Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


12- Hội Thánh

 

1. "Vì Hội Thánh, vì Hội Thánh!"

* Mỗi khi có ai tỏ ý lo sợ Ngài đau khổ, nhọc mệt, Ðức Phaolô VI luôn luôn trả lời: "Vì Hội Thánh! Vì Hội Thánh!" Con hãy sống và trả lời như vậy (ÐHV 247).

* Phân biệt vấn đề thần học lịch sử và vấn đề khả năng; Ðức Giáo Hoàng không buộc phải là người có nhiều khả năng hơn cả, nhưng bất cứ ai là người Chúa chọn và trao quyền thì con vâng phục vì Chúa "giao chìa khóa Nước Trời" cho người ấy (ÐHV 255).

* Con hãy sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh và hy sinh do Hội Thánh (ÐHV 265).

Trong một bữa cơm thân mật, có người hỏi Ðức Ông Polgallo:

- Ðức Ông là người thân cận Ðức Thánh Cha, vậy có điều gì nơi Ðức Thánh Cha đánh động Ðức Ông hơn cả?

- Dĩ nhiên Ðức Thánh Cha Phaolô VI là một vị Giáo Hoàng rất thông minh và thánh thiện. Nhưng riêng tôi, điều làm cho tôi cảm kích hơn cả nơi ngài là lòng ngài muốn hy sinh vì yêu Hội Thánh. Mỗi khi hòa mình vào đám đông ở Bombay, ở Manilla chẳng hạn, hầu như ngài quên tất cả. Ngài để cho mọi người lôi kéo. Chúng tôi những kẻ có nhiệm vụ bảo vệ ngài, phải lắm phen cực nhọc... Nên những lúc thân mật cha con, chúng tôi vẫn thưa với ngài: "Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con thấy Ðức Thánh Cha vất vả quá, với muôn ngàn lo âu, thức khuya dậy sớm, lắm phen nguy hiểm đến tính mạng. Ðức Thánh Cha để cho đám đông lạ mặt lôi kéo mình như thế, chúng con ngăn cản bảo vệ không nổi. Xin Ðức Thánh Cha giữ gìn sức khỏe cho". Nhưng mỗi lần như thế, ngài đều đáp lại với chúng tôi như một điệp khúc nhỏ nhẹ, dịu dàng: "Tất cả vì Hội Thánh! Vì Hội Thánh!" Nhiều khi chúng tôi mệt lả, ngao ngán, nhưng nhớ đến câu nói của ngài, chúng tôi phải vươn lên theo ngài, không thể bỏ ngài, và cảm phục kính mến ngài hơn!

 

2. Hội Thánh của Chúa

* Nhiều người chê cách tổ chức của giáo triều La Mã. Tôi đồng ý rằng giáo triều La Mã không trọn lành, nhưng tôi xin họ xem thử chính nước họ có hoàn hảo hơn không? Hơn thế, còn phải phân biệt, giáo triều là một cơ quan, không phải là Hội Thánh (ÐHV 252).

* Yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh (ÐHV 253).

* Có người hễ nghe nói đến Hội Thánh là chỉ trích giáo triều ù lì, nhà thờ tốn tiền, nghi thức rườm rà... Hội Thánh đâu phải giáo triều, nhà thờ, nghi thức, hiểu như thế là sai lạc quá! Hội Thánh là toàn thể dân Chúa đang tiến về Nước Trời (ÐHV 254).

Từ ngày thành lập đến nay, Hội Thánh hầu như liên lỉ gặp những thử thách bên trong cũng như bên ngoài.

Thử thách bên trong: hết lạc thuyết này đến lạc thuyết khác nổi lên, hết ly giáo này đến ly giáo nọ xuất hiện:

- Ariô: Năm 321, linh mục Ariô giảng dạy rằng: Chúa Kitô chỉ có một Bản tính, là Bản tính loài người thôi. Quả là sai lạc! Vì thế, năm 325, Công đồng Nicêa đã được triệu tập và công bố một bản tuyên xưng đức tin khẳng định rằng: "Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng Bản tính (consubstantialis) với Ðức Chúa Cha".

