Bài xin đăng lại từ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 390, tháng 6.2001

Tình Bạn Của Người Tử Tù

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Cách nay 11 năm, nữ chủ bút một tờ báo ở Anh là chị Pam Thomas đã hưởng ứng lời kêu gọi của một tổ chức nhân đạo, trao đổi thư từ với một người tù tử hình ở Mỹ. Tình bạn đặc biệt ấy đã kéo dài và cảm hóa được kẻ sát nhân, mang lại cho anh sự thanh thản trong tâm hồn vào những giây phút cuối cùng của một cuộc sống đầy truân chuyên. Thomas đã được phép chứng kiến những giây phút ấy của bạn mình.

Tác nhân làm thay đổi cuộc sống của Pam Thomas là một bài báo viết về Lifelines, một tổ chức nhân đạo chuyên tìm kiếm những người bạn qua thư từ cho các người tù tử hình ở Mỹ. Từ lâu, chị đã chống lại hình phạt tử hình nên thông tin này khiến chị không ngần ngại tiếp xúc với Lifelines và được giới thiệu để viết thư với một tù nhân tên Jonathan Wayne Nobles, đang chờ thi hành án tử hình ở bang Texas do đã sát hại hai mạng người.

Cách nay 14 năm, một bữa nọ, dưới sức tác động mãnh liệt của Ma Túy và rượu, Jonathan đã xông vào một ngôi nhà và đâm chết hai phụ nữ. Một người bạn trai của các nạn nhân cố gắng can thiệp cũng bị tấn công nhưng may mắn thoát chết. Jonathan nhận bản án tử hình từ đó.

Khi được nghe kể về người bạn thư tín này lần đầu, Thomas hình dung ra một gã đàn ông hung bạo và luôn luôn giận dữ. Tuy nhiên qua những bức thư trao đổi, chị cũng biết được ít nhiều về gia cảnh anh. Cả bố mẹ anh đều là những người lạm dụng rượu và Ma Túy, và lạm dụng tình dục cả với anh.

Jonathan đã phải bỏ nhà ra đi và nhiều lần toan tự tử. Cũng nghiện ngập như bố mẹ, lắm lúc anh cố vượt qua nhưng không có tiền chữa trị. Sau khi nhận bản án tử hình, anh nằm chờ trong tù được 3 năm thì nhận được lá thư đầu tiên của Thomas. Chỉ hỏi xem anh có muốn có một người bạn trao đổi qua thư tín hay không. Và anh đã trả lời một cách kênh kiệu rằng nếu chị muốn viết thì anh sẽ vui lòng phúc đáp.

Thế là chị Pam Thomas bắt đầu đi vào cuộc đời của một con người đang sống dưới đáy sâu xã hội. Trong tù, Jonathan từng nổi cơn điên, đập nát hết các màn hình tivi và ném cả một chiếc máy vào người lính gác. Có lần anh định cắt động mạch tự tử và đốt cháy xà lim. Từ đó người ta tịch thu hết mọi vật dụng tùy thân của anh, kể cả quần áo. Cuộc sống lúc đó đối với Jonathan là cả một cơn ác mộng.

Ngày qua ngày, những lá thư của Thomas đánh mạnh vào tâm thức con người lương thiện trong Jonathan, anh bắt đầu tin tưởng chị và viết về mình nhiều hơn. Anh kể lể những chuyện chỉ xảy ra trong tù đủ khiến cho con người trở nên sợ hãi, giận dữ. Nào là mồ hôi, nước tiểu và cả máu nữa. Ðó là chưa kể những "bạn đồng hành" không mời mà đến như chuột, gián, dế, kiến, bọ chét và... tiếng động.

Về phần mình, Thomas cũng kể cho Jonathan nghe chuyện gia đình chị với chồng chị và ba đứa con. Sự chân tình ấy đã khiến anh cảm thấy như mình là một người thân trong nhà chị. Anh và cậu con trai nhỏ của chị trao đổi với nhau những ván cờ qua đường bưu chính. Anh tỏ ra là một người thông minh dù học vấn căn bản không nhiều. Thomas theo dõi sự phát triển tinh thần của Jonathan bằng một nỗi ngạc nhiên thú vị. Một con người với cái chết treo lơ lửng trên đầu lại có thể bàn luận qua thư từ về Dostoevsky, Merton, Solzhenitsyn! anh thường viết cho chị bằng một tình cảm nồng nàn, tin tưởng, chen vào một chút hài hước dễ thương...

Bỗng nhiên, một ngày nọ, Jonathan đòi gặp chị khi thời hạn thi hành án tử hình của anh đã gần kề. Nhận được thư, Thomas cảm thấy sốc và sợ hãi, nhưng chị cũng quyết định sẽ đến tận nhà giam Texas để thăm anh. Qua thư, anh bày tỏ nỗi ân hận sâu xa về những điều đã làm và mong mỏi được nói chuyện với gia đình các nạn nhân trước khi chết.

