Tình Hình nghiện Ma Túy
Và Chất Gây Nghiện
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Tình Hình Chung:
Theo WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới), hiện có 50 triệu người nghiện Ma Túy. Trong đó gồm 6 triệu nghiện Cocaine; 5 triệu nghiện thuốc phiện; 30 triệu chơi Cần Sa; và 9 triệu dùng thuốc ngũ và an thần. Riêng ở Việt Nam, theo Bộ Lao Ðộng Thương Binh Xã Hội, con số là 183.000 người nghiện, gồm các thành phần: 70% ở độ tuổi thanh thiếu niên; 80% nghiện nặng; 85,5% có tiền án, tiền sử. Theo Bộ Giáo Dục Ðào Tạo, tháng 8.1998 có 2.837 học sinh, sinh viên nghiện Ma Túy.
Tại Sài-gòn, 7.1997, số người nghiện công an nắm được là 4.500. Ðến 7.1998, con số tăng lên 10.038, bao gồm 81% ở độ tuổi dưới 30. Thực tế ước tính Sài-gòn có khoảng 20.000 người nghiện.
Tại trung tâm Bình Triệu, 1996 chỉ có vài chục thanh thiếu niên. Ðến 1997, có hơn 1.200 thanh thiếu niên ở độ tuổi dưới 25. Ðến 6 tháng đầu năm 1998 đã có hơn 2.600 thanh thiếu niên, chiếm 72% số người có tiền sử cai nghiện, trong đó có 116 sinh viên. 10 - 20% thanh thiếu niên nghiện chích Heroine có HIV (+) chiếm hơn 3% tổng số thanh thiếu niên cai nghiện. Theo số liệu của công an, 9.1998 thành phố có 632 khu vực liên quan đến mua bán, tổ chức hút chích Ma Túy.
II. Nguồn Gốc Của Ma Túy:
- 4000 năm trước công nguyên, người ta đã biết đến cây Thuốc Phiện (ả phù dung, anh tử túc, á phiện...) hay cây Thẩu (Papaver Somniferum) nhưng mãi đến thế kỷ 17, người Châu Âu mới biết được tác dụng trị bệnh của thuốc phiện (giảm đau, giảm ho, cầm tiêu chảy...)
- 2700 năm trước công nguyên, Cần Sa được mô tả trong "Bản Thảo Cương Mục" của vua Thần Nông (Trung Quốc). Nhưng trước đó, người ta đã dùng làm thuốc hút, hít, uống để có được ảo giác do Cần Sa gây ra. Y học dân gian thì dùng Cần Sa để giảm đau, giảm ho, giảm cơn suyễn, chống co giật. Tây y thì dùng một hoạt chất của Cần Sa là -9 (Tetrahydro Canna Biol = -9 THC) làm thuốc an thần, chống nôn ói cho người bệnh ung thư. Cần Sa (gai dầu, gai mèo, lanh mèo, đại ma, bồ đà): Cannabis Sativa L.
- Từ xa xưa, người dân Nam Mỹ đã nhai lá Coca với vôi để cảm thấy không đói, không mệt. Ngày nay, Tây y dùng Cocaine làm thuốc tê trong tai mũi họng, răng miệng, Cây Coca: Erythroxlon Coca. Cocaine được chiết xuất từ lá Coca vào năm 1855.
- Ðược tổng hợp: Amphetamin (1887); LSD - Acid Lysergic (1938); Pethidine (1939)...
III. Nghiện Là Gì?
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) định nghĩa từ năm 1957, nghiện là: "trạng thái ngộ độc kinh niên hay từng thời kỳ do sử dụng lập đi lập lại một hay nhiều lần một chất tự nhiên hay tổng hợp. Nó làm cho người nghiện ham muốn không tự kiềm chế được mà bằng mọi giá phải tiếp tục sử dụng. Nó gây xu hướng tăng dần liều lượng, gây ra sự lệ thuộc về tâm lý và thường thường cả thể chất và có hại cho chính người nghiện và xã hội".
