Cuộc Ðời Một Người Nhiễm HIV (Tiếp Theo)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Anh đã kể cho em về cuộc đời của anh, vậy trong suốt khoảng thời gian đó, thì khoảng thời gian nào anh thấy hạnh phúc nhất?
Theo tui thì trong suốt thời gian hai mươi mấy năm trời sống phiêu bạt của tui, niềm hạnh phúc duy nhất của tui cho tới lúc này là thời gian tui ở Phú Văn, mặc dù tui ghiền, nhưng tui hạnh phúc. Mặc dù tui không có con, nhưng đêm ngủ vợ nằm bên cạnh, khi đau sốt có vợ lo, nấu cho miếng cháo... rồi cái không khí của miền rừng núi... Cái suy nghĩ của tui là tui chọn Phú Văn "sống cũng là đây và chết cũng là đây! Ở Phú Văn là sống, đi là chết!". Nhưng cuối cùng thất bại! Khi tui rời Phú Văn về Sài-gòn là tui mất hết, mất tất cả: nhà cửa, vợ con, vườn tược biết bao công sức đổ ra với cái đất Phú Văn. Công sức, máu của tui, mồ hôi nước mắt đổ ra, để rồi cuối cùng tui không giữ được bản thân của tui... đôi lúc tui vẫn còn suy nghĩ rằng đó là mảnh đất của tui, nhưng mà...
Theo anh đánh giá thì suốt hai mười mấy năm gắn cuộc đời mình với Ma Túy, anh được gì, mất gì?
Theo tui thì tui không được gì hết, mà chỉ mất không! Có nghĩa là tuổi trẻ, danh vọng... đến với Ma Túy tui cũng không có hưởng thụ gì, chỉ có bầm dập, chua cay và đau khổ (anh hạ giọng trầm nhỏ, khuôn mặt lộ vẻ đau xót). Tất cả tuổi thanh niên của tui, bay nhảy, ăn chơi coi như đánh đổi vô hết với Ma Túy... Rồi coi như là mất mát tư cách, thể diện con người và cộng thêm cuộc sống của tui, vợ con tui không được cái gì... Có nghĩa là tui không được cái gì hết, tui chỉ có mất (anh lặp lại khẳng định của mình giọng chua xót). Khi tỉnh giấc, hối hận thì coi như là quá muộn màng. Miễn còn sống là được, cho qua tháng ngày, chứ tui không còn hy vọng một ngày nào đó có gia đình, có con ngoan... nói chung là mất, mất cả niềm hy vọng!
Anh mất tất cả, không còn hy vọng gì vào tương lai, nhưng anh nói là anh rất muốn sống những ngày còn lại thanh thản...
Muốn chứ! Con người ai không có ước mơ được sống hạnh phúc thanh thản... muốn chứ! Nhưng mà, chắc không được đâu, anh phải thấy một điều chắc chắn là như vậy... Cái mong mỏi của tui là trở lại với mái ấm gia đình, có vợ và con ngoan dù cơm canh đạm bạc, nhưng những ngày tháng của tui nhiều hy vọng hơn, nhẹ nhàng hơn... tui không còn muốn sôi động, xáo trộn nữa... Nhưng cuộc sống tui bây giờ thỏp nói là buông thõng...!
Nếu được làm lại cuộc đời, thì mái ấm gia đình là ước mong của anh?
Tất nhiên, nếu mà được Chúa cho tui tai qua nạn khỏi, nhưng tại vì cái chết trước mắt không ai biết được hết... Mọi chuyện còn lại của tui trong những ngày cuối cùng là... Anh nghe cho rõ nghe:
- Cái thứ nhất, là gặp lại được vợ tui... Tui hy vọng một ngày nào đó, anh giúp tui tìm bả là phấn khởi, có xe anh sẽ chở tui đi tìm, tui biết nhà mà không biết địa chỉ... Tới tìm mà không có, tui sẽ viết cái địa chỉ về quê tìm kiếm, tui mong muốn vợ tui chạy lên đây để gặp tui... Không phải là tui muốn vợ tui lên đây là phải lo trong thời gian tui bệnh, tui muốn gặp vợ tui vì cái tình.
