Giáo Lý Công Giáo

Và Hiểm Họa Ma Túy HIV / AIDS

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Nói Ðầu

 

UNAIDS là chương trình chống HIV / AIDS của Liên Hiệp Quốc, có nhiệm vụ liên kết mọi nước và mọi tổ chức chống lại bệnh dịch AIDS thành một mặt trận hoàn cầu. Ông Peter Piot, Giám đốc điều hành chống AIDS của tổ chức quốc tế này đã ra một thông báo cho biết sự nguy hiểm lớn và mức độ lây lan mau chống của đại dịch kinh khủng này:

Số người chết vì AIDS trong 20 năm (từ năm 1981 đến tháng 6 năm 2001): 22 triệu người chết.

36 triệu người đang bị nhiễm HIV.

Khoảng 56 triệu người trong đó có 10,4 triệu trẻ em (90% trẻ này ở Châu Phi đang nhiễm HIV. Nước Botswana, Phi châu, 300.000 nhiễm HIV trong tổng số 1,5 triệu dân.

Năm 1990, ở thành phố Sài-Gòn ca nhiễm HIV đầu tiên ở nước ta được phát hiện. Bây giờ nước ta có khoảng 32.000 người nhiễm HIV / AIDS trong 61 thành phố và tỉnh thành, và tới năm 2005 số người nhiễm HIV / AIDS sẽ tăng lên... 300.000 người. Ai sẽ ở trong số đáng sợ đó?

Chưa có thuốc nào chữa được bệnh AIDS cả. Các loại thuốc chữa bệnh AIDS hiện nay chỉ lo giữ cho người nhiễm HIV một thời gian lâu trước khi chuyển qua giai đoạn AIDS. Các loại thuốc này lại quá đắt (12.000 USD một năm) so với túi tiền của gia đình người nhiễm HIV / AIDS trong các nước nghèo, trong các nước đang phát triển. Do đó, phải cảnh giác và đề phòng.

Phải loại trừ những con đường dẫn tới nhiễm HIV: ma túy và chích ma túy, đồng tính luyến ái, tiệt trùng dụng cụ y tế không đúng phương pháp v.v... Cha mẹ phải để ý con cái, tránh cho chúng không bị lôi kéo vào con đường ma túy, trác táng...

 

Mục 1: Bệnh Dịch HIV / AIDS

 

1. Các Thuật Ngữ:

a. SIDA viết tắt từ thuật ngữ trong tiếng Pháp: Syndrome immuno - déficiaire acquis.

Syndrome (S) tiếng Hy-lạp là Sundromê, chỉ toàn bộ những triệu chứng là đặc tính của một căn bệnh.

Immuno (I) là miễn nhiễm, miễn dịch.

Déficiaire (D) là thiếu, giảm thiểu.

Acquis (A) nhiễm phải, mắc phải.

Vậy, SIDA là hội chứng suy giảm tính miễn nhiễm, miễn dịch.

AIDS viết tắt từ thuật ngữ trong tiếng Anh: Acquired Immune Deficiency Syndrome.

A (acquired) : nhiễm phải, mắc phải.

I (Immune) : miễn nhiễm, miễn dịch.

D (Deficiency) : thiếu, giảm thiểu.

S (Syndrome) : hội chứng.

b. HIV viết tắt từ thuật ngữ: Human immunodeficiency Virus

H (Human) : người

I (Immunodeficiency) : giảm thiểu ( tính miễn nhiễm, miễn dịch )

V (Virus) : siêu vi khuẩn

Siêu vi khuẩn HIV là loại làm giảm thiểu tính miễn dịch, miễn nhiễm con người.

c. Phát hiện HIV / AIDS

Năm 1959, tại Cộng hòa Congo, người ta phát hiện được chứng bệnh AIDS đầu tiên, nhưng thời đó chưa ai biết được bệnh đó do siêu vi khuẩn HIV.

Năm 1981, giáo sư Micheal Gottlieb phát hiện một chứng bệnh lạ nơi người đồng tính luyến ái (homo-sexuality, homosexualité: đồng giới giao hợp) tại tiểu bang California. Vì "chỉ" thấy bệnh này xuất hiện nơi người đồng tính luyến ái, nên ngày ấy, người ta gọi là bệnh ung thư của những người đồng tính luyến ái (gay cancer).

Năm 1982, ngoài những người đồng tính luyến ái mắc bệnh trên, còn có những người ghiền ma túy, những người mắc bệnh huyết hữu phải truyền máu nhiều cũng mắc chứng bệnh đó.

Ngày 20 tháng 5 năm 1983, trên tờ báo Science, giáo sư Luc Montagnier thuộc viện Pasteur Pháp cùng với mấy đồng nghiệp công bố phân lập được siêu vi khuẩn LAV (Lymphadenopathy associated virus) trên một người bị bệnh nổi hạch bạch huyết, nghĩa là siêu vi khuẩn gây bệnh u bạch huyết. Nó thuộc loại phiên ngược (retrovirus) nghĩa là từ ARN (acide ribonucléique) tới AND (acide désoxyribonucléique) nhờ một yếu tố chép ngược (reverse transriptase).

Ngày 4 tháng 5 năm 1984 trên tạp chí Science, giáo sư Robert Gallo thuộc viện ung thư quốc gia Mỹ công bố đã phân lập được một loại siêu vi khuẩn giết chết tế bào bạch cầu T, và ông gọi là HTLV-III (Human T lymphotropic Virus III).

Tháng 11 năm 1983, tại New York, hơn 160 nhà nghiên cứu thuộc hai mươi quốc gia họp với nhau để nhận diện và đối phó với căn bệnh trên. Họ cho rằng nguyên nhân của bệnh trên là do nhiễm loại siêu vi khuẩn làm suy giảm hệ miễn dịch.

Hội nghị quốc tế lần thứ 1 được triệu tập tại Atlanta tháng 6 năm 1985, gồm 2200 chuyên viên y học, khoa học, truyền thông đại chúng và đưa ra kết luận:

- Tác nhân gây ra bệnh AIDS là một loại siêu vi khuẩn loại retrovirus và còn có một đồng tác nhân khác nữa mà chưa ai hiểu rõ.

- Siêu vi khuẩn này có nhiều chủng loại. Khả năng tìm ra một Vaccin chống bệnh này rất khó vì khả năng đột biến của HIV.

- 70% người đàn ông bị nhiễm HIV trong vòng từ 3 đến 5 năm trước đó, chỉ có 3% bị bệnh AIDS mà thôi.

Hội nghị quốc tế lần thứ 2 nhóm tại Paris tháng 6 năm 1986 qui tụ 2800 nhà khoa học: tấn công chính phạm HIV-I và tòng phạm là HIV-2, và dùng các kháng sinh chống các bệnh nhiễm trùng khác.

Hội nghị quốc tế lần 3 họp vào tháng 6 năm 1987 tại Washington quy tụ hơn năm ngàn khoa học gia và hơn một ngàn phóng viên, báo chí, truyền thanh.

Các nhà khoa học nhìn nhận HIV là thủ phạm cực nguy hiểm gây ra bệnh AIDS. HIV ít nhất cũng có hai típ khác nhau: HIV-I và HIV-2 theo tỉ lệ thay đổi nhau: 35% đến 60%. HIV-2 rất gần với SIV gây bệnh cho khỉ.

Tuy nhiên, theo giáo sư Peter Duesberg, người ta không thể giải thích nỗi 4621 trường hợp mắc bệnh AIDS không có HIV và người Mỹ đã gọi chúng là ICL (Idopathie CD4 lymphocytopenia: bệnh tự phát bạch cầu CD4). Ông tin có "một cái gì khác" hơn HIV đã gây ra bệnh AIDS. Như vậy, bên cạnh virus HIV gây ra bệnh AIDS còn có một thứ tác nhân khác gây ra bệnh AIDS.

 

2. Hệ Miễn Nhiễm, Miễn Dịch:

Cơ thể con người được bảo vệ chống lại vi khuẩn, siêu vi khuẩn, nấm xâm nhập cơ thể gây ra bệnh tật. Ðoàn quân bảo vệ gồm hàng tỉ tế bào bạch huyết cầu (7.000 bạch huyết cầu trong 1mm3 máu) thành những sư đoàn chuyên nghiệp (đại thực bào, tế bào bạch huyết cầu T, tế bào bạch huyết cầu B v.v...).