- Nestôriô: là Thượng phụ Giáo chủ thành Constantinôpôli, Nestôriô chủ trương rằng: Ðức Giêsu Kitô có hai Ngôi vị là Ngôi vị Thiên Chúa và Ngôi vị loài người, nên Ðức Maria chỉ là mẹ của một con người chứ chẳng phải là Mẹ của Thiên Chúa. Vì thế năm 431, một Công đồng chung nhóm họp ở Êphêsô đã cất chức Nestôriô, kết án mười hai luận đề của ông và khẳng định: Maria là Mẹ của Thiên Chúa (Thêotokos). Ðến ngày 22 tháng 6 năm đó, kinh "Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội" ra đời. Công đồng Êphêsô còn khẳng định thêm: Chúa Kitô chỉ có một Ngôi vị và hai Bản tính.

- Otykô: Chưa hết, một Ðan viện phụ ở Constantinôpôli, đối thủ của Nestôriô, lại đi quá trớn mà quả quyết rằng: Ngôi Lời kết hợp chặt chẽ với nhân tính đến nỗi chỉ còn một bản tính duy nhất là Thiên tính thôi, khiến Công đồng Calcêđônia, năm 451, phải tái khẳng định: Chúa Kitô có hai Bản tính.

- Phêcius: Nhưng từ đời Thượng phụ Phêcius (891), do nhiều nguyên nhân tâm lý, địa dư, chính trị, não trạng, Giáo Hội Ðông và Tây phương đã dần dần tách xa nhau và đến thời Thượng phụ Micae Xêrulariô (1054) thì ly khai nhau hẳn; tất cả các giáo đoàn thuộc nghi thức Hy-lạp đều theo họ, lập ra Chính Thống giáo. Ly giáo này không nhận quyền tối thượng thẩm và ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng Roma.

Ðến thế kỷ XIV, XV ở bên Tây phương, các vua chúa lại nhúng tay vào nội bộ của Hội Thánh. Lúc nào họ cũng tìm cách đặt con cháu mình vào chức vụ Giám mục hoặc Ðan viện phụ để vây cánh thêm mạnh mẽ và nhất là để hưởng bổng lộc của nhà Dòng, nhà Chung. Phần đông các Giám mục và Ðan viện phụ ấy chỉ sinh hoạt ở triều đình, mỗi năm về địa phận hay đan viện vài lần để thu hoạch hoa lợi. Do đó đời sống tu trì sinh ra nguội lạnh, sút kém; hàng giáo sĩ thì không được đào luyện cho đủ khả năng đạo đức.

Các vua chúa còn dùng cả ảnh hưởng của mình để tranh ngôi Giáo Hoàng nữa. Có những thời kỳ vô cùng đen tối: Trong Hội Thánh có hai Giáo Hoàng, không biết ai giả ai thiệt (thế kỷ 14, 15). Hay mấy chục năm liền, các Giáo Hoàng về ở tại Avignon, phải bỏ thành Roma hoang vắng, lạnh lẽo. Giáo sử gọi thời kỳ này là "thế kỷ sắt".

Sang thế kỷ XVI, Hội Thánh lại gặp một cơn khủng hoảng về Ðức tin rất trầm trọng. Nhiều nơi chủ trương theo Giáo Hội Tin lành, không thông hiệp hoặc cấm thông hiệp với Ðức Giáo Hoàng, như các giáo phái:

- Luthêrô (1483-1546): ông là thầy Dòng Augustinô, người Ðức, tính tình hung bạo cứng cổ, nhưng rất thông minh, làm giáo sư luân lý và Kinh Thánh. Vốn sẵn tính bi quan lại bị lương tâm bối rối hành hạ, Luthêrô đưa ra lạc thuyết: Bản tính loài người sau nguyên tội đã ra bại hoại nên mọi hành động đều xấu xa tội lỗi. Muốn được cứu rỗi, chỉ cần tin vào công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, còn mọi cố gắng để lánh tội và tập nhân đức đều vô ích. Nên năm 1521, Ðức Lêô X đã ban hành Tông hiến "Decet Romanum Pontificem" kết án và tuyệt thông Luthêrô.

