Vấn Nạn Ngừa Thai Và Phá Thai

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Ngừa Thai (Phần V)

Bất Ðồng Có Trách Nhiệm

Về Giáo Huấn Ðích Thật Có Thể Sai Lầm

 

Nếu quý vị nào đã có thì giờ để nghiên cứu về bộ môn thần học luân lý cơ bản, thì ắt nhiên quý vị sẽ thấy rõ, là chúng ta đã được huấn dụ cách tỏ tường về chức năng của huấn quyền của Giáo Hội trong lãnh vực luân lý. Chúng ta công nhận rõ rệt Giáo Hội có quyền và có bổn phận phát biểu bất cứ vấn đề gì liên quan đến tính chất luân lý của cá nhân hay của tập thể. Hơn nữa, chúng ta đã nêu bật là ngày nay có một sự nhất trí rõ rệt từ giới thần học công nhận rằng, trong lãnh vực luân lý, huấn quyền đã chưa bao giờ thực thi quyền giáo huấn chính thức của mình, trong việc nại đến ơn bất khả ngộ, nghĩa là qua cách thức công bố long trọng chính thức của Ðức Giáo Hoàng hoặc của toàn thể các Giám Mục tề tựu cùng nhau trong công đồng chung. Tuy nhiên, vẫn còn cần bàn luận xem liệu huấn quyền có thể giảng dạy cách không sai lầm hay không trong lãnh vực luân lý.

Trong cuốn sách Huấn Quyền trong Giáo Hội Công Giáo, thần học gia Dòng Tên, Francis A. Sullivan, S.J. cho rằng, phần đông các nhà thần học luân lý Công Giáo ngày nay nhận định là những chuẩn mực luân lý đặc thù của luật tự nhiên không đơn thuần là thuộc huấn quyền vô ngộ và không thể thay đổi được .

Nhận định của Sullivan, có tham chiếu sự kiện hai lần trong quá khứ mà Giáo Hội đã nại đến ơn bất khả ngộ mà giảng dạy những vấn đề, không phải thuộc lãnh vực luân lý, mà thuộc tín lý. Nói cách khác, Giáo Hội có thể và phải giảng dạy cách không thể sai lầm dưới những hình thức sau:

- Trong việc Ðức Giáo Hoàng công bố cách ngoại thường và long trọng (ex-cathedra) hoặc qua những quyết nghị long trọng của hội nghị Giám Mục toàn cầu;

- Cũng vậy Giáo Hội có thể giảng dạy cách vô ngộ theo đường lối thông thường thông qua huấn quyền chung của mình (Ordinary Magisterium). Sullivan mô tả ý niệm "huấn quyền chung thông thường" như sau, đó là "sự giảng dạy tương hợp của toàn bộ Giám Mục đoàn trên toàn thế giới cùng với Ðức Giáo Hoàng, ngoài ra trong những dịp họa hiếm hơn, khi các Giám Mục được triệu tập trong một hội nghị chung". Huấn quyền chung thông thường này có thể đôi lúc là vô ngộ như Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội trong Công Ðồng chung Vatican II đã xác nhận:

Mặc dầu từng cá nhân các Giám Mục không được hưởng ơn vô ngộ, tuy nhiên họ có thể công bố giáo lý của Chúa Ki-tô cách vô ngộ. Cũng vậy, thậm chí khi các ngài sống rải rác khắp thế giới, các ngài vẫn giữ mối dây liên kết giữa các ngài với nhau và với người kế vị của Phê-rô, và khi giảng dạy giáo lý đích thật liên quan đến đức tin và luân lý, các ngài giảng dạy cùng một quan điểm duy nhất như đã vốn vậy. (x. Lumen Gentium, #25).