Khi vi khuẩn, siêu vi khuẩn lọt vào cơ thể con người, đại thực bào là anh lính đi tuần tra trong cơ thể phát hiện kẻ thù và xông tới ngoạm kẻ thù và tiêu diệt nó và để lại một mảnh của kẻ thù là dấu vết riêng (gọi là kháng nguyên: antigène để tế bào bạch cầu T (lymphocyte T) nhận ra kháng nguyên đó.

Nếu sự chiến đấu đầu tiên bị thất bại, thí dụ: bị sướt da chảy máu mà không được săn sóc, giọt dịch rỉ ra, vết thương bưng mũ. Giọt rỉ đó là bạch huyết (lymphe, lymphatique) chứa những tế bào bạch cầu đặc biệt. Mủ chứa nhiều xác chết của đại thực bào, bạch cầu. Vi khuẩn, siêu vi khuẩn thắng sẽ đi sâu vào cơ thể. Bạch huyết sẽ thu hút kẻ địch vào hạch bạch huyết gần đó, cô lập chúng để đại thực bào tiêu diệt chúng.

Bình thường số bạch cầu trong máu ở một mức bình ổn (7.000 bạch cầu trong 1mm3 máu), bây giờ cơ thể bị xâm lăng, cần phải sản xuất nhanh số lượng bạch cầu tại các hạch bạch cầu (đại thực bào, bạch cầu T, bạch cầu B v.v...) và được chuyên môn hóa. Bạch cầu B sẽ sản xuất ra kháng thể (anticorps) để kháng thể bám lấy kẻ thù không cho nó xâm nhập vào tế bào khác và thúc đẩy hóa chất tiêu diệt chúng, tiêu diệt cả tế bào bị nhiễm.

Khám phá của Niels. N. Jerne cho biết kháng nguyên nào thì có kháng thể nấy. Thí dụ: vi trùng lao (kháng nguyên lao) đột nhập cơ thể thì trong hệ thống miễn dịch sẽ có một chọn lựa chuyên biệt (một dòng bạch cầu B riêng) sản xuất ra kháng thể đặc hiệu để chống lại vi trùng lao.

Thông thường, loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn xâm nhập và khu trú ở một cơ quan, một mô nào đó trong cơ thể con người. Thí dụ: Siêu vi B khu trú ở gan và tìm cách xâm nhập các tế bào gan. Vi trùng lao xâm nhập các tế bào phổi v.v... Thí dụ: Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng) hủy hoại tế bào bạch cầu, là một loại ung thư. Còn HIV thì sao?

Siêu vi khuẩn HIV, ở ngoài cơ thể sẽ bị chết trong môi trường khô sau sáu giờ, và trong môi trường ẩm ướt sau hai hoặc ba ngày, còn khi HIV đã xâm nhập vào người, HIV xâm nhập vào bạch cầu T4 (lymphô T4) cho đến khi chúng đủ sức giết chết tế bào "nuôi" chúng thì tế bào đó mới biết. Vì thế, lymphô T4 không kịp báo động cho hệ miễn dịch của cơ thể để vừa huy động vừa sản xuất ra tế bào bạch cầu đối phó với kẻ thù. Chậm rãi và chắc chắn, HIV phá hủy lympho T4, phá hủy hệ miễn dịch của con người khiến con người mất khả năng tự vệ trước sự xâm nhập bất cứ mầm bệnh nào.

Thật ra, sau 5, 6 tháng bị nhiễm HIV người ta làm test đã phát hiện được nơi bệnh nhân có kháng thể đặc hiệu do cơ thể tạo ra để tấn công HIV, tức là cơ thể đã nhận ra siêu vi khuẩn này xâm nhập và hệ miễn nhiễm đã biết chống lại chúng. Tuy nhiên kháng thể này do cơ thể sản xuất ra cũng chỉ để cầm cự và bước thụt lùi dần dần theo thời gian. Hiện giờ, chưa có thuốc đặc hiệu chống lại HIV, thuốc chỉ có thể giúp cơ thể cầm cự đến một mức nào đó tùy cơ thể, có thể 5 năm, 10 năm, lúc đó hệ miễn dịch suy giảm đến nỗi không còn khả năng chống lại vi khuẩn, siêu vi khuẩn, vi nấm mà bình thường cơ thể chống lại được, kẻ xâm lăng sẽ giết chết bệnh nhân.

 

3. Nhiễm HIV:

Siêu vi khuẩn HIV lây truyền chủ yếu qua đường máu và đường tình dục.

- Truyền máu: nếu máu hoặc huyết tương của máu nhiễm HIV truyền cho ai thì chắc chắn người đó bị nhiễm HIV. Nhưng vì thời gian nhiễm HIV cho đến lúc xuất hiện kháng thể trong cơ thể có thể mất 4 hoặc 5 hoặc 6 tháng (là thời gian ủ bệnh âm tính mặc dầu đã nhiễm HIV), nên người đã nhiễm HIV sẽ vô tình truyền HIV cho người lành.

- Qua đường dục tình: người nam nhiễm HIV truyền bệnh dễ dàng cho người nữ hơn người nữ nhiễm HIV truyền cho người nam (qua đường máu, qua sự thẩm thấu của màng).

- Ðồng tính luyến ái: người nhiễm HIV rất dễ dàng truyền bệnh cho người lành.

- Thai nhi: người mẹ nhiễm HIV sẽ truyền cho con qua cuống nhau theo tỷ lệ 50% (cứ hai đứa thì một đứa nhiễm HIV). Mẹ nhiễm HIV cho con bú, con sẽ bị lây nhiễm qua việc bú sữa mẹ.

- Hớt tóc: dụng cụ hớt tóc (kéo, dao, lược) nếu dính máu của người nhiễm HIV sẽ truyền bệnh cho người lành khi thợ hớt tóc làm sướt da người lành.

- Chữa răng: dụng cụ chữa răng dính máu người nhiễm HIV sẽ truyền bệnh cho người lành rất dễ dàng qua đường máu.

- Dụng cụ y tế (kim tiêm, chích, dao, kéo v.v...) dính máu người nhiễm HIV sẽ dễ dàng truyền bệnh cho người lành.

- Kim châm cứu, kim chích lể v.v... trong y học cổ truyền nếu dính máu người nhiễm HIV sẽ dễ dàng truyền bệnh cho người lành.

Vì thế, các y cụ (Tây y, Ðông y) phải được tiệt trùng đúng phương pháp:

- Hấp ẩm (có hơi nước) phải ở nhiệt độ 50 độ Celsius trở lên trong vòng 30 phút.

- Hấp khô: ở nhiệt độ 180 độ C trong vòng 20 phút. Thường người ta để y cụ trong nồi nước sôi 30 phút.

- Cồn 50% trở lên có khả năng giết được HIV.

- Nước Javel pha loãng 1/10 giết được HIV.

Nên nhớ: tia gamma, tia ngoại tử không giết được HIV.

Vì thế phải luôn đề phòng:

- Không dùng một kim tiêm (chích) cho nhiều người mà chưa tiệt trùng hoặc tiệt trùng không đúng phương pháp. Những người chích héroine chung một ống chích, sẽ nhiễm HIV nếu trong đó có một người nhiễm HIV. Thời nay, người ta sử dụng ống chích một lần để tránh lây nhiễm (chích xong thì hủy đi, người lượm rác cần lưu tâm để tránh kim vứt trong sọt rác đâm vào da thịt mình, gây lây nhiễm).

- Kim châm cứu, chích lể không nên dùng chung và phải tiệt trùng đúng cách sau khi sử dụng.

- Chữa răng: dụng cụ nha khoa dính máu người nhiễm HIV không được tiệt trùng đúng để diệt trừ hết HIV sẽ truyền HIV qua đường máu nướu răng, chân răng cho người lành chữa răng.

- Hớt tóc: dao, kéo, lược có thể dính máu người khách nên phải tiệt trùng đúng cách. Không thể dùng thuốc tím hoặc bông thấm cồn xoa qua trên dụng cụ hớt tóc là bảo đảm.