IV. Ma Túy Và Chất Gây Nghiện:
Từ Hán Việt: "Ma" là làm cho tê liệt. "Tuý" là làm cho say sưa. Chất gây nghiện có tác hại nghiêm trọng nhất là gây lệ thuộc cả tâm lý và thể chất.
A. Ma Túy:
1. Thuốc phiện:
Nhựa lấy từ quả cây thuốc phiện. Thuốc phiện sống là nhựa được phơi khô, đóng gói. Thuốc phiện chín là khi dùng nước nóng để chiết xuất thuốc phiện sống, lọc lấy dịch lọc, nấu sôi cho cô đặc lại. Sái thuốc phiện là tàn còn sót lại sau hút. Người nghiện pha vào nước nấu sôi lên để chích. Trên Thị trường, thuốc phiện được đóng gói, bánh màu nâu đen cánh gián hoặc dạng nước, vô bao ny long. Ống hút sử dụng: hút tẩu, chích, nuốt, uống (thầu).
2. Morphine:
Ðây là hoạt chất chính của thuốc phiện. Dạng bột: kết tinh màu trắng, không mùi, vị đắng và chua dể chuyển màu xám dưới ánh sáng và không khí. Dạng nước: không màu, có mùi khai của Amoniac. Dạng viên: Morphine Sulfate (Moscontine) thực chất là thuốc tây trị đau ở người bệnh ung thư, còn để điều chế Apo Morphine gây nôn ói khi ngộ độc. Một tấn thuốc phiện chín có thể điều chế được 50 -70 kg Morphine.
3. Heroine:
Còn gọi là hàng trắng, bạch phiến, xì ke (Scag) được tổng hợp từ Morphine. Heroine có dạng bột trắng, dễ hút nước, được gói trong giấy bạc thành viên nhỏ, vô túi nylon nhỏ thành tép hàn kín. Heroine được sử dụng: hút (trộn với thuốc lá), hoặc hít (để lên tờ giấy bạc, hơ lửa cho Heroine bốc khói và hít khói; nặng hơn thì không cần hơ mà hít thẳng vào mũi); hoặc chích: pha vào nước chích vào tĩnh mạch hay động mạch. Sau thời gian hút thường người nghiện đổi sang chích để "phê" hơn và thơm mùi nhãn ở miệng và mũi.
4. Cocaine:
Ðây là hoạt chất trích từ lá cây Coca dạng bột trắng, tơi xốp như bông tuyết, mượt mà; tinh thể nhỏ, sáng bóng, kết thành khối cuội nhỏ. Còn được gọi là Crack, Ice, hay "Morphine nhận tạo". Cocaine có tác dụng giống Morphine nhưng không chế biến từ cây thuốc phiện, mà được tổng hợp thành Pethidine (meperidine, Dolosal, Dolargan...) có tác dụng giảm đau, chống co giật, êm dịu thần kinh như các loại Demerol, Methadone...
B. Các Chất Gây Sơ Giác:
Cần Sa (Bồ Ðà - Cannabis) chia làm 2 loại: Marijuana, Kif, Bham; và Hashish. Cần Sa giống sợi thuốc lá, màu nâu đen, được vấn thành điếu như điếu thuốc nhưng bẻ cong đầu hoặc gói vào giấy thành từng gói. Lá Cần Sa có mùi tanh, khó ngửi, khói mùi khét.
LSD (LSD 25 = d - Lysergic acid Diethylamid) chất lỏng không màu, không mùi hoặc dạng viên nhỏ tinh thể hình khối có nhiều màu, dạng bột tẩm vào lưỡi.
C. Các Chất Kích Thích Hệ Thần Kinh:
Amphetamine có dạng viên, bột, hoặc nước. Thường được sử dụng phối hợp với thuốc ngủ và Ma Túy dể vừa tăng cảm giác, vừa tỉnh táo và kéo dài thời gian phê. Người nghiện thường hư hết răng.
