"Nhân Danh Ðức Ki-tô, Hãy Ðứng Dậy Mà Ði!"

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ngay trong những ngày chuẩn bị cho Tam Nhật của Giới Trẻ Tuyên Xưng vào Ðức Giê-su để chiến thắng Ma Túy được tổ chức tại Nhà Thờ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 6 năm 2001, một bạn trẻ đã tìm đến gặp cha Mát-thêu Vũ Khởi Phụng để phỏng vấn. Ephata Việt-nam xin ghi lại toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn như sau:

Hỏi: Thưa cha, cha có thể cho biết nhận định của cha về tệ nạn Ma Túy hiện nay tại Việt Nam nói chung, và tại Sài-gòn nói riêng?

Hiện nay khó có được những thống kê chính xác, chỉ thấy rằng Ma Túy ngày một lan tràn. Nó không chừa một đối tượng, một thành phần nào. Gia đình, trường học, xứ đạo đều bị nó xâm nhập. Và hình như xã hội cũng chưa có biện pháp hay liệu pháp nào thực sự hữu hiệu để chận đứng và khắc phục cơn đại dịch này. Nhưng chúng tôi nghĩ còn một lực lượng rất lớn chống lại Ma Túy mà cho tới nay chưa được huy động đúng mức: đó là sức mạnh tâm linh tiềm tàng trong Giáo Hội.

Ðức Tin sống động và lòng bác ái đối với người khác theo lời Chúa dạy có thể làm thay đổi bản thân ta, khiến ta không bị Ma Túy cám dỗ, hoặc nếu có bị cám dỗ thì cũng chống cự được. Sống đạo cũng làm thay đổi quan hệ của ta với người khác, đặc biệt là với những nạn nhân của Ma Túy, do đó tạo ra một môi trường nhân văn và tâm linh mới.

Ðiều tôi nói đây không phải là lý thuyết suông. Chúng tôi khởi đi từ kinh nghiệm của những anh chị em đã nhờ Ðức Tin, nhờ cầu nguyện mà thoát khỏi Ma Túy. Chúng tôi cũng nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước khác, là nơi mà Liệu Pháp Tâm Linh được sử dụng rộng rãi hơn ở ta nhiều, và đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Dĩ nhiên họ có những điều kiện thuận lợi và được xã hội quan tâm, còn chúng ta thì không được như vậy và đó là điều đáng tiếc.

Hỏi: Có một thực tế là đối với những bạn trẻ bình thường, việc sống Lời Chúa, sống đời sống cầu nguyện đã khó, như vậy, với những bạn trẻ đang nghiện Ma Túy, liệu họ có thể tiếp nhận một cách dễ dàng chăng?

Chính đó là mấu chốt. Vô tình nếp sống đạo trở thành thói quen, thành hình thức. Nhiều bạn trẻ tưởng rằng mình tin, mà thực tế thì Ðức Tin đã lịm đi mất rồi, chỉ còn nơi bị vùi sâu dưới nhiều thói quen và hình thức. Vấn đề là phải tìm lại được Ðức Tin đang bị vùi sâu đó. Kinh nghiệm của những bạn đã nhờ cầu nguyện để thoát ly Ma Túy là có một lúc nào đó Ðức Tin đã hồi sinh nơi các bạn như một luồng điện giật. Các bạn ấy có cảm nghiệm được Chúa cứu.

Với các bạn không có kinh nghiệm ấy thì ta hãy đi những bước đầu. Cách đây ba năm, anh Phấn, một bác sĩ rất nhiệt tình tìm đến chúng tôi để chia sẻ những bức xúc của anh trước đại dịch Ma Túy. Trong cuộc tĩnh tâm mừng Lễ Giáng Sinh của Giới Trẻ ở Nhà Thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chúng tôi đã kêu gọi các bạn trẻ đứng lên vì Chúa phục vụ các bệnh nhân AIDS, mà nguyên nhân của bệnh AIDS thường gắn với Ma Túy. Sau cuộc tĩnh tâm đó, chừng 120 bạn trẻ đã tự nguyện đến với chúng tôi. Chúng tôi cùng nhau học hỏi và cầu nguyện, coi như đó là một sứ mạng Chúa và Giáo Hội ủy thác cho.

Dĩ nhiên đó không phải là một tiến trình dễ dàng. Các bạn đã chật vật, phải đấu tranh với chính bản thân mình, thanh luyện mình, học cho biết phó thác và cầu nguyện. Có người bỏ cuộc, lại có người mới đến nhập cuộc. Nói chung, khi nhìn thấy một điều gì có ý nghĩa trong cuộc sống thì người trẻ rất quảng đại. Từ những cố gắng đầu tiên ấy, hiện nay có chừng hơn một trăm bạn chia thành nhiều nhóm sinh hoạt rải rác trong thành phố, họ đồng hành và cầu nguyện với các bệnh nhân AIDS và nạn nhân Ma Túy. Và càng ngày họ càng cảm thấy cần cầu nguyện, cần sống với Chúa.

Trong khi chúng tôi làm như vậy, thì nhiều nơi khác cũng có sáng kiến tương tự, trong và ngoài thành phố Sài-gòn. Không hẹn mà bây giờ chúng tôi đã gặp nhau, và cứ quen thêm bạn mới mãi. Chúng tôi từng bước đi vào đời sống cầu nguyện như vậy đấy. Cho nên đừng ngại các bạn trẻ cảm thấy khó, hãy bắt đầu với từng nhóm nhỏ, sẽ lan dần ra.

