Ðức Maria Trong Tân Ước

Tác Giả: Linh Mục Augustin George

Người dịch: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phần ba

Thăm viếng và bài ca Magnificat

 

Luca muốn nêu lên giáo huấn nào?

Ðâu là ý tưởng then chốt của bản văn?

Chúng ta đã thấy có một sự loan tin về Gioan Tẩy Giả, có một sự truyền tin về Chúa Giêsu. Bây giờ là cuộc thăm viếng: buổi gặp gỡ giữa hai bà mẹ. Trong việc loan tin về Gioan (1,15) chúng ta đọc thấy: "Ðứa trẻ sẽ tràn đầy Thánh Thần từ ngay trong lòng mẹ mình". Và biến cố đó được hoàn tất trong cuộc thăm viếng.

Có thể đối với thời khởi thủy Kitô giáo, việc Gioan sinh trước Chúa Giêsu đã được xem là một sự việc khó giải thích: Dân chúng xưa thường cho rằng kẻ sinh trước bao giờ cũng quan trọng hơn (vì thế Gioan phải nhấn mạnh: "Kẻ đến sau tôi sẽ vượt trên tôi..."). Ở đây, chính Chúa Giêsu khởi xướng công việc của mình bằng cách ban Thánh Thần cho Gioan. Hai bà mẹ phục vụ cho hai con, nên ta gọi Thăm viếng trước hết là sự tôn phong Gioan Tẩy Giả làm Tiên Tri của Chúa. "Ðứa trẻ sẽ tràn đầy Thánh Thần ngay trong bụng mẹ mình ".

"Do từ đâu mà Mẹ của Chúa tôi đến với tôi?". Qua miệng Elisabeth, đây chính là tiếng nói của Gioan Tẩy Giả vang dội đến chúng ta: Ðứa trẻ nhảy mừng trong lòng mẹ, và Elisabeth là phát ngôn của con mình như Maria là người mang Chúa Giêsu đến. Nếu chúng ta muốn suy niệm về mầu nhiệm Maria thì nên nhớ điều nầy: Maria là nữ tỳ của Chúa.

Cũng cần lưu ý đến nét tinh tế của bản văn: nó không nói ngay cả đến việc Chúa Giêsu đã được thụ thai. Nhưng, ngay khi Chúa được thụ thai, thì Maria chổi dậy và ra đi, trung tín, ngoan ngoãn vâng phục tất cả những lời gọi của Thánh Thần, một nữ tỳ trung tín và vâng phục con mình. Thăm viếng thật chính là hành động truyền bá Tin Mừng đầu tiên: Maria sẽ mang con mình - đấng sẽ ban Thánh Thần - đến. Thăm viếng, đó chính là sự trung tín của Maria giúp Chúa Giêsu hoàn thành điều đã được loan báo về Gioan: "Ðứa trẻ sẽ tràn đầy Chúa Thánh Thần từ trong bụng mẹ mình". Thăm viếng, trên hết là sự xức dầu tôn phong Gioan Tẩy Giả làm tiên tri. Hai bà mẹ phục vụ hai con. Elisabeth làm kẻ phát ngôn, Maria mang Chúa đến.

Thăm viếng còn diễn tả phận vụ khác, vì Elisabeth được soi sáng nhận ra "Chúa" của bà (đó là tên gọi của Ðấng Thiên Sai): ở đây vị Tiền hô đã chỉ cho biết Ðấng Thiên Sai. Bà ca ngợi Maria.

Chúng ta hãy so sánh các câu 20 và 45:

- Ở câu 20: "Ngươi sẽ bị câm cho đến ngày mọi sự việc xảy ra, vì ngươi đã không tin những lời sẽ được thực hiện đúng lúc".

- Ở câu 45: "Em thật có phúc, chính em đã tin rằng những gì Chúa nói sẽ thể hiện".

Khi Elisabeth ca tụng Maria về lòng tin của cô, không phải nói đến việc Thăm viếng, nhưng là nội dung của Truyền Tin.

Trong Thăm viếng người ta giải thích và kết luận về những gì đã xảy ra trong biến cố Truyền Tin. Trong biến cố nầy, Maria đã thuận ý, nhưng người ta không biết đến tình cảm của cô; người ta thấy cô là nữ tỳ của Chúa. Chính Thăm viếng giải thích chuyện nầy. Cho đến lúc đó, Maria không nói gì được cả. Nhưng được Thánh Thần soi sáng, Elisabeth nói lên và Maria có thể mở miệng nói: vì có một kẻ biết được công việc. Bài ca Magnificat không phải là kết luận của Thăm viếng cho bằng nó chính là kết luận của phần đầu cuốn Tin Mừng: báo tin về Gioan Tẩy Giả, truyền tin về Chúa Giêsu, thánh hiến Gioan Tẩy Giả. Maria hát lên cảm tạ Thiên Chúa đã ban Chúa Giêsu. Ðó là kết luận về sự thụ thai Chúa Giêsu.

Ta có thể so sánh 1, 25 và 1, 48-49. Ở 1, 25: "Ðó là việc Chúa làm cho tôi từ ngày Ngài đoái nhìn tôi để cất khỏi tôi tớ Ngài sự sỉ nhục". Ở 1, 48: "Chúa đã đoái nhìn phận hèn của tôi tớ người..." Niềm vui của Maria đi đôi với niềm vui Elisabeth.

