Tâm Sự Một Người Cha

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Bài 1: Thời thơ ấu đến 3.5.1975

Thân mến chào các bạn trẻ!

Ðược báo Ephata khích lệ viết bài làm chứng về con trai mình - một nạn nhân của Ma Túy, nay đang sống tại một điểm truyền giáo và đang trong quá trình biến đổi nhờ Hồng Ân Thiên Chúa và Thánh Thần Của Người. Ðược Thánh Thần thúc đẩy, tôi xin gửi đến các bạn, những người trẻ của Giáo Hội và Xã Hội hôm nay, tâm sự của một người cha, để qua đó cùng đồng cảm với người trong cuộc và có những thao thức chính đáng về người trẻ và cảm nhận được quyền năng Thiên Chúa và cảm tạ Người vì Người vẫn hiện diện giữa chúng ta.

Bài 1 này, tôi xin tâm sự quãng đời của mình từ thời thơ ấu đến 3.5.1975.

Cha mẹ tôi gốc người Miền Trung (Sơn Công - Hương Trà - Thừa Thiên) vốn quê mùa ít chữ. Vào thập niên 40, cả gia đình theo làng xóm vào lập cư tại Miền Nam. Bước đầu định cư tại Ðức Hòa, Ðức Huệ, tỉnh Long An, một vùng đất khô cằn. Dân nghèo sống nhờ vào đất địa chủ (ông bà Hội Ðồng).

Tiếng khóc chào đời của tôi vang lên trong một hoàn cảnh thật đặc biệt: Gia đình chạy lánh nạn trên ruộng đồng còn trơ gốc rạ. Ðạn nổ liên hồi bên tai. Bom rơi ì đùng tứ phía. Mưa tầm tã xối trên đầu (Việt Minh và Pháp đánh nhau). Mẹ tôi chuyển bụng và hạ sinh tôi trong hoàn cảnh như vậy đó (Năm 1948). Nghe kể, bà tự làm bà đỡ cho mình. Sau đó, anh chị tôi, người thì dìu mẹ, người thì đặt tôi vào chiếc thúng, loại thúng đựng gạo ở nông thôn, úp cái nón lá lên rồi tiếp tục chạy dưới cơn mưa vẫn chưa dứt. Mọi người được tắm một cơn mưa thật là ngoài ý muốn. Bình yên trở lại, tôi được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy tại Nhà Thờ Họ Ðức Hòa. Cha Sở rửa tội cho tôi lúc bấy giờ là Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Giáo Phận Sài-gòn sau này.

Tôi hồn nhiên lớn lên vài năm tại vùng đất "dầu sôi lửa bỏng" này. Trước khi qua đời, cha tôi trăn trối phải đưa cả gia đình về Sài-gòn và bằng mọi cách cho tôi được ăn học. Anh chị tôi không ai học qua khỏi lớp năm trường làng.

... Rồi một ngày, tôi cũng được cắp sách đến trường theo ước vọng của cha tôi dù gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn. Ðã có lúc tôi tưởng mình trở thành một chú bé bán cà-rem dạo quanh khắp phố phường và bạn bè của tôi là những trẻ em đường phố, đầu đường xó chợ. Tôi trải qua bậc Tiểu Học tại trường các sơ Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán (Nhà Thờ Mạc-ty-nho hiện nay gần Ðài Truyền Hình Sài-gòn) và trường các Sư Huynh Dòng Thánh La-san (nay là trường Trung Học Cơ Sở Lê Lợi ngay tại ngã sáu Công Trường Dân Chủ, Quận 3). Trong giai đoạn học Trường La-san, tôi đã là chú giúp lễ, đồng thời là ca viên tại Nhà Thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp do các cha các thầy Dòng Chúa Cứu Thế làm mục vụ. Người hướng dẫn tâm linh, khai tâm âm nhạc cho tôi lúc bấy giờ và hướng dẫn tôi bước vào đời sống tu trì sau này là Thầy Fidelis Nguyễn Ðức Nhuận, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nay đã an nghỉ tại Huế.

Xong Tiểu Học, tôi gia nhập Ðệ Tử Viện Dòng Ðức Mẹ Ðồng Công tại Thủ Ðức do cha Ða-minh Ma-ri-a Trần Ðình Thủ sáng lập... Rồi vào Nhà Tập tại Ðịa Sở Nhà Ðá, Bình Ðịnh, Quy Nhơn. Nhà Dòng nằm trên vùng đất xôi đậu nhiều khói lửa vì chiến tranh. Ngày vào Nhà Tập cũng là ngày chạy tránh đạn và núp hầm chống bom khi trên mình còn khoác chiếc áo dòng trắng.

