Người Công Giáo
Với Việc Chăm Sóc Và Giáo Dục
Trẻ Em Nhiễm HIV/AIDS
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Dưới đây là bản tham luận của anh Lê Ngọc Thanh, tu sĩ DCCT, dự định trình bày tại cuộc Hội Thảo cấp quốc gia về vai trò của người Công Giáo trong việc góp phần chăm sóc cho những người nhiễm HIV, đặc biệt cho đối tượng trẻ em tại Việt Nam.
Kính thưa Quý Ban Tổ Chức,
Kính thưa Quý tham dự viên hội thảo,
Chúng ta tổ chức Hội thảo này đúng vào mùa hè, mùa mà các trẻ em yêu thích nhất, vì được tự do vui chơi. Tuy nhiên, không phải mọi trẻ em đều có được cơ hội hưởng mùa hè này. Vì đối với những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì xuân, hạ, thu, đông chỉ khác nhau một chút ở chiếc áo và miếng ăn, còn mọi thứ vẫn như nhau, nghĩa là vẫn phải tự đối phó với những khó khăn tự nhiên và xã hội, phải tự mưu sinh thoát hiểm và nhất là phải chịu đựng những đối xử phân biệt, bất công. Trong số các trẻ em đặc biệt khó khăn này, các em là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của đại dịch AIDS là phải chịu thiệt thòi hơn cả. Có trường hợp đã chết trong tình trạng vừa nhiễm HIV / AIDS vừa bị bỏ đói.
Nếu trước đây, phần đông dân Việt Nam coi AIDS là bệnh của các ông tây bà đầm hay chỉ là hậu quả đáng phải chịu của hạng đĩ điếm, ma túy thì nay, đa số người Việt Nam đã ý thức hơn đại dịch HIV/AIDS đang trở nên mối đe dọa cho chính những người dân lương thiện, những viên chức, giáo viên... ngay bà nội trợ chỉ quanh quẩn trong nhà cũng có nguy cơ. Tuy nhận thức của người dân về HIV / AIDS trước đây chưa chính xác hay ngày nay chính xác hơn, thì những tác động trực tiếp của đại dịch AIDS cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em.
Ðứng trước tình hình đó, người Công Giáo ở nhiều nơi đã có những nỗ lực dấn thân với mong mõi tạo cho các trẻ em là nạn nhân của đại dịch AIDS có một cơ hội để hòa nhập với những trẻ đồng lứa hoặc ít ra cũng được chăm sóc như một nhân vị trọn vẹn trong những ngày cuối đời.
Vì các hoạt động của người Công Giáo trong việc chăm sóc người nhiễm HIV / AIDS nói chung và trẻ em nói riêng chưa được luật pháp và chính quyền Việt Nam khuyến khích và bảo trợ, nên hầu hết các hoạt động ấy mang tính tự phát, thậm chí nhiều nơi hoạt động, nhưng không dám cho người khác biết mình hoạt động, vì sợ bị gây khó khăn. Chính vì vậy, bài tham luận này không phải là một đúc kết kinh nghiệm một cách có hệ thống và đầy đủ của người Công Giáo, mà chỉ là những mô tả về hoạt động mà chúng tôi trực tiếp tham gia để chăm sóc, giáo dục trẻ em nhiễm HIV / AIDS trong thời gian qua.
A. Trẻ Em, Nạn Nhân Thụ Ðộng Của Ðại Dịch AIDS Và Trách Nhiệm Nâng Ðỡ Trẻ Em Nhiễm Của Người Công Giáo
1. Nhận Diện Thân Chủ:
Sở dĩ người bị nhiễm HIV / AIDS chưa được cộng đoàn đón nhận tích cực là do cộng đồng còn nhận thức bệnh AIDS dưới cái nhìn luân lý, nghĩa là con người ấy bị nhiễm HIV / AIDS là do họ bậy bạ, bừa bãi, phóng túng... nhưng dù có hiểu sai như vậy, mọi người vẫn phải nhìn nhận trẻ em là nạn nhân thụ động của đại dịch AIDS.
Trẻ em vừa là nạn nhân trực tiếp vừa là nạn nhân gián tiếp. Trực tiếp là trẻ em bị nhiễm HIV / AIDS và gián tiếp là cha mẹ hay người thân cận của trẻ em bị nhiễm.