- Vết máu nhiễm HIV dính trên thành xe... vết thương của người lành chạm lấy trở thành cách tiếp xúc lây nhiễm HIV, vì thế, cần xử lý cẩn thận các vết thương trầy da, sướt da trong thể dục, thể thao v.v...

- Người nhiễm HIV cắn người lành, người lành khó bị lây nhiễm vì trong nước miếng có rất ít HIV, nhưng cũng phải đề phòng "cơn bốc" của người nghiện ma túy đã nhiễm HIV v.v...

Còn bắt tay, nói chuyện, ăn cơm với người nhiễm HIV, người lành không sợ bị lây nhiễm.

Giáo sư Jean Claude Chermann đã tìm thấy vết (trace) siêu vi khuẩn HIV trong 50 loại côn trùng ở Châu Phi và ông đã nói rằng gần như chắc chắn các côn trùng này không truyền HIV.

 

4. Bệnh AIDS:

Siêu vi khuẩn HIV xâm nhập cơ thể con người vào trong các tế bào bạch huyết cầu T4 (Lympho T4) hay CD4 (ICL: Idiophathie CD4 lymphocytopenia là bệnh tự phát bạch cầu), phá hủy bạch cầu T4, đưa cơ thể con người đến tình trạng làm suy giảm hệ miễn dịch trầm trọng. Lúc đó, cơ thể không còn đủ sức để chống lại các thứ bệnh tật mà tác nhân là những vi khuẩn, siêu vi khuẩn vi nấm hoặc ký sinh trùng gây ra đưa bệnh nhân tới tử vong trong khi cơ thể người bình thường chống lại được.

Như vậy, không phải siêu vi khuẩn HIV xâm nhập cơ thể con người sẽ gây bệnh AIDS ngay. Bao lâu cơ thể con người còn khỏe, hệ miễn dịch chưa bị suy giảm quá mức, HIV chưa đưa con người qua giai đoạn bệnh AIDS.

Trẻ nhiễm HIV trong bụng mẹ, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn hảo, trẻ chỉ sống được hai năm vì bệnh AIDS. Người lớn có nhiễm HIV 5 năm, 10 năm mới bị AIDS. Cũng không phải tất cả nhiễm HIV đều sang giai đoạn AIDS. Có thể 50% người nhiễm HIV sang giai đoạn AIDS trong vòng mười năm. Và có thể người nhiễm HIV chết vì một nguyên nhân khác mặc dầu đã nhiễm HIV lâu năm. Tuy nhiên, lâu hay mau, cuối cùng sẽ chết vì bệnh AIDS.

Cần phân biệt:

a. Người nhiễm HIV nhưng chưa có triệu chứng AIDS

Ðây là loại người nhờ thử nghiệm huyết thanh, nhà chuyên môn nhận ra họ có huyết thanh dương tính tức là có kháng thể chống lại HIV, nghĩa là họ đã bị nhiễm HIV. HIV đã có trong máu, trong tinh dịch hay dịch tiết của âm đạo, trong nước miếng, trong sữa của họ và có thể lây truyền HIV bằng đường máu, đường tình dục cho người khác.

b. Bệnh AIDS không điển hình

Ðây là hội chứng ARC (AIDS related complex), một thứ bệnh nhẹ gồm những triệu chứng không đặc thù: sốt lâu ngày, từng cơn họ không liên tục, đổ mồ hôi ban đêm, kém ăn, mệt nhọc, sụt cân nhiều, tiêu chảy kéo dài, ngứa, phát ban, nổi hạch nhiều nhất ở vùng cổ, kéo dài.

Có thể bị nấm Candida albicans gây bệnh ở xoang miệng, vùng hầu, thanh quản, niêm mạc, thường gặp nhất bệnh đẹn muguet: (bệnh đẹn lưỡi). Siêu vi khuẩn Herpes simplex gây loét ở da, niêm mạc. Có khi bị sarcom Kaposi (ung thư da) dưới dạng đốm, mảng, hòn, sần màu hồng hay đỏ tím.

c. Bệnh AIDS điển hình

Do suy giảm hệ miễn dịch trầm trọng tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhiều thứ bệnh nhiễm trùng phá hoại cơ thể (gọi là các bệnh nhiễm trùng cơ hội) trong khi người lành có thể chống lại được.

- Nhiễm vi khuẩn:

+ Mycobacterium avium intracellulare gây ra viêm phổi, viêm gan, tiêu chảy, làm tổn thương hệ tạo huyết.

+ Mycobacterium tubercolosis gây ra bệnh lao phổi, viêm phổi v.v...

+ Legionnella pneumoniae gây viêm phổi.

+ Salmonella typhirmurium gây nhiễm trùng huyết.

+ Salmonella dublin gây nhiễm trùng huyết.

+ Hemophilus influenzae gây nhiễm đường hô hấp.

- Nhiễm siêu vi khuẩn:

+ Cytomegavirus (CMV) gây viêm phổi, viêm ruột, có khi làm thủng ruột, gây bệnh ở não, mắt, gan, tuyến thượng thận, máu. Người đồng tính luyến ái, dầu không mắc bệnh AIDS, thường mang CMV mà không hiểu bệnh lý. Hiện giờ chưa có thuốc đặc hiệu trị siêu vi khuẩn CMV.

+ Herpes simplex gây loét trên da và niêm mạc.

+ Herpes zoster gây bệnh zona (giời leo).

- Nhiễm ký sinh trùng:

+ Pneumocystis carinii gây viêm phổi, là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất. Thuốc Bactrim ( trimethorim-sulfamethoxazol ) trị ký sinh trùng này có hiệu quả nơi người bình thường.

+ Srytosporium spp gây viêm ruột, tiêu chảy nặng.

+ Toxoplasma gondii gây viêm não, viêm võng mạc.

+ Strongyloides stercoralis (giun lươn) gây viêm phổi, viêm hệ thần kinh trung ương.

- Nhiễm vi nấm:

+ Candida albicans gây bệnh ở xoang miệng, vùng hầu, thanh quản.

+ Cryptococcus neoformans gây viêm não, màng não.

+ Histoplasma capsulatum gây nhiễm lan tỏa.

+ Aspergillus gây nhiễm phổi, não, màng não.

- Ung thư sarcom kaposi (ung thư da)

- Thể não thần kinh. Ở người thường, siêu vi khuẩn trực tiếp tấn công hệ thần kinh gây tổn hại não và tủy sống đưa tới hậu quả: giảm trí nhớ, liệt từng phần, rối loạn tâm thần và vận động. Trong bệnh AIDS, hậu quả trầm trọng không tránh khỏi.

- Trường hợp bội nhiễm: người đã bị nhiễm HIV, còn nhiễm thêm HIV nữa (chích xì ke ma túy, mại dâm) sẽ bị mau chóng chuyển qua giai đoạn AIDS với mức độ năng hơn nhiều.

