Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
16- Vâng Phục
1. "Vâng phục - Bình an"
* Một đạo binh kỷ luật là một đạo binh hùng mạnh. Một tông đồ vâng phục là một tông đồ anh dũng (ÐHV 391).
* Chúa Cứu Thế đã cách mạng, muôn triệu người hưởng ứng, khẩu hiệu của Ngài: "Vâng lời đến chết" (ÐHV 395).
Ngày Ðức Roncalli (về sau là Giáo Hoàng Gioan XXIII) thụ phong Giám mục, ngài được vào yết kiến Ðức Piô X để tạ ơn. Ðức Giáo Hoàng hỏi:
- Con chọn khẩu hiệu nào?
- Thưa "Vâng phục và bình an".
- Tại sao con chọn khẩu hiệu đó?
- Thưa Ðức Thánh Cha, lúc con còn là học sinh, chiều nào con cũng thấy Hồng Y Daronius đã già cả đi qua công trường Thánh Phêrô. Mỗi lần như thế, ngài đều lấy một ít tiền tặng cho các người nghèo, đoạn vào thẳng đền thờ Thánh Phêrô, đến ngay trước tượng Thánh nhân và hôn chân ngài, rồi gục đầu vào chân tượng, đọc thực lớn tiếng: "Vâng phục và bình an", ai ở gần đó đều có thể nghe được. Ðọc xong, Hồng Y khả kính đó đến quỳ gối cầu nguyện trước mồ thánh Phêrô, tỏ lòng cung kính, vâng phục và trung thành với Hội Thánh rồi ra về. Hình ảnh cao đẹp và tiếng nói đanh thép ấy đã ghi sâu vào tâm trí con, nên con chọn câu nói ấy làm khẩu hiệu.
Nghe qua Ðức Thánh Cha rất cảm động, hài lòng và đưa bàn tay chúc lành cho tân Giám mục Roncalli. Khẩu hiệu ấy đã được vị Giám mục thực hiện trong suốt cả đời ngài.
2. Tấm gương vâng phục của hai nhà Bác học
* Thế gian bảo con vâng phục như vậy là "điên khùng". Chúa nói con vâng phục vì Chúa là "anh hùng" (ÐHV 393).
* Không vâng lời, dù có thực hiện những công trình vĩ đại cũng không đẹp lòng Chúa. Chúa chỉ quý lòng con, Chúa không cần công trình của con, Chúa tạo dựng cả vũ trụ không cần con (ÐHV 400).
Cha Lagrange (1855-1938) Dòng Ða Minh là một nhà bác học chuyên môn về Thánh Kinh rất nổi tiếng. Người ta nói rằng: kể từ Thánh Giêrônimô người đã dịch toàn bộ Thánh Kinh ra tiếng La tinh đến nay, chỉ có cha Lagrange là sánh kịp.
Cha Teilhard de Chardin, một linh mục Dòng Tên (1881-1955), cũng là một khoa học gia tên tuổi, đã viết nhiều tác phẩm lừng danh về khoa học, thần học lẫn triết lý, tu đức.
Khi các tác phẩm của hai linh mục danh tiếng ấy bắt đầu xuất bản, thì có một vài điểm trong đó đã bị dư luận xuyên tạc, hiểu lầm, khiến Thánh Bộ Ðức Tin đã yêu cầu các ngài ngưng ngay việc phổ biến chúng, đồng thời hãy cố gắng tìm cách giải thích những chủ trương, tư tưởng mới lạ của các ngài rõ ràng hơn, sao cho phù hợp với Giáo lý công giáo, tránh sự hiểu lầm lạm dụng...
Ðã là người ai lại không có tự ái được; với lại các đấng đâu phải là tay tầm thường: Cha Lagrange là người có uy tín nhất về Thánh Kinh trên toàn thế giới. Chính ngài đã có công xây dựng trường Khảo cổ Thánh Kinh tại Giêrusalem và lúc ấy đang làm Giám đốc. Cha Teilhard de Chardin là người không những chỉ có uy tín ở Âu châu mà cả Á châu nữa, cũng chịu ảnh hưởng, vì bấy giờ ngài còn đang nghiên cứu khoa học và dạy tại một đại học nổi tiếng ở Trung quốc. Hơn thế, tác phẩm của các ngài lại rất đỗi công phu, quý giá, ai cũng chờ đợi; vậy mà nay phải đình chỉ phổ biến, phải sửa chữa, tu chỉnh. Thế nhưng, các ngài vẫn khiêm tốn vâng lời Tòa Thánh, thinh lặng đợi chờ và tiếp tục nghiên cứu, mặc cho báo chí bên ngoài khai thác rùm beng.