Hai tuần lễ trước hôm thi hành án, Jonathan đã được gặp bà mẹ của một trong hai nạn nhân của anh tại nhà tù. Cuộc nói chuyện kéo dài nhiều giờ liền và bà mẹ ấy cũng tỏ ra can đảm và nhiều tình cảm. Khi Jonathan ngỏ lời tạ tội và xin nhận mọi trách nhiệm về những việc đã làm, và bà ta đã sẵn sàng tha thứ cho anh.

Về phần Thomas, chị đến Texas trong một tâm trạng bồn chồn lo lắng. Phải nói gì đây với một con người đang bước dần ra khỏi vòng trầm luân của cõi sống? Gương mặt của Jonathan rạng rỡ phía sau khung cửa kính của nhà tù. Anh hỏi chị về chuyến bay, về gia đình chị. Bà Dona, dì ruột của anh và Steven Earle, một nhạc sĩ bạn anh, cũng có mặt ở đó. Cuộc nói chuyện đôi lúc bị gián đoạn do những người tù khác nói với thân nhân họ lớn quá cũng qua ô cửa kính.

Hôm ấy là ngày thi hành án tử hình đối với Jonathan. Câu chuyện có lúc ngắt quãng khi một nhân viên trại giam đến hỏi xem anh muốn ăn gì trong bữa ăn cuối cùng của đời mình, hoặc người giám thị yêu cầu cho biết anh muốn ăn mặc như thế nào khi thi hành án. Buổi sáng cuối cùng, Ðức Giám Mục Carmody đến từ Tyler, còn viên thư ký của người giám thị thì lấy máy ảnh Polaroid (lấy ảnh ngay) chụp cho Jonathan đứng sau khung kính và những người đến thăm anh với giá 3 USD một tấm. Rồi mọi người chia tay với Jonathan. Anh cười, ép bàn tay mình lên mặt kính mà phía bên kia là bàn tay của những người thân.

Chiều hôm đó, Thomas cùng bà dì Dona và người bạn Steven Earle ngồi ở phòng chờ, đọc những quy định dành cho những ai được phép chứng kiến một cuộc thi hành án. Không lâu sau, một người lính gác đến yêu cầu họ đi theo. Khi được lệnh dừng lại, qua một bức tường lắp kính trong suốt, Thomas nhìn vào một căn phòng nhỏ sơn màu xanh. Cách chị chỉ một mét thôi là Jonathan, đang bị buộc dây vào một chiếc xe đẩy của bệnh viện, bàn tay phải bó một lớp bột để che cây kim tiêm tĩnh mạch. Một chiếc micro choàng qua đầu anh. Ðức Cha đứng phía chân, còn viên giám thị với gương mặt vô cảm thì đứng phía đầu...

Jonathan quay về hướng Thomas và những người thân, giọng nói anh khó nghe qua chiếc micro không được chuẩn. Anh chào gia đình các nạn nhân, nói lên lời tạ tội từ đáy lòng mình và hy vọng họ sẽ tìm lại được sự bình an. Anh chọc ghẹo Steven, rồi nói với dì Dona là anh yêu dì và biết ơn về sự có mặt của dì. Sau hết, với Thomas, anh cũng nói lên những lời nói yêu thương và cảm ơn chị đã vượt đại dương để đến gặp anh và chứng kiến những giây phút cuối cùng của anh.

Thomas nói qua khung cửa kính: "Tôi yêu mến anh. Hãy bảo trọng!" Jonathan nói: "Tôi biết" và anh mỉm cười. Rồi anh bắt đầu hát bài Thánh Ca Silent Night. Tiếng hát chợt gián đoạn bởi cái gật đầu của viên giám thị: ống thuốc sodium thiopental đầu tiên được tiêm vào làm cho anh bất tỉnh. Sau dung dịch muối đẳng trương, người ta tiêm tiếp pancuronium bromide, chất làm giãn các cơ bắp để gây tê liệt toàn thân Jonathan. Tiếp theo là lượt chích nước muối thứ hai, cơ thể anh nhận thêm chất potassium chloride có tác dụng làm cho ngưng tim. Jonathan bật ho, lồng ngực phập phồng rồi xẹp xuống. Cuối cùng, anh bất động...

Ðức Cha Carmody cùng hai vị Linh Mục khác đã chuẩn bị lễ tang ở ngôi Nhà Thờ gần đó. Thánh Lễ diễn ra với sự hiện diện của một vài người lính gác, mấy viên giám thị, một số khách là những người chủ trương chống lại án tử hình...

Thomas trở về nước Anh, viết một bài báo thuật lại những ngày tháng đã được làm bạn trao đổi qua thư từ với một người tử tù, cùng những giây phút sau hết đầy cảm xúc của Jonathan. Sự hối hận dù đã muộn màng, nhưng chị Pam Thomas vẫn hy vọng nó đã đem lại cho người tử tù Jonathan Wayne Nobles một sự thanh thản bình an ở thế giới bên kia...

 

Lê Nguyễn dịch theo Scmp.com. Kiến Thức Ngày Nay số 390, tháng 6/2001

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 22, năm 2001)


Back to Vietnamese Missioanries in Asia Home Page