Thiền Trong Cai Nghiện

Vượt Qua Cảm Giác Thèm Ma Túy

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chớ coi thường Tiểu Sa Di, Vì Tiểu Sa Di có ngày thành Phật (Thích Ca)

 

1. Dẫn Nhập

Lời phát biểu trên của Ðức Thế Tôn cũng có thể xin được bắt chước mà nói: chớ xem người nghiện Ma Túy là hư mất, vì một ngày họ thoát ra và sẽ thành đạt. Bài viết này không có ý định thuyết phục những thành viên Cộng Ðồng Trị Liệu thành những nhà tu hành, nhưng khi họ ý thức được tình trạng lệ thuộc Ma Túy của mình, sự thoái hoá hay suy sụp nhân cách, những nỗ lực của họ nhằm thoát ra đau khổ sẽ được trả giá xứng đáng khi thực hành những biện pháp thiền.

Thiền trong cai nghiện không yêu cầu phải từ bỏ tôn giáo mà mình đang theo. Thiền không phải là tôn giáo, Thiền là một liệu pháp tâm lý, cho người thực hiện nó tích lũy được những kinh nghiệm nội tại khi thử thách với khung cảnh cũ, bạn nghiện cũ, lý do nghiện cũ. Sự tự tri nhận về mình được coi như một cách tăng cường khả năng phục hồi sau thời gian dài đánh mất bản thân.

Vai trò to lớn của vô thức - hay Cái Chưa Biết - ngày càng trở nên rõ nét trong công tác cai nghiện. Mặc dù không phải tất cả những nhân viên điều trị bệnh nghiện Ma Túy đều là những chuyên gia về Phân tâm học, rất nhiều thành viên trong Cộng Ðồng Trị Liệu đã không nhận ra nguyên nhân nghiện củřa mình, điều này đưa đến hậu quả là nhân viên điều trị phải tiến hành tư vấn tâm lý cá nhân để giúp cho anh ta tri nhận những yếu tố nguy cơ của chính mình trong việc sử dụng Ma Túy.

Có thể gắn cho Thiền một mầu sắc tâm linh hay gì đó không là điều quan trọng, nhưng việc tri nhận được Cái Tôi sẽ là một bước tiến dài trong quá trình hồi phục. Khi sử dụng Ma Túy, người nghiện trải qua một kinh nghiệm tâm linh pha lẫn trong cảm nhận một trạng thái ngất ngây. Họ tưởng rằng như đang tiếp cận với một điều bí ẩn trong cõi vô thức, nơi không có quá khứ lẫn tương lai, nơi không gian và thời gian như ngưng đọng lại thành một: cái hiện tại say thuốc bây giờ. Những lý tưởng, những động lực chủ yếu trong cuộc sống xã hội của anh ta bỗng nhiên bị mất đi, thay vào đó là một tình trạng mới, một trật tự mới của động lực mới: cái thế giới ảo thần bí của Ma Túy. Anh ta đã đánh đổi cuộc đời thực của mình để sống trong thế giới ấy ngày vài lần.

Ma Túy dẫn đến thế giới thần bí, và việc sử dụng nó hàng ngày để có sống ảo trở thành một thói quen hưởng thụ chết người. Việc duy trì Ma Túy như một phương thức sống sẽ va vấp với chính bản thân người sử dụng, rồi đến gia đình và xã hội khi anh ta vẫn còn phải nương tựa vào cuộc đời thực để nuôi nấng sự tồn tại của những đam mê bệnh lý.

Ðạo Phật chủ trương dùng nội lực của chính bản thân để tìm thấy sự Hiểu Biết (đức tính Trí và Dũng trong Bi-Trí-Dũng), còn Thiên Chúa Giáo chủ trương dùng tha lực, tức là tôn thờ một Ðấng Cao Cả để xin hổ trợ quá trình phục hồi, và cũng có thể dùng niềm say mê tôn giáo thay thế cho đam mê Ma Túy. Sự tráo đổi nỗi đam mê, hay sự hiểu biết cuộc sống cũng đều dẫn đến một quá trình hoàn thiện bản thân thông qua biện pháp. Thiền, như tên gọi của nó, được tiến hành như hơi thở, như ăn và ngủ, như sinh sống trong cuộc đời thường mà tri nhận được chân tướng của mình và tự nhiên vượt qua được những manh động của nó.