- Cái thứ hai, là nếu được làm lại cuộc đời, là tui muốn nếu còn nghĩ về nhau là cái nghĩa cái tình, thì tui sẽ cùng vợ tui trở về lập nghiệp ở một vùng đất, bất cứ vùng nào... dựng lên cái lều tranh, hai trái tim bầy giờ không còn vàng nữa vì già hết rồi (anh cười vui vẻ), làm cái nơi nương tựa cho nhau, chứ tui không đòi hỏi bây giờ phải cơm, cá... nhà lầu xe hơi để hưởng thụ...
Nhưng gần hai năm nay rồi tui không nghe tin tức gì vợ tui cả. Nhiều khi đêm nằm ngủ trằn trọc suy nghĩ cũng chỉ có một điều như vậy thôi. Có nghĩa là trước lúc ra đi, tui muốn tìm và biết tin bả... Còn nếu không thể gặp, thì nếu có điều kiện, thì tui muốn qua đây, nhắn gởi cho vợ tui những cái là: mục đích tìm kiếm là để cứu vớt tình thế cho bả. Anh hiểu không?... (Anh lặp lại câu hỏi này nhiều lần). Ðể động viên, có thể cắt hết với Ma Túy... để kéo dài cuộc sống... Khi yêu và lấy mình, dù sao thì "nó" còn trẻ, suốt một quá trình dài nó ở với mình thiệt thòi, mà bây giờ thì mưa nắng như vầy, mình còn có nhà, chắc gì nó có thể có nhà chưa? Không biết có tù tội, đau ốm gì không?... (anh lặp lại nhiều lần với vẻ lo âu, trăn trở)... Nếu biết được tin dù cô ta có chồng khá giả thì tui nhẹ nhàng... còn không có tin tức gì cả tui chẳng có an tâm...!
Bây giờ anh có thể trả lời thêm cho em vài câu hỏi bên lề nghe. Anh sẳn sàng ha?
Ðược thôi! Hoàng cứ hỏi...
Anh thấy cái tuổi trẻ của anh, lớp trẻ với Ma Túy và cái lớp trẻ bây giờ với Heroin, so với nhau nó thế nào?
Cái đó thì tui thấy nó khác với tụi tui ngày xưa:
- Thứ nhất là lớp trẻ bây giờ khi sử dụng Heroin thì cướp giật, đâm chém để tạo ra cái đồng tiền;
- Thứ hai nữa là, Heroin nó kích thích mạnh hơn Ma Túy, phấn chấn hơn... Không hề sợ sệt, có thể làm bất cứ chuyện gì...
Cho nên tui nghĩ hai lớp trẻ hai thệ hệ này khác nhau. Một bên, tụi tui thì sử dụng để êm thấm, tìm cảm giác lạ, nhẹ nhàng, trong cái gốc; còn số thanh niên bây giờ sử dụng để nhảy nhót, ăn chơi, tụ tập đàn ca rùm beng... Ðồng ý là Ma Túy cả, nhưng một cái đằm thắm, một cái thì sôi động.
Còn mức độ nguy hại của hai thứ?
Nó cũng khác! Heroin, cái hại của nó nặng hơn. Thí dụ: khi sử dụng Heroin, tuổi thọ anh 20 năm thì chỉ còn 10 năm; còn Ma Túy anh có 20 năm thì tuổi thọ anh có thể cũng kéo dài 20 năm. Một cái chết lẹ, một cái chết chậm. Heroin tàn phá hơn. Nhưng mà cái thuốc phiện a, Nó làm cho con người dơ dáy, bẫn thỉu hơn là Heroin. Bởi vì cái kim mình chích nó vào máu trực tiếp, còn bàn đèn thì... Heroin nó lên não, dù có chích đi nữa, nó vô máu rồi lên não, nó không "nhiễm" đường máu nặng. Còn cái "thuốc phiện đen" khi chích vô, thâm nhập vào máu, nó làm cho đường máu đen ngòm à! (Nhiễm ở đây anh hiểu là nó làm cho đường máu bị đen!).
Cuối cùng anh có điều gì nhắn gởi cho cộng đồng, cho lớp trẻ không?