Sau nhiều năm đào sâu thêm vấn đề, sắp xếp và giải thích các chi tiết cần thiết, tác phẩm của các ngài đã được Toà Thánh cho phép xuất bản và thành công rực rỡ. Mọi người, mọi giới đều ca ngợi sự thông thái của các ngài, nhưng nhất là khâm phục lòng khiêm tốn vâng lời của các ngài đối với Toà Thánh.
3. Không ăn bánh sữa
* Trinh khiết là chết cho nhục dục, vâng phục là chết cho ý riêng (ÐHV 402).
* "Vâng lời trọng hơn của lễ" vì của lễ là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc v.v... Khi vâng lời, con lấy chính mình con làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái của con làm của lễ toàn thiêu (ÐHV 406).
Trong hạnh bà thánh Magarita Maria, cha Rolin có ghi lại câu chuyện sau đây chứng tỏ tinh thần vâng phục sáng ngời của vị Thánh nữ:
"Từ bé, tôi đã không thể ăn một chút bánh sữa (pho-mát). Nguyên chỉ nghe mùi nó, tôi cũng đã nôn mữa ngay. Ngày dẫn tôi vào dòng, anh tôi đã trình rõ cho Bề trên về việc này. Bề trên hứa sẽ không bao giờ bắt tôi ăn bánh sữa. Vị Bề trên kế tiếp là Mẹ Anna cũng thế. Nhưng đến đời Mẹ Rosalia làm Bề trên, bà nhất quyết ép tôi ăn bánh sữa cho kỳ được. Lúc ấy tôi lấy làm quá ghê tởm, và nếu không vì lòng mến Chúa, kính yêu Nhà Dòng thì tôi đã bỏ dòng mà đi. Nhiều lần tay tôi đã cầm bánh sữa lên, nhưng không sao đưa vào miệng được, đành phải bỏ xuống. Một hôm, tôi đang quỳ trước nhà chầu cầu nguyện sốt sắng, tôi nghe rõ tiếng Chúa phán bảo tôi: "Ai thực lòng mến Ta thì vâng lời trong mọi sự". Tôi bèn quyết tâm dù chết cũng vâng lời Bề trên. Vào nhà cơm, tôi cầm lấy bánh sữa lên ăn ngay trước mặt Bề trên và các chị em trong dòng. Nhưng vừa nuốt xong, tôi liền nôn mửa và kéo dài tình trạng ấy cho đến tối. Mấy ngày sau, tôi lâm bệnh phải nằm nhà liệt.
Tôi chấp nhận tất cả và vâng lời như thế trong suốt tám năm trời. Khi bệnh tình đã đến lúc trầm trọng, người tôi gầy yếu hẳn đi, bấy giờ bề trên mới cho phép tôi ngưng ăn bánh sữa".
4. Người con của đức vâng lời
* Xem một tâm hồn vui vẻ và nhanh chóng vâng phục chừng nào, con đoán được tâm hồn đó thánh thiện chừng ấy (ÐHV 392).
* Vâng phục trong thinh lặng, sự thật sẽ giải thoát con. Thinh lặng 5 năm, 10 năm, cả đời con. Thinh lặng trong sự chết... Chúa biết con đủ rồi, và ngày tận thế nhân loại cũng sẽ biết (ÐHV 405).
Cha Piô thuộc hàng ngũ con cái của thánh Phanxicô Assisiô. Cư ngụ tại tu viện San Giovani Rotondo, miền Nam nước Ý.
Ngài là người được Chúa in Năm Dấu Thánh trên mình. Ngày đêm máu thấm ra liên lỉ và gây đau đớn nhức nhối cho ngài như Chúa Giêsu trên Thánh giá năm xưa. Mặc dù đôi tay ngài được mang găng và lót bông, nhưng máu vẫn thấm ra tươi rói.
Bên ngoài, từ hàng giáo phẩm đến các giáo dân, ai cũng mến yêu khâm phục ngài như vị Thánh sống. Họ đến dự Thánh lễ của ngài, sốt sắng, xưng tội với ngài, vì ngài được ơn biết nhiều sự kín nhiệm trong tâm hồn người ta. Thế nhưng bên trong nhà Dòng lại có một số anh em tị hiềm nghi kỵ. Ngài ở tầng lầu bên này, họ ở các nhà bên kia, nhưng ngày đêm theo dõi rình rập, xem thử ngài có ăn vụng gì không. Họ không hiểu nổi tại sao ngài có thể ăn chay lâu đến thế! Cha Piô quá rõ điều đó, và tâm hồn rất đau đớn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng.
