Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
03- Bền Chí
1. Dòng Nữ Tu mù
* Bạo dạn để thưa với Chúa tất cả những gì con muốn, con nghĩ: "Thầy ở với các con lâu nay, chưa thấy các con xin điều gì". Bạo dạn là tin yêu như con với Cha (ÐHV 40).
* Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. "Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời" (ÐHV 43).
* Nếu con không quyết tâm bền chí, đừng nói: "tôi hiền", phải nói: "tôi hèn" (ÐHV 57).
Dòng Nữ Tu mù được thiết lập giữa lòng thành phố Paris. Trong dòng này, ngoài bà Bề trên, một chị Việt Nam cùng một vài chị sáng mắt, bao nhiêu Nữ tu khác đều mù cả. Trước đó, các thiếu nữ đó tưởng rằng đời họ dường như đã chấm dứt, tất cả chỉ toàn là bóng đêm... Thế nhưng khi bước chân vào dòng, tia hy vọng đã rực sáng lên trong lòng họ. Họ kiên nhẫn, bền chí học chữ, học nghề, học phổ thông, học nhạc... (theo phương pháp Braille). Trong nhà thờ, họ hát kinh bằng cách sờ chữ với đôi bàn tay. Ngoài ra, họ còn mở trường dạy các em mù, một trường rất được các phụ huynh học sinh quý chuộng. Trong lớp, thầy mù trò cũng mù mà vẫn vui vẻ hồn nhiên. Với một ngôi nhà ba tầng, các em tự do lên xuống, nô đùa ngoài sân như những người sáng mắt vậy.
Sự bền chí của các Nữ tu đã thánh hoá chính cuộc đời họ. Và hơn thế, còn làm cho biết bao trẻ em bất hạnh khác thấy đời của mình tươi đẹp, hạnh phúc.
2. Thầy Vianney bền chí
* Ðừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn vậy. Xem gương Chúa Giêsu trên thánh giá (ÐHV 41).
* Bền đỗ đến cùng là đặc tính của các thánh, vì "Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi" (ÐHV 49).
Cuộc Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó, thầy đã tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được Bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào cũng trượt!
Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng Bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến hỏi về thầy.
- Thầy có lòng đạo đức không?
Thưa có!
- Thầy có kính mến phép Thánh Thể không?
Thưa có!
Cha Chính quyết định: "Thôi, thôi cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu thi hạch thì không bao giờ đỗ được". Về sau, Vianney trở thành một Vị Thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về cùng Chúa. Năm 1925, Ðức Piô XI đã đặt ngài làm quan thầy các cha xứ.
3. Charles de Foucauld, hạt giống trong sa mạc
* Kết quả và thành công khác nhau. Có thể không kết quả bên ngoài, nhưng thêm kinh nghiệm, thêm khiêm tốn, thêm tin Chúa, đó là thành công dưới mắt siêu nhiên (ÐHV 42).
* Dù mọi người bỏ dỡ hành trình, con cứ tiến, quần chúng dễ bị lôi cuốn thì đông đảo, lãnh đạo sáng suốt lại hiếm hoi. Con phải có bản lãnh, đừng theo quần chúng mù quáng (ÐHV 50).
* Người trộm lành đã hạnh phúc vì hy vọng ở tình yêu Chúa, Giuđa đã khốn nạn vì thất vọng (ÐHV 53).
Cha Charles de Foucauld suốt đời ở giữa lòng sa mạc Sahara để tu thân tích đức, chiêm niệm, chầu Thánh Thể và sống bác ái với dân tộc Touareg. Ngài đã để lại nhiều bút tích thật cao siêu, đầy sốt mến. Suốt đời ngài tha thiết cầu xin cho có một người đến trong sa mạc cùng chung sống một lý tưởng với ngài. Cầu nguyện mãi mà chẳng thấy ai, nhưng ngài vẫn bền chí cầu nguyện. Ðến ngày ngài gục xuống, thân xác được chôn vùi ở giữa lòng sa mạc mênh mông mà vẫn không thấy bóng người mong ước. Xét bề ngoài thì quả là một thất bại!
Thế nhưng, hạt giống ấy sau một thời gian chôn vùi đã đâm chồi nảy lộc: các Hội Dòng theo tinh thần của ngài mọc lên khắp nơi. Ngài xin một người Chúa cho hàng trăm, hàng nghìn Tiểu Ðệ, Tiểu Muội có mặt trên khắp thế giới.
