Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
14- Tông Ðồ
1. Hai rương bài gẫm của một vị Tổng Thống
* Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong mệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai... Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô (ÐHV 292).
* Ðừng nói nhiều, làm ít, hoạt động dài, cầu nguyện vắn, nhận rộng rãi, cho hẹp hòi, khoan dung cho mình, khắt khe với người (ÐHV 304).
Sau đệ nhị thế chiến, nước Ý hầu như hoàn toàn tan nát vì bom đạn và ách Phátxít của nhà độc tài Mussolini. Ông De Gasperi đã can đảm, sáng suốt lèo lái công cuộc phục hưng quốc gia về mọi mặt. Lúc ông mất (1954), người ta khám phá ra trong phòng ông có hai rương đầy ập giấy tờ; nhìn kỹ thì toàn là bài gẫm mỗi ngày do chính tay ông ta viết ra năm này qua năm nọ. Ai nấy đều ngạc nhiên và càng thêm lòng thán phục quý mến một nhà chính trị khéo léo, đồng thời là tông đồ thánh thiện đã hy sinh trọn đời cho dân tộc, tận tụy với công việc mà vẫn không bỏ qua những giây phút sống nội tâm, nguyện cầu.
Tổng Thống De Gasperi đã làm tông đồ trong sứ mệnh của ông. Ðức Piô XII đã cho chôn xác ông trong đền thờ thánh Lôrensô, cạnh mồ Ðức Thánh Cha Piô IX.
2. Viên Thị trưởng nhiệt thành
* Tông đồ là thánh hóa môi trường bằng môi trường, lao động là tông đồ của lao động, học sinh là tông đồ của học sinh, bộ đội là tông đồ của bộ đội... (ÐHV 293).
* Kẻ thù hiểm nhất của công việc tông đồ là kẻ "nội thù", Giuđa nộp Chúa. (ÐHV 314).
* Kẻ thù khốc hại nhất của đời tông đồ con không phải là kẻ ngoại thù, đối lập con, nhưng là kẻ nội thù: chính bản thân con có thể thành tên gián điệp làm việc cho cả hai bên: Thiên Chúa và ma quỷ (ÐHV 315).
Là một giáo sư đại học lỗi lạc, một chính trị gia nổi tiếng, ông La Pira, Thị trưởng thành phố Florence, còn là một tông đồ giáo dân hăng hái nhiệt thành, sống đời toàn hiến trong bậc độc thân và chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề thần học cách sâu xa kỹ lưỡng. Có lần, một chị ủy viên Italia kia dâng mình vào Dòng Kín. Buổi lễ được Ðức Hồng Y Agagiania đến chủ toạ và đặt Mình Thánh Chúa, còn thuyết trình viên về đề tài "Ðời sống chiêm niệm" trước mặt Ðức Hồng Y chính là Thị trưởng La Pira!
Ông La Pira còn hoạt động tông đồ ngay trong môi trường chính trị một cách hăng say với tư cách là một Thị trưởng. Giữa lúc giặc Mỹ xâm lược dội bom xuống Hà Nội, ông đã đến thăm Việt Nam và bàn về vấn đề vãn hồi hoà bình, xây dựng nước Việt Nam độc lập thống nhất.
Thế giới đều biết tiếng ông La Pira và khâm phục tài năng cũng như lòng đạo đức của ông.
3. Tông đồ hớt tóc dạo
* Bị nhục mạ, bắt bớ, đuổi từ thành này sang thành khác, là dấu Chúa thương con, Chúa chọn con làm tông đồ thật. "Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy, họ đã xử với Thầy thế nào, cũng sẽ đối với các con như vậy. Hãy vui mừng hoan hỉ... vì nếu chúng con theo thế gian, thì thế gian không ghét chúng con." (ÐHV 295).
Lắm kẻ ở thành phố Hồ Chí Minh quen biết một cụ già hớt tóc dạo, theo đạo Tin lành, người rất vui vẻ, dù vợ đã chết, con cái ở xa, có đứa đi nghĩa vụ. Cụ sống trong một căn nhà lụp xụp nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi khởi sự hớt tóc là cụ nói ngay đến Phúc Âm, đến Chúa Jésus-Christ. Nhiều người khó quên được câu nói của cụ: "Tôi không ham giàu gì, kiếm được đủ ăn và lo "hầu Chúa" hằng ngày là tôi sung sướng thỏa mãn!"
Cụ hân hoan về sứ mạng Chúa Kitô trao cho cụ và đã lợi dụng nghề hớt tóc của mình để triệt để thi hành sứ mạng ấy.
4. Cha gánh nước thuê
* Bị nhục mạ, bắt bớ, đuổi từ thành này sang thành khác, là dấu Chúa thương con, Chúa chọn con làm tông đồ thật. "Tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn Thầy, họ đã xử với Thầy thế nào, cũng sẽ đối với các con như vậy. Hãy vui mừng hoan hỉ... vì nếu chúng con theo thế gian, thì thế gian không ghét chúng con." (ÐHV 319).
Thời Tự Ðức cấm đạo gắt gao, có một linh mục tên "cụ Thanh" cải trang đi gánh nước thuê tại chợ Ðông Ba, Huế. Ban ngày làm việc lam lũ, tối về trú ngụ nhà bà Tham, thuộc xứ Gia Hội.
Nhờ gánh nước thuê mà cụ Thanh tiếp xúc được với nhiều giáo dân, cho họ chịu các phép Bí tích, Giải tội cho các tín hữu bị giam ở khám đường, nhất là cho những ai sắp ra pháp trường lãnh phúc Tử Ðạo. Cụ thường trà trộn trong dân chúng, làm dấu sao đó để các giáo hữu nhận ra mình.
Lúc linh mục Ðặng Ðức Tuấn bị bắt đưa ra Huế để xử, ngài được tự do tạm một thời gian để làm bản điều trần nổi tiếng về đạo Công giáo. Trong những tháng ngày ấy, thỉnh thoảng ngài ghé thăm nhà bà Tham ở Gia Hội. Trong nhà bà có tên đầy tớ hầu hạ cơm nước rất lễ phép, kính cẩn. Sau đôi ba lần thăm viếng, cha Ðặng Ðức Tuấn để ý suy nghĩ: "Anh này sao thấy có vẻ quen quen".