Hơn thế nữa, họ còn bảo cha: "Cha Piô quào cấu cho rách tay chảy máu chứ đâu có Dấu Thánh!" Họ yêu cầu Bề trên đưa ngài ra phòng mạch bác sĩ để khám, xem ngài như một tên lừa đảo, đạo đức giả. Thật là đau đớn tủi nhục, nhưng Cha Piô vẫn bình tĩnh vâng lời. Và Chúa đã thưởng công ngài: sau một thời gian khám nghiệm, chụp hình hai bàn tay, các bác sĩ đã nhất trí xác nhận: "Ðây là một trường hợp khoa học không thể giải thích được. Hai lỗ đinh nơi đôi tay của ngài lớn đến nỗi người ta có thể nhìn thấu qua mà đọc những dòng chữ đặt ở bên dưới".
Cha Piô còn phải liên tục chịu nhiều thử thách vô số; nhưng sau đây là cơn thử thách nặng nề hơn cả: Số là có nhiều giáo dân khắp năm châu đến xưng tội với ngài. Nhờ ngài họ đã làm lại cuộc đời, nên mang của cải đến dâng ngài để làm việc thiện. Có người sau khi cho tất cả sản nghiệp, còn tình nguyện ở lại phục vụ dưới quyền ngài nữa. Với số tiền khổng lồ ấy, ngài đã xây nhiều bệnh viện miễn phí, nhiều nhà đón tiếp mọi người đến tĩnh tâm. Ðức Thánh Cha Piô XII rất quý mến ngài, nên đã cho ngài được phép quản trị và xử dụng số tiền người ta dâng cúng để làm việc bác ái đạo đức, cũng như gây vốn để đài thọ chi phí cho các bệnh viện, nhà tĩnh tâm vừa nói. Công việc tốt đẹp ấy ngày càng phát triển...
Một hôm vị Tổng quản lý nhà dòng mang hết tiền bạc của nhà dòng và vay mượn thêm ở ngân hàng một số lớn để hùn vốn trong một "áp-phe" (vụ làm ăn) mang tên "áp-phe Dreyfus". Cha Piô biết được rất đau lòng, vì đó là một việc rất phiêu lưu, vừa trái với tinh thần khó nghèo của vị Thánh sáng lập.
Quả thế, sau đó ít lâu, "áp-phe Dreyfus" sụp đổ và gây tai tiếng khắp nơi. Vị Tổng quản lý nhà dòng hết sức hoảng hốt, chỉ còn một cách duy nhất là bán hết các cơ sở của nhà dòng để trả nợ cho ngân hàng. Nhưng phép đâu mà bán nhà dòng? Ông liền nghĩ ngay đến số vốn của cha Piô, và lợi dụng Ðức Piô XII mới băng hà, Toà Thánh đang bề bộn công việc để thi hành một diệu kế. Mấy ngày sau đó, theo đúng kế hoạch của vị Tổng quản nhà dòng San Giovani Rotondo đệ trình lên Toà Thánh một tờ đơn với nội dung: "Nay cha Piô đã già, xin Toà Thánh rút lại đặc ân của Ðức Piô XII đã cho phép ngài quản trị số vốn người ta dâng cúng để lo việc đạo đức bác ái, và giao số vốn ấy lại cho nhà dòng quản lý thay". Toà Thánh thấy trình bày hợp lý, lại thêm đang ở lúc giao thời giữa hai triều đại Giáo hoàng, chẳng ai rõ ý định của Ðức Piô XII lúc trước, nên Toà Thánh đã chấp thuận.
Một buổi chiều nọ, Bề trên gọi Cha Piô đến và trình bày rõ ràng quyết nghị của Toà Thánh. Ngài cho phép Cha Piô tự quyết định: chấp thuận hoặc khiếu nại. Cha Piô xin phép được suy nghĩ trong ít ngày. Suốt đêm hôm ấy, cha trằn trọc, khổ tâm, vì biết đây là âm mưu đen tối của vị Tổng quản lý. Rồi đây các bệnh viện; nhà tĩnh tâm lấy đâu ra tiền để đài thọ? Số phận biết bao người nghèo sẽ đi về đâu? Cha vô cùng buồn khổ như đang cơn hấp hối.
Nhưng người con khiêm nhường ấy đã phó thác mọi sự trong tay Chúa. Không đợi lâu, ngay sáng hôm sau, Cha Piô mang tất cả sổ sách đến gõ cửa văn phòng Bề trên. Ngài đặt tất cả trên bàn rồi quỳ gối, chấp tay thưa: "Thưa Bề trên, con xin giao tất cả trong tay Bề trên, vì con là đứa con của đức vâng phục".
Người ta không rõ số tiền ấy là bao nhiêu, nhưng chỉ biết đó là 300 ngàn cổ phần trong các công ty đủ loại. Cử chỉ ấy càng làm sáng ngời sự thánh thiện của cha thánh, nêu gương cho ta trong đức vâng lời và khiêm nhường.