Các giáo phụ

và những nhà Cải Cách của Tin lành

đã nói gì về Ðức Mẹ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

A. Các giáo phụ và những nhà Cải Cách của Tin lành đã nói gì về Ðức Mẹ Ðồng Trinh:

1. Các Giáo Phụ đã bảo vệ Ðức Ðồng Trinh trọn đời của Ðức Mẹ:

a. Thánh Athanasiô: Ngài dẫn đầu cuộc chiến chống lại bè rối Ariô, Ngài rất được giáo phái Tin lành kính trọng. Trong cuốn những bài chống lạc thuyết Ariô, Ngài đã minh nhiên xưng tụng Ðức Mẹ trọn đời đồng trinh. Ngài lưu ý tước hiệu này là do tuyệt đại bộ phận các Kitô hữu dâng tặng cho Ðức Mẹ, đó không phải là sự việc mới lạ và chẳng cần biện hộ. Chúng ta có thể trích dẫn câu nói bất hủ trong tác phẩm của Thánh Athanasiô: "Những ai phủ nhận Chúa Con, vốn bản tính bởi Chúa Cha và đích thực mang bản thể Chúa Cha, thì người ấy cũng phủ nhận Chúa Con mang xác phàm nhục thể từ nơi Ðức Maria, vốn trọn đời đồng trinh." (Discourses against the Arians 2, 70).

b. Vào cuối thế kỷ thứ bốn: khi Helvidius đưa ra các chất vấn về Ðức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ, các Giáo phụ đã phản ứng cực kỳ gắt gao. Thánh Giêrônimô đã mạnh mẽ trước tác để bênh vực với tác phẩm: "Ðức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ chống lại Helvidius, lên án những lời giảng dạy theo trào lưu mới và khuynh hướng ủng hộ dị giáo của ông ta". Cả hai thánh Augustinô và Ambrôsiô cực lực bảo vệ đức đồng trinh trọn đời của Ðức Mẹ. Thánh Augustinô gọi Ðức Mẹ là: Trinh nữ thụ thai, Trinh nữ cưu mang, Trinh nữ chứa con trong dạ, Trinh nữ sinh con, Trinh nữ vĩnh viễn đồng trinh trọn đời!

Như vậy các giáo phụ đã minh nhiên khẳng định: Ðức Mẹ đồng trinh trước khi sinh con, đang khi sinh con và sau khi sinh con vẫn hằng mãi mãi đồng trinh.

2. Các nhà Cải cách của Tin lành bênh vực tước hiệu trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ:

Chúng ta có thể nói ngay rằng Giáo phái Tin lành, kể cả các người sáng lập cũng đã mạnh mẽ ủng hộ học thuyết này:

Luther: "Chủ đề của niềm tin rằng Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, vẫn còn đồng trinh... chúng tôi tin Ðức Kitô sinh bởi cung lòng còn vẹn tuyền không tỳ ố. (Works of Luther, vol. 11, pages 319-320; vol. 6, pages 510)

Calvin: " Có một số người nào đó đã muốn đề cập đến đoạn Tin mừng của Thánh Matthêu (Matthêu 1,25) rằng đức Nữ Trinh Maria, ngoài Ðức Giêsu Con Thiên Chúa, còn có những người con khác, và rằng Thánh Giuse sau đó đã ăn ở với bà, nhưng thật là ngu muội! Vì tác giả Phúc âm chẳng muốn ghi lại điều gì xảy ra sau đó. Tác giả chỉ đơn thuần muốn xác minh đức vâng lời của Thánh Giuse, và chỉ cho ta thấyThánh Giuse rất tỉnh táo, và để xác thực rằng chính Chúa đã sai sứ thần của Người đến với Ðức Maria. Vì thế, Thánh Giuse chẳng khi nào ăn ở với bà, và cũng chẳng chung sống cùng bà... Ngoài điều này ra, Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta được gọi là con đầu lòng. Ðó chẳng phải vì còn đứa con thứ hai, thứ ba; đó chẳng qua vì tác giả Tin mừng chú trọng đến quyền ưu tiên. Do Thánh kinh chỉ đếm xỉa đứa con đầu lòng, bất luận đứa thứ hai có hay không cũng chẳng hỏi tới." (Calvin: Sermon on Matthew 1: 22-25, published in 1562).