Sự kiện Giáo Hội có thể giảng dạy cách không sai lầm qua huấn quyền chung thông thường của mình, quả đã có dự phần vào cuộc tranh luận thần học nổi lên sau khi Thông Ðiệp Humanae Vitae lặp lại sự cấm chỉ việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo. Năm 1978, mười năm sau khi Thông Ðiệp ra đời, hai thần học gia, John C. Ford, S.J., và Germain Grisez, đã viết một bài báo khá dài. Trong đó hai ông lập luận rằng, mặc dầu đã không bao giờ có sự công bố cách vô ngộ trên vấn đề ngừa thai. Tuy nhiên, lập trường của Giáo Hội trên vấn đề này, phải được xem là các quyết định đã được đề nghị với quyền vô ngộ; bởi tất cả những đòi buộc cần và đủ đã được chính Lumen Gentium trưng dẫn, đủ cả về quyền giáo huấn không mắc sai lầm thông qua việc Giáo Hội thi hành quyền giáo huấn chung thông thường của mình. Như Ford và Grisez nhận định như sau:

... Những điều khoản do Công Ðồng Vatican II đưa ra về sự vô ngộ, trong việc các Giám Mục rải rác khắp thế giới thực thi huấn quyền thông thường đã được thấy trong trường hợp Giáo Hội Công Giáo giảng dạy về vấn đề ngừa thai. Ít ra cho đến năm 1962, các Giám Mục Công Giáo hiệp thông với nhau và với Ðức Giáo Hoàng, với năng quyền, đã đồng ý và đã cùng nhau đưa ra một nhận định dứt khoát về tính chất luân lý của việc ngừa thai: "hành vi loại này là tội lỗi cách khách quan, tự bản chất đã là lỗi nặng." Từ khi giáo huấn này đã được đưa ra cách vô ngộ, những cuộc tranh cãi từ năm 1963 không thể gột bỏ những gì thuộc chân lý sự thật khách quan này. Không phải giáo lý Công Giáo về sự ngừa thai mà người ta đã đón nhận cần được suy tư lại. Nhưng chính điều khẳng định cho rằng giáo lý này đã không thể sai lầm, mới cần phải suy nghĩ lại.

Mặc dầu luận đề do Ford và Grisez đưa ra đã gây được nhiều sự chú ý của các nhà hữu trách trong Giáo Hội và họ quan tâm theo dõi, nhưng phần lớn các nhà thần học Công Giáo thì lại nhận xét như sau. Họ đồng quan điểm với Sullivan và phủ nhận sự xác quyết sau đây:

"Theo giáo huấn chính thức của Công Giáo về sự vô ngộ của huấn quyền chung thông thường, tính chất tội lỗi của việc ngừa thai nhân tạo đã được giảng dạy cách không sai lầm."

Ford và Grisez đã không úp mở cho biết tại phòng họp báo, nơi mà Thông Ðiệp Humanae Vitae được công bố, phát ngôn viên của Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI là Ðức Giám Mục Ferdinando Lambruschini, đã rõ ràng tuyên bố Thông Ðiệp không phải là lời công bố "ex-cathedra"; nghĩa là nó không mang tính chất bất khả ngộ.

Ngay trong nhiều thư chung mục vụ do các Hội Ðồng Giám Mục Quốc Gia của nhiều nước soạn thảo, để hướng dẫn giới giáo dân Công giáo đáp ứng với Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae), không có thư nào nhắc đến giáo lý truyền thống về sự ngừa thai đã được huấn quyền chung thông thường của Giáo hội đã đề nghị với tính cách vô ngộ cả. Ford và Grisez cho rằng không có hàng phẩm trật quốc gia nào đã thuận theo về vấn đề này; đúng hơn, đó là một vấn đề mà các Giám Mục "câm lặng, không phát biểu gì," nhưng vấn đề không thể bị tránh né, cho qua quá dễ dàng như thế. Trong bầu khí sục sôi tranh luận thần học kéo theo cảnh lộn xộn mục vụ cuốn hút theo Thông Ðiệp Humanae Vitae, các Giám Mục đúng ra đã có cơ hội thuận tiện để hướng dẫn dư luận. Cho rằng các ngài chưa bao giờ đưa ra quan điểm là việc cấm chỉ cách thức ngừa thai nhân tạo đã được giảng dạy cách vô ngộ, mà không được công bố cách long trọng, sự việc như thế cần phải được giải thích tường tận. Sao các ngài đã quá ư cẩn trọng, không dám đưa ra lập trường của mình?