Chúa gọi nhiều nhưng chọn  ít. Tôi về thế gian tiếp tục quãng đời còn lại. Từ đây tôi tự định hướng cuộc đời mình. Cuộc sống của tôi, do hoàn cảnh, hầu như phải tự lập và khắc phục để vươn lên trong khi đất nước, chiến sự vẫn diễn ra khốc liệt trên các chiến trường. Vừa làm gia sư, vừa làm bồi bàn cà phê, vừa học để đoạt mảnh bằng Tú Tài Một. Và để sớm có tiền lo cho cuộc sống bản thân và tiếp tục ăn học, tôi thi vào Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài-gòn (1969) theo gợi ý của chị một người bạn có cha là Mục Sư. Hai năm sau (1971), tôi ra trường và được bổ nhiệm về một trường Tiểu Học thuộc Quận Ðức Tu - Tỉnh Biên Hòa, giáp Tỉnh Long Khánh, nay là Huyện Thống Nhất, Tỉnh Ðồng Nai.

Vừa dạy học, tôi vừa khắc phục đoạn đường xa 40 km từ trường dạy về Tỉnh Biên Hòa để học lớp Ðệ Nhất (nay gọi là lớp 12) tại Trường Trung Học Khiết Tâm mỗi ngày. Tôi đã đoạt được mảnh bằng Tú Tài Hai (Nay gọi là bằng Phổ Thông Trung Học). Tiếp tục học Ðại Học Văn Khoa ngành Triết Học để chuyển ngạch Giáo Sư Triết Học dạy lớp Ðệ Nhất... Trong đầu cũng manh nha tư tưởng xin tiếp tục đời tu tại Ðại Chủng Viện Sài-gòn, theo gợi ý của thầy cũ là một Tu Sĩ Dòng Ðồng Công ngày trước, cũng là nhạc sĩ Công Giáo - nhạc sĩ Nguyên Kha, lúc bấy giờ là chủng sinh tại Ðại Chủng Viện Thánh Giu-se.

... Nhưng mọi ước mơ và định hướng tương lai thời thanh niên trai trẻ như các bạn đã không thể nào thực hiện được vì biến cố 30.4.1975. Ngày 3.5.1975, trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tôi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Vị mục tử chuyển ơn lành của Chúa trên vợ chồng tôi chính là vị linh hướng của vợ tôi, hiện ngài đang là Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Vợ tôi là con cái Dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái Vinh Sơn. Nàng đã ban tặng cho tôi hai người con: một trai đầu lòng và một gái. Chúng mang hình ảnh của sự kết hợp giữa hai vợ chồng.

Lạy Chúa, con cảm tạ Hồng Ân bao la của Chúa. Chúa đã ban cho con có mặt trên trần gian này. Chúa đã ban cho con sống đời sống hôn nhân gia đình theo thánh ý Chúa. Chúa đã ban cho con một người vợ hiền gương mẫu thánh thiện. Chúa đã ban cho con hai đứa con để con thay mặt Chúa mà nuôi dưỡng và giáo huấn chúng. Con tin vững vàng Chúa không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn mà một người cha như con đã và sẽ phải đương đầu. Nguyện xin cho con bước đi theo đường lối của Chúa và vững tin, phó thác trong tình yêu thương của Ngài. Amen.

 

Bài 2: Con Tôi Rơi Vào Cạm Bẩy Ma Túy

Các bạn trẻ thân mến!

Thật bàng hoàng! Thật khủng khiếp! Không thể tin được! Nhưng... buộc phải tin vì "con đầu lòng của tôi đã rơi vào cạm bẫy Ma Túy".

Một buổi sáng, tôi đến Trường Ðại Học Văn Lang, nơi con tôi đang học năm thứ ba, Khoa Tài Chánh - Kế Toán để tìm hiểu về thực học của con mình. Tôi được thầy cô có trách nhiệm cho biết kết quả học tập suốt thời gian ba năm của con tôi. Kết quả thật khiêm tốn! Ðồng thời, các vị ấy cũng đặt tôi trước thực trạng đau lòng: Con tôi đã vướng vào Ma Túy.

Hồi tâm xét mình trong tâm thế một người cha, tôi thấy cháu thật hạnh phúc vì đã lớn lên trong hơi ấm tình thương của cha mẹ, của ông bà nội ngoại và của những người thân yêu khác một quãng thời gian dài từ khi mở mắt chào đời (1977) đến khi Tốt Nghiệp Phổ Thông Trung Học (1995). Con tôi phát triển bình thường như các bạn. Và đặc biệt, cũng được hưởng nền giáo dục truyền thống của Nhà Thờ, của Giáo Hội Công Giáo - đã từng là lễ sinh bên Bàn Thánh Chúa.

