Ðức Maria,

Ðấng Ðồng Công, Ðấng Môi Giới

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Với những tín điều được công bố ngắn gọn, khúc chiết, phát xuất từ nguồn suối mạc khải, qua sự sùng kính của Giáo Hội trong nghi lễ phụng vụ, chúng ta đã hiểu rõ hơn về Ðức Mẹ. Nhưng như thế chưa phải là hết.

Hai giáo điều sau đây, tuy chưa được Giáo Hội công bố thành tín điều, nhưng là thành phần niềm tin của Giáo Hội. Ðó là:

Việc Ðức Mẹ cộng tác vào việc cứu rỗi, và là Ðấng môi giới cầu bàu.

A. Ðấng Ðồng Công

Sách các Vua của Thánh Kinh (R 21) kể lại câu chuyện rất cảm động này: Nước Israel mất mùa đã ba năm dân tình thật khốn khổ. Vua Ðavít cầu khẩn Thiên Chúa, được Thiên Chúa cho biết: nguyên nhân bởi tội Saolê và nhà Saolê đã giết oan nhà Gabaônít. Vua Ðavít liền hỏi nhà Gabaônít muốn được đền bù cách nào, nhà ấy đòi phải nộp cho họ bảy người trong dòng dõi Saolê để xử trên thập giá. Trong số bảy người nạn nhân có hai người con bà Rếtpha, vợ Saolê.

Người mẹ đáng thương kia đã bằng lòng hiến mạng hai con với một lòng nhẫn nại phi thường. Khi hai con đã bị đóng vào thập giá dựng trên núi, bà liền mặc áo dặm, đi đến pháp trường, giải áo tang ra trên tấm đá dưới chân thập giá, rồi can đảm ngồi đợi giờ chết của hai con. Và khi hai con đã tắt thở, lòng đau sắt lại, bà vẫn ngồi đó, canh giữ kẻo muông dữ ăn thịt con.

Bà Rếtpha trong Cựu Ước chính là hình ảnh Mẹ.

Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa người ta đến bắt Con Mẹ để đền tội cho toàn dân, người ta đem con Mẹ đi đóng đinh mà Mẹ chẳng một lời kêu trách.

Không những thế, khi Chúa Giêsu vác thập giá đi lên núi Golgôta, Mẹ còn theo sau, ảo não trong bộ tang phục. Chân Mẹ dẫm lên máu Chúa chảy loang lỗ trên mặt đường. Và khi người ta đóng đinh Chúa vào thập giá, Mẹ đứng đó, nghe rõ những tiếng thở dài não nuột từ ngực Chúa phát ra, nhìn rõ những gân Chúa co lại dưới sức búa đập mạnh, chứng kiến cái thảm cảnh Chúa bị treo lơ lững giữa trời và đất, lòng đau như cắt, mắt không rời con, Mẹ đứng đó, như một vị tư tế làm lễ hiến dâng con.

Rồi, giữa cái lúc bi thảm và long trọng ấy, trước khi tắt thở, Chúa Cứu Thế đã muốn công khai phong cho mẹ tước phẩm làm Mẹ loài người, một cách trịnh trọng bi ai, như trong một lời di chúc.

"Này là con Bà", chính là lời phúc đáp câu Mẹ nói trong ngày Truyền Tin: "Fiat" "Tôi xin vâng". Và chính lúc đó là lúc Ðức Mẹ bắt đầu chấp hành quyền trực tiếp là Mẹ nhân loại.

Mẹ là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc niềm tin trải qua bao đời của Giáo Hội.

1. Căn Bản

Mẹ Maria là Mẹ Chúa Kitô. Ðây không phải chỉ là một đặc ân cho bằng là một thánh vụ trong chương trình cứu độ. Vì thế mà Mẹ đã tự gọi là nữ tỳ, là tôi tớ của Chúa.

Nhờ Mẹ, Chúa Giêsu đã làm người, đã trở nên vừa là tư tế, vừa là vật tế sinh.

Vì, với tư cách Thiên Chúa, Ngài không thể là vật tế sinh, và muốn trở nên một thầy cả thì phải là một con người, "lấy giữa loài người... thay cho loài người" (Hebr 1,5). Vậy khi ban cho Chúa Kitô sự sống nhân loại, Mẹ được kêu gọi để cộng tác vào công cuộc cứu thế của Chúa qua nhiều giai đoạn.