 

5. Thuốc Trị Bệnh AIDS:

Hiện nay, chưa có một loại thuốc đặc hiệu trị được siêu vi khuẩn HIV. Tháng 8 năm 2001, tại hội nghị ở Philadelphia, viễn tượng một loại vaccin trị được HIV trong vòng hai năm nữa đã được các nhà chuyên môn chú ý. Nhưng đấy chỉ là tia hy vọng. Hiện giờ, người ta dùng các loại thuốc:

a. Interferon recombinant Alpha (IFR Alpha): có tác dụng ức chế khối u trong điều trị ung thư Kaposi là chứng bệnh thường gặp trong bệnh AIDS.

b. Tungsto-antimoniate de Sodium (HPA23): ức chế men (diếu tố) sao chép ngược (reverse transcriptase) không cho HIV xâm nhập vào Lympho T4.

c. Azidothymidine (AZT): ức chế men reverse transcriptase, làm ngưng lan truyền HIV. Có nhiều trường hợp AZT cho bệnh nhân sức khỏe tốt hơn. Nhưng AZT có những tác dụng phụ: gây độc tính trên hệ tủy xương trợ máu, gây chứng thiếu máu, rối loạn đông máu, gây nhức đầu, khó chịu, buồn nôn... Bây giờ, có thuốc ddC, 3TC có hiệu quả và ít độc tính hơn AZT.

d. Loại thuốc ức chế men protease, ngăn chặn HIV sao nhân bản ra nhiều HIV khác: Indinavir, Saquinavir, Ritronavir...

e. Liệu pháp cocktail: phối hợp ba loại thuốc gồm có hai loại ức chế men sao chép ngược (reverse transcriptase) và men protease. Thí dụ: AZT với 3TC và Indinavir. Áp dụng phương pháp này, số lượng HIV trong máu giảm đi rất nhiều, bệnh chậm tiến triển, nhưng khi ngừng thuốc thì HIV xuất hiện nhiều trở lại trong máu. Giá thuốc đắt, mỗi ngày phải uống 30 viên thuốc, mỗi năm phải tốn mất 5.000 - 12.000 USD tiền thuốc, vượt quá tầm tay của những người nghèo trong các nước đang phát triển, nhất là trong các nước nghèo. Người ta đang thương lượng với các dược phòng điều chế các thuốc nói trên cho phép bào chế thuốc nơi các nước nghèo với giá thật rẻ.

 

Mục 2: Ma Túy

 

Ma là cây gai; là thói quen không thể chừa được. Túy là say. Các loại ma túy thường thấy như:

 

1. Cần Sa:

Cây cần sa tiếng Anh gọi là cannabis, tiếng Pháp gọi là chanvre indien, còn có những tên địa phương như marijuana, ganjale v.v... là nhựa của loại hoa cannabis hay loại gai. Cây cần sa thường được trồng để lấy sợi, nhưng nếu trồng ở khí hậu nhiệt đới (nắng nhiều) như ở miền Ấn-độ, Mễ-tây-cơ v.v... cây cần sa sẽ cho nhựa. Từ nhựa này người ta tạo ra một thứ chế phẩm để hút.

Chất cần sa gây ra tình trạng hưng phấn nơi người hút, giải tỏa sự ức chế của thần kinh, con người trở thành cởi mở với người khác, cử chỉ lanh lợi, nhìn màu sắc thấy tươi sáng khác thường, mọi âm thanh nghe du dương, tự tin, sảng khoái, ăn nói lưu loát. Nhưng đi theo tình trạng sảng khoái đó là giảm trí phán đoán, ý chí lụn bại, tình trạng quên sót, đang nói tự nhiên quên, không nhớ là nói gì, thụ động, lười biếng. Cơn say cần sa kéo dài từ hai giờ đến mười giờ, mất khả năng định hướng nên rất nguy hiểm khi say cần sa mà lái xe.

Người hút cần sa sẽ trở thành người ghiền cần sa, bị cần sa điều khiển, họ trở thành một người nghiện ngập, lười biếng, bạc nhược.

 

2. Cocain (Cocaine):

Ðây là hóa chất từ lá cây coca, là chất bột trắng hòa tan trong nước. Y học dùng làm thuốc tê. Dân ghiền hòa bột cocain trong nước để uống hoặc để chích vào tĩnh mạch. Nó gây cảm giác sảng khoái vì nó là một chất kích thích thần kinh: tim đập nhanh, vận động cơ thể dễ dàng, sảng khoái. Dùng lâu và dùng nhiều con người rơi vào nghiện ngập cocain, cơ thể suy yếu, ý chí lụn bại, sống cô độc vì không muốn tiếp xúc với ai, xuất hiện những ảo giác và mê sảng, dễ rơi vào tình cảm rối loạn và hung dữ.

 

3. Á Phiện (Thuốc Phiện):

Ðây là nhựa của trái cây thuốc phiện (pavot, poppy) người ta chế ra thành một chất đen để hút. Thuốc phiện gây sảng khoái, quên đi những đau khổ khi say và sinh ra nghiện ngập. Người nghiện thuốc phiện, cơ thể bị suy tàn dần, lười biếng.

Khoa dược chế từ thuốc phiện ra các loại thuốc làm giảm đau, trị tiêu chảy dưới dạng xi-rô, elixir, laudanum và chiết suất ra hoạt chất mang tính alcalloid như chế phẩm morphine dùng để giảm đau. Dùng morphine để giảm đau lâu ngày, bệnh nhân sẽ bị ghiền morphine.

Từ morphine, người ta bào chế ra bạch phiến (héroine). Héroine ngoài y lệnh của thầy thuốc ra, nó là một thứ độc dược gây nghiện ngập nặng cho kẻ hút hoặc chích nó. Cơ thể con người bị suy sụp dần dần theo liều lượng dùng mỗi ngày một tăng thêm.

Ban đầu, một cử hút, chích dần dần tăng lên sáu cử v.v..., thân thể điêu tàn, con người trở nên thất thểu, ma quái và hung dữ. Cơn ghiền đến, cơn đói thuốc đòi hỏi, người ghiền tìm bao nhiêu cách miễn là có tiền để mua thuốc (trộm cắp, cướp, hung dữ với người thân, với cha mẹ...)

Cai nghiện héroine không phải là dễ dàng vì ý chí con người bị tàn lũi không thể chống lại những cơn vật vã, khổ cực của cơn đói thuốc (vã mồ hôi, co giật, cảm thấy như ngàn mũi kim đâm vào thịt, như triệu con giòi bò lúc nhúc trong thịt).

Những người cai nghiện được sáu tháng, một năm, biết nguy hiểm của héroine đã làm khổ mình, gia đình mình hết sức, nhưng về nhà lại tái nghiện vì ý chí bị suy sụp.

Tai hại lớn nhất là từ héroine đến HIV / AIDS: bao nhiêu người nghiện dùng một ống tiêm (chích), chỉ cần một người nhiễm HIV chích chung sẽ làm lây nhiễm qua đường máu cho kẻ khác một cách dễ dàng.

Tuổi thọ của người nghiện héroine chỉ đếm được trên mấy đầu ngón tay, có người chích xong lăn đùng ra chết. Làm sao mà không chết khi đưa chất độc với những tạp chất (pha chế thêm) vào mình.

Nếu người nghiện héroine nhiễm HIV thì rất mau sang giai đoạn AIDS vì cơ thể đã suy sụp, HIV nhân bản mỗi ngày 10 tỉ siêu vi khuẩn, chỉ cần vài tuần, con người đó trở thành "con vật HIV".

 

4. Các Chất Kích Thích:

Xin tóm lại như sau:

a. Những chất ức chế thần kinh:

Thuốc phiện và những chất chiết xuất từ thuốc phiện; các loại thuốc ngủ thuộc barbituric như Gardenal, Cortidasmyl, Phenobacbitan (của Việt Nam); thuốc an thần, thường dùng nhất là méprobamate, có các tên: Andaxin (Hungary), Anthraxin (Nhật), Cyrpon (Ðức), Deprol (Mỹ), Equanil (Mỹ) Equasic (Mỹ), Lenactos (Pháp), Pertanquil (Ý). Dược phẩm Diazépam dẫn xuất từ Benzodiazépine, có nhiều tên biệt dược khác: Valium, Séducène, thuộc bảng A (tức là thuốc độc) theo dược điển Pháp, uống quá liều sẽ gây sảng khoái, chếnh choáng như say.

b. Những chất thuốc kích thích thần kinh:

Cocain, Amphétamine. Amphétamine sulfate là dược phẩm có nhiều tên biệt dược khác: Phetanin (Nga), Benzedrine (Mỹ), Psychedrine (Ba Lan), Ortenal (Pháp), Maxiton (Pháp), Psychoton (Tiệp Khắc), ghiền trước đây gọi Mác hoặc Xì cọt. Doping vận động viên hay dùng.

Học sinh, sinh viên cũng dùng Amphétamine (Maxiton, Phêtamin) để tăng sức học vì thuốc này kích thích thần kinh, tăng huyết áp, tim đập nhanh, con người nở ra, độ đường huyết tăng, óc suy tư dễ dàng, tăng sáng suốt, hoạt bát, dễ dàng cởi mở với người khác.