Zwingli: "Tôi vững tin rằng Ðức Maria, theo lời Phúc âm, với tư cách một trinh nữ, đã sinh hạ cho chúng ta người Con Của Thiên Chúa, và trong khi sinh con, sau khi sinh con vẫn còn đồng trinh không vương tì ố đến muôn đời." (Zwingli Opera, vol. 1, page 424).

Ðể kết luận, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ðồng Trinh, xin Mẹ cho chúng ta mỗi ngày thâm cảm sâu xa hơn khi nhận biết tình yêu vô biên của Thiên Chúatrong chương trình cứu độ. Chính vì loài nguời mà Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi Ðức Mẹ. " Ôi! Mẹ Chúa Giêsu, cũng là Mẹ của con, Ðấng trọn đời Ðồng Trinh vinh hiển! Xin hãy nhớ đến con bây giờ và trong giờ sau hết. Amen".

 

B. Cầu xin với Ðức Mẹ hay là xin Ðức Mẹ cầu bầu:

Chúng ta cần giải toả cho nhau một vấn nạn trước, nhiên hậu mới có thể chia sẻ cảm thông dễ dàng được. Vấn nạn "tại sao người công giáo cầu xin với Ðức Mẹ trong khi Thánh kinh nói Chúa Giêsu là Ðấng "trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (Timotê 2: 5)?" Xin thưa: mọi lời cầu nguyện đều có một đối tượng để nhắm tới là Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện với Ðức Mẹ, thực sự là chúng ta cầu cùng Chúa qua Ðức Mẹ. Chúng ta xin Ðức Mẹ cầu thay nguyện giúp và trình bày những thỉnh nguyện của chúng ta lên Chúa. Chúng ta hãy nhớ vua Salomon đã hứa chẳng từ chối bất cứ yêu cầu nào của hoàng thái hậu Bethshêba, mẹ của vua. Cũng vậy, vua các vua chẳng từ chối bất cứ điều gì mà Ðức Maria, bà Chúa quyền thế tuyệt trần, Mẹ của Ngài thỉnh cầu, ngay cả trong tình huống khó khăn tế nhị nhất như tại tiệc cưới Cana. Như vậy, cầu nguyện với Ðức Mẹ thực ra là xin Ðức Mẹ chuyển cầu, điều này hoàn toàn chính đáng dựa vào những lý do sau đây:

1. Dựa vào ý nghĩa:

Lời chuyển cầu của Ðức Mẹ hoàn toàn phụ thuộc và tùy vào trung gian chuyển cầu của Chúa Giêsu. Chúng ta nên biết Thánh Phaolô, trong thư gửi cho Timothê (Tim 2: 1-8) lệnh cho các Kitô hữu cầu thay nguyện giúp cho nhau. Ðiều này không có nghĩa là chạy vòng ngoài nhưng là xuyên qua sự trung gian của Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu là trung gian giữa đất với trời, thì chúng ta, những phần tử của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta cũng đủ năng lực liên kết với Ngài như là những trung gian cộng sự. Nhưng tại sao chúng ta lại đặt trọng tâm vào sự chuyển cầu của Ðức Mẹ? Vì chúng ta biết lời bầu cử của Ðấng thánh có trọng lượng thế giá vô song (Giacôbê 5:16). Ðức Mẹ là Ðấng Thánh siêu phàm nhất của Thiên Chúa: Mẹ là Ðấng đầy ân sủng, Mẹ giữ vị trí giữa Thiên Chúa và các thụ sinh của Ngài; Mẹ là Ðấng Ðồng công với Chúa Giêsu trong việc giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại; nhờ Mẹ, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại kho tàng ơn cứu độ là Chúa Giêsu. Mẹ nắm giữ kho tàng ấy, nên Mẹ là Ðấng phân phát những ân sủng của Thiên Chúa ban xuống con cái của Ngài. Tất nhiên khi nói đến kho tàng ân sủng hay là máng thông ơn Thiên Chúa, chúng ta không hiểu "kho" hay "máng" theo nghĩa đen, vì Mẹ là Từ mẫu của chúng ta trên bình diện siêu nhiên. Mẹ biết rõ những nhu cầu và ước vọng của chúng ta, nên khi cầu xin, chúng ta không cần phải minh nhiên phân trần: "con cầu xin Mẹ đây là con có ý xin Mẹ bầu cử". Bởi vì, dù chúng ta có phân biệt như thế hay không, thì bất cứ ơn gì chúng ta nhận được cũng đều qua Mẹ, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

