Cuộc Ðời Một Người Nhiễm HIV

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

EPHATA Việt-nam xin giới thiệu một bản Luận Văn môn Phương Pháp Và Kỹ Thuật Nghiên Cứu Xã Hội, thuộc khoa Xã Hội Học có chủ đề liên quan đến Ma Túy và căn bệnh AIDS. Tác giả là sinh viên Lớp 96 dự thính, năm học 1998 - 1999, thầy Lê Văn Hoàng, một tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phan-xi-cô). Bài viết khá dài, chúng tôi sẽ đăng thành nhiều kỳ.

 

Lời Ngỏ

Tự Truyện "Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS", là ước vọng của anh V, một người nhiễm HIV giai đoạn 3 (cận AIDS), thành hiện thực. Anh muốn kể lại cuộc đời của mình để chúng tôi ghi lại... "Nó cần cho Hoàng trong công việc chăm sóc người nhiễm lắm đó...", anh đã nói với chúng tôi như vậy, trong một lần chúng tôi đến nhà thăm anh. Tự Truyện "Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS", là kết quả của việc áp dụng phương pháp và kỷ thuật nghiên cứu Xã Hội Học, bằng phỏng vấn tự truyện của chúng tôi. Ngoài ra, Tự Truyện "Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS" còn là kết quả của việc áp dụng các kỹ năng Công Tác Xã Hội, mà chúng tôi được học và thực tập trong bộ môn Công Tác Xã Hội...

 

Dẫn Nhập

Ðiểm Qua Thư Tịch:

Ðọc qua các tài liệu liên quan đến HIV / AIDS, mà chúng tôi có được, chúng tôi thấy có tập truyện "Giá như...", là truyện kể về năm bệnh nhân AIDS và một góa phụ của Nguyễn Nguyên Như Trang, đây là công trình của những nhà Công Tác Xã Hội chuyên nghiệp. Chúng tôi không có tham vọng sánh vai cùng các bậc thầy của mình, nhưng từ những mẩu truyện và những thông tin kiến thức đi kèm theo những minh họa, chúng tôi rút ra được những kinh nghiệm quí báu chuẩn bị cho phỏng vấn tự truyện của mình.

Rồi, chính từ nền tảng triết lý của ngành Công Tác Xã Hội là: "Con người có những nhu cầu giống nhau nhưng mỗi con người là một cái gì độc đáo, không giống người khác". Nguyên tắc này, đã khuyến khích chúng tôi thực hiện phỏng vấn Tự Truyện "Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS", dù đã có nhiều phỏng vấn tự truyện mà đối tượng nghiên cứu cũng là bệnh nhân AIDS và được thực hiện bởi những nhà chuyên nghiệp. Ðồng thời chúng tôi cũng cố gắng tìm cái khác biệt độc đáo nơi Anh V.

Ngoài ra, chính thực tế nhu cầu muốn được kể lại cuộc đời của mình của Anh V, đã đưa chúng tôi tới quyết định chọn anh, một thân chủ của mình làm đối tượng nghiên cứu. Một sự chọn lựa có lợi và thuận tiện cho sự cùng tham gia của cả hai. Và các ghi chép của chúng tôi về các cuộc vấn đàm trước đó của mình với Anh V, là những tư liệu quan trọng, cung cấp thông tin để chúng tôi dễ dàng xây dựng mô hình phân tích, chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn, và cũng là cơ sở để chúng tôi so sánh đối chiếu khi phân tích tự truyện.

 

Giới Thiệu Ðôi Nét Về Anh V.

Anh V là một người nhiễm HIV / AIDS, đã tới thời kỳ thứ 3 (giai đoạn cận AIDS), thường sốt mỗi ngày, bị lao khớp chân, đi khập khểnh đau nhức. Học đến lớp 9 thì bỏ học, dính vào Ma Túy dẫn đến nghiện ngập - giang hồ - tù tội - cai nghiện - tái nghiện rồi cai nghiện... nhiễm HIV, lao... lại cai nghiện và điều trị lao, và thử nghiệm AZT tại Bệnh viện Bình Triệu. Hiện anh đã về nhà ở với gia đình bố mẹ và em gái được 1 năm, và tiếp tục điều trị lao khớp (lãnh thuốc tại địa phương). Anh đã bỏ Ma Túy và đang cố gắng chứng minh với gia đình điều đó. Vợ anh cũng là người đồng cảnh, họ lấy nhau trong thời gian ở nông trường Phú Văn, rồi hoàn cảnh đưa đẩy, họ đã phải xa nhau. Hiện tại anh đã mất liên lạc với vợ.

