Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


07- Cầu Nguyện

 

1. Thánh Phanxicô cầu nguyện

* Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động (ÐHV 119).

* Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin (ÐHV 122).

Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng cho lương dân, nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Phanxicô Xaviê có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục trên bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện: "Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa ".

 

2. Ông già xứ Ars

* Con tưởng trẻ em chưa làm gì được, người bệnh không làm gì được cho Hội Thánh nữa? Không đâu, sau lời cầu chính thức của Hội Thánh, lời nguyện của trẻ em và bệnh nhân rất đẹp lòng Chúa. Năng nhắc họ ý thức! (ÐHV 141).

* Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ luận lý. Ðừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa (ÐHV 142).

Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước khi ra đồng, đều có ghé đứng vào cuối nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới đi cày. Khi trở về ông cũng ghé vào nhà thờ cầu nguyện như vậy.

Ai cũng để ý và cảm phục. Một hôm có người hỏi: "ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để làm gì thế?" Lão nông dân trả lời cách đơn sơ mà đầy ý nghĩa: "Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi".

 

3. Thánh nhân mở cửa nhà chầu

* Con tin lời cầu nguyện toàn năng không? Hãy suy Lời Chúa: "Thầy nói thật với các con, hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở". Có công ty bảo hiểm nào bảo đảm cho chắc chắn hơn lời ấy không? (ÐHV 121).

* Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi (ÐHV 131).

Những lúc gặp tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng chẳng chịu trở lại, thánh Vincent Ferrier càng gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho họ nhiều hơn. Như thế vẫn chưa đủ. Ðêm về, ngài lại thức khuya trước bàn thờ than thở cùng Chúa và nhiều khi còn bạo dạn mở cửa nhà chầu để nói chuyện cùng Chúa với một đức tin mạnh mẽ. Ngài nài nỉ Chúa ban ơn cho bằng được để cứu các linh hồn cứng cỏi ấy khỏi sa hoả ngục.

 

4. Cầu nguyện cho kẻ thù

* Lời kinh phụng vụ rất đẹp lòng Chúa, vì đó là lời Thánh Kinh, là lời cầu của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Giêsu. Con hãy dùng sách lễ, sách ca vịnh, sách nguyện mà cầu nguyện (ÐHV 128).

* Tại sao Hội Thánh khủng hoảng? Vì hạ giá sự cầu nguyện (ÐHV 134).

Quá tức tối trước bài giảng của Stephanô, người Do Thái lôi ngay ông ra ngoài thành Giêrusalem để ném đá cho hả giận. Trước lúc lìa trần, Stephanô thều thào trong hơi thở: "Lạy Chúa, tội của họ xin Chúa đừng chấp xét!" (TÐCV 7,54-60).

 

5. Một cộng đoàn cầu nguyện

* "Khi hai hay ba người hiệp nhau vì Danh Ta, thì Ta ở giữa họ". Lời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện, họ sống xa linh mục từng ngàn cây số mà vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện kiên trì giữa gian nan và cô đơn (ÐHV 124).

* Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm gặp người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào? (ÐHV 130).

* Sách thiêng liêng làm nhiều người nên thánh, đó là dầu nuôi lò lửa cầu nguyện (ÐHV 145).

Một bà nọ thuật lại trong cuốn sách nhan đề "Où Dieu pleure" rằng: "Bà cùng với một số người Ðức bị đưa đi đày xa quê hương từ giữa lòng thế chiến thứ hai. Tất cả đều là người Công giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có linh mục. Nhưng họ được tụ họp mỗi chiều chúa nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó 1000 cây số có linh mục, anh chị em Kitô hữu bèn quyết định hằng tháng góp tay nhau một ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy để mang Mình Thánh Chúa đến cho họ. Thế rồi từ đó, mỗi chiều chúa nhật, họ đều gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng vì biết rằng có Chúa Thánh Thể, mà bà kia mang trong mình, đang ở cùng họ. Họ sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa... Những ai yếu liệt đều được trao tặng của ăn đi đàng quý giá ấy trước khi qua đời.

Nhờ đó trong suốt mấy mươi năm trời, cộng đoàn Kitô hữu ấy vẫn sống với niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ.

Năm 1972, được trả tự do, bà già ấy đã thuật lại câu chuyện cảm động cho tác giả cuốn sách. Bà cũng cho biết mình chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện vào những chiều chúa nhật tại nghĩa địa. Bà nói: "Tôi ra đi với tất cả niềm lưu luyến, nhớ thương, với biết bao kỷ niệm về cộng đoàn cầu nguyện và cộng đoàn huynh đệ Thánh Thể ấy".

 

6. Gương Hồng Y Gilroy

* Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ÐHV 120).

* Muốn biết công việc tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào (ÐHV 132).

* Nếu con không phải là người cầu nguyện, không ai tin con làm việc vì Chúa thôi (ÐHV 133).

Ðức Hồng Y Norman Gilroy, Tổng Giám mục giáo phận Sidney (Úc đại lợi) là người sáng lập Hội Chầu Thánh Thể trong Tổng giáo phận của ngài cũng như trên toàn thế giới. Ðể nêu gương sáng cho mọi người trong việc tôn thờ Thánh Thể, mỗi ngày, dù bận rộn công việc, nhọc mệt, căng thẳng, hoặc phải đi công cán ở nước ngoài, ngài vẫn duy trì một giờ chầu Chúa Thánh Thể, ban ngày không được thì ban đêm, chẳng bao giờ bỏ.

 

7. Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con

* Một người chưa vào đạo mà cầu nguyện là dấu rất tốt; khởi sự cầu nguyện là khởi sự có đức tin (ÐHV 137).

Xưa có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con".

