Ðức Maria Trong Tân Ước

Tác Giả: Linh Mục Augustin George

Người dịch: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phần hai

Truyền Tin

 

Chúng ta tổng lược những gì đã khảo sát ở phần nhất về Tin Mừng thời thơ ấu.

1. Trước hết mục đích của Tin Mừng là trình bày mầu nhiệm Chúa Giêsu

Trung tâm của Truyền Tin, không phải là thiên thần, và cũng không phải là Ðức Maria: đó là Chúa Giêsu. Truyền Tin, là mặc khải về Chúa Giêsu ngay lúc Ngài xuất hiện trong lịch sử: đây là một bản văn Kitô học nổi bật. Trong câu truyện nầy, Luca muốn cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu Kitô là ai ngay phần đầu Tin Mừng của ông. Những sự kiện về sự trinh khiết và trinh thai hướng đến việc trình bày mầu nhiệm Chúa Giêsu, được mặc khải trong một sứ điệp siêu phàm, một lời của Thiên Chúa nói qua một thiên thần .

2. Kỹ thuật đối chiếu song song

Truyền tin về Chúa Giêsu đi tiếp theo việc báo tin về Gioan Tẩy Giả. Hai câu truyện được xây dựng trên một sơ đồ như nhau, giải minh hai nội dung; cần phải có cái nhìn chung để am tường.

3. Phương thức sử dụng Thánh Kinh của Luca

Truyền tin được mô tả như là một sứ điệp do thiên thần mang đến (sứ điệp đáng được lưu ý hơn là sự xuất hiện của thiên thần), đó là một hình thức văn chương rất cổ điển của Cựu Ước (xem Sáng Thế, Xuất Hành, Các Vua) hoặc nói cách khác thiên thần của Giavê thường phải được xem là một kẻ thay thế chính Giavê. Lời văn thực sự nói về thiên thần của Giavê, nhưng tất cả những lời nói đó là lời của chính Thiên Chúa. Trong những sách viết vào thời gian gần Tân Ước, thường người ta trực tiếp nói đến các lần xuất hiện của thiên thần như ở sách Tobia, Daniel.

Ý nghĩa của các lần xuất hiện của thiên thần nầy trong Thánh Kinh có mục đích chính yếu là trình bày một kinh nghiệm siêu nhiên trong đó một kẻ được Thiên Chúa chọn đã nghe được sứ điệp, lời của Ngài.

Những thế kỷ vừa qua, qua sứ điệp Truyền Tin người ta thường tô vẽ khung cảnh huyền thoại theo một lối trình bày mỹ thuật có tính cách văn hóa thế tục; và trong bối cảnh mỹ thuật nào đó, thiên thần thực sự đã chiếm hết nội dung câu truyện. Cũng trong bố cảnh đó, thiên thần ngày nay không còn hợp thời. Nhưng cần lưu ý cảm thức nghệ thuật đó không phải là nội dung thực sự của Thánh Kinh. Thiên thần là một kẻ đưa tin; điều quan trọng là chính sứ điệp. Trong Kinh Thánh, một sự xuất hiện của thiên thần trước hết là một lời của Thiên Chúa. Không phải vì vậy mà nói rằng thiên thần không có; nhưng đó là một kẻ phục vụ, cũng giống như kẻ rao giảng ngày nay nói cho dân chúng biết về lời Thiên Chúa: người đó phải nói lên lời nầy để giúp dân Chúa đi vào được trong mối tương quan với lời Ngài. Ðó là một vai trò trung gian của mầu nhiệm.

Thiên thần loan tin về sự sinh ra lạ lùng, nhiệm mầu của Hài Nhi. Ở đây ta liên tưởng đến một loạt cuộc loan báo sinh nhật trong Cựu Ước (Sáng Thế 16: Ismael; 17 và 18: Isaac; Các Vua 13: Samson); Luca dùng lại cùng một sơ đồ như thế. Khi người ta nói đến sinh nhật của Gioan và Chúa Giêsu, độc giả của Luca tức khắc nghĩ đến các sự kiện tương tự trước đây.

Ta cũng thấy trong Truyền tin cho Maria đề tài về ơn gọi, với câu nói "Chúa ở cùng cô" và danh hiệu mới ban cho Maria "đầy ơn phúc", như đã thấy trong các lần Chúa gọi.

Ðó là những mấu chốt chính cần sử dụng để hiểu điều Luca muốn thông đạt cho chúng ta.

I. Minh Giải

Bây giờ chúng ta đi sát với bản văn để tóm kết các vấn đề khác nhau sẽ được nêu lên:

- Câu 23, liên quan đến việc loan báo về Gioan Tẩy Giả. Chúng ta được biết rằng Zacharia trở về nhà sau khi đã xong phần vụ của mình ở Ðền Thánh, và một thời gian sau Anna mang thai. Ðó là một chi tiết đáng lưu ý. Thật thế, chúng ta biết việc giữ mình trong sạch rất quan trọng đối với các thầy cả. Những bản văn của Qumran cho hay thầy cả không được chung đụng với vợ mình trong thời gian phục dịch. Ðó là một nét Do Thái tiêu biểu trong bản văn của Luca.

"Elisabeth đã thụ thai và giấu việc đó trong năm tháng". Tại sao? Chính vì sự loan tin cho Maria sẽ cho chúng ta biết: Không ai hay biết về việc Elisabeth thụ thai, và nếu Maria biết được, thì chỉ vì Maria được sứ điệp mặc khải.

- Câu 26: Chính Thiên Thần Gabriel đã được gởi đến cho cả hai trường hợp. Trong Cựu Ước, mỗi thiên thần có một sở trường: Raphael chữa bệnh, Michael về hành động quân sự. Gabriel là thiên thần truyền tin báo Ðấng Thiên Sai sẽ đến (Dn 9,20 tt). Khi đọc lại thấy Gabriel, tất cả người Do Thái hiểu rằng có việc truyền tin về Ðấng Thiên Sai.

Nazareth: Một xứ chưa từng được Cựu Ước nói đến lần nào. Ðây hẳn nói lên tính cách vô danh, thinh lặng, đơn bạc. Sự kiện đó cho chúng ta biết rõ ràng bản văn không phải là một câu truyện bịa đặt: nếu đây là một truyện giả tưởng, thì chắc người ta đã cho Ðức Giêsu sinh ra trong một thành phố quan trọng của lịch sử thánh.

Sau đó còn có một sự tương phản nổi bật. Gioan Tẩy Giả đã được báo tin ngay giữa một nghi lễ phụng vụ, trong cảnh huy hoàng của Ðền Thánh (Ðền Thánh nầy rất quan trọng đối với Luca).

