Tái Hòa Nhập Và Chống Tái Nghiện
Prepared for Internet by Vietnamese Missioanries in Asia
I. Vấn Ðề Của Chúng Ta
Cộng Ðồng Trị Liệu nhận định nghiện Ma Túy là hậu quả của những rối loạn có sẵn nơi người sử dụng mà không phải là nguyên nhân của những rối loạn đó. Từ nhận định trên, môi trường điều trị được tổ chức chặt chẽ cho mọi thành viên đều có cơ hội bộc lộ, làm việc, học tập, sửa đổi hành vi. Nhân viên điều trị sẽ giúp đỡ anh ta trong quá trình phục hồi tâm sinh lý, nhận định được những rối loạn của anh ta và có biện pháp đối trị.
Tái hòa nhập do đó là một quá trình chuẩn bị lâu dài, học viên được khám phá nội tâm, phát hiện những yếu tố nguy cơ, và giúp đỡ điều chỉnh những lệch lạc qua nhiều tháng (thậm chí năm) trong Trung Tâm. Những yếu tố bảo vệ anh ta hiển nhiên đã thua cuộc, giờ đây được củng cố. Nhưng cũng chính bởi tính tổ chức cao của môi trường điều trị, việc anh ta được cô lập khỏi môi trường Ma Túy, xa cách người thân cũng như đám bạn nghiện, bị ép buộc điều trị hay tự nguyện điều trị, những điều thành đạt của anh ta nơi đây chưa phải là toàn bộ sự thực con người anh ta.
Ngay cả khi học viên thật thà cộng tác với điều trị, nhận thức cũng như hành vi của anh ta luôn chịu áp lực điều trị mà có những biểu hiện không thực. Ðối với những học viên không thật lòng cai nghiện, những điều chúng ta quán xét được về anh ta còn xa rời sự thật hơn.
Do vậy, lập kế hoạch tái hòa nhập cho một học viên đang còn trong Trung Tâm không những phải có thời gian cho nhân viên điều trị, mà chính học viên còn cần thời gian nhiều hơn để bộc lộ và thích ứng dần với đời sống độc lập không có Ma Túy đưa đường dẫn lối. Từ sự tách biệt với cộng đồng chuyển qua hòa nhập cộng đồng, người nghiện sẽ phải đối diện với tất cả những nguy cơ, những nguyên nhân gây ra rối loạn nội tâm anh ta, tình trạng tự do của anh ta, tất cả làm anh ta dễ tái nghiện khi những nguyên nhân trên chưa được giải quyết. Những thủ đắc của anh ta trong Trung Tâm nhanh chóng đi vào dĩ vãng, và anh ta sẽ cai nghiện lần nữa trong sự thất vọng của những người thân cũng như xã hội.
Nhân viên điều trị sẽ thiếu sót nếu trả một người nghiện về lại cộng đồng mà chưa thấu đáo những rối loạn nội tâm của họ, những yếu tố nguy cơ đưa họ đến Ma Túy. Trên thực tế, hầu hết các học viên đều áp lực gia đình để bỏ dở điều trị, và nhiều gia đình đã làm gián đoạn kế hoạch điều trị.
Xã hội chúng ta đang chuyển mình theo hướng công nghiệp hiện đại hóa, nhiều giá trị truyền thống văn hóa đang chịu thử thách. Tuổi trẻ ngày nay có quyền nhiều hơn, ý kiến với cha mẹ nhiều hơn, và sự việc sẽ tai hại nếu anh ta đang nghiện Ma Túy. Anh ta vẫn luôn cho mình có đủ khả năng bỏ Ma Túy trước khi hoàn toàn đầu hàng trong tình trạng khó cứu vãn vì những tổn thương tâm trí, hay những bệnh như HIV / AIDS, Viêm gan, Bệnh đường tình dục...
