Khóa Cai Nghiện

Theo Phương Pháp Tâm Linh

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Một dự định tĩnh tâm bình thường...

- A-lô, thầy Châu ơi! Mai mình sẽ lên Bình Triệu hai ngày để tĩnh tâm đấy!

- Không được rồi, anh Nhiên ơi, tuần này người khác đang tĩnh tâm ở đây, không có chỗ đâu.

- Không cần chỗ. Mình đem theo võng, ngủ ngoài sân. Mình vẫn lên đấy...

Dòng Anh Em Ðức Mẹ Người Nghèo vốn đối xử với mọi người như là anh chị em của mình, và riêng tôi thì được tất cả anh em quý mến như một thành viên của cộng đoàn. Tôi lên Bình Triệu như về nhà mình mà không nghĩ ngợi gì cả.

Sáng thứ sáu 10.8.2001, tôi bước vào cổng nhà Tịnh Tâm Bình Triệu và nhìn thấy mươi người thanh niên, cùng với sự hiện diện của cha An-tôn Nguyễn Ngọc Sơn và soeur Hồng Quế, dòng Ða-minh Tam Hiệp. "Chắc là một buổi tĩnh tâm của những thanh niên nòng cốt nên mới có hai vị linh hướng", tôi thoáng nghĩ thế, nhưng rồi cũng không thắc mắc họ là ai... Tôi nghĩ rằng mình đến đây để vào thinh lặng chứ không phải để tìm kiếm thông tin. Tôi gác lại mọi sự bên ngoài trí óc để chỉ ngồi trước Thánh Thể rồi bước ra chiêm ngắm công trình Thiên Chúa trong thiên nhiên. Một khởi đầu bình thường như bao lần tĩnh tâm khác.

Buổi trưa. Tôi dùng bữa với anh em trong nhà và biết được rằng đây là một khóa "Cai Nghiện Ma Túy theo Phương Pháp Tâm Linh" cho 10 thanh niên hầu hết là người Công giáo: đây là khóa đầu tiên tại Việt Nam theo phương pháp này, đặt tên là Khóa Phục Sinh I. Một bác sĩ Tây y, chị Lan Hải, hai bác sĩ Ðông y, anh Quân và anh Việt, một y sĩ, anh Rớt, đảm trách phần chữa trị thể lý; cha Sơn, sr. Hồng Quế và sr. Hồng Hà đảm trách phần củng cố tâm linh. cha Sơn, sr. Quế, anh Việt và anh Rớt ở với các bạn 24 giờ trên 24 trong suốt 7 ngày của khóa. Ðấy là chưa kể đến những giám đốc của một số xí nghiệp và những thanh niên thiện chí đến trong ngày để nâng đỡ tinh thần và vật chất cho anh em.

Tôi cảm thấy một cái gì là lạ chạy dọc theo xương sống. Ðể khỏi tỏ vẻ yếu lòng, tôi pha trò:

- Ông Châu ơi, ông muốn biến cái nhà Tịnh Tâm dễ thương này thành trung tâm cai nghiện chắc... Mai này ai muốn tĩnh tâm thì phải vào các trung tâm cai nghiện Ma Túy thôi!

Thầy Châu trả lời một cách bình thản như thể không cần biết tôi đùa:

- Tôi đã nói với anh em trong nhà: mình luôn luôn nhắc nhau sống cho người nghèo. Mấy ngày này là dịp để anh em mình sống một cách cụ thể điều mình tâm niệm. Phải phục vụ những anh em kia, vì họ là những người nghèo nhất - ít ra là về tinh thần - trong xã hội chúng ta hiện nay. Chẳng những phải đón họ vào nhà mình mà còn phải đón họ vào lòng mình nữa. Phải phục vụ thật tế nhị, vì người càng nghèo thì càng dễ bị tổn thương.

Hỏng bét! Cái anh phụ trách này có biệt tài phá hỏng ngày tĩnh tâm của tôi.

