Sự Cần Thiết Của Ðời Sống Tâm Linh

Trong Việc Chăm Sóc

Người Nghiện Và Nhiễm HIV /AIDS

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

(Kinh nghiệm Về Sự Biến Ðổi Trong Ðời Sống Tâm Linh)

Từ kinh nghiệm phục vụ của mình, tôi xác tín: những gì Chúa nói với các môn đệ ngày xưa cũng rất đúng cho tôi "không có Thầy các con không thể làm gì được". Thực sự ai cũng biết những điều đó, nhưng với tôi nổi khắc khoải rất lớn lao "tại sao Chúa lại chọn con một người yếu đuối ngọng nghịu làm công việc lớn lao này". Nhưng hình như lần nào tôi thắc mắc hỏi, Người như cứ trả lời cho tôi: "Ơn Ta đủ cho ngươi". Và cũng như Phao-lô xưa, tôi đã phải bật kêu lắm lúc ngấm lệ: "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng tin mừng" rồi cứ thế lầm lủi tôi lại lên đường, khi đông vui, khi âm thầm lặng lẽ.

Hôm nay tôi xin chia sẻ, cùng anh chị em tí xíu về sự cần thiết của đời sống tâm linh cho mình và cho những anh chị em bệnh nhân AIDS như thế nào?

Dù với hình thức nào, thì việc phục vụ của chúng ta đều nhằm mục đích là đem Chúa đến cho người mình phục vụ, và dẫn họ đến cùng Chúa. Nên tôi phải có Chúa trong mình, thì mới có thể mang Chúa đến cho anh chị em. Và chính động lực này, là sức mạnh giúp tôi vượt qua khó khăn và đứng vững khi thất bại.

Như kinh nghiệm thường ngày chúng ta thấy, càng chống tội phạm thì tội phạm càng tăng lên vậy. Thì tôi cũng nhận thực rằng: Sức con người không thể chống lại được sự dữ và ma quỉ, nếu tôi đối đầu với nó, tôi có nguy cơ thua. Và tôi không có Chúa và không có anh chị em bằng hữu cầu nguyện nâng đỡ cũng như sự gia tăng cầu nguyện của mình thì tôi đã phải thua cuộc rất nhiều lần. Ðiều đó tôi càng xác tín hơn chỉ có Chúa mới mang lại cho chúng ta sức lực để chống lại ma quỉ và kéo anh chị em mình từng bước về với Chúa.

Mặt khác, khi tôi giúp người bệnh hiểu về họ trong chiều sâu tâm linh, thì trong tiến trình tự nhiên tôi cũng đi vào chiều sâu của đời mình và nó khơi dậy tất cả con người của mình. Tiếp xúc những đổ vỡ, lao lung của người bệnh, thì những gì giấu kín vùi sâu trong tôi, tự nhiên cũng thức dậy hết và nhiều khi hiệp lực chống lại tôi. Có thể nói đó là lúc tôi bị ngoại công (áp lực công việc, dư luận) nội kích (sự vỡ vụn của đời sống nội tâm).

Càng bị kéo ra, tôi càng trở về với lòng mình. Và ở thâm sâu trong nội tâm mình, tôi gặp Chúa. Như trẻ thơ tôi buông mình cho Chúa và cho anh chị em mình, và với một nỗ lực cộng tác từng chút, Chúa và anh chị em đã nâng tôi lên và phép lạ đã xảy ra cho tôi - một sự hồi sinh và lớn mạnh - trong tình thương mến của Thiên Chúa là Cha nhân hậu và trong tình huynh đệ.

Cũng chính nhờ có Chúa, và gặp Chúa là Cha, tôi đến với mọi anh chị em mình trọn tình anh em. Và thực sự đã giúp tôi noi theo gương Chúa là Cha nhân từ, khoan dung, tha thứ.

Và nhờ gặp Chúa là Cha tôi vượt qua chính mình, thay đổi chính mình và cả cách nhìn cải thiện và phát triển tình liên đới với cộng đoàn và gia đình; và hơn thế nữa, mở ra trong tình liên đới hợp tác và yêu thương mọi người.

Còn về phía anh chị em bệnh nhân, thì thực sự tình yêu thương chân tình, bao la và lòng nhân ái bao dung hơn cả cha mẹ họ, của quí cha, quí soeurs và quí anh chị em (như bác sĩ P.) đã là những chứng nhân dù rất âm thầm nhưng sống động về tình Cha nhân ái như một xuất phát rất mạnh đẩy họ đến với Chúa là Cha. Và khi đó, "Kinh Lạy Cha" là lời kinh tôi dạy họ và cùng họ cầu nguyện bằng trọn trí tuệ và con tim như đang thân thưa với Cha mình về những ước nguyện và nhu cầu và nhất là noi gương Cha sống yêu thương tha thứ.

Cuối cùng để kết thúc: tôi xin bật mí cùng anh chị em là càng dấn thân phục vụ và tiến sâu trong sống đời sống chiêm niệm tôi càng thấy "tốt bụng và bụng tốt" hơn.

 

Ts. Lê Văn Hoàng, OFM

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 28, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page