Ðức Maria Trong Tân Ước
Tác Giả: Linh Mục Augustin George
Người dịch: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Phần sáu
Các bản Tin Mừng
thời thơ ấu Chúa
Ở phần nầy, tôi xin trình bày về các bản Tin Mừng thời thơ ấu Chúa trong việc khám phá về Ðức Maria. Ðiểm đặc biệt ở đây những bản văn nầy là đợt gần ta nhất của Tân Ước. Lý do chúng ta đã nêu ra trong các phần trước: các Tông Ðồ đã rao giảng những gì họ đã chứng thực, từ ngày Chúa chịu phép rửa đến phục sinh. Ngoài ra, cũng xin lưu ý rằng đây là một định luật của lịch sử: người ta chỉ viết về thời thơ ấu của một nhân vật khi người đó đã có một cuộc đời khá nổi bật. Do đó, truyền thống về thời thơ ấu Chúa cũng được lưu truyền sau các biến cố khác.
Những bản Tin Mừng của Mathêu và Luca, được xếp niên kỷ vào các năm 80, thuật lại những sự kiện mà lúc họ viết thành văn thì không còn có những nhân chứng trực tiếp nữa. Tuy thế ta có thể nghĩ rằng các sự kiện nầy đã lưu truyền trước năm 80, vì những điểm gặp gỡ của Mathêu và Luca chứng minh rằng họ đã lấy lại các tài liệu của một truyền thống có trước khi họ viết vào khoảng các năm 60 tại vùng Palestine. Thật thế, từ năm 66, chiến tranh giữa Palestine và Rôma đã làm cho giáo đoàn Palestine biến tan trong cơn lốc của binh lửa. Nếu có một truyền thống chung ở Palestine về thời thơ ấu Chúa, thì truyền thống đó có trước năm 66. Và muốn truy cứu xem từ đâu có truyền thống đó, thì phải dựa vào một giới duy nhất có thể chuyển lại, một giới rất được Giáo Hội bấy giờ biết đến, đó là những anh em thân thuộc của Chúa Giêsu. Nếu ta có được những bản tường thuật về gia đình Chúa Giêsu và về thời thơ ấu Ngài, thì phải truy tìm từ phía những người nầy.
I. Những Ðiểm Chung Giữa Mathêu Và Luca
Ðiểm đáng lưu ý hơn cả trong các bản văn Tin Mừng về thời thơ ấu Chúa nầy là sự gặp gỡ giữa Mathêu và Luca; vì cả hai đều đã dựa vào những tài liệu của một truyền thống có trước. Và trong truyền thống đó, chúng ta đã thấy có sự xác nhận về trinh thai được diễn tả khác nhau tùy tác giả, nhưng cả hai họ không bày đặt ra nội dung nầy, và đây là một truyền thống lưu truyền ở Palestine.
Mathêu nói thế nầy:
"Ðây là gốc gác của Chúa Giêsu Kitô. Khi mẹ Ngài đã lập gia thất với Giuse, trước khi họ ăn ở với nhau, bà đã thấy mình có thai ở trong bụng do việc làm của Thánh Thần. Giuse chồng bà, là kẻ ngay chính và không muốn giao nộp bà để tố giác, đã quyết định bỏ bà một cách kín đáo. Trong lúc ông còn đang suy tính thì Thiên Thần Chúa hiện ra với ông và nói: Giuse, con Ðavít, đừng ngại lấy Maria làm vợ, thai trong bụng bà ấy là do Thánh Thần. Bà sẽ sinh hạ một con trai, ngươi đặt tên đứa bé là Giêsu, người ấy sẽ cứu dân khỏi tội lỗi. Mọi sự việc ấy xảy ra để hoàn tất điều đã được tiên tri báo trước: một trinh nữ sẽ mang thai và sẽ sinh một con trai, người ta gọi con trẻ là Emmanuel" (Mt, 1, 18-23).