Như thế Thăm viếng trình bày cho chúng ta việc hoàn tất công việc thánh hiến Gioan Tẩy Giả và cũng nói lên phản ứng của Maria.

- Cấu trúc của đoạn văn

Trước hết chúng ta có một bản văn ký thuật: cuộc hành trình của Maria, việc gặp gỡ Elisabeth, tuyên dương hồng phúc. Sau đó, bài ca tụng Magnificat, một bài Thánh Vịnh viết theo lối văn rất cổ điển và thoạt tiên xem ra không mấy độc đáo (mỗi đầu câu, người ta có thể viết những câu tương tự trích trong các Thánh Vịnh). Nét mới lạ của bài ca Magnificat không phải trong phương cách hành văn, nhưng nơi ý nghĩa của nó, trong biến cố mà bài ca chúc tụng. Ðây là một bản Thánh Vịnh tạ ơn và cần phân biệt hai phần:

- a) 46- 50: lời cảm tạ của một phụ nữ về ơn phúc Chúa đã ban cho cô.

- b) 51- 55: lời cảm tạ về ơn cứu độ toàn Dân của Thiên Chúa, về Giao ước được thực hiện.

Ơn phúc của Maria là ơn phúc ban cho Dân Chúa và lời nói của Maria, trong phần hai của bài Magnificat, là lời của Giáo Hội. Trong giờ phụng vụ lời kinh long trọng ban chiều, kinh Magnificat được đọc lên không phải chỉ là lời cầu xin Ðức Maria nhưng là bài ca của Giáo Hội mà Maria là người đầu tiên đã cất tiếng hát. Chúng ta đi vào trong lời cầu nguyện của Maria, đấng đã hành động nhân danh nhân loại trong bài ca Magnificat cũng như trong biến cố Truyền Tin lúc bà là "con gái Sion". Luca cho ta thấy Maria mở rộng người mình với thế giới, với Dân Chúa. Và người ta không thể là Kitô hữu nếu không vượt qua những vấn đề cá nhân, những ơn ích được ban riêng cho mình.

Bài ca Magnificat thật sự nói đến những gì Chúa đã ban cho Maria: "Tất cả các thế hệ sẽ nói rằng tôi có phúc" và sự việc đó ăn khớp với điều Elisabeth vừa nêu lên: "Em thật có phúc, em là người đã tin...".

Nếu đặt nội dung nầy tương quan với: "Phúc thay vú... còn có phúc hơn nữa, những ai nghe lời Thiên Chúa...", ta sẽ rõ: Maria là kẻ tin và chỉ cho chúng ta con đường phải theo.

Maria ca ngợi ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô và dưới hai khía cạnh:

- Ơn cứu độ của những kẻ nghèo, đảo lộn thang bậc của các giá trị: "Ngài đã cho kẻ đói khát đầy của, Ngài đã lật nhào những kẻ quyền thế...". Ðây là những mối phúc đã được mặc khải cho Maria trong một sự kiện: mọi người đã chờ đợi một Ðấng Thiên Sai đầy quyền uy, chiến thắng, chinh phục bằng dao gươm, và khi Maria đón nhận Ðấng Thiên Sai thật sự, chỉ có cô là người biết về Ngài. Thời sự bên ngoài không gì thay đổi: quân La Mã xâm lăng vẫn còn đó, tội ác đang hoành hành... Ơn cứu độ được ban cho trong thầm lặng và kín đáo, nơi kẻ nghèo và khiêm tốn, những kẻ biết nhìn thấy. Kinh Magnificat là một chân dung về cuộc sống siêu nhiên của Maria, nó định nghĩa một lối đi vào mầu nhiệm Chúa Giêsu, một phương cách hiểu biết về mầu nhiệm đó.

- Trung tín: Chúa đã chu toàn Giao ước, Ngài đã nhớ lại lời Ngài hứa, Ngài thực hiện điều Ngài đã nói với Abraham, Ngài trung tín với tình yêu của Ngài.

- Vấn đề hành văn

Ở đây, có phải là những lời nói thật sự Maria đã nói lên trong ngày Thăm viếng không?

Khó mà cho rằng Elisabeth đã dùng máy thu thanh hoặc ghi chép lại những gì Maria nói. Nhìn từ chữ viết bên ngoài, bản văn hầu như là của bất cứ ai: đó là những lối nói của các Thánh Vịnh. Ngoài ra, hẳn đây là một bản văn phụng vụ của cộng đồng Palestine tiên khởi, một bài ca của Giáo Hội Palestine ca tụng ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô, và Luca lấy lại vì bản văn nầy đối với ông là một sự diễn tả hay nhất về lời cầu nguyện của Maria.

Câu 48 hẳn là sự mô phỏng lời kinh riêng của Maria: "Tất cả mọi thế hệ sẽ nói rằng tôi có phúc... sự thấp hèn của tôi tớ Chúa".

Ðiều quan trọng hơn hết không phải xét xem những lời nầy thật sự có phải Maria đã nói lên hay không, nhưng là tìm hiểu về phương cách Truyền Thống đã nhìn Maria, đã nghĩ rằng bài Thánh Vịnh nầy diễn tả đầy đủ hơn cả về Maria.

 

Centre de recherches religieuses

André de Phú Yên

(C) Copy Right by Ðịnh Hướng Tùng Thư

13 g rue de l'ILL, F. 67116 Reichstett, France

Tái Bản 2004

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page