Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


10- Chí Khí

 

1. Bát cơm bị vỡ

* Ðừng ham cãi vã sôi nổi, con sẽ ra mù quáng. Ðam mê như mây mù, che khuất ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa (ÐHV 210).

* Ðừng đùng đùng quát mắng khi người khác có lỗi. Hãy nhẫn nại đợi chờ, với lời lẽ dịu dàng và tất cả ý ngay lành, con đạt nhiều kết quả hơn là chửi mắng nhau từng giờ. Thành công cho bản thân con và con chế ngự tính tình của con (ÐHV 217).

* Hãy quay lưng cho hạng người bất nhân, họ rỉ tai con: "Dại gì cho khổ cái đời!" Chúa Giêsu đã đuổi Phêrô: "Satan hãy cút đi!" (ÐHV 223).

Thánh Bênêđictô chào đời năm 480 tại Mercia. Trong thời kỳ đang mải mê theo đuổi việc học, ngài đã nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn ngài vào một khu rừng vắng ở Subiacô cách Roma 40 dặm để sống đời tịch liêu thân mật với Chúa. Và chính tại nơi đây, ngài đã lập nên đời sống Ðan tu, sống cộng đoàn, chiêm niệm và lao động, một lối tu trì lúc đó chưa có ở Âu châu. Ngày nay, tại Subiacô, vẫn còn tất cả di tích của Tu viện nguyên thủy.

Tiếng nhân đức của ngài đồn vang khắp nơi; nhiều kẻ đến xin dâng mình cho Chúa theo luật dòng của ngài đặt. Phần đông môn đồ đều hăng say, quảng đại; nhưng cũng có một số ít không chịu nổi, muốn ngài nới rộng luật đôi chút. Ngài cương quyết giữ vững lý tưởng tu trì. Thấy thế, ngày nọ, có kẻ lén bỏ thuốc độc vào bát thức ăn của ngài; nhưng lạ thay, lúc ngài làm dấu Thánh giá, tự nhiên bát thức ăn ấy vỡ ra. Các kẻ ác tâm kia vội quỳ gối thú lỗi.

 

2. Thiếu phụ can trường

* Người chí khí biết thinh lặng. Ăn nói bừa bãi, thiếu suy nghĩ, gieo rắc chia rẽ, thủ đoạn đó là khí cụ của ma quỉ để hạ đức bác ái (ÐHV 204).

* Người chí khí không tọc mạch dòm ngó việc người khác, nhưng đem tất cả ý chí để biết mình rõ hơn (ÐHV 205).

* Ðừng nói: "Tôi tự nhiên vậy, sửa sao được." Không, đó là những khuyết điểm, con phải "nên người", "nên con Chúa". Những tính ấy bất xứng với con (ÐHV 222).

- Bá tước Chantal đã tử nạn! Tin sét đánh ấy đập vào tai Gioanna Phanxica Chantal. Bà bàng hoàng đến ngất xỉu. Lại thêm một Thánh giá nặng trong đời của bà. Thánh giá thứ nhất Chúa gởi đến là cái chết của mẹ bà vào lúc bà chưa được hai tuổi. Bây giờ lại một Thánh giá thứ hai đúng lúc bà mới 28 xuân xanh. Tuy đau khổ trước cái chết của chồng, người thiếu phụ trẻ tuổi ấy vẫn can đảm, quyết ở vậy nuôi 4 con thơ và ôm ấp lý tưởng chỉ thuộc về Chúa. Chính lòng đạo đức, bác ái và chí khí của bà đã nâng đỡ bà trong cơn thử thách. Hành động sáng chói sau đây là một bằng chứng cụ thể: bà đã tình nguyện mang đứa con của kẻ bắn chết chồng mình đến nhà thờ chịu phép Rửa tội và làm mẹ đỡ đầu cho nó.

Nhờ sự hướng dẫn của thánh Phanxicô de Sales, bà đã dâng mình vào dòng Thăm Viếng và đã hy sinh đóng góp rất nhiều để làm cho Dòng phát triển mọi mặt.

