Nhìn tổng quan về bản tuyên ngôn

"Ðức Mẹ Maria, Niềm Ơn Phúc

và Hy Vọng trong Chúa Kitô"

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Có lẽ trong vòng 8 năm qua, qua nỗ lực đại kết, bản tuyên ngôn chung "Ðức Mẹ Maria, Niềm Ơn Phúc và Hy Vọng trong Chúa Kitô" là văn bản quan trọng nhất. Quan trọng không phải vì mới lạ, nhưng là một cố gắng lớn của Anh giáo và Công giáo cùng chung và cùng chia sẻ một cái nhìn về Mẹ Maria từ các lãnh vực Thánh Kinh, thần học và lịch sử. Ðể được như vậy, các vị soạn văn bản đã phải nghiên cứu tường tận không những ý nghĩa của các bản văn, mà còn lưu ý những phương pháp, những quan niệm, tức là những trường phái giải thích, nghiên cứu Thánh Kinh và thần học. Các vị soạn tuyên ngôn cũng mong ước rằng đây là văn kiện căn bản, nhờ đó sẽ thêm có các cuộc đối thoại với những tôn giáo Tin lành khác.

Có tất cả 80 đoạn trong tuyên ngôn chung này. Chúng tôi chuyển dịch bản văn ra Việt ngữ. Sau mỗi đoạn, để giúp những ai muốn nhận ra vai trò, con người và vị thế của Mẹ Maria cách rõ ràng hơn, chúng tôi sẽ đưa ra các nhận định liên quan đến đoạn đó, cũng như một vài câu hỏi để gợi ý, suy tư và thảo luận.

Chúng ta sẽ thấy trong cuộc đối thoại này của hai tôn giáo về Ðức Mẹ, không ảnh hưởng của đạo nào lấn lướt đạo khác. Những nhận định chung đáng được coi là khách quan.

Hy vọng đây sẽ là tài liệu quý báu cho các đoàn thể Công giáo tiến hành như Các Bà Mẹ Công giáo, Legio Mariae, các hội Dòng ba; cho các buổi cấm phòng, hội thảo, bài giảng về đức Mẹ.

(L.M. Anthony Ðào quang Chính, OP.)

 

Giải thích phần Tiền Ngôn

Trong khi đề tài về Mẹ Maria là nguồn cảm hứng và suy tư cho Người Công giáo, thì lại là một thách đố cho anh chị em Tin Lành. Mẹ Maria nơi giáo hội Công giáo gắn liền với các phép lạ, với các lễ trọng đặc biệt bầy tỏ đức tin dành riêng cho Mẹ như: Ðức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Ðức Mẹ đồng trinh... Còn vai trò của Mẹ nơi các giáo hội Tin lành thì mờ nhạt hơn. Nhiều giáo hội Tin lành bác bỏ những niềm tin này. Hơn thế nữa, đôi khi còn cho rằng người Công giáo đã quá đề cao vai trò của Ðức Mẹ mà quên đi ơn cứu chuộc đích thực đến từ Chúa Kitô. Cũng nên lưu ý nơi đây, nhiều giáo phái Tin Lành truyền bá phúc âm (Evangelical) chia sẻ tập tục và niềm tin giống như Công giáo về đức Mẹ. Họ không lần hạt Mân côi nhưng đọc các kinh Lậy Nữ Vương, Lậy Thánh Nữ Ðồng Trinh thường xuyên.

Vào ngày 16 tháng 5 năm 2005 hai uỷ ban đại kết Anh giáo và Công giáo - thành lập chung một uỷ ban lấy tên là (Anglican-Roman Catholic International Commission, gọi tắt là ARCIC) Uỷ ban Quốc Tế Anh giáo và Công giáo Roma đã cho xuất bản tài liệu đại kết với chủ đề "Mary: Grace and Hope in Christ." "Ðức Mẹ Maria, Niềm Ơn Phúc và Hy Vọng trong Chúa Kitô"

Tài liệu được coi như ánh sáng soi chung cho suy tư của hai tôn giáo lớn về Ðức Mẹ. Hơn thế nữa, uỷ ban còn nhấn mạnh rằng Mẹ Maria đã có "những nổi bật mới trong thờ phượng Anh giáo" qua các canh tân phụng vụ thế kỷ 20. Tài liệu nhìn đến Mẹ Maria trong khung cảnh cánh chung "Mẹ Maria được coi như biểu tượng của giáo hội và là môn đệ với một chỗ đứng đặc biệt nơi nhiệm thể cứu chuộc."

