Ðức Maria,

Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Sau khi đã học hỏi về ba tín điều được Giáo Hội công khai hoặc mặc nhiên tuyên bố từ trước bán thế kỷ thứ V: Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh và thánh thiện, chúng ta suy niệm về hai tín điều liên hệ đến đầu đời và cuối đời của Ðức Mẹ và mới được công bố do Ðức Piô IX năm 1854 và Piô XII năm 1950. Ðó là Tín Ðiều:

- Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

- Ðức Mẹ Linh Hồn và Xác lên trời.

Hai tín điều này, tuy không có căn bản rõ rệt trong Thánh Kinh nhưng đã được cống bố để soi sáng cho chúng ta biết về lúc nguyên thủy cũng như vào giờ cuối cùng của Ðức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, theo ẩn ý của Phúc Âm.

Chúng ta không nên lầm lẫn giáo điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và tín điều "trinh thai" nghĩa là việc Ðức Mẹ sinh hạ Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh, hay là về chính việc thai sinh của Ðức Mẹ.

Theo niềm tin được công bố (D. 1641), mầu nhiệm có nghĩa là do ơn Cứu Chuộc tiền ứng của Chúa Kitô, Mẹ Maria đã được gìn giữ khỏi tội tổ tông ngay từ khi tượng thai và như vậy Mẹ đã được ơn Cứu Ðộ nhờ Chúa Kitô ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời.

1. Lịch Sử Tín Ðiều

Thánh Lễ kính mầu nhiệm Vô Nhễm đã có từ giữa thế kỷ thứ VII và thứ VIII tại Ðông Phương. Các vị giảng thuyết nói về sự thai sinh Vô Nhiễm, thánh thiện mà không nêu lên vấn đề nào khác.

Vào thời Trung Cổ, Thánh Lễ đã nhập vào Tây Phương, và từ thế kỷ thứ IX, nhiều dòng tu ở Ðức và cả La mã đã mừng kính.

Vào năm 1060, các Thầy Dòng đem vào Anh Quốc và giữa năm 1127 và 1128, Thánh Lễ được lan rộng trong cả Âu Châu, mặc dầu Thánh Bênađô tỏ ra dè dặt trước "sự mới lạ" ấy.

Thoạt đầu, đây là một phong trào sùng kính sốt sắng nhưng thiếu sự suy tư, nhất là bị ảnh hưởng của những ý kiến mù mờ của thời đại.

Người ta tin tưởng với Thánh Augustinô rằng việc giao hợp vợ chồng, cả trong hôn phối Kitô giáo, là một hành động trác táng lưu chuyển tội tổ tông. Và như vậy, Mẹ Maria sinh bởi sự giao hợp của Cha Mẹ, làm sao thoát khỏi định luật ấy. Vả lại, người ta có một quan niệm không mấy khoa học về việc thai sinh, như thể xác được cưu mang trước rồi linh hồn đến trong khoảng cách sau: Linh hồn con trai trước 40 ngày, linh hồn con gái phải lâu hơn mới hợp với thể xác vì bản tính con gái yếu kém!

Các nhà thần học lại không biết làm sao để thoát khỏi cái vòng lý luận sau đây: Chúa Kitô là Ðấng Cứu Chuộc hết mọi người. Nếu nói rằng Ðức Mẹ không vướng mắc tội lỗi cho dầu chỉ nói đến tội tổ tông thôi thì Chúa Kitô không còn là Ðấng Cứu Chuộc toàn thể nhân loại. Chương trình Cứu Ðộ có một kẽ hở. Và tất cả các nhà thần học thế kỷ XIII, kể cả Thánh Tôma Aquinô đều nghĩ rằng Ðức Mẹ vẫn phần nào lệ thuộc tội lỗi; ít là trong thẩ xác khi thai sinh.

Cuối thế kỷ XIII, nhà thần học Duns Scott đã có công học hỏi và đảo ngược lại lý luận trên. Ông cho rằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ chẳng những không làm tổn thương đến vinh dự Chúa Kitô và công cuộc cứu chuộc của Ngài mà, trái lại, càng làm tỏ rạng sự sung mãn của công cuộc ấy. Vì Ðấng cứu chuộc hoàn hảo phải là Ðấng không những có thể Chữa Lành tội lỗi mà còn Ngăn Ngừa tội lỗi.

