Chúa Thánh Thần

và Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chúa Thánh Thần và Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Nhân lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12), xin lược dịch để cống hiến bạn đọc bài viết của tác giả Dwight P. Campbell giới thiệu nền Thánh Mẫu Học độc đáo của Thánh Maximilianô Kolbe, nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bài đươc đăng trên catholicculture.org. vào tháng Năm 1993.

Sơ lược tiểu sử thánh Maximilianô Kolbe

Thánh nhân sinh tại Balan năm 1894 và khi rửa tội được đặt tên là Raymunđô. Khi gia nhập tập viện dòng Phanxicô năm 1910, ngài được gọi là Maximilianô. Ba năm sau khi khấn dòng vào năm 1914, cùng với sáu tu sĩ cùng dòng, ngài thành lập hội "Chiến Binh của Ðức Nữ Trinh Maria Vô Nhiễm" nhắc nhở mình đang sống trong Giáo Hội Chiến Ðấu ở trần gian. Ngài thụ phong Linh Mục tại Rôma năm 1918. Bốn năm sau, 1922, ngài xuất bản tạp chí "Hiệp sĩ của Mẹ Vô Nhiễm," thoạt đầu bằng tiếng Balan, sau đó thêm một vài ngôn ngữ khác nữa. Với tạp chí ấy, ngài dần trở thành một nhà truyền bá xuất chúng lòng sung kính Mẹ Maria qua phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, truyền thanh và truyền hình.

Năm 1927, nhờ sự dâng cúng của một mạnh thường quân giầu có, ngài xây dựng cả một khu vực rộng lớn nằm ở ngoại ô thủ đô Varsava, gọi là "Làng Vô Nhiễm," nhằm đào tạo giáo dân và tu sĩ cũng như linh mục trở thành tông đồ của Mẹ Maria. Nhóm truyền giáo đầu tiên được gửi sang Nhật Bản là thành quả đầu tiên của cuộc đào tạo này. Năm 1930, ngài thành lập nhà xuất bản Tông Ðồ Mẹ Maria tại Nagasaki, một trong hai thành phố sẽ bị bỏ bom nguyên tử trong cuộc Ðệ Nhị Thế Chiến.

Năm 1939, ngài bị Ðức Quốc Xã bắt tại Balan, và sau đó bị giam tại trại Auschwitz lừng danh. Hai năm sau, 1941, vì có một người tù vượt trại mà không bị bắt lại, chiếu theo nội quy trại, 10 người tù sẽ phải chết thay. Vì cảm thương một trong số mười người xấu số này với gia cảnh vợ con nheo nhóc, ngài đã tự nguyện thế chỗ cho người đó. Ðoàn 10 người lập tức đươc đưa vào ngục tối, bị bỏ đói cho đến chết. Mấy ngày sau, khi cai ngục vào kiểm tra, thấy ngài vẫn còn sống, liền chích cho ngài mũi thuốc độc ân huệ. Hôm đó là ngày 14 tháng 8 năm 1941, tức vọng lễ Ðức Mẹ Mông Triệu. Qua cái chết anh hùng này, ngài trở thành một "người tù kiệt xuất", bởi đã đem cuộc đời mình minh họa đúng từng nét từng lời của Thầy Chí Thánh: "Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ hiến mạng sống vì bạn hữu mình". Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Ðệ Nhị phong hiển thánh Tử Ðạo vào ngày 10 tháng 10 năm 1982.