 

2. Hô Hấp Theo Yu Chi - Sổ Tức Quán

Sổ Tức Quán là danh từ gọi của Phật gia, diễn tả hành động ngồi tĩnh tọa, tập trung tư tưởng đếm hơi thở. Việc hô hấp theo ý chí được nhiều người tu tập như một biện pháp căn bản bước ban đầu của thiền tông.

Từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Lão Tử trong tác phẩm "Ðạo Ðức Kinh" đã đề cập đến cách hô hấp nhằm mục đích mạnh khỏe sống lâu. Trang Tử trong "Nam Hoa Kinh" cũng phát biểu "Người xưa thở đến tận gót chân" là ông muốn diễn tả phương pháp dẫn hơi thở đi khắp cơ thể của đạo gia. Y gia Biển Thước trong quyển "Nạn Kinh" đã miêu tả cách thở để điều trị bệnh. Trong thời Chiến Quốc, trong hai đời Tần, Hán có rất nhiều tác giả phổ biến tư tưởng đề cập đến môn Khí Công, trong đó hô hấp giữ phần quan trọng. Cho đến khi Ðạt Ma Tổ Sư cùng các đệ tử của ông đã Trung Hoa hóa đạo Phật từ mầu sắc huyền bí của Ấn-độ đến thực trạng thuyết phục như hiện nay, Thiền được diễn tả như một biện pháp đạt đạo, mà Sổ Tức Quán là cách đơn giản nhất.

Lợi ích của hô hấp không ai bàn cãi nữa. Người thường không tập luyện chỉ có thể nín thở được tối đa 3 phút, nhưng người thợ lặn mò ngọc trai dưới biển có thể lặn một hơi 5 phút, và đó là người có sức khỏe tuyệt vời. Kim Dung trong các tác phẩm võ học của ông, đã diễn tả Chu Chỉ Nhược, người luyện tập Cửu Âm chân kinh, có hơi thở dài, nhẹ và sâu, còn Trương Vô Kỵ, người có võ công cao siêu, hơi thở như đoạn như tục rất khó phân biệt. Các hành giả Yoga tài giỏi có thể nín thở vài giờ, thậm chí còn cho phép chôn dưới đất, tháng sau đào lên sống lại. Những thiền sư Tây Tạng khi tập luyện khai mở những quyền lực thần bí của con người, đã dùng một phép thở đặc biệt phối hợp với những vận động bí truyền của hai ngón tay cái.

Bằng cách hô hấp theo ý chí, người tập luyện thành thạo có thể làm giảm huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt trong vài phút, khả năng chịu đựng chống lại bệnh tật cũng tăng cường, chịu nóng bức và giá lạnh giỏi hơn người thường, ăn ít ngủ ít khi cần mà không ảnh hưởng sức khoẻ. Rõ ràng chỉ bằng cách tập thở theo ý chí, con người có thể tác động đến hệ thần kinh thực vật của mình theo hướng có lợi cho thân xác và tinh thần, và với những nỗ lực luyện tập cho đến khi mọi việc theo ý mà đi, việc can thiệp đến hệ thần kinh vô thức là điều khả thi.

Ðếm hơi thở được xem như một biện pháp tập trung tư tưởng, không nghĩ đến điều gì khác. Hành giả ngồi tĩnh toạ kiểu hoa sen như bức tượng Phật (tư thế được xem như thuận lợi nhất trong việc hành pháp, mọi tư thế khác đều có thể sử dụng như đi đứng nằm ngồi, nhưng khi đã quen việc cũng tự nhiên trở về tư thế hoa sen), đếm từng hơi thở của mình. Thở cần bình thường, nhẹ, dài, sâu, đều đặn, không gắng sức. Ðiều muốn đạt được là một sự ngưng lại của ý nghĩ, đầu óc trống trơn, nhưng điều đó không dễ làm, nên bước ban đầu phải tập trung tư tưởng vào việc đếm hơi thở.