Hỏi: Thưa cha, vậy ba ngày ở Nhà Thờ Các Thánh tử Ðạo Việt Nam sẽ làm như thế nào?

Ngày đầu có bác sĩ chuyên khoa nói chuyện để các bạn hiểu Ma Túy là gì, nghiện là thế nào, nó tác hại thế nào; những nguyên nhân gây nghiện, làm thế nào để phòng ngừa và trị liệu. Qua đó sẽ thấy rằng nội lực tinh thần là sức mạnh hữu hiệu nhất để chống và đẩy lùi Ma Túy. Mà nội lực của chúng ta thì chính là Ðức Tin, hãy đánh thức Ðức Tin dậy.

Ngày thứ hai sẽ có những anh chị em đã có kinh nghiệm về Liệu Pháp Tâm Linh chia sẻ, vì chỉ có những nhân chứng sống mới có sức lay động người trẻ.

Ngày thứ ba, bạn nào tự nguyện sẽ ra trước cộng đoàn tuyên hứa trước mặt Chúa rằng mình quyết tâm xa lánh Ma Túy và giúp đỡ các nạn nhân Ma Túy bằng sự cầu nguyện và đồng hành trong tình nghĩa anh em Ki-tô.

Hỏi: Việc dấn thân, cam kết của các bạn trẻ trong bối cảnh này có ý nghĩa gì?

Việc dấn thân đó là kết quả của nhận thức, được biểu lộ một cách rất cụ thể cho chính mình và cho cộng đoàn. Từ nay, các bạn ấy biết rằng mình không thụ động, cũng không đơn độc, vì mình cùng đi với Chúa. Thứ nữa, cũng thấy rằng có nhiều anh chị em khác cùng đồng hành với Chúa như mình. Trong khi đó, cộng đoàn đông đảo đang hiệp ý cầu nguyện chung quanh cũng nhận ra rồi đây không chỉ là chí hướng cá nhân, mà là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Các bạn ấy được Giáo Hội thương mến, yểm trợ bằng lời cầu nguyện và bằng mọi phương cách có thể.

Hỏi: Hiện nay, trong bước khởi đầu này, chương trình chỉ thực hiện với đối tượng là Giới Trẻ. Theo cha, thời gian tới, chương trình có thể tiếp tục với các giới gia trưởng hiền mẫu là những nhân tố quan trọng trong gia đình?

Chúng tôi mới đi những bước đầu. Hiện nay đã có những bậc cha mẹ cùng đi với con em mình, cùng cầu nguyện vì nhận ra rằng nguyên nhân gây nghiện chính là một trục trặc thế nào đó trong quan hệ gia đình. Người nghiện cần được cải hóa, nhưng người không nghiện cũng cần được cải hóa, để làm lành mạnh một bầu khí phản Tin Mừng trước đây đã gây nghiện. Nếu lành mạnh hóa được bầu khí ấy, thì gia đình vẫn là môi trường tốt nhất cho người cai nghiện.

Hỏi: Và cha đã có một chương trình tiếp theo nếu như chương trình tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam có xu hướng phát triển tốt?

Chúng tôi giống một cộng đồng hơn là một tổ chức, chúng tôi không có một cơ cấu tập trung. Khi một nhóm đồng hành thành hình, đã đi vào được Liệu Pháp Tâm Linh, đã được trang bị những kiến thức cần thiết, đã quen tìm đến các chuyên viên để tham vấn khi cần, thì nhóm đó sẽ sinh hoạt tự lập, không cần lệ thuộc chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì quan hệ thân hữu, vẫn thích gặp nhau để trao đổi, và khi cần thì giúp đỡ nhau. Như vậy, mỗi nhóm sẽ tự mình có các sáng kiến để đáp ứng các nhu cầu. Chúng tôi chuyển cho nhau những thông tin nào bổ ích để hoạt động thêm hiệu quả và nâng cao trình độ lẫn cho nhau.

Trong những ngày sắp tới, nhân Lễ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhiều nhóm chúng tôi sẽ đi hành hương chung với nhau, để bồi bổ phần tâm linh. Cũng có thể trong những dịp lễ đông đúc như vậy, chúng tôi sẽ tìm thêm được những bạn bè đồng chí hướng.

Hỏi: Với những phương pháp như mình làm, liệu rằng sẽ có hiện tượng bám víu của các bạn nghiện?

Tâm linh trị liệu có hai giai đoạn: giai đoạn đầu, những người đồng hành sẽ sát cánh với bạn mình còn đang đi những bước đầu ngượng ngập. Nếu thành công thì trong một thời gian không lâu lắm, người bạn đó sẽ vững vàng hơn trong Ðức Tin và cầu nguyện, đời sống nội tâm sẽ thêm phong phú. Khi ấy, ở giai đoạn thứ hai, những người đồng hành sẽ hạ thấp dần vai trò của mình, để cho bạn mình có thể phát triển thêm nữa mối quan hệ của bản thân với Chúa...

 

Phóng viên Ngân Khánh thực hiện 6.2001

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 22, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page