Suốt buổi chiều tôi không thể nào để lòng trống rỗng, không thể nào cảm nếm Thiên Chúa một cách ích kỷ được: hình ảnh những người chung quanh cứ tràn vào nhà nguyện, bám vào Thánh Giá Chúa Ki-tô. Ðành chấp nhận thương đau: tôi dẹp đi cái thinh lặng của mình và cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho những anh em đang cai nghiện, mà tôi chưa biết mặt biết tên, để Thần Khí tống khứ Ma Lực ra khỏi họ. Cầu nguyện cho những người đang trực tiếp chăm sóc họ để cho tình yêu Thiên Chúa toả rạng qua sự mỏng dòn của con người. Cầu nguyện cho anh em Ðức Mẹ Người Nghèo và bao nhiêu người đang trợ giúp gián tiếp, để cho bầu không khí đáng ghê tởm này trở thành một môi trường bác ái. Dù sao đi nữa, ở xa mà cầu nguyện cho họ thì cũng "an toàn" hơn là đến với họ, tiếp xúc với những người mà xưa nay tôi vẫn xem là "rác rến" của xã hội và tôi đã mặc nhiên loại ra khỏi vùng bận tâm của mình.

Hai ngày tĩnh tâm qua đi... Một kỳ tĩnh tâm mà, theo nhận định chủ quan, tôi cho rằng bết bát nhất từ trước đến giờ. Tôi đến thế nào thì tôi về thế ấy, chẳng có được một giây phút thân mật nào với Chúa (theo cảm nhận của tôi); thậm chí cũng chẳng thêm được một ý tưởng hướng thượng nào.

Trước khi ra về tôi tìm sr. Hồng Quế để chào và nói vài lời động viên. Dù sao đi nữa, những "đồng chí" của mình đang tận tâm tận lực ở một lãnh vực "cực nhọc" mà mình đứng bên ngoài, thì cũng nên nói với họ một câu khích lệ để... trấn an lương tâm mình. Không thấy soeur đâu cả. Tôi lên xe; rồi không hiểu vì sao, tôi dừng lại, rút danh thiếp viết cho soeur vài chữ bảo rằng tôi xin gặp soeur sau khóa này để phỏng vấn; ngoài ra, để tỏ thiện chí mà khỏi phải trả giá gì, tôi ghi rằng có cần gì tôi thì xin điện thoại. Tôi biết tỏng tòng tong rằng chẳng có gì để cần tới tôi cả. Tôi không biết gì về y khoa, không biết gì về tâm lý người nghiện, không thể giúp được gì tốt hơn về tâm linh so với cha và các soeurs đang hiện diện ở đấy.

Sáng hôm sau, điện thoại reo: sr. Hồng Quế mời tôi lên với nhóm. Tôi đã tính sai. Chúa đã dùng bà soeur này để kéo tôi trở lại. Xin vâng. Tôi xin phép cha và soeur được đến để "cùng ăn, cùng ở, nhưng không cùng làm mà chỉ theo nhìn thôi". Duyệt! Tôi quay trở lại Bình Triệu và qua đó hiểu rằng tôi định đi tĩnh tâm hai ngày mà rốt cục Chúa đã ban cho tôi một tuần trọn vẹn. Tôi đã muốn tĩnh tâm, muốn tìm yên tĩnh cho tâm hồn, nhưng thánh ý Người lại khác, Người muốn tôi phải tĩnh tâm, muốn làm cho tâm hồn tôi thức tỉnh.

 

Những người theo chân Áp-ra-ham...

Sau 24 giờ, tôi có nhiều kiến thức về Ma Túy và cai nghiện Ma Túy hơn tổng số các hiểu biết về vấn đề này mà mình có được từ trước đến nay. Ðồng thời cũng khám phá rằng cha Sơn và sr. Hồng Quế đã tiến hành một khóa cai nghiện Ma Túy theo chân của Áp-ra-ham: nghe tiếng Chúa gọi thì đi, mà không biết mình đi về đâu.