Thánh Mẫu Học của Thánh Maximilianô Kolbe

Có ý kiến cho rằng các sách thiêng liêng ngày nay không phản ảnh đầy đủ giáo lý về Chúa Thánh Thần. Nhiệm vụ của các chuyên gia là suy niệm sâu xa hơn về những công trình của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ, và làm sao để các tác phẩm thiêng liêng Kitô giáo nhấn mạnh đúng mức đến tác động ban sự sống của Ngài. Công trình nghiên cứu như thế tất sẽ làm nổi bật mối tương quan tiềm ẩn giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Nữ Trinh thành Nazarét, cũng như cho thấy tầm ảnh hưởng của các Ngài trên Hội Thánh. Chính từ sự suy niệm sâu xa hơn về các chân lý đức tin này mà một nền đạo đức phong phú hơn nữa sẽ tuôn chảy ra. [1]

Ðó là đoạn trích dẫn từ Tông Huấn "Marialis Cultus" mà Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1974. Ðiều không ngờ là Thánh Maximilianô Kolbe đã hiến trọn đời mình để khai triển một nền Thánh Mẫu học khai mở "mối tương quan tiềm ẩn giữa Chúa Thánh Thần và Ðức Nữ Trinh thành Nazarét"; một nền thần học giầu trực quan, độc đáo trong lối tiếp cận, và góp phần làm phong phú nền đạo đức cho các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Trung thành với truyền thống Công giáo, Thánh Maximilianô Kolbe nhìn thấy rõ vị trí cao trổi của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và vai trò làm người mang đầy ý thức cộng tác với tất cả mọi ân sủng Thiên Chúa ban cho loài người. Nhưng trong khi Thánh Truyền - mà những tác giả tiêu biểu như Thánh Luy đệ Montfort - đều nhấn mạnh đến vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, thì Kolbe lại nhìn vai trò "thông ơn Thiên Chúa" của Mẹ như được gắn liền và xuất phát từ mối tương quan mật thiết và tiềm ẩn của Mẹ với Chúa Thánh Thần.

Vả lại, theo Kolbe, con đường ân sủng của Chúa đến với chúng ta là đi từ Chúa Cha, qua Chúa Con và bởi Chúa Thánh Thần, thì khi chúng ta đi trở ngược lại với Chúa Cha cũng phải đi qua thứ tự như thế. Nghĩa là, sự đáp trả yêu thương của ta đối với tình yêu và ân sủng của Chúa phải đi từ Chúa Thánh Thần (Ðấng làm việc qua Mẹ Maria), qua Chúa Con để trở về với Chúa Cha. [2]

Kolbe nhìn vai trò cao trổi của Mẹ Maria theo thứ tự (ordo) vừa nói như xuất phát đặc biệt từ sự kết hợp độc nhất và mật thiết với Chúa Thánh Thần. Ngài cho rằng Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn Mẹ Maria theo một cách thức khôn tả đến độ vượt xa và mang nét đậm đà hơn là sự kết hợp giữa Chúa Thánh Thần và các linh hồn bằng ơn thánh hoá qua bí tích Rửa Tội. [3]

Ðể diễn tả mối kết hợp mật thiết sâu đậm này giữa Mẹ Maria và Ngôi Ba Thiên Chúa, trung thành với Thánh Truyền, [4] Kolbe bảo rằng Mẹ Maria chính là "hiền thê" của Chúa Thánh Thần. Thế nhưng ngay sau đó, ngài lại tỏ ra bất mãn với từ ngữ ấy, bởi vì từ "hiền thê" thực ra vẫn không đầy đủ để diễn tả mối tương quan mật thiết và nhiệm mầu này. Trong hôn nhân, người nam và người nữ kết hợp với nhau qua ân sủng bí tích để nên "một thịt một xương" một cách thần bí. Thế nhưng, Kolbe nhìn thấy sư kết hợp giữa Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần còn mật thiết nhiều hơn cả sự kết hợp vợ chồng nữa. "Nếu trong loài thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, sự kết hợp vợ chồng là thân mật nhất, thì còn phân minh hơn nữa, nội tâm hơn nữa, cốt yếu hơn nữa, khi nói đến việc Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm, tận sâu thẳm hữu thể của Mẹ." [5]