Một hôm đang ngồi ở bàn ăn, Cha Tuấn đăm đăm nhìn vào mắt tên đầy tớ đứng ở gốc phòng, rồi bạo dạn hỏi: "Phải mày không Thanh?" - "Thưa phải" - "Trời đất! Vậy mà bao nhiêu tháng nay tao nhìn không ra". Nói đoạn cha Tuấn ôm choàng lấy cụ Thanh nước mắt chảy ròng ròng... Thì ra hai anh em đã học cùng nhau một trường ở Penang (Malaysia), sau bao nhiêu năm dài xa cách giờ đây mới gặp nhau lại!
Cụ Thanh vẫn tiếp tục nghề gánh nước thuê như cũ... Cho đến một hôm, sắc tha đạo được triều đình ban bố, Ðức Cha Bình (Sohier) bấy giờ mới ra mắt công khai và chọn ngày làm lễ tạ ơn trọng thể tại Kim Long, nơi có Tòa Giám mục. Giáo dân khắp nơi hân hoan tựu về mừng lễ thật đông đảo. Cả những vị quan trong triều và người bên lương ở Kinh đô cũng đến để xem. Trong lễ hát trọng thể ấy, vị chủ tế không phải là Ðức Cha Bình mà là... Cụ Thanh. Giáo dân xôn xao, người bên lương thì ngạc nhiên khen ngợi và trầm trồ bảo: "Ngỡ là ai, hoá ra cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Ðông Ba. Không ngờ ông ta giữ chức vụ to đến thế. Ông ca La tinh thật hay, mà cả ông Tây cũng phải quỳ chầu nữa...".
Cụ Thanh đã tìm ra phương pháp tông đồ cho thời đại mình dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Linh.
5. Tông đồ trên máy phát thanh
* Giọng tự mãn khiến mọi người lánh xa, không ai tin con làm tất cả thay Chúa Thánh Thần (ÐHV 317).
Ai cũng biết những tác phẩm của Ðức Cha Tihamer Toth, một nhà đại giáo dục nước Hung Gia Lợi, như: "Kinh tin kính", "Mười điều răn", "Chúa Cứu Thế với thanh niên", "Chí khí người trẻ"... Các tác phẩm ấy rất thiết thực, hấp dẫn, đã được ngài nói trên đài phát thanh và thu hút rất đông thính giả, nhất là thanh niên nam nữ tại nước ngài.
6. Tông đồ truyền hình
* Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới. "Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế", và Ngài ban cho Hội Thánh lễ Hiện Xuống mới (ÐHV 296).
Như đã nói, ngoài công việc của một Giám mục phụ tá, một giám đốc toàn quốc của Hội truyền bá Ðức tin, Ðức Cha Fulton Sheen còn dâng hiến cả cuộc sống để làm tông đồ trên máy truyền hình nữa... từng triệu giáo dân trong và ngoài nước Mỹ cũng như lương dân khắp nơi đều chăm chú theo dõi các bài giảng của Ðức Cha trên màn ảnh truyền hình. Tin Mừng được thổi vào nhà họ như làn gió mát mang nguồn sinh lực cho những giờ khắc hoang mang, chán nản, Ðức Cha Fulton Sheen đã đáp ứng nhu cầu Lời Chúa của thời đại mới bằng phương pháp mới vậy.
7. Tấm gương của một đại tông đồ truyền giáo
* Hăng say hết mình, nhưng biết chia sẻ với mọi người, biết cộng tác với kẻ thua mình. Ðừng làm đại lý tất cả, hầu như từ lúc con khởi sự hoạt động mới có trời đất muôn vật (ÐHV 297).
* Việc Chúa, không ai được giữ độc quyền đại lý. Các tông đồ thưa Chúa: "Có người không theo chúng con mà lấy danh Thầy trừ quỷ." Chúa bảo: "Ai không chống Ta thì thuận với Ta" (ÐHV 306).
* Tâm hồn tông đồ kính trọng thượng cấp, kể cả khi trình bày ngược lại chỉ thị, và không bao giờ vô lễ trước mặt kẻ khác. Không thể tha thứ thái độ bất tuân, hai lòng (ÐHV 316).
* "Tông đồ bằng bữa ăn". Bữa cơm là chuyện thường tình, nhưng Chúa ăn ở nhà Mađêlêna, ở nhà Simon, Giakêu, khác xa chúng ta: "Hôm nay sự cứu rỗi đã đến với nhà này!" (ÐHV 326).
* Ðừng ham đại chúng, đừng vụ số đông, hãy xác tín vấn đề cán bộ; quần chúng lộn xộn rời rạc, chỉ cần một cán bộ đủ khuấy động, đủ khơi dậy cả quần chúng; cán bộ là hồn, là bộ óc, là xương sống của quần chúng (ÐHV 338).
Thánh Phanxicô Xaviê là một tiến sĩ lừng danh ở đại học Sorbone, Pháp, cùng lúc lại được giữ chức vụ Khâm sai của Ðức Giáo Hoàng. Với tài năng và chức vụ ấy, cộng với lòng nhiệt thành tông đồ nóng hổi, ngài đã lên đường truyền giáo khắp nơi.
Nhưng Á châu đất rộng mênh mông, đường đi lại gian nan trắc trở, thánh nhân đã làm thế nào?
* Ngài đã nghiên cứu phương pháp truyền giáo, tâm lý của dân bản xứ nơi Ngài đến giảng đạo.
* Vạch ra những quy luật buộc nhà truyền giáo phải noi theo.
* Gieo rắc hạt giống xong nơi nào, ngài liền xếp đặt, huấn luyện những kẻ cộng tác, thừa kế, rồi lại ra đi rao giảng. Ở phương trời xa, ngài dùng thơ từ để dạy dỗ, giải đáp, động viên tinh thần họ, thúc đẩy họ tiến lên.