Trong Mathêu cũng như trong Luca, người ta nói rằng Maria đã thụ thai mà còn trinh khiết, và cả hai tác giả đều nói đến sấm ngôn của Isaia. Ðây là một lý chứng thêm vào sau đó vì sấm ngôn của Isaia chỉ nói đến việc thụ thai do người trinh nữ qua hình thức bản văn Hy Lạp. Tiếng Do Thái và Aram nói: "nầy đây một thanh nữ ...". Ý niệm về trinh thai không phải là một ý niệm có trong vùng Palestine, vì ở Palestine chỉ có thừa kế qua người cha, người ta chỉ viết gia phả trong Cựu Ước cho phái nam thôi. Ðối với một người Palestine, sự trinh thai tạo khó khăn cho việc bảo chứng về giòng tộc Ðavít. Ở đây, chúng ta có một chuyện gì xảy ra bất thường, một cái gì có thể gọi là nghịch thường. Ngoài ra, chỉ có những tác giả Hy Lạp về Isaia (7,14) giải thích sự trinh thai. Ðây hẳn là một sự khai triển truyền thống, đào sâu ý nghĩa của mặc khải qua các bản văn Bảy Mươi; dù việc nầy cũng không phải đã không từng xảy ra.
Nói như thế, trước Mathêu và Luca, vào các năm 60 tại Palestine đã có một sự xác quyết về sự trinh thai sinh ra Chúa Giêsu do hành động của Thánh Thần. Trong quan điểm thần học về Maria, việc đó nghĩa là gì? Trước hết, Maria đã có một vai trò duy nhất và độc đáo trong việc sinh ra Chúa Giêsu Kitô; việc đó chứng tỏ Ngài có một tương quan thân mật với Chúa Thánh Thần. Và tôi đi xa hơn nữa: sự trinh thai là một sự kiện chỉ Maria mới có thể hiểu, chỉ có Mẹ mới biết được thực sự nó xảy ra như thế nào. Những kẻ khác chỉ thấy rằng Maria mang thai, và sự giải thích của họ thoạt tiên cũng chỉ là: việc đó do Chúa Thánh Thần.
Nếu ta suy xét về việc nầy (và ở đây tôi không dừng lại trên việc giải thích khoa học nhưng đi đến suy tư trong khuôn khổ đức tin, vì kỳ cùng muốn chấp nhận sự trinh thai, phải có đức tin), ta đặt câu hỏi, sự việc đó có nghĩa gì? Ðó là một dấu chỉ ưu việt đã ban cho Maria. Một trong những luật tổng quát của ý định Thiên Chúa là khi Ngài gọi ai phục dịch Ngài, thì Ngài cho người đó ánh sáng cần thiết để chu toàn sứ mạng. Sứ mạng của Maria là tạo thành Chúa Giêsu, là trách nhiệm phải làm nên đứa trẻ nầy, không phải chỉ trong thân xác, nhưng trong tâm hồn và tính tình nữa: chính Maria sẽ dạy cho Chúa đọc Thánh Kinh, cầu nguyện. Ðể Maria có thể chu toàn phận vụ làm mẹ của mình, bà phải có một dấu chỉ biểu lộ sứ mạng duy nhất của Chúa Giêsu. Ý nghĩa của trinh thai đối với Maria là mặc khải cho bà thấy con mình là "Con Thiên Chúa" trong một ý nghĩa duy nhất, chưa từng nghe nói đến bao giờ.
Ở mức độ nầy của nội dung truyền thống, vào khoảng các năm 60, người ta xem Ðức Maria như là kẻ đã có phép lạ nầy trong đời mình, và còn hơn nữa bà nghe được lời nầy của Chúa mặc khải cho bà về phận vụ riêng của mình. Theo tâm thức của chúng ta, những kẻ tân thời ngày nay, chúng ta ngạc nhiên tại sao sự kiện đó đã không tỏ bày cho mọi người biết cùng một lúc với sứ mạng và thần tính Chúa Giêsu cũng như các mối phúc hoặc Kinh Lạy Cha...
Không phải thế, chúng ta hãy nhận định xem sự thể xảy ra thế nào. Các Tông Ðồ không hề nói đến trinh thai, không nói có, cũng không nói không; và chúng ta thấy được sự kiện đó xuất hiện trong một giới quen biết Maria, ở Palestine.