Tôi nhận ra rằng, ngay từ năm thứ nhất (niên khóa 1995 - 1996), với môi trường Ðại Học, con tôi đã vuột khỏi tầm kiểm soát của tôi. Bởi tin con sẽ trưởng thành đủ như tôi đã trưởng thành ngày trước, bởi tất bật với cuộc sống lo cho mái ấm gia đình và bởi môi trường bên ngoài mái ấm ấy, bên ngoài Nhà Thờ ấy có quá nhiều cạm bẫy, bởi đời sống nhân bản, đời sống tâm linh của con tôi chưa vững vàng dù đã được cha mẹ dạy dỗ bảo ban... và quan trọng hơn, bởi không có Chúa làm chủ cuộc đời nên con tôi đã sa vào cạm bẫy của tử thần: Bạn xấu + Ma Túy = Những trợ thủ đắc lực của Xa-tan.

Những khi bị Ma Túy quật ngã, những khi "hình hài con bệnh Ma Túy lộ ra", những khi "dễ thương", con tôi tâm sự: "Ba má ơi, con quyết tâm từ bỏ nhiều lần. Con quyết tâm tự cai nghiện nhiều lần. Con dùng ý chí, nghị lực của bản thân con để đứng lên làm người... nhưng không hiểu sao tất cả đều vô hiệu!"

Tiếng đọc kinh tối chung trong gia đình với Kinh Mân Côi, với Lời Chúa kể từ biến cố ấy, đã đều đặn vang lên dưới ánh mắt Tình Yêu Thiên Chúa và Mẹ Hằng Cứu Giúp, một thói quen đạo đức gia đình tôi đã quên lãng từ lâu. Vợ tôi thường thức thật khuya, dậy thật sớm, thường ăn chay hãm mình theo lời dạy của Ðức Mẹ Mễ Du (Medjugorje, Nam Tư) để dâng lên Chúa và Mẹ nỗi lòng của nàng hầu nguyện xin cho con được cứu. Các bạn có hiểu một người mẹ thì đau khổ như thế nào không nhỉ?

Con tôi tiếp tục học năm thứ tư nhưng không ra trường (hiểu theo nghĩa tốt nghiệp) mà lại... "ra đường" (ngôn từ con tôi đã dùng khi nói với tôi). Rồi học một năm Kỹ Thuật Viên Vi Tính Phần Cứng & Mạng (khóa 10, niên khóa 1999 - 2000). Cũng học trọn khóa. Cũng có điểm đầy đủ trong năm học. Nhưng... cuối khóa học lại không làm nổi Luận Văn Tốt Nghiệp vì bị Ma Túy quật ngã.

Ðược con tôi đồng ý, tôi thường đưa rước con tôi đi học, đi Nhà Thờ, đi giải trí, đi bất cứ việc gì chính đáng... dù tôi rất bận. Những lúc bất khả kháng, con gái tôi đã thay cha làm việc đưa rước anh mình.

Lần cuối cùng bị Ma Túy quật ngã là lần tôi đã cho phép con tôi quay trở lại trường đại học mong trả những môn còn nợ để hoàn tất chương trình đại học (đầu niên khóa 2000 - 2001). Theo lời một Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, khi tôi tham khảo ý kiến, thì đó là quyết định sai lầm hết sức tai hại của tôi. Vì nơi ấy, Bạn xấu + Ma Túy vẫn còn đó.

Có những lúc, con tôi bỏ nhà qua đêm, cao điểm, có lần bỏ nhà cả tuần hoặc mười ngày. Tôi không thể biết tìm nơi đâu. Các bạn có biết, nhiều lần tôi dong xe đạp đi khắp trung tâm thành phố từ 12 giờ khuya đến 5 giờ sáng hôm sau để tìm con mình nhưng vô vọng. Ngồi tựa cửa chờ mong con về như hình ảnh "Người Cha nhân hậu" trong Tin Mừng Lu-ca 15 là hình ảnh thường xuyên của tôi. Lòng tôi tràn ngập nỗi đau mất con hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi chỉ có một đứa con trai. Bao kỳ vọng về đứa con này đã hoàn toàn sụp đổ. Tôi đã nhận ra sự bất lực của mình... Tôi đã quy hàng Thánh Ý Nhiệm Mầu của Chúa. Chỉ còn biết phó thác vào Ngài, vào đường lối Ngài đang thực hiện nơi con tôi.

Tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, những vị mục tử nhân lành mà Chúa đã gửi đến cho tôi, cho con tôi, cho gia đình tôi. Cách cầu nguyện của tôi cũng đã đổi khác: Không bắt Chúa làm đầy tớ cho mình nữa mà phải vâng phục ý Chúa, chúc tụng Ngài ngay cả trong đau thương đang xảy ra. Hoàn toàn để Thánh Thần Chúa làm việc, không được cột trói tay Ngài, không được giành việc của Ngài. Tôi đã suy niệm nhiều về gương cầu nguyện của Chúa Giê-su và một số vị tôi trung của Ngài.

Quả thật! Tình Yêu Thiên Chúa đã can thiệp - Thánh Thần của Ngài đã hoạt động. Con tôi được cứu vào dịp Năm Thánh 2000. Ðặc biệt là kỳ Ðại Phúc đầu tiên tại Giáo Xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đường Kỳ Ðồng (Tháng 9 và tháng 10 là tháng kính Ðức Mẹ).

Diễn biến tâm linh của con tôi trong giai đoạn này chính là cuộc chiến ác liệt giữa Xa-tan với Thiên Chúa. Và... Thiên Chúa đã thắng. Con tôi đã ngã vào Trái Tim Ðầy Lửa Yêu Thương của Ngài. Hiện nay, Ngài đang dẫn dắt và đổi mới con tôi từng ngày, từng giờ tại một điểm truyền giáo. Tôi viết bài này ngày hôm nay (18.6.2001) là đúng sáu tháng con tôi được ơn đổi mới. Ngày 18.12.2001 chính là ngày con tôi được tái sinh trong Thần Khí, tôi nghĩ và xác tín như vậy. Xin chúc tụng quyền năng Thên Chúa. Xin cảm tạ Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Lạy Chúa, con nghiệm ra rằng: Chúa đã ban cho con đời sống hôn nhân gia đình, Chúa gửi biến cố đau thương đến qua người con của con để trắc nghiệm lòng tín thác, cậy trông của con vào Chúa như Chúa đã thử thách Tổ Phụ Áp-ra-ham thời Cựu Ước xưa. Thực sự Chúa không chỉ cứu con của con, mà Chúa đã cứu, đã nhắc nhở cả gia đình con theo một nghĩa nào đó. Bây giờ con hiểu được mọi biến cố đều là dấu chỉ của Tình Yêu Chúa. Chỉ có điều, con có nhận ra và chấp nhận hay không mà thôi. Xin Thánh Ý Chúa được thành sự nơi con trai của con. Amen.

 

Bài 3: Dấu Chỉ Ơn Ðổi Mới Nhờ Thánh Thần

Sau đây là bức thư của Một Người Cha gửi đến một Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế.

Sài-gòn, ngày 27 tháng 12 năm 2000

Cha VHP kính mến, vợ chồng chúng con hết lòng biết ơn cha và thầy LNT, hai vị mục tử đầu tiên, bằng quyền năng của Thiên Chúa và Thánh Thần, đã cứu vớt đứa con trai của chúng con khi lần đầu tiên cháu ngã quỵ vì Ma Túy, căn bệnh của thời đại mà đa số người trẻ là nạn nhân.

Thật sự vợ chồng chúng con ước mong con trai của chúng con sau khi đứng lên được, thì thường xuyên đến với cha P. để cha giúp cháu trưởng thành trong lòng Tin, Cậy, Mến; qua đó sẽ chừa bỏ được căn bệnh quái ác nhờ ơn Chúa và Thánh Thần. Nhưng cháu đã không đến với cha như ý chúng con mong ước mặc dù lòng của cháu cũng có ước mong như vậy. Thế là với thời gian, cháu đã sa đi ngã lại thật nhiều lần. Chúng con biết cháu không dám lên gặp cha P. và thầy T. là vì cháu mặc cảm tội lỗi.

Chúng con đã ứng xử mặn ngọt chua cay đủ cả, tùy theo tình hình thực trạng của cháu nhưng cũng đều vô ích. Và rồi của cải, tiền bạc tiếp tục đội nón ra đi trong sự bất lực của hai vợ chồng. Máy vi tính một khoảng thời gian dài chúng con không sử dụng được cũng vì bị cháu gỡ lấy một số linh kiện mà đem bán. Những món nợ chúng con không vay nhưng cứ phải oằn lưng mà trả.

