Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


17- Thanh Bần

 

1. Người nghèo trong giấc mơ

* Nghèo hèn, nghèo khó, nghèo khổ, nghèo cực. Nếu có tinh thần thanh bần, hãy chấp nhận những hậu quả của nghèo nàn giữa xã hội (ÐHV 413).

* Có như không có, bán như không bán, mua như không mua, như không có gì cả, mà làm chủ tất cả, không đòi hỏi gì cả, sẵn sàng cho tất cả. Ðó là tinh thần thanh bần (ÐHV 421).

Ðầu thế kỷ XIII, Chúa gởi đến cho nhân loại một vì sao rạng sáng đức hy sinh, trong Phúc Âm triệt để, hăng hái loan truyền sự thật và đặc biệt là sống nghèo khó. Vì sao ấy là Phanxicô Assisiô, nước Ý.

Sau những năm bôn ba truyền giáo khắp nơi, lắm kẻ đã đi theo ngài. Nên ngài đã soạn thảo và đệ trình lên Toà Thánh bản Hiến pháp của một dòng mới mang tên: "Dòng Anh em hèn mọn". Khi nghiên cứu bản Hiến pháp, Toà Thánh đã quyết định không thừa nhận, bởi cho đó là điều không thể thực hiện được. Vì căn cứ vào truyền thống, các dòng đều có cơ sở, động sản, bất động sản... thì mới bảo đảm được tương lai.

Phanxicô lang thang quanh quẩn ở Roma nhiều ngày cho đến một hôm, ngài được Ðức Thánh Cha Innocentê III cho vào triều yết. Thánh nhân sụp lạy Ðức Thánh Cha và nói: "Xin Ðức Thánh Cha phê chuẩn luật Dòng Anh em hèn mọn của chúng con. Nếu bảo rằng luật ấy không thể giữ nổi, thì sao trong Phúc Âm Chúa lại dạy: Hãy bỏ mọi sự mà theo Thầy. Không thể sống Phúc Âm một cách triệt để được sao?" Ðức Thánh Cha hiền từ chúc lành cho Phanxicô và hứa sẽ tận tình giúp đỡ. Ðêm ấy Chúa cho Ðức Thánh Cha nằm mộng thấy Ðền thờ Latêranô (là đầu và là mẹ của các đền thờ) ngã nghiêng sụp đổ thì kìa, có một người gầy ốm, ăn mặc khó khăn rách rưới chạy đến kề vai nâng dậy. Ðức Thánh Cha nhìn kỹ thì rõ ràng người ấy là Phanxicô! Mấy ngày sau, ngài triệu tập Hội đồng Hồng Y và phê chuẩn bản luật của các Anh em hèn mọn. Ngài giải thích: "Chúa cho Cha hiểu qua giấc mơ ấy là Hội Thánh Chúa đang phải lâm nguy vì xa hoa vật chất, nên phải có những kẻ sống tinh thần nghèo khó Phúc Âm mới chống đỡ toà nhà Hội Thánh đứng vững được".

 

2. Các chị em Tiểu Muội

* "Nghèo trong con ở, nghèo trong áo con mặc, nghèo trong đồ con ăn, nghèo trong đồ con dùng, nghèo trong việc con làm" (Cha Chevrier) (ÐHV 408).

* Thế gian không thấy con vâng phục, thế gian không biết con trinh khiết, nhưng thế gian dễ nhận ra con là chứng nhân thanh bần (ÐHV 418).

Họ là ai? Thưa là những đồ đệ trung tín, những đứa con tinh thần của Cha Charles de Foucauld, người đã sống hãm mình cầu nguyện và chầu Thánh Thể giữa sa mạc Sahara mà trước khi chết đã để lại di chúc: "Tôi ước ao được chôn ngay tại chỗ tôi lìa đời, và an nghỉ nơi đây cho đến tận thế. Cấm không ai được dời hài cốt tôi khỏi nơi mà Thiên Chúa nhân lành đã cho tôi hoàn tất cuộc hành hương trên cõi trần thế. Không quan tài, không cần xây hầm mộ, chỉ cần dựng trên nấm mồ đơn sơ một thánh giá gỗ".