2. Các Giai Ðoạn

- Mẹ Maria đã cộng tác vào việc sinh dưỡng giáo dục Chúa Cứu Thế. Không những Mẹ đã ban cho Chúa một thể xác mà còn chấp nhận hoàn toàn chương trình cứu độ của Chúa. Câu "Xin Vâng" của Mẹ là một câu chấp nhận vô điều kiện và đầy phó thác.

Mẹ đã chia sẻ 30 năm trong 33 năm cuộc đời của Chúa.

- Mẹ đã thông phần cuộc tử nạn của Chúa, hiệp nhất hoàn toàn với Chúa. Con đau khổ tột độ trong thân xác thì Mẹ chết lịm đi trong tâm hồn như lời cụ già Simêon đã tiên báo. Như trên bàn thờ, Thầy Cả hiện đại hóa cuộc tế lễ xưa trên thập giá do quyền năng lãnh nhận, nhưng toàn thể dân Chúa đều thông hiệp thì đứng dưới cây thập giá Ðức Mẹ cũng thông hiệp vào cuộc hiến tế của con như vậy.

- Ngày nay, Ðức Mẹ còn cộng tác chăt chẽ với Chúa Giêsu trong vinh quang. Nếu thánh nữ Têrêsa còn nói được rằng Bà sẽ trải qua chuỗi ngày ở thiên đàng để làm ơn lành cho thế giới thì đặc ân ấy trước tiên phải là đặc ân của Ðức Mẹ. Theo sự tin tưởng cũng như kinh nghiệm của toàn dân Chúa, Ðức Mẹ, Mẹ chúng ta, còn tiếp tục là "Mẹ phù hộ người giáo hữu", là Mẹ Hằng Cứu Giúp vậy.

3. Danh Từ Thần Học

Ðể nói lên sự cộng tác của Ðức Mẹ trong công cuộc Cứu Thế, xưa nay, các nhà thần học đã xử dụng nhiều danh từ.

- Ðức Mẹ được gọi là Nữ Vương, là Hoàng Hậu vì Ðức Mẹ đã thông tri với Chúa Giêsu, đã thông phần vinh quang, đã chia sẻ quyền năng của Chúa như xưa Mẹ đã thông hiệp với sự chết của Chúa, trong một sự hiệp nhất toàn vẹn. "Cái gì của Con là của Mẹ, cái gì của Mẹ là của Con". Ðó là định luật của một tình phụ tử tuyệt diệu.

- Ðức Mẹ là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Danh từ này được dùng từ thế kỷ XV, và được phổ cập từ thế kỷ thứ XVII, để nói lên một cách chính xác, theo quan niệm thời ấy, sự cộng tác của Ðức Mẹ trong công cuộc cứu rỗi. Nhiều nhà thần học cho rằng đó có thể thành một tín điều sẽ được công bố. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà thần học chỉ trích danh xưng co-redemptrice, đồng công cứu chuộc ấy, vì như vậy là đặt Ðức Mẹ ngang hàng với Chúa Cứu Thế. Hai người đồng làm một việc gì thường cùng vai vị. Danh từ không xác định sự lệ thuộc của Ðức Mẹ đối với Chúa Giêsu, Ðấng duy nhất vừa là tư tế vừa là của Lễ Hy Sinh, chỉ một mình Ngài đã chết và sống lại, đã lên trời sau khi tiến dâng hy lễ. Chỉ một mình Ngài là nguồn gốc ơn cứu độ mà Ðức Mẹ đã cộng tác vào.

Vì thế nhà Thần Học René Laurentin viết: "Công đồng, với dụng ý, đã không xử dụng danh từ đó thì từ nay thiết tưởng cũng nên làm như vậy và khi đề cao vai trò của Ðức Mẹ không nên lẫn lộn với vai trò của Chúa Cứu Thế và vị trí của chúng ta trong chương trình cứu độ" (R. Laurentin Marie Fayard 1987 trang 101 - Une Année de grâce avec Marie).