Tiếng Chúa ấy được bộc lộ cụ thể như sau: Theo các nhà chuyên môn từ trước đến nay, tại Việt Nam, kết quả cai nghiện kể như là con số không. Hầu hết mọi người rời một trung tâm cai nghiện đều tái nghiện. Việc một con nghiện đi cai năm bảy lần để rồi tái nghiện là chuyện đương nhiên. Và những khóa cai nghiện ấy phải kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm. Thế mà cha Sơn đã quyết định "cai nghiện" trong 7 ngày. Sở dĩ cha quyết định như thế vì kinh nghiệm của Brazil cho thấy rằng 60% người cai nghiện đã không hề tái nghiện (con số thành công lớn nhất thế giới): người ta đã củng cố đời sống tâm linh của các đối tượng trong quá trình cai nghiện. Cha và sr. Hồng Quế cầm cây súng "tin vào sức mạnh Thiên Chúa" mà xông vào trận. May mà hai vị "điếc không sợ súng"! 7 ngày sau đó cho họ thấy rằng nếu biết trước mọi sự sẽ xảy ra như thế thì "bố bảo" họ cũng không dám liều tổ chức "cai nghiện trong 7 ngày"! Những nhà chuyên môn hẳn có đủ cơ sở để nhìn cha và soeur như là những người muốn cải tạo nền kinh tế thế giới với vốn liếng chỉ đủ mua một quả trứng vịt.

Chị Lan Hải là một bác sĩ có chuyên môn cao và một tấm lòng tôi ít gặp nơi các vị bác sĩ khác, một người không bao giờ từ chối một chương trình y tế nào mà cha Sơn đề ra. Tuy nhiên lần này chị cũng phải do dự đắn đo: đến bây giờ, trên bình diện y khoa, người ta chỉ nói đến những biện pháp "cắt cơn", chưa ai đám nói đến "cai nghiện" cả. Không thể nào thay đổi đời sống nội tâm của một người nghiện trong vòng 6 tháng chứ đừng nói là trong vòng 7 ngày: vừa cắt cơn vừa đổi cả nếp sống của một con người. Dĩ nhiên, là người ngoan đạo, chị tin vào ơn Chúa; nhưng ơn Chúa phải thông qua những quy luật tâm sinh lý và qua tự do của con người mà Chúa đã thiết lập, chứ Người không làm phép lạ xoành xoạch để đảo lộn ngay cả những điều Người đã tạo thành. Chị tiếp tay với cha vì muốn chia sẻ hơn là tin vào hiệu quả. Dù sao đi nữa, người trực tiếp điều trị cắt cơn là một bác sĩ sử dụng thuốc đông y chứ không phải là chị.

Những anh em từng cai nghiện nhiều lần thấy khóa cai nghiện này thật "buồn cười". Một khóa cai nghiện với lời khuyên tự giác! Không thể nào có cái chuyện tự giác được! Cổng nhà mở suốt ngày và không có lấy một người gác, muốn đi ra lúc nào thì ra; phòng không có tường, muốn tuồn "hàng trắng" vào lúc nào thì tuồn. Phương pháp duy nhất để xoa dịu cơn vã là "ngoan cố" xem rằng những người đến đây cai nghiện là những người đáng được yêu thương và tôn trọng, và phải dùng "tình yêu thương và lòng tôn trọng" mà chữa trị; trong khi đó mỗi đối tượng là một trường hợp cá biệt chứa đựng cả một đại dương mánh khoé, thủ đoạn, ý đồ.

Mặt khác, nhiều người trong số họ nghĩ rằng mình đi nghỉ ngơi một tuần lễ cho gia đình yên lòng rồi sau này dễ dàng tiếp tục hơn.

Chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra: ngay ngày thứ hai đã có hai người bỏ trốn. (Tuy sáng hôm sau có một người quay lại. Vì gia đình mạnh tay hay vì ơn Chúa?) Trong 7 ngày, đã có người tuồn hàng vào để "phê". Có hiện tượng mất cắp. Ðấy là chưa nói đến việc trong 10 người được nhận vào thì đã có 4 người nhiễm HIV, mà cách chăm sóc những người này là một điều nằm ngoài dự kiến. Mọi chương trình tĩnh tâm dự kiến trong 3 ngày đầu đều quăng xuống sông cả. Anh em lên cơn quằn quại mỗi người một kiểu, rên la suốt đêm... Thậm chí có một em rơi vào tình trạng khá trầm trọng khiến những người trách nhiệm phải nghĩ đến trường hợp cấp cứu, trong khi phương tiện y tế tại chỗ lại là con số không! Mọi người chỉ còn biết cầu nguyện với Chúa và Ðức Mẹ, kể cả vị lương y không Công giáo! Cha và hai soeurs hầu như thức trắng hai đêm mà không biết phải làm gì, ngay cả bác sĩ Việt cũng bàng hoàng... Ðể tự trấn an và củng cố niềm tin của bản thân mình, họ nói với từng người "Không sao đâu, sẽ qua thôi, tin cha / soeur / anh đi!"; và chỉ vì nhìn thấy tình thương ngu si đến điên cuồng của cha và soeur mà anh em mới không nỡ mắng vào mặt các vị: "Ðồ ngu! Mấy người tưởng như thế là giải quyết được ư ? Hãy cho chúng tôi một liều Ma Túy để qua cơn vã này đã! Ở đâu cũng vậy thôi!". Tuy nhiên, vẫn có một người không còn tí gì là tỉnh táo nên đã đập vào mặt cha và hét lên: "Ðồ phản bội!". Trước sự đau đớn của anh em và sự bất lực của bản thân mình, sr. Hồng Quế đã phải hơn một lần vào khóc tức tưởi dưới chân Thánh Thể!