Tuy nhiên, lạm dụng thuốc này sẽ đưa tới nghiện. Dân nghiện chích thuốc này vào tĩnh mạch, tạo ra cho con người một cảm giác phi (phê): sảng khoái, bay bổng.

Amphétamine được bào chế ở độ mạnh gấp mười lần, gấp năm chục lần thành độc dược có tên là MDM, MPPP, gọi là thuốc "lắc". Chúng tạo nên cơn hưng phấn quá độ, say sưa quá độ, quay cuồng quá độ, lệch về thị giác, cơ thịt ở đầu và cổ co thắt, khô miếng, miệng khó chịu, con người quay đầu, lắc lư trong ba, bốn giờ.

c. Những chất kích thích làm rối loạn hoạt động của thần kinh.

Cần sa (cannabis), chất THC (Tetrahydrocanabinol), chiết xuất từ cần sa. Chất LSD (acid lysergic) gây ảo giác, chất mescalin chiết xuất từ loại xương rồng peyote, Psilocybin chiết xuất từ một loại nấm đều gây ảo giác.

d. Bữa ăn ma túy tổng hợp

Trước năm 1975, dân nhà giàu ghiền ma túy dùng một bữa ăn ma túy theo thứ tự như sau:

- Uống thuốc kích thích quá liều (họ sẽ bị ngộ độc)

- Hút cần sa, thuốc phiện (có tác dụng giải độc lượng thuốc kích thích quá độ đương sự đã uống vào).

- Uống thuốc ngủ (Vénoral, Gardénal, Binoctal, Imménoctal v.v...) có tác dụng kéo dài ảo giác "phi" (phê) thêm một thời gian nữa.

Thân thể họ tàn tạ và mỗi ngày họ tàn tạ thêm vì khi họ nốc cả một liều thuốc kích thích thừa sức giết chết mấy mạng người, rồi lại đi hút, đi hít một thứ độc dược khác để tạo thế "độc giải độc", tiếp đến lại dùng thuốc ngủ quá độ?

Hiện nay, một nhóm thanh niên mê say ma túy sử dụng thuốc "lắc". Uống xong mười mấy phút, họ đứng lắc đầu, không còn biết gì ngoài việc lắc rồi uống nước do tác dụng của thuốc, quay cuồng, xốc áo, vén quần, tự bôi nhọ nhân cách của mình!

Có loại tân dược tiêm (chích) chứa trong ống tiêm, chỉ cần mở hộp thuốc lấy ống tiêm là có thể tiêm thuốc vào cơ thể. Phải đề phòng loại "mì ăn liền" này vì có loại thuốc gây nghiện.

e. Rượu (alcool éthylique, ethyl alcohol)

Rượu uống ít có tác dụng "khu phong hoạt huyết" (giải gió độc, máu lưu thông nhanh và mạnh), kích thích sự tiết dịch vị ở dạ dày, nước bọt do rượu trực tiếp tác dụng vào dạ dày làm phóng thích gastrin, uống một ly nhỏ có dung lượng 30ml thôi, uống nhiều, rượu trở thành một chất độc phá hại cơ thể.

Có hai hiện tượng sinh lý đối với rượu:

- Cơ thể hấp thụ cồn etylic:

Hấp thụ một phần ở vách dạ dày và phần lớn ở ruột non với một tốc độ trong vòng nửa giờ so với sự hấp thụ của thực phẩm khác.

Một người có trọng lượng 60 kgrs, nếu uống 1/5 lít rượu Whisky (200ml) có nồng độ 50% cồn etylic hoặc uống 1 xị đế có nồng độ 40% (tức 250ml) một lần thì trong vòng nửa giờ, nồng độ cồn etylic ở trong máu là 0,15%, sẽ bị say nặng, có thể ngã gục mà không biết gì.

- Cơ thể nỗ lực thải rượu ra ngoài:

Khoảng 10% cồn etylic được thải ra ngoài bằng đường tuyến mồ hôi, phổi (nên mùi rượu bay ra) và đường thận. Khoảng 90% qua đường gan do hai phản ứng:

Cồn etylic - nhờ enzym dehydrogenaz -> acetaldehid

Acetaldehid - nhờ aldehid dehydrogenaz -> Acetat

Acetat được đưa trở lại trong máu và cuối cùng sẽ được oxýt hóa thành dioxytcarbon và nước.

Hai phản ứng trên cần một enzym phụ ADH (alcool nicotinamid-adenin-dinucleotid) và cần thời gian để tạo phản ứng nên nếu uống số lượng nhiều hơn khả năng lọc của gan, cồn etylic sẽ được tích lũy trong máu.

Ðối với một người khỏe mạnh, chất cồn được ghi nhận là: 15ml cồn etylic trong máu trong một giờ khi uống một lần 30ml Whisky có độ 50% hoặc một chai 33 có dung lượng 330ml.

Ðộ say sưa theo dung lượng uống và theo thời gian như sau: (Uống một lần hoặc nhiều lần trong 4 giờ, 8 giờ lượng rượu 200ml Whisky 50% hoặc 7 chai bia 330ml):

Nồng độ etylic khi đang đói

trong thời gian (giờ): 0 1 2 3 4 5 6 7 8

0,16 say khướt (không còn biết gì)

0,14 say mềm (không đứng được)

0,12 say

0,10 ngây ngất

0,08 hoạt bát

0,06 vui vẻ, hết lo

0,04 lâng lâng

0,02 lâng nhẹ

Vậy, trong nửa giờ uống 7 chai bia 33, nồng độ rượu trong máu là 0,15, sẽ bị say khướt. Trong hai giờ uống 7 chai 333, nồng độ rượu trong máu là 0,14 cũng say mềm. Trong 3 giờ, uống 7 chai bia 333, nồng độ cồn trong máu là 0,12 (say). Trong bốn giờ, uống 7 chai bia 333, nồng độ cồn trong máu là 0,10 (ngây ngất say) v.v...

Tuy nhiên, cũng có những hạng người uống có cồn trong máu 0,09 đã say có người uống nồng độ 0,3 vẫn đi lại bình thường. Nếu có thức ăn trong dạ dày, rượu được uống vào sau sẽ được hấp thụ chậm hơn, nếu được pha với nước có gaz như soda, nước ngọt đóng chai sẽ được hấp thụ nhanh, người mau say hơn. Ở nồng độ cồn 0,4 trong máu thì hầu như ai cũng say mềm. Ở nồng độ cồn 0,5 - 1% trong máu, các trung tâm thần kinh kiểm soát nhịp tim và nhịp thở sẽ bị tê liệt khiến người say rượu dễ dàng đi đến tử vong.

Người nghiện rượu lâu năm sẽ đưa đến tình trạng tích mỡ trong gan dần dần biến sang chứng gan cứng cản trở máu đen của phần dưới thực quản, bao tử, lá lách và ruột về tim và cuối cùng có thể tới bệnh xơ gan cổ trướng. Rượu còn gây thiếu nhóm vitamin B, làm hại tới thần kinh trung ương: rối loạn nhận thức, kém trí nhớ, sức chú ý kém, suy giảm ý chí, làm hại tới thần kinh ngoại biên: viêm đa thần kinh làm rối loạn cảm giác và vận động, có thể đưa tới liệt tứ chi, liệt toàn thân, làm hại tới hạch nội tiết: gây teo buồng trứng (mất kinh trước tuổi), liệt dương, tạo nên cơ thể suy yếu, sức đề kháng yếu đi không còn sức chống lại nhiễm trùng lao v.v...

Nếu uống rượu đế, rượu không loại bỏ các tạp chất sẽ nguy hiểm cho cơ thể, gồm có:

- Cồn Metylic rất độc, uống một chung nhỏ (20ml) sẽ bị ngộ độc, và ngộ độc một cách "không ngờ", vì cồn Metylic được oxýt hóa rất chậm nên hiện tượng ngộ độc (nhức đầu, ói mửa, đau bụng trên rốn, hôn mê) xảy ra sau khi uống từ 8 giờ đến 36 giờ.

- Cồn Propyl, Butyl, Amyl là loại chất độc.