Năm 1904, ngài được Ðức Piô X đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo, không phải chỉ vì ngài đã rao giảng và rửa tội cho một số lớn lương dân; nhưng còn vì đã vạch ra phương pháp truyền giáo cho các cộng sự viên của Ngài, thời đại Ngài và cho cả muôn ngàn thế hệ mai sau nữa.
8. Một bàn tay kín đáo
* Cái "tôi" của con càng bành trướng thì việc tông đồ càng thất bại, cái "tôi" của con càng tan biến, việc tông đồ càng kết quả (ÐHV 302).
* Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu "tử đạo" bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí như Phêrô và Gioan: Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Chúa (ÐHV 313).
* Người ta không để ý đến sự hiện diện khiêm tốn và hoạt động thầm lặng của tông đồ. Nhưng sự vắng mặt của tông đồ làm cho người ta thấy ngay môi trường trống rỗng và chết lạnh. Không ai chú ý và quí trọng muối, ánh sáng, khí trời, nhưng thiếu chúng là vũ trụ chết ngay. Không ai để ý quả đất đang hoạt động, xoay vần, nhưng nếu nó đứng lại chúng ta cũng tiêu diệt (ÐHV 342).
Cha Phêrô đau thương hàn nặng và qua đời. Nhiều kẻ đến giúp tang gia. Người ta mở tủ kiếm y phục để thay cho ngài, nhưng lục lọi một hồi lâu mà vẫn không thấy một mảnh áo quần nào cả. Các linh mục bạn rất đổi ngạc nhiên, giáo dân thì đâm ra hồ nghi không biết trong lúc đau ốm, ai đã đến lấy trộm áo xống của ngài.
Người ta tra hỏi Hội đồng giáo xứ, quyết tìm cho ra lẽ. Bấy giờ họ mới trình bày lẽ thật: "Kính thưa quí cha, không ai lấy trộm đồ cha xứ chúng con hết! Ngài đã bố thí tất cả, nhưng rất kín đáo, nên chẳng một ai hay biết. Ngài giao cho anh em chúng con thuốc men, tiền bạc, quần áo, thức ăn để giúp những gia đình thiếu thốn. Ngài chỉ còn mỗi hai bộ quần áo, một bộ đang mặc, còn bộ kia bẩn chưa giặt được... Tất cả chỉ ngần ấy thôi!"
Bây giờ mọi người mới vỡ lẽ. Giáo dân cũng như lương dân trong xứ vô cùng xúc động vì bấy lâu nay chính ngài đã giúp đỡ họ cách kín đáo, tế nhị mà họ chẳng hay.
9. Một cuộc đầu tư hữu ích
* Sẵn sàng hy sinh những tiện nghi con thấy không hợp cho một tông đồ đích thực. Ðừng tạo nên những sự cần thiết không cần (ÐHV 303).
* Quả tim con phải rộng đủ để chứa đựng và rung nhịp với tất cả chương trình Phúc Âm hóa của Hội Thánh ( ÐHV 331).
Tạp chí "Truyền bá đức tin" có thuật lại câu chuyện một cụ già Ấn Ðộ, lúc còn là thanh niên đã say sưa nghiện ngập cà-phê, thuốc lá, rượu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên báo lời kêu gọi giúp nuôi chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Ðọc xong, chàng rất đổi phân vân: một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ ấy lại quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì!
Tuy nhiên chàng đã quyết định: bỏ tất cả, nhưng dần dần với thời gian. Chàng đóng góp số tiền tiêu xài ấy vào quỷ Truyền Bá Ðức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cụ thể, liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư tín với chàng mỗi lúc một nhiều... Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện cà-phê, thuốc lá, rượu mạnh xưa kia trở thành cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: "Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rãi rác khắp nơi được tôi giúp đỡ lên đến 30 người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công, và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư cho đến giờ Chúa gọi".
10. Tre tàn, măng mọc
* Ánh sáng tông đồ của con phải chuyển sang những lớp tông đồ khác, cho đến lúc thế gian từ u tối tràn ngập hào quang. Làm tông đồ cho tông đồ (ÐHV 305).
* Nếu mỗi giáo xứ, con huấn luyện được 5 chiến sĩ đích thực thôi, nhưng người đến sau con, sẽ xử dụng, hợp tác với họ, quyết sinh, quyết tử suốt ba bốn chục năm. Bao nhiêu tiềm lực chúng ta quên khám phá, khai thác trong nước Chúa. (ÐHV 337).
Thánh Gioan Ðoàn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại Kim Long, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là một linh mục thánh thiện, gương mẫu đã can đảm hy sinh vì Chúa tại Ðồng Hội ngày 26.5.1861. Mặc dù thời buổi cấm cách ngặt nghèo, ngài không quên nhiệm vụ to lớn và quan trọng cho tương lai là lo chuyển bó đuốc tông đồ sang tay các thế hệ trẻ. Ngài đã huấn luyện được 12 người con làm linh mục. Vì thế, tuy máu ngài đã đổ ra vì Chúa, 12 người con ấy vẫn tiếp tục sứ mạng anh dũng của ngài cho đến ngày tàn của cuộc đời. Và họ cụ thể, "tre tàn măng mọc", lớp này ngã xuống, lớp khác đứng lên!
11. Không chút nản lòng
* Cần chọn lọc nhưng đừng chỉ trích, bất tín nhiệm, khinh rẻ. Những tông đồ Chúa Giêsu chọn để xây dựng cả Hội Thánh cũng đầy khuyết điểm. Ngài chỉ cần họ đơn sơ, chân thành theo Ngài (ÐHV 301).
* Trong việc tông đồ, huấn luyện và lựa chọn chiến sĩ tâm huyết tối quan trọng. Một lãnh tụ lỗi lạc đã nói: "Nếu có ba trăm chiến sĩ, tôi sẽ cai trị đến chết." Chúa Giêsu chọn 12 người để tồn tại đến tận thế (ÐHV 309).
* Con đừng do dự về con và về người khác: chài lưới như Phêrô, thu thuế như Matthêu đều làm tông đồ được. "Hãy theo Thầy, Thầy sẽ làm cho chúng con chinh phục người ta." Con làm không được nhưng Thầy làm được (ÐHV 330).