Ðúng là một khóa liều mạng, sự liều mạng đặt trên một niềm xác tín: tin vào Tình Yêu là sức mạnh của Thần Khí. Khi bám vào Thiên Chúa mà liều đi trên biển thì Chúa không bao giờ để mình chìm... Kết cuộc, mỗi người trong khóa này, từ người cai nghiện đến người phục vụ, đều có thể nói lên như Ðức Mẹ "Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu, và Danh Người là... Tình Yêu".

 

Những điều kỳ diệu:

Và quả thật điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi sẽ không nói đến nội dung và các tiến trình trị liệu về mặt chuyên môn cũng như về tâm linh. Tôi chỉ ghi lại những gì mình nghe được và nhìn thấy.

Anh Kiên là một người bản lĩnh, từng thành công trong lãnh vực kinh tế, biết suy nghĩ về những quyết định của mình. Anh bảo: Tôi đến đây để cai nghiện như bao như lần trước, với ý định giữ gìn sức khoẻ, rồi khi nào thật khoẻ tôi sẽ lại chơi Ma Túy. Nhưng sau ba ngày, tôi thấy rằng mình sẽ không bao giờ sử dụng trở lại nữa. Hình ảnh của những người giúp khóa này bỗng cho tôi thấy rằng cuộc đời đóng khung của mình từ trước đến nay quả là vô ích. Nếu ngày mai tôi chết đi thì hoá ra mình chưa bao giờ sống được một ngày sao? Sống như những người kia mới gọi là sống; tôi không muốn nói đến cha và soeur - các vị ấy đã được ơn Chúa đặc biệt và có những phẩm chất vượt trội hơn những người bình thường - tôi chỉ nói đến những người như tôi kìa. Tôi chưa nói đến ơn Chúa và tình Cha, chỉ ý nghĩa nhân bản thôi thì cũng đã không cho phép tôi trở lại với Ma Túy rồi. Tôi cám ơn tất cả mọi người."

Anh Dũng, một người nhiễm HIV, đã cai nghiện gần 1 năm nay, cùng đến sống với anh em trong khóa này; anh chia sẻ: "Tôi chưa được nhận Phép Rửa, mặc dù tôi tin vào Chúa vì Chúa đã cứu tôi. Nhưng từ trước đến giờ, tôi vẫn xem các cha và các soeurs là một giới cao cả và thiêng liêng. Những ngày qua tôi hình như không thể nào tưởng tượng được khi thấy cha và soeur làm những việc mà những người lao công không thèm làm, như đổ bô, hốt chất nôn mửa, xoa bóp cho những anh em 30 - 40 tuổi mà "làm nũng" như con nít... và bao giờ cũng dịu dàng dù phải thức trắng đêm bên cạnh các bạn. Có lẽ đấy là điều khiến cho đến cuối khóa thì 10 người vẫn còn nguyên (một người đã vào ngày thứ hai để thay người ra đi - chú thích của người viết), đây là một chuyện chưa từng xảy ra ở bất cứ một trung tâm cai nghiện nào mở cổng ra vào tự do. Và đấy cũng là một điều làm cho những người không còn tin tưởng vào bất cứ một ai nữa cũng phải thay đổi cái nhìn."