Khắp trên thế giới, các chị em Tiểu Muội đều sống tinh thần nghèo khó Phúc Âm như Cha Charles de Foucauld đã thể hiện, dưới những túp lều tranh, trong những xóm bình dân lầy lội, hay trên những con thuyền chật hẹp. Ðâu đâu chị em cũng tìm được hạnh phúc vì có Chúa Giêsu Thánh Thể ở cùng.

Trong Thủ bản của các chị em có ghi thế này: "Chúng ta yêu quý cách riêng những kẻ mọn hèn khốn khổ, vì biết rằng yêu thương giúp đỡ kẻ nhỏ hèn trong hàng ngũ con cái loài người là yêu thương giúp đỡ chính mình Chúa. Chúng ta sẽ đem lòng tôn trọng và bác ái mà nồng hậu tiếp đón họ, chú ý đối đãi hết sức nhã nhặn với họ là những phần chi thể đau yếu của Chúa Giêsu.

"Chúng ta chia sẻ đời sống với kẻ nghèo, cùng ở một nhà như họ, cùng ăn những thức ăn như họ, cùng mặc một thứ quần áo mà chúng ta sẽ vá mạng cho đến khi không thể dùng được nữa. Mỗi khi đi đâu, nếu có thể được chúng ta sẽ đi hạng chót, hạng của người nghèo. Ở bệnh viện xin cấp dưỡng như người nghèo, và khi chết, xin chôn cất như một người nghèo...

"Như Chúa Giêsu đã tự ý trở nên kẻ rốt hèn và làm đầy tớ mọi người, chúng ta cũng không để các kẻ khác hầu hạ, nhưng luôn luôn chọn những công việc thấp hèn và khó nhọc hơn hết.

"Ở trong nhóm chúng ta, ai nấy đều cùng mong muốn ở dưới kẻ khác: yêu thích chỗ rốt cùng, vui lòng nhận lấy mọi điều xỉ nhục, không tìm cách chữa lỗi, mặc dù mình bị trách oan, trừ ra khi danh dự của Chúa hay đức bác ái có thể vì đó mà bị tổn hại...

"Khiêm tốn trong tư tưởng, lời nói, việc làm; khiêm tốn với kẻ nhỏ hèn cũng như với kẻ quyền thế. Khiêm tốn khi thành công cũng như lúc thất bại, khi được khen lao cũng như khi bị lăng mạ. Luôn giữ thái độ hiền lành, dễ dàng dung thứ, và đầy khoan hồng đối với kẻ khác".

 

3. Kho tàng Hội Thánh

* Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng (ÐHV 414).

* "Hội thánh của người nghèo", không phải để làm cho dân chúng nghèo mãi, nhưng với nỗ lực thăng tiến cuộc đời của dân chúng về mọi phương diện (ÐHV 420).

Thánh Lorensô Phó tế, phụ tá của Ðức Giáo Hoàng Sixtô, là một người suốt đời tận tụy giảng dạy, lo lắng cho giáo dân Roma trong cơn cấm cách và đặc biệt thương yêu những người nghèo khổ. Ngài bị hoàng đế bắt và ra lệnh phải nộp tất cả tài sản của Hội Thánh do ngài quản lý. Ngài xin hẹn mấy hôm. Ðúng ngày, hoàng đế vui mừng đợi ngài đem nộp của cải. Và rồi, Lorensô đã đến, dẫn theo một lũ đoàn người nghèo khổ, bệnh tật, què quặt mà ngài đã giúp đỡ bằng của cải Hội Thánh, hạng người mà hoàng đế bỏ rơi, chẳng thèm đếm xỉa. Ðứng trước mặt hoàng đế, Lorensô nói: "Tâu hoàng đế, đây là tất cả kho tàng của Hội Thánh".

Tức tối, hoàng đế hạ lệnh bắt giam ngài, tra tấn, cực hình đủ cách, và cuối cùng cho lý hình nung đỏ giường sắt rồi đặt ngài lên trên rán cho chết cháy. Hôm ấy là ngày 10.8.258.

 

4. Linh mục "Ba xu"

* Người ít đòi hỏi là người sướng, vì thấy mình đầy đủ, người nhiều đòi hỏi là người cực, vì cứ thấy mình thiếu thốn mãi (ÐHV 409).