- Zwingli (1484-1531): Ðồng thời với Luthêrô ở Ðức, Ulrich Zwingli người Thụy sĩ xây dựng lạc thuyết của mình dựa trên quan niệm: ý muốn của Thiên Chúa chỉ được biểu hiện trong Thánh Kinh. Ông từ chối Thánh truyền và các luật lệ của Hội Thánh, khởi xướng lý thuyết Giáo Hội Quốc gia Dân chủ.

- Calvinô (1509-1564): Calvinô cũng chủ trương con người hoàn toàn xấu xa và chỉ chấp nhận hai Bí tích: Rửa tội và Bí tích Thánh Thể. Suốt mười mấy năm liền, ông tổ chức Giáo hội Tin lành ở Thụy sĩ và sau đó đã lan truyền sang các nước Ðức, Thụy điển, Ý, Pháp...

- Anh Giáo: Vì say mê cô hầu Anne de Boleyn, Vua Henri VIII nước Anh đã muốn ly dị vợ chính là Catharine xứ Aragon. Ðức Thánh Cha Clêmentê VII không chấp nhận cuộc toan tính ấy. Nổi tức, Henri bèn lập ra Giáo hội quốc gia, phủ nhận quyền của Ðức Giáo Hoàng. Ðến đời vua Edouard VI (1558-1603) thì họ hoàn toàn ly khai Giáo Hội. Năm 1583, Nữ hoàng Êlisabeth tuyên bố chiếu chỉ: "Một tôn giáo duy nhất": Anh giáo được thành lập.

Trong thời kỳ này, có thể nói Hội Thánh phải hứng chịu một "cơn bắt đạo lạnh". Các vua chúa đã có những thái độ khắc nghiệt như:

* Tịch thu nhà thờ và tài sản của Hội Thánh Công giáo mà trao cho Tin lành. * Giết chết, trục xuất những ai không bỏ Công giáo mà theo Anh giáo, kể cả các vị có chức lớn trong nhà nước như Thánh Thomas More (chưởng ấn), Hồng Y Gioan Fisher.

* Người Công giáo không được giữ một số chức vụ cao cấp như Thủ tướng, tướng lãnh quân đội.

Ðến thế kỷ XIX, XX lại nổi lên những lạc thuyết như: Duy lý, Cải tân với Renau, Loisy... Thời đại hôm nay lại xuất hiện thêm thuyết Tục hoá, những khủng hoảng quyền bính, sự ra đi của nhiều linh mục, tu sĩ.

Nếu là một tổ chức trần thế thì qua bao nhiêu biến cố "tự hủy diệt" như trên, chắc Hội Thánh đã sụp đổ từ lâu rồi. Nhưng cứ mỗi lần có lạc thuyết nỗi lên, Chúa lại cho xuất hiện nhiều người đứng lên bênh vực Hội Thánh: Trong mấy thế kỷ xác định giáo thuyết ban đầu thì có thánh Augustinô (354-430), thánh Basiliô (329-379), thánh Grêgôriô Nazian (325-390), thánh Hilariô (315-369), thánh Athanasiô (295-373)...Những lúc thế quyền vật chất lan tràn vào cung thánh để lủng đoạn thì Thiên Chúa lại sai thánh Ða Minh (1170-1221), thánh Phanxicô Assisiô (1182-1226), thánh Bênađô (1090-1153) nêu gương sống khó nghèo, cầu nguyện để thức tỉnh.

Lúc nhiều bậc vị vọng trong Hội Thánh chỉ đi lại với triều đình vì thuộc dòng dõi của vua chúa, bỏ rơi đám dân nghèo, thì Chúa lại sai thánh Vinh Sơn đệ Phaolô (1581-1660) lập Dòng Bác Ái chăm sóc người cùng khổ, thánh Gioan Lasan (1631-1719) lập Dòng Sư huynh dạy dỗ các trẻ bần dân, và thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), thánh Camillô Lellis (1550-1614) phục vụ kẻ bệnh hoạn tật nguyền.

Khi phải đương đầu với các thế quyền áp đặt đạo Tin lành ở nhiều nước Âu châu Thiên Chúa lại sai thánh Phêrô Canisiô (1521-1597), thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622), thánh Ignatiô Loyola (1493-1556) lập Dòng Tên để chống đỡ Hội Thánh.