Thấy Thánh Gioan Boscô đi thu nhặt bọn cao bồi, du đảng, cặn bã xã hội về nuôi dưỡng, yêu thương, giáo dục, lắm kẻ cho là việc luống công vô ích. Mà nhận xét của họ lúc đầu cũng có vẻ đúng, vì nhiều đứa thói nào tật ấy, ở với thánh nhân một thời gian rồi lại trốn đi, mang theo cả chăn áo, đồ vật trong nhà. Nhưng thánh Gioan Boscô không chút nản lòng, vẫn đem hết tâm hồn huấn luyện chúng, đổ bầu nhiệt huyết tông đồ từ quả tim ngài sang quả tim chúng. Thế rồi ngay lúc còn sống, ngài đã đào tạo nhiều linh mục, tu sĩ, mở nhiều nhà huấn luyện khắp các nước Âu châu, nắn đúc được nhiều giáo dân, công dân tốt, phái một đoàn truyền giáo sang Nam Mỹ giảng đạo. Ngài được phúc thấy một đứa con trong đám lâu la của mình lên làm Giám mục tại Nam Mỹ, sau này được vinh thăng lên Hồng y: Hồng Y Cagliêrô. Hơn thế nữa, một cậu thiếu niên trước kia ở với Ngài là Ðôminicô Saviô lại được phong Thánh. Kẻ kế vị ngài cũng trở thành Thánh, là cha Don Rua.
12. Một thánh một thể
Mỗi vị thánh đều có một lối riêng để thể hiện cuộc sống của Chúa Giêsu trong đời mình. Vườn hoa muôn sắc của Hội Thánh gồm đủ mọi giống hoa, không hoa nào giống hoa nào cả: có hoa bò dưới đất, có hoa lại leo trên cành; hoa này nở về đêm, hoa kia khoe sắc lúc mặt trời đúng ngọ. Chính cái đẹp thiên hình vạn trạng ấy khiến lòng người cảm thấy ngây ngất. Tùy theo ơn soi sáng của Thánh Linh, các Thánh đã sống Tin Mừng mỗi người mỗi vẻ:
* Thánh Phanxicô Salêsiô làm linh hướng cho Hoàng hậu nước Pháp, được triều đình hết sức trọng kính, đến nỗi mời kiêm luôn chức cố vấn cho nhà vua. Một hôm thấy thánh nhân đang ngồi trên xe, một người Tin lành vốn có óc ác cảm bước ra chận lại và hỏi:
- Trong Thánh Kinh đâu có chỗ nào cho thấy các thánh Tông đồ đi xe mà nay ông lại đi xe!
- Có chứ! Thánh Phanxicô Salêsiô nhanh trí và dịu dàng đáp.
- Chỗ nào? Ông nói tôi nghe!
- Ông bạn không nhớ à! trong Công vụ tông đồ (8, 26-40) có kể lại câu chuyện hoạn quan của nữ hoàng Kandakê, nước Êthiôpi, trên đường đi từ Giêrusalem xuống Gaza, đã mời phó tế Philipphê cùng lên ngồi xe để giải thích sách Tiên tri Isaia cho ông ta nghe đó!
* Thánh Phanxicô Assisiô, trái lại bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc sống khó nghèo hoàn toàn. Ngài trút bỏ y phục cho cha khi bắt đầu cuộc đời chứng nhân phiêu lưu vô địch. Sau đó chỉ sống bằng nghề ăn xin. Ðến khi sai đệ tử đi rao giảng Tin Mừng, ngài bắt phải thực thi các chỉ thị truyền giáo của Chúa (Mc 6, 8-9) sát mặt chữ. Phần ngài, cũng vì khiêm tốn, ngài chỉ chịu chức phó tế, từ chối chức linh mục.
* Thánh Brunô lập Dòng Cartusianô suốt đời sống trong thinh lặng. Thánh Canasiô lại đi rao giảng cho anh chị em Tin lành khắp mọi nơi.
* Thánh Vinh Sơn Phaolô ngày đêm lo việc từ thiện bác ái. Nhưng thánh Simong Cột, suốt mấy mươi năm trường chỉ ở trên cột để cầu nguyện, giữa nắng giữa mưa!
13. Cha của người cùi
* Những điều con ước ao mà không thực hiện được, lắm lúc đẹp lòng Chúa và công nghiệp hơn tất cả kết quả mà con đắc chí (ÐHV 298).
* Không cần địa vị nào mới làm tông đồ được. Ðừng thắc mắc địa vị con hay địa vị người khác; làm vì Chúa hay vì địa vị? "Việc ngồi bên tả hay bên hữu là việc Ðức Chúa Cha" (ÐHV 310).
* Nay địa vị này, mai địa vị kia, người tông đồ không cảm thấy mất mát gì cả, chỉ biết một tiếng gọi: "Ðến để phục vụ, không để được hầu hạ." Ở đâu cũng nên thánh (ÐHV 311).
* Con buồn vì mất địa vị, vì không được "đặt đúng chỗ", con đi buôn sao mà buồn vì lỗ lã? (ÐHV 312).
Sau 15 năm làm Giám mục địa phận Sài gòn, Ðức Cha Gioan Cassaigne đã tình nguyện về sống giữa những bệnh nhân cùi thân yêu ở Di Linh, trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Tuy không giữ một địa vị nào trước mặt xã hội, nhưng ngài thật là một chứng nhân tình yêu Thiên Chúa, một con người của bác ái vị tha. Mười tám năm trời ngài sống trong thinh lặng giữa rừng núi thâm-u, với những bệnh nhân quê mùa chất phác, không mấy ai biết rõ, nhưng khi quả tim vị anh hùng ấy ngưng đập, thì quả tim của dân Việt cũng như của toàn thể thế giới đều rung cảm lên. Ai nấy đều cảm phục tấm gương chứng nhân anh dũng của ngài.