"Lời cầu xin của người được khấng nhận": Ðây không phải lời cầu xin của Zacharia để có một người con trai (ông không tin sự việc nầy nữa, đã lâu ông không còn xin ơn nầy). Nhưng đây là lời cầu xin của một thầy cả nhân danh dân chúng, lời cầu xin ơn cứu độ, xin Ðấng Thiên Sai đến. Ðiều mà Gabriel loan báo, đó chính là lời cầu nguyện của Israel xin Ðấng Cứu Ðộ, nay được khấng nhận.

Gioan Tẩy Giả được loan báo ở trong Ðền Thánh, sẽ sinh ra ở vùng Giuđa và sống thời thơ ấu trong sa mạc. Chúa Giêsu được loan báo tại làng Nazareth vô danh, được dâng vào Ðền Thánh, tại đây Ngài sẽ lên tiếng lần đầu tiên. Luca không bao giờ cho chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong Ðền Thánh.

- Câu 27: "Với người trinh nữ". Lời nói đầu tiên về cha mẹ Chúa Giêsu cho chúng ta biết mẹ Ngài là một trinh nữ, và là một trinh nữ "có lập gia đình" (thành ngữ Hy Lạp nầy sẽ thấy lại một nơi khác trong Tin Mừng Luca 2,5).

Trước khi gọi đích danh người nữ nầy, chúng ta đã được giới thiệu tên của người chồng: Giuse, thuộc nhà Ðavit. Cũng như trong đoạn báo tin về Gioan Tẩy Giả, câu 5: Bấy giờ có một thầy cả tên là Zacharia, chi tộc Alia, và vợ ông, thuộc giòng Aaron, gọi là Elisabeth. Trong thế giới người Sémit, chỉ có đàn ông mới được lưu ý. Và điều đó quan trọng trong trường hợp Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Ðấng Thiên Sai vì Ngài là con nhà Ðavit, và sự việc đó thể hiện là do từ Cha Ngài vì người ta không kể đến giòng tộc của phái nữ. Ngay cả nếu Maria tự máu mủ là con cháu Ðavit, thì về phương diện luật pháp Maria không thể làm cho Chúa Giêsu thành con nhà Ðavit.

Do vậy thánh Giuse có một vai trò. Nếu Maria đã cho Chúa Giêsu một thân xác, thì Giuse đã cho Ngài đặc tính thiên sai nhờ vai trò làm cha trên bình diện luật pháp, cha nuôi: Giuse đã nhìn nhận đứa trẻ, con của vợ mình, và chính sự nhìn nhận đó làm cho Chúa Giêsu thành Kẻ Thừa Kế. Hai gia phả Mathêu và Luca nêu lên không nhằm đưa ra những chi tiết chính xác về tổ tiên Chúa Giêsu, nhưng muốn nói đến tước hiệu hợp pháp. Chính vì lúc bây giờ người ta đã đồng tâm nhìn nhận Chúa Giêsu là con nhà Ðavit, nên lúc viết ra bản Tin Mừng người ta đã muốn thiết lập một gia phả; và gia phả đó là đúng thật theo nghĩa nó là lối xác minh cho một đặc quyền thật sự.

- Câu 28: "Cô hãy vui lên". Song song với việc loan báo về Gioan Tẩy Giả câu 14: "Ðứa trẻ sẽ là nỗi vui mừng và hân hoan cho ngươi và nhiều người sẽ hớn hở về việc này". Hai nơi đều thấy có niềm vui, vì đó là Tin Mừng, nỗi vui cứu độ. Gioan Tẩy Giả là bình minh của Tin Mừng. Câu đầu tiên nói với Maria: "Cô hãy vui mừng lên" đã là lời loan báo sơ khai về ơn cứu độ, gợi lại Sophonia 3, 14; Zacharia 9,9: "Hãy vui lên, hỡi con gái Sion...". Theo truyền thống đó là lời báo tin cho toàn dân: con gái Sion - Maria - là người của Thiên Chúa, trả lời nhân danh toàn nhân loại, cho chính cô và cho chúng ta tất cả. Maria mang lấy thân phận của dân Chúa. Chính theo nghĩa đó mà người ta có thể nói Ngài là con gái Sion.

"Ðầy ơn phúc". Ðây không phải là một truyền thống xấu, nhưng rất thiếu sót, mỗi khi chúng ta nói: "đầy ơn phúc" là chúng ta nghĩ đến trinh thai, đến ơn thánh hóa..., là những ý niệm thật sự rất xa lạ với Cựu Ước. Trong Kinh Thánh "ân phúc" có nghĩa là "được sủng ái" giống như nội dung của ngôn ngữ tây phương các thế kỷ gần đây. Ân phúc là một ý niệm áp dụng cho các vua chúa, một ý niệm nói về yêu thương. Trước mặt vua, người ta thường nói: "Nếu thiếp đã được ngài sủng ái". Chữ "favorite" (= kẻ được mến chuộng) như người ta thường dùng trong hoàng cung Louis XIV, nếu có thể xét về khía cạnh thanh cao, có thể giúp ta hiểu sát nghĩa hơn nội dung nầy: đó là danh hiệu của sự sủng ái. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy chữ: "Rất được yêu thương". Và đây là một mặc khải cho chúng ta. Người phụ nữ trẻ, vợ của Giuse, là một người phụ nữ đơn bạc, luôn cầu nguyện và đầy lòng tin; bà tuyệt đối không có chút ý niệm gì về việc Ngài là người được Chúa chọn, tức là người được con mắt Chúa nhìn đến từ thủa đời đời để hợp tác hoàn thành công việc của Ngài. Chữ này là danh hiệu mới của Maria, là ơn gọi riêng dành cho Mẹ: qua danh xưng nầy, Maria biết rằng mình là kẻ duy nhất, là kẻ được chọn, "là người rất được Chúa yêu thương".

Ðề tài "Người rất được Chúa yêu thương" quan trọng vì theo truyền thống Thánh Kinh, từ Diễm Tình Ca và từ sự giải thích lại Thánh Vịnh 44, nó là danh hiệu của dân Thiên Chúa: Chính Israel là hiền thê của Giavê. Ta thấy đề tài nầy lại trùng hợp với đề tài về "Con gái Sion". Maria là kẻ Chúa chọn, nhưng được chọn để mang cả dân Chúa vào thân xác mình, nối kết dân Chúa vào Ngài, và đại diện cho dân nầy. Câu đầu tiên nói với Maria mặc khải tình yêu độc đáo, sự sủng ái, ân huệ nầy.

"Chúa ở cùng cô". Những lời nầy nói rõ cho Maria hay là cô được Chúa gọi, cô có một việc gì đó để làm như Chúa đã từng nói với các tiên tri khi gọi họ (Xuất Hành 3,12; Thẩm Phán 6,12,16; Jr. 1,8; 15,20).

Ba câu nói nầy gói gọn toàn bộ sứ điệp. Mặc khải về Chúa Giêsu trong Truyền Tin được tuần tự thực hiện qua ba giai đoạn: đức tin, sự thuận nhận của Maria giúp Thiên Chúa triển khai mặc khải nầy.