* Sự thanh bần thứ nhất là gì? - Là làm việc! Ðây là niềm an ủi của con khi hiểu ý nghĩa của nhọc mệt lao tác hàng ngày. Hạnh phúc của con được Chúa nói trong Phúc Âm: "Phúc cho tôi tớ đó, chủ đến mà gặp nó đang làm như thế" (ÐHV 423).

Cách đây 40 năm, có một cha Việt Nam sống rất nghèo khó và đạo đức. Ðặc biệt với số tiền tiết kiệm từng xu năm này sang năm khác, ngài đã cùng hai người thợ dần dần xây xong một ngôi nhà trang an, sáng sủa.

Mỗi ngày ngài ăn hai bữa, mỗi bữa ba xu và tự nấu ăn lấy: một xu gạo, một xu mắm tôm và một xu tráng miệng bằng một mẩu bánh hình ông phật mà dân địa phương vẫn gọi là bánh "Tam ích". Lúc nào có người dâng cúng dư tiền mua vật liệu thì công việc tiến hành mạnh hơn, đến lúc sạch túi thì tạm đình chỉ. Tiền bổng lễ mỗi ngày mấy hào ngài dành để trả công thợ.

Lúc mới khởi công ai cũng nói: "biết bao giờ mới xong được". Ðến ngày khánh thành, mọi người đều hoan hỉ, cảm phục và tặng cho vị linh mục một biệt hiệu đơn sơ nhưng nói lên tất cả lòng thương mến biết ơn: "Cha ba xu". Vì quá lao lực và cam khổ, chỉ vài năm sau, "cha ba xu, qua đời giữa sự thương tiếc của mọi người. Trước lúc nhắm mắt lìa trần, ngài nói: "Tôi sung sướng vì đã hy sinh tất cả để làm việc Chúa, tử lao bất tử lao".

Ngày nay, ngôi thánh đường vẫn còn sừng sững trước mặt mọi người như tấm gương phản chiếu đức thanh bần và hồn tông đồ sáng chói của vị linh mục.

 

5. Rất nghèo nhưng rất giàu

* Ðừng rộng rãi với của người ta, đừng keo kiệt với của riêng con, đừng phung phí với của công cộng (ÐHV 412).

* Khó nghèo không phải là không có của: đó là khốn khổ, thiếu thốn. Khó nghèo trước tiên là tập trung của cho đúng. Một cốc cà-phê, một cốc bia! Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó. Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh (ÐHV 422).

Ngày nay ai đáp xe đến xứ Ars, vào thăm nhà xứ, trông nhìn chiếc ô (dù) cũ kỹ, cái áo chùng thâm vá trước vá sau, đôi giày xộc xệch và cái nồi được dùng để nấu khoai tây một lần ăn trong nhiều ngày, đều phải công nhận rằng: Cha Gioan Vianney thật là một người sống nghèo khó, thanh bạch.

Lúc tới nhận xứ, cha bỏ một ít đồ đạc trong chiếc xe cải tiến kéo đi; đến nơi tối ấy phải mượn bát dĩa của gia đình Des Gorets mà dùng.

Thế nhưng, đàng khác, ngài là một người rất giàu có, vì dần dần được rất nhiều người dâng cúng của cải. Nhưng có bao nhiêu tiền, ngài đều đem ra mở cô nhi viện, trường miễn phí và sắm sửa Hào Quang, áo lễ rất đẹp. Ngài thường nói: "Cái gì đẹp nhất tôi đều dành cho phụng vụ, việc làm Chúa". Ngài sống khắc khổ với bản thân, nhưng rất quảng đại với mọi người.

 

6. Cậu bé thanh bần

* Không có của mà tham vẫn chưa phải là thanh bần, có của mà không dính bén vẫn có thể "có lòng khó khăn" thực sự (ÐHV 411).

* Thinh lặng nhường nơi chỗ tiện nghi hơn, công việc lợi lộc hơn cho kẻ khác, đó là dấu thanh bần chân thành (ÐHV 415).

Cậu Gioan Boscô được cha xứ nuôi nấng để chuẩn bị vào Chủng viện. Ngài rất thương yêu tín cẩn cậu, vì thấy rõ ơn thiên triệu nơi cậu bé thông minh đạo đức ấy.