14. Có râu - không râu
* Việc tông đồ nhằm đưa người ta vào Hội Thánh, không phải để lập những Hội Thánh riêng của nhóm này nhóm nọ, dòng này, dòng kia. Chưa rối đạo, nhưng rối việc đạo lắm (ÐHV 320).
Ðây là một câu chuyện hài hước, dí dỏm:
Trong ngôi thánh đường nổi tiếng nọ ở Ý, người ta thuê một hoạ sĩ trứ danh đến vẽ một bức ảnh của Thánh Phanxicô Assi thật lớn. Hôm họa sĩ bắt đầu chuẩn bị thuốc sơn, giá vẽ, thì một tu sĩ Phanxicô đến góp ý thế này: "Xin họa sĩ lưu ý, thánh Phanxicô không có râu đâu, phải vẻ cho đúng sự thật".
- Vâng, tôi sẽ làm ngài thỏa mãn!
Hôm sau, một tu sĩ ngành Capuxinô lại đến gợi ý: "Họa sĩ nên nhớ. Thánh Phanxicô của chúng tôi có râu đàng hoàng, phải vẽ cho đầy đủ"
- Vâng, xin ngài cứ yên tâm! Thế là cuộc tranh chấp "cha thánh của chúng tôi có râu - cha thánh của chúng tôi không có râu" đã bùng nổ. Khổ nhất là nhà họa sĩ, cứ bị hai nhóm đến quấy rầy, làm mất nhiều giờ lao động. Và rồi biết theo ý kiến ai đây!
Suy nghĩ một thời gian lâu, cuối cùng ông nảy ra ý kiến: treo một bức màn ngăn lại, rồi ngồi vẽ sau bức màn ấy, kèm theo lời tuyên bố: "ngày khánh thành mới hạ màn xuống và ai nấy sẽ thỏa mãn".
Ngày khánh thành đã đến! Tu sĩ hai phe và giáo dân trong vùng nghe phong phanh về câu chuyện ấy kéo nhau tới thật đông trước nơi làm việc của họa sĩ. Nghi thức khai mạc bắt đầu, bức màn từ từ hạ xuống, mọi người đều nín thở, hồi hộp... Trên khung ảnh, Thánh Phanxicô Assi hiện ra nằm dài, mình đắp chăn, trông có vẻ ốm liệt. Oái oăm thay, chiếc chăn ấy lại kéo lên tận sống mũi, khiến chẳng ai biết vị thánh nghèo có râu hay không có râu: đúng là bên nào cũng thỏa mãn!
15. Vì tôi là người Công giáo
* Trước khi phàn nàn người nọ người kia, hãy tự hỏi mình: "Muối của tôi còn mặn không? Ðèn của tôi còn sáng không?" (ÐHV 300).
* "Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng" như hạt lúa chôn vùi, nát thối để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại. "Tông đồ bằng chứng tích." Lời quả quyết suông không đáng người ta tin tưởng mấy, dù ngọt ngào trau chuốt đến đâu. Tang vật đáng tin hơn. Hình ảnh chụp được, tiếng nói ghi âm được, càng dễ đánh động người ta hơn.
Nhưng chính con người sống động bằng xương thịt, nếu cả cuộc sinh hoạt, nếu cả một lớp người, một gia đình cùng sống một lý tưởng, thì chứng tích ấy có một sức mạnh thuyết phục lớn lao biết chừng nào! (ÐHV 322).
Trong thời đệ nhị thế chiến, tại một nước Châu Á mà đa số dân chúng đều theo Phật giáo hay thờ cúng Tổ tiên, nhiều cuộc giao tranh ác liệt đã xảy ra. Hầu hết mọi người đều phải di tản. Các cơ sở đều bị phá tan tành.
Khi hoà bình được tái lập, tất cả chỉ còn là một đống tro tàn tỏ tường: cầu cống, dinh thự, nhà cửa, nhất là viện bảo tàng đồ sộ của quốc gia. Nhưng một điều khiến ai nấy cũng lấy làm ngạc nhiên là hết thảy báu vật của viện bảo tàng vẫn nguyên vẹn. Thì ra chúng đã được ông Giám đốc già can đảm bảo vệ đến giây phút cuối cùng và di tản đến nơi an toàn hơn. Và khi mọi sự đã sinh hoạt bình thường, ông lại tự nguyện đứng ra xây một viện bảo tàng mới với vốn vay ở ngân hàng, hứa sau này sẽ trả góp nhờ thu tiền vé của khách du lịch, không xâm phạm một xu của công quỹ nhà Nước.
Ngày khánh thành viện-bảo-tàng, báo chí đều đăng tải công lao của ông, và nhân dân trong nước hết sức hoan nghênh và cảm phục ông. Nhà Nước cử ông làm Giám đốc viện bảo tàng cho đến vĩnh viễn và trao tặng huy chương cao quý để cám ơn ông vì đã có công giữ gìn các báu vật của quốc gia khỏi tổn hại. Vì như mọi người khác, ông cũng đã có thể bỏ chạy, cũng đã có thể giấu ít đồ quí, bảo là đã tiêu tan dưới bom đạn, để rồi sau đó ngầm bán ra ngoại quốc kiếm chút ít cho bản thân mình.
Khi đứng trước quần chúng cảm phục, thắc mắc, hỏi han, cụ già Giám đốc đã trả lời cách đơn sơ, khiêm tốn và bình thản: "Tôi đã làm vậy chỉ vì tôi là người Công giáo".
Những báu vật cụ đã gìn giữ nguyên vẹn nay vẫn được trưng bày trong viện bảo tàng quốc gia. Cứ ba tháng, người ta thay đổi một lần, cất đồ cũ vào, đem đồ mới ra và phải làm như thế trong khoản 15 năm mới xong một vòng đầy đủ, ngần ấy đủ biết kho báu quý giá chừng nào và số lượng lớn lao ngoài sức tưởng tượng.
16. Tông đồ tiếp xúc
* Làm tông đồ là "làm như các thánh Tông Ðồ". Nếu không nghiền ngẫm và thuộc lòng Tông Ðồ Công Vụ, thì con không làm tông đồ đắc lực được (ÐHV 291).
