Ðức Maria Trong Tân Ước

Tác Giả: Linh Mục Augustin George

Người dịch: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phần bốn

Lời rao giảng

của các Tông Ðồ

 

I. Những Bài Giảng Ðầu Tiên Của Các Tông Ðồ

Ðề tài nầy đã từng được nghiên cứu nhiều từ 30 năm nay và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Người ta cố xác định xem trước hết các thánh Tông Ðồ đã giảng điều gì. Nhà phê bình nổi tiếng người Anh tên Dodd (3) là tác giả uy tín trong lãnh vực nầy, nhận xét rằng nếu những bài giảng của các Tông Ðồ được ghi lại trong Tông Ðồ Công Vụ có chịu ảnh hưởng của lối viết và ngôn ngữ của Luca, 50 năm sau các sự việc xảy ra, thì đồng thời người ta cũng chân nhận rằng có những nội dung không hề đổi, một lối cấu trúc nhất định và những đề tài nêu lên trước khi Luca viết.

Ngay từ đầu luôn có việc lưu ý đặc biệt đến hoàn cảnh xảy ra: trong bài giảng ngày Hiện Xuống, đó là sự kiện ơn Chúa Thánh Thần (CV 2,14-21); trong việc chữa lành người què, chính là việc chữa lành bệnh (CV 3,12); ở Antiochia Pisidia, chính là việc đọc Thánh Kinh mà người ta vừa mới thực hiện ở nhà hội người Do Thái v.v... Sau phần ghi lại hoàn cảnh đã xảy ra, luôn luôn có việc tuyên dương Chúa Kitô, loan truyền việc Chúa Giêsu chết và được sống lại, và cuối cùng là một lời kêu gọi thống hối.

Dodd cho rằng sự việc đó không phải Luca bày đặt ra, nhưng là sơ đồ của việc rao giảng của các Tông Ðồ. Như thế việc phân tích kiểm thảo các bài giảng của các Tông Ðồ trong cuốn Tông Ðồ Công Vụ sẽ giúp chúng ta trình bày lại việc rao giảng ấy trong chính cấu trúc của nó. Ngoài ra, trong các bài giảng nầy, lời văn và cách trình bày về Chúa Giêsu rất sơ khai, thường còn cổ xưa hơn trong các thơ của Phaolô. Lấy một trong nhiều dấu tích làm thí dụ, đó là danh hiệu được nói về Chúa Giêsu: Không có một bài giảng nào của Phêrô gọi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa; chính trong bài giảng của Phaolô mới tìm được thành ngữ nầy. (CV 13, 33). Tại sao? Vì trong ngôn ngữ thông thường của người Do Thái đương thời, thành ngữ "Con Thiên Chúa" được hiểu là dân, là vua, là đấng thiên sai. Bấy giờ nó không hàm ngụ thần tính: đấy là đề tài rất xưa của lời sấm Nathan (2 Samuel 7, 12-16). Khi ta biết rằng đối với Luca, tước hiệu "Con Thiên Chúa" là chính định nghĩa về Chúa Giêsu, ta sẽ thấy sự đứng đắn trung thực của tác giả trong việc tường trình lại cho chúng ta những bài giảng của Phêrô.

Trong các bài giảng của các Tông Ðồ, không có một chữ nào về Maria. Chúng ta cũng lưu ý thêm là trong đó cũng hầu như không nói gì đến đời sống trần thế của Chúa Giêsu. Khi các Tông Ðồ giảng ở vùng Palestine, thì các vị đã không kể lại cuộc sống nầy vì những kẻ nghe các vị giảng đều biết về đời sống đó, họ đã thấy Ðức Giêsu. Tuy thế, người ta có nói về các phép lạ của Chúa Giêsu trong một bài giảng. Bài đó nói với Cornélius, một người ngoại quốc, có lẽ là không mấy am tường về sự hiện diện trước đó của Chúa Giêsu. Và ngay ở đây thì người ta cũng nói thoáng qua thôi.