Trong thời gian đầu, tư tưởng rối loạn khó tập trung, dẫu là đếm hơi thở. Nhưng sau một thời gian tập, hành giả sẽ quen dần, rồi sẽ không còn phải đếm nữa, hơi thở tự nó liên tục vận hành chậm dần, thân nhiệt và nhịp tim giảm xuống, ý thức ngừng lại mà không phải ngủ. Tình trạng này khi đạt được, hành giả sẽ cảm nhận được sự thay đổi cả về sức khỏe lẫn tâm hồn của mình, những chứng nghiệm nội tâm mà có làm mới biết. Khó khăn của các hành giả trẻ tuổi là không ngồi yên lâu, tuổi trẻ thích máy động, nhưng đối với những thanh niên đang cai nghiện, việc ngày ngồi thiền 30 phút đến 1 giờ sẽ đem lại những kết quả bất ngờ. Một khi trở về hội nhập xã hội, hành giả đã có một kinh nghiệm nội tâm phong phú, một sự thấu hiểu chính mình, có sự thay đổi tận cội rễ con người, Ma Túy sẽ chỉ là kỷ niệm những ngày lầm lạc xưa cũ mà thôi.

Việc tẩy rửa tâm trí là điều khó khăn, nhưng trong Thiền, điều hành giả sẽ đạt được là một tâm trí thinh lặng, trống không. Chỉ có một tâm trí trống không mới dễ dàng nhận thức, vì tâm trí ấy không bị ràng buộc bởi gánh nặng quá khứ, những thói quen chết người, những thiên kiến và lý giải sai lầm khi đam mê Ma Túy. Trí tuệ hành giả sẽ minh mẫn khi nhận thức về chính mình, về cuộc sống, sẽ thuận lợi khi học tập cũng như làm việc. Tất cả những sở đắc ấy, chỉ nhờ thực hành một biện pháp đơn giản: hô hấp theo ý chí.

 

3. Hô Hấp Của Ðạo Gia

Trong khi Phật gia dùng hô hấp theo tự nhiên, nghĩa là phình bụng ra khi hít vào và thót bụng lại khi thở ra, thì cách thở của đạo gia nghịch lại, khi hít vào thót bụng, khi thở ra phình bụng. Ðể phình bụng hay thót bụng, hành giả đều phải thở sâu. Cách thở của đạo gia phải tập luyện vất vả hơn, do mục đích sống của Phật gia với Ðạo gia có khác nhau. Nếu như Phật gia coi trọng việc tri nhận bản thân, lấy sự giác ngộ mà đạt đạo, thì Ðạo gia coi trọng việc bảo tồn sinh khí, muốn sống lâu khỏe mạnh và phát triển được những tiềm năng ẩn dấu trong cơ thể làm mục đích rèn luyện.

Hành giả cũng ngồi theo thế hoa sen, hít vào từ từ bằng mũi đồng thời thót bụng vào. Khi phổi đầy hơi, từ từ thở ra đồng thời đẩy bụng dưới ra. Khi mới tập sẽ khó khăn với cách thở ngược này, nhưng khi thuần thuộc, hành giả sẽ có cơ bụng rất rắn chắc. Từng hơi thở này tiếp tục hơi thở kia không gián đoạn. Hành giả dùng tư tưởng đưa hơi thở mình từ mũi xuống bụng dưới (đan điền), xuống háng đi qua hậu môn, đến đầu xương cùng, từ đây dọc theo xương sống ngược lên đỉnh đầu, vòng xuống mũi là hết một vòng, gọi là Tiểu Chu Thiên.

Ban đầu sẽ dùng hai hơi thở để đi một vòng:

- Trước tiên thót bụng lại hít hơi vào, tư tưởng dẫn hơi thở đi từ mũi xuống đan điền.

- Tiếp theo thở ra phình bụng đưa hơi thở xuống háng, đi qua hậu môn đồng thời nhíp hậu môn lại một lần. Từ từ dẫn hơi thở tiếp tục đến đầu xương cùng.

