Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng
của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
01- Ra đi
1. Cha kẻ tin
* Abraham đã ra đi, vì hy vọng đến đất hứa. Maisen đã ra đi, vì hy vọng cứu dân Chúa khỏi nô lệ. Chúa Giêsu đã ra đi từ trời xuống đất, vì hy vọng cứu nhân loại (Ðường Hy Vọng (ÐHV) 4).
* Ðã ra đi phải bất chấp lưỡi thiên hạ đàm tiếu. Ba đạo sĩ ra đi, hy vọng gặp Chúa Cứu Thế, họ đã gặp; Phanxicô Xaviê ra đi, hy vọng cứu các linh hồn, ông đã gặp; Goretti ra đi, thoát cơn cám dỗ, hy vọng gặp Chúa, chị đã gặp (ÐHV 7).
Abraham là một người dân quê ở thành Ua thuộc xứ Canđê. Một ngày nọ, Thiên Chúa nói với ông: "Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà của cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn"... (Stk 12,1-2). Abraham ra đi. Ðâu là đất Chúa hứa? Làm sao trở thành một tổ phụ dân lớn với một bà vợ không con lại đã quá già rồi? ... Bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra, nhưng Abraham vẫn cứ ra đi, lao mình vào nơi vô định. Khi đã sinh được cậu con trai đầu lòng, Thiên Chúa lại phán: "Ngươi hãy đem con ngươi, đứa con một yêu dấu là Isaac, mà đi tới đất Môria và ở đó, hãy dâng nó làm của thượng hiến (Stk 22,2). Abraham, ruột đau như cắt vì quá yêu con, vẫn thắng lừa đặt con lên núi tế lễ Chúa.
Suốt đời ông là một cuộc thử thách không ngừng, nhưng ông vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa mọi nơi, mọi lúc. Bởi thế, ông được gọi là "Cha các kẻ tin" (Rm 4,11), người "tuyệt vọng mà vẫn một niềm hy vọng" (Rm 4,18).
2. Bước qua mình song thân
* Tiến lên trên đường hy vọng, bất chấp những van nài "tan nát lòng" của tình thân thuộc cố tri, như Phaolô: "xiềng xích với gian nan đang chờ tôi"; như Chúa Giêsu: "này Thầy lên Giêrusalem để chịu nạn" (ÐHV 9).
* Không nhượng bộ, không phải là kiêu căng, tự ái hay ngoan cố. Không nhượng bộ là yêu thương quyết liệt lý tưởng của mình (ÐHV 15)
Chân phước Charles Cornay đã từ bỏ gia đình theo tiếng Chúa gọi. Một hôm, trên đường truyền giáo, lúc xe lửa dừng lại ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay can đảm bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngày 20.9.1837, ngài đã chịu Tử đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt.
3. Giáo Hoàng xuống biển
* Chúa dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái". Ðường ấy là "đường hy vọng", vì chan chứa hy vọng, vì "đẹp như hy vọng". Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Ðức Chúa Cha? (ÐHV 1).
* Bí quyết đường hy vọng gồm ba điểm: Ra đi = bỏ mình; Bổn phận = Vác Thánh giá mỗi ngày; Bền Chí = "Theo Thầy" (ÐHV 2)
* Không nhượng bộ xác thịt, - không nhượng bộ cho lười biếng; - không nhượng bộ cho ích kỷ... Con không thể gọi đen là trắng, xấu là tốt, gian là ngay được. (ÐHV 13).
Thánh Clêmentê I Giáo Hoàng là một người rất đạo đức, thánh thiện, đã viết nhiều tác phẩm lừng danh, nổi tiếng nhất là thơ gởi giáo hữu Corinthô. Trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã lôi kéo rất nhiều người trở lại đạo Chúa đến nổi hoàng đế Trajan phải lưu đày ngài sang Kéc-xô-nê, một chốn rừng sâu nước độc, đồng số phận với 2,000 giáo hữu khác. Ở đây, ảnh hưởng lòng quả cảm và nhân đức sáng lạng của ngài lại lan rộng hơn, khiến hoàng đế Trajan phải hạ lệnh buộc neo vào cổ ngài và thả xuống lòng biển.