Sự thinh lặng về Maria như thế có nghĩa gì? Trước hết là vì người ta đi ngay vào cốt lõi vấn đề: Ðức Giêsu chết và sống lại, và đó là ơn cứu độ. Cũng cần nhấn mạnh thêm: các Tông Ðồ có thể nói về việc gì? Hẳn nhiên là những điều trước đó họ đã chứng kiến... Vậy việc nhắc lại thời thơ ấu Chúa hẳn khó trông chờ nơi họ vì họ đâu có chứng kiến tận mắt. Thường thì các Tông Ðồ trẻ hơn Chúa Giêsu: trong khung cảnh xã hội đông phương, người ta không làm môn đồ của một kẻ trẻ hơn mình. Nên các Tông Ðồ không phải là những nhân chứng về thời thơ ấu Chúa, lúc mà Maria giữ vai trò quan trọng hơn cả. Khi Chúa Giêsu đã rao giảng công khai, thì Maria lại ẩn mình và thinh lặng.

Hơn nữa, các bài giảng của các Tông Ðồ khởi đầu ở Palestine, trong một xã hội mà phụ nữ không được đề cao, trong một khung cảnh mà một phụ nữ có thể đứng ra làm chứng giữa công chúng thật khó được mọi người chấp nhận. Lúc khởi đầu, các Tông Ðồ ít có điều gì để nói về Maria, và có nói thì cũng là sự bất thường.

Cuối cùng cần lưu ý điểm nầy: hẳn nhiên sự trinh thai cưu mang Chúa là một sự kiện quan trọng. Tuy thế trong thời kỳ đầu của Kitô giáo người ta không nói đến việc nầy. Và có thể nói ngay rằng vào thời buổi nầy các tín hữu cảm thấy có một sự khó khăn: Chúa Giêsu là Ðấng Thiên Sai, con Ðavít. Theo như tư tưởng người Do Thái, Ngài chỉ có thể có được điều đó là do phía cha Ngài. Nếu phải tìm những lý do về sự thinh lặng lúc ban đầu về sự trinh thai, tôi nghĩ cần phải lưu ý điểm nầy.

II. Một Bản Văn Duy Nhất Của Thánh Phaolô Ðược Nêu Lên

Về truyền thống Tông Ðồ nói về Maria, phải nêu lên bản văn duy nhất của Phaolô nói về Mẹ, hoặc chính xác hơn là về Mẹ Chúa Giêsu, trong thư gởi tín hữu Galata 4, 4. Ðây là một bản văn rất ngắn, và có thể nói rất ít chỉ dẫn được đưa ra (4). Nay chúng ta đọc đoạn văn nầy, trong đó Phaolô nêu lên suy nghĩ súc tích của mình về sự nhập thể: "Dẫu là người thừa kế, sở hữu chủ của tất cả của cải, nhưng bao lâu còn là một đứa trẻ, thì nó không khác gì một kẻ tôi đòi. Ðứa trẻ còn trong chế độ của các kẻ săn sóc và các vị quản lý cho đến thời hạn được cha nó định đoạt. (Phaolô muốn nói ở đây về lề luật, chế độ pháp định, chế độ của tuổi vị thành niên). Nhưng thời hoàn mãn đã đến, Thiên Chúa gửi con mình đến, sinh ra do một người nữ, sinh ra làm người dân của lề luật, để cứu chuộc các người dân của lề luật...".

