Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


09- Quả Tim

 

1. Quả tim của con người trở lại

* Con cảm thấy quả tim con yếu đuối. Các thánh cũng như con. Nhưng nhờ vậy họ mới làm thánh: nhờ ơn Chúa và ý chí (ÐHV 181).

* Con dâng cho Chúa một quả tim, trong đó đủ mọi thụ tạo chen nhau chiếm chỗ, rồi con bảo Chúa nhận và giữ quả tim ấy sao? (ÐHV 182).

Sau khi con tim mình bị Chúa chiếm đoạt, Augustinô đã trở thành một Kitô hữu, một tu sĩ và là một Giám mục thánh thiện, lừng danh. Ðặc biệt trong quãng thời gian làm Giám mục thành Hippone (Phi châu), Ngài đã thể hiện một tinh thần khiêm tốn và huynh đệ tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền Ngài. Thánh nhân qua đời năm 430, hưởng thọ 76 tuổi, để lại nhiều bộ sách quí giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh Kinh.

 

2. Hai nàng trinh nữ

* Ðừng để tháng ngày làm cho quả tim già nua. Hãy yêu thương với một tình yêu ngày càng mãnh liệt, mới mẻ, trong trắng hơn: tình yêu Chúa đổ vào quả tim con (ÐHV 178).

* Ngần ngại gì? Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xiềng vàng, để tiến lên. Cuối đường có Chúa đón chờ con (ÐHV 179).

Clara là một thiếu nữ rất xinh đẹp, chào đời 16.7.1194 trong một gia đình quyền quí tại Alexandriô, miền Ombri, nước ý. Năm 16 tuổi, quả tim tươi trẻ ấy đã can đảm lìa bỏ gia đình để tận hiến cho Chúa Kitô. Nàng không ngần ngại cắt đứt mái tóc óng-ả của mình để trở thành một tu sĩ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Phanxicô khó khăn. Ngài đã lập dòng các Nữ tu tận hiến cho Chúa (Clarisses) và qua đời 11.8.1253 trước sự thương tiếc của mọi người.

Thánh Rosa thành Lima cũng thế. Dầu được mọi người trong gia đình chiều chuộng, ngài vẫn luôn tỏ ra thùy mi, đơn sơ từ lời nói cho đến cách ăn mặc. Ðể giữ mình trinh khiết, ngài đã mặc áo dòng ba Ða-minh lúc vừa 22 tuổi. Từ đó ngài bắt đầu sống một cuộc đời ăn chay nhiệm nhặt, nàng tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và suy gẫm về Thánh lễ. Ngài còn ước ao đi truyền giáo các nơi xa xôi, nhưng vì sức yếu lại thêm gánh nặng gia đình nên không thể thực hiện được ước mơ. Bù lại, ngài hăng hái giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo khổ. Ngày 24.8.1617, Ngài đã qua đời vì bệnh ung thư sau những năm dài say mê với công việc bác ái.

 

3. Quả tim nồng nàn

* Ðừng dâng tim con cho Chúa, rồi tìm quả tim người khác thay vào. Chúa không muốn con chơi "trò ghép tim" ấy đâu (ÐHV 176).

* Chúa muốn tất cả lòng con, Chúa không chấp nhận chia sẻ với ai (ÐHV 186).

Thánh Nữ Maria Madalêna Pazi (Ý) khấn giữ mình đồng trinh ngay lúc mới 10 tuổi. Sáu năm sau, ngài từ hôn với một vị lãnh chúa, và từ giã cha mẹ để hiến thân trong Dòng Kín, sống một cuộc đời hoàn toàn bác ái, khiêm nhường. Ban đêm bà tình nguyện giúp các chị em yếu liệt và làm việc nhà cách kín đáo thay cho chị em...Lòng bà rất sốt sắng kính mến Chúa đến nỗi phải lấy nước lã đắp lên ngực mới chịu nổi...! Bà thường cầu nguyện: "Xin cho con được sống để chịu đau khổ vì Chúa, cứ đau khổ mà không chết". Bà qua đời lúc 41 tuổi, năm 1607, sau một thời gian lâu dài trên giường bệnh.