- Chất Aldehid làm cho tuần hoàn, tiêu hóa mạnh, gây choáng váng, nhức đầu, huyết áp tăng. Rượu đế chứa cồn này luôn luôn vượt quá gấp năm lần tiêu chuẩn cho phép của Nhà Nước trong rượu đế.

- Chất Furfural (Furfurol) làm dung môi cho nước sơn, chất nhựa, gây độc hại cho bộ tuần hoàn, hệ thần kinh.

Ðối với gia đình, người cha nghiện rượu không còn để ý tới con cái, tới gia đình. Ông ta chỉ để ý tới bữa rượu của mình, xem mình như có quyền trên tất cả, không nhận ra sai trái của mình, bắt ai cũng phải tuân phục mình. Rượu chè trên cảnh cực khổ của cả gia đình.

Rượu say làm mất nhân phẩm, nhân cách. Khi vào bàn rượu, thì còn là người, đến khi say thì chỉ là "ngợm" và cuối cùng là "tởm" (nực mùi rượu, thổ ra v.v...).

Ðối với thanh niên, tụ nhau lại uống đế hoặc uống bia đến lúc trí không còn sáng suốt nữa, cải nhau, đánh nhau và đưa tới án mạng. Qua rượu, người trẻ có nhu cầu về tình dục mạnh hơn bình thường, tới các cô gái mại dâm, lây nhiễm HIV lúc nào không biết. Cuối cùng, gia đình tan nát vì chồng bị nhiễm HIV.

(Tạp chí tham khảo: Khoa học phổ thông, Khoa học và đời sống, Tuổi trẻ, Thanh niên, Công an Tp. HCM, Kiến thức ngày nay, Thế giới mới, Sciences et Avenir, Nature).

 

Mục 3: Luân Lý

 

1. Ðối Xử Với Người Nhiễm HIV / AIDS:

Xã hội giúp đỡ những bệnh nhân này mặc dầu trước đó họ là những kẻ "đáng ghét" vì không nghe lời cha mẹ, không nghe cuộc vận động của xã hội bài trừ HIV / AIDS. Còn đối với người bị nhiễm HIV cách oan uổng (do dịch truyền, do chữa răng, do mẹ truyền cho con, do chồng truyền cho vợ v.v...) phải xem họ là nạn nhân, đối xử với họ như người "lành".

Một gia đình có hai mẹ con ở một giáo xứ nọ (xin dấu tên), con bị nhiễm HIV và chuyển qua giai đoạn AIDS, bà mẹ săn sóc con, đút cháo, cho uống thuốc, vực con dậy đi vệ sinh, giặt quần áo chăn mùng cho con. Người con qua đời. Bà đi xét nghiệm HIV, máu âm tính nghĩa là bà không lây nhiễm HIV. Vậy khi tiếp xúc, săn sóc người bị AIDS như vậy không bị lây nhiễm HIV.

Tinh thần bác ái của Chúa Ki-tô càng đòi hỏi những người lành phải đối xử rất tốt đối với những người đó: Chúa Ki-tô nói:

"Hãy đến! Hỡi những người Cha Ta đã chúc phúc, hãy lãnh lấy gia tài Nước Trời đã dọn sẵn cho anh chị em từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói anh chị em đã cho Ta ăn, Ta khát, anh chị em đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, anh chị em đã tiếp rước Ta, Ta mình trần, anh chị em đã cho Ta mặc, Ta bệnh tật, anh chị em đã thăm viếng, Ta ở tù, anh chị em đã đến với Ta... Quả thật, Ta bảo anh chị em hay: những gì anh chị em đã làm cho một người trong các anh chị em hèn mọn nhất của Ta thì chính anh chị em đã làm cho Ta" (Mt 25, 34 - 40) và "Phúc cho ai biết thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa thương họ" (Mt 5, 7).

Chúa Ki-tô không nói đến quá khứ của người nghèo, người bệnh tật, người bị tù, không chỉ trích đời sống quá khứ của họ để đưa tới cảnh khốn khổ hiện tại, mà Ngài để ý tới thân phận hiện tại bây giờ của họ để thương yêu, săn sóc họ. Chúa còn đồng hóa những con người khốn khổ đó là chính Chúa nghĩa là giúp những con người đó là giúp Chúa. Bác ái của Chúa Ki-tô đòi hỏi một sự hy sinh cao thượng và ai thực hành bác ái Chúa Ki-tô, sẽ nên giống Chúa vì Chúa hy sinh chịu chết cứu độ độ mọi người, đến lượt ta, ta cũng phải hy sinh để cứu giúp người khác.

 

2. Hôn Nhân Của người Nhiễm HIV / AIDS:

Ngoài những ngăn trở tiêu hôn theo luật tự nhiên và Giáo luật để bảo vệ sự thánh thiện và mục đích của hôn nhân, Giáo luật không cấm người bị một thứ bệnh nào đó không được kết hôn tức là Giáo Hội tôn trọng quyền kết hôn, không phân biệt đối xử trong việc kết hôn.

Cụ thể người bị nhiễm HIV / AIDS có quyền kết hôn. Tuy nhiên, vì bệnh HIV / AIDS là một bệnh dịch chưa có thuốc nào trị được và nguy cơ bị nhiễm bệnh này trong hôn nhân hầu như rất khó tránh nên vấn đề "ưng thuận trong hôn nhân" phải được đặt ra:

- Một người bị nhiễm HIV / AIDS phải cho người mình định kết hôn biết bệnh của mình. Họ biết và họ bằng lòng kết hôn thì sự ưng thuận kết hôn trọn vẹn.

- Nếu không cho người mình định kết hôn biết khi họ hỏi và họ cho đó là điều rất quan trọng cho đời sống hôn nhân, ta có thể áp dụng Giáo luật điều 1098: "Ai kết hôn vì bị lừa về phẩm tính nào đó nơi bên kia nên mới ưng thuận mà phẩm tính ấy từ bản chất có thể gây xáo trộn cách nặng cuộc sống hôn nhân thì kết hôn không thành sự" (Qui matrimonium init deceptus dolo, ad obtinendum consensum patrato, circa aliquam alterius partis qualitatem, quae suapte natura consortium vitae coniugalis graviter perturbare potest invalide contrahit)

- Kết hôn thành sự và sống chung với nhau rồi, sau này một bên sống bê tha, bị nhiễm HIV bên lành không thể ly dị được.

- Còn Luật Nhà Nước, có một sự thay đổi nhận thức về vấn đề này:

Thông tư hướng dẫn thi hành thể lệ của Hội đồng Chính Phủ về việc cưới, việc tang năm 1978 viết: những người sau đây không được kết hôn: ...mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc mà chưa chữa khỏi. (Ðiều 10, Thông tư của Bộ Văn Hóa Thông tin ngày 30.10.1978)

Luật Hôn nhân và Gia đình 1986 viết: cấm kết hôn trong những trường hợp sau đây: ...Ðang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức hành vi của mình; đang mắc bệnh hoa liễu (b, điều 7).

Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, không còn cấm kết hôn người đang mắc bệnh tật nào (xem điều 10).

 

3. Cha Mẹ Ðối Với Con Cái:

Gia đình là Hội Thánh tại gia, cha mẹ là đại diện Thiên Chúa trong gia đình của mình. Con cái là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa cho cha mẹ, cho gia đình. Sinh con và nuôi con nên người nên người con của Thiên Chúa là thiên chức Chúa trao cho cha mẹ. Sinh một người con rồi, cha mẹ có kinh nghiệm nuôi đứa thứ hai v.v... , nhưng kinh nghiệm thâu được để dạy con thì phải biết:

- Những nét chung của mấy đứa con.

- Và mỗi đứa con có tính nết riêng, có tài riêng, sở thích riêng và những nết xấu riêng.

Biết con mới dạy con được. Biết từng đứa một để dạy từng đứa một.

a. Trẻ 8 tuổi đến 11 tuổi

Tuổi này các em bắt đầu phân biệt được điều tốt điều xấu với một mức độ càng ngày càng biết, càng ngày càng ý thức. Các em vẫn tin tưởng vào cha mẹ, nhưng có thể mang những tật xấu: nói dối, ăn cắp vặt, dại dột theo chúng bạn đi ăn cắp, hút thuốc lá v.v...

