Trước tiên cần xác định như sau: Sống độc thân không chỉ có giá trị thuần siêu nhiên, mà cả trong địa hạt nhân bản nữa. Người sống độc thân không trực tiếp nhằm đến việc từ chối hôn nhân, nhưng coi độc thân là điều kiện để quy hướng con tim về một đích điểm khác hẳn một thiếu nữ, tức là Nước Thiên Chúa. Họ tìm thực hiện bản ngã, và điều ấy làm họ vui sướng, thỏa mãn con tim trong Chúa Kitô. Một thái độ rất "người" với một nguyên do siêu việt! Khi nói rằng đời độc thân thánh hiến là dấu chỉ cuộc sống vĩnh cửu, điều ấy không ám chỉ đến một sự trốn thoát cuộc sống hiện tại. Vì cuộc sống vĩnh cửu, chính là Nước Thiên Chúa, là sự hiện diện của hồng ân Thiên Chúa ngay trong đời sống hiện tại, một sự hiện diện thúc đẩy con người mong ước hiến trọn tình yêu.
Ðộc thân và hôn nhân là hai tiếng gọi, hai ngã đường khác nhau để thực hiện lời mời gọi của Chúa Kitô: "Hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo". Nhưng sở dĩ truyền thống vẫn cho bậc độc thân thánh hiến là cao trổi hơn bậc sống đôi bạn, là vì truyền thống không xét đến phương diện cá nhân: mỗi người đều hoàn hảo nếu thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa Kitô, nhưng xét đến bình diện thực hiện cuộc sống vĩnh cửu, mà cuộc sống vĩnh cửu giá trị hơn cuộc sống trần gian rất mực. Do đó sứ mạng của đời sống độc thân là ôm trọn đời sống vĩnh cửu và đem tỏ lộ cho trần gian.
Ðời sống độc thân có ý nghĩa và sứ mệnh tuyệt vời như thế, nhưng cũng không thiếu những tranh luận, chống đối xảy ra trong lòng Hội Thánh, nhất là trong thời đại hậu Công đồng Vatican II và sau ngày Thông điệp "Sacerdotalis coelibatus" của Ðức Phao lô VI (24.6.1967) ra mắt. Nhiều linh mục đã bỏ ra đi. Nhiều giáo dân lên tiếng đề nghị: "Cứ làm như bên giáo hội Tin lành và giáo hội Chính thống: chấp nhận cho Mục sư và linh mục của họ được tự do sống độc thân hay lập gia đình. Như thế có phải là đơn giản hơn không!"
Thay vì tranh biện với kiểu luận lý sơ sài như trên, ta hãy nghe đôi lời tâm sự của các bậc có uy tín trong vấn đề độc thân nói lên kinh nghiệm của họ.
Mục sư Jungmann nói: "Qúy vị đừng có chỉ nghĩ Giáo Hội Công giáo của quý vị gặp khủng hoảng. Bên Tin lành chúng tôi còn gặp khủng hoảng hơn bên quý vị rất nhiều!"
Trong một cuộc họp mặt giữa các Linh mục Công giáo và các Mục sư Tin lành, một Mục sư đã nói cảm tưởng của mình về đời sống độc thân như sau: "Tôi bắt đầu hiểu giá trị đời sống độc thân trong Giáo Hội Công giáo. Tôi cảm thấy các cha là anh em với nhau và tạo nên một gia đình thực sự. Chúng tôi không thể nói như thế đối với chúng tôi... Nếu một Mục sư nào đó thành công, tôi không sung sướng gì, nếu một Mục sư nào đó đau khổ, tôi không đau khổ với họ... Giữa chúng tôi không có bầu khí gia đình, họa chăng chỉ có giữa vợ chồng chúng tôi thôi!"
Dịp Thượng Hội Ðồng Giám mục năm 1971, trong đó hai vấn đề chính là thừa tác vụ của linh mục và công bình trên thế giới, Ðức Tổng Giám mục Công giáo ở Beyrouth (Liban) đã tâm sự những lời sau đây: "Các Ðức Cha hãy cố giữ lấy kho tàng quý báu của Giáo Hội La tinh, tức là luật độc thân linh mục. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm nhiều trong vấn đề này, vì giáo phận tôi, giáo phận theo nghi thức Ðông phương, có những linh mục độc thân và những linh mục lập gia đình. Lắm vấn đề phức tạp mà quý vị không thể tưởng tượng được!"
Các giáo phận Công giáo chúng tôi, cũng như bên Chính thống, luôn luôn ở Toà Giám mục mấy cha độc thân để dự phòng sau này làm Giám mục kế vị chúng tôi, vì Giáo luật đòi buộc các Giám mục phải độc thân, không có gia đình.
Lại còn phức tạp do luật buộc linh mục chỉ được kết hôn một lần trước khi chịu chức thánh; có những trường hợp linh mục mới 30 tuổi, 35 tuổi mà đã goá vợ, tay bồng tay bế, lũ con nheo nhóc không ai nuôi dưỡng. Thực là nan giải!
Ðối với các giáo phận có một linh mục qua đời để lại một gia đình neo đơn, con thơ vợ dại thì thực là một gánh nặng tài chánh rắc rối. Bên Giáo Hội La tinh, một linh mục chết rồi chẳng phải giải quyết gì cho gia đình cả!
Trong lãnh vực mục vụ càng phức tạp hơn: mặc dù tập quán linh mục đã có từ xưa truyền lại, giáo dân vẫn quí mến linh mục độc thân hơn: các ngài có ở xa hoặc đi đến đâu, họ cũng tìm cách gặp gỡ để xin lễ, xưng tội.
Linh mục có gia đình chỉ phục vụ trọn vẹn trong ngày chúa nhật, còn những ngày khác thì đi làm ăn để chu cấp cho gia đình. Như thế làm sao tiếp xúc được với đồng đạo giáo dân?
Thuyên chuyển một linh mục có gia đình thật là một vấn đề khó khăn. Ðược lệnh ông sẽ bảo: con sẵn sàng đi nhưng nhà con đang mắc làm việc ở công sở kia, các cháu lại đang theo học ở trường nọ, gia đình con không nhất trí đến địa phương ấy!" - Lắm lúc vị linh mục ấy thì tốt, nhưng bà vợ hoặc con cái chưa nói là xấu, chỉ nói là giáo dân không có thiện cảm, thì cũng đủ để họ ghét luôn ông linh mục, rồi dần xa việc đạo; trường hợp xảy ra sự thù hằn thì họ mất đức tin luôn! Mà nếu thuyên chuyển vị linh mục ấy không được thì cha truyền con nối, tiếp tục giữ nhà xứ thế hệ này sang thế hệ khác, làm sao giáo xứ phải chịu sự áp bức của một gia đình, nên đời sống đạo hạnh sa sút không thể tưởng.