 

4. Hai cái xương sườn gãy

* Các Thánh càng già thì quả tim họ càng tươi trẻ (ÐHV 177).

* Con đổi một quả tim nhàu nát, để lấy Thánh Tâm yêu thương Chúa sao được? (ÐHV 183).

* Con mang quả tim rao bán qua tay mọi người. Khi đã chê chán rồi, con đem dâng cho Chúa! Chúa dại hơn con sao? (ÐHV 185).

Thánh Philipphê Nêri (1515-1595) có một quả tim yêu thương linh hồn người ta rất tha thiết. Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả thời giờ để ngồi tòa giải tội. Với nếp sống bình dân, dễ mến, ngài đã gây được ảnh hưởng trên nhiều người. Không ai quên được câu nói của ngài: "Với kẻ yêu mến Chúa thì không có gì nặng nhọc, mệt mỏi, nhưng đầy hân hoan trong nguồn suối chân thật". Trước tình trạng sa đọa trong Hội Thánh thời bấy giờ, ngài chủ trương: "Người ta chỉ có thể canh tân bằng sự thánh thiện chứ không thể bằng cách nào khác, vì thế ngài đã lập dòng Thăm viếng để góp phần canh tân Hội Thánh. Năm 1593, ngài khiêm nhường từ chối mũ Hồng Y và lui về tu viện sống đời ăn chay cầu nguyện. Quả tim ngài luôn bùng cháy lửa yêu mến Chúa và các linh hồn đến nỗi Chúa làm phép lạ cho hai cái xương sườn bên cạnh quả tim gãy và nổi cao lên rõ ràng trên lòng ngực.

 

5. Nên thánh nhờ một thây chết

* Cứ mỗi lần con lại nói: "Phải mà tôi đã dứt khoát từ đầu!" Mong con đừng còn phải nhắc lại lời hối tiếc muộn màng ấy. (ÐHV 180)

* Con nói: "Ðây là những tình bạn nâng đỡ tôi." Hãy xem nếu không tiến lên thì đó chỉ là gánh nặng đè bẹp con xuống. (ÐHV 184)

- Tôi đã đánh mất mọi sự, chỉ trừ Ðức Tin.

Câu nói ấy đã được thốt lên từ đôi môi của một cô gái hoang đàng, trụy lạc tên là Marguerite de Cortone. Trong suốt chín năm trời, sau cuộc tái hôn của thân phụ, cô Marguerite luôn sống dầm dề trong tội lỗi... Nhưng rồi một ngày kia, Thiên Chúa đã đánh động con tim hoang đàng của cô bằng một quang cảnh ghê rợn: ở một góc rừng, Marguerite rất đỗi bàng hoàng xúc động khi đứng trước thi thể thối tha của người yêu. Nàng tự hỏi: "Sau đó còn lại gì, lạy Chúa, và rồi cô gái trụy lạc ấy đã trở về lại với gia đình, xin lỗi thân phụ, tròng một giây thừng vào cổ để tỏ dấu ăn năn thống hối. Ðoạn nàng đến xin các tu sĩ dòng Phanxicô hướng dẫn, và sau ba năm đầy thử thách với nhiều đêm dài miệt mài khóc lóc đền tội, Marguerite đã khoác lên mình bộ tu phục dòng ba Phanxicô... Sau đó, nàng biến nhà mình thành một bệnh xá vừa săn sóc các bệnh nhân vừa lao động sản xuất nuôi họ. Ma quỷ dùng trăm phương ngàn kế để cám dỗ Marguerite nhưng nàng đã mãnh liệt chống trả. Ơn Chúa tuôn xuống như mưa trên nàng, nhất là ơn làm cho tội nhân ăn năn trở lại.

 

6. Dẫn lực của một tâm hồn

* Các Thánh bỏ mọi sự, nhưng các Thánh đi đâu, thiên hạ theo đến đó: xem Thánh Vianney, Cha Piô...(ÐHV 189)

- Tôi tín nhiệm cha mới sai cha đến xứ Ars, một xứ chẳng có lòng đạo đức bao nhiêu.

