Tước hiệu Ðức Mẹ Maria

"được gìn giữ khỏi nguyên tội"

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Tước hiệu Ðức Mẹ Maria "được gìn giữ khỏi nguyên tội" (Immaculata)

Tước hiệu Ðức Mẹ Maria "được gìn giữ khỏi nguyên tội" vào thời trung cổ đã gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt giữa các nhà thần học, cuối cùng Ðức Piô IX đã công bố thành tín điều vào năm 1854.

Tín điều "Ðức Maria được gìn giữ khỏi nhiễm tội truyền" không thể nại đến chứng cứ Thánh Kinh cách trực tiếp, lý chứng của tín điều nầy đúng hơn được xây dựng dựa vào chứng cứ Kitô học. Khởi điểm của học thuyết về việc Ðức Maria được giữ gìn khỏi vướng tội truyền bắt nguồn từ thời trung cổ về sự nhận thức về sự Ðồng trinh của Ðức Maria. Theo đó Ðức Maria được giữ gìn khỏi vương nguyên tội vì Mẹ sinh ra Con Thiên Chúa. Hippolyt (235) đã chứng thực rằng, Ðức Maria không bị vướng mắc một tội riêng nào. Công đồng Trentô ủng hộ tư tưởng nầy (x. DH 1573) và trở thành nền tảng cho giáo huấn về Thụ thai tinh tuyền của Ðức Maria (x. DH 2800). Từ đó đòi hỏi một nghiên cứu thần học về bản chất của tội mà Ðức Maria không bị vướng mắc. Người ta hiểu tội (theo truyền thống Do thái - Cựu ước) như là hành động xấu xa chung, sự gẫy đỗ chung trong mối tương quan giữa con người với con người và con người với Thiên Chúa, do đó học thuyết về sự tinh tuyền không vướng mắc tội của Ðức Maria như là một cách trình bày về thái độ của Mẹ sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong Ðức tin, Ðấng thể hiện ý định tái lập lại mối tương quan đối với người tội lỗi trong Chúa Giêsu trong chiều kích cánh chung vào thời sau hết. Học thuyết về Ðức Maria thánh thiện không vấn vương tội lỗi chủ yếu không nhằm chiều kích đạo đức, nhưng là nhằm nhấn mạnh đến khía cạnh chứng tá Ðức tin đối với khả năng của con người có thể đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, và tạo nên mối liên kết với Người.

Muốn tìm một lý chứng thần học đối với học thuyết về sự tinh tuyền không vướng mắc tội nhơ của Ðức Maria, cần phải nại đến giáo huấn về nguyên tội của Giáo hội: Ðức Maria đã được gìn giữ khỏi những ô nhơ, khỏi thực tại bất hạnh của nguyên tội. Vì thế học thuyết nầy cần phải được phân biệt về ý định đích thật của truyền thống giaó huấn nhằm giải quyết hai vấn đề:

1. Người ta phải nói về việc giữ gìn Ðức Maria khỏi nguyên tội và về không vướng mắc tội nhơ hay sự thánh thiện của Mẹ như thế nào mà không gây nguy hại đến sự phổ quát và cần thiết của hành vị cứu chuộc nơi Chúa Giêsu Kitô dành cho mỗi một con người.

2. Giáo huấn nầy phải hiểu như thế nào trong việc lưu truyền tội tổ tông, đặc biệt theo chủ trương của trường phái Augustinô về việc lưu truyền nguyên tội qua những ước muốn nhằm thỏa mãn dục vọng thấp hèn, vì thế mỗi người đều mang trong mình caro peccati (x. Rom 8, 3).

Ðối với Chúa Giêsu, Augustinô đã đưa ra giải pháp: Nơi Ðức Giêsu không có dấu ấn của tội lỗi (Dt 4, 15), Ngài chỉ mặc lấy thân xác tội lỗi (similitudo carnis peccati - Rom 8, 3), vì Ngài được sinh ra bởi Ðức Nữ Ðồng Trinh mà không do hành vi giao cấu (theo học thuyết Augustinô: nguyên tội được lưu truyền qua hành vi giao hợp giới tính).

Aselmô Canterbury và học trò của ngài Eadner đã soạn thiên khảo luận: bản chất của Nguyên tôi được nhìn trong chiều kích khiếm khuyết ân sủng siêu nhiên, và yếu tố chất thể của nguyên tội được nhìn trong chiều kích hậu qủa mà nguyên tội gây ra. Ðộc lập với lý thuyết của Augustinô về lưu truyền nguyên tội qua việc sinh nở tự nhiên do cha mẹ, Anselmô bàn đến việc tồn tại hay không tồn tại của nguyên tội qua con đường sinh nở tự nhiên, như Ðức Maria là trường hợp điển hình. Chủ trương như thế sẽ đưa đến vấn nạn về việc cứu chuộc phổ quát của Chúa Giêsu và việc giữ gìn Ðức Maria khỏi nguyên tội được liên kết như thế nào? Thomas (Sth III q. 27 a 4) và Bonaventura thì qủa quyết Ðức Maria không có miễn trừ nguyên tội. Theo Thomas việc sinh sản con người tự nhiên trong giây phút khởi sự đầu tiên chưa được phú bẩm linh hồn, mới đầu chỉ có giác hồn (hồn thực vật) và sinh hồn (hồn động vật) sau đó linh hồn mới được phú bẩm vào và làm cho bào thai mang đầy đủ nhân tính. Như vậy Ðức Maria được thanh tẩy khỏi tội ngay trong lòng mẹ sau khi hồn được phú bẩm trong thân xác. Có như thế mới giải đáp được vấn nạn về sự cứu chuộc phổ quát của Ðức Kitô.