Ðây là một Tin Mừng cho cả hai giáo hội và có thể trở thành khuôn mẫu cho các suy tư, chia sẻ, cầu nguyện cho các chương trình đại kết với các tôn giáo khác.

Tài liệu gồm 80 số và do hai vị đại diện cho hai tôn giáo đồng chủ tịch ký. Ðó là đức tổng giám mục Alexander J. Brunett, Công giáo và đức tổng giám mục Peter F. Carnley, Anh giáo.

Một vài sự kiện lịch sử về văn kiện này:

Ðể sọan thảo xong văn kiện, thời gian là 5 năm. Văn kiện còn có tên là "bản tuyên ngôn Seattle" vì các thành viên uỷ ban hoàn thành văn bản vào tháng 2 năm 2004. Phải mất hơn 1 năm sau văn bản mới được Toà thánh Roma và hội liên hiệp Anh giáo chuẩn nhận. Tài liệu được chính thức công bố ngày 16 tháng 5 năm 2005.

Tài liệu do các thành viên gồm thần học gia, tu sĩ, giáo sĩ, giáo dân thuộc 10 quốc gia khác nhau soạn thảo.

Khi dùng cụm từ "chúng tôi" để chỉ uỷ ban đại kết. Còn cụm từ "chúng ta" bao gồm cả các tín hữu của hai giáo hội và các Kitô hữu khác.

Khi chuyển dịch từ văn bản bằng tiếng Anh sang tiếng Việt, chúng tôi dùng chữ "Ngài" để nói về Thiên Chúa và "Người" để nói về Chúa Kitô

(Ghi chú: từ ngữ văn kiện (text), bản tuyên bố (statement) và tài liệu (document) được hiểu giống nhau.)

Bản tuyên ngôn chung chia ra làm 3 phần. Quan trọng hơn cả là phần thân bài.

I. Dẫn nhập

Từ các số 1 - 5 giới thiệu mục đích và phương pháp là việc của uỷ ban.

II. Thân bài bắt đầu từ:

A. Mẹ Maria theo thánh kinh từ số 6 - 30

B. Mẹ Maria trong truyền thống Kitô giáo từ 31 - 51

C. Mẹ Maria trong tiến trình Ân sủng và Hy Vọng từ 52 - 63

D. Mẹ Maria trong đời sống Giáo hội từ 64 - 75

III. Kết luận từ 76 - 80.

Câu hỏi cho các số từ 1 đến 5:

- Khi nói Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, phải chăng cũng được hiểu rằng Mẹ Maria là Mẹ Chúa Cha, Mẹ Chúa con và Mẹ Chúa Thánh Thần? Tại sao? (số 1)

- Ðâu là hai tín điều được tuyên tín vào năm 1854 và 1950? (số 1)

- Bên cạnh Chúa Giêsu là trung gian cứu chuộc giữa Thiên chúa và con người, còn trung gian nào khác nữa không? (số 2)

- Phải chăng từ ngữ Theotokos là từ ngữ cổ xưa nhất mà giáo hội dành cho Mẹ Maria? Từ ngữ này nghĩa là gì? (số 2)

- Ðâu là những tín điều về Mẹ Maria mà chỉ có người công giáo hoàn toàn tin nhận, còn anh chị em Tin Lành thì chưa? (số 1-2)

- Hiểu như thế nào về từ ngữ và tiến trình tái đón nhận (re-reception)? Theo Thánh Kinh? Theo mặc khải tư? Theo truyền thống? (số 3)

- Dựa trên những cơ sở, tài liệu nào để có gia tài đức tin chung cho cả hai tôn giáo Anh giáo và Công giáo? (số 4)

- Qua lời Xin Nhận Chúa Giêsu đã làm gì (số 5)

Từ ngữ nên biết:

- Nhiệm thể cứu chuộc là gì?