* "Tông đồ bằng tiếp xúc": "Phải chăng tâm hồn chúng tôi sốt mến khi nói chuyện với Người dọc đường?" Con không nghĩ rằng: mỗi cuộc tiếp xúc là một công tác tông đồ sao? (ÐHV 323).
Tuy chỉ làm Giáo Hoàng trong một thời gian vắn vỏi, không đầy năm năm, nhưng Ðức Gioan XXIII đã làm tươi trẻ hẳn khuôn mặt của Hội Thánh. Trong suốt quảng đời trên ngôi Giáo hoàng ấy, ngài đã đi thăm phạm nhân ở trại giam Ara Coeli, viếng các trẻ em ở viện nhi đồng, đột xuất chống gậy đến với các công nhân đang làm việc trong vườn hoặc ở nhà in Vatican. Trong các buổi triều yết, tính hồn nhiên, những câu chuyện dí dỏm và lòng nhân ái từ ngài phát xuất ra thật là như sức nóng sưởi ấm mọi con tim lương giáo vây quanh ngài. Qua Công đồng Vatican II do ngài triệu tập 11.10.1962, ngài đã mở một con đường xinh đẹp cho Hội Thánh tiếp xúc với thế giới, với anh em không Công giáo, với anh em Vô thần, khai mào một giai đoạn cởi mở và thông cảm. Ngài đã để lại một câu nói bất hủ: "Nếu Hội Thánh không đến với nhân loại thì nhân loại không đến với Hội Thánh".
17. Các tông đồ tư tưởng
* "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi." Một tông đồ sa đọa làm hỏa ngục vui mừng hơn cả một đoàn lũ. Hãy cầu nguyện và nâng đỡ nhau (ÐHV 294).
* "Tông đồ bằng tư tưởng": nâng đỡ một người bạn đang lung lạc, mở chân trời cho bạn thấy khả năng và ơn gọi cách sáng tỏ, đem hy vọng cho một cuộc đời sắp tan vỡ. Báo chí sẽ bớt đăng những tin uống thuốc ngủ... độc dược... nếu có những người như con. (ÐHV 324).
Ở đây, cha xin nhắc đến một đôi văn hào hiện đại đã đem tư tưởng thấm nhuần Tin Mừng của mình sáng soi cho nhiều người khắp thế giới.
Văn hào Francois Mauriac (1885-1970), thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, đã viết nhiều tiểu thuyết mô tả cuộc tranh chấp giữa đức tin và xác thịt, nhiều vở kịch có nội dung và tinh thần Kitô giáo. Ông được tặng giải thưởng Nobel văn chương năm 1952.
Văn hào Thomas Merton, về sau vào Dòng Khổ tu, đã để lại rất nhiều tác phẩm trứ danh được dịch ra nhiều thứ tiếng từ Anh ngữ, chẳng hạn như: Không ai là một hòn đảo, Hạt giống chiêm niệm, Sống đời tĩnh niệm...
Văn hào John Wu, trước là đại sứ của Trung Hoa tại các nước, sau đi tu làm linh mục, đã để lại nhiều tác phẩm về triết lý Ðông Tây, làm cho nhiều giới suy nghĩ.
Văn hào Daniel-Rops (1901-1951) thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, sau khi trở lại đạo Công giáo, chỉ chuyên viết về Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Những pho sách súc tích, có giá trị văn chương cũng như lịch sử, khoa học của ông đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng và được tái bản nhiều lần: như "Cuộc đời Ðức Giêsu trong lịch sử" đã được tái bản đến 538 lần ngay lúc tác giả còn sống! Những tác phẩm đó đã soi sáng đức tin cho không biết bao nhiêu người, nhất là hạng trí thức.
Bác sĩ Tagaski Nagai (1908-1951) người Nhật Bản nạn nhân của bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Ông đã may mắn sống sót nhưng chết vợ hiền và thương tích đầy khắp thân thể. Tuy đau khổ tâm hồn về gia đình tan nát, quặn quại thể xác vì cơn bệnh hoành hành, bác sĩ Nagai vẫn vừa vui tươi nghiên cứu khoa học, thí nghiệm trên thân xác mình các thứ thuốc điều trị hậu quả của chất phóng xạ, vừa tường thuật những ngày còn lại của đời ông. Thật là một gương sáng về tin yêu, hy vọng cho mọi người trên khắp thế giới.
Ðức Hồng Y Saliège, người phụ trách mục "Mảnh vụn suy tư (nhưng dấu tên) trong một tuần báo Công giáo ở Toulouse (Pháp). Mục này các độc giả rất thích đọc, vì nó vừa dí dỏm vừa thấm thía sâu sắc, bắt người ta phải suy nghĩ. Tuy nhiên không ai biết rõ tên tác giả là gì, mấy chục năm sau mới biết là Ðức Hồng Y Saliège.
18. Tông đồ thiếu nhi
* "Tông đồ bằng đau khổ", không giảng giải, không hoạt động, nhưng thinh lặng tế lễ cứu bao linh hồn. Chúa Giêsu hấp hối trên thánh giá, Ðức Mẹ hấp hối trong tâm hồn dưới chân Thánh Giá (ÐHV 321).
* Từ xưa, "thiếu nhi" đã làm tông đồ đầy dũng cảm: Tarcisio đã mang Chúa đến bao nhiêu người. Hãy ghi lời Chúa: "Ðừng khinh dể trẻ con." (ÐHV 328).
Chiaretta sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, thêm thay mới bốn tuổi đầu lại mắc bệnh nặng, làm mủ trong phổi, khó thở thường hay mửa ra máu. Cha mẹ em, mặc dù nghèo khó, nhưng vì thương con tha thiết, vẫn đưa em đi bệnh viện này đến bệnh viện kia. Gia đình cứ thay đổi chỗ ở luôn để mong em chóng khỏi. Nhưng các bác sĩ đều bó tay bất lực. Chiaretta phải chết sớm thôi!