Những Khó Khăn Hiện Nay Có Thể Tóm Tắt Như Sau:
1. Không đủ thời gian cho cả nhân viên lẫn học viên.
Nhân viên điều trị chưa vẽ xong bức chân dung nghiện và trước nghiện cho học viên, chưa thấu đáo hết học viên có những rối loạn gì, những yếu tố nguy cơ đang chiếm lĩnh cũng như những nhân tố bảo vệ đang thua cuộc nơi anh ta;
Học viên chưa nhận thức được nhiều, dấu diếm về mình, ngụy trang dưới vẻ tự nguyện cai hoặc công khai chống đối, chưa có thì giờ suy nghĩ và ôn lại quá trình dĩ vãng tha hóa của mình, thực sự chưa có nhu cầu điều trị ngoài nỗi nhớ Ma Túy, nhớ những tiện nghi thoải mái hưởng thụ của mình bên ngoài, đòi bỏ điều trị hay đối phó để được công nhận tiến bộ.
2. Kết hợp gia đình và Trung Tâm chưa đúng mức.
Nhiều gia đình có phản ứng tiêu cực trước thực trạng của con mình, trình bày sự việc khác đi. Cũng có gia đình quan niệm Trung Tâm như một nơi giữ trẻ, đem đến gởi mà không kết hợp gì; cũng có gia đình đồng ý cho con bỏ dở điều trị từ giai đoạn sớm, cho rằng đã đủ;
Về phía Trung Tâm, nhân lực còn khó khăn, nhân viên phải đa dạng trong nhiều lĩnh vực điều trị khác nhau, dẫn đến tình trạng học viên được học phương diện này, thiếu phương diện kia, làm cho chương trình điều trị sẽ thiên về lĩnh vực nhân viên ngành nghề đông, ví dụ tham vấn, trong khi điều trị cai nghiện-phục hồi đòi hỏi nhiều ngành nghề phối hợp.
3. Chưa kết hợp Gia đình-Trung Tâm-Ðịa phương, điều này làm cho Trung Tâm phải chia xẻ nhân viên ra nhiều nơi công tác, kết quả công việc không cao khi nhân viên Trung Tâm trở về.
4. Sau cùng là những rối loạn của bản thân học viên, anh ta ít quan tâm đến vấn đề của mình ngoài việc mong muốn duy trì tình trạng nghiện; hoặc anh ta có thể nghiện đã 5 năm nhưng gia đình mới phát hiện chỉ 1 năm, đưa đến tình trạng ngộ nhận mất tin tưởng vào gia đình; hoặc xem gia đình như một môi trường cho mình lộng hành, khuynh đảo, khi anh ta từ Trung Tâm trở về sẽ rất khó quản lý.
II. Nhiệm Vụ Của Chúng Ta Trong Giai Ðoạn Chuẩn Bị Tái Hội Nhập
Có một minh họa chính xác (Mahler, chuyên viên Daytop): nhiệm vụ của chúng ta cho một học viên từ khi bắt đầu gia nhập Trung Tâm cho đến khi trở về tái hội nhập cộng đồng cũng như một người mẹ săn sóc con mình trong 2 năm đầu tiên:
Với trẻ em: Sơ sinh 6 tháng 24 tháng
Với người nghiện: Tự kỷ Cộng sinh Tách biệt
Tham Gia Thành Viên Tái Hội Nhập
Từ tình trạng tự kỷ, sống co rút trong cảm giác Ma Túy, người nghiện gia nhập cộng đồng trị liệu, cuộc sống anh ta trở nên cộng sinh, được điều trị những rối loạn nội tâm, sửa đổi những hành vi, học tập những kỹ năng xã hội hóa để có khả năng sống tách biệt, như một chủ thể khỏe mạnh không bệnh tật trong xã hội. Những nhiệm vụ liên quan đến từng giai đoạn của Cộng Ðồng Trị Liệu rất giống với giai đoạn hai năm đầu của cuộc sống.
