Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
15- Thánh Lễ
1. Khóc rồi lại cười
* Người thánh là người tiếp tục Thánh Lễ suốt ngày (ÐHV 350).
* Mỗi lần dâng Thánh Lễ là mỗi lần giang tay đóng đinh con lại trên Thánh Giá, và uống cạn chén đắng với Chúa. Ðây không có chỗ cho khán giả (ÐHV 357).
Mặt mày thánh Gioan Vianney nhăn nheo, xấu xí; nhà thờ xứ Ars lại lát gạch nung đất và nhỏ hẹp; ghế quỳ thì xiêu vẹo cũ kỹ, ngài cũng dâng lễ như mọi linh mục khác. Nhưng tại sao ai nấy lại chen chúc nhau đến dự Thánh lễ của ngài? Thưa vì ngài dâng lễ hết sức sốt sắng! Có lần giáo dân thấy ngài cầm Mình Thánh Chúa trên tay một hồi, nước mắt chảy ròng ròng sau đó nụ cười tươi nở lại trên môi... Họ lấy làm lạ mới tọc mạch hỏi. "Thưa cha, sao sáng nay cầm Mình Thánh Chúa, cha khóc rồi cha lại cười?"
Ngài đáp: "Lúc ấy ma quỉ cám dỗ cha ngã lòng trông cậy sẽ mất Chúa đời đời, nên cha lo sợ quá, cha khóc. Nhưng sự nhớ lại mình đang cầm Chúa trên tay nên cha thưa với Chúa: Lạy Chúa, con không chịu mất Chúa, con cần Chúa mãi, Chúa luôn ở với con! Nói thế rồi cha sung sướng quá đỗi phải bật cười".
Chúa Giêsu với cha thành là một. Người ta thấy Chúa Giêsu tế lễ trong cha: bí quyết lôi kéo mọi người đến với cha là ở chỗ đó!
2. Thánh lễ của cha Piô
* Biết giá trị của Thánh Lễ, dù xa, dù khó con cũng tham dự; càng hy sinh, càng thấy con mến Chúa (ÐHV 346).
* "Nhà tạm tốt đẹp nhứt, hào quang sáng chói nhứt, chân đèn rực rỡ nhứt, thánh đường uy nghi nhứt, là Linh Mục.
Ðặt một linh mục nguội lạnh ở vương cung thánh đường, không ai thèm gặp. Ðặt một linh mục thánh thiện trong một nguyện đường nghèo nàn, hẻo lánh, ai cũng tìm đến." (Cha Chevrier) (ÐHV 352).
Thường giáo dân thấy cha nào làm lễ lâu thì phàn nàn, kêu van, dài quá, chán quá, mệt quá... Nhưng lạ thay, cha Piô dâng Thánh lễ lâu đến 3 tiếng rưởi đồng hồ mà các Hồng Y, Giám mục, giáo sĩ, giáo dân vẫn chen chúc nhau đến dự, còn lết đến gần bàn thờ để nhìn cha. Các Hồng Y, các Giám mục ấy lại làm lễ đại triều không hơn ngài sao mà lại đi dự lễ của ngài? Ai dự lễ do cha Piô làm cũng đều say sưa, sốt sắng, không biết mỏi mệt. Họ đồng thanh nói: "Thấy nét mặt cử chỉ ngài, chúng tôi như thể trông thấy Chúa Kitô đang phải thương khó trên bàn thờ thực sự. Ðức tin chúng tôi nhờ thế càng thêm vững vàng, lòng ăn năn sám hối càng thêm quyết chí, lòng mến Chúa ngày càng gia tăng. Ði dự lễ ngài mấy lần cũng không chán!" Từ Mỹ châu, Á châu, Phi châu, Úc châu, người ta băng rừng vượt biển đến một thị trấn nhỏ miền Nam nước Ý thì cốt để dự lễ của một tu sĩ già! Ở quê nhà họ không có ai làm lễ sao? Có chứ! nhưng ở đây, họ thấy Chúa Giêsu làm lễ.
3. Thánh lễ Giáng Sinh trong trại học tập
* Dù cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giêsu đang tế lễ; con dâng lễ và rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con (ÐHV 364).
* Thánh Thể làm cho ta hiệp nhứt trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở (ÐHV 362).
Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hoá của Mao Trạch Ðông, lúc được trả tự do, có viết một bài báo nhan đề: "Thánh lễ Giáng Sinh của linh mục Shah". Trong đó ông thuật lại một câu chuyện vô cùng cảm động: "Tôi bị giam trong một trại ở miền Nam Trung quốc. Trong trại, có một ông già trạc 40 tuổi, tên là Shah. Người ta biết ông là một linh mục dòng Xitô, người Trung Quốc, trong trại ăn uống rất kham khổ, kỷ luật thì khắt khe, công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Lại còn phải khẩn trương không thì roi đòn vọt tới tấp, bị kỷ luật làm kiểm điểm. Linh mục Shah là một người rất có lòng bác ái. Ông không khỏe nhưng ai mệt liền được ông gánh giúp. Ai gánh nặng không nổi thì ông đổi cho gánh nhẹ của mình. Ông luôn luôn vui vẻ, động viên anh em. Trong trại ai cũng đem lòng mến.
Tôi là người Công giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Tôi khô khan lắm. Không hiểu sao ông Shah biết tôi là người có đạo. Lạ quá! Một hôm, giữa trời đông giá rét, vào giờ giải lao, ông Shah cầm tay kéo tôi đi theo và nói:
- Anh là người Công giáo phải không?
- Phải!
- Hôm nay là lễ gì, anh có biết không?
- Tôi không biết!
- Lễ Giáng Sinh. Chắc anh nhớ gia đình, nhớ bao kỷ niệm. Thôi đi theo tôi, ta cùng xuống hố đất đàng kia. Tôi sẽ cùng anh dâng Thánh lễ.
Có một sức gì nơi ông thu hút tôi khiến chân tôi phải bước. Cả hai chúng tôi xuống một hố sâu. Chung quanh miệng hồ, đất đào lên được đắp cao thành hai mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao, ông lại có một tí rượu nho trong cái bát nhỏ và một mẩu bánh mì. Ông để cả hai trên mô đất, giữa cảnh hoang tàn giá rét. Ðôi tay ông giang ra. Ông cầu nguyện rồi đưa Mình Thánh Chúa lên cao. Nét mặt ông sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn rồi tự nhiên đầu gối tôi khuỵu xuống. Tôi quỳ. Tôi cũng cầu nguyện. Tôi ăn năn sám hối. Ông cho tôi rước lễ. Mắt tôi nhoà lệ. Lòng tôi cũng như lòng ông ấm áp hẳn lên. Và chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ.
Một tên lính gác thấy chúng tôi tiến lại liền chạy ngay đến tóm cổ linh mục Shah và hỏi: "Mày đi đâu đàng kia?" Ông thẳng thắn đáp lời: "Hôm nay là lễ Giáng Sinh. Giờ giải lao tôi đi cầu nguyện". Tên lính liền vụt cho ông một trận đòn chí tử. Ông làm thinh chịu đựng. Hắn dẫn ông đi. Và từ hôm ấy, tôi không còn gặp lại ông ta nữa. Nhưng trong suốt cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm ấy: một dáng người cao cao, hai tay giơ lên, gương mặt gầy gò, nhưng toát vẻ thánh thiện, áo quần rách nát tung bay theo chiều gió, giữa trời và đất, ông Shah với Chúa! Chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ trong đời tôi có một lễ Giáng Sinh sốt sắng như thế. Cũng từ ngày ấy, Ðức tin sống lại trong tôi..."
4. Vết chân nóng hổi
* Mặt trời sáng và tung tỏa ánh sáng. Thánh Thể là sự sống và nguồn phát xuất sự sống Thần Linh, sự sống hòa hợp giữa các dân tộc: "Thịt ta làm cho thế gian được sống." (ÐHV 361).
* Có thể triệt hạ tất cả thánh đường trên mặt đất, nhưng bất cứ đâu còn linh mục thì còn Thánh lễ, còn Thánh Thể. Có thể tiêu diệt tất cả linh mục, nhưng đâu có hai hay ba người hiệp nhau vì danh Chúa, thì vẫn có Chúa ở giữa họ (ÐHV 388).
Vua Thánh Venceslaô xứ Tiệp Khắc (907-929) có thói quen đêm nào cũng thức dậy đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Một đêm nọ trời đông giá rét, viên thị vệ theo hầu thánh nhân phàn nàn: "Trời lạnh quá, đi trên tuyết, chân hạ thần cóng cả lên". Vua Thánh Venceslaô quay lui, dịu dàng bảo: "Cứ chịu khó theo ta và đặt bàn chân ngươi lên vết chân ta". Viên thị vệ tuân theo và bỗng nhiên cảm thấy ấm áp lạ thường. Từ đó ông ta càng tin tưởng mến Chúa, theo gương Ðấng mình đang dẫm bước theo.
5. Các đèn chầu sống động
* Gia đình thánh thiện là gia đình hâm mộ Thánh Lễ (ÐHV 353).
