Xin đăng lại một bài rất cảm động và thấm thía từ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 391 năm 2001

Vĩnh Biệt Nkosi Johnson

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1 tháng 6 năm nay (2001)  không trôi qua một cách êm ả. Trong lúc nó đang diễn ra thì đã có hàng triệu trái tim quặn thắt, hàng triệu gương mặt đầm đìa nước mắt, xót đau trước cái chết của Nkosi Johnson, một em bé 12 tuổi bị nhiễm virus HIV lúc mới chào đời, đã tự nguyện dành những ngày tháng ngắn ngủi còn lại để vận động chống lại sự phân biệt đối xử với trẻ em bị bệnh AIDS và gây quỹ giúp đỡ những con người bất hạnh này.

Vĩnh Biệt NKOSI JOHNSON !

Nkosi sinh ngày 4.2.1989 với những con virus HIV có sẵn trong cơ thể. Mẹ của em không thể nuôi con, bà Gail Johnson trở thành mẹ nuôi khi em mới lên hai. Năm 1997, mẹ ruột Nkosi qua đời vì bệnh AIDS. Tuổi thơ của em đã trôi qua trong bệnh tật triền miên, nhưng theo lời người mẹ nuôi, Nkosi vẫn có một óc hài hước đáng yêu. Em vẫn thường tìm cách tham gia công việc gia đình, "chuyên trách" 5 con mèo nuôi trong nhà. Cho đến những ngày cuối đời, em vẫn không bao giờ xao lãng nhiệm vụ đó. Ðến khi không còn gượng dậy được nữa, Nkosi đã thành khẩn xin lỗi người mẹ nuôi từ ái của mình.

Cuộc đời ngắn ngủi của Nkosi là một chuỗi dài những cuộc vận động, tranh đấu cho những người đồng bệnh với em, những người thường bị gia đình xa lánh và cộng đoàn xã hội chối bỏ như những đồ thừa. Hoạt động của em đã dẫn đến nhiều kết quả cụ thể, trước tiên là buộc chính quyền Nam Phi phải thay đổi chính sách không cho trẻ em bị nhiễm virus HIV được vào học ở các trường công lập. Trong những cuộc tiếp xúc công khai, em chân thành, thẳng thắn kể về căn bệnh của mình, kêu gọi mọi người hãy xét lại thái độ của họ đối với các bệnh nhân AIDS.

Năm 1997, Nkosi và người mẹ nuôi đã buộc một trường tiểu học công lập phải nhận em vào học. Từ đó, chính quyền Nam Phi đã ban hành một quyết định cấm các trường học kỳ thị với những học sinh đang bị nhiễm virus HIV và công bố bảng hướng dẫn phải đối xử với chúng như thế nào. Theo những số liệu thống kê mới nhất, ở Nam Phi, mỗi ngày có đến 200 trẻ em bị nhiễm HIV ra đời, đa số chết trước khi đến tuổi cắp sách đến trường.

Tháng 7.2000 vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Hội Nghị Quốc Tế lần thứ 13 về bệnh AIDS tổ chức ở Durban (Nam Phi), Nkosi đã được cả thế giới biết đến khi lớn tiếng đòi hỏi cho những người bị bệnh AIDS phải được tôn trọng nhân phẩm và được tạo những định kiến tốt nhất để hòa nhập với cộng đồng. Trong bài phát biểu, em cũng thúc giục chính quyền Nam Phi bắt đầu cung cấp thuốc men cho những bà mẹ mang thai đang bị nhiễm virus HIV để giảm thiểu tình trạng truyền bệnh từ mẹ sang con...

Từ cuối tháng 12 năm 2000, bệnh của Nkosi bắt đầu trở nặng. Tình trạng tổn thương não khiến em không thể ăn uống hay nói năng gì được nữa. Cuộc sống của em như một ngọn đèn cạn khô dần chất đốt. Ngày 31.5.2001, em lâm vào tình trạng nửa hôn mê, người chỉ còn là một bộ xương khô đét. Theo người mẹ nuôi, từ một năm qua, em không thể ăn những thức ăn cứng và đã trải qua nhiều tai biến ngập máu.

Cuối cùng, sáng ngày 1.6.2001, em vĩnh viễn ra đi, trong một giấc ngủ yên bình. Cả đất nước Nam Phi và cộng đồng thế giới xúc động trước hung tin này, dù họ biết rằng đấy là điều không thể tránh được. Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela gọi Nkosi là "biểu tượng của sự đấu tranh cho cuộc sống" và "trẻ em, như Nkosi Johnson, cần được tận hưởng một cuộc sống đầy niềm vui, tiếng cười và hạnh phúc..."

Còn Edwin Cameron, thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Nam Phi, một người đồng bệnh với Nkosi, thì cho rằng: "Em đã nhận thức được nguy cơ đối với cuộc sống của mình và tầm quan trọng của sự sống của em trong việc làm giảm nhẹ những mối đe dọa đối với người bị bệnh AIDS. Nkosi là một người mà sự chín chắn đã vuợt xa tuổi tác; sự khôn ngoan và lòng quả cảm bằng nhiều người lớn chúng ta hợp lại".

Theo Winnie Madikezela - Mandela, đại biểu Quốc Hội Nam Phi, Nkosi là biểu tượng của sự đề kháng, trường hợp của em là một bài học cho chính quyền trong việc thực hiện những điều tốt đẹp đối với nạn nhân của bệnh AIDS. Khi còn sống, chính em đã giúp vào việc gây quỹ xây dựng nên Nkosi's Haven, một nơi nương tựa dành cho những phụ nữ bị nhiễm HIV và con cái họ. Những việc làm của em khiến cho nhiều người không còn e ngại khi tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình.

Tuổi 12 rất đẹp nếu như được sống dưới sự chăm sóc, đùm bọc của cha mẹ, anh em. Còn tuổi thơ của Nkosi không hề có búp-bê, xe lửa, phim hoạt hình..., mà chỉ là một chuỗi năm tháng đấu tranh cam go với bệnh tật, đấu tranh với sự nhẫn tâm, kỳ thị mà xã hội công nghiệp dành cho những bệnh nhân AIDS như em. Em đã chiến thắng trên những chặng đường đấu tranh vừa qua, nhưng cuối cùng đã khuất phục trước tử thần, để lại cho những ai đang còn sống trên hành tinh này một tấm gương vô giá về sự quả cảm, lòng vị tha, sức chịu đựng vô bờ bến.

Hãy yên nghỉ nhé Nkosi! Sức phấn đấu của em là một bài học lớn cho không ít người lớn chúng tôi, những kẻ đang trầm luân trong cơn hồng thủy của lợi danh, của ích kỷ và hẹp hòi. Vĩnh biệt Nkosi!

 

Lê Nguyễn tổng hợp từ Internet - Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 391 năm 2001

 

(Trích dẫn từ Epahta Việt Nam số 23, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page