Một phương cách giải thích xem ra hợp lý, đó là sự tiết lộ do chính Mẹ Maria, chính Ngài đã nói ra điều đó. Nhưng, ở đây cũng thế, chúng ta cũng chỉ đưa ra được giả thiết vậy thôi; dẫu giả thiết đó có thể là thật. Nhưng Maria có thể nói điều đó trước phục sinh không? Chắc chắn là không. Một khi Chúa Giêsu đã được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, như một sự hiện diện cao siêu của mầu nhiệm, thì bấy giờ mới có một khung cảnh đã được chuẩn bị, có đủ đức tin để Maria nói lên biến cố nầy. Thử xem nếu Maria nói với Phêrô hoặc với Gioan trong thời Chúa rao giảng công khai: "Ngài đã được cưu mang bởi người trinh nữ.", thì sự việc sẽ xảy ra làm sao? Hẳn phải là hết sức kỳ quặc đối với họ. Maria đã chỉ có thể nói lên điều nầy trong khuôn khổ của một đức tin vào thần tính của Chúa Giêsu.
Ðiều chúng ta phải nhìn thấy trong tín lý của chúng ta là sự phối hợp nhất quán, cấu trúc toàn bộ của nó. Tất cả những xác quyết của chúng ta về Chúa Giêsu không phải cùng có một tầm quan trọng như nhau. Là Kitô hữu tức là tin rằng Chúa Giêsu là Chúa, Thiên Chúa chúng ta; và sự khai mở thần tính của Ngài là sự phục sinh của chính Ngài. Nhưng khi ta tin vào thần tính của Chúa Giêsu, thì sự trinh thai là một hệ luận, một dấu chỉ, hẳn nhiên là quan trọng, nhưng không thể đặt tất cả trên một bình diện như nhau. Cũng tương tự như thế, tất cả khía cạnh về Maria của tín lý cũng thiết cốt với chúng ta, và chúng ta tin, nhưng dẫu sao thì không quan trọng bằng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ðó chính là lợi ích của việc nghiên cứu lịch sử của mặc khải, nó giúp ta biết điều gì là khẩn thiết hơn cả. Ðó chính là Ðức Giêsu được sống lại. Sự trinh thai và vai trò của Maria đi tiếp theo như những hệ luận.
II. Những Ðiểm Ðặc Biệt Trong Tin Mừng Mathêu
Tôi đã trình bày về sự trinh thai trong các bản Tin Mừng thời thơ ấu Chúa vì điều đó là điều thiết yếu. Bây giờ chúng ta thử xem những điểm đặc biệt của Tin Mừng Mathêu. Bất cứ lần nào tác giả trình bày Maria, tác giả cũng tinh tế chỉ cho ta thấy sự trinh thai: Mathêu không thấy một vai trò nào khác đối với Maria. Nên, khi viết gia phả Chúa Giêsu, Mathêu kết luận (1, 16): "Giacóp sinh ra Giuse, người chồng Maria, và Chúa Giêsu sinh ra từ bà nầy". Tác giả không nói Giuse sinh ra Giêsu. Có một vài vấn đề kiểm thảo bản văn không mấy quan trọng, nhưng điểm nầy không thể chối cãi được: trong bản văn của Mathêu, tất cả người đàn ông đều sinh ra con mình cho đến Giuse, người chồng của Maria; nhưng từ nơi bà Maria Chúa Giêsu sinh ra. Người ta không viết gia phả của Maria vì trong xã hội đông phương không có gia phả phụ nữ: chỉ có pháp quyền từ người cha. Nếu Ðức Giêsu là con Ðavít, là do nơi Giuse, dầu vậy người ta đã không nói rằng Giuse đã sinh ra Ðức Giêsu. Ðó là dấu vết về sự trinh thai.
Cũng thế, khi Mathêu kể lại chuyện các nhà thông thái đông phương, tác giả nói với chúng ta (2,11): "Khi đi vào trong chỗ trọ, họ đã thấy con trẻ với Maria, Mẹ Ngài". Tác giả không nhắc cả đến tên Giêsu. Ở đây nữa, việc trình bày đứa trẻ được lồng vào bên trong một đức tin về trinh thai, nhất là đối với một tác giả rất ư là Do Thái như Mathêu; ông đã tìm cách kể cho chúng ta sự trinh thai trong một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Giuse, mà không nhắc đến tên Maria, cũng không nói Maria đã nghĩ gì, đó hẳn là việc khó hiểu. Nhưng đó là nét đặc trưng ở vùng Palestine: chỉ có nam nhi mới đáng kể. Như thế khi tác giả đành viết các nhà thông thái đông phương đã tìm thấy đứa trẻ và Maria, Mẹ Ngài, thì thực sự Maria có một chỗ quan trọng khác thường.