Năm 1545, Ðức Thánh Cha Phaolô III đã triệu tập Công đồng Tridentinô để xác định rõ những điểm giáo lý bên Tin lành đã phủ nhận, tổ chức lại đời sống tu trì và việc huấn luyện linh mục trong các chủng viện. Thêm vào đó, thánh Vinh Sơn đệ Phaolô lập Dòng Lazariste, cha Olier lập Hội Xuân Bích, thánh Carôlô Borrômêô (1538-1584) lập Dòng Thánh Ambrôsiô... Tất cả đều nhằm mục đích đào tạo hàng giáo sĩ, thực thi những điểm Công đồng Tridentinô đã quyết định.

Trước những khủng hoảng của thế kỷ XIX và XX này, các Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô X, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II đã can đảm sáng suốt vạch rõ những điểm sai lạc, đồng thời nổ lực canh tân Hội Thánh. Công cuộc sáng chói nhất của các ngài là Công đồng Vatican II mà mỗi người chúng ta đang thụ hưởng những thành quả tốt đẹp như:

* Canh tân đời sống Hội Thánh đối nội cũng như đối ngoại,

* Tiến tới hiệp nhất với các anh em lạc giáo và ly khai,

* Ðối thoại với anh em ngoài Công giáo, anh em vô thần.

Nói tóm, sau mỗi lần khủng hoảng, Hội Thánh lại được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để tiến tới trên con đường canh tân ngày càng tốt đẹp, tươi trẻ và hùng mạnh hơn. (ÐHV 252, 253, 254).

Thử thách bên ngoài:

* Ðừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội Thánh, vì đó là nhiệm thể Chúa Kitô; họ tiếp tục giết Chúa Kitô; không giết Chúa Kitô được nữa, người ta phá Hội Thánh. (ÐHV 251).

* Con tin Hội Thánh vì Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh, và chỉ lập Hội Thánh ấy thôi. Con đau khổ vì những bất toàn nơi bộ mặt nhân loại của Hội Thánh, nhưng con liên đới với những bất toàn ấy. Con nỗ lực để tẩy luyện và thực hiện ý Chúa Giêsu nơi Hội Thánh (ÐHV 268).

- Mới vừa giảng đạo được ba năm, chính Chúa Giêsu, Ðấng sáng lập Hội Thánh, phải bị án chết một cách nhuốc nha tất tưởi. Bấy giờ, các thủ lãnh Do Thái tưởng rằng đạo Công giáo đã bị chôn vùi làm một với Chúa.

- Tiến đến, Hội Thánh mới bành trướng đã phải trải qua 300 năm bách hại khắp đế quốc Roma: Các Tông đồ đều chịu tử đạo, tất cả các Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô đều phải đổ máu mình để minh chứng đức tin. Mãi cho đến năm 313, sắc chỉ Milan về tự do tín ngưỡng mới được ban hành. Ba trăm năm dài đẫm máu ấy đã để lại cho lịch sử và các Kitô hữu một bài học như sau: càng chém giết, càng bắt bớ, thì người ta càng làm đạo Chúa lan rộng mãi, như lời Tertullianô nói "Máu các Thánh Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh con nhà có đạo".

- Ðến thế kỷ VI và VII, làn sóng các dân Man-di lại tràn ngập đế quốc Roma, gây không biết bao điêu đứng, khó khăn cho Hội Thánh. Gót chân của các bô lão Goth, Wisigoth, Normands, Germains, Vandales, Huns... đi đến đâu là gây sụp đỗ tiêu tan đến đó. Nhưng với sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã cảm hoá được, lôi kéo họ trở về.

- Khi hầu hết các quốc gia Âu châu đã trở lại đạo Công giáo, ai cũng tưởng rằng, Giáo Hội sẽ là một gia đình hoà thuận tốt đẹp, nhưng các vua chúa lại muốn xen vào nội bộ của Hội Thánh để tranh giành ảnh hưởng. Họ tìm cách đề cử những Giám mục, Hồng Y, Ðan viện phụ có khuynh hướng theo mình để thu phục nhân tâm, tăng cường uy thế, thụ hưởng bổng lộc. Khiến các Giáo Hoàng phải liên tiếp kiên cường bảo vệ sự tự do của Hội Thánh khỏi những tranh chấp vật chất và trần thế ấy. Lịch sử còn ghi lại những vụ Fréđêric, Barberousse ở Ðức, Philippe le Bet ở Pháp chống đối và dùng vũ lực đối với Ðức Giáo Hoàng nhưng đã không thể làm cho ngài nhượng bộ.

