Vấn Nạn Ngừa Thai Và Phá Thai

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phá Thai (Phần I)

Cần giải tỏa một vài khúc mắc

 

Trong loạt bài viết này, tôi xin được trình bày với quý đọc giả về vấn đề phá thai. Có thể nói đây là một trong những vấn đề khá khẩn thiết và gây ra không ít vấn nạn cho nhiều người, đặc biệt là giới lãnh đạo tinh thần. Song song với những lý do nêu trên, nó còn là một đề tài tranh luận khá sôi nổi giữa các nhóm về tình trạng của phôi thai, đặc biệt là phôi thai có được cái quyền sống như một con người hay không?

Những người ủng hộ "quyền phá thai" lý luận rằng: phôi thai chưa phải là một nhân vị, do đó chưa hoàn toàn được hưởng quyền sống như một con người bình thường. Ngược lại, những người chống phá thai thì lập luận cho rằng: phôi thai thực sự là người, một nhân vị ngay từ giây phút trứng thụ tinh, do đó quyền sống của phôi thai là một quyền bất khả xâm phạm.

Một vài nhóm khác, ủng hộ việc phá thai thì lại nhấn mạnh đến quyền tự do quyết định của phụ nữ đối với thân thể của họ và quyền được trục xuất một bào thai khi có lý do chính đáng. Ngược lại, những nhóm khác lại nhấn mạnh, trên quyền được sống của thai nhi như là quyền tuyệt đối.

Chúng ta sẽ lần lượt bàn thảo và xem xét vấn đề một cách hết sức thận trọng, hy vọng sẽ rút ra được những phương cách thực tiễn nhằm giải đáp phần nào thỏa đáng những vấn nạn mà chúng ta đang gặp phải.

Vậy, tôi xin được phân chia nội dung bài viết về Phá Thai ra như sau:

Phần I. Cần giải tỏa một vài khúc mắc

Phần II. Vấn đề thời điểm khởi đầu sự sống con người

Phần III. Khi nào thì được phép tước đoạt mạng sống con người?

Phần IV. Phá thai trực tiếp và phá thai gián tiếp

Phần V. Vật ngữ thuyết luân lý

Phần VI. Thẩm quyền?

Phần VII. Giải pháp cuối cùng và kết luận

 

I. Cần Giải Tỏa Một Vài Khúc Mắc

 

Phá thai không chỉ là một vấn đề có tính cách liên quan đến xã hội, pháp lý, y học và luân lý, mà còn là vấn đề dễ gây xúc động. Các ý kiến về vấn đề này thường chỉ dựa trên các giả thuyết, các tiền đề và những cảm xúc thuộc về tiềm thức. Tuy nhiên, các giả thuyết và cảm xúc ấy lại thường có tác động quyết định đối với các quan điểm được thừa nhận.

Ðứng trước các thách đố do việc phá thai đặt ra, chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng để có thể đưa ra những lập luận vững chắc, duy lý và có sức thuyết phục, đồng thời cần có một thái độ khiêm tốn, sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai không có chung cùng một quan điểm hoặc lập trường như chúng ta. Như thế, chúng có thể làm giảm bớt tính cách căng thẳng của những gợi ý và đề xuất liên quan đến vấn đề rất dễ gây xúc động này, cùng một lúc vẫn có thể đưa ra được một số nguyên tắc khách quan, làm nền tảng cho việc thảo luận.

Chúng ta sẽ tiếp cận vấn đề phá thai trong tư thế là những người thuộc về truyền thống Do-thái - Ki-tô giáo. Truyền thống này không ngừng nhắc nhở và đề cao sự thật mà Chúa Ki-tô đã mang đến cho chúng ta, đó là lệnh truyền: "chúng ta hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta". Lòng kính trọng của chúng ta đối với sự thánh thiện của sự sống con người thuộc về một cảm nhận thực tiễn, vừa là kết quả tự nhiên, và là áp dụng cần thiết phải có, được đón nhận từ lệnh truyền căn bản của Chúa Ki-tô. Bởi lẽ, yêu ai cũng có nghĩa là sẵn lòng làm cho người ấy được hạnh phúc toàn diện trong tư cách một con người, và sự sống chính là điều thiện hảo căn bản nhất của con người.