Trong phần tiếp câu truyện, là việc trốn sang Ai Cập và trở về từ Ai Cập, luôn luôn là vấn đề của đứa trẻ và Mẹ Ngài (2,13-14, 20). Khi nghiên cứu bản văn nầy, người ta thấy tác giả cảm ứng thời thơ ấu của Maisen trong sách Xuất Hành 4, 19-20. Mathêu đọc lịch sử Maisen, nhưng nếu trong lịch sử của Maisen, ta thường đọc thấy: "hãy đem vợ ngươi và các con ngươi", thì trong Mathêu luôn được viết thế nầy: "hãy đưa đứa trẻ và mẹ Ngài" Mathêu không trình bày Maria như vợ của Giuse - thực ra Maria là vợ Giuse và tác giả đã nói: họ đã lập gia đình với nhau (1,16,18,20,24) - nhưng là mẹ của đứa trẻ. Ngữ vựng nầy là dấu vết của sự trinh thai và vai trò đặc biệt của Maria.
III. Maria Theo Tin Mừng Luca
Bây giờ tôi tổng lược những kết luận rút ra từ phần nghiên cứu về Maria trong Tin Mừng của Luca. Ðiều đáng lưu ý hơn cả nơi Luca, trước hết là sự đặt nơi con người của Maria và vai trò mà tác giả thấy nơi Mẹ: ở biến cố truyền tin, chính Maria đón nhận sứ điệp; ở biến cố thăm viếng, chính Maria hát bài ca tụng Magnificat; vào lúc Chúa sinh, dâng Chúa vào Ðền Thánh, tìm lại Chúa ở Ðền Thánh, Maria đóng vai trò chính. Trong lúc đó Tin Mừng thời thơ ấu Chúa theo Mathêu, nhân vật được đặt nổi là Giuse (chính thiên thần đã nói với Giuse), trong Tin Mừng thời thơ ấu Chúa theo Luca, nhân vật được đặt nổi là Maria. Người ta giải thích sự kiện đó bằng cách nhắc cho chúng ta hay rằng Luca là một người Hy Lạp, và trong thế giới Hy Lạp phụ nữ có một vai trò quan trọng hơn trong xã hội Palestine. Cũng ở trong Tin Mừng của Luca ta còn đọc được những lời nói của Maria và một tư tưởng về Maria. Mathêu nêu lên vai trò Maria là: Mẹ trinh thai của Chúa Giêsu; nhưng tác giả không thuật lại một lời nào của Maria.
Chân dung của Maria như thế nào trong Luca? Luca nhấn mạnh vai trò của Maria trong ý định của Thiên Chúa: Mẹ là kẻ được Chúa rất sùng ái, là kẻ mà Chúa đã đổ đầy ơn (1,28), là "người tình" (la favorite) là chữ có thể dùng dầu lịch sử đã méo mó ý nghĩa đi phần nào, vì đó là một chữ được dùng trong hoàng gia và trong tất cả những người nữ (1, 42), là kẻ mà muôn thế hệ sẽ gọi là có phúc (1, 48). Ðây cũng là người nữ Sion: Mẹ có nhân cách riêng, hẳn thế, nhưng Mẹ dấn thân cho toàn dân Chúa, Mẹ chấp nhận Ðấng Thiên Sai cứu độ toàn thể mọi người. Chính Mẹ ca bài chúc tụng Magnificat, nhân danh chính Mẹ, nhưng cũng là lời cảm tạ của toàn dân. Dân đó, Mẹ nhận lấy để gánh vác, để đại diện, vì thế người ta muốn gọi Mẹ là "con gái Sion" khi áp dụng vào thành ngữ cổ điển của Kinh Thánh. (So 3, 14; Za 9, 9). Mẹ là người nữ tỳ của Chúa: đó là việc Mẹ tự nhận mình như thế khi truyền tin cũng như khi xướng bài ca Magnificat (1, 38,48). Cuối cùng, Mẹ là nhà tạm của Chúa: "Thánh Thần của Chúa, Quyền năng của Ðấng Tối Cao bao phủ ngươi bằng bóng rợp của mình" (1, 35): Mẹ là nơi Chúa hiện diện.