Ðối với những trẻ sơ sinh vừa sinh ra đã bị nhiễm HIV / AIDS do chính mẹ mình lây sang trong lúc sanh hay một lý do trục trặc kỹ thuật nào đó của bệnh viện. Những em này không hề biết HIV / AIDS là gì, cũng không thể tự chọn một bà mẹ khác không bị nhiễm HIV để được sinh ra, cũng không thể tự chọn một hệ thống y tế an toàn hơn cho sự ra đời của mình. Bé lớn lên trong lo lắng và hoảng sợ của mẹ; bé ngây thơ hồn nhiên trong vòng đề phòng, xa cách và thương hại của họ hàng, thân thuộc và xóm làng. Bé là nạn nhân mà lại bị đối xử như một tội phạm.
Các trẻ em lớn hơn do bị lạm dụng tình dục, do nghiện ngập hoặc do sự bất cẩn của các nhân viên y tế mà nhiễm HIV / AIDS cũng là nạn nhân thụ động của đại dịch này. Vì bị bỏ rơi, vì không thể chịu đựng mãi tương quan bất hạnh trong gia đình hoặc vì bị đẩy ra đường để tự kiếm sống và rồi bị dụ dỗ, cưỡng ép phải quan hệ tình dục với những người nhiễm HIV / AIDS mà các em không hề hay biết.
Vì cô đơn và trống rỗng trong lòng (tâm lý - tình cảm - tâm linh), vì miếng ăn hàng ngày, vì chỗ ngủ được an toàn hàng đêm, một số em đã vướng vào ma túy và đường dây ma túy để rồi rơi vào tình trạng nhiễm HIV / AIDS do sử dụng chung kim ống với người đã nhiễm mà không biết. Các thiếu niên này cũng không chủ động tìm đến cái chết là bệnh AIDS, nên cũng là nạn nhân thụ động của AIDS.
Ngoài những nạn nhân trực tiếp này, còn rất nhiều nạn nhân gián tiếp là trẻ em.
Khi trong gia đình có một người nhiễm HIV / AIDS, trẻ em sẽ bị lãnh hậu quả sớm nhất. Nếu người nhiễm là cha hoặc mẹ thì mức độ quan tâm chăm sóc, giáo dục dành cho trẻ giảm ngay về tinh thần lẫn vật chất. Và nếu tin "cha hoặc mẹ em bị nhiễm HIV / AIDS" lọt ra ngoài thì tức khắc em sẽ bị phân biệt đối xử nơi họ hàng thân thích, nơi bạn bè, nơi học đường. Ðã có nơi tìm cách vận động gián tiếp để con người nhiễm đừng đến trường nữa. Những quyền lợi bình thường của một đứa trẻ là vui chơi, là được tôn trọng và được hỗ trợ để phát triển đã bị mất một phần lớn hoặc mất hoàn toàn do cha mẹ em bị nhiễm HIV / AIDS. Nếu trường hợp cả cha lẫn mẹ đều bị nhiễm thì con cái của họ phải đối phó nhiều hơn, nhất là sau khi cha mẹ mất vì nhiễm, tương lại của trẻ sẽ trở nên vô định thật sự. Còn nếu anh chị em hay cô dì chú bác của trẻ em bị nhiễm thì tương quan của trẻ trong cộng đồng vẫn gặp những khó khăn không kém với trường hợp cha hay mẹ bị nhiễm bao nhiêu. Những nạn nhân gián tiếp này càng thụ động hơn nữa trong đại dịch này.
Ðại dịch HIV / AIDS đã làm cho trẻ em khốn đốn. Dù là nạn nhân thụ động trực tiếp hay gián tiếp, trẻ em vẫn đang bị bỏ mặc, đang bị hạ thấp giá trị làm người thông qua thái độ ứng xử của cộng đồng xã hội. Trong khi đó, nếu người Công Giáo sống đúng giáo lý của mình thì việc tôn trọng, chăm sóc, hỗ trợ trẻ em nhiễm HIV / AIDS là một đòi buộc của chính Chúa Giê-su và của giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.