Một vài tiệm thuốc tây cho biết một số em tuổi này đến mua thuốc Séduxène để uống. Với tuổi như các em, một hai viên thuốc Séduxène sẽ cho các em cảm giác sảng khoái v.v..., nhưng dùng lâu các em sẽ nghiện thuốc này. Con đường ma túy sẽ đến với các em từ những thứ thuốc này.

Giáo dục các em, cha mẹ phải bỏ hẳn "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào". Ðánh các em là bắt các em nói dối vì nói dối tránh được bị đánh. Phản ứng chống lại cha mẹ hay đánh con cái là chúng ăn trộm, ăn cắp, nói dối nhiều hơn. Tình thương của cha mẹ phải biểu lộ ra như năng nói chuyện với con, dạy con, tha thứ cho con sẽ giúp con tin vào cha mẹ, giúp con tiến bộ v.v...

b. Tuổi 13 đến 17 tuổi

Trong tuổi này, con cái đã biết rõ khuyết điểm của cha mẹ, cha mẹ không còn là thần tượng nơi các em tin tưởng trăm phần trăm nữa. Tâm lý các em phát triển phức tạp: khẳng định sự hiện hữu của mình nghĩa là bắt cha mẹ phải nhìn nhận giá trị của mình, con người của mình bằng chống đối cha mẹ, tỏ ra ương ngạnh trước lời răn đe của cha mẹ. Trẻ thích thụ họp với chúng bạn đồng lứa tuổi và cảm thấy thích thú khi hút thuốc, khi uống Séduxène, từ đó đưa tới hút héroine.

Tuổi này trẻ chưa thành người lớn, nhưng không còn là đứa con nít nữa vì thế mà có một khủng hoảng về thể chất và tâm lý. Tuổi vô duyên vì hay đánh vỡ chén bát, bình bông. Tuổi dễ bực mình vì giọng nói "bể". Tuổi có khi rơi vào trạng thái buồn vì cha mẹ chỉ biết la mắng. Liều thuốc sảng khoái, quên đi cái buồn (ma túy) có sức thu hút tuổi này.

Trong suốt 15 năm hướng dẫn lớp tuổi này, chúng tôi thấy phải gần gũi với các em, giúp các em vượt qua được khoảng 3 năm, tới 17 tuổi, các em tránh được hư hỏng. Xin các bậc phụ huynh hãy thông cảm, trò chuyện nhiều, đi giải trí với con cái mình trong lớp tuổi này nhiều hơn. Chỉ biết cho con cái tiền, sắm quần áo mới luôn vì thân thể các em phát triển nhanh, áo quần mặc được mấy tháng đã chật v.v... tức là bỏ con mình theo sự cuốn hút của đời đầy thứ cám dỗ.

 

4. Thanh Niên:

Cuộc sống ngày nay làm cho con người căng thẳng, quay cuồng:

a. Những kích thích:

Ánh sáng của đèn điện, thức ăn còn chứa nhiều hóa chất kích thích trong rau, trong thịt được đưa vào con người, thuốc uống trị bệnh vẫn có bộ mặt tác hại của nó, nhạc kích động, rượu v.v... kích thích con người, làm cho thần kinh con người bị căng thẳng.

b. Hoàn cảnh đời sống:

Làm việc như một cái máy suốt 8 tiếng, 12 tiếng, bầu khí bị ô nhiễm, cạnh tranh ráo riết, phải cố lên, vươn lên không ngừng về mọi phương diện; Áp lực của nghèo đói; áp lực của cấp trên; Áp lực của gia đình và xã hội; Thất bại, chán chường, thất nghiệp. Bạn bè rủ rê v.v...

Trở về với thiên nhiên trong mấy ngày nghỉ, người ta thấy thoải mái, nhẹ nhõm, nhưng rồi phải quay về với công việc, với máy móc. Có người tìm đến chất ma túy để quên đời được một vài giờ, nhưng rồi ma túy trở thành thần chết của con người nghiện. Vì thế, giải trí lành mạnh là một nhu cầu quan trọng.

c. Sống hưởng thụ:

Cuộc sống càng ngày càng đòi hỏi nhiều tiện nghi từ quần áo, giày dép, xe cộ, nhà cửa, bữa ăn, bữa tiệc v.v... đi tới thái quá và có thể rơi vào đam mê tình dục, gia đình ly tán, con cái thiếu tình thương của cha mẹ. Gia đình mất hạnh phúc, ly tán, khó khăn gây cho con cái tâm trạng buồn chán là một nguyên nhân đưa con cái tới ma túy, hư hỏng.

 

5. Luân Lý Công Giáo:

a. Xét về bốn nhân đức căn bản (bản đức):

Khôn sáng (Khôn ngoan), công bình, mạnh bạo và tiết độ, ta thấy đức tiết độ (la vertu de tempérance) trực tiếp tới vấn đề chúng ta đang bàn, nhưng thật ra khi thực hiện nhân đức tiết độ tức là tiết chế và điều hòa những khoái cảm ăn uống trong giới hạn chừng mực và thú vui nhục thể trong trật tự của luân thường đạo lý, người ta phải:

- Khôn Sáng:

Nghĩa là hoàn thiện hóa lý trí thực tiễn tức là giúp lý trí quan sát, suy luận và phê phán mọi hành vi của con người, của chính bản thân mình trong hoàn cảnh cụ thể dựa trên nguyên lý tự nhiên và siêu nhiên của Chân, Thiện, Mỹ.

Thí dụ: dùng lý trí người ta cân nhắc tai hại của việc hút ma túy, chích héroine; dựa vào những trường hợp người nghiện ma túy, héroine v.v... để thấy rõ cái tai hại lớn lao của con đường ma túy, để thấy rõ tương lai đen tối của người nghiện ma túy cũng chính là tương lai của tôi nếu tôi mắc phải. Người khôn ngoan, khôn sáng là người biết phục thiện, biết nghe, biết bàn hỏi, biết chấp nhận lẽ phải, biết chịu trách nhiệm để sửa sai.

- Công Bình (công bằng, công chính):

Nghĩa là biết tôn trọng và thực hiện công lý tức là những nguyên tắc hướng dẫn người ta tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của mình, của gia đình, của xã hội.

Thí dụ: phải tôn trọng bản thân mình và con người của người khác. Vì thế, tôi phải phát triển các tiềm năng nơi tôi (học tập, trau giồi các khoa học, học nghề v.v...) và phải cố tránh tính ích kỷ, tính lười biếng, tính hưởng thụ thái quá, nhất là tránh đi những cái có hại cho mình. Con người là một khả năng tiềm ẩn, có thể trở nên người tốt hoặc người xấu.

Thí dụ: tại vỏ não có những tế bào thần kinh "rất thích" hấp thụ ma túy, thuốc phiện, héroine. Chỉ cần hút mấy lần, loại tế bào thần kinh đó "nghiện" ma túy, người nghiện rất khó bỏ.

Thí dụ: trong não của ta có nhiều miền: ngôn ngữ, các tài năng. Vậy, ta phải biết chọn, biết kẻ nội thù đang ở trong đầu óc ta để tránh đưa những gì vào cơ thể gây nguy hại cho bản thân.

Thí dụ: người con có nghĩa vụ đối với cha mẹ, đối với gia đình nghĩa là mắc nợ công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, mắc nợ gia đình: nơi đùm bọc mình, nơi mình phát triển, nơi mình hình thành con người và nơi mình làm đầu (trường hợp đã lập gia đình) v.v... mắc nợ xã hội. Quên các món nợ này, không chịu trả các món nợ này, người ta trở thành đứa con bất hiếu, người chủ gia đình thiếu trách nhiệm, người dân thiếu nghĩa vụ đối với xã hội. Người nghiện ma túy, héroine chẳng những không giúp ích gì cho chính mình, cho gia đình, cho xã hội mà còn là gánh nặng cho tất cả.