- Ðến thời Cách mạng Pháp (1789-1799), không biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển Thái Bình Dương. Nhưng Hội Thánh không vì thế mà sụp đỗ. Ðến khi Napolêon lên ngôi, ông lại sang Ý bắt luôn cả Ðức Giáo Hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau, vì ngài đã phản đối việc ông ly dị Josephine để cưới Marie-Louise làm vợ. Một hôm vì quá tức giận, Napolêon I đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh: "Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh" Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:"Thưa ngài, chính chúng tôi đây là kẻ ở bên trong Hội Thánh, mà dù với bao gương xấu, tội lỗi, chia sẻ khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh, suốt 19 thế kỷ qua thì sức mấy mà ngài phá tan Hội Thánh được!" Về sau, Napolêon đã phải tuyên bố: "Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đỗ, Hội Thánh vẫn tồn tại!"

- Ðến năm 1820, Cách mạng Tây ban Nha lại giải tán nhiều dòng tu, giết chết khoảng 35.000 linh mục; nhiều vị bị họ vất xuống đất cho xe chạy qua; số Toà Giám mục rút xuống còn 6.

- Trong trận thế chiến thứ hai, Phátxít Ðức cũng giết chết rất nhiều linh mục, tu sĩ. Tất cả đều bị họ tống vào các trại tập trung hoặc đốt trong lò thiêu xác.

- Rồi mới cách đây khoảng 20 năm đế quốc xã hội Trung Hoa, với chủ trương bá quyền bành trướng của Mao Trạch Ðông, lại góp tất cả các Giám mục Trung quốc giam vào các trại tập trung ở miền Bắc, khiến giờ đây có trên 120 địa phận vắng bóng Giám mục. Thật là tàn ác, vi phạm lộ liểu nhân quyền. Chính họ đã đặt ra 45 giám mục cho Hội Thánh tự trị mà không có sự chấp thuận của Toà Thánh. Thế nhưng, chỉ một năm sau cả 45 ông giám mục này, vì không được nhân dân tín nhiệm, nên đã biến mất vào các trại tập trung.

Tóm lại, mặc dù phong ba bão táp không ngừng đánh vào thuyền của thánh Phêrô, thuyền Phêrô suốt 20 thế kỷ vẫn không bị chìm ngập. Giờ đây Nêron đã yên nghỉ dưới nấm mồ; Philippe le Bel, Frédéric Barberousse, Napolêon, Bismark, Mao Trạch Ðông, Hitler đang chu du nơi đâu, trong lúc Hội Thánh vẫn muôn đời đứng vững và luôn luôn nghe vang vảng bên tai câu nói của Thầy mình: "Này Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

 

3. Con đã đọc chưa?

* Sống đạo không phải chỉ để được cứu rỗi; sống đạo không phải chỉ để giải thoát con người. Sống đạo là hiệp nhất với toàn thể dân Chúa trên khắp thế giới, hiệp nhất với Ðầu là Ðức Kitô, và đại diện của Ngài là Ðức Thánh Cha, để tiếp tục sự chết và sự Phục Sinh giải phóng nhân loại. Ngoài sự thông hiệp ấy, như cành nho đã lìa cây, chỉ còn là "công giáo" trong "hồ sơ lý lịch" (ÐHV 256).

* Con công kích cơ cấu, tại sao chính con lại khư khư đòi tổ chức kiểu này, xếp đặt người nọ, lập các ủy ban, tiểu ban, văn phòng! Con giống nhóm tuyên bố: "Ðời nay có bệnh viết tắt như ONU, UNESCO v.v... Chúng tôi cực lực phản đối, và lập hội "Chống viết tắt" tên là ASS (Association sans single). Mâu thuẫn (ÐHV 260).