Nghe lời đó thốt lên từ miệng vị Giám mục. Cha Vianney không nản lòng, trái lại vẫn một mực tin cậy vào Chúa. Khi về nhận sở, cha thấy lời Ðức Giám mục quả không ngoa. Chẳng một ai đón tiếp, Thánh lễ đầu tiên chỉ một vài kẻ tò mò đến dự. Ngày Chúa nhật cả con nít lẫn người lớn đều đi làm chẳng ai màng đến Thánh lễ với ông cha. Thấy giáo dân khô đạo, xa Chúa như thế, cha Vianney rất đau khổ và tìm mọi cách để gần gũi họ. Chiều chiều, người ta thấy bóng cha lang thang ngoài đồng, thăm hỏi cười vui với nông dân. Nhờ thế, một thời gian cha con hiểu nhau, quý mến nhau tin cậy nhau. Người ta rất đổi ngạc nhiên trước sức hấp dẫn kỳ diệu phát xuất từ con người đơn sơ ấy. Ngài ngồi ở toà giải tội hàng giờ. Thành phần những người đi xưng tội thuộc đủ mọi giáo xứ, mọi địa phận và cả mọi quốc gia nữa! Cái gì thu hút họ đến thế? Thưa: quả tim của cha. Cha Vianney có quả tim tràn đầy tình yêu Chúa và những kẻ tội lỗi. Nhiều người đàn ông cứng cỏi ban đầu đến cố ý để chỉ trích chế nhạo ngài, đến sau đều phải thú nhận "từ nơi cha có một sức gì quá ư mãnh liệt khiến tôi không thể không vào toà giải tội, xưng hết các tội lỗi, rồi trở về đổi mới hân hoan!". Cả các Hồng Y, Giám mục cũng bị thu hút đến xưng tội và ban trưa tới ngồi ở ghế giáo dân nghe cha Vianney dạy giáo lý nữa! Một linh mục dốt nát nhất dạy cho hàng vị vọng trong Hội Thánh.

Vào những năm cuối đời, người ta không còn nghe rõ tiếng cha nữa, chỉ thấy môi cha mấp máy; chốc chốc cha lại chỉ tay vào nhà chầu, nước mắt chảy ròng ròng... cả nhà thờ thấy thế đều cảm động. Người ta tuôn đến xứ Ars để xưng tội càng ngày càng đông. Nhà nước phải đặt một đường xe lửa chạy dài đến thôn trang hẻo lánh ấy, lập thành một ga mới để phục vụ khách hành hương. Cha Vianney qua đời ngày 4.8.1859. Hơn một trăm năm sau, khách hành hương vẫn không ngớt kéo về Ars để nhìn ngắm chiếc giường đơn sơ và đôi guốc gỗ, suy gẫm những bài giảng với nét chữ nguệch ngoạc còn sai lỗi chính tả của cha. Quả như một lời danh nhân đã nói: "Tài năng tuyệt tác chỉ khiến người ta đứng ngoài mà thán phục, nhưng quả tim vĩ đại lại thu hút người ta vào bên trong". Mà quả tim nào vĩ đại bằng quả tim các Thánh?

 

7. Sức hút lên cao

Cha Abel là một tu sĩ rất đạo đức thánh thiện. Dù tu viện của Ngài ở tận trên cao chóp núi Liban (xứ Libia), đường đi trắc trở, thế mà ngày ngày tội nhân trên khắp xứ đều tuôn về đó để xưng tội. Khi ngài đã ly trần, người ta còn kéo nhau đến bên mồ ngài cầu nguyện, xin ơn.

 

8. Chinh phục bầy ngựa hoang

* Dùng tình yêu để làm tông đồ, một cớ rất hay! Nhưng hãy xét lại, bây giờ chỉ còn tình chứ không còn gờ-ram nào tông đồ nữa. (ÐHV 192)

Lúc còn là linh mục trẻ, cha Thánh Gioan Boscô thường hay ra vào trại cải huấn thăm viếng các chú bé bị giam. Ngày kia, ngài đến gặp ban giám thị trại và đề nghị: "Tôi xin ban giám thị cho phép tôi đưa các em đi cắm trại một ngày ngoài trời để chúng tự do, thoải mát đôi chút". Cả ban giám thị nhìn nhau ngớ ngẩn. Xưa nay có ai đề nghị như thế bao giờ! Lỡ ra mấy trăm tù nhân nhóc con ấy bỏ chạy tán loạn thì chết cả lũ!