 

3. Một thông điệp bí mật

* Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh nhọc mệt, tránh hy sinh; họ muốn tạo hạnh phúc, tạo một "thiên đàng dành riêng" cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn (ÐHV 196).

* Ðừng cho khiếp nhược là khôn ngoan. Chính vì nhiều người còn ánh sáng "khôn ngoan" kiểu đó mà còn tối tăm chiếm đoạt nhiều môi trường họ không dám mơ ước (ÐHV 199).

* Chúa không sinh con để làm đàn cừu, đàn vịt, nhưng để lãnh đạo môi trường của con. Lãnh đạo là thúc đẩy, là lôi cuốn (ÐHV 214).

Chế độ Phátxít cũng như thuyết phân biệt chủng tộc của Hitler, được quân đội và vũ khí che chở, đang trên đường bành trướng mãnh liệt, thì bỗng dưng phải một tường thành: tiếng nói bênh vực nhân quyền của Hội Thánh Công giáo.

Ðức Thánh Cha Piô XI đã cương quyết nói lên tiếng nói của lương tâm và sự thật. Ngài bí mật cho ấn loát và đưa vào nước Ðức một bức thông điệp lên án sự sai lạc và tàn ác của thuyết phân biệt chủng tộc cũng như của chế độ Phátxít Hitler. Một ngày chúa nhật nọ, bức thông điệp ấy được đọc lên trên khắp nơi toà giảng ở các nhà thờ thuộc lãnh thổ nước Ðức, trước sự bàng hoàng và tức giận của Hitler cũng như của mật vụ Gastapa. Vì sự thật, Ðức Piô XI cũng như toàn thể Giáo Hội Ðức đã sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả, và hậu quả sau đó đã thực sự đến. Ðức Piô XI bị thoá mạ. Nhiều Hồng Y, Giám mục, giáo sĩ cũng như giáo dân nổi tiếng của Giáo Hội Ðức đã bị bắt. Nhưng lịch sử muôn đời sẽ còn khâm phục chí khí và ý thức sứ mạng của Ðức Piô XI.

 

4. Ðứa con yêu của tổ quốc

* Lợi dụng quần chúng để tiến thân, không phải là tư cách người lãnh đạo. Con sẽ làm lãnh tụ xứng đáng nếu con không tránh quần chúng, nhưng tìm đến với họ và liều thân cứu họ (ÐHV 198).

* Va chạm người khác là sự thường. Sống một xã hội không va chạm nhau chỉ có thể là thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn

(ÐHV 211).

* Thời giờ và sức lực là của Chúa, tại sao phí phạm vì những trở ngại dọc đường. Ðại dương bao giờ cũng có sóng, thuyền cứ vững vàng lướt đi, không nghĩ gì đến sóng

(ÐHV 220).

Ðức Cha Mannix, một Giám mục gốc Ái Nhĩ Lan (Irlande), đã được Toà Thánh cử sang làm Tổng Giám mục giáo phận Melbourne (Úc Ðại Lợi). Trong thời kỳ Ailen tranh đấu với Anh quốc để giành lại độc lập, ngài có một thái độ rất quả cảm và một tiếng nói rất uy tín. Ngày nọ theo dự tính, ngài về thăm quê hương Ailen bằng tàu thủy; nhưng khi tàu vừa về đến gần Ailen thì chính phủ Anh quốc cho hải quân ra cản đường với pháp lệnh: "Tổng Giám mục Mannix không được đặt chân lên Ailen mà phải về Anh quốc. Hơn thế, dù ở Anh, Tổng Giám mục cũng không được lên vùng Tô Cách Lan (Scotland) là nơi có nhiều người gốc Ái Nhĩ Lan đang ở". Trước lệnh đó, Ðức Cha Mannix trả lời: "Không được lên Tô Cách Lan thì tôi sẽ lên một tỉnh gần Tô Cách Lan vậy". Sau đó, ngài đã đến New Castle, một tỉnh gần Tô Cách Lan và các nơi khác đều tựu về New Castle để nghe ngài diễn thuyết về bổn phận của người Công giáo đối với nền độc lập của Tổ quốc. Cuộc diễn thuyết thành công không thể tưởng tượng. Các báo chí đăng tải những bài diễn thuyết của ngài sang đến tận Ái Nhĩ Lan, gây nên một bầu khí sôi nổi trong mọi tầng lớp dân chúng.