Tuy nhiên, danh từ Ðồng Công, phổ thông trong Giáo Hội ngày nay được hiểu đúng nghĩa như vừa nói. Không ai thương tổn vai trò của Mẹ và làm giảm giá trị ơn Cứu Ðộ của Chúa.

B. Ðấng Môi Giới

Sau cùng Ðức Mẹ cũng được gọi là Ðấng Môi Giới - Mediatrice - nghĩa là Ðức Mẹ là Ðấng cầu bàu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa.

Tước hiệu đó nói lên rằng Ðức Mẹ đã cộng tác vào việc nhập thể của Chúa Kitô thì Ðức Mẹ còn góp phần vào việc phổ cập Ơn Cứu Ðộ. Nói được rằng Mẹ trở nên một phương thế (Médium). Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ mà ơn Chúa đổ xuống cho chúng ta. Mẹ là trợ tá của Chúa trong việc ban phát ơn thiêng.

Giáo thuyết Mẹ Môi Giới đã được Ðức Hồng Y Mercier, một nhà thần học Bỉ, cổ võ mạnh và đề nghị xin giáo quyền tối thượng công bố thành tín điều. Nhưng đề nghị đã không được đức Piô XII chấp nhận, và Công Ðồng Vatican II nói rằng khi xử dụng tước hiệu và danh từ ấy, Giáo Hội không có ý làm lu mờ vai trò của Chúa Kitô, Ðấng Môi Giới duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà chỉ có ý nói rằng Mẹ đã cộng tác một cách đặc biệt vào việc thông ban ơn Chúa.

Cùng với ý thức ấy, Thánh Gioan Bosco theo gương các Giáo Phụ đã tôn xưng Mẹ là Ðấng hay giúp đỡ (Auxiliatrice) ngụ ý rằng: cũng như Mẹ đã phù hộ Chúa Con trong sự tăng trưởng sự sống nhân loại thì Mẹ cũng phù hộ giúp đỡ chúng ta, những người con khác của Mẹ, trong sự tăng trưởng đời sống siêu nhiên.

1. Mẹ và Ðấng Môi Giới

Nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày xứ Lituanie gia nhập đạo Kitô giáo và kỷ niệm 1,000 năm đạo thánh đi vào Nga Sô với việc rửa tội của Thánh Vladimir, Hoàng thân Kiev, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Năm Thánh Mẫu (1987-1988), năm Thánh Mẫu thứ hai trong lịch sử Giáo Hội. Ðồng thời, Ðức Giáo Hoàng cũng công bố thông điệp Mẹ Chúa Cứu Thế - Redemptoris Mater - Ngài tự tay viết bản chính bằng tiếng Balan và trao việc phiên dịch ra tiếng Ý cho các chuyên viên của các Thánh Bộ và các trường Ðại Học Tòa Thánh.

Bức Thông điệp là một bản suy tư dựa trên Thánh Kinh, sáng sủa và sốt sắng, quảng diễn học thuyết của Công Ðồng, như một lời kinh kính dâng Ðức Mẹ.

Mẹ là Ngôi sao mọc lên giữa biển đời đen tối.

"Nếu cất đi mặt trời đang soi sáng thế giới vật chất, hỏi còn có ánh ngày lộ hiện? Nếu cất Mẹ Maria, ngôi sao giữa biển mênh mông, hỏi còn lại gì ngoài đêm tối, bóng tử thần và bóng tối dày đặc". (Thánh Bênađô - Bài giảng Aqueduc 6, cuốn 5).

Mẹ là Ðấng trung gian nhưng là Ðấng trung gian cầu bàu, bên cạnh Chúa Giêsu là Ðấng duy nhất. (1Ti 2,5).

Mẹ là Ðấng trung gian hay môi giới "trong Chúa Kitô", không phải trong mỗi ơn thông chuyển mà trong sự thông hiệp toàn diện với Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất. Trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã chấp thuận chương trình của Chúa thay cho nhân loại.

Trong tiệc cưới Cana, Mẹ cầu bàu Chúa Kitô cho hết mọi người và kêu mời mọi người trở về phục vụ Chúa.

"Hãy làm những gì người truyền dạy" (Gio 2,5).