Việc anh kể lại cuộc đời của mình cho chúng tôi, theo anh đó là việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với anh. Anh thấy mình vẫn còn hữu ích cho xã hội, và cho chúng tôi, người đã hiểu anh và hỗ trợ phần nào cho anh lấy lại niềm tin vào cuộc sống và niềm tin của gia đình đối với anh. Và anh coi Tự Truyện như là của hồi môn anh gởi lại cho chúng tôi. Anh cũng yêu cầu chúng tôi giữ lại 2 cuốn băng thâu hôm phỏng vấn tự truyện để kỷ niệm và hơn thế nữa "thấy vật nghe tiếng là thấy người", đó là lời anh nói trước khi kết thúc buổi tự truyện.

Theo yêu cầu của anh, mọi tên tuổi liên quan, chúng tôi đều không nêu ra ở trong Tự Truyện này.

 

Mục Ðích Của Tự Truyện:

Tự Truyện "Cuộc đời một người nhiễm HIV / AIDS" đáp ứng 3 mục đích thực tế sau:

- Thứ nhất, đây là đề tài nghiên cứu xã hội để chúng tôi hoàn thành môn học Phương pháp và Kỹ thuật nghiên cứu xã hội.

- Thứ hai, Tự truyện là cơ hội để Anh V kể lại cuộc đời của mình, theo phương pháp phỏng vấn sâu,...

- Thứ ba, qua tự truyện chúng tôi áp dụng lý thuyết vào thực tế nghiên cứu, đem lại cho những kinh nghiệm quí báu trong nghiên cứu xã hội, và cả trong công tác tham vấn, chăm sóc cho người nhiễm HIV / AIDS mà chúng tôi đang tham gia.

Ngoài ra Tự truyện còn là thông tin truyền thông của Anh V với cộng đồng, và chúng tôi chỉ là nhịp cầu nối truyền thông, như ý của Anh V đã gởi gắm.

 

Nội Dung Tự Truyện

Anh có thể kể cho em nghe đôi diều về thời trai trẻ của anh...

Khi tui bắt dầu bước vào tuổi 15, bắt đầu hiểu biết, tôi còn nhớ mang máng lúc đó tui đang học lớp nhất, hay sao đó, thì coi như là quăng cặp sách, chơi với bạn bè, cũng có những thú vui như xem xi-nê, đánh lộn, đánh lạo... rồi đôi lúc cũng bị cha mẹ la rầy nữa. Thành ra là mình có ý nghĩ khác, có thể nói là tự lập, vì rằng bản thân cũng coi như là sắp trưởng thành, có thể lo liệu được cho mình ngày hai bữa cơm và tạo cho mình một thế đứng trong xã hội.

Năm tui 16 tuổi, tui có gặp một người bạn, và trong một buổi nói chuyện, thì anh ta biểu tui: "Làm thử một điếu, rồi đời mình cảm thấy khoái lạc hơn". Và tui đã "làm thử". Tui liên tục ói mửa cả ba, bốn ngày sau đó. Khi nhìn lại cái thứ ấy, tui cảm thấy rất sợ, nhưng rồi chỉ trong một tuần lễ sau, tui thấy nó phấn khởi và muốn trở lại con đường đó. Tui đến rủ anh bạn đó tiếp tục. Và sau mấy tháng dài thì tui tự động đi kiếm. Tui cứ chơi như vậy, liên tục trong 2 năm mà chưa biết là mình ghiền... Mặc dầu lúc đó tui cũng khá nhận thức và hiểu biết về cuộc sống, nhưng có cái không ngờ...

Anh không ngờ điều gì vậy?