2. Dựa vào huấn quyền của Giáo Hội:

Ðáng kể nhất là lời tuyên bố của Ðức Giáo Hoàng Leô XIII: "Có thể xác quyết một cách chân thực rằng, do Thánh ý Thiên Chúa, tuyệt đối không một phần nào trong kho tàng ân sủng mà Chúa Giêsu đã sắm, được ban cho chúng ta mà không qua Ðức Maria. (Tông thư Octobri mense ngày 22-9-1891). Tất cả các Ðức Giáo hoàng kế vị đều nhắc lại điệp khúc ấy bằng cách này hay cách khác. Trong công đồng Vaticanô II, vai trò trung gian của Ðức Mẹ đã trở thành một đề tài được thảo luận sôi nổi. Nhiều Giám Mục ủng hộ việc tuyên bố giáo lý này thành một tín điều đức tin. Ngược lại, một số vị không đồng ý. Các vị này trích dẫn lời Thánh Phaolô: "Chỉ có một Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, đó là Ðức Giêsu Kitô". Nhưng các vị đã quên rằng cũng chính thánh Phaolô, trong một nơi khác đã gọi Môsê cũng là một người trung gian. (Gl 3:19). Cuối cùng, để dung hoà giữa phe bênh và phe chống, công đồng đã đưa ra những lời này: "Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị bảo trợ, Ðấng phù hộ, và Ðấng Trung gian. (LG 62). Công đồng nhấn mạnh rằng: "Phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng trung gian duy nhất." Liền sau đó, chúng ta lại có lời tuyên bố rất ý nghĩa này: "Sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tuỳ thuộc vào nguồn mạch duy nhất." (LG 62). Thực sự, các thiên thần, các thánh và các tư tế thời Tân ước được coi như những vị trung gian theo ý nghĩa xác thực nhưng mang tính cách tuỳ tòng.

Kết luận:

Mỗi khi chạy đến cầu nguyện nấp bóng Ðức Mẹ, chúng ta có quyền hy vọng, cậy trông, vì Mẹ là Ðấng trung gian mọi ơn. Hơn nữa, Mẹ là Mẹ hay thương xót, chắc chắn Mẹ chẳng bỏ lời cầu xin của chúng ta. Thực ra, Mẹ chỉ thi hành nhiệm vụ của Mẹ, nói cho cụ thể, Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho ta. Vì Mẹ là người bầu chủ hay là người đứng nhận trách nhiệm can thiệp, tức là bảo lãnh xin dùm. Vậy lạy Mẹ: "đến sau cõi đầy, xin Mẹ cho con được thấy Ðức Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Ôi nhân thay! khoan thay! dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen".

 

C. Phải hiểu cho đúng việc tôn sùng Ðức Mẹ và việc tạc vẽ ảnh tượng của người Công giáo như thế nào?

Một số đông anh em Tin Lành không hiểu rõ ý nghĩa việc người Công giáo tôn kính Ðức Mẹ Maria một cách đặc biệt, nên có một số người đã quá găy gắt bình phẩm rằng người Công giáo qùy xụp lạy trước tượng Ðức Mẹ có khác nào như thể đang thờ ngẫu tượng! Và họ còn lên án rằng người Công giáo không biết phân biệt giữa Thiên Chúa tối cao và ảnh tượng gỗ đá do con người tạo ra, vậy sự kiện này có thực sự đúng không?

Thưa không. Bởi vì, chẳng hạn người Tin lành cũng từng ôm hôn cây Thánh giá hoặc cuốn Kinh thánh, nhưng có ai dám nói họ đang hôn gỗ, hôn giấy không? Ðiều quan trọng chúng ta phải ghi nhớ là Sách thánh hay Thánh giá được ôm hôn kia là để tưởng niệm Ðức Giêsu và công trình cứu độ của Ngài. Cũng vậy, những hình ảnh của các vị thánh hiển vinh của Thiên Chúa được sùng kính là để nhắc nhớ chúng ta về gương mẫu của các vị thánh đã tận hiến đời mình để đáng được công nghiệp cứu chuộc của Ðức Giêsu.