Một thời gian sau, Ailen giành lại được độc lập nhưng vẫn lệ thuộc một phần vào Anh quốc. Trong Hiến pháp có ghi một điều khoản buộc Quốc trưởng hay Thủ tướng Ái Nhĩ Lan trước khi nhậm chức phải tuyên thệ bảo vệ Anh giáo (Tin lành) và trung thành với Nữ hoàng Anh là người đứng đầu Anh giáo. Trước điều khoản ấy, phần đông các vị Giám mục Ái Nhĩ Lan đều bảo: "Người Công giáo không được tuyên thệ như vậy".

Mà chúng ta biết tại Ailen, 95% dân chúng là người Công giáo, nên các Thủ tướng được bầu lên là người Công giáo, nhưng sau đó ai cũng phải từ chức và nhường ghế thủ tướng cho một ứng cử viên tin lành vì thấy không thể tuyên thệ như hiến pháp đòi buộc. Liên tiếp mấy nhiệm kỳ, các dân biểu Công giáo trong Quốc hội cảm thấy rất phân vân giữa hai điều phải lựa chọn: tuyên thệ thì mắc lỗi, không tuyên thệ thì thiệt thòi cho Tổ quốc.

Ðến một nhiệm kỳ kia, ông Edmond de Valera được bầu lên. Lúc ấy, một bức điện tín từ Úc Ðại Lợi đánh sang cho Quốc hội Ailen, nội dung gọn lỏn: "Khi ta tuyên thệ mà nước Anh biết là ta sẽ không giữ lời, thì được phép tuyên thệ! Ký tên: Tiến sĩ Mannix". Theo lời khuyên, ông Edmond de Valera đã tuyên thệ. Trên ghế Thủ tướng ông đã ra sức hoạt động cho Ái Nhĩ Lan được độc lập hoàn toàn... và quốc hội đã nhất trí bỏ phiếu xoá hẳn điều khoản trên ra khỏi Hiến pháp.

 

5. Tiếng nói của lương tâm

* Người chí khí có tinh thần hy sinh, như viên đường, hạt muối! Chấp nhận tan biến để làm cho thức ăn có mùi vị ngon lành mà không khoe khoang (ÐHV 201).

* Người chí khí có tâm hồn ngay thẳng và cảm thấy đê nhục khi bươi móc việc kẻ khác hoặc sống quanh co (ÐHV 202).

Trước sự đàn áp Tôn giáo một cách khoa học và dã man của Mao trạch Ðông, Ðức Cha Kỳ Ân đã can đảm đọc trên toà giảng nhà thờ chính toà Thượng Hải một bài diễn thuyết nói rõ lập trường đúng đắn của Hội Thánh và của chính ngài. Trong bài ấy có câu: "Nếu có hai linh hồn, tôi có thể hy sinh một, nhưng bởi chỉ có một linh hồn, một lương tâm, nên tôi không thể hy sinh nó với bất cứ giá nào cả... Bản thân tôi có linh hồn và thể xác, linh hồn tôi xin phó thác cho Chúa, hiến dâng cho Hội Thánh, còn thể xác tôi xin trao tặng Tổ quốc..."

Vì trách nhiệm, vị Tổng Giám mục Thượng Hải đã nói lên tất cả sự thật, dù quá biết những cái chi đang chờ đợi ngài. Ngài sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả. Và thật thế, hai ngày sau, ngài bị bắt và mất tích cho đến hôm nay.