* "Phải có đời đời để dọn mình, phải có đời đời để tạ ơn, vì dâng một Thánh Lễ" (Thánh Vianney) (ÐHV 354).
* Linh Mục cùng tế lễ với Chúa Giêsu, cùng trao mình với Chúa Giêsu, làm của ăn cho mọi người, bất cứ lúc nào, trao tất cả! (ÐHV 355).
Trong lịch sử Hội Thánh, không thánh nào mà lại không sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhưng trong số đó cũng có nhiều vị mà cuộc đời đặc biệt gắn liền với Thánh Thể như ngọn đèn chầu. Như thánh Anphongsô tuy đến ngày sức khoẻ già yếu nhưng đêm khuya vẫn lần mò từng bậc cấp lên xuống thang gác để đến cùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Phanxicô Carracciôlô, Thánh Pascal Baylon... chuyên rao giảng về tình yêu Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể, lập nhiều thiện hội tôn sùng chầu kính Bí Tích cực trọng đó. Thánh Rymard thì lập dòng Thánh Thể với đặc điểm ngoài các công việc mục vụ khác, trong nhà thờ của Dòng đêm ngày đều đặt Mình Thánh Chúa và cứ thay phiên nhau, mỗi lượt hai linh mục mặc áo các phép mang dây stola quỳ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thánh nữ Magarita Maria, ngay lúc còn nhỏ, đã có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể đến nỗi mỗi khi cha mẹ ngài thấy con mình vắng mặt, thì chỉ cần chạy đến nhà thờ thì thấy ngay con bé đang quỳ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể ở đó. Lòng trí Thánh nữ hằng luôn khao khát dự mọi Thánh lễ, linh hồn thì luôn kết hợp theo dõi các linh mục dâng lễ trong mọi lúc, ngày cũng như đêm. Có thể nói được rằng, cuộc đời của Thánh nữ chỉ nghĩ đến Thánh Thể; không mấy lúc Ngài quên nhớ đến Chúa Giêsu ngự trong Bí tích đó. Thánh Nữ viết: "Chúa dạy tôi dâng lễ như sau: khi con dâng lễ phải cầm lòng, cầm trí sốt sắng, nguyện cầu tha thiết như Ðức Mẹ xưa đứng dưới cây Thánh giá của Thầy".
6. Ðền thờ Montmartre
* Ðèn không sáng nếu hết dầu, xe không chạy nếu cạn xăng, hồn tông đồ sẽ suy mạt nếu không đến với Thánh Thể: "Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta, chẳng được sống đời đời" (ÐHV 360).
* Người công giáo "Chúa Nhựt" không đủ sức để cải tạo thế giới vật chất ngày nay. Sống Thánh Lễ là bí quyết để đem Chúa cho thế giới và đưa thế giới đến với Chúa (ÐHV 366).
Trong thành phố Paris diễm lệ, vùng Montmartre được xem như một nơi đầy tội lỗi trụy lạc nhất. Nhưng cũng ngay tại đó lại có mọc lên một ngôi đền thờ rất lớn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và có chầu Thánh Thể liên lỉ. Mình Thánh Chúa được đặt trong chiếc Hào Quang cao ba thước, phải có bậc thang để đi lên phía sau mới thay được.
Ðiều đáng cho chúng ta cảm phục và bắt chước là khắp nơi nước Pháp cũng như nhiều nơi trên thế giới có người tình nguyện đăng ký đến chầu một, hai ngày nhất định trong mỗi năm. Ðúng ngày đã định, họ đến nhận phiên chầu tại Montmartre, hết phiên lại trở về. Ngay trong thành phố Paris cũng có một số người tự nguyện sẵn sàng "thay thế" trong trường hợp một ai đó ở xa bị trắc trở không thể đến được. Mỗi lần như thế ban tổ chức chỉ cần gọi điện thoại là họ đến ngay cùng Chúa Giêsu Thánh Thể để chầu thay cho người phương xa đang mắc kẹt, và cũng thế cho bao người tội lỗi đang mãi mê trong những ổ trụy lạc dưới chân đồi.
7. Tông đồ Thánh Tâm
* Cả cuộc sống con phải loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại (ÐHV 369).
* Ðời con là một Thánh Lễ: lúc sám hối đọc kinh "thú tội", khi tha thiết đọc kinh "Lạy Cha", lúc hân hoan hát kinh "Vinh Danh", hồi vui mừng hát "Alleluia".
Nhưng con không ngừng "Dâng lên Chúa"
"Anh chị em hãy cầu nguyện",
"Tin kính một Thiên Chúa là Cha",
"Hiệp nhứt cùng nhau nhờ Chúa Thánh Thần", và
"Thông hiệp cùng Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu" (ÐHV 372).