Ðiều tui không ngờ là tác hại của Ma Túy, khi vào con đường hút chích là lúc tui bắt đầu lăn lộn vào cuộc sống giang hồ sa đọa: có máu giang hồ, đâm chém, đánh lộn... Tôi nói như vậy có sao không? (Anh dừng lại hơi đột ngột và hỏi tôi)

Không có gì ngại đâu, xin anh cứ tiếp tục...

... Tui cảm thấy có máu giang hồ, không phải xuất phát từ trong gia đình, mà tự riêng tui. Tui nghĩ: mình là một nhân vật phải cho mọi người hiểu biết về mình. Từ đó, tui bắt đầu dùng hai tiếng "giang hồ", coi như là tự lập, và sống cái cuộc sống va chạm xã hội bên ngoài. Lúc đó, tui cũng đã trở thành một nhân vật có tiếng tăm trong xã hội, với biệt danh là "V. chém mướn". Suốt quá trình lăn lóc, giang hồ, bụi đời, xì-ke, tui càng ngày càng hoàn toàn dính vào Ma Túy. Nhưng bản thân tui chưa biết ghiền là gì? Chỉ biết sử dụng vậy thôi. Và chưa bao giờ bị vật vã, tại vì có cắt cơn đâu mà biết. Không vật vã sao ghiền (đoạn giải thích này anh nói lớn, khẳng định, như muốn biện hộ cho việc làm của mình).

Vậy ghiền là vật vã vì thiếu thuốc?

Ðúng! Ghiền là phải vật vã, không vật vã sao nói là ghiền được?

Rồi sau đó...

... Năm 18 tuổi, coi như trên trường đời tui đã khá chững chạc, nhưng suy nghĩ của tui chưa hẳn hướng tới một sự nghiệp hơn ai... Lúc đó tui bỏ học... Gia đình cha mẹ, anh chị khuyên lơn, nhưng đường tui, tui đã chọn, thì coi như là tui phải thực hiện. Gia đình tui cũng không muốn cho con mình bước vào con đường ghiền (anh giải thích), nhưng lúc đó, cái chuyện tui "hút chích" thì gia đình chưa biết đâu! Suốt thời gian dài, chơi với băng này, băng kia, đâm ra mỗi ngày tui càng đi vào trụy lạc sa đọa.

Rồi sao nữa?...

... Tới năm giải phóng, tui còn nhớ ngày 30.4.1975, lúc đó tui độ 18 tuổi, tiếp nhận một chế độ thay đổi. Chế độ mới... (anh nói ngập ngừng), thì mình có hiểu mấy đâu, mà chỉ nghe phong phanh vậy thôi, ngầm sống được ngày nào hay ngày đó. Lúc đó, gia đình cũng hỗn loạn, mọi người thì sợ và mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy làm, vì ai cũng sợ đói.

Và anh lúc đó làm gì?

Tui tới các tòa nhà tỉnh trưởng này kia (nhà của các quan chức chế độ cũ), cho em út khiêng gạo, khiêng đồ đạc. Ðột nhập... vơ vét... đem bán... chia xài. Suốt một đoạn đường như vậy, mà gia đình tui cũng chưa hay biết.

Anh có thể giải thích rõ hơn...

Gia đình không biết gì cả, không biết tui là cái thằng hút chích, đâm chém này kia. Bởi vì, chỉ thấy tui hiền từ, ở nhà cu rú, không chửi thề, không đánh lộn. Nhưng mà ở ngoài tui có tánh khác!

Càng ngày tui càng bước sâu vào con đường tội lỗi (anh kể nhỏ lại với vẻ hối hận). Cho đến một ngày, trong tháng 8 năm 1975, thì tui có lệnh tập trung đi cải tạo. Khi chính quyền đến nhà tui đọc án, thì gia đình tui mới vỡ lẽ ra, thì lúc đó đã muộn rồi...!

Với cái tuổi đời của tui lúc đó, nói về hiểu biết cũng chưa, nói về sành sỏi cũng chưa, nhưng mà phải bước vào con đường tù tội... Tui được đưa lên Băng-ky, Bình Thạnh 6 tháng. Khi bước vô đó, cái máu của tui, cái tánh của tui cũng như ngày nào, từ một thằng mới vào, tui leo lên làm trật tự an ninh phòng... Rồi đi Long Giao... ở 3 năm lại chuyển đi Bố Lá ở 2 năm... Tại Bố Lá, tui được lệnh tha, tui trở về gia đình.