Tui có một điều là: đối với anh em thanh niên bây giờ, tui khuyên anh trước: con đường Ma Túy là "thân bại danh liệt", và chúng ta chỉ có con đường "tử" thôi.
Còn với anh em, tui khuyên anh em một điều là đừng có bước vào con đường Ma Túy, dù chỉ một lần, dù anh có cứng cỏi, có như thế nào đi nữa, cũng không thể chống chỏi nỗi dù thử một lần. Ðừng! Ðối với Ma Túy, anh em không thể nào giỡn được... Dứt khoát đừng bao giờ dính vào Ma Túy. Ma Túy nó tác hại khôn lường, khó trị. Từ thể xác, tâm hồn bại hoại, tinh thần sa sút. Sanh ra ghẻ lở, dơ dáy, người đời khinh bỉ, cha mẹ với lại anh em ruồng bỏ... Mà cuộc đời thì lắm khi tủi nhục, không thể nào vươn lên được... Dù anh là ai, giám đốc hay là gì đi nữa mà bước vào con đường này, chắc chắn uy tín sẽ mất, tương lai sự nghiệp sẽ đánh đổi với Ma Túy quá uổng, mất mát hết (anh nói mà giọng chán chường, chua chát...) Riêng anh thì đừng... đừng bao giờ hút chích. Còn ai đã lỡ thì hãy đấu tranh bằng tư tưởng... (tự nhiên anh liên tưởng đến anh)... Nhưng mà tui hy vọng là thời gian của tui còn ít năm, tui sẽ chống chọi. Có điều, cho tới hôm nay khó biết chừng...
Phân Tích - Nhận Xét
Kể lại cuộc đời là mong muốn của anh V, hơn nữa như anh khẳng định với tôi trước khi vào buổi phỏng vấn Tự Truyện rằng: "Người gần chết không bao giờ nói láo, và tui có còn gì để mất nữa đâu!" nên những gì anh V kể về cuộc đời của anh nơi đây chắc có độ chính xác cao. Nhưng có thể sự quen biết cũng như việc bàn bạc khá kỹ lưỡng về hình thức, mục đích Tự Truyện trước đó đã tạo điều kiện cho Anh V chuẩn bị khá chu đáo cho buổi nói chuyện. Nên trong buổi phỏng vấn anh kể khá lưu loát và dưới dạng mô tả các sự kiện, cái bên ngoài và tỉ mỉ. Tôi cảm nhận được điều này, nên có can thiệp một vài chỗ nếu có thể được, hoặc ghi nhận (nhớ lại) và nêu lên thêm ở phần cuối buổi phỏng vấn. Sau đó, khi biên tập tôi sắp xếp xen vào, để câu chuyện diễn tiến tuần tự và rõ ràng hơn.
Về thời gian, Phỏng Vấn Tự Truyện ít đòi hỏi thời gian chuẩn bị, ít công đoạn và là dạng phỏng vấn bán cơ cấu nên khá linh hoạt và phong phú. Kết quả thu được có những khác biệt với dự định ban đầu và các vấn đề cần tìm hiểu dàn trải trong suốt câu chuyện, theo suốt cuộc đời anh.
Dựa vào những gì anh kể chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét sau:
Nguyên nhân dẫn anh V đến với Ma Túy có thể nói là giống mọi thanh niên khác, đó là do những nhiễu lọan tâm lý của tuổi trẻ, sự tò mò muốn thử cho biết, sự cuốn hút, ảnh hưởng của môi trường - sự rủ rê của bạn bè, của băng nhóm, và sự thiếu quan tâm của gia đình. Nếu có gì khác, thì cái khác đó là một bên tìm đến sự "êm thấm", tận hưởng "khoái lạc" nhẹ nhàng; còn một bên để tìm cảm giác mạnh "nhảy nhót, tụ tập ăn chơi"...