- Can Ðảm (mạnh bạo):

Nghĩa là chế ngự được những chướng ngại do những khó khăn nội ngoại làm lung lạc ý chí của ta. Khi ta quyết định làm một việc gì ta có thể bị lôi cuốn của nhiều động lực do các ước muốn hay là do tình dục, đam mê. Lý do và động lực chiến đấu với nhau, cái nào mạnh tất sẽ thắng và đưa người ta đến một quyết định. Một người nghiện rượu, một người nghiện ma túy, héroine, thấy rượu muốn uống hoặc lên cơn nghiện muốn đi chích (tiêm) đồng thời cũng biết lý do không nên uống rượu, không nên đi chích ma túy. Nếu họ đi uống rượu, hoặc đi chích ma túy là họ theo một thứ động lực, một thứ bản năng hèn kém trong con người, ngược lại họ không đi uống rượu, không đi chích ma túy là họ đã tự do lựa chọn một điều tốt, một điều hợp lý, tức là hành động của ý chí, nghĩa là một sự tự do lựa chọn có ý thức.

Người đam mê rượu chè, chích ma túy không còn hành động theo ý thức nữa, không còn hành động tự do nữa nghĩa là không còn làm chủ mình nữa, trái lại hành động lệ thuộc vào rượu, vào ma túy. Người nghiện ngập không còn can đảm để đương đầu với cuộc sống. Cơn nghiện đòi bữa hoặc say sưa trong khi no thuốc, người nghiện không còn ý chí để làm việc trong ý thức và tự do nữa.

Ngoài các đức tính tốt Khôn Sáng, Công Bình, Can Ðảm đan kết với đức Tiết Ðộ, còn cần tới tính hổThẹn và tính Liêm Chính. Hổ thẹn tự phát (mặt đỏ...) biểu lộ bản năng tự vệ của con người, hổ thẹn phản tỉnh khi nghĩ về hành động xấu của mình giúp ích ta như một phương thế làm lành, lánh dữ, biết kiềm hãm những gì quá độ. Một người cha say sưa không biết hổ thẹn với bổn phận làm cha mẹ của mình, không biết hổ thẹn với vợ con, một thanh niên nghiện ma túy không biết nhục trước hành vi xấu xa của mình (trộm cắp, đam mê...) thì phải xét lại: con thú không biết hổ thẹn, con người mới biết hổ thẹn. Liêm chính biết xa lánh những việc gian tà và sống cách chính trực. Khi say sưa, người ta không biết hổ thẹn, dễ dàng làm những việc sai trái (chửi, đánh, giết nhau).

b. Xét về mặt tội phạm:

Giới răn thứ năm dạy: Chớ giết người, nghĩa là phải tôn trọng mạng sống con người, phải phát triển toàn diện con người, tránh đi những tai hại về nhân mạng, về sức khỏe, về tâm lý và về tinh thần cho bản thân mình và cho tất cả mọi người.

Công đồng Vatican II dạy: "Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ Luân Lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn do mọi người biết, tùy theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung bằng cách cộng tác và trợ giúp những tổ chức công hoặc tư nhân nhằm cải thiện những điều kiện sống của con người. Lại có những người ngoài miệng thì chủ trương rộng rãi và đại lượng, mà thực tế họ luôn luôn sống như chẳng quan tâm gì tới những nhu cầu của xã hội. Chẳng hạn những luật lệ liên quan tới bảo vệ sức khỏe, hoặc về xe cộ lưu thông, bởi vì họ không nhận thức rằng do bất cẩn như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ và của những người khác" (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 30, bản dịch của Giáo Hoàng Học viện).

Giáo lý của Giáo Hội Công giáo năm 1992: "Nhân đức Tiết Ðộ bảo phải tránh tất cả những thái quá, sự lạm dụng ăn uống, rượu chè, thuốc lá và các thứ dược phẩm. Kẻ lái xe quá tốc độ cho phép hoặc đang say rượu, say thuốc mà lái phương tiện di chuyển trên đường, trên biển, trên không gây nguy hiểm an toàn cho tha nhân hoặc cho chính bản thân mình là một tội phạm nặng" (số 2290).

+ Vậy người ta coi thường những luật lệ liên quan tới sức khỏe như:

- Không giữ vệ sinh chung (vứt rác ra ngoài đường, phóng uế ngoài đường v.v...)

- Làm cho môi trường sinh sống bị ô nhiễm, nhiễm độc (xả chất độc ra sông, ra không khí v.v...)

- Ngay cả không chích thuốc ngừa để cho mình mắc bệnh dịch rồi truyền bệnh cho người khác v.v...

+ Người ta coi thường luật lệ giao thông như:

- Lái xe trái đường.

- Lái xe vượt đèn đỏ.

- Lái xe quá tốc độ, lái xe khi say rượu, say thuốc gây nguy hiểm cho sự an toàn của người khác, của người lái (Luân Lý của Hội Thánh đã ghép vào loại tội nặng, trọng tội).

Dĩ nhiên, theo Luân Lý, khi đã biết việc làm của mình đang trong tình trạng gây nguy hiểm an toàn cho kẻ khác hoặc cho chính mình mà không ngừng, không bỏ hành vi nguy hiểm đó thì phạm tội nặng mặc dầu không gây thiệt hại nặng cho sự an toàn của ai hoặc cho chính mình (chủ phương tiện giao thông). Họ phạm tội trong tư tưởng, nếu xảy ra thật thì họ phải bồi thường thiệt hại. Lý do là buộc phải tránh, không chỉ tránh khi biết rõ sẽ gây tai nạn cho kẻ khác hoặc cho chính mình trong trường hợp cụ thể mà còn phải tránh trong những trường hợp phỏng đoán nữa, giống như phải tránh dịp tội gần mà còn phải tránh dịp tội xa. Ở đây, phải tránh những gì nguy hiểm tới sự an toàn thân thể, tính mạng trong trường hợp say rượu, say thuốc sử dụng phương tiện giao thông hoặc lái quá tốc độ, ở tốc độ nguy hiểm đến tính mạng vì nó thuộc chất thể nặng (matière grave).

Lại nữa, khi không có nguy cơ gây ra nguy hiểm an toàn thân thể, tính mạng, người ta vẫn phải tuân giữ luật lệ giao thông vì sự hữu ích của luật lệ. Thí dụ: vượt đèn đỏ khi ở đó không có xe nào, tôi vẫn giữ luật vì ích lợi của luật lệ.

- "Dùng ma túy gây hại lớn cho sức khỏe, cho đời sống con người. Ngoài những chỉ định để trị bệnh thì đó là tội nặng. Sản xuất lậu hoặc buôn bán, chuyển vận ma túy là những việc làm ô danh gây gương xấu. Ðó là hoạt động công tác trực tiếp vì nó là đường kích thích dẫn người ta đến ma túy là những việc làm trái nghịch cách nặng tới luật Luân Lý" (Giáo lý của Giáo Hội Công giáo năm 1992, số 2291).

Như vậy, những người Công giáo sản xuất ma túy, buôn bán ma túy, chuyển vận ma túy có tội với luật pháp Nhà Nước đã đành còn có tội nặng với Thiên Chúa nữa. An ninh nhà nước không bắt được, thoát tù tội, nhưng không thể thoát được Thiên Chúa, họ phạm tội nặng trước mặt Thiên Chúa. Nếu thầy thuốc cho họ dùng ma túy trong việc trị bệnh, thì họ không mắc tội.

Người hút thuốc phiện, hút hoặc chích morphine, héroine đến xưng tội thì sao? Họ được linh mục giải tội đón tiếp, giúp họ thống hối, ban ơn giải tội cho họ và bắt họ phải cai nghiện. Vấn đề họ dùng ma túy để trị bệnh (khỏi bị dằn vặt, khỏi bị lên cơn v.v...) là thuộc quyền hạn của bác sĩ, thầy thuốc trong phương pháp trị liệu, Linh mục hãy khuyên bệnh nhân tới bác sĩ, thiết nghĩ Linh mục đừng "chuẩn" cho người ta trong vấn đề này vì vi phạm luật Nhà Nước vừa không đúng luật Hội Thánh trong vấn đề này.

 

Lễ Sinh Nhật Ðức Mẹ năm 2001,

Linh mục Fx. Tân Yên Nguyễn Hùng Oánh

Tài liệu đặc biệt gửi riêng cho Ephata Việt Nam thông qua cha Hoàng Kim Toan

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 38, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page