Ecstasy (Methylenene Dioxy Methamphetamine) làm tăng cảm giác, nhanh nhẹn, không thèm ăn, không buồn ngủ, từ đó có những hoang tưởng, ảo ảnh, co giật.
D. Các Chất Ức chế hệ Thần Kinh:
Có các loại Seconal (Xí-cọt), Immenoctal (I-mê), Binoctal, Diazepam (Valium, Seduxen) có nhiều dạng: viên nén, con nhộng, ống nước, dùng để uống hoặc chích.
V. Nguyên Nhân Nghiện:
Có thể chia thành 2 nguyên nhân chính:
- Do bản thân ham vui, thích tò mò tìm tòi, khám phá từ sự khích bác của bạn bè.
- Môi trường giáo dục có vấn đề, bị hụt hẫng, thiếu sự quan tâm của cha me và gia đình.
VI. Cách Phát Hiện người Nghiện Ma Túy:
1. Miệng, gáy tóc, cổ áo có mùi khét rất khó ngửi, mắt thường xuyên đỏ.
2. Thường vắng mặt những giờ cố định, bất kể công việc đang làm hay sự cản ngăn của bất cứ ai.
3. Vào nhà vệ sinh lâu do táo bón, tiểu gắt.
4. Tụ tập, đàn đúm với những người có đời sống sinh hoạt buông thả.
5. Khả năng học tập và làm việc sa sút thấy rõ, nhu cầu tiêu xài tăng lên.
6. Tâm tính thay đổi: ít tiếp xúc với người trong nhà, dễ cáu gắt, hung hãn, có lúc nói nhiều, vui vẻ quá mức, có lúc tìm một góc riêng yên tĩnh, không muốn ai quấy rầy.
7. Buổi sáng thường dậy trễ do thường thức đêm, mà không phải là vì bận học hay công việc.
Hội chứng say thuốc (phê, phi) sau nhiều lần sử dụng Ma Túy: người lâng lâng, say say, không còn lo lắng, buồn rầu, tai nghe rõ hơn, mắt nhìn mọi vật tinh tường hơn, hưng phấn, giàu tưởng tượng. Người nghiện Cần Sa: Mắt đỏ, da mặt đỏ. Thích nhạc mạnh, cực kỳ hưng phấn, có thể đi đến việc hủy hoại thân thể. Người nghiện thuốc ngủ - an thần: Thích xúc giác mạnh, dễ đánh nhau, huỷ hoại thân thể. Mắt đỏ, da mặt đỏ. Uống nước nhiều. Người nghiện Heroine: Thích yên tĩnh. Nói huyên thuyên, lộn xộn. Có cảm giác như hàng trăm mũi kim châm nhẹ da thịt, ngứa toàn thân. Xuất hiện cố tật như nhổ râu, cắn móng tay...
Hội chứng cai nghiện (vật vã): Khi ngưng sử dụng Ma Túy thì buồn bực khó chịu, ngáp, chảy nước mắt, nước mũi, nước miếng, xuất mồ hôi, ớn lạnh, nổi da gà khi có gió nhẹ, mất ngủ, bứt rứt, không sao nằm yên được. Ðến giờ 36-48: có cảm giác hàng trăm ngàn con kiến, con dời bò trong xương, chân tay mình mẩy đau nhức, khát nhưng uống nhiều thì lại ói ra hết, chán ăn, đồng tử mắt nở lớn. Ðến ngày thứ 3: (tính từ cữ chót) Cơn vật vã lên cao nhất, đau bụng, tiêu chảy, xuất tinh ở nam giới, Orgasme (cực khoái) ở nữ giới, tim đập nhanh, áp huyết cao. Một số nhức đầu, xuất huyết và hôn mê. Ba ngày đầu vật vã gần như liên tục. Sau đó thành từng cơn, khoảng cách giữa hai cơn xa dần. Sau 7 - 10 ngày thì hết vật vã. Nghiện càng lâu thì cơn vật vã có thể kéo dài đến 15 ngày, sau đó mất ngủ, đau lưng nhức mỏi. Ðể thắng cơn vật vã thì người nghiện càng hoang mang, bồn chồn, sợ hãi, tìm đủ mọi cách để có Ma Túy.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần phải đi xét nghiệm nước tiểu.