Cũng như một người mẹ tỏ ra có một tình thương hữu hiệu khi Bà tắm rửa cho đứa con vừa rơi vào đống bùn; nhưng nếu Bà biết ngăn ngừa kh6ng để cho con rơi vào bùn thì tình thương của Bà càng linh nghiệm hơn.

Nhờ sự trực giác sâu xa ấy, Duns Scott đã đổi ngược thế cờ, giải quyết được vấn nạn được coi là nan giải trước đây về sự thánh thiện nguyên thủy nơi Ðức Mẹ. Ông đã minh chứng rằng giáo lý Ðức Mẹ Vô Nhiễm có thể chấp nhận được và hơn nữa đặc ân ấy tương xứng với địa vị của Mẹ Thiên Chúa.

Sau ông, giáo thuyết lan rộng như vết dầu loang.

2. Công Bố Tín Ðiều

Sau nhiều thế kỷ học hỏi, nghiên cứu, tranh luận nữa, vấn đề đã được Ðức Giáo Hoàng Piô IX giải quyết khi Ngài công bố Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày mồng 8 tháng 12 năm 1854.

Lời công bố nhắc lại những lời của vị Giáo Hoàng Alexandre VII (1661) năm xưa, khi ngài đặt liên hệ giữa việc cứu chuộc toàn diện và đặc ân vô nhiễm của Ðức Mẹ.

Lời công bố không phản lại việc cứu chuộc toàn diện mà còn làm sáng tỏ hơn: Mẹ Maria đã được Chúa cứu rỗi do công nghiệp tiền ứng và hồi tố của Chúa.

Nguyên văn Lời Công Bố như sau:

"Từ giây phút đầu tiên khi tượng thai, do một đặc ân và ưu huệ của Thiên Chúa toàn năng và dựa trên công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Ðấng Cứu Chuộc nhân loại, Ðức Trinh Nữ Maria được gìn giữ khỏi vướng mắc mọi tỳ ố, tội tổ tông truyền". (Piô IX - sắc lệnh Munificentissimus ngày 8 tháng 12 năm 1854).

3. Căn Bản Thánh Kinh

Như đã nói, Tín điều này không được ghi rõ trong Thánh Kinh.

Nhưng Tín điều được tiềm ẩn trong nguồn mạc Khải, trong tư tưởng Dân Chúa được coi là một vị hôn thê. Tiên tri Ôsê lên tiếng mạt sát dân được tuyển chọn như một cô gái lăng loàn, một dâm phụ (2,4-7).

Nhưng rồi người nhìn thấy một cuộc đổi mới và ca tụng như một vị hôn thê.

"Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi
ta đính hôn với ngươi bằng công chính
Công minh, nhân nghĩa xót thương
Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tin và ngươi sẽ biết Gia vê" (Ôsê 2,4-22)

Hình ảnh người dâm phụ dần dần được xóa mờ hẳn để lộ hiện chân dung người hôn thê:

"Em mỹ miều, hiền thê ơi
Nơi em không có một tì vết..." (Diệu ca 4,7-8).

Lời Thiên Chúa phán hứa sẽ thực hiện. Nhưng thực hiện ở đâu? Phải chăng ở nơi Giáo Hội? Chưa hẳn vì Giáo Hội cũng bao gồm rất nhiều người tội lỗi. Lời phán hứa được thể hiện nơi Ðấng đã được tuyển chọn để làm Mẹ Chúa Kitô, của Giáo Hội và của công cuộc tạo dựng mới. Ðó là Ðức Maria, Ðấng thánh thiện và không mặc tì ố.

Như vậy, mầu nhiệm vô nhiễm đã có căn bản tiềm ẩn trong Thánh Kinh và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội càng ngày càng ý thức hơn và long trọng tuyên bố thành tín điều, như chiếc nụ hồng đầu xuân hé mở thành một cánh hoa xinh tươi. Mẹ là bà Evà mới trong cuộc tạo dựng mới. "Mẹ trẻ trung hơn tội lỗi, hơn nòi giống đã sinh ra Mẹ" - Plus jeune que le péché, plus jeune que la race dont elle est issue" (Bernanos - Journal d'un Curé de campagne, 1936).