Johannes Duns Scotus (1308) trình bày lý thuyết về tiền cứu độ. Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian cứu độ trọn hảo, tất cả mỗi người đều phải nhờ Người mới nhận được ơn cứu độ. Việc tôn thờ Ðức Kitô sẽ không phù hợp chút nào nếu Mẹ của Người trong một giây phút nào đó đứng dưới ách thống trị của tội lỗi. Mẹ đã nhận được ân sủng thánh hoá không phải tạm thời, nhưng là thực chất của giây phút hiện hữu đầu tiên. Ðức Maria cũng cần được cứu chuộc như bao người khác, nhưng trong giây phút đầu tiên hiện hữu Mẹ đã được cứu chuộc dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô và được giữ gìn khỏi ô nhơ nguyên tội (praeredemptio et praeservatio a macula peccati originalis).

Ngày nay học thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội được nhìn trong một nhãn quan mới về thực tại "nguyên tội" - như là sự sắp đặt của cá nhân trong toàn thể nhân chủng xã hội, một biểu lộ của kinh nghiệm, từ một quyết định cá nhân về điều tốt hay điều xấu, thì quyết định đó luôn luôn đứng trong bối cảnh cuộc sống được ghi dấu bởi hậu qủa xấu xa do tội con người. Từ chỗ nhận thức nầy, rõ ràng Giáo huấn về việc Ðức Maria được giữ gìn khỏi vương nhiễm tội truyền, không được hiểu nhằm đưa ra tiêu chuẩn để đạt tới đỉnh cao toàn thiện của con người - Maria vẫn ở trong một thực tại cuộc sống bất hạnh -, nhưng đúng hơn giáo huấn nhằm trình bày một ý định thần học trong ý nghĩa chặt chẽ: Thiên Chúa trong một giây phút đầu tiên lịch sử nẩy sinh sáng kiến cứu chuộc con người khỏi những vướng mắc bởi hậu qủa của tội gây ra. Duy từ ân sủng (sola gratia) Thiên Chúa tạo dựng nên một nòi giống nhân loại mới, nòi giống rộng mở đối với ý muốn của Người và sẵn sàng phục vụ cho chương trình cứu chuộc của Người. Nội dung cụ thể của giáo huấn nầy qui chiếu về sự hiện hữu khởi đầu trong thời gian của Ðức Maria, nhằm giải thích rằng, Thiên Chúa đã chọn Mẹ theo một một quyết định cá nhân, một sự phú bẩm, vì biết rằng Mẹ sẽ cộng tác với chương trình cứu chuộc trong sự tin tưởng phó thác của Mẹ (sola fide). Cho nên tín điều Immaculata năm 1854 có thể được nhìn lại về tước hiệu "Mẹ của những người tin", về hình ảnh đối xứng "tiền Giáo hội - Maria", về người phụ nữ trong Khải huyền như là hình bóng của Giáo hội... cho tới Eph 1, sự chọn lựa con người trước khi tạo thành vũ trụ, đưa tới nhận thức rằng, lòng nhân aí bao dung thì cao hơn mọi tội lỗi, ý muốn cứu độ của Thiên Chúa có từ ngàn đời, Ngài đã luôn ôm chặt lấy tất cả tội lỗi và biến đổi nó.

Tín điều 1854 đã nhấn mạnh rằng "dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô" (DH 2803) Ðức Maria được gìn giữ khỏi nguyên tội, đã liên kết với công cuộc cứu cuộc phổ quát nhân loại trong biến cố Ðức Kitô. Như mọi người, Ðức Maria cũng cần được cứu chuộc, vì Mẹ cũng đã "tiến bước trong cuộc lữ hành Ðức tin" (LG 58). Vì vậy việc tôn sùng Ðức Maria như là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội đưa đến một nhận định: Mẹ như "người được cứu rỗi tiên khởi" được Chúa kêu gọi nhằm phục vụ cho ơn cứu chuộc, Mẹ phân biệt với chính Người Con của Mẹ không phải bởi thứ bậc, nhưng bởi bản thể, đời sống và số mệnh của Người Con là điều kiện của sự tồn tại Ðức tin của Me.

 

LM. Hà Văn Minh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page