Chúng ta cân nhắc, xem xét những khía cạnh sau:
1. Thời gian điều trị phải đủ dài. Cũng như em bé phải đủ thời gian để lớn, người nghiện cần được điều trị đủ lâu để có nhiều cơ hội thử thách, bộc lộ, rút kinh nghiệm sửa đổi tâm lý và ý thức về nhân cách;
2. Hoạt động trong cộng đồng trị liệu: phải đạt được những tiến bộ về lao động như siêng năng không dựa dẫm hay ỷ lại, làm đại bàng ức hiếp người khác;
3. Tiếp thu nhận thức về cuộc sống, về gia đình, xã hội và bản thân mình qua thảo luận, sinh hoạt nhóm, bài viết thu hoạch và ứng dụng trong kỹ năng sống hàng ngày, qua những lần gặp gỡ gia đình, cách đối xử với mọi nhân viên Trung Tâm;
4. Sức khỏe phải tốt. Nếu đã bị nhiễm HIV, kế hoạch tái hội nhập sẽ tiến hành sang một phương hướng khác;
5. Nhà cửa, nơi cư trú: học viên không còn chỗ nào nương náu, kế hoạch tái hội nhập sẽ khác;
6. Tình trạng nghề nghiệp: một học viên không có nghề thì chưa tái hội nhập được, hoặc nếu anh ta không có ai giúp đỡ để có cuộc sống, sự rảnh rỗi sẽ dẫn đến tái nghiện.
7. Quan hệ với gia đình: hầu hết giữa người nghiện và gia đình có mâu thuẫn, bất hòa lớn trong thời gian anh ta suy sụp nhân cách. Tình trạng này còn tiếp tục kéo dài sau khi anh ta từ Trung Tâm trở về. Người nghiện hứa hẹn nhiều với gia đình nhưng không thực hiện được, hoặc gia đình giận người nghiện khuynh đảo, phá hoại nhiều mặt. Ðối với người nghiện khi từ Trung Tâm trở về có khi oán trách gia đình nhiều khía cạnh. Nếu quan hệ giữa gia đình và người nghiện chưa cải thiện, anh ta cũng chưa tái hội nhập được. Nhân viên Trung Tâm phải hòa giải thành công người nghiện với gia đình trước khi anh ta trở về.
8. Ước mơ của người nghiện khi trở về là một yếu tố quan trọng. Anh ta phải biết mình muốn gì khi tái hội nhập, và những điều anh ta phải làm để phấn đấu cho đạt ước mơ đó. Chúng ta đã thấy nhiều thanh niên đi cai được 3 tháng đòi về, mong muốn đi nghỉ ngơi một nơi nào đó xa xôi một thời gian, khi trở về cha mẹ nhờ Công an áp giải đến Trung Tâm cai tiếp. Nhân viên điều trị luôn cảnh giác với những học viên sau khi điều trị có ý đi nghỉ ở vùng quê thay vì hăm hở lăn xả vào cuộc sống, ra sức làm việc để lấy lại thời gian đã phung phí, chuộc lỗi với gia đình.
III. Chăm Sóc Sau Cai Và Phòng Ngừa Tái Nghiện
Chúng ta không thể phòng ngừa tái nghiện cho một học viên bỏ dở điều trị, hoặc gia đình đưa anh ta về, đơn phương phá vỡ hợp đồng điều trị, bởi vì anh ta sẽ tái nghiện. Chúng ta cũng không thể chăm sóc sau cai cho một học viên chống đối trong suốt quá trình trị liệu nhưng được trở về vì thời gian nội trú vượt quá mức qui định: anh ta không muốn từ bỏ Ma Túy và cũng không hợp tác với chúng ta. Việc chăm sóc sau cai và phòng chống tái nghiện chỉ có ý nghĩa và kết quả đối với những học viên hợp tác điều trị và đi hết quá trình học tập.
Tái sử dụng là một phần trong quá trình bình phục, thậm chí có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong thời gian điều trị hay trong thời điểm tái hội nhập dưới hình thức sa ngã. Cộng Ðồng Trị Liệu nhận định nghiện Ma Túy là một bệnh mạn tính có đặc điểm hay tái phát, việc chữa lành bệnh phải kiên nhẫn và có kế hoạch phòng ngừa. Từ sa ngã đến tái nghiện là một tiến trình tâm lý kéo dài, không phải là một sự kiện đơn lẻ. Tái nghiện sẽ là một hành động đơn lẻ khi học viên không muốn cai, anh ta đã trở về nhà sau thời gian núp trong cộng đồng, đánh lừa được các nhân viên điều trị đa đoan công việc. Anh ta không sa ngã mà tái nghiện ngay, trong anh ta không có tiến trình nội tâm chi cả.