- Không được đâu cha! Tụi nó trốn hết.

- Xin các ông cứ tin tưởng vào tôi. Tôi sẽ dẫn đi trong trật tự, trả về đủ số, không thiếu mất một người!

- Thiếu thì sao?

- Tôi xin ở tù thay. Mà chắc không thiếu đâu. Trái lại tôi hy vọng sau khi trở về chúng sẽ vui vẻ tử tế hơn, các ông điều khiển càng dễ...

- Xin lỗi cha, nếu không quen năng gặp cha ra vào trại giam này mấy năm qua, chúng tôi đã tưởng cha là một thằng điên hoặc mát mát tốc tốc làm sao ấy. Nguy hiểm lắm cha à!

Cha Boscô cứ dai dẳng năn nỉ một hồi, ban Quản đốc ưng ý nhưng với một điều kiện: sẽ cho đội lính đi bọc hai bên. Cha Boscô không chấp nhận điều kiện, cương quyết chỉ có mình ngài dẫn đi. Sau hết họ xiêu lòng, đánh bạo cho phép.

Rồi ngày chúa nhật trù định đã đến. Cha Boscô sắp các tù nhân trẻ tuổi thành đội, mỗi đội có một đội trưởng phụ trách. Cửa tù mở rộng. Các tù nhân hớn hở đi ra. Vượt khỏi thành phố Torinô, họ đến một khu rừng mát mẻ, soạn lều cắm trại, dọn bếp nấu ăn, thi đua thể thao, hát hò văn nghệ thoả thích... Thật là một khung cảnh ngoạn mục! Cha Boscô lăng xăng giữa họ đùa chơi, chuyện trò hay khuyên bảo.

Trời càng về chiều, ban Giám thị càng hồi hộp nhìn đồng hồ, mặt mày tái mét bảo nhau: "Dại dột quá! Không chừng chết cả lũ!" Bỗng thấy nghe tiếng đàn tiếng hát từ xa vọng lại. Họ thở phào nhẹ nhỏm. Cửa tù lại mở rộng. Các tù nhân theo hàng ngũ tiến vào. Ban Giám thị giở sổ điểm danh: Không thiếu một mống!

Mấy ngày sau, ban giám thị mở một cuộc điều tra. Tất cả các tù nhân trẻ đều trả lời: "Cha Boscô yêu thương chúng tôi. Chúng tôi yêu thương cha Boscô. Bởi thế nhiều lần chúng tôi muốn đào tẩu, nhưng nhìn ngài, chúng tôi không thể nhẫn tâm được!" Gặp lại cha Boscô, ban giám thị bắt tay ngài và nói: "Cha làm cho chúng tôi một phen hú hồn, mất vía! Nhưng chúng tôi hết sức cảm phục cha. Cha đã trao quả tim cho họ và chinh phục quả tim của họ cho cha. Chứ chúng tôi đây, với mấy vòng gác, hàng rào, khoá sắt, chó berger, bóng đèn pha, trăm người lính gác... mà tháng nào cũng có đứa trốn được?"

 

9. Một quả tim vĩ đại

* Bao nhiêu mối tình vẩn vơ vấn vương, hay nhiều vòng xích buộc con không bay lên cao được (ÐHV 193).

* Không phải tổng số hoạt động là quan hệ, nhưng chính cao độ của tình yêu nó biến đổi hành động của con mới quan hệ. (ÐHV 194).