Trong thực tiễn, kính trọng sự thánh thiêng của sự sống con người tức là có nghĩa vụ phải chống lại bất cứ kẻ nào xâm phạm sự sống con người, dù là dưới bất cứ hình thức nào. Sự sống con người luôn phải được coi là một giá trị cao quý, mà chúng ta không được phép hủy diệt, và chúng ta chỉ có thể tránh khỏi luật buộc đó trong những trường hợp ngoại lệ. Hơn nữa, những trường hợp ngoại thường đó phải được minh chứng, không phải chỉ dựa trên sự tự do, cũng không phải chỉ dựa trên tính bất khả xâm phạm của sự sống con người ngay từ lúc khởi đầu.

Cần ghi nhận rằng: sự bảo vệ mà truyền thống Ki-tô giáo chúng ta dành cho sự sống con người, cũng có giá trị như nó được bảo tồn và trình bày trong học thuyết về chiến tranh chính nghĩa, là học thuyết tiền giả định một giá trị tương phản với giá trị luân lý của một cuộc chiến phi nghĩa.

Dĩ nhiên, khi khẳng định rằng sự sống con người tự căn bản là bất khả xâm phạm, thì truyền thống Ki-tô giáo không có ý coi sự sống con người như là một cái gì tuyệt đối không được đụng đến. Vì vậy, theo truyền thống, Ki-tô giáo vẫn có thể coi là khả dĩ chấp nhận được, về phương diện luân lý, một cuộc chiến có chính nghĩa cùng với sự hủy diệt nhân mạng mà nó kèm theo.

Ngoài ra, Ki-tô giáo, theo truyền thống, đã khẳng định tính hợp pháp của án tử hình, mặc dù cách đây ít lâu, Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng đòi bãi bỏ luật tử hình, cũng như chính Ðức Gio-an Phao-lô II.

Chúng ta vẫn công nhận quyền tự vệ chống lại kẻ xâm lược bất chính, thậm chí đến mức gây ra cái chết nếu cần. Chúng ta bảo vệ quyền tự do được tự quyết của bệnh nhân, được đón nhận cái chết, sau khi đã tìm hết cách chữa trị nhưng vẫn vô phương cứu chữa và khi biết rằng việc sử dụng các phương tiện y khoa hiện đại và ngoại thường cũng chỉ kéo dài sự sống vô ích.

Những thí dụ đó minh họa cho sự thật này: mạng sống con người, mặc dù thánh thiêng và tự căn bản là bất khả xâm phạm, vẫn không cần và không thể phải được bảo vệ hoặc kéo dài với bất cứ giá nào. Một cách tương tự như vậy, chẳng có chỗ nào trong truyền thống Ki-tô giáo mà chúng ta duy trì một cách giản đơn lời khẳng định rằng: "mạng sống của người vô tội là tuyệt đối bất khả xâm phạm".

Nói đúng hơn, điều mà chúng ta kiên trì tranh luận là mạng sống người vô tội bất khả xâm phạm trong trường hợp có sự đàn áp trực tiếp, nhưng đôi khi, trong một số trường hợp, điều ấy có thể xảy ra cách giáp tiếp. Sự phân biệt giữa sát hại gián tiếp và sát hại trực tiếp được coi là có tính cách quyết định, và như chúng ta sẽ thấy, nó đóng một vai trò quan trọng trong những suy tư của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến vấn đề phá thai.