Tuy tiến trình nội tâm xảy ra kín đáo, nó vẫn được xác định qua những hành vi. Việc sa ngã thường xảy ra sau một thời gian trở về. Hoặc học viên hút, hay chích trở lại với liều lượng ít hơn trước do thèm nhớ cảm giác Ma Túy. Nhưng sau đó nội tâm anh ta đấu tranh để chừa bỏ. Một số học viên quay qua uống rượu để tìm cảm giác say rượu tráo đổi với cảm giác Ma Túy cũ, một số cố gắng làm việc tìm quên trong nhiệm vụ và bổn phận, nhưng một số khác sẽ có những biểu hiện tiêu cực trong sinh hoạt, trong cách cư xử trước khi tái nghiện.
Sa ngã như vậy chưa phải là tái nghiện. Nó sẽ qua đi và kết thúc nếu học viên được sự chăm sóc sau cai tốt, nhưng ngược lại anh ta sẽ thay đổi hành vi, và thường lúc này tái nghiện đã khởi đầu. Sa ngã thường là dấu hiệu phản ứng của cơ thể do lệ thuộc tâm lý lâu dài bởi Ma Túy. Uống rượu là một cách sa ngã trước khi tái nghiện, nhưng cũng có nhiều người tái sử dụng Ma Túy một cách không liên tục, liều lượng ít mỗi khi cơ hội cho phép, mức độ nghiện không nặng như thời kỳ tiền điều trị. Những người này thường có công ăn việc làm ổn định, không muốn mất việc do Ma Túy.
Nguyên nhân tái nghiện như đã nêu trên - những rối loạn bản thân người nghiện - chưa được giải quyết rốt ráo. Những khó khăn khách quan cũng như chủ quan làm cho việc tổng kết những lý do nghiện và tái nghiện khó khăn. Những yếu tố sau đây được xem như liên can rất mật thiết đến việc tái sử dụng Ma Túy sau khi cai:
1. Mức độ tổn thương cơ thể sau thời gian sử dụng Ma Túy tỷ lệ thuận với số trường hợp tái nghiện. Trái với thông thường chúng ta nghĩ, là sợ bệnh trở nặng mà bỏ Ma Túy, bệnh xảy ra càng nặng vì Ma Túy, người nghiện càng có khuynh hướng tái sử dụng.
2. Sự tổn thương về tâm trí sau thời gian sử dụng. Người tổn thương tâm trí vì Ma Túy không còn nhận thức được những hậu quả bệnh tật trên tâm trí do sử dụng Ma Túy;
3. Thời gian điều trị và biện pháp điều trị: những thống kê đã chỉ cho thấy rằng thời gian nghiện càng lâu, thời gian điều trị cũng phải đủ dài thì mới có thể giảm tỷ lệ tái nghiện;
4. Tội phạm chưa được giải quyết: một số người nghiện va vấp với luật pháp. Anh ta có thể phạm tội trước khi cai nhưng chưa được phát hiện. Tình trạng âu lo dễ làm anh ta tái sử dụng.
5. Thiếu sự giúp đỡ của gia đình và của những tổ chức đồng đẳng tự nguyện. Trong khía cạnh này, sự tái nghiện thường hay được qui trách cho gia đình thiếu lòng tin hoặc không tạo điều kiện sinh sống (chẳng hạn giúp tiền vốn, mua xe...). Ðây là những khó khăn mà người cai trở về hay gặp phải, họ không có đủ phương tiện để tái tạo cuộc sống, hoặc có cảm giác cô đơn, mặc cảm giữa đời thường.