Ðiều gì khiến cho Mẹ Maria có được mối tương quan đặc biệt với Chúa Thánh Thần như thế? Kolbe trả lời đó là nhờ đặc ân Ðầu Thai Vô Nhiễm của Mẹ, vốn được hoàn thành qua công trình trực tiếp của Chúa Thánh Thần. Với đặc ân này, Chúa Cha và Chúa Con muốn rằng Mẹ Maria kết hợp với Thánh Thần Tình Yêu theo một cách thức gần gũi và thân mật đến độ cho phép Chúa Thánh Thần đem được sự Nhập Thể của Ngôi Lời vào trong cung lòng Mẹ, khiến Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa; đồng thời sự kết hợp này khiến cho Mẹ Maria trở thành dụng cụ hay ống máng qua đó Chúa Thánh Thần thông ban tất cả moi ân huệ do công nghiệp của Chúa Kitô lập ra. Kolbe nhấn mạnh rằng ý nghĩa phân minh của "Ðầu Thai Vô Nhiễm" là một mầu nhiệm cả thể, sâu xa và nhiệm lạ đến độ ta không hiểu được hoàn toàn.

Lối tiếp cận của Kolbe, nhất là khi nhấn mạnh đến mối tương quan giữa đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và tư cách thông ơn Thiên Chúa của Mẹ Maria, tìm thấy sự biện minh và hỗ trợ trong "Marialis Cultus" và các văn kiện của Thánh Truyền. Trong "Marialis Cultus" Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng, bên cạnh chiều hướng Kitô học của việc sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria, thật là xứng hợp khi nêu bật lên trong việc sùng kính này một trong các sự kiện cốt yếu của Ðức Tin, đó là Ngôi Vị và công trình của Chúa Thánh Thần. Trong cùng một đoạn văn, ta đọc thấy rằng:

"Suy tư thần học và phụng vụ cho thấy rằng việc can thiệp mang tính cách thánh hóa của Chúa Thánh Thần nơi Ðức Trinh Nữ thành Nazarét quả là một khoảnh khắc cao điểm tác động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ. Chẳng hạn như một số Giáo Phụ và tác giả Giáo Hội học đã quy kết sự thánh thiện nguyên thủy của Mẹ Maria như là công trình của Chúa Thánh Thần, y như được "nắn đúc từ bàn tay của Chúa Thánh Thần để trở thành một bản thể mới và một tạo vật mới"... Các vị ấy nhìn thấy trong mối tương quan nhiệm mầu giữa Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria một khía cạnh khơi gợi về hôn nhân. ...Các vị gọi Mẹ là "Ðền Thờ Chúa Thánh Thần," một diễn ngữ nhấn mạnh đến tính cách linh thánh của Mẹ hiện trở thành nơi cư ngụ vĩnh viễn của Thánh Thần Thiên Chúa. Ðào sâu hơn nữa vào học thuyết về Ðấng An Ủi, các vị ấy nhìn thấy từ nơi Ngài, như là một mạch suối tuôn tràn nguồn sung mãn ân sủng (x. Luca 1:28) và sự dồi dào tặng ân trang điểm cho Mẹ... Trên hết, các vị ấy chạy đến xin Ðức Trinh Nữ cầu bầu để Chúa Thánh Thần ban cho khả năng sinh hạ Chúa Kitô trong cõi lòng mình, như Thánh Anphong đã thốt lên trong lời kinh đầy chất giáo lý sâu xa và có uy lực khẩn cầu: "Lậy Ðức Nữ Trinh, xin Mẹ ban cho con Chúa Giêsu từ tay Chúa Thánh Thần mà nhờ Ngài Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu. Xin cho linh hồn con biết đón nhận Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà nhờ Ngài cung lòng Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu... Xin cho con biết yêu Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, nơi Ngài, Mẹ đã thờ lậy Chúa Giêsu như là Chúa và ngắm nhìn Người như Con của Mẹ. [6]