- Hằng tuần trong buổi triều yết chung vào ngày thứ tư Ðức Thánh Cha đều có giảng giải cho giáo hữu một bài hàm chứa nhiều điểm liên quan đến họ hoặc đến tinh thần của Hội Thánh, của thế giới. Con có khi nào đọc một trong số những bài giảng ấy chưa?

- Công đồng Vatican II đã bế mạc vào ngày 8-12-1965. Và các Ðức Thánh Cha đều nói: "Chương trình chính của triều đại chúng tôi thực hiện Công đồng". Con đã đọc được mấy Sắc lệnh? Suy ngắm được mấy Hiến chế? Tìm hiểu được mấy Sứ điệp? Học hỏi được mấy Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II? Công đồng Vatican II có ảnh hưởng gì đến đời sống của con không? Nếu chính bản thân con mà chưa rõ Công đồng Vatican II thì làm sao các giáo dân tầm thường có thể biến đổi để canh tân theo chương trình của Hội Thánh mà Ðức Gioan XXIII đã gọi là: "Một cuộc Hiện xuống mới" được? Tinh thần con ở ngoài Hội Thánh mà con không hay biết! Thực nguy hiểm!

- Thông điệp "Hoà bình trên thế giới" của Ðức Gioan XXIII đã được Hồng Y Suenen mang qua Liên Sô và được Quốc hội Liên Sô tiếp đón đầy thiện cảm, con đã đọc chưa? Một Hồng Y khác cũng mang Thông điệp ấy sang Liên Hiệp Quốc và được Liên Hiệp Quốc kính cẩn đón chào, thế mà con xem được mấy chữ? Con không đọc trong lúc những kẻ ngoài Công giáo và Vô thần lại nghiên cứu từ lâu và còn tặng giải thưởng Pulitzer cho tác giả thông điệp đó!

 

4. Chứng nhân của Hội Thánh

* Có thứ công giáo vụ lợi, có thứ công giáo lý lịch, có thứ công giáo xu thời, có thứ công giáo danh dự. Chúa chỉ chấp nhận hạng "công giáo trăm phần trăm", "công giáo vô điều kiện", "họ đã bỏ mọi sự và theo Người" (ÐHV 261).

* Trong Hội Thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội Thánh. "Không ai có Thánh Thần mà chống lại Ðức Kitô" (ÐHV 267).

* Hội Thánh của giới trẻ, Hội Thánh của giới già, Hội Thánh của trí thức, Hội Thánh của lao động, Hội Thánh của người nghèo, Hội Thánh của người giàu, Hội Thánh của da vàng, Hội Thánh của da đen, Hội Thánh của phụ nữ, Hội Thánh của nam giới, Hội Thánh của tất cả, Hội Thánh chấp thuận tất cả, Hội Thánh không kỳ thị ai. Kỳ thị và chia rẽ không có chỗ trong Hội Thánh (ÐHV 270).

Ngày nay không ai lại không biết Mẹ Têrêxa thành Calcutta, một nữ tu Bác Ái chuyên việc tông đồ bằng cách phục vụ những kẻ mắc bệnh cùi, ốm đau, cùng khổ, đặc biệt là những người đang hấp hối nằm la liệt trên các hè phố tại Calcutta Ấn Ðộ.

Trước đây, có lần một vị sư Phật giáo nói với Mẹ: "Tôi biết và yêu mến Ðức Kitô lắm, nhưng tôi ghét Hội Thánh của ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở nên nơi hội ngộ để chúng tôi có thể gặp gỡ Hội Thánh của Ðức Kitô"

Sau một năm có dịp cùng làm việc với Mẹ Têrêxa, vị sư đó phát biểu: "Tôi đã quan sát chị. Bây giờ tôi thực sự tin rằng các chị làm việc chỉ cốt để giúp những người nghèo khổ, xấu số nhất. Chúng tôi sẽ dâng cho các chị một ngôi nhà trong khuôn viên chùa chúng tôi để làm bệnh xá miễn phí!"