Nhưng điều đáng quan tâm ở đây, đó là vấn đề tái nghiện. Theo lời kể của anh thì ít nhất anh có 5 lần cai nghiện (1 lần do tù mà cai) nhưng đều bị hút trở lại với Ma Túy, mặc dù anh thấy rõ hậu quả của nó và muốn làm lại cuộc đời. Có thể liệt kê ra một số nguyên nhân sau:
Sự hụt hẫng sau thời gian cai nghiện (tù tội) trở về với gia đình, với cuộc sống xã hội do "không có nghề nghiệp, không dự tính tương lai... và chỉ có con đường duy nhất là trở về với Ma Túy" như anh V. đã nói. Tức là họ cảm thấy không còn cơ hội nào để hội nhập lại với cuộc sống bình thường của gia đình của cộng đồng.
Ðó cũng chính do sự lệ thuộc tâm lý, mà theo anh đó là cái suy nghĩ về Ma Túy nó ăn sâu vào bên trong tư tưởng, không quên được, không cưỡng lại được khi thấy nó "... tui sực nhớ Ma Túy, tui bị cám dỗ... chống chọi... nhưng cũng không kềm được... rồi sau đó chơi... chơi... chơi... hối hận thì đã muộn"
Nhưng theo anh kể và qua những cuộc tiếp xúc của tôi với các thân chủ là người nghiện, thì lý do niềm tin là quan trọng nhất dẫn đến tái nghiện. Họ đều khẳng định rằng dính vào Ma Túy là không thể thoát ra được: "Ma Túy là rất khó bỏ"... Họ không tin là mình bỏ được Ma Túy thì làm sao có thể đủ nghị lực, quyết tâm bỏ Ma Túy dù biết nó hại và muốn bỏ nó. Và thực tế cho thấy tỷ lệ cai nghiện mà không tái nghiện là rất thấp như là một chứng minh cho khẳng định của họ, vì thế anh V. và những ca mà tôi tiếp xúc đều có thái độ buông xuôi, phó mặc. Chính con số tái nghiện cao và sự tái đi tái lại của anh V. (5 lần) làm cho gia đình và cộng đồng khó còn tin các người nghiện có thể bỏ được. Mặt khác, những phiền toái mà con nghiện gây ra cho gia đình và cộng đồng làm cho họ càng bị nghi kỵ xa lánh hơn, và điều đó càng đẫy họ vào con đường cùng "chỉ có con đường duy nhất là trở lại với Ma Túy". Và thế là anh V. hay ai đó mà lỡ dính vào Ma Túy là coi như không còn cách nào thoát ra được, hay thoát ra được rất ít.
Và theo đánh giá của anh V. thì hai mươi mấy năm gắn liền với Ma Túy đã làm anh chỉ có mất không mà không được gì hết:
Càng đi vào Ma Túy thì anh càng lún sâu vào con dường sa đọa, tù tội, từ hút chích đi đến băng đảng giang hồ rồi tù tội... nói chung là "bầm dập, chua cay".
Ðánh mất tuổi thanh xuân, sự nghiệp,
Mất tư cách, thể diện, "bằng mọi cách để thỏa mãn cơn ghiền kể cả quỳ lạy, van xin hay là chôm chỉa, lừa lọc" (anh đã nói vậy khi tôi trao đổi thêm về Tự Truyện)
Mất vợ con, nhà cửa, mái ấm và hạnh phúc gia đình,
Mất cả "niềm hy vọng", không có tương lai. "Một người sử dụng Ma Túy mà mang trong mình cái bệnh AIDS này... mười phần chết chín phần rưỡi rồi, chỉ còn nửa phần sống"... Ðể rồi chỉ còn biết "buông thõng"...
Nhưng rồi anh V. đã gặp và quen một chị Nữ Tu, người đã thăm anh khi anh ở trong bệnh viện, rồi là người chuyển thư cho anh và vợ anh. Anh kể: "Gặp Xơ và nhờ những lời khuyên lơn của Xơ, nhờ Xơ tui biết Chúa và Chúa độ cho tui, tui dứt bỏ được cái tư tưởng nghĩ về má túy" (anh lặp lại điều này 2 lần). Và như có động cơ thúc đẩy, anh "hy vọng sẽ thắng Ma Túy", "cố gắng dứt khoát bỏ luôn Ma Túy" để "khi tui đi là trong người tui sạch sẽ", "tạo cho gia đình một niềm phấn khởi", "để mọi người tin vào tui..." Niềm tin tôn giáo như đã khôi phục được niềm tin vào chính mình, động cơ thúc đẩy và trả lại niềm hy vọng chiến thắng Ma Túy trong những ngày còn lại của đời mình.