Suốt cả quãng đời trưởng thành, Kolbe đã cố công thấu nhập vào mối tương quan độc nhất và tiềm ẩn của Mẹ Maria với Chúa Thánh Thần. Thánh nhân đặc biệt chú ý đến những lời của Mẹ nói với Thánh Bernadette ở Lộ Ðức: "Ta là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm" mà theo ngài, như mang một ý nghĩa mạc khải đặc biệt. Có thể bảo rằng những lời Mẹ nói với Bernadette đã ám ảnh Kolbe đến độ thánh nhân không ngừng tìm hiểu để thấu suốt mầu nhiệm sâu xa ẩn chứa trong đó. Kolbe cho rằng những lời nói của Mẹ không chỉ cho thấy sự kiện Mẹ đã được đầu thai không vương tội lụy, mà còn minh chứng cho cách thức mà đặc ân này thuộc về Mẹ. Ðây không phải là một cái gì phụ thuộc, mà là cái thực sự thuộc về chính bản thể Mẹ. Bởi vì Mẹ chính là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm bằng xương bằng thịt." [7]

Chỉ vài giờ đồng hồ trước khi bị Ðức Quốc Xã bắt giam vào ngày 17 tháng 2 năm 1941, Thánh Maximilianô Kolbe đã đạt được một tầm nhìn sâu xa vốn không chỉ giúp ta thấu hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa Mẹ và Chúa Thánh Thần, mà còn cho ta một thấu đạt đến tận chiều sâu về Chúa Thánh Thần như là Ngôi Thiên Chúa tự muôn đời xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Thánh nhân còn giúp ta hiểu rõ hơn vai trò của Mẹ Maria trong việc phân phát mọi ơn lành mà Thiên Chúa ban cho loài người trong kế hoạch cứu độ.

Trong tác phẩm của mình, Kolbe cho rằng trong khi Mẹ Maria là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm được-tạo-dựng, được tạo dựng qua tình yêu của Thiên Chúa và công trình của Chúa Thánh Thần để trở thành một tạo vật duy nhất được đổ tràn ân sủng và được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần chính là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm Phi-Thụ-Tạo, được "thai nghén" từ tình yêu tuôn tràn vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con, một tình yêu toàn hảo đến độ được ngôi vị hoá. Kolbe cho rằng việc Mẹ Maria trở thành Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm được-tạo-dựng, là do bởi công trình trực tiếp của Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm Phi-Thụ-Tạo. Cả hai cuộc đầu thai đều là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa: Mẹ Maria thì được tạo dựng và ở trong thời gian, còn Chúa Thánh Thần thì Phi-Thụ-Tạo và vĩnh cửu. Thật là ý nghĩa, chính khi những dòng chữ cuối cùng được viết ra, Kolbe đặt tên cho Chúa Thánh Thần là "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm Phi-Thụ-Tạo," để lần đầu tiên phân biệt "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm" này với Mẹ Maria là "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm được-tạo-dựng."

Tác phẩm của Maximilianô Kolbe cho thấy rõ thánh nhân nắm rất vững nền thần học của Thánh Tôma. Ta chỉ có thể nói về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của loài thụ tạo, như Thánh Tôma viết: "Lời nói là những chỉ dấu của tư tưởng, và tư tưởng là sự tương tự của sự vật. Như thế, ta chỉ có thể đặt tên cho một vật gì khi ta đã thấu hiểu nó... Ta biết được Thiên Chúa như là nguyên lý của thụ tạo... Vì thế, cho dù ta dùng ngôn ngữ thụ tạo để đặt tên cho Thiên Chúa, nhưng không hề có nghĩa là ngôn ngữ ấy đã diễn tả hết bản chất của Ngài." [8]