- Tiếp theo là hít vào, tư tưởng dẫn hơi thở ngược lên xương sống, vòng lên đỉnh đầu xuống mũi là hoàn tất vòng tiểu chu thiên.

Sau khi đã tập như vậy thuần thục rồi, hành giả sẽ đi vòng tiểu chu thiên chỉ bằng một hơi thở. Vòng đại chu thiên là dẫn hơi thở của mình đi khắp kinh mạch trong thân thể. Cách luyện tập này khó khăn nhưng có tác dụng tăng cường sinh lực rất mạnh, hành giả sẽ phát triển được những tiềm năng mà người không tập không có được.

Cũng có thể dùng cách hô hấp của Phật gia để dẫn hơi thở đi như trên, kết quả không bằng cách hô hấp nghịch. Trong cuộc sống bình thường của chúng ta, nếu chuyên tâm hô hấp theo ý chí cũng đã là đủ, không cần thiết phải có những quyền năng siêu phàm mới thành đạt nhân cách.

 

4. Ðưa Yếu Tố Tâm Linh Vào Hình Thức Thiền:

Minh Họa Một Buổi Thiền Nhóm Tại Làng Daytop

Trong khoảng hơn 30 năm qua, ngồi thiền càng trở nên thông dụng tại các nước phương Tây khi cuộc sống con người có vấn đề. Các học giả Châu Âu đã giới thiệu biện pháp của phương Ðông này dưới khía cạnh môn Tâm Lý Học hiện đại. Những tác giả như Paramahansa Yogananda (1946), Ram Dass (1970), Alan Watts (1972), Goel (1986)... đã xem thiền như một phương pháp trị liệu quan trọng trong ngành Tâm Lý Học Trực Diện Con Người, nó có khả năng đảo ngược lại những rối loạn sinh học phát sinh từ nguyên nhân tâm lý, cụ thể là những chứng cao huyết áp, rối loạn nhân cách vì nghiện Ma Túy hay nghiện rượu. Biện pháp thiền do những tác giả trên đề nghị là sử dụng yếu tố tâm linh trong khi thiền.

Tâm linh đề cập ở đây có thể là Chúa cho hành giả Thiên Chúa giáo, Phật cho tín đồ Ðức Thích Ca, hay những Biểu Tượng Cao Cả cho những hành giả không theo tôn giáo nào. Sử dụng ám thị hay liên tưởng đến biểu tượng, hội nhập với biểu tượng là phương cách cho người nghiện dùng tâm linh của mình thực hiện quá trình chuyển đổi nhận thức và hành vi.

Do bởi không phải người bệnh nào cũng am hiểu việc cầu nguyện với Thiên Chúa, hay thành thuộc trong quá trình tham thiền, hoặc sử dụng biểu tượng cao cả để thay đổi nội tâm, những buổi thiền nhóm gồm những người cùng chung một niềm tin được tổ chức dưới sự dẫn dắt của nhân viên điều trị, thường là một chuyên viên phân tâm học.

Những người bệnh được cho vào một khung cảnh êm dịu, nhạc nhẹ làm nền âm thanh, mọi bố trí phải làm cho hành giả hoàn toàn thoải mái. Họ có thể ngồi hay nằm tùy theo thói quen nào họ thấy thích hợp. Nhân viên điều trị, bằng giọng nói êm dịu khởi đầu buổi thiền nhóm, kêu gọi mọi người cùng nhau tập trung tư tưởng để tiếp cận biểu tượng cao cả.

Ví dụ có 8 hành giả, nhân viên điều trị sẽ yêu cầu "Chúng ta hãy tưởng tượng có một không gian hình tam giác cho 8 người, chúng ta ngồi ở cạnh đáy, và tại đỉnh trên cao là ánh sáng rực rỡ chói lọi của Thượng Ðế. Hãy thở sâu, hãy thư giãn và chuẩn bị tiếp cận Ðấng Tối Cao".