Em Hoàng, trong buổi lễ chia tay, thổ lộ với mọi người: "Chúng con đã được tình thương cứu lấy. Những lần cai nghiện trước, chỉ hai ngày sau, nếu có dịp là chúng con chuồn ra ngay. (Cha mẹ con đang có mặt đây làm chứng). Nhưng giờ phút này không ai trong chúng con muốn về nhà cả, chúng con muốn ở lại nơi đây lâu hơn nữa... Chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa và được bao vây bởi những tình thương quá cao cả mà không lời nào nói hết. Từng ánh mắt nụ cười, từng câu nói hành vi của cha Sơn, mẹ Hồng Quế, mẹ Lan Hải trở về trong ký ức chúng con. Con biết rằng mình sẽ không còn có thể nào trở lại với Ma Túy, vì những hình ảnh ấy không thể nào chết được..."

Quả thật, sau khi rời khóa, Hoàng đã cùng Hải Anh đến cư ngụ tại nhà Dũng và tạo thành một nhóm anh em kết nghĩa để cùng chống trả với những cám dỗ hậu cai và cầu nguyện hằng ngày. Em đã cùng với hai bạn mình đem lại niềm vui cho nhiều người bắt đầu từ những thành viên trong gia đình của Dũng.

Em Nhân, một người mà xét nghiệm HIV báo là dương tính, đã tâm sự trong nước mắt: "Những ngày qua con nhận được quá nhiều ơn Chúa. Con biết chỉ có Chúa mới cứu con thôi và Chúa đã cứu con. Con chắc chắn rằng Chúa sẽ cứu con khỏi HIV. Nhưng nếu Chúa không muốn con khỏi thì cũng chẳng sao. Con rất bình an và hạnh phúc dù ngày mai có thế nào đi nữa."

Anh Việt nói: "Tôi không phải là người Công giáo, tôi chưa biết Chúa và Ðức Mẹ là ai cả. Nhưng những ngày qua, nhìn cha và soeur, tôi hiểu được Chúa và Ðức Mẹ là như thế nào. Trong đời bác sĩ của mình, chưa bao giờ tôi sống một thời gian phục vụ tràn đầy tình người đến như thế".

Chị Lan Hải chia sẻ: "Tôi từng coi thường những người nghiện, vì không thể chấp nhận được những con người đem cuộc đời mình mà vứt đi như thế. Nhưng trong những ngày qua, tôi hiểu được nhiều điều. Các em đã rón rén vào tim tôi bằng những bước đi rón rén đến tỏ lòng yêu thương tôi. Từ trước đến giờ tôi nghĩ rằng chỉ có bệnh nhân mới cần đến bác sĩ chứ không đời nào bác sĩ cần đến bệnh nhân. Các em đã dạy tôi biết cần đến bệnh nhân, ít ra là để đốt lên trong tôi một tình người trong sáng hơn và chữa trị cho tôi cái nhìn tự mãn và kẻ cả của mình. Tôi cám ơn các em".

Khi chụp hình chia tay, chị tươi cười nói: "Các con của tôi có tuyệt đẹp không anh? Tuyệt đẹp ở tâm hồn đấy?". "Con nào? Con gái của chị ấy à?". "Không, những đứa con này đây!" Chị đưa cả bàn tay chỉ vào những thanh niên vừa xong khóa cai nghiện.

Soeur Hồng Quế bộc lộ: "Khi có tình thương thì phép lạ xảy ra. Tình thương của cha, của các y sĩ và bác sĩ, của các em cai nghiện, của các thầy trong cộng đoàn Anh Em Ðức Mẹ Người nghèo, một cộng đoàn với tinh thần cởi mở và phục vụ mà tôi ít thấy ở những nơi khác. Chúa đã dạy tôi rất nhiều bài học. Dạy tôi biết rằng quyền năng của Người cũng vô biên như tình yêu của Người. Dạy một cách cụ thể, nhìn được, chạm được. Qua bao nhiêu biến cố và bao nhiêu tình thương của những người quanh tôi. Chẳng những tôi học qua cha và các thầy, mà còn học được nơi những anh chị em trợ giúp, nơi những em cai nghiện, nơi những bác sĩ ngoài Công giáo, nơi những ân nhân âm thầm đến với các em... Tinh thần phục vụ của những người ngoài Công giáo ấy cũng giúp tôi nhìn lại mức độ trong sáng của đức bác ái tu sĩ Ki-tô giáo của mình. Trước những khờ dại và ngu muội của bản thân được tỏ rõ trong khóa này, tôi có thêm bằng chứng để lặp lại xác tín của mình: Con chẳng là gì cả và Chúa là tất cả."