- Câu 29 "Nghe những lời ấy, cô ngạc nhiên và tự hỏi lời chào đó có nghĩa gì". Luca cũng đã viết như thế trong trường hợp Zacharia mặc dầu ở đây cách diễn tả còn mạnh hơn.

Câu nầy nhằm diễn tả điều gì? Ðiểm chính yếu là sự ngạc nhiên, khi Maria biết được rằng cái nhìn của Thiên Chúa hướng đến Người. Với tâm tình đơn sơ, thanh bạch và khiêm tốn, Maria đã không bao giờ tin cô là trung tâm điểm của lịch sử: "Tất cả thế hệ sẽ gọi tôi là kẻ có phúc" (câu 48).

Mặc dầu còn chưa nói hết, những lời của thiên thần lại rất tỏ rõ. Maria nhận biết Chúa sắp yêu cầu cô một việc gì đó, từ muôn thủa Chúa nhìn đến cô; cô khám phá được mình là kẻ được chọn và là người rất được Chúa yêu thương. Nhưng sự việc sẽ đến mức nào? Và đó là việc gì? Ðây không phải là một tình trạng hoang mang thuộc lãnh vực tình cảm hoặc trưcï giác hời hợt. Ðiểm nổi bật được tác giả nêu lên là sự suy nghĩ của Maria, ý chí muốn biết ý định của Chúa, như các nhà thần học thường nói "fides quaerens intellectum" (đức tin thúc đẩy việc tìm kiếm ý nghĩa): Maria cố gắng đi sâu vào thánh ý của Chúa.

- Câu 30: "Thiên thần nói với cô: Maria, cô đừng sợ". "Ðừng sợ gì cả": nội dung nầy có trong tất cả các lần xuất hiện của Chúa hoặc của thiên thần nơi Cựu Ước. Không nên dịch "Ðừng hoảng lên"; đây không phải là sợ hãi thông thường, nhưng đây là ý nghĩa của thần thánh. Khi con người đối diện với Thiên Chúa, thì cảm thấy choáng váng.

- Câu 31: "Nầy cô sắp mang thai và sinh một người con trai và sẽ gọi tên trẻ là Giêsu". Ðây cũng là lối nói mà chúng ta đã gặp trong tất cả các lần thiên thần báo về các cuộc sinh ra. Rõ rệt hơn cả đây là lời của bản văn Isaia 7, 14. Chính Maria sẽ phải đặt tên cho trẻ. Theo truyền thống Kinh Thánh, có khi là người cha, có khi là người mẹ đặt tên cho con. Ðối với Gioan Tẩy Giả, đó là việc của Zacharia (câu 13). Ở đây, là Maria: hệ luận của việc trinh thai, đây là con trai của cô. Ở đây chưa nói đến việc thụ thai trinh khiết, nhưng đã nói chính Maria sẽ đặt tên cho đứa trẻ. Trong toàn bộ bản văn sự việc đó có một ý nghĩa.

Và lời sấm nầy của Isaia bấy giờ thường được hiểu là có một nội dung loan báo Ðấng Thiên Sai. Thiên thần sẽ giải thích rằng Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Sai đang mong đợi. Nhưng ở đây, Ðấng Thiên Sai còn được hiểu trên bình diện hoàn toàn con người, theo quan điểm cổ điển của người Do Thái, nghĩa là một người thủ lãnh được Chúa chọn.

- Câu 32: "Người đó sẽ cao cả". Song song với câu 1,15: Gioan Tẩy Giả sẽ "cao cả trước mặt Chúa", một kẻ phục vụ cao cả như Elia (1 Các Vua 17, 1; 18, 15). Ðức Giêsu sẽ là "cao cả" tuyệt đối.

"Người ta sẽ gọi người là con của Ðấng Tối Cao". Ðây là danh hiệu để gọi tên Israel (Xuất Hành 4, 22,23), tên vua (2 Samuel 7,14; Thánh Vịnh 2,7; 89, 27,28) hoặc tên của những kẻ tin (Thánh Vịnh 73, 15).

"Chúa là Thiên Chúa sẽ cho người ngôi Ðavit tổ phụ người, và người sẽ trị vì trên nhà Giacóp". Ở đây không phải là sự trị vì phổ quát, ơn cứu độ của tất cả mọi người. Ðây là vị vua thiên sai. Tất cả nội dung nầy rút ra từ Isaia 9, 5- 6.

- Câu 33: "Người sẽ trị vì trên nhà Giacóp đến muôn đời và vương quyền của người không bao giờ chấm dứt". Nhiều thánh phụ của Giáo Hội đã thấy ở đây sự vĩnh cửu của nước Chúa Giêsu, vương quyền vĩnh cửu và thần tính của Ngài. Nhưng trong ngôn ngữ của hoàng triều, khi người ta nói với vua, người ta vẫn xưng hô: "Vạn tuế, đức vua" (1 Các Vua 1,31; Dn 2,4; 3,9).

Thiên thần báo tin cho Maria hay con của cô sẽ là Ðấng Thiên Sai đang mong đợi, và Ðấng Thiên Sai này là vị thủ lãnh được Chúa gởi đến sống giữa dân của cô. Ðây không phải là khung cảnh của các dân tộc nói chung, nghĩa là nội dung của một sự cứu tinh siêu phàm, phổ quát: người ta báo cho Maria rằng con cô sẽ là một Ðấng Thiên Sai, việc đó đã là quá trọng đại đối với cô.

- Câu 34: "Maria nói với thiên thần: Làm thế nào sự việc xảy đến được vì tôi không ăn ở với chồng tôi?" Ðây là đoạn văn khó nhất và được bàn cãi nhiều nhất trong bối cảnh Truyền Tin, một đoạn văn đặt vấn đề về toàn bộ ý nghĩa mà Maria muốn gắn bó với sự trinh khiết. Có hai lối giải thích đã thành truyền thống, của thánh Augustinô và của Cajetan.

Quan điểm của thánh Augustinô là quan điểm thường được nêu lên và cho đến nay vẫn còn được tín nhiệm; trong lần xuất bản thứ nhất của cuốn "Vocabulaire de Théologie biblique" ở đề mục "Maria", tôi đã dựa vào lối minh giải nầy. Thánh Augustinô giải thích thế nầy: "Làm sao sự việc xảy ra được bởi vì tôi không muốn ăn ở với người nam". Lối giải thích nầy giả thiết Maria đã là vợ của Giuse (theo tập tục địa phương, người ta không cần phải hỏi đến sự thuận ý của đương sự), nhưng cô vẫn giữ mình trinh khiết. Theo truyền thống được phổ biến, thì sự việc nầy thật khó xảy ra vì Cựu Ước đã không bao giờ đề cao giá trị của việc giữ mình trinh khiết (khi có gia đình), trong một thế giới mà phụ nữ được quy hướng về việc sinh con cái (xem sự khác biệt của thái độ bà Bethsabée trước chồng mình là Ðavit và trước con mình là Salomon).