Phân tích mức độ nghiện bằng bảng trắc nghiệm Himmelsbi như sau:
01. Mệt mỏi rã rời (1đ)
02. Ngáp chảy nước mắt (1đ)
03. Chảy nước mũi (1đ)
04. Xuất mồ hôi (1đ)
05. Tiêu chảy (2đ)
06. Ðau lưng (1đ)
07. Nhức xương (1đ)
08. Nổi da gà (2đ)
09. Nở đồng tử (3đ)
10. Nóng ngực, khô cổ (1đ)
11. Mất ngủ (2đ)
12. Nhức đầu (2đ)
13. Co giật, ói mửa (3đ)
14. Hôn mê (3đ)
15. Tăng huyết áp (3đ)
16. Xuất huyết (3đ)
Tổng hợp lại, nếu được dưới (10đ): nghiện nhẹ. Nếu (10đ): nghiện trung bình. Nếu (20đ): nghiện nặng.
VII. Tác Hại Của ma Túy:
Ðối với cá nhân, về sức khoẻ, tinh thần luôn căng thẳng đối phó với Ma Túy. Trung bình tác dụng của cữ sử dụng Ma Túy là 3 giờ, thời gian bán huỷ vài giờ nên cơ thể đòi hỏi tiếp tục sử dụng. Thần kinh luông căng thẳng, giấc ngủ hay giật mình, rối loạn tâm thần, rối loạn hô hấp, tim mạch, chết đột ngột do quá liều.
Khi mới nghiện, tình dục bị kích thích nên sẽ có quan hệ buông thả. Khi nghiện đã lâu sẽ xảy ra tình trạng bất lực ở nam, còn nữ thì rối loạn kinh nguyệt, hư thai, sanh non, sanh con nghiện bẩm sinh.
Nghiện chích thì sẽ tiêm chích chung kim ống không khử trùng, đưa tới việc bị nhiễm trùng: viêm gan siêu vi, sốt rét, tắc tĩnh mạch, HIV - AIDS...
Năng lực học tập, làm việc sa sút. Nhân cách thay đổi, trở nên nhu nhược, yếu đuối, ý chí suy sụp, nghị lực kém. Khi no thuốc, dành tất cả thời gian để tận hưởng; người lớn tuổi tìm chỗ yên tĩnh nằm, người trẻ tuổi dễ bị kích động, lao vào những cuộc chơi nguy hiểm, đốt da tay, rạch tay chân, gây sự đánh nhau, đua xe... Khi đói thuốc, sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả tội ác như buôn bán Ma Túy, trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, mại dâm.
Ðối với gia đình, sẽ gây ra tình trạng xào xáo, hạnh phúc tan vỡ, ly tán đi đến tán gia bại sản.
Ðối với xã hội, hàng trăm tỷ đồng cho Ma Túy, cho cai Ma Túy. Riêng cai Ma Túy năm 1996 đã ngốn hết 20 tỷ. An ninh trật tự bất ổn, tội phạm gia tăng. Hư hỏng nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng...
Tác hại của một số loại thường gặp:
- Thuốc phiện: bệnh truyền nhiễm, suy giảm miễn dịch.
- Morphine: rối loạn tâm thần, suy giảm miễn dịch, ức chế hô hấp khi quá liều, dễ suy tim, trụy mạch.
- Cần Sa: kích thích, phát triển cảm giác đau đầu, hoài nghi, hoảng hốt, ảo giác, thiếu máu cơ tim, xơ gan, liệt dương, vô sinh, sanh non (25%).
- Cocaine: ảo giác, hoang tưởng, bị hại.
- Heroine: do nồng độ gấp 10 lần thuốc phiện nên dễ ngộ độc, đột tử, rối loạn tâm thần.