Ðiểm đặc sắc của Luca cũng là việc đã nhấn mạnh đến nhân tính của Maria: một thanh nữ khiêm tốn ở vào địa vị mình, một trinh nữ lập gia đình, một người mẹ đơn độc đón nhận con mình, bọc tã và đặt đứa bé trong một máng cỏ; một nhà giáo dục mang trách nhiệm nuôi con... Khi Chúa Giêsu ẩn mất ở trong Ðền Thánh, chính Maria đã trách người: "Con đã làm gì thế đối với cha mẹ?" (2, 48). Ðó là tất cả nhân tính của Maria trong vai trò làm mẹ của mình. Người ta luôn có thói quen trình bày Ðức Trinh Nữ như một hình ảnh khô cằn ở trên cửa kính màu. Luca đã cho ta cảm nhận được nhân cách người của mẹ. Nhưng điểm đặc sắc nhất trong Tin Mừng Luca, là trình bày Maria như một kẻ tin (6); người là kẻ tiếp nhận lời Thiên Chúa qua Thiên Thần, qua Elisabeth, qua Simêon, qua sứ điệp của các kẻ chăn cừu nơi hang đá.
Mẹ đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Giêsu qua những mặc khải tuần tự. Không phải mọi sự ban cho Mẹ trong một lúc đâu. Biến cố truyền tin gồm ba mặc khải khai triển dần: niềm vui cứu độ (1, 28), đoạn Ðấng Thiên Sai cổ điển (1, 3), và cuối cùng Ðấng Thiên Sai là con Thiên Chúa (1, 35). Như thế là có tiến bộ trong đức tin. Mẹ chưa cảm nhận được mặc khải về thánh giá và ơn cứu độ dân ngoại: chân lý đó sẽ mặc khải cho Mẹ khi dâng Chúa vào Ðền Thánh (2, 32-35).
Mặc khải cho Maria tiếp diễn trong thời gian; và mặc khải đó được đem đến qua các Thiên Thần, và cũng qua những con người: Elisabeth, các mục đồng, Simêon... Trong ý nghĩa đó, không có đặc ân, nhưng là một đức tin như đức tin của chúng ta: một đức tin trỗi vượt lên qua biến cố (2,18, 33, 48, 50).
Ðức tin đó cũng được tài bồi qua suy niệm. Ðó là bài học tuyệt vời của Luca 2, 19 và 51: "Maria giữ tất cả các điều đó và suy niệm trong lòng". Mẹ nghe lời Thiên Chúa và suy niệm. Sự kiện nầy xảy ra ngay trong biến cố truyền tin, khi Mẹ hỏi điều ấy nghĩa là gì (1, 29), lúc Mẹ đặt ra những thắc mắc (1, 34).
Luca là một tác giả đã nhấn mạnh hơn ai hết về đặc ân của Maria, nhưng đồng thời cho phép ta khám phá được nhân tính nơi đức tin của Mẹ. Mẹ nhận được những mặc khải lạ lùng, nhưng Mẹ nhận chúng trong nỗi bí ẩn của đức tin, trong một sự suy tư, trong một thái độ dấn thân toàn cuộc sống mình: "Phúc cho em, vì em đã tin...". Ðó là cách Luca đã định nghĩa Maria (1, 45). Theo Luca, sự hiểu biết của Maria đã đạt đến một giai đoạn mới, vì Luca lưu ý đến chính con người của Mẹ. Mẹ đã chu toàn vai trò như thế nào? Trong đức tin, một đức tin hoàn toàn thuộc nhân tính, trong bóng đêm. Và chúng cảm nhận được ở đó sự khám phá sâu xa về Maria, không phải chỉ nơi phận vụ Ngài làm mà thôi, nhưng còn chính do con người của Mẹ.
Chú Thích:
(6) Hãy đọc bài bình luận của tác giả tin lành W. Grundmann "Das Evangelium nach Lukas". Berlin 1961, trang 97-98 về đức tin của Maria trong Luca 1-11.
Centre de recherches religieuses
André de Phú Yên
(C) Copy Right by Ðịnh Hướng Tùng Thư
13 g rue de l'ILL, F. 67116 Reichstett, France
Tái Bản 2004