Các giáo phụ Hy Lạp thường đã gắn cho bản văn nầy những ý nghĩa sâu xa mà nay chúng ta không thấy có. Và sở dĩ như thế, trước hết vì những lý do của việc phê bình ngay bản văn: người ta có thể đọc, hoặc là: "được tạo thành từ một người nữ", "đã xuất hiện từ một người nữ", hoặc là "sinh ra do một người nữ". Các giáo phụ Hy Lạp thường đọc thư nầy: "được tác thành từ một người nữ"; nghĩa là "được tác thành từ chỉ một người nữ mà thôi, không hề có việc từ một người nam" và họ thấy đó là việc xác nhận về sự trinh thai của Maria. Ðây là lối minh giải của Théodoret, Cyrille de Jérusalem. Trong các tác giả La tinh, ta thấy có hai cách đọc: "natum ex muliere", và "factum ex muliere". Tertulianô và Augustinô cũng cho đó là ý nghĩa của trinh thai. Các nhà chú giải thời trung cổ và cả Luthêrô cũng nhìn nhận đây là một bản văn nói đến trinh thai trong việc cưu mang Chúa Giêsu. Thực ra, nếu kiểm thảo đúng bản văn từ bản văn viết tay, nhất định phải đọc thế nầy: "Sinh ra do một người nữ". Cách đọc "được tác thành từ một người nữ" chỉ xuất hiện trong một số bản văn gần đây, và đó là sự sửa chữa của truyền thống sau nầy, ở thế kỷ IV và thứ V. Ngay lúc đó, việc minh giải đã thay đổi bản gốc của Phaolô vì người ta đã tin vào sự trinh thai của Mẹ.

Như vậy, Phaolô chỉ nói thế nầy: "Chúa Giêsu đã sinh ra từ một người nữ" và tác giả không lưu ý đến phương cách Ngài sinh ra. Nhất là, tác giả dùng lối nói xưa của người Sémit như ta thấy Mathêu đã chép lại lời Chúa Giêsu 11, 11: "Giữa các con của các phụ nữ, không có ai trổi vượt hơn Gioan Tẩy Giả". Thành ngữ nầy của người Do Thái, thường đọc thấy trong các bản văn Talmud và Targum. Nó muốn nói đến con người trong sự yếu đuối của mình, con người trong nỗi bất lực của mình: "Sinh ra từ một phụ nữ" nghĩa là tự mình không có một quyền lực nào. Do đó, đây là một đoạn văn nói về sự khiêm tốn, chứ không nói gì về Maria, xác nhận rằng Ðức Giêsu mang bản tính nhân loại chúng ta trong thân phận và sự nghèo khốn chung của toàn thể mọi người. Ở đây chúng ta cũng thấy Phaolô đã không dừng lại về Maria, như trường hợp các bài giảng của các Tông Ðồ. Phaolô biết rằng Mẹ Chúa Giêsu tên Maria, nhưng ngài trình bày về Ðấng được sống lại là kẻ đã chết cho chúng ta, Ðấng Cứu Ðộ, Ðức Kitô hoàn vũ, Con Thiên Chúa. Ðối với Phaolô, Maria thuộc khung cảnh lịch sử đưa Chúa vào cuộc đời con người, vào nhân loại trong nỗi khốn khổ và nghèo hèn của nó.

Thế hệ Kitô hữu đầu tiên không dừng lại nhìn về Maria. Ðó là một sự kiện quan trọng giúp ta nhận thấy trong giai đoạn kế tiếp người ta dần dần khám phá ra một giá trị, một ý nghĩa về Maria. Và ta sẽ phải tự hỏi tại sao người ta khám phá ra Ngài, và sự kiện đó có ý nghĩa gì. Ðó là điều cốt yếu mà Tân Ước về Maria sẽ cống hiến cho chúng ta.

 

Chú Thích:

(3) C.H. Dodd "la prédication apostolique et ses développements" Paris. 1964 (phát hành lần đầu bằng anh ngữ năm 1930). J. Schmitt trong cuốn "Jésus ressuscité". Paris 1949 đã khai triển rất nghiêm túc công trình của Dodd.

(4) Cha A. Legault, khoa trưởng phân khoa thần học ở Montréal, đã đặc biệt nghiên cứu bản văn nầy, trong một bài viết "Sciences Ecclésiastiques" XVI-1964- các trang 481 và tiếp theo: "Saint Paul a-t-il parlé de la maternité virginale de Marie".

 

Centre de recherches religieuses

André de Phú Yên

(C) Copy Right by Ðịnh Hướng Tùng Thư

13 g rue de l'ILL, F. 67116 Reichstett, France

Tái Bản 2004

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page