4. Lửa thử vàng
* Bạo dạn không phải là phiêu lưu, bất khôn. Muốn đi cùng đường hy vọng con phải bạo dạn. Có mấy người đứng bên Chúa dưới thánh giá? (ÐHV 39).
* Mỗi sáng thức dậy, con khởi sự lại cuộc đời, hăng say và lạc quan. Dù đường đi trục trặc, con cứ đi với Chúa, như về làng Emmau, sẽ đến đích (ÐHV 48).
* Giữ vững tinh thần của con, mặc dù cảm thấy rã rời, nguội lạnh: vì mây mù sẽ qua đi, không che mãi được mặt trời. Chỉ đợi mây mù bay qua thôi (ÐHV 51).
Ðến nhận một giáo phận trong đó hàng giáo sĩ thì rời rạc, giáo dân lại quá khô khan, Ðức Cha Hervas rất đỗi lo âu. Ngài cầu nguyện, nghiên cứu, đối thoại và cuối cùng đi đến một phương thức tĩnh tâm với một kỹ thuật rất độc đáo, hấp dẫn, nhằm thánh hoá giáo dân, đào tạo cán bộ tông đồ trong giáo phận: đó là "Học Hội Kitô hữu"' (Cursillos de Christiandad). Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì đùng một cái: một số người trong giáo phận hiểu lầm Ngài và ra sức chống đối kịch liệt. Họ còn làm đơn kiện đến Toà Thánh và bày tỏ thái độ bất hợp tác với ngài về mọi mặt.
Ðể tránh sự đổ vỡ lớn hơn. Toà Thánh đã thuyên chuyển Ðức Cha J. Hervas sang một giáo phận nhỏ nhất nước Tây Ban Nha. Tuy thế vẫn chưa yên. Vị Giám mục kế vị ngài lại còn ra một bức thư luân lưu kết án "Học Hội Kitô hữu" là một tổ chức lạc đạo sai lầm về tín lý lẫn luân lý.
Phần Ðức Cha J. Hervas, ngài vẫn kiên trì bền chí. Dần dần nhiều người cảm phục, hàng giáo phẩm và giáo sĩ nhận ra cái hay của phương pháp ngài và ra sức hưởng ứng. Phong trào "Học Hội Kitô hữu" bành trướng khắp nơi, được các Ðức Cha chúc lành và khuyến khích.
Gương khiêm nhường và sự bền chí của Ðức Cha J.Hervas thật đáng cho mọi người khâm phục. Hiện nay ngài vẫn còn sống và đang hướng dẫn phong trào lớn mạnh khắp nơi trên thế giới.
5. Ðức Cha Francois Pallu
* Ðường hy vọng dài thăm thẳm. Con đừng làm "Thánh lâm thời": phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỉ (ÐHV 44).
* Con run sợ, vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình... Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục sinh (ÐHV 47).
Vào thế kỷ XVII, Toà Thánh đã phong hai vị Giám mục làm Ðại Diện Tông Toà đầu tiên: Ðức Cha Lambert de la Motte phụ trách Ðàng Trong kiêm Campuchia, Lào, Thái Lan và Ðức Cha Francois Pallu phụ trách Ðàng Ngoài kiêm Trung Quốc, Triều Tiên. Thật là một khu vực rộng lớn không thể tưởng tượng : Dưới quyền Ðức Cha Francois Pallu chỉ có một ít vị thừa sai, không có một vị linh mục Việt Nam nào, xứ sở lại đang ở trong tình trạng cấm cách khốc liệt. Từ Pháp, Ðức Cha từ giã gia đình ngày 3.1.1662, dùng tàu buồm vượt qua Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Ðông, vịnh Ba Tư, Ấn Ðộ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến Bắc Việt, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị đánh giạt vào Philippin, ngài bị người Tây Ban Nha bắt. Sau ba tháng lại bị đày vòng qua Thái bình Dương, vượt cả Ðại tây Dương, đến Tây Ban Nha. Tuy gian khổ ê chề, nhưng tim ngài vẫn luôn chói sáng một niềm hy vọng: "Tôi phải mang Phúc Âm đến tận Trung Quốc". Vừa được trả tự do ngài tìm mọi cách để đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như người tôi trung của Chúa hằng mơ ước. Một câu nói của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: "Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc"!