2. Lý Do Thúc Ðẩy Người Công Giáo Nhập Cuộc:
Giáo lý Công Giáo dạy: bất kể là người lớn hay trẻ nhỏ, bất kể người lành mạnh hay bệnh tật, bất kể người có đạo hay không có đạo, bất kể người thuộc chính kiến nào, người Công Giáo phải hết lòng tôn trọng, vì "phẩm giá con người bắt nguồn từ việc con người được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa" (GLCG 1760). Việc tôn trọng con người không phải là việc làm hảo tâm muốn thì làm, không muốn thì thôi mà là một đòi buộc. Ngay chính cách diễn tả sự tôn trọng con người, Giáo lý Công Giáo cũng cẩn thận dạy: "Tôn trọng nhân vị gồm cả việc tôn trọng các quyền phát sinh từ phẩm giá của con người... Ðể tôn trọng con người, phải giữ nguyên tắc: mỗi người phải xem người đồng loại, không trừ một ai, như cái tôi thứ hai, nên phải quan tâm đến sự sống của họ và những phương tiện cần thiết giúp họ sống xứng đáng với nhân phẩm" (GLCG 1930 - 1931).
Do đó việc phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV / AIDS (nếu có) trong cộng đồng người Công Giáo là không thể chấp nhận, mà ngược lại, chính vì giáo huấn này, mà người Công Giáo ân cần đón nhận chăm sóc những người bị bỏ rơi và bệnh tật, nhất là những trẻ em là nạn nhân của đại dịch. Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em nhiễm nói riêng còn được hậu thuẫn cách mạnh mẽ của chính Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su hết lòng yêu thương trẻ em, Người nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng" (Mt 19, 14). Trẻ em luôn luôn có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói với Thiên Chúa: "Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này (kế hoạch cứu độ), nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11, 25). Chúa Giê-su còn quả quyết việc đón nhận trẻ em, chăm sóc và giáo dục chúng là đón nhận Chúa và đó là điều kiện để được hưởng hạnh phúc với Chúa: "Ai tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy" (Mt 18, 5) và "mỗi lần anh em làm như thế (việc tốt) cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy là anh em đã làm cho chính Thầy" (Mt 25, 40).
Ðây chính là động lực thúc đẩy người Công Giáo dấn thân phục vụ người bị bỏ rơi, nhất là những nạn nhân của các bệnh nan y như phong cùi, ung thư và nay là những người nhiễm HIV / AIDS. Người Công Giáo dấn thân chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV / AIDS nói chung và trẻ em nói riêng vì chính họ cảm nghiệm được Chúa thương họ, chăm sóc họ và đã dạy họ: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15, 12).
Từ việc nhìn nhận đại dịch AIDS đến việc trình bày những lý do khiến người Công Giáo dấn thân chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV / AIDS, chúng tôi xin chuyển qua cách thức chăm sóc giáo dục người nhiễm HIV / AIDS nói chung và trẻ em nói riêng của người Công Giáo mà cụ thể là của những Người Ðồng Hành.
B. Cách Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Em Nhiễm HIV / AIDS Của Những Người Ðồng Hành
Người Công Giáo dấn thân vào hoạt động bác ái, từ thiện không chỉ vì tình cảm, bác ái, từ thiện cá nhân, mà còn vì vâng lời Chúa, vì Chúa chính là tình yêu. Như đã trình bày ở trên, vì chưa có chủ trương khuyến khích người Công Giáo tham gia cách công khai, nên tham luận này không thể đúc kết hết được những kinh nghiệm phong phú của tất cả các nhóm Công Giáo đang trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu phương pháp của những Người Ðồng Hành.
1. Mô Hình Những Người Ðồng Hành:
Người Ðồng Hành là người Công Giáo tự nguyện tham gia hoạt động chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV / AIDS, trong đó có trẻ em. Bước đầu, những người trẻ thiện nguyện này được huấn luyện về đời sống đức tin. Họ được giúp khám phá Chúa Giê-su qua việc cầu nguyện. Sau một thời gian cầu nguyện, những ai nhận thấy mình được Chúa yêu thương và được thúc đẩy đến chăm sóc các bệnh nhân nhiễm HIV / AIDS thì được mời gọi vào một giai đoạn huấn luyện chuyên môn với các nội dung chính: Những kiến thức căn bản về HIV / AIDS; Cách chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV / AIDS gia đình; Tư vấn cá nhân và tư vấn gia đình; Cách tăng năng lực cho thân chủ và gia đình nhờ tin tưởng vào Chúa. Sau đó, họ được chia thành nhóm gồm ba hoặc bốn người đến thăm bệnh nhân tại bệnh viện, rồi đồng hành với bệnh nhân về gia đình. Sau một thời gian tối thiểu là sáu tháng, nếu những người thiện nguyện này nhận thấy mình thật sự phù hợp với hoạt động này, họ sẽ tự nguyện công nhận Quy Ước Người Ðồng Hành như sau:
2. Quy Ước Người Ðồng Hành:
Người Ðồng Hành cùng với nhóm đón nhận Chúa Giê-su để được Người sai đến với những người đau khổ và bệnh tật.