- An thần - thuốc ngủ: rối loạn tâm thần, kích động đánh nhau, hủy hoại thân thể.
VIII. Phòng Ngừa Ma Túy:
- Giáo dục thanh thiếu niên thấy được tác hại vô cùng nguy hiểm của Ma Túy, dạy các em gạt ngay mọi ý tưởng thử sử dụng dù chỉ mới manh nha xuất hiện trong đầu; tránh xa hoàn cảnh nguy cơ và dứt khoát từ chối trước sự rủ rê, mời mọc.
- Cha mẹ gần gũi, quan tâm và giáo dục con cái đúng đắn sao cho con cái tin yêu và sẵn sàng thố lộ tâm sự và bất trắc trong cuộc sống.
- Nhà trường và đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên sống lành mạnh và tạo được mội trường lành mạnh, nhiều sân chơi bổ ích phù hợp tâm lý giới trẻ.
- Phối hợp ban ngành đoàn thể và chính quyền trong hoạt động triệt phá nguồn Ma Túy lưu hành và giáo dục phòng ngừa Ma Túy sâu rộng trong nhân dân.
- Phát hiện sớm người nghiện và cai nghiện ngay.
Ðể cai nghiện, phải tiến hành 2 bước: Cắt cơn và Chống tái nghiện. Nguyên tắc giúp cai nghiện:
- Thay đổi môi trường.
- Cảm hóa bằng tình thương.
- Tin tưởng và tôn trọng bệnh nhân.
- Nâng cao nhận thức và tình cảm bệnh nhân.
- Giáo dục lao động.
IX. Ðiều Trị Cắt Cơn:
Ðối với người nghiện Á phiện, Heroine, Morphine, có 8 phương pháp sau:
1. Phương pháp cai khô (cắt ngang):
Cô lập bệnh nhân, ngưng hoàn toàn sử dụng Ma Túy, cho dùng thuốc trị vật vã, đau nhức:
- Aspirine, Acide Glifanique
- Largactine (Cholor Promazine) 100 - 150 mg/j
- Hoặc Chlordiazepoxide 10mg, 3v/j
- Hoặc Diazepam 5 mg, 3-4 v/j
Cơn nghiện sẽ nguôi dần sau 7 - 10 ngày, nhưng mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức cơ xuơng còn kéo dài hàng tháng.
2. Phương pháp giảm dần:
Giảm liều Ma Túy mỗi ngày một ít trong 15-30 ngày, thế dần bằng thuốc an thần, thuốc bổ.
3. Phương pháp thụy miên:
Ðưa bệnh nhân vào giấc ngủ nhân tạo 3 - 7 ngày bằng thuốc ngủ, nuôi bằng dịch truyền, săn sóc đặc biệt. Phương pháp này để bớt cơn vật vã chứ không hết hẳn. Chlorpromazine 100-200mg/j + Diazepam 10-60mg/j + Phenobarbital 100mg. Cai được từ 7 - 10 ngày.
4. Phương pháp thay thế:
Bằng Methadone để thoát cơn vật vã. N1: 10 - 20 mg x 3 - 4 l/j, rồi giảm liều dần từ 60 - 55 tăng lên 50mg... cho đến N8, N10 thì ngưng.
5. Phương pháp chóng điện:
Gây co giật để làm mất cơn vật vã.
6. Phương pháp phẩu thuật thùy trán:
Phá huỷ một số điểm ở thùy trán não làm bệnh nhân không còn muốn dùng Ma Túy nữa. Phương pháp này có thể khiến cho bệnh nhân hành động không còn biết đúng sai.
7. Phương pháp đối kháng Ma Túy:
Dùng những chất đối kháng Morphine như Cyclazocine, Naloxone, Naltrexone (mạnh gấp 2 so với Naloxone) làm cho bệnh nhân dù có dùng Ma Túy cũng không thấy thích nữa. Thí dụ: Naltrexone 50 - 150 mg/1 lần, mỗi tuần uống 3 lần. Thời hạn tùy từng bệnh nhân.