Và lời cuối cùng là của Cha Sơn, người mà đối với các em là một người cha với một trái tim người mẹ: "Chúng ta cám ơn nhau, đó là điều phải lẽ, vì ta không thể dửng dưng được trước bao nhiêu tấm lòng. Nhưng các con cũng phải hiểu rằng cha (cùng với những người khác) chỉ là máng xối chuyển ơn Thiên Chúa đến cho các con, vì vậy Ðấng duy nhất các con cần nhớ ơn mãi và gìn giữ trong lòng mình để Người gìn giữ các con, đó là Thiên Chúa và cụ thể là Chúa Giê-su".

Ngoài những lời nói ra, còn bao nhiêu thinh lặng đầy ắp ý nghĩa. Tình thương nào đã thôi thúc lương y Rớt im lìm từ ngày đầu đến ngày cuối thức giấc bao đêm, để nấu mì, nấu nước xông, đấm bóp, đổ những chất phóng uế... và để thực hiện bao nhiêu hành vi phục vụ khác mà trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười? Cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết anh Rớt nói giọng nam hay giọng bắc. Anh ấy có câm không đấy nhỉ?

Tình người nào đã nung nấu tấm lòng một giám đốc tư nhân, mà tôi chưa xin phép nêu danh, để ông sẵn sàng hiến tặng một khu đất có sẵn nhà cho chương trình hậu cai? Thêm vào đấy, vài ngày sau, ông đã đưa cha Sơn và sr. Hồng Quế lên Bình Dương để xem một khu đất mà nếu hai vị đồng ý quản lý thì ông sẽ chịu trách nhiệm lo thủ tục pháp lý và cung cấp tài chính để mua và xây dựng lên một cơ sở giúp anh em đã cai nghiện vững vàng tái hòa nhập với xã hội.

Tình yêu nào đã hun đúc anh em trong cộng đoàn AEDMNN Bình Triệu để họ âm thầm phục vụ bất kể giờ giấc, và cho đến giờ này, khi mọi điều kỳ diệu đã xảy ra bên cạnh mình, không ai biết đến tên họ và chính bản thân họ cũng chẳng hề nghĩ mình có một đóng góp giá trị nào? Và còn cả nhà dòng Ða-minh Tam Hiệp cầu nguyện suốt tháng? Còn bao nhiêu người vô danh khác....?

Làm sao mà nói hết được. Mỗi một con người trong khóa này, từ cha Sơn hay soeur Hồng Quế, thông qua từng em cai nghiện, đến từng người phục vụ vô danh nhất, mỗi người đều cho tôi đủ chất liệu để viết lên một cuốn sách... Nhưng dù có thế đi nữa thì cũng chưa nói hết được điều tôi cảm nhận. Mà làm sao nói lên được bằng lời những gì vượt lên trên ngôn ngữ nhỉ? Phải chứng kiến và cảm nhận thôi. Cảm nhận như em Hải Anh. Với vẻ mặt rạng rỡ và nụ cười thiên thần trên môi sau một tuần cai nghiện, em bảo: "Sao em không nói được gì hết há?".

Vâng, không thể nào nói hết được; nhưng dù sao, những nét chấm phá này hẳn cũng phác họa một cách trung thực - tôi mong thế - phần nào bầu khí của Khóa Phục Sinh đầu tiên.

 

Những gì chờ đợi ở ngày mai...

Một tuần "tĩnh tâm cai nghiện" đã qua! Có quá nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra! Kỳ diệu như trong mơ! Nhưng cũng là cái kỳ diệu từ Tình Yêu chữa lành của Thầy Giê-su, Ðấng trở nên bằng hữu nghĩa thiết của con người, của người nghèo, đến độ ôm lấy tất cả những bầm dập tan nát của con người rồi hiến mình chết treo trên Thập giá.