Sống đời trinh khiết do đó không phải là việc được đề cao: một người trinh nữ không có chân đứng trong xã hội, không có ai để bảo vệ, không có con trai. Nhưng từ ngày người ta biết bản Qumran, thì ý niệm về trinh khiết đã có tại Palestine vào thời Maria không phải là không quan niệm được.

Ðiểm khó khăn của lối giải thích nầy, là Maria đã lập gia đình, và không có gì cho phép ta nghĩ rằng cô đã muốn từ bỏ những hậu quả của cuộc sống nầy. Hơn nữa, chính bản văn của Luca tạo cho ta khó khăn trong việc giải thích: "bởi vì tôi không biết (= ăn ở với) người nam" (một lối nói khẳng định của động từ ở thì hiện tại). Như thế Maria đã lập gia đình và cô đang trinh khiết. Thiên thần nói với cô: cô sẽ làm mẹ. Maria trả lời: Vào lúc nầy, tôi không có ăn ở với chồng tôi. Ðể hiểu chính xác điều đó có nghĩa gì, cần lưu ý rằng trong Cựu Ước, khi một thiên thần đến báo tin một cuộc sinh ra lạ lùng, thì sự việc đó tức khắc xẩy đến, đó là Lời Thiên Chúa ứng nghiệm tức khắc lúc nói ra. Maria nói: tôi không thể làm mẹ ngay bây giờ. Ðó là lối giải thích của Cajetan, và cũng là của một số đông các nhà minh giải Kinh Thánh công giáo. Người ta cho chúng ta hay về việc thụ thai cùng một lúc với sự trinh khiết của Maria, và sự trinh thai nầy sẽ được mặc khải ngay bởi lời nói kế tiếp của thiên thần.

Trước viễn ảnh làm Mẹ Ðấng Thiên Sai, Maria không có vẻ nhẫn nhục, cũng không hân hoan: Cô cố tìm hiểu sự việc cho rõ. Mẹ Ðấng Thiên Sai, vâng, nhưng bây giờ thì chưa thể được. Bổn phận nầy thực hiện như thế nào đây? Maria, trinh nữ ngoan hiền, cô muốn dâng hiến cho Thiên Chúa trong sự sáng suốt, trong chân lý!

Nhìn vào bản văn đối chiếu, Zacharia cũng đã nêu lên một câu hỏi (câu 18): Tôi sẽ có dấu nào? Vợ tôi không phải là son sẻ ư? Và dấu chỉ được gởi đến: bởi vì ông đã không tin, nên ông sẽ bị buộc phải nín câm. Ðó là một sự trách cứ. Trái lại, thiên thần ân cần đón nhận thắc mắc của Maria. Vì đây là thắc mắc chính đáng, có giá trị đối với Thiên Chúa. Maria đã không đòi phải có dấu chứng, thế nhưng thiên thần đã đưa lại một, và đúng ra là hai dấu chứng.

Chính thiên thần đã cho Maria thấy cô vừa làm mẹ đồng thời vẫn là nữ trinh.

- Câu 35: "Thiên thần nói với cô: Thánh Thần sẽ đến trên cô và quyền năng của Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ cô bằng bóng rợp của Ngài". Thánh Thần là việc làm của Thiên Chúa, hành động đem lại sự sống; chính Thánh Thần bay là trên thế giới trong buổi tạo dựng vũ trụ. Chúa Giêsu là tạo dựng mới, thế giới mới đang bắt đầu. "Quyền năng của Ðấng Tối Cao bao phủ cô bằng bóng rợp của Ngài": đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong suốt thời xuất hành (Xuất Hành 40, 35; Dân Số 9, 18, 22). Bản văn song song cho thấy Gioan Tẩy Giả sẽ bước đi trong Thánh Thần và quyền năng của Elia, như một tiên tri. Ở đây, nằm vào một bình diện khác: vì đây là Chúa Giêsu được sinh ra do hành động đặc biệt của Thiên Chúa.

"Do đó Ðấng Thánh được sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa" (hoặc: "đấng được sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và người ta sẽ gọi là Con Thiên Chúa). Ðó là câu trả lời cho thắc mắc của Maria. Cô không cần ăn ở với chồng cô. Ðức Giêsu được mặc khải là Con Thiên Chúa vì Ngài được thụ thai bởi Thánh Thần, bởi quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Và Ngài là Ðấng Thánh. Ðây chưa phải là lối nói đã được xếp đặt bởi công đồng Nicée: không có một cách nói nào trừu tượng ở đây; tất cả đều được nêu lên theo những hình ảnh của Cựu Ước, nhưng những hình ảnh thường có giá trị mặc khải hơn là các ý niệm trừu tượng. Ðiều được mặc khải cho thấy đứa trẻ là thánh, là kết quả của việc Thiên Chúa làm, của sự hiện diện hiệu quả của chính Ngài. Thần tính của Chúa Giêsu được quả quyết bằng hai chữ mà Maria có thể hiểu: Maria hiểu sự thánh thiện là gì, Thánh Thần là gì, quyền năng Ðấng Tối Cao là gì. Như thế Luca trình bày tuần tự về mặc khải của Chúa: niềm vui Ðấng Thiên Sai đến, sự sinh ra của Ðấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa được thụ thai do một trinh nữ...

- Câu 36: "Và đây Elisabeth...". Ðây là dấu chứng cho Maria thấy. Elisabeth ở ẩn cho đến ngày sinh con (câu 24). Maria chỉ biết việc đó do lời của thiên thần.

- Câu 37: "Và không có gì mà Thiên Chúa không làm được". Xem Sáng Thế 18,14 trong việc loan tin về sự sinh ra lạ lùng của Isaac.

- Câu 38: "Maria nói với thiên thần: Nầy tôi là tôi tớ của Chúa". Ca tụng về sự khiêm cung của Maria là việc làm chính đáng, nhưng chưa đủ. Trong Thánh Kinh, người ta gọi Abraham là tôi tớ Chúa, gọi Môisen, Ðavit là tôi tớ của Yavê. Ðây không phải là danh hiệu nêu lên sự khiêm tốn, nhưng là chức tước vinh quang tột bậc. Có ba bản văn Cựu Ước ghi lại việc một phụ nữ tự xưng mình là tôi tớ của Chúa mình; Ruth 3, 9; I Các Vua 1,13;1,17 luôn luôn ở trong khung cảnh vợ chồng. Câu trả lời của Maria là sự thuận nhận tình yêu của Chúa.