- Tông truyền và truyền thống khác nhau ra sao?

- Thần học ân sủng và hy vọng là gì?

Nhận xét cho phần A và B:

Hai phần A và B là căn bản nền tảng chung cho Anh giáo và Công giáo Roma. Dựa trên 2 phần thánh kinh và truyền thống chung cổ thời mà uỷ ban thảo luận và loại trừ những gì không thuộc về thánh kinh và truyền thống chung cổ thời. Uỷ ban nhắc nhở nhiều đến thời giáo phụ, các công đồng Êphêsô, Chacedon và Constantinople, và quyết định của các công đồng này.

Dĩ nhiên, với người công giáo, không ai có thể phủ nhận vai trò rất quan trọng của thánh kinh. Qua những số sau, chúng ta sẽ nhìn rõ ràng hơn vai trò và hình ảnh của Mẹ Maria trong thánh kinh mà cả hai tôn giáo đều đồng ý về ý nghĩa.

Thân bài: A. Mẹ Maria theo thánh kinh từ số 6 - 30. Trong các số này uỷ ban đề cập đến

- Chứng nhân Thánh Kinh: Một dự phóng của Ân Sủng và Hy vọng (8 - 11)

- Mẹ Maria sinh con theo trình thuật Mát-thêu.(12 - 13)

- Mẹ Maria sinh con theo trình thuật Luca (14 - 17)

- Thụ thai đồng trinh (18)

- Mẹ Maria và gia đình thật của Chúa Giêsu.(19 - 21)

- Mẹ Maria trong tin mừng theo Gioan (22- 27)

- Người nữ trong Khải Huyền 12. (28 - 29)

- Suy niệm Thánh Kinh (29)

Câu hỏi cho các số từ 8-11.

- Chứng nhân Thánh Kinh: Một dự phóng của Ân Sủng và Hy vọng (8 - 11)

- Trong Cựu uớc, Chúa thiết lập giao ước với dân Israel qua những ai? (8)

- Tại sao nơi đây, uỷ ban dùng từ ngữ dân Israel mà không là dân Do thái? (8)

- Vai trò ngôn sứ? (8)

- Tại sao gọi cựu ước là dự phóng của ân sủng và hy vọng? Ân sủng từ đâu và hy vọng từ đâu? số 9

- Xin đưa ra một số hình ảnh thánh kinh trong cựu ước (Xin lưu ý: về sau, tân ước cũng phác họa một số hình ảnh về Chúa Giêsu và về Ðức Mẹ, do đó hình ảnh trong cựu ước báo trước các hình ảnh này). Số 9 - 10

- Phải chăng Chúa gọi và chọn riêng một số người làm các công tác đặc biệt? Nếu có, phải chăng Chúa thiên vị? Số 10, 11

- Những người được chọn có quyền và tự do từ chối không? số 11

- Chúa có theo tiến trình chuẩn bị, mời gọi và thánh hóa những người này không? Xin kể ra một số phụ nữ được chọn cách đặc biệt, số 11.

Từ ngữ nên biết:

- Ân điển theo thời gian là gì?

Câu hỏi cho các số từ 12- 21

- Mẹ Maria sinh con theo trình thuật Mát-thêu. (12 - 13)

- Mẹ Maria sinh con theo trình thuật Luca (14 - 17)

- Thụ thai đồng trinh (18)

- Mẹ Maria và gia đình thật của Chúa Giêsu.(19 - 21)

- Trong 4 thánh ký, vào những chương đầu, vị thánh sử nào ít đề cập đến Mẹ Maria hơn cả? Vị nào đề cập nhiều hơn cả? Số 12 - 21

- So sánh phần mở đầu của Mat-thêu với Sáng thế ký. Ðâu là nét tương đồng? Ðâu là vai trò đặc biệt của 4 người phụ nữ trong cựu ước? Họ là ai? Vai trò gì? số 12