Kế tiếp, cha PVB, một Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế khác đã muốn giúp cháu do tình thương của ngài. Nhưng rồi qua một thời gian thì cháu cũng tránh không chịu qua Nhà Dòng gặp ngài nữa bởi vì cháu lại phạm tội tiếp. Một thời gian sau, cha MVH. là Linh Mục đặc trách Xóm Giáo, nơi gia đình chúng con đang cư ngụ. Ngài quan tâm sâu sát với Xóm Giáo, qua đó ngài thấu hiểu được tình hình cụ thể của gia đình con. Giải pháp cách ly môi trường cũng do chính ngài đã gợi ý, có thông qua ý kiến của cha Giám Tỉnh. Cha H. đã thu xếp để vợ chồng chúng con gặp được cha NÐM, một Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế ở rất xa, nơi ngài đang phục vụ truyền giáo, người đã luôn đón nhận cháu với tấm lòng của một người cha lẫn người mẹ thay cho chúng con mà lấp đầy khoảng trống tâm linh và nhân bản nơi cháu. Cháu lên đường với cha M. đúng 8 giờ 30 sáng thứ hai, 18.12.2000.

Từ hôm cháu đi đến nay, Cha M. có gọi điện về và chúng con cũng có gọi lên để hỏi thăm về cháu. Sáng 24.12.2000, một soeur đã bất ngờ gặp cháu ngay tại cộng đoàn vùng truyền giáo của cha M. Khi về lại Sài-gòn, soeur ấy có kể lại cho chúng con là thấy cháu rất phấn khởi và bình an. Hôm nay, vào lúc 2 giờ trưa thứ tư, 27.12.2000, chúng con nhận được thư của cháu gửi từ trên ấy về qua đường bưu điện. Ðọc thư, chúng con thật vui và cảm tạ Chúa. Chúng con xin trích vài đoạn cháu đã viết:

"Vùng truyền giáo cao nguyên, ngày 23.12.2000, áp Lễ Chúa Giáng Sinh,

Như vậy là con lên ở với cha M. đã được năm ngày. Khí hậu có lạnh nhưng rất tốt và dễ chịu, có lợi cho sức khoẻ của con. Hằng ngày thức dậy rất sớm để chuẩn bị đọc kinh và dâng lễ (5h - 5h45). Sau thánh lễ, cha M. và thầy T. sẽ chữa bệnh cho một số người dân tộc từ trong Buôn ra. Phần con, cha có dạy cho con về nhân điện, cho nên lễ xong con tự tập các động tác thể dục và một số động tác về nhân điện. Ðến khoảng 7h thì ăn sáng, tự học Anh Văn một mình. Khi chữa bệnh xong, cha M. thường ra ngoài thị trấn để làm việc, con và thầy T. thì đi làm vườn trà và tiêu đến 11h.

Sau đó hai thầy trò cùng nhau sửa soạn bữa trưa, ăn xong thì nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục đi làm vườn đến 4h thì xong. Tắm rửa, vệ sinh, giặt đồ và dùng cơm chiều để 6h còn phải đọc kinh tối với một số giáo dân người Kinh trong vùng. Ðọc kinh xong, họ thường ở lại uống trà và trò chuyện một chút đến khoảng 7h30 tối thì về. Thường lúc này cha M. cũng về tới, đôi khi cha đi vô Buôn dân tộc đến 9h tối mới về. Sau khi giáo dân về, ba cha con cùng nhau đọc sách, học hành riêng đến 9h hay 9h30 thì nghỉ ngơi.

Một ngày làm việc của con trôi qua như vậy đó. Cha NÐM. và thầy CTT. sống rất khó nghèo. Ở đây không có điện. 6h chiều thì trời tối om, chỉ dùng đèn dầu, nấu nướng thì bằng củi đun, thức ăn chủ yếu là đồ khô vì cả tuần cha mới đi chợ một lần...

Xin ba má cho con gửi đến các thầy, các cha bên nhà Dòng lời chúc sức khoẻ, sự bình an trong Chúa Hài Ðồng. Nhớ cầu nguyện cho con. Thương nhiều. Con của ba má."

"Cha VHP kính mến, một lần nữa, vợ chồng chúng con luôn ghi nhớ công ơn, tình thương của cha đã giúp đỡ chúng con và con trai của chúng con vượt qua những thử thách mà Chúa đã gửi đến. Xin cha tiếp tục cầu nguyện đặc biệt cho gia đình chúng con. Kính thư, vợ chồng chúng con..."

 

Một Người Cha...

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 22, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page