"Và thiên thần từ giã cô". Người ta không nói việc thụ thai được thực hiện, vì việc đó hẳn là sự việc hiển nhiên; lời Chúa luôn hiệu quả. Bằng chứng? Maria chỗi dậy và lên đường về phía núi... chính Chúa Giêsu đã chiếm hữu Mẹ Ngài để thi hành ý định của Ngài.

II. Sứ Ðiệp Của Bản Văn

Tiếp theo phần chú giải chi tiết trên, bây giờ thử tập hợp các dữ kiện mà chúng ta vừa khám phá. Luca muốn nói gì với chúng ta trong bản văn Truyền Tin nầy?

1. Trước hết là mầu nhiệm về Chúa Giêsu

Tác giả giúp chúng ta nhận ra mầu nhiệm về Chúa Giêsu trong định nghĩa mà thiên thần tuần tự loan báo.

Chữ đầu tiên của lời chào, là sự vui mừng, nỗi vui về Ðấng Thiên Sai, ơn cứu độ. Và phải tìm lại trong thành ngữ nầy tất cả những gì Cựu Ước đã diễn tả. Sau đó, là nội dung cổ điển về Ðấng Thiên Sai ngai Ðavít, nhà Giacop, một nội dung khá hạn hẹp chưa nói gì đến thần tính của Ðấng Thiên Sai, về vai trò phổ quát, về thương khó, về sự sống lại. Và chúng ta thấy ở đây một trong những khía cạnh của đức tin nơi Maria, một đức tin tuần tự triển nở. Cuối cùng, định nghĩa được chuẩn bị do sự tiến triển của toàn bộ biến cố để đi đến câu 35: chữ "Con Thiên Chúa" được nêu lên làm kết luận toàn bích thu tóm tất cả các yếu tố đưa ra trước đó. Con Thiên Chúa, được thụ thai bởi một hành động tức khắc, hiệu quả, của Thánh Thần, của quyền năng Thiên Chúa. Sự việc đó cho thấy rõ Chúa Giêsu được định nghĩa là kẻ có một mối tương giao cá biệt và lạ lùng với Thiên Chúa. Ngài không có cha ở dưới trần. Nên từ đó xuất hiện sự kiện thụ thai trong sự trinh khiết: đây là dấu chỉ cho Maria thấy mối liên hệ độc đáo của Chúa Giêsu với Thiên Chúa. Sự đối chiếu song song với Gioan Tẩy Giả cũng làm nổi bật nội dung nầy. Gioan Tẩy Giả được sinh ra do một phép lạ: sự thụ thai do một phụ nữ son sẻ, từ cha mẹ đã lớn tuổi. Chúa Giêsu được thụ thai một cách trinh khiết do một thanh nữ: sự thụ thai một cách trinh khiết có tương quan với mầu nhiệm về Chúa Giêsu.

2. Chúng ta dừng lại lâu hơn về Maria

Bản văn đó nói với chúng ta điều gì về Maria?

a) Trước hết, bản văn cho chúng ta hay cô là kẻ trinh khiết, rõ rệt hơn, là một kẻ trinh khiết trong hoàn cảnh đã lập gia đình. Và sự trinh khiết nầy đặt cho Maria một vấn đề khó khăn khi thiên thần loan báo cho cô rằng cô sẽ làm mẹ: "làm sao sự thể có thể xẩy ra được?"

Theo lối giải thích của thánh Augustinô đã được truyền thống đạo đức tiếp nhận và có giá trị thuyết phục, đây hẳn là một ý định đã có từ trước của Maria về việc giữ mình trinh khiết. Nhưng cũng phải giả thiết rằng cô đã có một sự mặc khải về việc nầy, bởi đây là một cái gì tuyệt đối mới mẻ. Ngay cả khi tôi bênh vực lối giải thích nầy và cho rằng cô đã quyết tâm đi theo con đường trinh khiết vì những lý do tiết dục như đã thấy ở bản văn Qumran chẳng hạn, tôi cũng đã từng phải nhấn mạnh đến sự khác biệt sâu xa ở việc tiết dục nầy và sự trinh khiết của Maria. Ở nơi bản văn Qumran, tại sao có một số người giữ mình trinh khiết hoặc chủ trương tiết dục? Vì bấy giờ người ta quan niệm hôn nhân tạo ô uế, dầu hợp pháp, nên không thể cho phép người ta thi hành các nghi lễ thờ phượng Chúa. Như thế, đó là một sự trinh khiết tiêu cực, một sự trong sạch có tính cách luật pháp, không mang một ý nghĩa yêu thương nào trong đó.

Sự trinh khiết của Maria, trái lại, được trình bày như là một sự hiến dâng trọn vẹn cho Chúa, như một thánh hiến tích cực, trong ý nghĩa của tình yêu mà tước hiệu "Khekaritomenè" diễn tả, và trong nội dung của câu trả lời: "Tôi là nữ tỳ của Chúa". Nếu sự trinh khiết trong Qumran đến một mức nào đó cho thấy có sự lên án tình trạng hôn nhân, thì sự trinh khiết của Maria là một sự tuyên dương tính cách ưu tiên dành cho Thiên Chúa, nhưng không có gì cho thấy có sự đánh giá thấp hôn nhân. Trong vấn đề nầy, điểm đặc trưng của Tin Mừng chính là xác quyết về giá trị của hôn nhân đồng thời với sự trinh khiết: Hai giá trị hỗ tương, vì sự trinh khiết là chứng tá về các giá trị siêu nhiên, hôn nhân là bí tích của tình yêu và của sự hiện diện tình yêu trong cuộc sống Kitô giáo. Do đó,sự trinh khiết của Maria chỉ có tính cách tích cực, và bản văn thực sự cho ta thấy như thế.

b) Maria trinh khiết và nhận lãnh một lời mời gọi. Không phải tiên quyết sống đời trinh khiết, nhưng là một lời mời gọi yêu thương Thiên Chúa. Cô được mặc khải mình là kẻ được Chúa sủng ái và Chúa ao ước cộng tác với cô trong công việc của Ngài: "Chúa ở cùng cô"; và điều đó do bởi việc làm mẹ của cô. Ðể hiểu vai trò của Maria và ý nghĩa của việc làm mẹ nầy, thì hãy xem Maria sẽ thực thi việc đó thế nào. Cô đã thực thi công trình nầy bằng cách mang Chúa Giêsu đến với Gioan Tẩy Giả, mang Ngài đến tận Bethléem, sinh ra Ngài, ân cần lo lắng cho Ngài như bà mẹ trần thế: vấn tã và đặt vào máng cỏ. Ngoài việc phải nuôi nấng phần xác, cô còn là mẹ trông nom giáo dục cho con. Maria từng trách Chúa khi tìm lại Ngài nơi Ðền Thánh "Hỡi con, sao con đã làm thế đối với cha mẹ?"; lời trách đó cho thấy ý thức trách nhiệm của cô. Làm mẹ, không phải chỉ có việc ban cho một thân xác; nhưng còn là đào tạo thành người, làm triển nở tình cảm và trí khôn của con mình.