Có lẽ còn cần nói thêm về những tuyên bố của nhiều Hội Ðồng Giám Mục tại các quốc gia, đã được phát biểu để ứng đáp với Thông Ðiệp về Sự Sống Con Người. Thần học gia, Joseph Komonchak nêu ra hai thái độ ứng đáp:

- Chấp nhận hoàn toàn văn kiện, do 25 lời phát biểu, có nguồn gốc từ 13 quốc gia, cho thấy thái độ "rõ rệt phục tùng" với giáo huấn của Thông Ðiệp, và

- Một lập trường không rõ rệt từ 11 lời tuyên bố, xuất phát từ 10 quốc gia.

Nêu ra hai loại lập trường trên đây, ta mới thấy khó mà xếp loại thư chung mục vụ của các Giám Mục Hoa Kỳ, "Cuộc Sống Nhân loại Ngày nay" (Human Life in Our Day), được phổ biến tháng 11, 1968. Trong một đoạn với tiêu đề "Thông Ðiệp với Lương Tâm", suy nghĩ này của các Giám Mục Mỹ phản ánh sự kiện đã xảy ra những sự căng thẳng không thể giải quyết được, và có người đã muốn ở thế đối lập với Thông Ðiệp. Các Giám Mục trước hết khẳng định: "Thông Ðiệp không bàn luận đến vấn đề thành tâm thiện ý của những con người trong thực tế phải quyết định theo lương tâm, dẫu điều ấy đi nghịch lại những gì mà Giáo Hội cho là thuộc lề luật và ý muốn của Chúa. Thông Ðiệp không phán xử lương tâm của từng cá nhân, nhưng muốn đưa ra giáo huấn đích thật của Giáo Hội, mà người Công Giáo tin rằng giáo huấn đó giải thích lề luật Thiên Chúa mà lương tâm từng người phải biết sống cho phù hợp."

Tiếp đó, các Giám Mục nhìn nhận các cặp vợ chồng có thể phải đối diện với những cơn khủng hoảng lương tâm bởi "những bổn phận tranh chấp với nhau" khiến cho họ gặp nhiều khó khăn khi tìm cách dung hòa sự biểu lộ tình dục của tình yêu vợ chồng với khả năng thông ban sự sống trong việc giao hợp, cùng với những đòi hỏi của bậc làm cha mẹ có trách nhiệm. Dầu vậy, mặc cho các bổn phận này dằng co nhau, vợ chồng vẫn được nói cho biết là, "không ai tuân thủ giáo huấn của Giáo Hội mà có thể chối bỏ rằng việc ngừa thai nhân tạo, đó không phải là một hành vi tội khách quan. "Sau cùng, vợ chồng đã sử dụng các cách ngừa thai nhân tạo, được các Giám Mục khuyến dụ "đừng bao giờ ngã lòng nhưng tiếp tục múc lấy các ơn ích trợ lực từ Bí Tích hòa giải và đón nhận ân sủng, sự chữa lành và bình an từ phép Thánh Thể."

Sau khi đã trình bày và duyệt xét qua những ý kiến đã được trưng dẫn, bây giờ tôi xin mạn phép được nêu lên những nỗi khó khăn, mà tôi nhận thấy nơi lập trường của các Giám Mục Mỹ đã gặp phải.

Trước hết, các Giám Mục Mỹ đồng ý với Thông Ðiệp, là việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo là điều sai lạc luân lý khách quan, nghĩa là tự bản chất của nó, việc ngừa thai nhân tạo là điều xấu tự căn (intrinsic evil), và không bao giờ là điều xấu tiền-luân-lý (premoral evil), như nhiều nhà luân lý bây giờ thường gọi.