1- Quỳ trước tượng Ðức Mẹ không phải là thờ lạy:

Người Công giáo không nghĩ rằng họ đang "thờ lạy" Ðức Mẹ khi họ quỳ trước các ảnh tượng của Ðức Mẹ. Họ chỉ tôn kính Ðức Mẹ và qua Ðức Mẹ, họ thờ phượng Thiên Chúa, và Chúa Giêsu. Ðể cứu rỗi nhân loại, Thiên Chúa đã muốn cho Con của Ngài sinh bởi Ðức Mẹ đồng trinh, vì thế, người công giáo biệt tôn Ðức Mẹ trên hết các thần thánh, nhưng không vì thế mà biến việc tôn kính thành tôn thờ. Có người hỏi: "Thế nhưng tại sao người công giáo lại mộ mến Ðức Mẹ một cách say sưa như thể Ðức Mẹ là ngôi vị "thứ tư" trong ba ngôi Thiên Chúa? Xin thưa: người Công giáo, nhất là công giáo Việt nam say sưa yêu mến Ðức Mẹ một cách rất đặc biệt. Thiên Chúa chọn Ðức Mẹ và ban cho Ðức Mẹ vinh dự vô cùng lớn lao được làm Mẹ Thiên Chúa; vì Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Ðức Mẹ còn là Mẹ nhân loại. Chính Chúa Giêsu yêu kính Mẹ của Ngài một cách hoàn hảo. Chúng ta được kêu gọi để bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm khi thực thi giới răn thứ bốn là: "Các ngươi phải thảo kính cha mẹ". Lòng thảo kính đặc biệt ấy không phải là sự tâng bốc muốn đưa Ðức Mẹ lên ngang hàng với ngôi vị Thiên Chúa. Lòng thảo kính ấy đã được chính Chúa Giêsu cổ võ.

2- Phải hiểu cho đúng ý nghĩa việc tạc vẽ ảnh tượng:

Có người trưng đoạn sách Xuất hành (Xh 20:4-5) nói rằng Thiên Chúa đã cấm tạc tượng, vẽ hình, thế mà người công giáo còn tạc tượng Ðức Mẹ, như vậy là vi phạm luật Chúa?

Thưa: - Thiên Chúa cấm làm hình tượng với mục đích thờ lạy hình tượng thay vì thờ lạy Thiên Chúa. Vì dân chúng dưới thời Môsê thích tạc ngẫu tượng để thờ, nên Chúa đã truyền lệnh cấm ấy. Thế mà sau đó, chúng đã đúc bò vàng để thờ thay vì thờ Chúa khiến Chúa nổi giận (Xuất hành 32: 7-10). Nhưng Chúa đâu có cấm tạc vẽ ảnh tượng nói chung. Trong sách Xuất hành (Xh 25: 18-19). Chúa truyền cho Môsê làm các tượng thần Chêrubim. Trong sách Dân số, Chúa nói với Môsê đúc con rắn đồng. Người Do thái tạc rất nhiều hình tượng trong đền thờ của họ gồm thiên thần, bò lừa, sư tử, các cây cọ, chà là, hoa lá (Sách các Vua, quyển 1, đoạn 6 và 7). Có lẽ ở nhà, chúng ta để hình ảnh của người thân trong phòng khách; lúc đi đường còn mang theo trong ví, trong bóp, hình ảnh những người yêu dấu ấy. Ðấy là những hình tượng do con người làm nên. Có phải chúng ta thờ phượng các ảnh tượng đó khi chúng được dùng như biểu tượng nhắc nhở mối liên hệ thâm sâu giữa ta với người trong ảnh tượng? Không! Thế thì cũng một nguyên tắc ấy được ứng dụng trong việc tôn kính trước các ảnh tượng. Hình tượng Ðức Mẹ được trang trọng đặt trên bệ, trên đài là vì lòng mộ mến, tôn kính Ðức Mẹ một cách rất đặc biệt của người công giáo. Qua hình tượng Ðức Mẹ, người công giáo lúc nào cũng quy hướng tâm hồn về Thiên Chúa tối cao để thần phục, tôn thờ. Người công giáo chỉ dùng những hình tượng Ðức Mẹ, các Thánh và các Thiên thần của Thiên Chúa để nhắc nhở cho mình những nhân đức và hành vi thánh thiện của thánh nhân đáng tôn kính mà các ảnh tượng kia biểu hiện.