Một hôm, người ta dẫn ông đến mồ của Thánh Thomas thành Cantobery để xin Thánh nhân làm phép lạ chữa lành đôi mắt. Ông được nhận lời: đôi mắt vụt sáng lên ngay. Nhưng sau những giây phút vui mừng sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ: "Nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của con", nên ông vội vàng trở lại trước phần mộ của thánh Thomas, xin được hoá mù lại, nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của ông hơn là được sáng mắt.

Ðôi mắt ông lại hoá nên mù như trước, nhưng đời ông từ đó nên thánh thiện.

 

8. Cha - Con Ta

* Chúa dạy con đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con". Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử (ÐHV 127).

Trong lần gặp gỡ thánh Phanxicô vào dịp thánh nhân qua Toà Thánh để xin phê chuẩn luật dòng Anh Em Hèn Mọn. Ðức Thánh Cha thân mật hỏi ngài:

- Con có bao giờ thấy Chúa chưa?

- Con vừa thấy đêm qua.

- Người có nói gì với con không?

- Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói "Cha" với Người thì Người trả lời lại với con: "con Ta". Cứ thế, chẳng có gì hơn... cho đến lúc trời sáng.

 

9. Ðan sĩ Silouanne

* Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con (ÐHV 118).

* Lời cầu nguyện của con phải phổ cập, quả tim con phải chứa đựng cả thế gian, nhưng đừng vì đó mà quên những thực tế trong con, và chung quanh con (ÐHV 144).

* Ðặc biệt với tâm hồn toàn hiến, đáng lẽ trong căn cước phải khai: "nghề nghiệp: cầu nguyện". Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con làm đại lý và xin nài con: "cầu nguyện cho tôi!" (ÐHV 146)

Silouannne là một đan sĩ đơn sơ, thánh thiện, người Nga, thuộc Chính Thống giáo, tu ở núi Athos Hy Lạp, từ lúc 20 tuổi cho đến lúc qua đời (70 tuổi). Giáo chủ Antoine Bloom, đại diện Chính Thống giáo Âu châu, có kể lại một câu chuyện như sau trong đời ngài:

Suốt nhiều năm thầy già đáng kính Silouanne coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một ngày kia các tu sĩ hỏi ngài: "Thưa thầy, làm sao mà thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ; trong khi mắt chúng con không rời họ mà họ vẫn đánh lừa được chúng con?" Thầy Silouanne trả lời: "Tôi cũng không rõ. Chỉ thiết rằng mỗi buổi sáng tôi không bao giờ đến xưởng mà trước tiên không cầu nguyện cho họ; tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi tôi bước vào xưởng tôi yêu họ với tất cả tình yêu dạt dào của lòng tôi. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc.

Trong phòng riêng, tôi đặt mình trước mặt Chúa và cầu nguyện: "Lạy Chúa xin thương nhớ đến Nicolas. Cậu còn nhỏ vừa đúng 20 tuổi, cậu để vợ và con đầu lòng ở lại dưới quê, vợ cậu còn trẻ hơn cậu nữa. Xin Chúa nghĩ xem: cậu ta đau khổ biết mấy khi phải lìa vợ con như thế. Và cậu phải đau khổ như vậy mà không biết có kiếm đủ cơm áo cho vợ con không. Trong khi cậu không săn sóc vợ con được, xin Chúa gìn giữ họ khỏi mọi tai biến..."

Ngài nói tiếp: "Bắt đầu tôi cầu nguyện rất sốt sắng cho Nicolas, cho vợ và con của cậu, và tôi càng cầu nguyện thì cảm thức về sự hiện diện của Chúa càng xâm chiếm lấy tôi, cho đến một lúc nó trở thành mãnh liệt đến nỗi tôi không còn nhìn thấy Nicolas, vợ con cậu, các nhu cầu của cậu và quê nhà cậu nữa; tôi chỉ còn ý thức về Thiên Chúa mà thôi. Cảm thức về sự hiện diện của Chúa lôi kéo tôi vào một tình trạng trầm tĩnh càng lúc càng sâu thẳm. Thình lình, ngay trong sự hiện diện ấy của Chúa, tôi bắt gặp tình yêu Thiên Chúa và trong tình yêu này, tôi gặp lại Nicolas và vợ con cậu. Bây giờ với chính tình yêu Chúa, tôi lại tiếp tục cầu nguyện cho họ, nhưng tôi lại cảm thấy bị lôi kéo lần nữa vào vực thẳm mới, mà tận đáy vực thẳm này, tôi lại gặp tình yêu Thiên Chúa... Tôi sống mỗi ngày như vậy đó: tôi cầu nguyện cho mỗi anh thợ, anh này đến anh khác. Cuối ngày tôi trao đổi với họ vài câu chuyện, chúng tôi cầu nguyện chung với nhau và họ ra về nghỉ ngơi. Phần tôi, tôi trở lại Tu viện để chu toàn các phận sự còn lại của một đan sĩ..."

 

10. Thằng quỷ làm dấu Thánh Giá

* Con hãy cầu nguyện luôn luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: "Hãy cầu nguyện không ngừng" (ÐHV 123).

Valentia mồ côi lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày sau Thánh lễ, cậu phải vào các tiệm ăn để đánh giày cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu Thánh giá cám ơn Chúa. Tụi bạn nom thấy thế nhiều lần to nhỏ với nhau: "Gạo thì không lo mà lo giữ đạo!" Valentia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy.

Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố cho đóng vai thằng quỷ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đổ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Như bao nhiêu lần trước, "thằng quỷ trên sâu khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quỳ gối làm dấu Thánh giá. Khán giả cười rồ lên, tưởng thằng quỷ làm hề, không ngờ Valentia cầu nguyện thật!"

Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valentia ăn học. Ðến sau, Valentia đỗ tiến sĩ lúc mới 30 tuổi!

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page