Người Ðồng Hành biết cầu nguyện là sức mạnh của mọi hoạt động.
Người Ðồng Hành để Chúa Giê-su hướng dẫn mình cách làm việc.
Người Ðồng Hành tôn trọng và giúp đỡ thân chủ thực hiện những quyết định của họ, mà mình xét là tốt.
Người Ðồng Hành giúp thân chủ tái lập hoặc thiết lập các mối quan hệ tích cực với gia đình và xã hội.
Người Ðồng Hành trung tín với người cộng sự và các thân chủ trong lời nói cũng như trong việc làm.
Người Ðồng Hành chủ động cộng tác với những Người Ðồng Hành khác trong các hoạt động chung.
Người Ðồng Hành chân thành, yêu thương và nâng đỗ nhau làm việc thiện.
Người Ðồng Hành đảm nhận việc hướng dẫn thành viên mới khi được đề nghị.
Người Ðồng Hành nỗ lực tạo ra bầu khí hiệp thông chung với nhau.
3. Một Số kinh Nghiệm Ban Ðầu:
Sau gần ba năm hoạt động theo Quy Ước Người Ðồng Hành, chúng tôi tạm thời rút ra một số kinh nghiệm cụ thể sau đây:
Anh NVT, ở Gò Vấp, Sài-gòn, sinh năm 1956, bộ đội phục vụ ở Campuchia bị cưa một chân. Sau thời gian điều trị, anh xuất viện và xuất ngũ với tình trạng nghiện ma túy. Năm 1998, sau một xét nghiệm, anh biết mình bị nhiễm HIV / AIDS. Lúc đó, vợ và ba con của anh bỏ đi lang thang, xin ăn. Anh tuyệt vọng và nuôi ý định tự tử nhiều lần nhưng vì là người Công Giáo, anh không dám tự sát. Anh T đến với chúng tôi xin trợ giúp.
Cùng với chúng tôi, anh đã đi tìm vợ con và trao đổi với nhau, cuối cùng họ đồng ý trở lại sống chung. Theo sự bàn bạc với hai vợ chồng và các cháu, chúng tôi quyết định hỗ trợ một số vốn nhỏ (khoảng 400.000đ) và cho mượn tiền (300.000đ) thuê nhà tháng đầu tiên. Với số vốn này, anh chồng đi bán vé số, chị vợ nấu xôi đi bán hàng rong. Mỗi ngày thu nhập chung của hai vợ chồng khoảng trên dưới 30.000đ. Khi mùa học mới tới, chính chị vợ bàn với chúng tôi để tìm cách cho hai cháu nhỏ đi học. Chúng tôi hướng dẫn cách làm thủ tục và hỗ trợ chi phí việc nhập học của hai cháu lúc đầu.
Sau đó, chính chị đã xoay xở, xin xác nhận thương binh của bố cháu. Hiện nay cháu trai học lớp 7, cháu gái học lớp 5. Từ ngày trở lại với nhau, sức khỏe của anh T khá hơn rất nhiều, các cháu không còn lẩn tránh bố vì sợ như trước đây nữa. Ở lớp học, các cháu cũng không còn mặc cảm nữa và đã học đạt kết quả khá. Chị vợ xác nhận, có được như vậy là nhờ tối nào gia đình chị cũng quy tụ lại với nhau đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và kể cho nhau nghe về việc làm, việc học của cả một ngày, rồi mỗi người nhân danh Chúa chúc lành cho nhau. Tuy mâm cơm chưa cao, áo quần chưa đẹp, nhưng các cháu con anh NVT đã có lại những giây phút hồn nhiên của tuổi thơ.