- Ðâu là liên hệ ràng buộc bất khả phân ly của Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong 2 chương đầu của Mat-thêu? số 12 và 13

- Ai là người suy niệm trong lòng các biến cố đang xẩy ra? Số 14

- Hãy kể lại cuộc gặp gỡ của 2 người phụ nữ đặc biệt, cưu mang những vị đặc biệt trong trình thuật Luca, Số 14, 15

- Có phải sứ thần truyền tin cho Mẹ Maria là lần duy nhất xẩy ra trong thánh kinh? Nếu có, xin kể ra một vài lần khác và đâu là sứ điệp? Số 15

- Tại sao Mẹ được gọi là đấng phúc lộc? Vì đâu? Vì ai? Vì liên hệ nào? Số 14-15-16

- Thụ thai đồng trinh là niềm tin chung văn hóa? Của nhiều dân tộc? Á châu có niềm tin này không?

- Những thánh ký nào chú tâm nhiều tương phản giữa gia đình "thật" và gia đình thể lý của Chúa? Số 19, 21, 24, 25, 26.

- Ðâu là cộng đoàn môn đệ đầu tiên?

Từ ngữ nên biết:

- Fiat là gì? Ai nói?

- Xin nhận là gì? Ai nói?

- Magnificat là gì? Bạn có thuộc bài ca này?

- Mesia là gì?

- Eposkiasei là gì?

- Kacheritmene là gì?

Câu hỏi cho các số từ 22- 29

- Mẹ Maria trong tin mừng theo Gioan (22- 27)

- Người nữ trong Khải Huyền 12. (28 - 29)

- Thế nào Ơn tiền định Số 22

- Nhìn chung thì đâu là 2 biến cố quan trọng mà gioan liên kết hình ảnh Mẹ Maria với Chúa Giêsu từ khỏi sự đến lúc kết thúc sứ vụ của Chúa? Số 22 -23

- Vai trò của Mẹ, vai trò của Chúa tại tiệc cưới Cana? Phải chăng 2 vai trò này liên hệ theo thể lý hoặc theo chương trình cứu chuộc? Xin giải thích và chứng minh? Số 23-24

- Vai trò của Mẹ sau phép lạ Cana? Có gì thay đổi? Số 25.

- Vai trò của Mẹ dưới chân thập giá, liện hệ ra sao với vai trò tại tiệc cưới Cana? số 26

- Gioan liên kết 3 hình ảnh và cho 3 hình ảnh đó hiệp nhất trong Mẹ Maria. Ðó là những hình ảnh nào? Số 27

- Vì Chúa Kitô là đầu hội thánh, có thể nói Mẹ Maria là Mẹ hội thánh hay không? Tại sao? Nếu không chấp nhận lý luận này thì đâu là lý luận để nói rằng Mẹ Maria sinh ra hội thánh? Số 27

- Có thể áp dụng hình ảnh người phụ nữ trong Khải huyền vào Mẹ Maria hay không? Hình ảnh người phụ nữ mang tính cách tập hợp? cá nhân? Số 28-29

- Chúng ta suy niệm thế nào vai trò của Mẹ khi đọc Thánh Kinh, Số 30

Từ ngữ nên biết:

- Cánh chung là gì? Tiệc cánh chung là gì?

Nhận xét: Phần B bàn luận về Mẹ Maria trong truyền thống Kitô giáo từ 31 - 51.

Xin lưu ý rằng, nơi đây, uỷ ban dùng từ truyền thống Kitô giáo chứ không chỉ nhằm đến công giáo hoặc tin lành hoặc anh giáo. Phần này gồm có:

- Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong truyền thống chung cổ thời, Số 31-34

- Các lễ nghi cử hành kính Mẹ Maria theo truyền thống cổ thời Số 35 - 40

- Các tiến triển trong giáo lý và lòng sùng mộ Mẹ Maria thời Trung cổ.Số 41 - 43

- Từ thời Cải cách cho đến Ngày nay. Số 44 -51

 

LM Ðào Quang Chính, OP.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page