Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
08- Hy Sinh
1. Thập giá đời tu sĩ
* Hy sinh và nguyện ngắm đi đôi: nếu con không hy sinh, con đừng phàn nàn vì nguyện ngắm nguội lạnh (ÐHV 148).
* Con phải hy sinh nhiều khi sống giữa những người khác chính kiến con, khác địa vị con, khác lý tưởng con. Hãy xem gương Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài sống giữa loài người tội lỗi, 33 năm hy sinh liên lỉ (ÐHV 149).
* Nếu con không hy sinh bên ngoài, không ai tin con hy sinh bên trong. Hy sinh giác quan rất quan hệ, Ðavid đã sụp đỗ vì không giữ mắt (ÐHV 160).
Thánh Louis de Gonzaga là một tu sĩ dòng Tên sống đời trinh khiết, siêu việt như thiên thần. Tuy nhiên, vì vẫn là con người, nên ngài không thể không cảm thấy thấm thía những Thánh giá do đời sống cộng đoàn đem lại: đó là những xích mích, va chạm không làm sao tránh khỏi. Và ngài đã chấp nhận vác lấy cách khiêm tốn, vui tươi, coi đó là một dịp đền tội, như lời Ngài nói: "Việc đền tội lớn nhất của tôi là đời sống cộng đoàn, Mea maxima poenitentia, vita communis".
2. Những hy sinh của vị Thánh Nhỏ
* Gặp một người làm khổ, con có thể có hai thái độ: "Người này hại tôi; người này thánh hóa tôi" (ÐHV 150).
* Ðừng hy sinh kiểu biệt phái, hãy hy sinh theo Phúc Âm (ÐHV 154).
* Không hy sinh nơi những việc nhỏ, con sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn lao (ÐHV 164).
* Ðể thúc đẩy con, mỗi lần hy sinh, con định rõ một mục tiêu: cứu một linh hồn; dâng cho một bệnh nhân; cầu cho Hội Thánh ở một địa phương gây cấn (ÐHV 165).
Trong truyện "Một tâm hồn", Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu có thuật lại một hy sinh rất đẹp của Thánh Nữ: "Một lần kia tại nhà giặt, con ngồi giặt đằng trước mặt chị. Chị này giặt khăn tay, chốc chốc lại làm bắn nước bẩn vào con. Thoạt đầu con muốn lùi ngay lau mặt cho chị ấy biết để đừng làm bắn nước bẩn vào con nữa. Nhưng nghĩ lại như thế là dại, vì bỏ mất những hạt ngọc người ta tặng mình một cách đại lượng, và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa, con lại cố nén mình để ước ao nước bẩn ấy bắn lên con rất nhiều. Qua nửa giờ con đã cảm thấy sự vui thú được vấy nước bẩn. Con định bụng hể sau này có dịp lại đến chốn đất lành ấy để được một cách làm giàu không mấy khó khăn".
Nơi khác, ngài còn nói: "Với lòng kính mến Chúa, thì dù cúi xuống nhặt một cái kim nhỏ, ta cũng cứu được một linh hồn".
Một lần nọ, chị coi nhà liệt khuyên ngài mỗi ngày nên đi bách bộ ngoài vườn 15 phút. Ngài coi lời khuyên đó như một mệnh lệnh. Bữa kia vào lúc quá trưa, một chị trông ngài bước đi khó khăn quá, mới thương hại bảo rằng:
- Chị về nằm nghỉ có lẽ lợi hơn đi bách bộ, đi như thể chỉ thêm mệt.
Ngài thưa lại:
- Vâng, chính thế! Nhưng chị có biết em lấy sức gì để đi được như thế chăng? Em đi để làm ích cho một vị truyền giáo, với ý nghĩ: ở cõi xa xăm kia, có vị truyền giáo dường như đã kiệt sức vì mãi miết theo đuổi công cuộc mở mang Nước Chúa; em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để vị tông đồ ấy đỡ nhọc mệt.
3. Một chứng tích tình yêu
* Hy sinh con, đừng hy sinh kẻ khác (ÐHV 158).
* "Vì Chúa yêu thương môn đệ, Ngài đã yêu thương đến cùng!" Tận cùng ấy là Thánh giá. Hy sinh của con phải trọn vẹn, phải là lễ toàn thiêu, nếu "yêu tận cùng" (ÐHV 161).
* Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm? (ÐHV 171).
Cha Maximilien Kolbe, người Ba lan, là một tu sĩ Dòng Phanxicô rất hăng say hoạt động. Ngài đã tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật, đặc biệt chuyên ngành ấn loát sách báo để truyền giáo, người cũng đã có dịp ghé qua Sài gòn, nhưng vì bệnh lao phổi, phải trở về Ba lan điều trị. Tại quê nhà, M. Kolbe vừa chữa bệnh vừa hoạt động không ngừng. Ngài dùng sách báo để truyền bá lòng sùng kính Ðức Mẹ. Ngài quá trông cậy, kính yêu Ðức Mẹ đến nỗi được người ta gán cho biệt hiệu: "Người con điên của Ðức Mẹ ".
Lúc Phátxít Ðức chiếm đóng Ba lan, chúng thấy ảnh hưởng ngài trên quần chúng quá mạnh nên đã tống ngài vào ngục.
Ngày nọ, trại giam của ngài có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của Phátxít Ðức: hễ một tù nhân trốn thoát, mười người tù khác phải đền mạng.
Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng và khiếp đảm. Viên sĩ quan coi tù ngục vừa giận dữ rảo bước vừa đưa tay chỉ định: tên này.... tên này... Ai lâm vào sổ đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tên kêu thất thanh: "Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ".
Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm nghị. Viên sĩ quan Ðức quát hỏi:
- Mi là ai?
- Maximilien Kolbe, linh mục Công giáo!
- Mi muốn gì?
- Tôi xin nguyện chết thay cho anh bạn tù này (ngài đưa tay chỉ vào người vừa la thất thanh), vì anh còn con thơ và vợ dại.
- Muốn ngu thì cho ngu! Vào sắp hàng thế, còn tên kia được tha!
Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục... Viên sĩ quan Ðức hô lớn: "Sắp sẵn! Ði!". Mười người lặng lẽ đi vào phòng giam đói của nhà ngục. Theo lời các tù nhân thuật lại, thường những kẻ bị giam đói khóc lóc chửi rủa cho đến khi tắt hơi. Cha M. Kolbe luôn miệng khuyến khích, thúc giục mọi người cầu nguyện. Các tù nhân bên ngoài nghe tiếng họ hát và đọc kinh, ban đầu lớn, càng về sau càng yếu đi, rồi đến một lúc thì hoàn toàn im lặng. Ngày thứ mười hai, cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân hình tàn rũ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đổ vào lò đốt.
Mấy mươi năm sau, vào năm 1972, Toà Thánh đã tôn phong ngài lên bậc Chân phước, sau khi cứu xét kỹ lưỡng các nhân đức anh hùng của vị linh mục. Giây phút cảm động nhất trong Thánh lễ do Ðức Phaolô VI chủ tế trong buổi lễ tôn phong ấy là hồi dâng lễ vật: một đoàn người tiến lên mang bánh, rượu, nến và hoa hồng trắng đỏ: hoa hồng trắng chỉ sự trinh khiết, hoa hồng đỏ chỉ sự hy sinh tử đạo. Ðoàn người dâng lễ gồm có người Ba lan, đồng hương của ngài, và vài thiếu nữ mặc quốc phục Nhật Bản, nơi ngài đã đến truyền giáo. Cảm động hơn cả là lúc Ðức Thánh Cha ôm hôn ông già bưng cái chén thánh tiến lên: đó chính là tù nhân đã được cha Kolbe thế mạng. Trong lúc ấy, toàn thể cộng đoàn hát vang khúc tình ca: "Không có tình yêu nào cao quý bằng chết thay cho bạn hữu". Chứng tích sờ sờ trước mắt khiến nhiều người hôm ấy không cầm nổi giọt lệ...
4. Cha Ðamien Tông Ðồ người hủi
* Nếu biết chế ngự bằng hy sinh: hồn và xác con là hai người bạn đoàn kết và vô địch. Nếu không biết chế ngự: hồn và xác con là hai kẻ thù không bao giờ lìa xa nhau được (ÐHV 168).
* Có những người hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh; có những người không hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh; có những người hy sinh luôn mà không muốn ai biết mình hy sinh (ÐHV 170).