Nhờ các cuộc hoạt động từ thiện, bác ái, Mẹ Têrêxa đã nhận được nhiều giải thưởng của chính phủ Ấn Ðộ, chẳng hạn như giải "Padna Shri" (Hoa huệ tuyệt vời) năm 1963. Cùng năm đó, chính phủ Philippine tặng Mẹ giải thưởng Magsaysay (giải thưởng dành cho vùng Ðông Nam Á về các công cuộc xã hội). Năm 1971, Mẹ lại được vinh dự lãnh giải thưởng "Hoà bình Gioan XXIII" do chính tay Ðức Phaolô VI trao tặng tại Roma. Gần đây nhất, tháng 10 năm 1979, Mẹ Têrêxa lại được hân hạnh nhận giải thưởng Nobel Hoà bình 1979 là giải thưởng lớn nhất và tiếng tăm nhất thế giới.

Thế nhưng, giải thưởng làm Mẹ Têrêxa thích thú và hãnh diện nhất chính là đưa được nhiều người về với Hội Thánh Công giáo và làm cho nhiều người khác yêu mến Hội Thánh của Ðức Kitô hơn.

 

5. Bức tranh của giáo dân Ðức thời Bismark

* "Phêrô, con là đá, Ta xây Hội Thánh Ta trên đá này, và cửa hỏa ngục mở tung không thắng nổi!" Hai mươi thế kỷ qua, bao nhiêu thăng trầm bao nhiêu biến động, nội công ngoại kích, lắm giai đoạn đến mức tuyệt vọng, nhưng "Hội Thánh Chúa" không phải hội của loài người. (ÐHV 249).

"Thủ tướng sắt", người đó là ai vậy?

Là Thủ tướng Bismark, một nhà độc tài đã thao túng chính trường Ðức quốc thế kỷ vừa qua. Ông đã gây nhiều khó khăn cho Giáo Hội, vì Giáo Hội phản đối đường lối độc tài Phátxít của ông.

Trong những tháng ngày đen tối ấy, giáo dân Ðức đã có sáng kiến in ra một bức hí họa, nhà nào cũng treo, các tiệm hàng thì gián trước cửa kính. Bức hí hoạ ấy trình bày một tên khổng lồ đang hì hục toát mồ hôi để xô một tảng đá xuống biển; bên cạnh đó, một thằng quỷ Satan nhìn nhe răng cười nham nhở và bảo tên khống lồ kia: "Tao đã nhọc mệt suốt 20 thế kỷ mà vẫn chưa làm được, mày là ai mà dám cả gan làm?"

Bismark biết được ý nghĩa của bức hí hoạ thì vô cùng tức tối, nhưng chẳng biết làm sao! Cuối cùng, "đấu tranh văn hoá, Kulturkampi" nhằm chống tôn giáo của ông thất bại, và ông cũng đã nằm xuống như bao nhà độc tài khác trong đắng cay và thất sủng đối với hoàng đế Guillaume. Hai người thù hận nhau đến nỗi trước khi chết, Bismark đã trối với gia đình phải liệm xác ông gấp, kẻo ông phải giáp mặt hoàng đế Guillaume đến... phúng điếu!

 

6. Hội Thánh là tôi

* Không ai phá Hội Thánh vì yêu Hội Thánh (ÐHV 248).

* Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày (ÐHV 264).

Nữ tu đời Ange Hattei, trong tác phẩm "Jesus caritas", có thuật lại câu chuyện như sau: "Trước Công đồng Vatican II, một hôm có người bạn vô thần tôi yêu mến đã nhận định với tôi rằng, Hội Thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản". Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội Thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục lo lắng thụ hưởng và làm giàu... Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông rồi nói: "Tôi đã làm gì anh mà anh hạ nhục tôi như vậy?" Ông ta sững sồ bảo: "Tôi xỉ nhục cô ư? Nhưng tôi đâu có nói gì cô! Không nói gì cô mà cũng chẳng nói gì về một người bạn của cô cả, như linh mục X... hay chị Y... chẳng hạn. Tôi nói đến Hội Thánh cách chung mà!" Tôi trả lời: "Ðúng thế, Hội Thánh cách chung là tôi, Hội Thánh cách chung là tất cả những kẻ mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ; họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly được. Hội Thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy!". Ông bạn từ đó không bao giờ còn thắc mắc với tôi về Hội Thánh. Và nhiều lần trước mặt tôi, ông còn tìm cách làm nổi bật những dấu hiệu tích cực về sự hiện diện của Hội Thánh trong thế giới này nữa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page