Ngày nay, tổ chức giáo dục đã làm cho cha mẹ không còn là những kẻ duy nhất chu toàn việc giáo dục con cái. Phải chăng vì tình trạng phức tạp của văn hóa chúng ta đã ngăn trở việc đó? Nhưng trong thời Maria sống, cha mẹ thực tế lo hết cho con, hoặc hầu như lo tất cả. Có việc giảng dạy tôn giáo ở Nhà Hội, nhưng phần chính yếu là do cha mẹ dạy dỗ ở nhà. Maria cáng đáng việc đào tạo Chúa Giêsu. Giuse có một vai trò, nhưng trong khung cảnh của biến cố trinh thai, Maria ngoài việc đặt tên cho đứa trẻ còn được diễn tả như là người đầu tiên mang trách nhiệm.

Trong nhãn quan tôi trình bày đây và theo tôi nghĩ là ăn khớp với bản văn hơn cả, sự trinh khiết của Maria được mặc khải cho cô cùng một lúc với công việc làm mẹ và trong mối liên hệ với công việc nầy. Về quan điểm thần học, tôi thấy rất đáng lưu ý.

c) Nét đặc trưng cuối cùng về chân dung của Maria, đó là sự mô tả về lòng tin của cô. Lúc đầu, ta chưa thấy có gì rõ nét về nội dung ấy. Nhưng chúng ta biết Maria là một thanh nữ Do Thái, do đó có lòng đạo đức và lòng tin theo tôn giáo nầy. Khi ta thấy cô tuyên dương bài ca tụng Magnificat, không phải ngẫu nhiên người ta chép lại việc cô hát những câu Thánh Vịnh: thực ra cô là một cô gái đạo hạnh trong khuôn khổ tôn giáo truyền thống.

Ðiểm đáng lưu ý hơn hết trong Tin Mừng thời thơ ấu được Luca viết ra, là ưu tư của tác giả muốn chứng minh lòng tin của Maria lớn lên dần trong việc khám phá ý định của Thiên Chúa. Trước hết, cô được mặc khải một cách chung rằng cô là kẻ được Chúa chọn và có một việc gì đó phải làm cho Chúa: "Chúa ở cùng cô". Sau đó cô biết rằng mình sắp làm mẹ và qua câu trả lời về nỗi thắc mắc của mình, cô được mặc khải rằng đây là một việc cưu mang trong tình trạng khiết trinh. Luca không nói đến phản ứng của Giuse, nhưng Mathêu thì lưu ý điểm nầy.

Maria ở vào tình trạng rất khó giải thích: cô lập gia đình và sắp có con mà chồng cô không liên quan gì trong đó. Mathêu, là một tác giả Do Thái nên lưu ý đến đàn ông hơn là phụ nữ, và đã nói đến những khắc khoải của Giuse cho chúng ta hay: "Giuse, vốn là một người công chính và không muốn tố giác cô một cách công khai, đã quyết định âm thầm bỏ cô" (Mt. 1,19). Có hai lối giải thích được đưa ra.

Thông thường các Thánh phụ của Giáo hội, khi nói đến đoạn nầy thì chọn lối giải thích bình dị nhất: Giuse nhận thấy vợ mình mang thai. Vì không phải của mình, thì hẳn là do kẻ khác. Ông không biết phải làm sao. Cuối cùng, ông quyết định bỏ vợ. Về việc bỏ vợ nầy, các nhà minh giải gần đây bàn cãi về thành ngữ: "Giuse vốn là kẻ công chính". Nếu ông là "kẻ công chính", thì thường theo người ta nghĩ, ông hẳn phải tố giác Maria là ngoại tình, và trao nạp cho tòa đời xét xử. Nhưng, ông đã làm ngược lại và quyết định âm thầm bỏ vợ, như thế là ông tự nhận trách nhiệm trong việc ly dị và bỏ vợ là do ở phần mình. Nói khác, Giuse hẳn cam nhận tình trạng khốn đốn bằng cách cho người ta tin là đứa bé là con mình, và, dẫu thế ông vẫn bỏ bà vợ trẻ.

Nhiều tác giả chủ trương lối giải thích khác hơn, đó là lối giải thích của các Giáo phụ "chuyên môn về Maria". Trong đó có Cha X. Léon Dufour (2). Ðây là lập luận tóm lược. Nếu Giuse là "kẻ ngay chính", ông hẳn phải tố giác Maria. Ông đã không làm thế; như vậy là ông đã tiền cảm một mầu nhiệm. Ông không làm sao hiểu, nên ông tự ý rút lui cho êm. Lối minh giải nầy rất có liên hệ mật thiết đến tình cảm kính trọng đối với Maria: Khó có thể chấp nhận việc Maria bị nghi ngờ là thất trung, ngoại tình. Dẫu là ai đi nữa cũng không thể có việc đó xảy ra. Nghĩ như thế, nên các nhà chú giải cố tìm một giải pháp và họ thấy được lối giải thích nầy: Giuse bấy giờ là một "kẻ công chính" và do chính việc đó mà ông không tin vợ mình thất trung.

Theo tôi, xin thú thực là lối giải thích nầy xem ra có phần quá suy đoán và ít ăn khớp với sự việc thường tình của các tập tục Palestine thời đó. Hơn nữa, ta vẫn biết là Maria đã làm thinh. Làm sao có thể nói cho chồng mình rõ ơn gọi lạ lùng của mình: được làm kẻ sủng ái của Chúa, làm Mẹ của Con Thiên Chúa do việc làm của Thánh Thần? Tôi thấy việc Maria giữ thinh lặng là việc giải thích được, sự thinh lặng ẩn kín đó trước hết không phải là của cô, nhưng là của Thiên Chúa: nên để Chúa tùy liệu. Và thái độ đó theo tôi xem ra tôn trọng được tính cách mầu nhiệm của biến cố nầy. Nhưng tất cả các điều nầy hẳn còn là đề tài tìm hiểu của các nhà chú giải Thánh Kinh.

Phần tôi, tôi nghiêng về lối giải thích của các tác giả xưa: Giuse là một "kẻ công chính" nghĩa là rất từ tâm. Ông không muốn trao nạp Maria để cô bị kết án nên tự nhận phần trách nhiệm vào mình trong việc bỏ vợ, khi cô còn mang thai, và dư luận vẫn tin đứa trẻ là con ông. Trong xứ Palestine thời bấy giờ, vợ chồng có thể sống chung trước ngày đưa dâu về nhà chồng, mặc dầu điều đó bị xem là tệ hại. Có lẽ vì chấp nhận tình trạng đáng buồn nầy trước dư luận mà Giuse được gọi là "kẻ công chính".