6. Những tình trạng nội tâm không bình thường:
- Cảm xúc tiêu cực là điều thường xảy ra nhất. Người đi cai về thấy đời không có gì vui, cảm giác trống vắng vô vị, cuộc sống không có ý nghĩa, làm điều gì cũng sợ thất bại, lại thêm khó khăn nhiều mặt trong thực tế. Một tình trạng cảm xúc như vậy sẽ là tiền đề cho việc sa ngã rồi tái sử dụng;
- Cảm xúc hưng phấn quá mức độ kiểm soát khi tiếp xúc với người khác cũng là một tiền đề khiến cho người đi cai về tái sử dụng vài lần trước khi tái nghiện thật sự. Người đi cai về (và luôn cả người đang nghiện) đã tỏ ra không hiểu được sức mạnh lôi kéo của Ma Túy, họ dễ dàng tái nghiện chỉ vì vui quá trong ý nghĩ dùng lại vài lần chắc không sao;
- Không an tâm, luôn có đấu tranh giữa bỏ và tái sử dụng. Tình trạng đấu tranh nếu có thêm sự tồn tại của các dấu hiệu đáng lo trong cuộc sống, tình cảm... như cha mẹ không thông cảm tha thứ, hôn nhân tan vỡ, thiếu hụt về khả năng nghề nghiệp, thất nghiệp, thường chấm dứt với việc tái sử dụng. Ðây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, một thách thức cho chương trình chăm sóc sau cai.
- Sự thôi thúc đòi hỏi Ma Túy và tiếp xúc với những điều kiện cám dỗ là những yếu tố dễ đưa đến tái nghiện. Ðể vượt qua cảm giác thèm Ma Túy khi gặp khung cảnh cám dỗ cũ, nghị lực cần phải cao. Ý chí và nghị lực người nghiện sẽ được học tập trở lại trong kế hoạch điềĝu trị tại Trung Tâm. Thời gian học tập đủ dài, biện pháp điều trị đúng, cảm giác thôi thúc đòi hỏi Ma Túy càng nhạt đi. Ðiều này cũng đúng trong ý nghĩa ngược lại, thời gian học tập càng dài, biện pháp điều trị không thích hợp, cảm giác thèm thuốc càng mạnh mẽ, học viên tốt nghiệp Trung Tâm ra về sa ngã ngay sau khi gặp lại bạn nghiện cũ.
7. Việc sử dụng những thuốc gây ngủ, hay rượu sau khi cai về được xem như điều báo trước hành vi tái nghiện. Thuốc gây ngủ hay rượu tạo cảm giác gợi nhớ cảm giác Ma Túy.
8. Áp lực của phe nhóm xã hội. Một số người nghiện gia nhập tổ chức phạm pháp để có phương tiện nghiện, hoặc phe nhóm có chủ trương dùng Ma Túy khống chế người. Những người này khó bỏ được Ma Túy khi chưa có kế hoạch làm lại cuộc sống mới;
9. Những sai sót của nhân viên chăm sóc sau cai:
- Thời gian chăm sóc sau cai quá dài, hoặc không tương hợp về tình cảm giữa người được chăm sóc với nhân viên chăm sóc, hoặc luôn thay đổi nhân viên chăm sóc;
- Kế hoạch chăm sóc không phù hợp, hoặc không khả thi, nghiêm khắc hoặc lơi lỏng quá;
- Thái độ tiêu cực của nhân viên chăm sóc, hoặc ông ta không gần gủi đủ nhiều để kịp phát hiện những biểu hiện hành vi trước khi tái nghiện.
Việc điều trị-phục hồi người nghiện Ma Túy theo phương pháp Cộng Ðồng Trị Liệu hiển nhiên đòi hỏi cố gắng lớn lao, đức tính kiên nhẫn của nhân viên điều trị. Việc tiếp cận người nghiện hàng ngày, hàng giờ là phương tiện giúp hiểu biết họ như một người đang cần chữa trị và chữa trị những khía cạnh nào. Những thống kê cho biết hiện nay số bệnh nhân được cai Ma Túy theo phương pháp Cộng Ðồng Trị Liệu tại Mỹ là 20% so với phương pháp điều trị thay thế Méthadone 80% các trường hợp. Ðiều này nói lên nỗ lực, sự cống hiến của nhân viên điều trị cho từng cá nhân riêng biệt khác với biện pháp điều trị hàng loạt của phương pháp thay thế Méthadone. Cũng không lạ lùng gì điều này, Cộng Ðồng Trị Liệu có nguồn gốc tôn giáo, những tu sĩ tận hiến cho lý tưởng cứu người.
Bác sĩ Ðỗ Kim Quang
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 20, năm 2001)