Từ một trường hợp cụ thể này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc tái lập các mối quan hệ tích cực trong gia đình người nhiễm HIV / AIDS, nhất là quan tâm đến sự phát triển của trẻ em, như là tương lai của cha mẹ chúng.
Cũng từ trường hợp này chúng tôi muốn nhấn mạnh đến kinh nghiệm thứ hai thuần túy Công Giáo, đó là Chúa Giê-su sẽ là trung gian hòa giải và liên kết mọi người trong gia đình, từ đó, giá trị và quyền lợi của trẻ em được đề cao.
Trường hợp thứ hai, em Hiền, ở Bình Chánh, Sài-gòn, cha và mẹ em chết cách nhau sáu tháng do bệnh AIDS, lúc em sáu tuổi. Em cũng đã bị nhiễm HIV / AIDS. Gia đình bà nội không cho một đứa cháu nào chơi với em. Em những lúc ở nhà chỉ lầm lũi trong góc nhà với một vài món đồ chơi do em tự chế. Lúc em bị bệnh nặng (phổi có nước), phải đưa đi bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ðây là lúc Người Ðồng Hành quen với em. Nhiều lúc gia đình muốn bỏ mặc em sống chết ở bệnh viện, nhưng sự hiện diện cầu nguyện, và chơi đùa với em Hiền làm cho gia đình không còn muốn bỏ em nữa.
Khi bệnh thuyên giảm, em lại được đưa về nhà, các nhà hàng xóm chung quanh cho con cháu mình sang chơi với em. Chúng tôi nhờ một nhóm cộng tác viên ở gần đó (cách chỗ em ở 5 km) đến thường xuyên chơi với em và giúp em học đánh vần. Hàng tháng Người Ðồng Hành đưa em đi chơi như chị em, anh em đi chơi. Những ngày cuối đời, em thường nhắc về những lúc được tự do chạy chơi trong siêu thị khi đi với Người Ðồng Hành. Em qua đời đầu năm 2001, lúc hơn 8 tuổi.
Trường hợp này cho chúng tôi thấy tạo được một tương quan tình bạn với trẻ là điều rất hữu ích cho trẻ, nhất là những lúc cộng đồng trực tiếp không muốn đón nhận trẻ ấy.
Nếu không thường xuyên được, thì thỉnh thoảng phải tạo cho trẻ một cơ hội vui chơi vừa cá nhân và vừa tập thể phù hợp, điều này giúp trẻ lấy lại được quân bình.
Từ những kinh nghiệm khiêm tốn vừa nêu, chúng tôi thiết nghĩ cần thiết nêu lên những nguồn tài nguyên phong phú của Người Công Giáo có thể góp phần tích cực và hiệu quả hơn trong việc chăm sóc người nhiễm HIV / AIDS nói chung và cách riêng là trẻ em.
4. Nguồn Tài Nguyên Trong Cộng Ðồng Người Công Giáo:
Dân số Công Giáo Việt Nam trên dưới bảy triệu người, trong đó có hơn 50% là giới trẻ sẽ là nguồn nhân sự dồi dào. Vào tháng 12 năm 1998, sau một lần kêu gọi chính thức của chúng tôi tại nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Dòng Chúa Cứu Thếø, đã có ngay 119 bạn trẻ tình nguyện tham gia hoạt động chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV / AIDS. Trong số những thiện nguyện viên này có bác sĩ, y tá, luật sư, giáo viên, thợ thủ công...
Những người này có các điểm chung là dấn thân phụng sự Chúa nơi những người đau khổ và bệnh tật, nên tinh thần dấn thân phục vụ rất cao. Lưu ý đây chỉ là con số người trẻ có thể tham gia ở một giáo xứ, trong khi đó ở Việt Nam có trên 1.000 giáo xứ. Ngoài ra, còn có rất nhiều Dòng tu (Nam và Nữ) có sẵn nhân sự được huấn luyện chính quy đang sẵn sàng nhập cuộc.
Nguồn nhân lực này cũng là một bảo đảm cho nguồn tài chính hoạt động ổn định. Nếu công cuộc thật sự vì Chúa và vì con người, không một người Công Giáo nào lại không tự nguyện đóng góp phần của mình cho việc chung.