Lạy Mẹ Maria, con của Mẹ còn nơi dương gian, giữa chốn ba đào hiểm nguy, xin Ðức Mẹ thương con và cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho con. Amen!

 

D. Thắc mắc về tước hiệu Mẹ Thiên Chúa trong các anh em Tin lành:

Lịch sử giáo Hội cho thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria vẫn được mọi người chấp nhận. Tới năm 429, Giám mục Nestoriô dấy lên lạc thuyết nói rằng Chúa Giêsu có hai ngôi vị riêng biệt, và Ðức Maria chỉ là Mẹ của ngôi vị loài người mà thôi. Năm 431, lạc thuyết này bị công đồng Ephêsô lên án và không còn thấy tái hiện trong Kitô giáo cho tới sau thời kỳ giáo phái Tin Lành ra đời. Sự kiện có những anh em Tin lành không nhìn nhận Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa là một sự xa rời căn bản của Kinh thánh và các Giáo phụ. Bởi vì điều ấy hàm ý rằng Chúa Giêsu chẳng phải là Thiên Chúa hoặc là nơi Ngài có hai ngôi vị riêng biệt.

1- Sự cần thiết nêu lên những lý chứng:

Anh em Tin lành viện lẽ rằng Ðức Maria chẳng có thể tạo ra Thiên tính của Chúa Giêsu, vậy Ðức Mẹ không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Ðây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất (Công đồng Ephêsô, x Denziger-Schonmetzer 250). Chúng ta nói một kẻ được sinh ra, mà không nói bản tính được sinh, hay thân xác được sinh. Chẳng hạn, cha mẹ không sinh ra linh hồn chúng ta, vì chúng ta lãnh nhận linh hồn trực tiếp từ Thiên Chúa, cha mẹ chỉ sinh chúng ta phần xác. Thế nhưng người ta không nói "mẹ tôi chỉ sinh ra thân xác tôi", mà nói "mẹ tôi sinh ra tôi".

2- Cần nêu chứng từ của Kinh thánh:

Có rất nhiều đoạn cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Chúa. Phúc âm Matthew (Mat 1: 23) ( nhắc lời tiên tri Isaia) nói danh hiệu Ðấng Cứu thế là Emmanuel, nghĩa là "Chúa ở với chúng tôi". Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galata: "Ðến thời gian viên mãn, Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới chế độ lề luật" (Gal 4,4). Luca cũng cho biết: "Con trẻ được sinh ra, sẽ được gọi là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa( Lc 1: 35). Bà Isave cũng nói: "Mẹ của Chúa tôi". Chữ "Chúa tôi" đối với dân Do thái chỉ để quy về Thiên Chúa (Luc 1: 43).

3- Anh em Tin lành đồng ý Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu:

Mặc dù anh em Tin lành không nhìn nhận Ðưc Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng họ đồng ý Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu: Chúng ta biết, Con Thiên Chúa nhập thể không có nghĩa một phần là Thiên Chúa, một phần là người. Nếu hiểu như vậy thì hoá ra một nửa Chúa Giêsu là Chúa, một nửa kia là người pha trộn với nhau. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải là sự pha trộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. (Sách GLCG số 464 a). Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật trong một ngôi duy nhất là ngôi thứ hai. Trong suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết, nhất là lạc thuyết Nestoriô, Hội Thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin này: "Thiên Chúa làm người, đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa" (Sách GLCG 464b và 468).

4- Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ:

Ðức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu là một ngôi vị duy nhất, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại không thể tách rời nhau, như công đồng Êphêsô đã tuyên xưng: "Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động. Nhân tính của Chúa Giêsu không có một chủ thể nào khác ngoài ngôi vị thần linh của Con Thiên Chúa, Ðấng từ lúc tượng thai đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình... vì thế chúng ta nói: "Ngôi Lời đã sinh ra làm người". (Denzinger-Sconmetzer: Tuyển tập các tín biểu, các Ðịnh tín, Sách GLCG số 466 trích dẫn). Cuối cùng, công đồng Ephêsô năm 431 công bố rằng: "Ðức Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ"

5- Học hỏi trong tương lai:

Chúng ta sẽ có dịp đề cập tới các Giáo phụ và các nhà Sáng lập của Tin lành đã xác lập quả quyết rằng: Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa. Như vậy hy vọng chúng ta và anh em Tin lành càng có nhiều lý chứng rất đáng thuyết phục.