Thế có nghĩa là những ngôn từ ta dùng nói về những thực tại thụ tạo thì chỉ diễn tả các thuộc tính của Thiên Chúa một cách khập khiễng, hạn chế và loại suy mà thôi. Từ "đầu thai" ở đây cũng không thoát khỏi quy luật này. Kolbe biết rằng ở Lộ Ðức, Mẹ Maria đã tự xưng mình là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm, qua đó thánh nhân hiểu rằng "Bản tính của Mẹ là Ðầu Thai Vô Nhiễm." Ngài viết: "Chúa Thánh Thần là ai? Là sự nở hoa tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nếu hoa trái của tình yêu thụ tạo là một đầu thai thụ tạo, thì hoa quả của Tình Yêu Thiên Chúa, vốn là mẫu mực cho mọi tình yêu thụ tạo, tất nhiên phải là một "đầu thai" thần linh. Như thế, Chúa Thánh Thần chính là "đầu thai vĩnh cửu, Phi-Thụ-Tạo," là mẫu mực cho mọi đầu thai nhân rộng đời sống ra toàn vũ trụ." [9]

Nhưng khi nói "bản tính của Mẹ là Ðầu Thai Vô Nhiễm" thực sự Kolbe muốn nói gì? Trước hết, ta phải loại bỏ những điều thánh nhân không muốn ám chỉ. Rõ ràng Kolbe không muốn nói là Mẹ Maria không hề có một bản tính nhân loại qua việc truyền sinh loài người. Mẹ Maria hoàn toàn là một con người. Mẹ nhận được bản tính nhân loại từ cha mẹ tự nhiên của mình. Kolbe cũng không muốn nói rằng Mẹ Maria có một bản tính "siêu nhân." Cũng không có nghĩa là Ðầu Thai Vô Nhiễm là một cái gì được "thêm vào" cho bản tính nhân loại của Mẹ khiến Mẹ trở thành một cái gì khác với hữu thể nhân loại. Không, tự bản chất, Mẹ Maria hoàn toàn là một con người, y như mỗi người chúng ta vậy. Ðiểm khác nhau giữa Mẹ và tất cả mọi người chính là ân sủng. Sự kiện là, ở ngay thời điểm Mẹ được tạo dựng/thụ thai, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, Mẹ đã được ban cho một ơn đặc biệt, một đặc ân, mà trong luân thư tuyên bố tín điều Ðầu Thai Vô Nhiễm - Ineffabilis Deus - Ðức Giáo Hoàng Piô IX nói là Mẹ được gìn giữ cho khỏi mọi vết tích Nguyên Tội.

Ân sủng được xây dựng trên bản tính. Nếu bảo rằng Ðầu Thai Vô Nhiễm là một điều thuộc bản tính nhân loại của Mẹ, không phải là một đặc ân, thì có nghĩa là đi ngược lại điều Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố; bởi vì nếu do bản tính mà Mẹ là "Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm" thì không cần đến một hồng ân đặc biệt nào cả. Thế nên, kiểu nói của Kolbe "bản tính của Mẹ là Ðầu Thai Vô Nhiễm" cần phải được minh định: ngài muốn dùng lối nói này để cho thấy rằng Ðầu Thai Vô Nhiễm đúng là bản thân của Mẹ nên Mẹ mới tự xưng mình là như thế.

Chính nhờ hồng ân đặc biệt này, một đặc ân mà không một ai có được, ngoại trừ một mình Mẹ, nên Mẹ mới có thể tự xưng: "Ta là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm." Hồng ân đặc biệt này - vốn một cách khôn tả kết hợp Mẹ với Chúa Thánh Thần, khiến Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa và là người cộng tác tích cực và đầy ý thức với mọi ơn huệ Thiên Chúa ban cho loài người - đã trở thành đồng nhất với bản thân Mẹ một cách chặt chẽ đến độ Mẹ thật sự có thể đồng hóa ân sủng này với chính bản thân, với chính hữu thể của Mẹ.