Tiếp đó, các Giám Mục nhìn nhận sự biện phân truyền thống vốn cho rằng: sự khác biệt giữa hành vi phạm tội và hành vi không phạm tội, chính là điều mà Giáo Hội xem là điều sai lạc luân lý khách quan. Nhưng dường như các ngài muốn nói, là bất cứ việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo (sự sai lạc luân lý khách quan dưới nhãn quan của các ngài), cũng bao hàm luôn một cấp độ nào đó, cái cảm thức phạm tội luân lý chủ quan về phía vợ chồng. Nói cách khác, các Giám Mục Mỹ xác quyết vợ chồng có thể quyết định theo lương tâm ngay lành của họ, thậm chí ngay cả sai lạc, và đôi lúc họ được sử dụng những cách ngừa thai đó mà vẫn hợp với luân lý. Nếu chính các Giám Mục công nhận có thể sử dụng những cách ngừa thai nhân tạo mà không có tội, thì tại sao các ngài vẫn buộc vợ chồng hãy năng đến tòa cáo giải để xưng thú hành vi lỗi phạm của mình? Ðiều mà cả hai, Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ và chính Thông Ðiệp Humanae Vitae, kết luận rõ rệt: là mặc cho hoàn cảnh có thế nào, thì vợ chồng phạm tội theo mức độ nào đó khi sử dụng các phương thế ngừa thai nhân tạo.

Từ kết luận này, dường như cả hai: Thông Ðiệp (Humanae Vitae) và các Giám Mục Hoa Kỳ thật sự đang phán xử lương tâm của các cá nhân. Ðơn thuần người Công Giáo không được nói cho biết cách minh nhiên rõ ràng rằng: họ luôn có thể theo lương tâm ngay thẳng để quyết định sử dụng phương cách ngừa thai với lòng thành và mang lấy trách nhiệm cũng như bổn phận của bậc làm cha mẹ, cho đến độ không kéo thêm tội nào, và do vậy không cần họ phải đi xưng thú tội này, hoặc đi tìm sự xá giải qua Bí Tích cho bất cứ hành vi sai lạc luân lý nào về phía họ.

Khi chúng ta đọc thư mục vụ của các Giám Mục Hoa Kỳ, ta không thấy minh bạch sự kiện, là vợ chồng có thể, một cách có trách nhiệm và không phạm tội, tỏ ý không đồng ý với Thông Ðiệp Humanae Vitae và có quyền sử dụng các phương thế ngừa thai nhân tạo. Sau này, trong một tuyên bố, với một mạch văn khác với lá thư mà chúng ta đang tìm hiểu ở đây. Các Giám Mục Mỹ bằng những hạn từ tổng quát, có đề cập tới khả thể bất đồng quan điểm thần học: "Từ ngữ bất đồng quan điểm thần học với huấn quyền chỉ có thể có được, nếu những lý do tỏ ra nghiêm chỉnh và đủ sức thuyết phục, nếu cách bất đồng đó không đặt vấn đề hay thách thức thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội và khi nó không gây ra gương xấu."

Ngược lại, cách thức của các Giám Mục Hoa Kỳ, một số các Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo (ví dụ của Canada, Pháp, Bắc Âu, Hoà Lan, Áo, Bỉ và Nam Phi), đã viết ra những thư chung hết sức rõ rệt, mách bảo cho các vợ chồng Công Giáo về quyền thi hành và lắng nghe theo tiếng lương tâm của họ. Và họ có thể bày tỏ sự bất đồng quan điểm luân lý cách chính đáng với giáo huấn của Humanae Vitae. Sau đây, chúng ta trích dẫn một số những lời nhận xét của các Hội Ðồng Giám Mục trên:

1) Các Giám Mục Gia Nã Ðại đã vạch ra một đường hướng rất rõ rệt cho những người có trách nhiệm hướng dẫn. Các ngài tuyên bố như sau: các cặp vợ chồng nào, chấp nhận giáo huấn của Thông Ðiệp mà vẫn gặp phải những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, nên có cảm tưởng là gặp xung đột giữa nhiều bổn phận; họ tìm cách dung hòa giữa những yêu sách, tỷ dụ như tình yêu vợ chồng và việc truyền sinh có trách nhiệm. Theo nguyên tắc luân lý đã được thừa nhận, tùy theo mức độ những người này đã thành thực cố gắng làm theo những hướng dẫn đã ban bố, mà vẫn không đạt được, họ có thể vững tâm là họ không bị đoạn tuyệt khỏi tình yêu của Chúa, một khi họ đã chọn lựa một cách lương thiện con đường xem ra là tốt nhất đối với họ (xem số 26).

2) Riêng các Giám Mục Pháp tuyên bố: "Việc ngừa thai không bao giờ có thể là một điều tốt. Nó luôn luôn là một việc trái với trật tự - tự nhiên - nhưng sự trái với trật tự này không phải luôn luôn có tội. Thực vậy, có những cặp vợ chồng đã gặp phải những xung đột bổn phận thực sự."

3) Song song như vậy, các Giám Mục Mỹ và các nước khác cũng nhắc đến một xung đột giữa các bổn phận có thể xảy ra. Tội lỗi ẩn tàng trong việc sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo, thì liên hệ trực tiếp với các mức độ ích kỷ hay không ích kỷ. Những ai đã cố gắng hết sức mình để giải quyết một xung đột giữa các bổn phận, không nên tự tạo ra những mặc cảm phạm tội, miễn là họ cố gắng gìn giữ sự hòa hợp và ổn định cần thiết cho hôn nhân của họ.

4) Các Giám Mục Bắc Âu: "... Hiển nhiên là không ai được phép nghi ngờ nội dung của Thông Ðiệp, ngược lại, cần phải nổ lực đào sâu để tìm hiểu đường hướng suy tư và ý định của Thông Ðiệp, với lòng thành và với ý thức lương tâm trước mặt Thiên Chúa. Dẫu sao, nếu có ai, có đủ lý lẽ xác đáng và đủ cân xứng, mà không thể xác tín với lý lẽ của bức Thông Ðiệp, người đó được phép có một quan điểm khác với quan điểm vốn được trình bày bằng sự tuyên bố không phải là không sai lầm của Giáo hội. Không ai sẽ bị coi là người Công Giáo xấu xa vì đang có một ý kiến bất đồng như thế.

Thêm vào đó, bất cứ ai, sau khi đắn đo theo lương tâm ngay thẳng, chính họ tin rằng mình tự ý không thể chấp nhận giáo huấn này và tự mình không ràng buộc để vâng phục giáo huấn trong thực hành, phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về thái độ và đường lối hành động của mình."

5) Các Giám Mục Nam Phi: "... Không thể nghi ngờ là do một số hoàn cảnh khiến việc có thai thêm một lần nữa, không thể cho phép được, bởi những lý do: như sức khoẻ của người mẹ hoặc những điều kiện nhà cửa, tài chánh khó khăn, và do chế độ tiết dục có nguy cơ đe dọa đến cuộc sống ấm êm gia đình, sự chung thủy hôn nhân hoặc đến tương lai của chính cuộc hôn nhân. Giờ đây, cùng với nhiều hàng phẩm trật khác, chúng tôi (HÐGM Châu Phi) muốn nhắn nhủ đến các bậc làm cha làm mẹ, tốt nhất là chính họ từ những hoàn cảnh cụ thể của mình phải quyết định xem đâu là điều tốt nhất cho mình, hoặc đâu là cách thức thực tế phục vụ cho hạnh phúc của toàn thể gia đình. Trong mối tranh chấp giữa các bổn phận, quyết định có trách nhiệm của họ, dẫu có xa vời với lý tưởng đã được mời gọi và khuyến khích để vươn tới, đều có thể biện minh cách chủ quan được, do mục tiêu nhắm đến không phải là tránh mang thai vì ích kỷ nhưng vì sự thăng tiến công ích của gia đình."