4. Thánh Tích

Hôm ấy, ngày 25 tháng 3 năm 1858, ngày Lễ Truyền Tin, Cô Bernađetta thức dậy thật sớm. Cô cảm thấy có một sức mạnh thúc đẩy cô ra hang Ðá Lộ Ðức. Cha mẹ Cô không muốn cho cô đi, nhưng biết rằng con đang bị một sức mạnh thúc đẩy như không chống lại được. Từ 5 giờ sáng, Cô đã lên đường đi ra bộng đá.

Lần này, cô nhất quyết phải hỏi cho bằng được tên của "Bà lạ". Mấy lần trước Bà chỉ mỉm cười, đem bút mực ra xin Bà viết Bà cũng chỉ mỉm cười. Nhưng lần này, cô phải trả lời cho Cha Sở.

Sau khi lần hạt, Bà lạ tiến ra gần cửa hang. Bernađetta sung sướng và lấy hết can đảm nói lên câu mà cô đã dọn sẵn bằng thổ ngữ.

- Thưa Bà. Xin Bà làm ơn nói cho con biết Bà là ai?

Bà lạ chỉ mỉm cười. Bernađetta hỏi lại lần thứ hai, thứ ba. Bà vẫn mỉm cười. Nhưng lần này cô cương quyết phải hỏi cho kỳ được vì đó là điều kiện của Cha Sở, nếu Bà muốn chó một nhà thờ như Bà xin.

Sau lần hỏi thứ tư. Bà lạ không cười nữa.

Bà mở hai tay ra chỉ xuống đất. Rồi Bà chấp tay lại ngang ngực ngước mắt nhìn trời và nói:

- Que soy era Immaculada Concepciou"

Rồi Bà biến đi trong vùng ánh sáng.

Mặt Bernađetta trở lại vẻ hồng hào vui tươi. Cô chạy ngay về nhà Xứ, vừa chạy vừa lẩm nhẩm trong miệng kẻo sợ quên mất lời Bà lạ vừa nói.

Immaculada Coun-cetiou

Immaculada Coun-cetiou.

Cô hơi líu tíu với hai chữ cuối cùng. Vừa vào nhà Cha Sở, cô thốt ra ngay:

"Que soy era Immaculada Concepciou".

Cha Sở giật mình như muốn ngã. Ngài biết rằng Bernađetta không thể tự mình bày ra. Cha như bị một ánh sáng làm hoa mắt... Nhưng rồi ngài chấn tĩnh, lấy lại vẻ nghiêm khắc thường có và nói với Cô bé:

- "Một Bà không thể mang tên đó. Cô lầm! Cô có hiểu câu đó không?

Bernađetta nhẹ lắc đầu.

- "Nếu Cô không hiểu sao cô lại nói?"

- "Con lập đi lập lại trên suốt đường về".

Cha Peyramale cảm động, cố nén giòng lệ như muốn trào ra.

Bernađetta đứng im lặng rồi lẩm bẩm như một lời van xin:

- "Thưa Cha, Bà ấy vẫn muốn Cha xây một nhà thờ".

Cha Sở vận dụng tất cả uy quyền như để bảo tồn danh dự:

- "Cô đi về đi, ta sẽ gặp lại lần khác.

Bernađetta không hiểu vì sao Cha Sở có vẻ phật ý. Cô tự hỏi câu ấy có nghĩa gì? Ngày Lễ mồng 8 tháng Chạp, chắc Cô đã nghe giảng những bài giảng bằng Pháp ngữ mà cô mù tịt tiếng Pháp. Cô chỉ biết thổ ngữ. Về đến nhà Cô mới được Ông Estrace giải thích.

Thì ra Bà lạ đã nói tên:

Que soy era Immaculada Concepciou, là thổ âm miền Pyrênê, theo Pháp ngữ là:

Je suis l'Immaculée Conception.

Ta là Ðấng chẳng hề mắc tội Tổ Tông truyền.

Ðó là Tín điều Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố 4 năm về trước trong Tông Huấn Munificentissimus ngày 8 tháng 12 năm 1854:

"Ta công bố rằng Ðức Trinh Nữ Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố của tội Tổ Tông truyền... ngay từ giây phút đầu tiên khi mới tượng thai".

Ðây là lần hiện ra thứ XVI. (Phỏng theo La Vie de Bernadette của R. Laurentin. Desclée De Brouwer 1978).

 

Linh Mục Hồng Phúc, CSsR

 

(Trích dẫn từ Tác Phẩm "Mẹ Maria" của Lm Hồng Phúc, CSsR,

Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page