Và quan trọng nhất, người Công Giáo có một hệ thống giáo lý đức tin luôn luôn hướng họ đến việc dấn thân phục vụ người đau khổ, nhất là những người bị bỏ rơi nhất.
Kinh nghiệm tồn tại hơn 2.000 năm của Giáo hội nhất là gần 400 năm qua tại Việt Nam, cho phép người Công Giáo đủ khả năng thiết kế các mô hình hoạt động hữu hiệu vì đồng loại.
Từ những gì đã trình bày, chúng tôi xin đưa ra những khó khăn và kiến nghị cụ thể, như là nguyện vọng của chúng tôi, để những nhà hoạch định chính sách, pháp luật và mô hình hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ em nhiễm HIV / AIDS có thêm dữ liệu soạn thảo và quyết định.
Những Khó Khăn Và Kiến Nghị
1. Những khó khăn:
Khi kinh tế chuyển hướng từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, thì đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện nhiều hơn, nhưng do ít quan tâm đến yếu tố văn hóa xã hội, nên khẩu hiệu "Mình vì mọi người, mọi người vì mình" đang bị bỏ quên dần.
Hiện nay việc chăm sóc và giáo dục trẻ em nhiễm là việc nhà nước chủ động, nên sự đóng góp của các công dân mang tính thụ động.
Hiện nay việc chăm sóc và giáo dục trẻ em nhiễm chỉ mới dùng các biện pháp y học và tâm lý, mà không cho phép dùng các biện pháp tâm linh, trong khi đó chỉ có tâm linh mới đủ sức khơi lên niềm hy vọng làm động lực cho những người nhiễm HIV / AIDS sống những ngày cuối đời thật có ý nghĩa.
Hiện nay, các chính sách và các biện pháp giám sát còn quá e dè (đôi khi là hoài nghi đến đối kháng) đối với các mô hình hoạt động của tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em nhiễm HIV / AIDS. Ðiều này làm cho mọi sáng kiến và giải pháp không thể áp dụng tới nơi tới chốn, khiến không đánh giá được chính xác kết quả sau cùng.
2. Những kiến nghị:
Cần có những văn bản pháp luật khuyến khích mọi công dân tham gia vào việc chăm sóc, giáo dục trẻ em nhiễm HIV / AIDS trong tư cách cá nhân và tập thể.
Mạnh dạn khuyến khích các tôn giáo nhập cuộc với trọn vẹn những sáng kiến và giải pháp riêng biệt của tôn giáo muốn cộng tác theo tiêu chí chăm sóc, giáo dục trẻ.
Ðừng bao giờ khuyến khích các tôn giáo tham gia mà lại lưu ý họ đừng áp dụng các kỹ thuật tôn giáo trong đó.
Cần đa dạng hóa mô hình hoạt động, vì thực tế cho thấy, không có mô hình nào là hoàn toàn tốt đối với mọi đối tượng, nên việc đa dạng mô hình tạo ra khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ tốt hơn.
Người Công Giáo ngoài việc sẵn sàng nhập cuộc chăm sóc trẻ em nhiễm HIV / AIDS, còn có khả năng giúp thanh thiếu niên cai nghiện và chống tái nghiện ma túy bằng phương pháp tâm linh trị liệu riêng của mình.
Hiện nay việc trị liệu bằng tâm linh không còn xa lạ với các nước Âu Châu và Mỹ Châu. Kết quả hoạt động theo hướng này rất tốt. Nên nhà nước có thể cử các đoàn chuyên môn đến tận những nơi ấy để nghiên cứu, rút kinh nghiệm hoặc mời các chuyên gia trị liệu tâm linh của những nơi đó sang Việt Nam hướng dẫn và trao đổi nhằm tăng khả năng cho chúng ta.
Kính thưa Quý vị,
Những điều chúng tôi trình bày tuy có vẻ mới lạ đối với Quý vị, nhưng thực ra rất quen thuộc với con người Việt Nam, vì ai cũng vậy, trong lòng mình luôn có những khắc khoải nhân sinh về mình và đồng loại. Do đó, qua bài tham luận này, Quý vị có thêm những đánh giá chính xác hơn về tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng, nhất là tiềm lực giải quyết những khó khăn hiện nay.
Sài-gòn, ngày 16 tháng 06 năm 2001,
An-tôn Lê Ngọc Thanh, DCCT
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 26, năm 2001)