Tôi nghĩ nên có đôi nét về tính cách của anh V: Anh là một con người thích tự lập ngay từ nhỏ; rồi tính hai mặt của nhân cách ở nhà thì "cu rú, hiền từ: không chửi thề, không đánh lộn", nhưng ở ngoài có tính khác "hút chích", "giang hồ"; thích nổi tiếng, "thích được mọi người biết đến"; có máu giang hồ "dám chơi dám chịu", và không chịu thua ai. Có thể nói những tính cách này cộng với những điều kiện và cuốn hút của bạn bè và môi trường, đã lôi kéo và cột chặt đời anh với Ma Túy. Nhưng cũng chính con người đó, những tính cách đó, khi được thức tỉnh bằng sự quan tâm, thấu cảm... và niềm tin, anh đứng dậy bằng chính tính cách của mình như anh đã khẳng định: "Người ta làm được tui làm được", nay thì: "Tui đã quyết sạch sẽ rồi, mọi người không tin tui, nhưng tui cũng sẽ làm".
Rồi việc anh kể lại cuộc đời của mình là để mọi người biết và hiểu về anh. "Thấy vật nghe lời, là thấy người", đó là lời anh nói với tôi, anh không muốn cuộc đời mình bị đi vào quên lãng.
Kết Luận
"Không Ðược Gì Hết, Chỉ Có Mất Không", anh V đã mất tất cả, đánh đổi tất cả, tương lai, sự nghiệp, gia đình hạnh phúc cho Ma Túy. Và anh khuyên tất cả mọi người trẻ đừng bao giờ đùa với Ma Túy, "dứt khoát đừng bao giờ dính vào Ma Túy".
Vấn đề ở đây là làm sao ngăn chặn Giới Trẻ bước vào con đường Ma Túy? Tôi thấy vấn đề này đã được quan tâm và bàn đến nhiều, cũng như đã có nhiều giải pháp để giải quyết "sâu rộng". Vì vậy tôi dựa trên kết quả Tự Truyện và những phân tích của mình để có một đề nghị nhằm giải quyết vấn đề tái nghiện cho những thân chủ quyết tâm cai nghiện như sau:
Trên phạm vi vĩ mô cần có chính sách hợp lý để tạo nghề và việc làm cho những người nghiện, và phải coi đây như một biện pháp hữu hiệu để tái xã hội hóa, đồng thời có chính sách đồng bộ để giải quyết vấn đề Ma Túy, tạo ra môi trường "trong lành".
Và trên phạm vi vĩ mô, chắc chắn đây là địa hạt của những nhà công tác xã hội cơ sở, cần gợi lên trách nhiệm và tình thương, để gia đình, cộng đồng không xa lánh kỳ thị nhưng là điểm tựa cho họ vươn lên; nhưng chính niềm tin và nỗ lực của chính đối tượng là điều chính yếu, quyết định việc họ bỏ được Ma Túy hay không. Ðúng là Ma Túy rất khó bỏ, nhưng không phải không bỏ được vì có những người đã bỏ được Ma Túy, làm lại cuộc đời, và cũng không ít người đã bỏ được khá lâu rồi mới bị tái nghiện...
Như thế nhu cầu chính yếu của họ là có người dám tin họ, trở thành người đồng hành với họ nhờ vậy họ có thể lấy lại niềm tin, hy vọng bỏ được Ma Túy thì họ mới đủ sức khởi động những bước đầu đầy cam go. Với anh Và, chúng ta thấy thêm một điều là niềm tin tôn giáo đóng một vai trò khá quyết định là "động cơ thúc đẩy" để anh lấy lại niềm tin, sự quyết tâm tự bỏ Ma Túy để "thân xác sạch sẽ", "tư tưởng sạch sẽ", và để "tạo cái gì đó cho gia đình tin" và "phấn khởi"...
Tu sĩ Lê Văn Hoàng, OFM
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 25, năm 2001)