Ôi Mẹ Thiên Chúa, "Ðấng đầy ơn sủng, Ðức Chúa ở cùng Bà"(Lc 1: 28). Xin cho con được chia sẻ một phần phúc lộc của Mẹ, để con đáng được Chúa Giêsu thương đến! Amen.

 

E. Tin Lành Toàn Thống và sự khác biệt về Giáo lý liên quan đến Ðức Mẹ như thế nào?

Giáo lý đích thực đã được thánh Công đồng Vaticanô II đề cập trong Hiến chế Giáo Hội, (GH 67), những khác biệt về giáo lý với các anh em ly khai Tây Phương (Sắc lệnh HN 20), trong đó vấn đề tranh luận liên quan đến Ðức Maria ảnh hưởng sâu sắc đến phương diện tình cảm, là lý do của mối lo âu đại kết (Philibert Zobel, Dictionary of Mary, bản Việt ngữ của Ngọc Ðính C.M.C p140). Trươc hết, chúng ta cùng tìm hiểu một trong các điểm khác biệt quan trọng về Giáo lý giữa anh em Tin lành Toàn Thống (Fundamentalis) và Giáo Hội Công giáo:

- Phía anh em Tin lành:

Bắt đầu thời Cải cách, anh em Tin lành đã đưa ra lý thuyết duy Kinh thánh " Sola Scriptura" (Lat: by Scripture alone). Mỉa mai thay, định đề này lại chẳng có trong Kinh thánh. Ðể cho định đề duy Kinh thánh đứng vững, chúng ta đưa ra ví dụ nói rằng: "Ðức tin chỉ căn cứ vào Kinh thánh là đầy đủ", không cần dựa vào Huấn quyền của Giáo hội và không cần Thánh truyền. Thế nhưng thuyết Duy Kinh thánh đã không chứng minh được tìm thấy trong Kinh thánh. Kinh thánh không khẳng định chỉ Duy Kinh thánh là quy luật đầy đủ cho Ðức tin của các Kitô hữu. (Patrick Madrid: Where is that in the Bible: authority of the Church, page 39, Our Sunday Visitor Publishing)

- Phía Giáo Hội công giáo:

Ðưa ra những chứng cứ qủa quyết sự quan trọng gồm phẩm trật Giáo Hội, Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo Hội: Matthêu 16: 18-19: "Trên đá này Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày... Thày sẽ trao cho con chìa khoá nước Trời, sự gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc, sự gì con cởi mở dưới đất, trên Trời cũng cởi mở." Matthêu: 18: 17-18: "Nếu nó chẳng nghe lời Hội Thánh, hãy kể nó như một người ngoại và một người thu thuế, thật, Thày nói thật cho anh em, dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên Trời cũng tháo cởi như vậy". Luca: 10: 16: "Ai nghe anh em là nghe Thày, mà ai khước từ anh em là khước từ Thày, mà ai khước từ Thày là khước từ Ðấng đã sai Thày". Trong Cựu ước, chúng ta còn tìm thấy lời cảnh cáo cho những ai khước từ thẩm quyền giảng dạy của các tư tế là những người Chúa trao thẩm quyền cắt nghĩa lề luật và truyền đạt lời Chúa một cách chính thức. (x Lêvi 20: 1-27, 25: 1-55). Trong sách Ðệ nhị luật: 17: 11-13: "Căn cứ vào lời các tư tế chỉ giáo cho anh em, và vào bản án họ công bố cho anh em, anh em sẽ hành động đúng như lời họ thông báo cho anh em, không đi trệch bên phải bên trái. Người nào cả gan không nghe vị tư tế chầu chực ở đó để phụng sự Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hay không nghe vị Thẩm phán, thì sẽ phải chết."

Qua những đoạn Kinh thánh kể ra trên đây, Thiên Chúa thiết lập Huấn quyền của Giáo hội với thẩm quyền dạy dỗ (x Matt. 28: 20), cắt nghĩa Kinh thánh (x TDCV 2:14-36) cầm buộc và tháo cởi (Matt. 18; 18; TDCV 15: 28-29).