Lúc đó, cuộc sống hoàn toàn khác, không còn như xưa nữa. Và tuổi tui cũng đã lỡ làng rồi, hai mấy tuổi đời không nghề nghiệp, không dự định tương lai... Chấp nhận với cuộc sống và tui chỉ thấy một con đường duy nhất là trở lại với Ma Túy.

Anh trở lại với Ma Túy sau mấy năm ở cải tạo không còn sử dụng?

Tại tui không bị "zật" lần nào cả.

Cả lúc ở trong trại cải tạo?

Ở trên đó tôi có bị "zật", nhưng cái "zật" nặng của tui là không phải "zật" về Ma Túy, mà "zật" vì cuộc sống, lúc đó mình phải đấu tranh để kiếm cơm, có như vậy mới đủ sức lao động. Cái "zật" Ma Túy của mình bị quên đi, cho tới lúc tui trở về gia đình. Tui đã trở lại với Ma Túy, nhưng chưa hẳn tui đã biết mình ghiền.

(Anh V hiểu ghiền là bị "Zật" vì thiếu thuốc! Nhưng thực sự ghiền là gì?...)

Nghiện (Người Nam Bộ gọi là Ghiền). Ðối với ta, khi nghe nói đến "Nghiện" mọi người đều hình dung được tính chất trầm trọng của vấn đề. Nhưng đối với tiếng nước ngoài, trước đây một số từ ngữ dùng để chỉ trạng thái này rất hàm hồ, không rõ nghĩa, thiếu sự chính xác. Thí dụ như Anh, Mỹ gọi là DRUG ADDICTION, Pháp gọi là TOXICOMANIE. Hiện nay,Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị dùng một từ thống nhất mà muốn dịch sang tiếng nước ta là Lệ Thuộc Thuốc (Anh, Mỹ: DRUG DEPENDANCE, Pháp: PHARMACO-DEPENDANCE) và cho định nghĩa như sau:

"Ðó là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc về mặt thể chất hoặc cả hai. Khi một người dùng lập đi lập lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ thuốc, và tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt đương sự luôn luôn cảm thấy sự bức bách phải dùng thuốc để có được những hiệu ứng về mặt tâm thần của thuốc, và thoát khỏi sự khó chịu vật vã do thiếu thuốc. Tình trạng lệ thuộc này có thể kèm theo hiện tượng quen thuốc (tolerance) hoặc không. Cùng một người có thể bị lệ thuộc nhiều thứ thuốc".

Do tình trạng lệ thuộc thuốc tùy theo thuốc sử dụng có mức độ nặng nhẹ khác nhau, WHO đề nghị cần làm rõ tính chất lệ thuộc bằng cách nêu rõ lệ thuốc theo kiểu nào. Thí dụ: lệ thuộc thuốc kiểu morphine (đây chính là nghiện Ma Túy), lệ thuộc thuốc theo kiểu Amphetamine, lệ thuộc thuốc kiểu Barbiturate...

Như vậy nếu theo đề nghị của WHO, ta sẽ dùng từ Lệ Thuộc thay vì Nghiện, dùng từ Lệ Thuộc Ma Túy thay vì Nghiện Ma Túy. Tuy nhiên theo thiển ý, ta vẫn nên dùng từ Nghiện vì ở ta từ này dùng đã lâu, được mọi người chấp nhận và cảm nhận được tính chất bi đát toát ra từ từ này. Ðặc biệt khi nói về Ma Túy, người ta cần nhấn mạnh sự lệ thuộc hoàn toàn, cả về mặt tâm thần lẫn thể chất, ta nên dùng từ Nghiện, và hiểu Nghiện theo từ Lệ Thuộc mà WHO đã định nghĩa"

(Ðến đây Anh V yêu cầu nghỉ xả hơi giữa chừng để bàn bạc trao đổi thêm về mục đích, yêu cầu của buổi phỏng vấn tự truyện...)

 

Lê Văn Hoàng, OFM (Còn tiếp)

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 23, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page