Nhưng rủi thay, cha già Don Cafassô, người đỡ đầu của Gioan Boscô, lại sớm lâm bệnh nặng. Trước khi ly trần, ngài gọi cậu Gioan đến bên giường và bảo: "Cha thương con và quyết lòng đưa con đến tận bàn thánh. Nhưng nay thánh ý Chúa lại khác. Vậy chìa khóa đây, con hãy cầm lấy, cha trối lại tất cả gia tài của cha cho con. Có gì con hãy bán hết mà ăn học cho đạt tới mục đích cha con ta hằng mong ước". Nói đoạn Cha Don Cafassô tắt thở. Các đấng bề trên hay tin đều tựu về lo việc mai táng. Bấy giờ Gioan Boscô thành thực thuật lại cơn bệnh cũng như lời trăn trối của người cha khả kính trước lúc lìa trần. Vừa nói xong, cậu bé rút chìa khóa ở túi áo ra, kính cẩn trao cho bề trên và nói: "Thưa cha Bề trên, con xin trao chìa khóa này cho Cha Bề trên. Con không nhận gì cả; xin bề trên dùng tài sản của cha con mà làm việc lành. Trên Thiên đàng ngài cầu nguyện cho con là đủ...".

 

7. Ðấy là nhà của tôi

* Của cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu; của cải làm bệ chân con nếu con đứng trên nó (ÐHV 407).

* Lúc 15 tuổi, thiếu nữ Clara đến tu viện, Thánh Phanxicô hỏi chị: "Con đến tìm gì ở đây?" - "Con tìm Thiên Chúa", Clara đáp. Câu trả lời gọn ghẽ và rõ rệt. Ðó là tất cả kho tàng của chị. Clara đã nên thánh. Mấy ai biết chọn như chị (ÐHV 424).

Hôm ấy, vào dịp lễ thánh Têrêxa Avila, một nhà Dòng Kín nọ mở cổng cho giáo dân và bà con vào tham quan. Có một người khách hiếu kỳ không hiểu được lý do cuộc sống khắc khổ nhiệm nhặt của các Nữ Tu này, bèn nghĩ bụng: "Chỉ những người không đủ cơm ăn, áo mặc, nghèo khổ xấu số mới liều mình dấu thân vào một nơi kinh khủng này".

Ông gặp một Nữ tu tại hành lang và hỏi: "Này Chị, giả chị có một toà nhà sang trọng như toà nhà ở ngoài cổng, đối diện với Nhà Dòng, Chị có thể hy sinh chôn mình vào trong bốn bức tường đóng kín này chăng?".

Chị Nữ tu vui vẻ trả lời: "Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi!"

Quả vậy, đó là toà nhà của Chị Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, người nữ tu mà ông khách hiếu kỳ vừa chất vấn.

 

8. Bức thư một chủng sinh nghèo

* Nhìn vào con, con thấy thiếu, con cực số một. Nhìn vào anh em con, con thấy bao nhiêu người khốn cực hơn con (ÐHV 410).

"Ðại chủng viện Roma, ngày 16 tháng Giêng năm 1901.

Trọng kính thăm Ba má, Bác Hai, Cậu và anh chị. Khi thư này đến nhà, chắc cả nhà đang sốt sắng dự tuần đại phúc mở tại họ đạo; và con mong rằng tất cả đã sốt sắng lo việc phần hồn, xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu.

Con không cầu cho gia đình được giàu sang, chỉ xin cho mọi người trở nên Kitô hữu tốt, sống nghèo khó, bằng an, phó thác trong tay Chúa quan phòng.

Con lấy làm vinh dự sống trong cảnh nghèo của gia đình mình, không bánh mì chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến thịt, có chăng là đôi ba dịp trong năm. Lễ Giáng Sinh thì được thẻo bánh, Má tự làm. Tuy nhiên, gần 20 đứa con đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, má vẫn mời họ ngồi vào bàn mà chia bữa ăn với chúng con...

Xin Ba má tha cho những kẻ đã và đang làm hại gia đình mình. Biết đâu trước mặt Chúa, họ tốt hơn mình...

Chúa muốn con làm linh mục không vì giàu sang. Nếu thế thì thật là khốn nạn. Con sẽ làm linh mục để phục vụ kẻ nghèo. Con: Angelô"

Ðó là bức thư thầy A. Roncalli (sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) gởi thăm Ba má.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page