 

Kết Luận

Bài viết trên đây liên quan đến một số vấn đề luân lý đặc thù của tính dục vợ chồng. Giữa bầu khí đang được bàn luận đầy sôi nổi này, có lẽ rất thích hợp để cho mỗi người trong chúng ta, dẫu ở trong bất cứ nhiệm vụ gì, nhắc bảo cho chính mình và cho người khác, hầu nhớ rằng tình yêu hôn nhân giữa vợ chồng được thể hiện qua sự diễn tả bằng xác thịt - những tình tự thân mật của họ - đồng thời nâng đỡ họ biết vượt qua chính cái ích kỷ của mình để quảng đại mở ngỏ đón nhận con cái.

Giống như bất cứ tình yêu chân thật nào, tình yêu hôn nhân nhạy cảm với những bổn phận, và do vậy có lúc nó hướng tới sự diễn tả những tình cảm riêng tư đầy cá tính, trong khi tiềm năng của nó có thể tạo ra một sự sống mới, tạm thời được gián đoạn. Những thời khắc đó, những quấn quít thân mật của tình yêu vợ chồng vẫn hằng biểu lộ ý muốn không ngừng thăng tiến trong sự thề hứa chung thủy với nhau và mãi mãi. Và rồi có những lúc khác, khi ý thức trách nhiệm của tình yêu vợ chồng mời gọi và bó buộc người chồng và vợ biết kềm chế những ôm ấp xác thịt vốn từng gắn bó họ lại với nhau. Nhưng nếu như vợ chồng có lúc tách biệt khỏi sự truyền sinh hoặc nếu như họ có tách biệt khỏi sự kết hợp xác thịt với nhau, điều tiếp tục nối kết họ với nhau chính là sự cam kết tình yêu của họ với nhau, và chính chỉ qua mối cam kết này mà người nam và người nữ mới có thể đi đến sự hoàn thành tất cả những bổn phận của hôn nhân.

Sau cùng, tôi chân thành cầu chúc cho tất cả các quý vị và các bạn trẻ đang sống trong đời sống hôn nhân gia đình, được can đảm đón nhận lấy những trách nhiệm cao cả và những bổn phận cam go hầu có thể chu toàn sứ vụ và ơn gọi đặc biệt của chính mình trong bâc sống gia đình. Xin Thiên Chúa và Mẹ thánh Maria ban cho tất cả quý vị những ân sủng cần thiết, ngõ hầu quý vị có thể chu toàn bổn phận của chính mình và đồng thời trở nên nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng đời hôm nay bằng chính cuộc sống gia đình của mình.

Tiện đây, tôi cũng xin chân thành cám ơn quý vị độc giả đã trung thành theo dõi những bài viết liên quan đến vấn đề "Ngừa Thai" và đã thương mến gởi đến tôi những lời khen ngợi và sự cầu chúc tốt đẹp qua các điện thư (e-mails). Cách riêng, tôi xin chân thành cám ơn Ðức Giám Mục phụ tá, Thomas Nguyễn Văn Trâm, địa phận Xuân Lộc đã động viên và đề nghị tôi nghiên cứu những lãnh vực này, hầu đáp ứng một phần nào đó cho Giáo Hội Việt Nam, cho những nhu cầu mục vụ tại quê hương, cụ thể là cho địa phận của chính ngài. Cũng như các anh em Linh Mục đang phục vụ tại quê nhà.

Tôi hy vọng sẽ có cơ hội để được cống hiến cho quý vị độc giả, loạt bài kế tiếp về vấn đề Phá Thai, vào một tương lai gần, xin quý vị đón đọc trong thời gian tới. Xin quý vị nhớ đến tôi qua lời cầu nguyện hằng ngày, xin đa tạ và hết lòng tri ân quý vị.

 

Lm. Trần Mạnh Hùng, DCCT (Roma)

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 68, năm 2002)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page