4. Cha Benoit lên Núi Phước Sơn
* Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước (ÐHV 3).
* Dù có ra khỏi nhà, đi phương xa vạn dặm mà cứ mang theo tất cả tật xấu, cả con người cũ, thì có khác gì ở nhà đâu? (ÐHV 5).
* Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được (ÐHV 6).
Ra đi là một sự lột xác, hy sinh cả nếp sống cũ. Ngày lễ Ðức Mẹ Lên Trời 15.8.1918, Cha Benoit (Cố Thuận) cùng với một số anh em linh mục mở một bữa tiệc gia đình cuối cùng, có đầy đủ thịt, cá, rượu. Sau bữa đó, ngài từ biệt nếp sống cũ ra đi cùng với một người bạn, tiến thẳng lên Núi Phước Sơn, Quảng Trị, khai phá một đám rừng đang có cọp ăn mồi ở trong. Ðêm ấy, hai người che lều ngủ tạm, và sáng mai bắt đầu một nếp sống mới: không ăn thịt, không uống rượu, hút thuốc; chỉ biết hy sinh hãm mình, cầu nguyện và xay lúa, giả gạo, tự lực cánh sinh. Ngài đã thu hút nhiều kẻ đến sống cầu nguyện, hy sinh như ngài.
5. Mười nhà truyền giáo đi vào tử địa
* Mất để được, chết để sống, từ để gặp. Ba đạo sĩ liều nguy hiểm, chế nhạo; Phanxicô liều xa cha mẹ, mất của cải, thú vui, Goretti liều mạng sống (ÐHV 8).
* Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn, không sao cả, chấp nhận tiến lên trên đường hy vọng hồng phúc và đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô Ðấng cứu chuộc chúng ta (ÐHV 10).
* Ði, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ cũng như không ai đi với người đi lui (ÐHV 12).
Cách đây khoảng 100 năm, Hội Truyền giáo Lyon (Pháp) sai một lớp đầu tiên gồm 10 linh mục đi sang Dohomey (Phi châu) để truyền giáo. Bốn năm sau, cả 10 vị đều bị giết chết. Thế nhưng, dù rừng sâu, nước độc, dù dân chúng đang lạc hậu, có nhiều ác cảm hàng hàng lớp lớp các nhà truyền giáo khác vẫn hăng hái ra đi. Người này ngã xuống, kẻ khác đứng lên. Ðến nay sau một thế kỷ, những giọt máu và mồ hôi đã sai hoa kết quả: Giáo Hội Dohomey đang vươn mình lớn mạnh, lại hân hạnh có vị Hồng Y tiên khởi: Bernard Gantin.
6. Quyết không giả vờ
* "Ta là sự thật". Không phải báo chí là sự thật, không phải đài phát thanh là sự thật, không phải Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? (ÐHV 11).
* Ba phải? - Ði đường nào được? - Ba Chúa? - Ba Hội Thánh? - Ba luân lý? - Ba lương tâm? (ÐHY 14).
* Nhượng bộ tiền của, chức tước, nhượng bộ mạng sống để giữ lấy lý tưởng, danh dự, đức tin, con chấp nhận. Nhưng không bao giờ con chấp nhận đổi ngược lại: lỗ lã quá? (ÐHV 16).
Thánh Micae Hồ Ðình Hy (1808-1857) quê ở Nhu Lâm, Thừa Thiên, là một giáo dân đạo đức, bác ái, một vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm, trông coi mọi việc trong đền vua. Cuối năm 1856, một số quan triều bị ngài ngăn chặn trong những việc làm bất chính, đã tố cáo ngài với vua Tự Ðức. Ngài đã bị bắt với một lý do duy nhất: Theo Ðạo Gia-tô, trái lệnh triều đình. Trong chốn ngục tù, ngài bị hành hạ tra tấn quá sức, khiến nhiều vị quan đồng nghiệp vốn đã quý mến đức độ của ngài phải cảm thương khuyên ngài giả vờ chối đạo để được tha, rồi sau đó lại tiếp tục sống đạo...
Hồ Ðình Hy cương quyết không giả vờ. Ngày 22.5.1857, ngài đã đổ máu đào chết vì đạo Chúa tại An Hoà, Huế.