8. Phương pháp y học cổ truyền:
- Châm cứu: bổ âm hỏa huyệt kinh. Bệnh có thể chấm dứt cơn vật vã trung bình sau 7 phút, hết vật vã sau 1 - 6 ngày, phục hồi sau 5 - 16 ngày.
- Thuốc Nam có tác dụng nhưng không nhanh như châm cứu.
- Tắm mát nhiều lần trong ngày nhằm ức chế phát nhiệt.
- Tập luyện dưỡng sinh để phục hồi tâm thể.
- Tâm lý trị liệu: săn sóc ân cần, dịu dàng an ủi, tạo niềm tin, động viên bệnh nhân cai nghiện.
X. Chống Tái Nghiện:
- Tránh xa môi trường gây nghiện, bạn bè xấu.
- Gia đình và người thân gần gũi, quan tâm người nghiện hơn. Cha mẹ quản lý chặt chẽ giờ giấc, tiền bạc, mối quan hệ và tạo môi trường hoạt động mới cho con cái đã cai nghiện.
- Ban ngành đoàn thể tạo điều kiện cho người cai nghiện tái hòa nhập vào cộng đồng.
Vấn đề là nên cai nghiện tập trung hay tại nhà?
1. Cai nghiện tập trung:
- Cách ly được môi trường gây nghiện.
- Cơ sở áp dụng bộ luật Hình Sự đối với người tái nghiện nhiều lần.
- Hạn chế lây lan.
Tuy nhiên:
- Tạo sự ỷ lại từ bệnh nhân và cộng đồng.
- Không thể giữ mãi họ được.
- Thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng bởi người nghiện nặng.
- Dễ trở nên chai lỳ, liều lĩnh.
2. Cai nghiện tại nhà:
- Do nghiện Ma Túy là vấn đề tế nhị của cá nhân và gia đình.
- Ðỡ tốn kém, không bị ảnh hưởng bởi người nghiện nặng.
- Cảm hóa bệnh nhân tốt hơn để chống tái nghiện.
Tuy nhiên:
- Không áp dụng được cho người chai lỳ, không tự giác.
- Ít kinh nghiệm, thiếu phương pháp.
XI. Các Trung Tâm Cai Nghiện Ma Túy Tại Sàigòn:
1. Trung tâm giáo dục và dạy nghề Bình Triệu:
Ðịa chỉ: 15/11 Quốc Lộ 13, Hiệp Bình Chánh, Thủ Ðức. Ðiện thoại: 8.965.000
Cai nghiện bắt buộc và tự nguyện cai nghiện bắt buộc. Hồ sơ cần có:
- Biên bản vi phạm theo nghị định 19/CP (kiểm điểm giáo dục tại cộng đồng địa phương).
- Lý lịch đối tượng, biên bản đề nghị cưỡng chế cai nghiện tập trung.
Hồ sơ được Chi Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội tiếp nhận và làm thủ tục chuyển sang Ban Tư Vấn Pháp Luật Thành Phố xét và trình Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố ký quyết định.
2. Trung tâm tư vấn và cai ngiện Ma Túy:
Ðịa chỉ: 463 Nơ Trang Long, phường 13, Bình Thạnh. Ðiện thoại: 8.882.601
Cai nghiện tự nguyện cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
3. Viện y học dân tộc:
273 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận. Ðiện thoại: 8.443.047. Dành cho học sinh-sinh viên.
4. Trung tâm giáo dục dạy nghề Nhị Xuân:
Ðịa chỉ: ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn. Ðiện thoại: 8.914.291
5. Trường giáo dục lao động Phú Văn, Bình Phước:
Liên hệ tại: 153 Xô-viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh. ÐT: 8.990.219. Dành cho tự nguyện và bắt buộc.
Theo Bs. Ðoàn Trọng Hiệp
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 7, năm 2001)