* Con có thể hy sinh mạng sống, hy sinh cả cuộc đời, vì hy vọng chan chứa với Chúa Giêsu: "Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời, Người sẽ trở lại trong vinh quang... Nước Người sẽ không bao giờ cùng" (ÐHV 174)
Cái đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái-bình-dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui mày lở, răng rụng...
Một hôm, Ðức Giám Mục đặc trách quần đảo gióng tiếng kêu gọi các linh mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khỏe mạnh hăng hái đáp lời: đó là cha Ðamien, người về sau được thêm biệt danh: "Tông đồ người hủi".
Chiều hôm đó, trong nhà thờ đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Ðức Giám mục đứng trên bàn thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: "Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến cùng các con, thì đây, cha Ðamien, một linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không?"
Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Ðamien đứng cạnh Ðức Giám mục chẳng hiểu tí nào. Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Ðamien càng nhìn thấy họ đến gần càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên Cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha... Cha hỏi Ðức Giám mục: "Họ làm gì thế? Nói gì thế?" Ðức Cha trả lời: Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như Cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mãnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: "Không, cha đẹp quá!"
Dần dần, cha Ðamien hòa đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài đã quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi!
Một ngày kia, đến lượt cha cũng mắc bệnh hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình cha mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu. Bà hỏi con cháu: "Hình ai đây mà trông ghê sợ vậy?" Con cháu trả lời: "Một người hủi bên đảo Molokai của anh Ðamien đấy!" Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ.
Cha Ðamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.
5. Viên đá đầu tiên dính đầy máu đỏ
* Thiên hạ nói: "Người này là mối họa cho tôi!" Con phải nói: "Người này là khí cụ Chúa dùng biến đổi tôi!"(ÐHV 151).
* Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa "bỏ mình vác thánh giá" thì chưa "theo Thầy" được. Ðó là điều kiện tiên quyết (ÐHV 157).
* Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm của người và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình (ÐHV 169).
- Xin cám ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của ngôi thánh đường tôi muốn xây lên đây trong một thời gian nữa.
Ðó là lời của một linh mục thừa sai thốt lên vào năm 1896 trên mảnh đất lương dân nghịch đạo ở Cayenne, vùng Saint-Ouen. Khi vừa thấy chiếc áo dòng thâm của vị thừa sai xuất hiện, một người dân đã lấy đá ném thẳng vào vị linh mục thừa sai. Ngài bình tĩnh cúi xuống nhặt viên đá dính đầy máu và thốt lên câu nói trên.
Thời gian trôi qua, vị linh mục vẫn bền chí hy sinh, tiếp xúc, cầu nguyện, gặp gỡ, rao giảng... cho đến một hôm, viên đá dính đầy máu đỏ xưa kia trở thành viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ xây trên xứ ấy để dâng kính Ðức Mẹ. Hội Thánh Chúa luôn luôn lớn lên từ những hy sinh của con cái mình.
6. Hy sinh để cám ơn Chúa
* Con nghĩ rằng con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ quá nhiều dịp: tươi cười với một người nói móc họng con: thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người bạn phản bội; không nói một lời hóc búa trả đũa. Mọi giây phút đều có dịp hy sinh (ÐHV 153).
* Vì yêu thương sẵn sàng hy sinh tất cả: "Ðể thế gian biết Ðức Chúa Cha yêu Thầy và Thầy yêu mến Ðức Chúa Cha, chúng ta hãy chỗi dậy và ra đi?" (ÐHV 159).
Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục mới đi dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Suốt chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là của ai khác hơn là Ðức Cha Fulten Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa: "Cô đẹp lắm! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!"
Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Ðức Cha Fulten Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền:
- Câu nói của Ðức Cha làm cho con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào?
- Cô biết trại phong cùi Di Linh ở Việt Nam chứ?
- Vâng, con đọc báo có nghe đến!
- Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.
Chỉ từng ấy! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp.
7. Ðôi mắt trao tặng kẻ mù
* Ai cũng kính trọng những người được in Năm Dấu Thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in Năm Dấu Thánh trên mình bằng hy sinh (ÐHV 152).