- Thuyết Duy Kinh thánh và những Tín điều về Ðức Maria:

Lập trường của hai phía Tin lành và Công Giáo trong Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên trời và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội khác biệt nhau: Anh em Tin lành chủ trương chỉ có những gì trong Thánh kinh mới trở thành niềm tin cho các Kitô hữu. Ðó là điểm gây bất đồng giữa anh em Tin lành và Giáo hội Công giáo. Anh em Tin lành nói hai Tín điều nêu trên không được mạc khải trong Kinh thánh, vì vậy không thể chấp nhận được. Nhưng Giáo hội Công giáo nại vào Thánh truyền như nguồn phù trợ cho Thánh kinh. Chỉ có Thánh kinh mà thôi thì chưa đủ (Vat. II, hiến chế MK 98). Thánh kinh và Thánh truyền do các Thánh Tông đồ được Giáo hội Công giáo coi như quy luật tối cao hướng dẫn đức tin (MK 21).

Sự khác biệt về Giáo lý kể trên đã làm nảy sinh các vấn nạn khác của anh em Tin lành về Ðức Maria. Những vấn nạn ấy sẽ được lần lượt đề cập trong những bài sau. Vì lòng yêu mến Ðức Mẹ, người Công giáo cố gắng tìm hiểu và học hỏi những giáo lý liên quan đến Mẹ, để củng cố niềm tin nơi Mẹ, như Hiến chế Giáo Hội dạy: "Công đồng muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và nhiệm vụ của nhân loại đối với Mẹ mình là Ðức Trinh Nữ Maria" (GH 54). Cũng trong Hiến chế ấy, Công đồng kêu gọi các nhà thần học tiếp tục tìm tòi để làm sáng tỏ các vấn đề thần học còn đang được nghiên cứu...

 

F. Làm thế nào để trình bày Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho các anh em ly khai?

Chúng ta biết rằng thông thường người ta đặt thắc mắc: (1) Tín điều này phạm đến tính cách thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa và công trình cứu độ toàn thể nhân loại của Ngài. (2) Giáo Hội khi giảng dạy đã không căn cứ vào nguồn Kinh thánh. (3) Tín điều nào không có trong Kinh thánh, thì không thể là niềm tin cho các Kitô hữu.

Chúng ta đã có lần đề cập thuyết Duy Kinh thánh của anh em Tin lành Toàn thống, thuyết này chủ trương chỉ có Kinh thánh mới là quy luật cho Ðức tin. Trong bài trước, chúng tôi có nói tới những sai lầm của thuyết này. Một trong những lý do khiến anh em ly khai khó chấp nhận một số Tín điều về Ðức Mẹ là vì các anh em ấy không hiểu vai trò của Thánh truyền và Huấn quyền của Giáo hội dựa theo Thánh kinh.

Giáo hội Công giáo đã được Chúa Kitô uỷ nhiệm rao giảng Tin mừng cho mọi dân tộc và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội được ơn rao giảng không sai lầm: "Nhưng Ðấng Bảo trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thày, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thày đã nói với anh em" (Ga:14, 26) "Khi nào Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn... Người sẽ loan báo cho anh em biết tất cả những điều sẽ xảy đến" (Ga16: 13).

Bên cạnh những chứng cứ Kinh thánh về quyền giảng dạy của Giáo hội, còn có nhiều đoạn Kinh thánh có thể được viện dẫn. Trong sánh Sáng thế ký 3:15, Chúa nói rằng có mối thù giữa người phụ nữ và con rắn, và mối thù này lan sang miêu duệ người phụ nữ và miêu duệ con rắn. Miêu duệ của người Nữ là Ðấng Cứu thế, đối thủ của dòng dõi ma quỷ. Mẹ của Ðấng Cứu Thế cùng chung cuộc đối đầu với rắn, tức bè lũ Satan. Nếu Ðức Maria, người Nữ mang tì vết tội lỗi, thì Bà không thể đối đầu cách toàn diện với ma qủy được. Có kẻ nói rằng, người Nữ nêu trên là chính Evà. Nhưng ý nghĩa ấy không phù hợp với văn mạch đoạn này, bởi vì Evà cùng hợp tác chung với con rắn, chứ không phải là kẻ đối địch với rắn. Chỉ duy nhất có Ðức Maria, Evà mới, là người phụ nữ duy nhất phù hợp với đoạn mô tả trong Sáng thế ký 3:15 trên đây.