Nghe nói quá nhiều về những điều kỳ diệu, hẳn bạn nóng lòng hỏi: Liệu một khóa như vậy có thực sự là thành công chưa? Những cảm xúc thần thiêng sau một tuần tĩnh tâm sẽ tồn đọng bao lâu, một khi những anh em này trở lại với cuộc đời "bên ngoài", trước biết bao khó khăn và cám dỗ?

- Ðó cũng là câu hỏi mà những người tổ chức đã tự đặt ra cho mình và không thể trả lời được ngay. Thời gian "hậu cai nghiện" mới thực sự quyết định sự thành bại của khóa tĩnh tâm này. Có điều, xét cho cùng, thành hay bại không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu! Ðiều quan trọng nhất mà mọi người đã nhận được, ấy là mình đã trải qua một thời điểm rất đặc biệt: thời điểm mà họ được đụng chạm thực sự với tình yêu, với tình người, và hơn thế nữa, họ đã cảm nghiệm được tình Chúa.

- Xin trả lời thẳng vào vấn đề: khóa Phục Sinh này có đúng là một khóa cai nghiện chứ không phải là một cuộc cắt cơn kèm với một cuộc tĩnh tâm không? Nghĩa là có chắc rằng những bạn dự khóa này sẽ không ngã trở lại hay không?

- Tôi không biết! Cũng phải chờ đợi thời gian. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận được, ấy là sau 7 ngày, ngoài việc cắt cơn, mỗi người cai nghiện đã thấy rằng mình phải đổi nếp sống và đổi nếp suy nghĩ. Giờ đây họ đã có một sức mạnh của "Thần" Khí giúp họ say trong niềm vui sống để thay thế sức cuốn hút của "Ma" tuý khiến họ say trong ảo giác. Ngay trong khóa, chính Thần Khí ấy đã vực em Dũng dậy và ban cho em sức mạnh để em không bỏ mất một giờ cầu nguyện hay một Thánh Lễ nào, dù cho em có đến đấy trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê.

Vào ngày cuối khóa hầu hết mọi người đều nói lên quyết tâm của mình...

- Vậy anh tin họ à? Anh tin vào quyết tâm của những người từng chơi Ma Túy à? Anh có hỏi xem mỗi người quyết tâm lần này là lần thứ mấy không?

- Tôi không tin họ, và tôi cũng không tin bất cứ một người nào trên thế gian này, kể cả bản thân tôi. Nhưng qua khóa này, hầu như mọi người, có tôi trong số đó, đều muốn hiệp ý với thánh Phao-lô để thét lên: "Tôi biết tôi đã tin vào ai!" (2 Tm 1, 12).

Cách đây 32 năm, tôi trở lại với Chúa sau 10 năm đi hoang. Tôi quỳ dưới chân Thánh Thể mà khóc những giọt nước mắt đổi đời. Trong thời gian vừa qua, những giọt nước mắt ấy lại tuôn trào như ngày đầu tiên tôi trở lại, thế nên tôi biết rằng Thiên Chúa đã đến một cách cụ thể trong những anh em quanh tôi, để cho Thần Khí Người đổi đời họ. Ðổi đời họ một cách khác với dự tính con người. Những người tổ chức khóa này không thể dựa vào những kinh nghiệm khoa học của bản thân mình - họ đặt tin tưởng vào các bác sĩ cộng tác - nhưng họ có cả một chiều dày cảm nghiệm về quyền năng của Thánh Thần, thế nên họ không vênh vang vì một kết quả nhãn tiền nào cũng như không thất vọng trước một thực tế phũ phàng nào.

Có một điều chắc chắn: tất cả những người tham gia vào khóa này đều muốn, bằng cách này hay bằng cách khác, hô to như thánh Gio-an: "Chúng tôi đã biết Tình Yêu của Thiên Chúa nơi chúng tôi, và chúng tôi tin vào Tình Yêu đó". (1 Ga 4, 16)

Và cũng chính nhờ Tin vào Tình Yêu ấy, mà họ tin vào con người. Bởi vì, như soeur Hồng Quế thích nói: Ở Ðâu Có Tình yêu, Ở Ðấy Có Phép Lạ!

 

Trần Duy Nhiên

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 28, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page