Nhưng trở lại về lòng tin của Maria, một lòng tin có rất nhiều điều đáng được tìm hiểu. Maria biết mối liên hệ giữa con mình và Thiên Chúa, mối liên hệ duy nhất, độc đáo mà cô được mặc khải trong việc thụ thai trinh khiết của mình. Nhưng cô không có những ý niệm để diễn tả ra một cách rõ rệt: cô không biết đến những lối luận chứng thần học sau nầy, cô không biết đến những từ ngữ biểu tượng của các thánh Tông Ðồ hoặc của Công đồng Nicée (= Kinh Tin Kính). Và chính vì thế phải thấy ở đây câu trả lời cho thắc mắc thường được nêu lên: Maria đã tin vào thần tính của con mình khi Truyền tin hay không? Tôi trả lời là có, không chút ngần ngại. Nhưng cô đã cảm nhận chân lý đó trong ngôn ngữ của cô. Người ta đã không dạy cho cô một chương trình thần học về Maria; đó là không phải là phương cách của Thiên Chúa.

Nếu tôi lấy ơn gọi làm linh mục của tôi để có thể suy diễn, tôi thấy đối với tôi ơn gọi đó không phải đã phát xuất từ một luận án thần học về chức linh mục, cũng như ơn gọi làm tu sĩ của tôi không khởi phát từ một luận án về cuộc sống tu sĩ. Một kẻ bàng quang ngoại đạo có thể giải thích với tôi rằng đó là kết quả giáo dục tôi nhận được trong môi trường sống đạo, rất thâm sâu, của việc tôi gặp một linh mục, các tu sĩ dòng Maristes. Phải nói việc đó hiển nhiên về một khía cạnh nào đó. Nhưng chỉ thế thôi thì các lối giải thích có vẻ phân tâm học nầy xem ra quá hẹp hòi và thiếu sót! Ơn gọi của Maria chắc chắn là cao cả hơn ơn gọi của tôi rất nhiều, nhưng cũng nằm trong một khung cảnh tương tự. Maria đã hiểu Chúa muốn nói với cô: Khi được gọi để làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Maria đã nhận lãnh những gì cần thiết để hiểu điều cô chấp thuận, nên cô đã ý thức về sự liên hệ duy nhất và lạ lùng giữa con cô và Thiên Chúa. Trong ý nghĩa đó, tôi nói rằng Maria đã biết được thần tính của con mình. Nhưng cô không thể diễn tả điều đó trong ngôn ngữ của chúng ta. Nếu muốn, có thể nói rằng Maria là một nhà thần bí, biết nhưng không sở đắc thần học khoa học có thể giúp cô diễn tả kinh nghiệm của mình.

3. Tính cách lịch sử của biến cố Truyền Tin

Nay tôi đề cập đến tính cách lịch sử của biến cố Truyền Tin. Và tôi lưu ý trước là vấn đề này quả khó khăn. Chúng ta thử xem những chữ "biến cố lịch sử" nghĩa là gì?

Ðó là một biến cố mà chúng ta biết được qua các chứng nhân mà ta có thể đánh giá trong tinh thần kiểm thảo.

Napoléon, trận Waterloo theo nghĩa đó là những biến cố lịch sử, vì được chứng thực một cách nghiêm túc. Và người ta có thể tin điều đó, dù ưa hay không ưa Napoléon.

Nay hãy lấy trường hợp cái chết của Chúa Kitô trên thập giá, vào thời Tibêriô, dưới quyền tổng trấn của Philatô. Ðây cũng là một sự kiện lịch sử được kiểm chứng nghiêm túc do kẻ tin cũng như kẻ không tin, do các Tông Ðồ, nhưng cũng do truyền thống Do Thái, do sử gia Tacite trong các ghi chép của ông. Khi kể lại việc bắt bớ các Kitô hữu do Néron chủ xướng, ông viết: "Giáo phái nầy đến từ Giuđêa, nơi khởi phát tất cả những sự xấu xa, tất cả những dị đoan của đông phương, và vị sáng lập là một người nào đó tên là Christos, bị treo lên thập tự do Philatô, dưới thời Tibêriô". Không nhất thiết phải tin vào thần tính của Chúa Giêsu để quả quyết về cái chết của Ngài. Sau ngày Thánh Linh hiện xuống, khi các Tông Ðồ rao giảng Ðức Giêsu sống lại, người ta nói: Không thể có chuyện đó, người ấy đã chết trên thập giá, người ta đã chứng kiến việc đó... Ngoại trừ một vài người lập dị cho rằng Ðức Giêsu là một huyền thoại, không bao giờ có, còn các nhà phê bình đứng đắn thì đều chân nhận cái chết của Ðức Giêsu là một sự kiện lịch sử không thể chối cãi; cụ thể là vì những sự kiện đó được các nhân chứng, tin hoặc không tin, chứng thực.

Sự phục sinh của Ðức Giêsu có phải là một sự kiện theo khuôn khổ đó chăng? Ðây là một sự kiện chỉ được chứng thực và chân nhận bởi các kẻ tin, và có sự tác động của vai trò đức tin của họ trong đó: Mấu chốt và bản chất của đức tin Kitô giáo chúng ta nằm ở đây. Quả quyết rằng Ðức Giêsu được sống lại, là nói rằng Ðức Giêsu đã thoát ra khỏi những điều kiện tổng quát của lịch sử. Khi một người đã chết, người đó không tự mình đi ra khỏi mồ.

Trường hợp của Ðức Giêsu là duy nhất. Ðã có những cuộc sống lại khác, những lần Chúa Giêsu đã thực hiện trước đó: nhưng chúng không phải ở trong cùng một bình diện như thế. Người con gái của Jaire, Lazarô đã tìm lại được chính sự sống mà họ đã lìa mất. Họ tiếp tục sống, già và chết. Trong khi đó, sự sống lại của Ðức Giêsu là sự chuyển qua một hoàn cảnh sống mới, thoát khỏi không gian và thời gian, đi vào cõi đời đời của Thiên Chúa. Chúng ta nói Ngài đã được nâng lên, đưa lên trời; sự kiện đó chỉ có thể nhận thấy, biết, chân nhận được trong một sự vươn lên khỏi những quy luật thường tình của cuộc sống con người. Chỉ có thể quả quyết sự sống lại của Ðức Kitô khi tự mình dấn thân vào cuộc sốùng đức tin. Quả quyết rằng Ðức Giêsu chết có thể là một sự việc của kẻ tin cũng như kẻ không tin. Quả quyết sự sống lại của Ngài là công việc đặc biệt của kẻ tin và đưa ta vào lãnh vực của đức tin, giúp ta đạt được những thực thể siêu vượt lên trên trật tự thuần lịch sử.