Cuối năm 1955, tại một bệnh viện, người ta nghe tiếng cha Don Gnochi thì thầm với bác sĩ: "Khi tôi mất rồi, xin bác sĩ móc hai mắt tôi để ghép vào cho hai đứa trẻ mù mà tôi đã nuôi nấng".
Sau mấy tuần làm việc, bác sĩ đã thành công: hai đứa trẻ bắt đầu thấy ánh sáng và càng ngày, các em càng được trông thấy rõ. Bác sĩ tìm hết cách hỏi hai em về mối dây liên hệ giữa hai em và linh mục Don Gnochi. Hai em cho biết là chẳng có họ hàng gì. Thì ra trong suốt cuộc đời làm linh mục, cha Don Gnochi chuyên kiếm tìm những trẻ tàn tật đem về nuôi dưỡng, săn sóc, huấn luyện... Quá cảm kích trước tấm gương hy sinh vĩ đại, vị bác sĩ đã quyết đinh hiến dâng cả cuộc đời mình phục vụ các người xấu số. Gương hy sinh lôi kéo nhiều kẻ hy sinh.
8. Giọt nước mắt tha thứ
* Người thực sự yêu thương, luôn luôn hy sinh mà không bao giờ kể công (ÐHV 155).
Ðứng trước hung tin: Jacques, cậu con trai yêu quí vừa từ trần, nữ bá tước Littry vô cùng đau khổ và cảm thấy tiêu tan hết nghị lực; tuy nhiên, bà vẫn cố gắng lao mình vào công việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập năm 1870, ở thung lũng Marne, xứ Eperny.
Ngày nọ, một thương binh người Ðức được cho đến bệnh viện. Dù y thuộc thành phần quân đội thù nghịch đã giết chết con trai bà bá tước, nhưng bà vẫn tiếp nhận một cách vui vẻ. Ðến khi lúc soạn đồ đạc, áo xống của người thương binh, bà bắt gặp chiếc ví và cái đồng hồ của cậu Jacques trong túi áo của tên lính Ðức ấy. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, nữ bá tước Littry chỉ biết thốt lên: "Ðúng đây là tên lính đã giết con trai mình!". Nhưng kìa, một mảnh giấy trong chiếc ví của Jacques rơi xuống. Bà Littry vội cúi xuống nhặt lên đọc, một hàng chữ đập mạnh vào mắt bà: "...Mẹ yêu quý! con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá bi lụy, nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con..."
Sau một hồi xúc động, bà Littry cúi xuống tiếp tục săn sóc tên lính Ðức cách tận tình. Trên mặt y, một giọt nước mắt của bà rơi xuống, nóng hổi, lóng lánh như hạt sương mai...!.
9. Cha già lựu đạn
* Chúa thường gởi hy sinh đến những người Chúa yêu, những hạng người được Chúa yêu ít lắm, vì không mấy ai chấp nhận hy sinh (ÐHV 163).
* Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh (ÐHV 172).
Nữ tu Antoinette vẫn thường gọi thế khi nhắc tới ông lính già kỳ chướng, khó tính nhất trong bệnh viện. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ; có chuyện gì khó chịu ông ta la lối rùm beng.
Ngày kia đang mãi mê phục vụ, nữ tu Antoinette nghe tiếng cha già lựu đạn hét lên: "đem cho tôi quả trứng!" Antoinette vui vẻ đem đến.
- Trứng chưa chín đủ mà cũng đem cho tôi à! cha-già-lựu-đạn nhăn nhó bảo. Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.
- Trứng chín quá! luộc gì mà luộc vô hậu đến thế!
Antoinette chẳng biết làm sao, chị bèn đi lấy lò kê một bên gường và trao cho ông lính khó tính một quả trứng để ông luộc lấy cho vừa ý ông. Ông già thấy thế nổi máu nóng lên, đạp đổ lò bếp, quăng trứng xuống sàn nhà, miệng quát lớn: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao! Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?"
Nữ tu Antoinette chẳng nói nữa lời, chỉ thinh lặng cúi xuống thu nhặt, quét dọn... Lát sau, chị lại đem đến cho ông lính già một cái trứng khác: "Anh cố gắng dùng thử cái này, tôi luộc vừa chín thôi!" Bất giác ông lính già rùng mình cảm động, nói lý nhí trong miệng: "Tôi ăn quả trứng mà cũng là ăn lòng tốt của bà nữa".