Trong cơn buồn phiền, cha mẹ em tình cờ nghe nói đến phong trào Bác ái Hiệp Nhất (Focolare), liền đưa em đến một bệnh viện gần trung tâm Loppiano, và cả gia đình tập sống yêu thương theo Lời Chúa. Sau một thời gian, bầu khí gia đình trở nên sốt sắng hẳn. Chính em Chiaretta sống Lời Chúa cách đơn sơ thâm trầm nhất.
Hằng ngày, Chiaretta rước Chúa Giêsu Thánh Thể và cố gắng sống giây phút hiện tại. Em ghi tên vô lớp học nhưng suốt năm chỉ đến lớp được ba, bốn lần, vào những lúc khỏe nhất. Ngoài những lúc ấy, em phải luôn sống trong lồng dưỡng khí, thở bằng khí oxy. Ngày ngày các bạn mang bài học về cho em, rồi nhận bài làm của em để nộp. Thế mà đến kỳ thi cuối năm, em đứng hạng nhất! Mặc dù biết mình không thể ở trần thế được bao lâu, Chiaretta vẫn sống giây phút hiện tại cách vui vẻ, vẫn làm bài vở như các bạn học. Cha mẹ, bác sĩ, y-tá ai cũng xót xa cảm phục vô cùng. Ðặc biệt là mỗi lần chích cho em một mũi thuốc (mà mỗi ngày nhiều ống như thế), em cũng đưa tay ra kèm theo một nụ cười rất tươi tĩnh: "cứ chích cho em đi! đừng ngại! Có Chúa sống với em!"
Ngày cơn bệnh trở nên trầm trọng, cha mẹ Chiaretta đã quyết định đưa em về nhà. Lúc từ giã, em đi quanh bắt tay các bạn khác cùng phòng, nói một câu đơn sơ: "Chúng ta sẽ gặp nhau, không dưới đất thì trên Thiên đàng vậy!" Rồi em cám ơn bác sĩ, y-tá và ra về vui vẻ. Mấy ngày sau Chiaretta giã biệt cõi đời, nụ cười vẫn tươi nở trên môi!
Hiện nay gia đình em đã sống hẳn tại trung tâm Focolare, Loppiane. Chính cha đã gặp cha mẹ của em Chiaretta và nghe thuật lại câu chuyện về đời em như vừa kể. Một em của Chiaretta cũng đang mắc bệnh như chị. Và cô bé này, mới 5 tuổi đầu, mà cũng chia sẻ kinh nghiệm sống Phúc Âm với cha!.
19. Tông đồ của giới lao động
* Nếu con bảo "giáo dân có ơn đặc sủng của Chúa Thánh Thần" có người sẽ cho rằng con nhạo báng họ! Nếu con bảo "giáo dân là tư tế, tiên tri, vương giả", có người sẽ cho con là thệ phản! Có mấy giáo dân ý thức họ được Chúa gọi? Chúa cần họ? Hãnh diện và tri ân vì được làm con Chúa nhờ phép Thánh Tẩy? Làm chiến sĩ, chứng nhân cho phép Thêm sức? (ÐHV 333).
* Thời đại giáo dân. Bao lâu chưa động viên được toàn lực dân Chúa ý thức và hành động, các tầng lớp xã hội này chưa thể thấm nhuần Phúc Âm được (ÐHV 334).
* Bí quyết công cuộc tông đồ trong thời đại ta: Tông đồ giáo dân! (ÐHV 335).
Là con trai của một gia đình lao động ở Bỉ, cậu Cardji phải vất vả từ tấm bé. Ba của cậu chết sớm. Ngày ba cậu hấp hối cậu đã cầm tay ba và nói với ba:"Thưa ba, ba đã là một người thợ, một người cha gương mẫu, hy sinh vì các con. Con xin hứa với ba là sẽ cố gắng xứng đáng với ba, sẽ làm tông đồ phục vụ giới lao động!"
Cậu Cardji đã giữ lời hứa, dâng mình vào chủng viện để làm linh mục. Rồi với quả tim không ngớt thao thức phục vụ giới thợ thuyền, cha đã sáng kiến lập ra phong trào Thanh Lao Công (JOC). Với phương pháp "Xem-Xét-Làm", căn cứ trên dự kiện thực tế để giải quyết các vấn đề theo ánh sáng Phúc Âm, phong trào đã thành công rực rỡ. Giới trẻ lao động nhờ phong trào đã hăng say sống Ðức Tin và đấu tranh cho công bình, bác ái, giải phóng chính giai cấp của mình. Phong trào này lan khắp mọi nơi. Năm Ðức Ông Cardji kỷ niệm Kim Khánh linh mục, các bạn Thanh Lao Công đã tặng ngài một vé máy bay để ngài có thể đi năm châu thăm những kẻ chính tay ngài đã giải phóng. Ngài được giới trẻ khắp thế giới vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ.
Ðể tỏ lòng ghi ơn của Toà Thánh đối với ngài cũng như mến yêu sâu xa đối với giới trẻ, Ðức Gioan XXIII đã phong ngài làm Hồng Y. Ngài thường nói:"Tôi muốn leo lên mái nhà và la cho mọi người nghe một bí quyết: Phải dùng giáo dân làm tông đồ trong môi trường của họ".
20. Các Ðức Giáo Hoàng và Tu hội đời
* Tông đồ bằng "phụ nữ" rất đắc lực, từ bà Maria, bà Salomé theo giúp Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng nhắc đến nhiều phụ nữ tông đồ: "Xin gửi lời chào Tryphéna và Tryphosa, các bà đã liều công lao nhọc trong Chúa." (Rom. 16:12) (ÐHV 327).
* Hãy nghiên cứu các tu hội đời: thời đại mới, giải pháp mới, đó là ân đặc sủng của thời đại ta, sẽ làm thăng tiến đời sống thiêng liêng của bao giáo dân. Các Ðức Giáo Hoàng đã nhận thấy dấu hiệu của thời đại trước chúng ta những mấy chục năm (ÐHV 339).
* Ðường lối của tông đồ thời đại ta: - Ở giữa trần gian, - Không do trần gian, - Nhưng cho trần gian, - Với phương tiện của trần gian (ÐHV 340).