Với cố gắng làm sáng tỏ những gì là trọng yếu trong cuộc tranh luận về sự phá thai, và đồng thời, để cho lý trí, chứ không phải cảm xúc, điều khiển, chúng ta cần phải xác định rất rõ ngay từ đầu: chẳng ai có thể thu được lợi lộc gì bởi sự khăng khăng nhấn mạnh rằng: phá thai là sát nhân. Khi chúng ta đồng hóa việc phá thai với tội sát nhân một cách đơn giản, lập tức và tự động như vậy, tức là chúng ta đã gây ra một sự lẫn lộn giữa hai khía cạnh khác biệt của một thực tại.

Nói cách khác, "sát nhân" theo định nghĩa, là một từ thuộc về một phán quyết luân lý. Nó được dùng để miêu tả một hành vi tự bản chất là vô luân. "Sát nhân" tức là có ác tâm sát hại mạng người một cách bừa bãi, giết hại mạng sống con người với ý định xấu xa. Vì luôn gắn liền với một phán quyết luân lý tiêu cực, hành vi sát nhân không thể có mục đích tự thân là chính đáng, cũng không thể làm phương tiện hầu thực thi bất cứ mục đích nào khác.

Trái với từ "sát nhân" vốn không thể tránh né, song luôn luôn phải gắn liền với một nội dung luân lý, "phá thai" có thể được định nghĩa cách đơn giản là một hạn từ thể lý, chứ không phải luân lý . Ðó là việc trục xuất hoặc gây ra việc trục xuất bào thai đang còn sống khỏi tử cung, trước thời kỳ khai hoa mãn nguyệt (sanh đẻ). Cách mô tả phá thai như vậy không bao hàm một nội dung luân lý. Từ "phá thai" theo định nghĩa, không phải là một từ thuộc về phán quyết luân lý, dù tích cực hay tiêu cực.

Vì thế, tự động và đồng hóa ngay lập tức hành vi phá thai (có tính thể lý) với hành vi sát nhân (vốn vô luân), cách làm đó không thể là cách thức bắt đầu cuộc hội thảo, mà là kết thúc nó. Ðể cho chính xác, phải nhận rằng mệnh đề "phá thai là giết người" bao hàm một số tiền đề hoặc tiền giả định. Ở mệnh đề đó, có hai kết luận hay phán quyết đã được đưa ra rồi. Cụ thể, đó là phán quyết về việc phá thai (tức là việc một bào thai, một mạng người đã bị tống khứ) và phán quyết về tính cách bất chính của hành vi đó. Ðể hiểu được lập trường của một số người nào đó về một vấn đề gì, tốt nhất là chúng ta đừng bắt đầu bằng một kết luận, song hãy khảo sát và để cho đối phương có thể trình bày những giả thuyết của họ. Vì vậy, tôi trộm nghĩ: cuộc thảo luận về vấn đề phá thai sẽ hữu ích, thú vị và chính xác hơn khi nói rằng: quả thực phá thai có bao gồm việc sát hại sự sống. Vấn đề cần xác định là:

(1) Việc phá thai có luôn kéo theo sự hủy diệt mạng sống con người hay không?; và (2) Việc hủy diệt mạng sống con người đang còn trong giai đoạn phôi hoặc bào thai có chính đáng và bênh vực được không, hay luôn luôn là bất chính? Phá thai là giết người, chỉ khi đó là hành vi hủy diệt mạng sống con người, và là hủy diệt không có lý do chính đáng hay tương xứng, tức là làm cách bất chính.

Bắt đầu vấn đề với cách thức như thế, chúng ta sẽ nhận ra ngay tầm quan trọng của hai câu hỏi mà chúng ta sẽ tuần tự trả lời sau đây: 1/ Sự sống con người bắt đầu từ khi nào? và 2/ Khi nào thì phôi thai người có thể bị hủy diệt cách chính đáng nếu quả thực có sự chính đáng cho hành vi hủy diệt đó?

 

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT (Roma)

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 71, năm 2002)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page