Mẹ là người Mẹ và là Ðấng trung gian, như lời Công Ðồng tuyên bố: "Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn luôn tiếp tục cầu bàu để đem lại cho chúng ta những ân huệ, giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình Mẹ hiền, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm thử thách, cho đến khi đạt đến hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu:

- Trạng Sư,

- Vị Bảo Trợ,

- Ðấng Phù Hộ

- và Ðấng Trung Gian.

Tuy nhiên, phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào, để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðức Kitô Ðấng Trung Gian duy nhất". (Giáo Hội số 62).

2. Mẹ và Giáo Hội

Mục sư Max Thurian, thuộc cộng đoàn Taizé, viết:

"Phúc Âm và Thánh Truyền Kitô giáo không thể chia cách Ðức Maria với Giáo Hội. Cả hai đều hiệp nhất trong một sứ mệnh căn bản: Làm Mẹ" (Max Thurian, Marie Mère du Seigneur - Figure de l'Eglise, Presses de Taizé 1962 trang 10).

Sự liên hệ giữa Mẹ Maria và Giáo Hội không phải chỉ được xây dựng trên căn bản "làm Mẹ" thôi, tuy rằng đó là điểm chính yếu. Giáo Hội là Mẹ dưới nhiều phương diện.

Trong giếng rửa tội, Giáo Hội đã sinh hạ những người con mới cho Chúa Kitô. trong phép Thánh Thể, Giáo Hội nuôi dưỡng gia đình của Chúa. Giáo Hội là nơi nương tựa, là nguồn tình yêu là chỗ tha thứ. Qua bảy phép Bí Tích, Giáo Hội thi thố tình hiền mẫu cho chúng ta.

Mẹ Maria cũng là Mẹ của mọi tín hữu vì trước tiên Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu. Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu thì Mẹ cũng ban cho ta được tái sinh trong Chúa Thánh Thần nhờ con Mẹ.

Mẹ là gương mẫu, là tiền ảnh của Giáo Hội vì Mẹ đã sống các nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến và tuần phục một cách tuyệt diệu.

Mẹ là Ðấng Vô Nhiễm, Ðấng đầy ơn phúc thì Giáo Hội cũng vậy... Mẹ được thông phần mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa, linh hồn và xác lên trời, thì Giáo Hội cũng sẽ được tham dự. Mẹ cầu bàu cho chúng ta trước tòa Chúa thì Giáo Hội cũng làm như vậy.

Việc tôn sùng Mẹ Maria là một đặc điểm của Giáo Hội Công Giáo và sự tôn sùng đó dựa trên ba nguyên tắc căn bản của Thần Học là sự môi giới, sự chuyển thông nhờ các Bí Tích và mầu nhiệm thông công.

Chúng ta tôn kính Mẹ cách đặc biệt vì chúng ta nhìn nhận Mẹ là Ðấng trung gian chuyển lời cầu nguyện của chúng ta lên và chuyển ơn trên trời xuống, hiệp thông với Chúa Kitô Ðấng trung gian duy nhất, thì Giáo Hội cũng là dụng cụ Ơn Cứu Rỗi.

Chúng ta tôn sùng Mẹ, không phải vì Mẹ là một "Nữ Thần", một thụ tạo siêu việt ngang hàng với Thiên Chúa mà vì, nơi Mẹ chúng ta nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa hiển hiện. Mẹ là "Bí Tích" của Chúa thì Giáo Hội cũng là một thánh tích.

Chúng ta tôn sùng yêu mến Mẹ vì Mẹ là nguồn suối phát sinh ơn Thánh Thần, lan tràn để canh tân thế giới, thì Giáo Hội do mầu nhiệm các Thánh thông công cũng là nguồn thông chuyển ơn Thánh.

Ðức Lêô XIII gọi Mẹ là "Mẹ của Giáo Hội".

Và Công Ðồng Vatican II, khi kết thúc Hiến Chế về Giáo Hội, đã dành chương VIII để nói về Trinh Nữ Maria là Mẹ và là gương mẫu của Giáo Hội.

"Ðức trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc cũng như nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội. Như thánh Ambrôsiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô". (Giáo Hội số 63).

 

Linh Mục Hồng Phúc, CSsR

 

(Trích dẫn từ Tác Phẩm "Mẹ Maria" của Lm Hồng Phúc, CSsR,

Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page