Từng hành giả một sẽ được khuyến khích phát biểu cảm nhận của mình lúc đó, những lời cầu nguyện, những ước mơ của anh ta và những điều anh ta mong mỏi Ðấng Tối Cao giúp đỡ anh ta trong quá trình hồi phục. Một hành giả có thể gặp khó khăn khi liên tưởng đến biểu tượng, nhân viên điều trị sẽ hướng dẫn anh ta vượt qua những cảm giác trống rỗng trong nội tâm để lấp đầy tâm hồn bằng biểu tượng cao cả.

Hình thức nhân viên điều trị sử dụng tương tự như một buổi thôi miên trong phân tâm học, nhưng có thêm điều là chính ông ta cũng thâm nhập vào biểu tượng trên, chính ông ta cũng là người xin với Ðấng Quyền Lực Tối Cao giúp đỡ mình trong công tác điều trị. Tương tự như một buổi cầu nguyện của những tín đồ Tin Lành, tất cả đều đắm chìm vào ánh sáng của Thượng Ðế. Một vài hành giả sẽ thực sự thâm nhập vào thế giới tâm linh của mình, và có những biểu hiện của sự xuất thần như lắc lư, nói tiếng lạ...

Ðến giai đoạn thư giãn và trở về hiện tại, nhân viên điều trị hướng dẫn mọi người tập trung vào một nơi an toàn của mình, ví dụ như ánh sáng tâm linh, nơi có thể tẩy sạch, thanh lọc những bất toàn để tiến tới vùng đất hoàn toàn yên tâm, hoàn toàn tự tin, hoàn toàn thoải mái. Việc tưởng tượng ra ánh sáng và thở nhẹ, đều đặn, sâu, đồng thời hướng sự tập trung vào những kích thích bên ngoài sẽ đưa dần các hành giả trở về thực tại.

Nhân viên điều trị nhắc nhở mọi người hãy tưởng tượng thêm có một cái cây rất đẹp, uy nghi, bắt rễ rất sâu, và mọi người có thể tựa lưng vào đó, trong vị trí này mọi người cảm nhận sức mạnh của nội tâm, sự kiên nhẫn, tính kiên định và dũng cảm đối mặt với những khó khăn. Cuối cùng, khi các hành giả đã mở mắt ra, mang theo trong tâm hồn cảm nhận hài lòng, thư giãn thân xác cũng như tâm trí, anh ta sẽ trở về nơi ở của mình với niềm thanh thản và một sức sống mới, quyết tâm cao hơn.

Những biện pháp thiền, ám thị biểu tượng cao cả, sổ tức quán hay gọi gì đó không quan trọng về cách đặt tên, nhưng mục đích chính của nhân viên điều trị là nâng đỡ, hổ trợ các thành viên trong Cộng Ðồng Trị Liệu tìm thấy ở chính họ một sức mạnh nội tâm lẫn thân thể để họ vượt qua những trở ngại trong việc không cần tới Ma Túy mà vẫn duy trì được cuộc sống gia đình cùng xã hội. Khó khăn trong việc thực hiện phương pháp là phần lớn những học viên nghiện Ma Túy chưa có nhu cầu và động cơ tìm hiểu nội tâm mình. Họ quan tâm nhiều đến việc chăm sóc bên ngoài hơn là suy tư hướng về bên trong.

Ði xa hơn công việc tham vấn của nhân viên xã hội học, nhân viên điều trị cai nghiện Ma Túy luôn phải can thiệp đến các ngóc ngách tâm lý của người nghiện, tiếp cận họ rất nhiều và hướng họ đến con đường đoạn tuyệt Ma Túy như một nhu cầu sống còn của riêng họ. Ðiều quan trọng hơn tất cả là sự tiến bộ của người nghiện là đối tượng của phương pháp, chính những phương pháp sẽ phải thay đổi, chính những cách tiến hành phương pháp sẽ phải thích ứng cho người nghiện, chứ không phải nhân viên điều trị ấn tượng, chuyên trị một phương pháp, hay nhất định về cách gọi tên như một cố gắng công thức hoá cho hàng triệu người nghiện hiện nay trên toàn thế giới.

 

Bác sĩ Ðỗ Kim Quang

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 21, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries inAsia Home Page