Là một cô gái yếu đuối, chỉ sống đến 24 tuổi, ở trong kín cổng cao tường của Dòng Kín Carmêlô, Têrêxa Hài Ðồng Giêsu vẫn có một quả tim tràn đầy nguyện vọng cao cả. Cô đã ghi lại trong "Truyện một tâm hồn" như sau: "Lạy Chúa Giêsu, được nên bạn Chúa, được làm nữ tu nhà Kín, được làm mẹ các linh hồn bằng sự phối hợp với Chúa, những sự đó đáng lẽ đủ cho con rồi. Nhưng con cảm thấy trong con còn có những ơn kêu gọi khác nữa: ơn kêu gọi làm chiến sĩ, làm linh mục, làm tông đồ, làm tiến sĩ, làm thánh Tử đạo. Con muốn được hết những việc anh hùng nhất, con muốn can đảm như một nghĩa quân, con muốn hy sinh trên bãi chiến trường hầu bênh vực Hội Thánh. "...Con muốn soi chiếu các linh hồn như các thánh Tiên tri, các Thánh tiến sĩ. Con muốn chạy rảo cùng trái đất rao giảng danh Chúa và trồng Thánh giá vinh hiển của Chúa trên đất ngoại đạo... Nhưng một sứ mệnh đó mà thôi thì cũng chưa đủ cho con, con muốn một trật rao giảng Phúc Âm trong các miền trên thế giới, cho đến tận những cù lao xa xôi nhất. Con muốn làm thừa sai, nhưng không phải chỉ trong một ít năm, mà con muốn làm từ thuở tạo thiên lập địa và tiếp tục cho đến tận thế...

"Ôi! Ðiều con muốn hơn hết là được Tử đạo. Tử đạo đó là sự con ước ao từ lúc nhỏ. Sự ước ao đó đã lớn lên trong con nơi phòng nhỏ hẹp của Dòng Kín. Nhưng càng điên dại hơn nữa, là không phải con chỉ muốn chịu một thứ hình khổ mà thôi; còn chịu tất cả mọi giống hình khổ thì mới thoả mãn ý con.

"Như Chúa, ôi Bạn đáng kính thờ, con muốn bị đánh đòn và chịu đóng đinh. Con muốn chết bị lột da như thánh Batôlômêô.

"Con muốn như Thánh Gioan bị bỏ vào vạc dầu sôi; con muốn như thánh Ignatiô bị răng các thú dữ nghiền nát để nên bánh xứng đáng dâng lên Chúa trời. Con muốn giương cổ cho lý hình chém, như thánh Agnès và Thánh Cêcilia; và như Thánh nữ Jeanne d'Arc, con muốn kêu tên Giêsu trên đống lửa hồng.

"Khi tư tưởng con nhớ đến những khổ hình chưa hề thấy giữa những người có đạo với nhau trong thời quỷ vương, thì lòng con cũng bắt nhảy mừng, con muốn những khổ hình đó được dành để cho con. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy mở cuốn sách hằng sống ghi lại những việc lành của tất cả các thánh cho con thấy. Những việc làm đó con cũng muốn làm tất cả vì Chúa.

"Với những ý nghĩ điên dại này, Chúa sẽ trả lời làm sao hả Chúa? Ở trên thế gian này có một linh hồn nhỏ mọn và bất lực hơn con nữa không? Song le, chính vì nó yếu đuối bất lực mà Chúa đã thương làm thỏa mãn muôn vàn khát vọng trẻ con của nó; và ngày hôm nay đây, Chúa lại muốn lấp đầy bao nhiêu khát vọng của nó lớn hơn trời cao đất rộng.

"...Lạy Chúa, con không dám ước xin thêm gì nữa, con sợ e sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của những điều ao ước táo bạo của con... Những điều con ước mênh mông, là sự điên cuồng? Nếu thật thế thì xin Chúa soi sáng cho con... và đánh tan nó đi.

"...Ôi lạy Chúa Giêsu, nguyên sự ước ao yêu Chúa đã gây êm dịu ngọt ngào đến thế, thì khi được yêu Chúa thật sự và yêu Chúa đời đời, sẽ còn hạnh phúc êm đềm chừng nào nữa?"

 

10. Quả tim hiếu hoà

* Ngần ngại gì? Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xiềng vàng, để tiến lên. Cuối đường có Chúa đón chờ con. (ÐHV 179)

Thánh Phanxicô Assisiô có tinh thần và cuộc sống rất nghèo khó. Ngài lại khiêm tốn, chỉ xin chịu chức phó tế không dám lãnh nhận chức linh mục. Nhưng dưới lớp áo và dáng vẻ thô sơ ấy che dấu một quả tim hơn vàng, một quả tim tốt đẹp lạ thường mà chúng ta có thể tìm hiểu phần nào trong "Kinh Hoà bình" của thánh nhân:

"Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, để con đem ánh sáng dọi vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu.

"Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

"Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

"Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con. Xin ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình".

 

11. Bầu nhiệt huyết của một sĩ quan

* Không chịu theo ý Chúa, nhưng con đành làm nô lệ, theo ý riêng của người nọ người kia! (ÐHV 190)

* Quả tim và bổn phận? Phải chọn bên nào? Hãy chọn bổn phận và thực hiện với tất cả quả tim. (ÐHV 191)

Lúc quyết định lập Dòng Tên, Thánh Ignatiô Loyola đã lên núi Mont-Serrat, ở trong hang Hanrôse (Tây ban Nha) thinh lặng tĩnh tâm nhiều ngày để chuẩn bị toàn hiến cuộc đời cho Chúa. Ngài trao khí giới dưới bàn thờ Ðức Mẹ, giả từ nếp sống binh nghiệp và bắt đầu thời kỳ tự tập nhân đức (1523). Năm 1534, trên ngọn đồi Montmartre (Pháp), ngài đã cùng chín người bạn cùng đồng chí hướng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đặt nền móng đầu tiên cho Dòng Tên.

Với bầu nhiệt huyết nóng hổi của một cựu sĩ quan, Ignatiô đã quyết tâm trở thành một chiến sĩ can trường của Chúa. Tâm tình ấy biểu lộ trong một kinh mà các hướng đạo sinh khắp thế giới quen đọc:

"Lạy Chúa xin dạy con biết quảng đại, biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự, biết cho mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không cần an nghỉ, biết tận lực mà không cần phần thưởng nào khác ngoài sự nhận biết rằng con đã làm theo thánh ý Chúa. Amen".

 

12. Ảnh hưởng của một con người thánh

Năm 1964, dịp Ðại Hội Thánh Thể tại Bombay (Ấn Ðộ), Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã qua chủ lễ và chính thức thăm nhân dân Ấn độ. Ngài đã chiếm được quả tim mọi người, đa số theo Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, vì đã có một tâm hồn vô cùng quảng đại và tế nhị. Nhân dân Ấn nhắc đến ngài không ngớt, và gọi ngài là Gandhi của Tây phương. Họ còn nhớ mãi những nghĩa cử ngài đã làm trong chuyến viếng thăm ấy: như không dùng phi cơ riêng mà chỉ đáp máy bay của hàng không Ấn với tấm vé của một du khách thường, như tặng 5000 đô la cho gia đình của một phóng viên Ấn bị giết vì tai nạn xe cộ trên đường hành sự; như ngồi ăn chung trên một ghế băng với các cô nhi và với khẩu phần của chúng; như tặng nguyên chiếc xe hơi Lincoln (xe chính thức của ngài) cho Mẹ Têrêxa để rồi chỉ dùng một chiếc xe Jeep đi đây đi đó thăm viếng; như ký chi phiếu hơn 500 triệu francs để giúp cho các kẻ nghèo, như nhờ các phóng viên đăng tải lời kêu gọi các nước giàu có hãy để ra một phần ngân sách giúp đỡ các nước kém phát triển. Ngài chỉ qua Ấn hơn một tuần, nhưng để lại trong lòng dân Ấn nhiều kỷ niệm sâu đậm. Như các bác tài xế taxi nọ từ chối chạy trên một số đường vì theo lời bác nói, đó là đường thánh, bởi Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã đi qua. Như một bác tài xế khác, trong khi đi mua hơn 4000 chiếc gường và 4000 chiếc chăn với số tiền do Ðức Thánh Cha gởi tặng các cô nhi của Mẹ Têrêxa, đã bị cảnh sát bắt vì lái xe vô một con đường ngược chiều. Ðược biết bác đang đi mua quà cho Ðức Thánh Cha tặng kẻ nghèo, viên cảnh sát tha ngay không phạt nữa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page