* Là chi thể của nhiệm thể, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ, đòi hỏi, là vai để gánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, là miệng để nói những lời bác ái ủi an. Nhờ tông đồ mà Hội Thánh hiện diện giữa thế giới ngày nay (ÐHV 341).
Chính các Ðức Giáo Hoàng đã mở lối, ban hành những chỉ thị sáng suốt, cũng như đặt hết tin tưởng vào Tu Hội Ðời. Chính các ngài đã được Thánh Linh soi sáng để đón nhận và hướng dẫn những tâm hồn tận hiến giữa trần thế trong thời đại ta. Sau đây, cha xin trích dẫn lời của một vài Ðấng đã nói đến Tu Hội Ðời. Ðó là những lời vàng ngọc mà ta phải suy ngắm để hiểu ý nghĩa của Tu Hội Ðời chúng ta.
Ðức Piô XII dạy:
* Về bản chất Tu Hội Ðời: "Các Tu hội này được kể là thuộc bản chất đời sống trọn lành, vì có nhiều tính cách giống với dòng tu. Cả hai như có mối liên hệ, bà con có sự tương đồng chặt chẽ" (Tông Sắc Hội Thánh Mẹ Quan Phòng, số 6). "Các Tu Hội Ðời đã bắt đầu thành hình trong tiền bán thế kỷ vừa qua, do một ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Quan Phòng, với mục đích đặc biệt cách trung thành giữa trần thế các lời khuyên Phúc Âm, và chu toàn cách tự do hơn những công việc bác ái mà các dòng tu bị thời thế, hoàn cảnh gây khó dễ hay hoàn toàn ngăn cấm không cho thực hiện được... Các Tu Hội Ðời cũng chứng tỏ rằng mình có thể làm thành một khí cụ rất hữu ích để xâm nhập môi trường và làm việc Tông đồ giữa trần thế". (Tông sắc HTMQP số 9).
* Về hoạt động của Tu Hội Ðời: "Sự phát triển tốt đẹp của Tu Hội Ðời chứng minh ngày càng rõ rệt hơn bằng các Tu Hội Ðời có thể:
- Phục vụ Hội Thánh và các linh hồn cách hữu hiệu.
- Sống mọi nơi mọi lúc đời sống trọn lành thực sự, trong những trường hợp mà đời sống dòng tu theo Giáo luật không thể thực thi hoặc khó thích ứng nỗi.
- Kitô hoá cách thâm sâu gia đình, nghề nghiệp, xã hội nhờ sự tiếp xúc trực tiếp mỗi ngày của một cuộc đời toàn hiến cho việc thánh hoá.
- Làm việc tông đồ dưới nhiều hình thức và đóng những vai trò mà hoàn cảnh, nơi chốn, thời gian khiến linh mục và tu sĩ khó thực hiện được" (Tông sắc HTMQP số 10).
* Về đặc tính của Tu Hội Ðời:
"Tính cách trần thế là lẽ sống của Tu Hội Ðời". "Không những việc tông đồ của các Tu Hội Ðời phải được thực hiện giữa trần thế, nhưng cũng phải thực hiện với những phương tiện trần thế, nghĩa là với nghề nghiệp, hoạt động, hình thức, nơi chốn, hoàn cảnh thích hợp với điều kiện trần thế" (Tự sắc Sau một năm tốt đẹp số 11). "Tu Hội Ðời là ơn quan phòng của Thiên Chúa" (số 6).
Ðức Phaolô VI dạy:
"Tu Hội Ðời là một biến cố rất quan trọng cho cuộc sống hiện tại của Hội Thánh" (Diễn văn ngày 2.2.1972). "Các con là: một cành lá xinh tươi và mạnh mẽ của Hội Thánh trong giây phút lịch sử này, một cánh quân của Hội Thánh đang tiến mạnh giữa trần gian". (Diễn văn 20.9.1972)
21. Mảnh giấy trong chiếc huy chương
* "Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng" như hạt lúa chôn vùi, nát thối để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại. "Tông đồ bằng chứng tích." Lời quả quyết suông không đáng người ta tin tưởng mấy, dù ngọt ngào trau chuốt đến đâu. Tang vật đáng tin hơn. Hình ảnh chụp được, tiếng nói ghi âm được, càng dễ đánh động người ta hơn. Nhưng chính con người sống động bằng xương thịt, nếu cả cuộc sinh hoạt, nếu cả một lớp người, một gia đình cùng sống một lý tưởng, thì chứng tích ấy có một sức mạnh thuyết phục lớn lao biết chừng nào! (ÐHV 322)
Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quý tộc, Sophie Berdanska phải thất nghiệp đói rách, lang thang... Ngày kia gia đình Merston, một gia đình Do Thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên, khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là "nàng không được giảng đạo" cho con cái của ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một giòng chữ, xếp lại và bỏ vào huy chương cha nàng để lại rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy chương ấy, nhưng Sophie nhất định không cho: Bí mật của đời cô mà!
Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình Merston càng ngày càng nên nhu mì, ngoan ngoãn. Cuộc sống đang trôi qua lặng lẽ thì một hôm, họa tai dồn dập xảy tới: Bé Naim đau nặng cả nhà cuống quít đưa bé đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng lại càng nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên, nàng vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ, cho đến khi ba đứa nhỏ trở lại bình thường. Nhưng rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya, dậy sớm: Sophie ngã bệnh và từ trần.
Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Berdanska. Người ta thấy cả gia đình Merston dậy sớm và cùng nhau đến một nhà thờ Công giáo dự Thánh lễ... Phải chăng là phép lạ?
Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, lúc tình cờ mở chiếc huy chương của nàng mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một xó, ông Merston rút ra được một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: "Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn". Ông hết sức bàng hoàng cảm phục. Rồi gia đình của ông cũng thế. Và sau đó, tất cả mọi người đến nhà thờ xin nhận lãnh Bí tích Rửa tội.
Hôm nay, họ đang trên đường đến nhà thờ dự lễ giỗ lần thứ hai của Sophie Berdanska, vị tông đồ trẻ đã mang Tin Mừng đến cho họ bằng một cuộc sống âm thầm, nhưng chan chứa tình yêu, bác ái.