Loại suy có thể giúp làm sáng tỏ điểm này. Chúa Giêsu Kitô thực sự có thể nói: "Ta là Tư Tế Vĩnh Cửu." Ngài là Thầy Cả Thượng Phẩm Vĩnh Cửu do bởi mầu nhiệm ngôi hiệp trong đó Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa kết hợp với một bản tính nhân loại, và do sự kiện Ngài tự hiến với tư cách vừa là Tư Tế, vừa là Nạn Nhân của Thâp tự giá trên đỉnh Calvariô. Không ai có thể tuyên bố như Ngài (cho dù các linh mục, do thông phần vào chức tư tế của Ngài, có thể nói rằng: "Tôi là một tư tế"). Cũng vậy, Mẹ Maria thực sự có thể nói: "Ta là Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm (được tạo dựng)" bởi vì hồng ân đặc biệt này không hề được ban cho ai khác ngoài Mẹ, y như Mẹ đang nói với ta rằng: "Chỉ có mình Mẹ đây là đươc gìn giữ không vướng lây dấu vết tội lỗi từ lúc đầu thai. Chỉ có mình Mẹ đây là được kết hợp một cách nhiệm mầu với Chúa Thánh Thần. Chỉ có mình Mẹ đây là Mẹ Chúa Giêsu, Ngôi Lời mặc xác phàm. Và cũng chỉ mình Mẹ đây, với tất cả Trái Tim Vô Nhiễm, xưa đã cộng tác với cái chết cứu chuộc của Con Mẹ thì hôm nay đang cộng tác với Chúa Thánh Thần để phân phát mọi ân sủng đền từ công nghiệp của Chúa Giêsu."

Một cách nhìn khác vào đặc ân mà Mẹ nhận được là so sánh với ân sủng bí tích vốn ghi dấu không phai mờ trong linh hồn, và gây nguồn cảm hứng cho mọi khả năng thiêng liêng. Bí tích Rửa Tội biến ta thành con cái Thiên Chúa, khiến ta được bước vào Vương Quốc của Ngài; bí tích Truyền chức khiến một số người được thông phần vào chức tư tế vĩnh cửu của Chúa Giêsu, biến họ nên giống Ngài và thi hành ba chức năng tư tế là giảng dậy, thánh hoá và lãnh đạo. Cũng thế, đặc ân Mẹ nhận được từ lúc đầu thai đã kết hợp Mẹ một cách đặc biệt và không phai mờ với Chúa Thánh Thần, và đặc ân này khiến Mẹ có khả năng phản ảnh trong linh hồn mình cái thuộc tính căn cơ nhất được biệt gán cho Chúa Thánh Thần: năng lực Tình Yêu Thiên Chúa mang lại hoa trái dồi dào. Chúa Thánh Thần là Ngôi Tình Yêu, Tình Yêu vừa đón nhận vừa phát sinh hiệu quả. Chúa Thánh Thần hoàn toàn đón nhận tình yêu từ muôn đời tuôn chảy giữa Ngôi Cha và Ngôi Con; Ngài khiến tình yêu này sinh hoa trái phong nhiêu vô cùng. Còn phần Mẹ, sự đón nhận được bộc lộ trong lời "Xin Vâng," qua đó Mẹ hoàn toàn rộng mở đón nhận tình yêu sáng tạo của Chúa Thánh Thần, và từ đó cũng ban phát muôn vàn hoa trái: Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Với tư cách là hiền thê của Chúa Thánh Thần, Mẹ góp phần phân phát ân sủng do công nghiệp Con Mẹ mang lại. Trong ý nghĩa này, Kolbe viết: "Chúa Thánh Thần khiến cho Mẹ sinh được nhiều hoa trái ngay từ lúc vào đời, cho đến suốt cuộc đời, và cho đến mãi muôn đời. Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm vĩnh cửu này, tức Chúa Thánh Thần, một cách vô nhiễm, đã cưu mang mầm sống thiên linh tận thẳm sâu linh hồn Mẹ, khiến cho Mẹ trở thành Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm, một Ðầu Thai Vô Nhiễm nhân loại. Chính cung lòng trinh tuyết của Mẹ đã được gìn giữ linh thánh cho Chúa Giêsu; ở nơi đó, Ngài đã xuống thai, trong thời gian, mặc lấy đời sống nhân loại của vị Thiên Chúa làm người."