Mở Luca 1:28, chúng ta tìm thấy trong lời của sứ thần Gabriel chào kính Ðức Mẹ: "Kính chào Maria đầy ơn phúc Thiên Chúa ở cùng Bà". Câu "đầy ơn phúc" dịch bởi tiếng Hy lạp kecharitomene, ở thể qúa khứ hoàn toàn, có nghĩa đã được trọn vẹn tràn đầy ân phúc, hơn nữa, sứ thần Gabriel xưng hô tên Maria của Ðức Mẹ, điều đó nói lên tư cách đặc thù của Ðức Mẹ trong tình trạng hoàn toàn nhất, cả về phẩm lẫn lượng. Như vậy sự "đầy ân phúc" của Ðức Maria không phải là kết quả tiệm tiến theo thời gian, nhưng là sự tràn tràn đầy ơn thánh sủng ngay lúc bắt đầu từ khi Mẹ hiện hữu.

Qua các thế kỷ, các Giáo phụ và các Tiến sĩ của Giáo Hội đều đồng ý tán thành đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ. Tín Ðiều thật phù hợp khi người ta khảo sát Hòm bia thánh đã được vinh danh tột bực. Trong Sách Xuất Hành 25:11-21, Chúa truyền dạy các chi tiết thật tỉ mỉ cho công trình thiết kế. Ðể cho trang trọng và được lâu bền, Hòm bia phải làm bằng gỗ bá hương, trong ngoài phải dát vàng ròng, và phải đựơc giữ tinh tuyền không chút bợn nhơ và không được coi thường bất kính. Trong sách 2 Samuel 6:6-7, Chúa phạt Uzzah chết tươi vì dám cả gan đụng tới Hòm bia thánh.

Từ những thế kỷ đầu, Kitô hữu khắp nơi đã nhìn nhận Hòm bia thánh trong Cựu ước là điển hình (typology) của Ðức Maria. Sự so sánh thật là ăn khớp. Hòm bia thánh chứa đựng Lời Thiên Chúa, Ðức Maria chứa đựng ngôi Lời hằng sống. Ðức Maria là hòm bia sống động chứa Lời hằng sống. Nếu Hòm bia thánh mang phiến đá khắc ghi Lời của Thiên Chúa mà ý quyết của Chúa truyền dạy phải long trọng đến thế, thì Ðức Maria chứa đựng chính Chúa còn phải tô điểm lộng lẫy trang trọng biết bao! Ðức Maria quả thật là Hòm bia của Thiên Chúa bởi vì Mẹ chứa đựng Ngôi Lời của Thiên Chúa, thân thể Ðức Giêsu, là nguyên uỷ ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.

Một số người còn luận bàn rằng Hòm bia thánh không phải là Ðức Maria, nhưng là Thân mình Chúa Giêsu. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể trưng dẫn một câu trong Sử biên niên để đáp lời. Trong Sử biên niên (Chronicles) có ghi rằng những người khiêng Hòm bia thánh phải thanh tẩy: "Vậy các tư tế và các thầy Lêvi thanh tẩy mình để kiệu Hòm bia của Ðức Chúa, Thiên Chúa It-ra-en" (1 Sb 15:14). Nếu người khiêng Hòm bia thánh mà còn phải thanh tẩy, thì Mẹ Maria, Ðấng mang chính Ðấng Thánh trong cung lòng, lại càng phải được thanh tẩy. Thật là vô nghĩa nếu nói rằng Ðức Mẹ không cần thánh hoá hoặc Mẹ đã không được gìn giữ tinh tuyền khỏi tội nhơ! Ðể hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đọc: "Xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Ðức Khôn Ngoan không cư ngụ" (Kn 1: 4b).

Ôi Maria Trinh Vương, Mẹ Vô Nhiêm Nguyên Tội! Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho thuyền đời con khỏi đắm chìm giữa đại dương nguy khốn. Amen!

 

LM Giuse Trần Xuân Lãm

(5/11/2005)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page