 

6. Ở tù trong Chúa

* Trước trở ngại, con hãy đứng vững như một tên khổng lồ. Ơn Chúa không thiếu. Nếu con phải hạn chế hoạt động một thời gian, có cần gì đâu! Việc con làm là việc của Chúa, hơn là việc của con (ÐHV 219).

* Chiếu sáng đời con bằng đức tin và đức ái. Ðốt cháy thế gian với ngọn lửa Chúa đặt trong tim con (ÐHV 226).

* Làm thế nào mà tư tưởng, ngôn ngữ, hành động con khiến người ta phải phản ứng: Con người này đã say mê một cuốn sách: Phúc Âm, đã bị lôi cuốn bởi một lý tưởng: Cuộc Ðời Chúa Giêsu (ÐHV 227).

Trong thời gian bị cầm tù, mục sư Wurmbrand người Roumanie phải ở dưới một cái hầm tối tăm, lạnh lẻo. Khổ hơn nửa là phải ăn uống và làm mọi việc vệ sinh tại chỗ! Các bạn tù với ông la lết trong đó, cuối tuần mới được phép quét dọn. Ông đã chịu lắm nhục hình. Có lần lính gác bắt ông ăn phân, ông xin được phép ăn phân của mình nhưng họ không chịu, bắt phải ăn phân của người khác.

Suốt 17 năm tù ngục như thế, mục sư Wurmbrand vẫn kiên trì, dũng cảm, trước sau như một. Ông luôn hăng hái phục vụ các bạn tù, động viên tinh thần họ, cư xử với mọi người trong tâm tình bác ái, yêu thương. Bí quyết của ông: Tôi đang ngồi tù với Chúa. (Sau khi được trả tự do, ông cho xuất bản một cuốn sách được dịch sang tiếng Pháp, nhan đề: "Mes prisons avec Dieu".)

 

7. Cậu bé can đảm

* Con phải tập "biết từ chối", "biết nói không" (ÐHV 224).

* Nghiêm trang và vững vàng, cử chỉ bên ngoài phải chiếu dọi tâm hồn bên trong: tâm hồn bình an, tự chủ của con, không trẻ nít lúng túng hồi hộp (ÐHV 228).

Thời Cách mạng Pháp, Giáo Hội bị bách hại dữ dội. Một hôm cha xứ Bretagne cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ, là gia đình của cậu Benjamin. Cậu bé rất sung sướng vì đây là lần đầu tiên cậu được giúp lễ, cậu theo cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt. Bỗng có tiếng xì xào... một toán lính đang tiến lại... Cha xứ vội trao Mình Thánh Chúa cho cậu Benjamin rước, dù cậu chưa được rước lễ vỡ lòng! Cha cũng trao cho cậu giữ luôn cả Mặt Nhật, rồi cả hai chia tay nhau, mỗi người chạy một ngả. Vì còn nhỏ, chạy yếu, Benjamin bị toán lính bắt được. Một lát sau, cha xứ cũng bị bắt. Chúng tra hỏi cha: "Mày cất dấu Mình Thánh Chúa ở đâu? Cha một mực im tiếng. Tức giận, chúng bắn cha chết tại chỗ. Lục soát một hồi cũng chẳng thấy Mình Thánh Chúa đâu, chúng liền quay sang Benjamin: "Chắc chắn mày đang giữ Mình Thánh Chúa, đưa ngay cho tụi tao kẻo thiệt mạng", Benjamin vừa can đảm vừa ngây thơ trả lời:

- Mình Thánh Chúa tôi đang còn giấu...

- Ở đâu?

-...trong lòng tôi, các ông mổ ra mà lấy!"

Ðiên tiết, bọn lính giết liền Benjamin tại chỗ, bên một cây sồi cổ thụ. Mấy năm sau, Giáo Hội Pháp được bình yên trở lại. Một cơn bão làm đổ cây sồi cổ thụ. Dưới gốc cây bị trốc lên, người ta tìm thấy hai xác: trên xác cậu bé, Mặt Nhật còn đó, sáng ngời.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page