Kolbe dùng những lời Mẹ nói ở Lộ Ðức không phải để khai triển một nền thần học Tam Vị về Chúa Thánh Thần. Ðó chỉ là phương tiện cho một mục đích. Mục tiêu của thánh nhân là đem lại một hiểu biết sâu đậm hơn về Mẹ Maria trong ánh sáng những lời hay đẹp Mẹ nói cho Bernadette, và cũng để trả lời cho câu hỏi đã nung nấu biết bao lời kinh và suy niệm của ngài: "Mẹ là ai, hỡi Ðấng Ðầu Thai Vô Nhiễm?"

Nếu có thể cô đọng trong một đoạn, thì đây là tóm gọn suy tư thần học lồng trong nền Thánh Mẫu học của Thánh Maximilianô Kolbe: cũng y như việc đầu thai vô nhiễm của Trinh Nữ Maria được quy hướng về mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, Thiên Chúa mặc xác phàm, thì sự kết hợp thần bí giữa Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần, khởi sự từ thời điểm Ðầu Thai Vô Nhiễm của Mẹ, tìm thấy được ý nghĩa và mục đích tối hậu khi Chúa Thánh Thần hình thành xác thể của Ngôi Lời Vĩnh Cửu trong cung lòng trinh tuyết của Mẹ. Thế nhưng, do bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và do bởi sự kết hợp thần bí của Mẹ với Chúa Thánh Thần, do đó vai trò của Mẹ trong kế hoạch cứu độ của Chúa không kết thúc ở mầu nhiệm Nhập Thể, mà đi xa hơn thế--để bao gồm cả sự cộng tác đầy ý thức và hoàn toàn tự do của Mẹ với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong công trình cứu chuộc và cứu độ ngay dưới chân Thập giá, trong suốt phần đời còn lại của Mẹ trên dương thế, và cả hôm nay nữa, trên chốn thiên cung.

--------------------------------------------------

[1] Pope Paul VI, Marialis Cultus (Apostolic Exhortation For the Right Ordering and Development of Devotion to the Blessed Virgin Mary) Feb.2, 1974, No. 27

[2] Fr. H. M. Manteau-Bonamy, O.P., Immaculate Conception and the Holy Spirit (Knosha, Wisc.: Prow Books/Franciscan Marytown Press, 1977) 3-5, from Final Sketch by St. Maximilìan Kolbe, Feb. 17, 1941. This book has been republished recently by Ignatius Press.

[3] Ibid., 52, from conference by Kolbe, April 9, 1938.

[4] In Marialis Cultus, No. 26, Paul VI says, "The Fathers and writers of the Church... in examining more deeply the mystery of the Incarnation, saw in the mysterious relationship between the Spirit and Mary an aspect redolent of marriage, poetically portrayed by Prudentius: "The unwed Virgin espoused by the Spirit."

[5] Manteau-Bohamy, 57, quoting from Final Sketch by Kolbe.

[6] Marialis Cultus, No. 25

[7] Manteau-Bonamy, 7, quoting from Letter by Kolbe from Nagasaki to the Youth of the Franciscan Order, Feb. 28, 1933.

[8] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q. 13, a. 1

[9] Manteau-Bohamy, 3, quoting from Final Sketch by Kolbe.

{Ghi chú thêm: loài thụ tạo = loài được tạo dựng; Phi-Thụ-Tạo = Không-Ðược-Tạo-Dựng hay không phải là loài được tạo dựng).

 

Nguyễn Kim Ngân

5/12/2005

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page