Sự kiện lịch sử được chân nhận do chứng cứ khách quan về các thực thể mà người ta có thể quả quyết mà không lý đến sự dấn thân của chính đương sự. Những sự kiện thuần túy siêu nhiên lại chỉ có thể xác quyết nếu người ta chấp nhận có sự sống siêu nhiên và gắn bó cuộc sống mình với các sự kiện đó. Ðây là trường hợp về sự sống lại của Chúa Kitô trong tất cả các chiều kích của nó.

Và trường hợp của Truyền Tin cũng như thế; nó được trình bày như một kinh nghiệm siêu nhiên và nội tâm. Một người muốn chụp lại cảnh tượng xảy ra tại Nazareth có thể chỉ lấy được hình ảnh của trinh nữ; và một máy thu thanh chắc cũng không ghi được câu nói nào. Một cuộc xuất hiện của thiên thần trong nội dung thực sự thần học, là một hiện tượng siêu nhiên, tinh thần, nội tâm. Ðiều đó không có nghĩa là không có thực. Nhưng đây là trật tự của những thực tại thuộc một lối nhận thức khác, và do đó cần một hình thức kiểm chứng, nhân chứng khác.

Biến cố Truyền Tin chỉ có Maria trực tiếp cảm nhận. Không có nhân chứng bên ngoài: Việc xảy ra khách quan một thời gian sau đó là việc Maria làm mẹ. Và chỉ có Maria mới biết đứa trẻ nầy đã được cưu mang trong trinh khiết. Tự nó, sự kiện nầy không thể đem ra để kiểm chứng về mặt thuần lịch sử. Như thế làm sao để mọi người được biết? Phải kết luận rằng: do chính Maria. Nhưng việc cô đã nói ra có phải là kỳ lạ lắm không? Tôi sẽ trả lời rằng: việc đó tùy ở vào thời điểm nào. Theo bản văn của Mathêu, Maria đã không nói gì với Giuse lúc đầu, và việc đó xem ra rất xác thực. Nhưng Luca, người đã kể lại cho chúng ta biến cố Truyền Tin thì cũng nói cho chúng ta hay rằng Maria hiện diện với Giáo Hội đang hình thành sau khi Chúa lên trời; Mẹ cầu nguyện với các tín hữu. Phải chăng khi Chúa Giêsu sống lại và người ta nhận ra Ngài là Thiên Chúa, bấy giờ người ta đã hỏi Maria? Phải chăng người ta đã xin Mẹ kể lại kinh nghiệm của mình, khi Thánh Thần đã được ban cho Giáo hội?

Theo cảm thức của chúng tôi, tôi thấy có một mối tương quan lạ lùng giữa sự trinh thai và ngày hiện xuống của Thánh Thần. Phải chăng trong bầu khí đó, khi các Tông Ðồ vừa lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Giêsu, Maria đã trình bày với họ về sự trinh thai trong việc cưu mang Chúa và Ngài đã sinh ra từ Thánh Thần? Chúa Giêsu ban Thánh Thần vì chính Ngài là kết quả của Thánh Thần trong nhân tính của Ngài. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một giả thiết. Trong Tân Ước, không thấy có đoạn nào nhắc đến sự việc nầy. Nhưng có một chỉ dẫn khác rất đáng lưu ý. Luca đã hai lần liền, trong Tin Mừng thời thơ ấu Chúa, cho chúng ta hay: "Maria đã ghi khắc trong lòng những sự việc ấy và suy niệm chúng" (2,19; 2,15). Cách nói đó nhiều lần được sử dụng trong sách Daniel (chẳng hạn xem 7, 28) khi cần diễn tả một mặc khải chung cuộc hướng về tương lai: "Ông ta giữ tất cả các điều đó trong lòng mình, trong ký ức mình", có nghĩa là ông ta cất giữ một sứ điệp sau nầy phải thông đạt.

Khi Luca nói với chúng ta rằng Maria giữ lại và suy niệm các sự việc đó trong lòng cô, phải chăng cho chúng ta hiểu rằng cô không nói ra ngay liền? Và rất có thể trong lúc Chúa Giêsu còn sống, Maria đã thinh lặng. Người phải nói là Chúa Giêsu. Nhưng khi Chúa Giêsu đã ở trong sự vinh quang của Ngài, khi Giáo Hội sống bằng Thánh Thần, thì việc quay lại Maria để hỏi về các kỷ niệm của Ngài, nhất là những gì còn ẩn kín trong lòng Maria thiết tưởng không có gì lạ. Phải nhận rằng Tin Mừng còn cho chúng ta khoảng trống để suy nghĩ.

Nhưng điều chúng ta có thể chân nhận, là sự tin tưởng vào trinh thai không phải là ý kiến riêng của Luca. Việc chúng ta cũng thấy lòng tin đó trong Mathêu và nội dung nầy đã xuất hiện liên hệ đến Isaia 7,14, dưới hình thức Hagadah midrashique, chứng minh rằng đây là một xác quyết của cộng đoàn Palestine trong các năm 50. Như thế - với tinh thần kiểm thảo đúng mức - thật khó mà quan niệm được lòng tin nầy của cộng đoàn Palestine vào các năm 50 đã không có liên quan đến nhân chứng của Maria!

Và sau nầy, khi Luca viết Tin Mừng, nếu có một cấu trúc văn chương riêng, một sự sắp xếp để có thể chuyển đạt, tôi nghĩ rằng việc đó xuất phát từ nhân chứng của Maria được Giáo Hội tiếp nhận. Cần phải lưu ý điểm nầy: Tin Mừng được viết ra trong Giáo Hội, trong truyền thống và dưới sự kiểm soát của Giáo Hội: Ðây là một sự bảo đảm nghiêm chỉnh.

Bởi vì trinh thai là một sự kiện hết sức siêu nhiên và nội tâm, chỉ có thể tiếp nhận qua nhân chứng của một mình Maria, và đòi hỏi nỗ lực của đức tin, nên nó không phải là một sự kiện lịch sử theo nghĩa chúng ta đã nêu lên như trường hợp về cái chết của Ðức Giêsu. Nhưng trinh thai là một sự kiện có thực, đã xảy ra trong lịch sử chứ không phải là một ý niệm được thăng hoa, một lối giải thích thần thánh hóa được biến chế ra sau đó. Khi ta tin Ðức Giêsu là Thiên Chúa, Ðức Maria phải có một dấu chứng về sứ mạng được giao phó, tại sao ta lại chối bỏ rằng dấu chứng đó là sự trinh thai, một dấu chứng hùng hồn đặc biệt và được bản văn Kinh Thánh chứng thực?

 

Chú Thích:

(2) Mélanges Robert, Paris 1957, các trang 390-397; N.R. TH 1959, các trang 225-231; Etudes d' Evangile, Paris, 1965, các trang 79-81.

 

Centre de recherches religieuses

André de Phú Yên

(C) Copy Right by Ðịnh Hướng Tùng Thư

13 g rue de l'ILL, F. 67116 Reichstett, France

Tái Bản 2004

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page