Trên thế giới ai cũng biết tên Cha Matêô Crawley, một linh mục thuộc Dòng Hai Thánh Tâm ở Picpus nước Bỉ. Sau khi được Chúa cho lành bệnh thổ huyết rất nặng, ngài đã tình nguyện đi khắp thế giới để rao giảng về Thánh Tâm Chúa. Không ai lại không hay biết cuốn sách nổi tiếng của Ngài: "Chúa Giêsu Vua Tình Yêu". Ngài đã phổ biến khắp nơi phương pháp: "chầu giờ thánh ban đêm trong gia đình". Mỗi gia đình tự do nhận lãnh mấy giờ trong mỗi tháng và mỗi người trong gia đình có tình nguyện thức một giờ ban đêm cầu nguyện, đền bồi phạt tạ, an ủi Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Cha đã thấy nhiều cụ già tại các xứ đạo Việt Nam hưởng ứng rất nồng nhiệt. Họ hy sinh rất nhiều cho công việc "Chầu giờ Thánh ban đêm trong các gia đình". Họ có cuốn sổ ghi tên đêm nào, gia đình nào, người nào sẽ làm giờ thánh. Và chiều chiều họ xách chiếc đồng hồ reo cũ kỹ lại đàng nhà ấy để nhắc nhở cho gia đình ấy nhớ mà thức cầu nguyện; chiều mai họ lại lấy đồng hồ mang sang gia đình khác. Họ làm thế với mục đích duy nhất: an ủi Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giêtsêmani.
8. Thánh lễ cuối cùng
* Mỗi khi trao Chúa Giêsu Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai (ÐHV 376).
* Hằng ngày cùng với Chúa Giêsu, con dâng hiến mình, sẵn sàng từng giây phút, để "bị nộp" vì anh em con, để "đổ máu ra cho nhiều người được tha tội" (ÐHV 377).
Trong thời Cách mạng Pháp, rất nhiều linh mục, tu sĩ bị giết, trong số đó có một linh mục khi vừa bước lên thang máy chém, đã hát to câu: "Tôi sẽ bước lên bàn thờ!" Vâng, đây là Thánh lễ cuối cùng của đời ngài và là một Thánh lễ đẹp nhất. Ngài dâng máu mình hoà với máu Chúa Giêsu Thánh Thể.
Trong một thánh đường ở nước Ðức có một tấm bia trên đó có ghi hàng chữ: "Nơi đây, Luthêrô đã dâng Thánh lễ cuối cùng". Kinh khiếp và đau xót làm sao! Vì sau Thánh lễ ấy, Luthêrô đã lìa bỏ Hội Thánh, bỏ Dòng tu (dòng Augustin) mà ông ta là bề trên giám tỉnh để đi kết bạn, lập phái Tin lành Luthêrô. Một hôm giữa cảnh trời trăng sao, bà vợ ông bảo: "Anh xem cảnh trời trăng sao đẹp quá!". Ông đáp: "Nhưng không đẹp cho chúng ta đâu!".
9. Thánh lễ mở tay
* Con muốn hỏi: "Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?" Hãy tham dự thánh lễ, vì không kinh, không tổ chức, nghi thức nào bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên thánh giá (ÐHV 349).
* Ðời con chỉ có một mộng ước; nó thành trọng tâm thu hút và điều khiển tất cả tâm trí và hành động của con: Thánh lễ như Chúa Giêsu suốt đời "rất mong ăn lễ Vượt Qua" (ÐHV 380).
Ðức Cha Berteaud, Giám mục địa phận Tulle, luôn luôn mang trong mình kỷ niệm Thánh lễ mở tay, Thánh lễ đầu tiên trong đời linh mục của ngài; đến nỗi sau 40 năm làm linh mục, khi thấy ngài làm lễ, có người đã nói: "Ðức Cha Berteaud luôn luôn làm lễ mở tay!".
10. Thánh lễ vô giá
* Xưa nay ai thấy những người dự lễ nghèo cực hơn kẻ khác vì mất giờ không? (ÐHV 347).
Một chúa nhật nọ, trời mưa rét, lạnh lẽo, ông Mazoni (1785-1873) một thi sĩ trứ danh nước Ý, đứng lên từ giã các bạn để đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Các bạn khuyên ông: "Trời mua lạnh, nhà thờ lại xa, thôi để chúa nhật tới..." Thi sĩ Mazoni duyên dáng đáp: "Trong các bạn, nếu có ai mất 100 ngàn lires (tiền Ý), chắc không chịu ngồi chờ cho đến khi ấm áp mới đi tìm. Nhưng 100 ngàn lires là gì sánh với một Thánh lễ!".