Sự Cao Trọng của Thiên Chức Làm Mẹ

Của Ðức Maria

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Sự Cao Trọng của Thiên Chức Làm Mẹ

Khi Thánh Kinh nói về quyền chức cao trọng của Chúa Kitô, thì nói: Người càng cao trọng hơn các Thiên Thần bao nhiêu, càng được những danh xưng trọng vọng hơn các Thiên Thần bấy nhiêu, vì có bao giờ một vị nào trong các Thiên Thần được Thiên Chúa phán: "Con là Con Cha, hôm nay chính Cha đã sinh ra con" (Tv 2,7). Lại nữa, khi cho Con Một Người xuống trần gian, Thiên Chúa phán: Hết thảy các Thiên Thần phải thờ lạy Ngài (Tv 96,7; Dt 1,4-6).

Ðúng thế, vì Chúa Kitô là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể (Jn 1,14), là Ngôi Hai Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa (Jn 1,1) như Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Thánh Thần.

Về Mẹ Maria Vô Nhiễm nguyên tội, chúng ta cũng có thể mượn câu Kinh Thánh trên mà suy hiểu Thiên Chức làm Mẹ của Ðức Maria cao trọng chừng nào? Nhưng chúng ta sẽ đi từ từ như lần từng bước sau đây:

- Dù man di mọi rợ đi nữa, bất cứ người nữ nào sinh con cũng được gọi là "Mẹ" và đã là mẹ, thì yêu con, vì có người mẹ nào không yêu dấu con? mẹ nào lại có thể quên được đứa con lọt lòng mình? (Is 49, 15). Tình mẫu tử này ở bậc rất tự nhiên, xét theo sự kiện một người nữ thụ thai và sinh con, dù là con sinh bởi cha mẹ bất hợp pháp cũng vậy.

- Lên bậc nữa quý trọng hơn và thánh thiện là tình mẫu tử của người mẹ trong hôn nhân công giáo theo giáo luật. Bí tích hôn nhân do chính Chúa Kitô thiết lập, để thánh hóa bậc đôi bạn. Ðây là người mẹ của kitô hữu ở trần gian và của Thánh nhân trên Trời. Nếu người con được giáo dục và sống trung thành theo giáo lý Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội, thì thiên chức làm mẹ của người kitô hữu đích danh là thiên chức làm mẹ các con cái Chúa, của các Thánh sau này trên Trời. Người mẹ ấy cao quý và trọng vọng chừng nào?

2. Sự Cao Trọng Siêu Việt Tuyệt Vời của Thiên Chức làm Mẹ của Ðức Maria

Bây giờ ta mới tìm hiểu sự cao trọng siêu việt tuyệt vời của thiên chức làm Mẹ của Ðức Maria.

- Thiên Chức làm Mẹ của Ðức Maria cao trọng tuyệt đỉnh ở ơn thánh siêu đẳng, đó là Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, tức là Mẹ được Chúa ban ơn phi thường: không mắc tội "Tổ Tông truyền" mà bất cứ ai sinh trên đời sau Adam Evà phải chịu, qua muôn thế hệ cho đến tận thế. Hơn nữa, từ giây phút đầu tiên, Ðức Mẹ được dựng thai trong lòng Thánh Nữ Anna, thì Mẹ ở trong sự công chính thánh thiện thật (ph 4,24). Như thế Mẹ không bị nhiễm tội qua một tích tắc nào, nghĩa là Mẹ được đầu thai hoàn toàn trong Ơn Thánh Sủng đúng hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Mẹ là người trần độc nhất vô song không có chút bợn nhơ tội lỗi hay chút khuyết điểm nào về sự thánh thiện của ơn sủng, từ giây phút đầu tiên Chúa dựng nên trong lòng mẹ. Mẹ xứng đáng được ca tụng là Evà thứ hai để sinh ra những con cái cho cuộc sống đời đời trong ơn Thánh, chứ không như Evà thứ nhất, vì phản bội (St 3,6) đã sinh ra đoàn con nhân loại tội lụy và phải chết (St 2,27) và chết đời đời ở trong tội, nếu không có ơn Cứu Chuộc. Trong cả đoàn con Evà, từ Cain Abel (St 4,1-2) cho đến tận thế, chỉ duy có mình Mẹ là người không phải ngậm ngùi than khóc vì tội lỗi, như lời thống hối của Tiên Tri Ðavid: Con thú nhận đã làm điều gian ác... Vì bản thân con đã sinh ra trong tội, vì mẹ con đã cưu mang con trong tội (Tv 50,5-7).

3. Chúa nâng Ðức Mẹ lên cao tột đỉnh là làm Mẹ Thiên Chúa

Từ đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội ấy, Chúa nâng Ðức Mẹ lên cao tột đỉnh là làm Mẹ Thiên Chúa. Ðến đây phải nói là cao trọng vô cùng rồi, vì Thiên Chúa đã là Ðấng cao cả vô cùng, mà Mẹ lại được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ Thiên Chúa, thì miệng lưỡi phàm trần biết nói sao để ca tụng Mẹ cho xứng được? Bút mực nào, dù như lá rừng cát biển cũng không sao tả xiết được sự cao trọng vô cùng ấy.

Nhưng ta có thể hiểu được phần nào, khi nghĩ rằng: Thiên Chúa toàn năng toàn trí đã ban đặc ân Vô Nhiễm, để chuẩn bị trang sức cho một thụ tạo, sau này xứng đáng làm Mẹ Chúa. Quả thực, xin mạn phép đặt một giả sử: nếu Ðức Maria chỉ vương tội Tổ Tông như bất cứ ai khác, dù chỉ một tích tắc thôi, thì cũng đủ cho Mẹ không bao giờ xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa nữa. như thế cũng đủ cho ma quỷ xỉ nhục Ðấng toàn năng, vì dù sao Mẹ Thiên Chúa cũng vẫn còn một tích tắc bị khuất phục dưới quyền ma quỷ là kẻ gây ra tội lỗi (Jn 8,34). Ðó là điều đời đời không thể bao giờ có được.

Ðến đây ta thấy như tắc lưỡi, không biết phải nói làm sao, vì không thể nào ca tụng sự uy nghi cao cả, sáng láng thánh thiện của Thiên Chúa, Ðấng Tự Hữu, có hết mọi ưu phiền, mà ưu phẩm nào cũng vô cùng tận... Cũng không biết lấy lời nào mà ngợi khen Ðức Trinh Nữ cho xứng đáng, Ðấng mà Thiên Chúa nhận là Mẹ. Thực chỉ còn biết im lặng, mà cung kính ngợi khen, để họa may sự thinh lặng cung kính lại cảm kích bao tâm hồn biết cảm tạ Thiên Chúa toàn năng đã làm cho Mẹ Maria nên cao trọng tuyệt vời, là làm Mẹ Thiên Chúa, để đổ tình mẫu tử xuống cho loài người.

4. Mầu Nhiệm nhập thể và Giáng Sinh

Theo giáo lý, con người có hai phần: thể xác và linh hồn. Vậy khi nói: người mẹ cưu mang cũng như sinh hạ con cái, thì chỉ hiểu về thể xác mà thôi, còn linh hồn do Chúa tao dựng giống hình ảnh Ngài (St 1,27); mỗi thể xác có khả năng để đón nhận linh hồn. Ðó là thông lệ thành luật tự nhiên ở nơi mọi phụ nữ. Nhưng về phần Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, thì lại khác hẳn, vì có luật trừ duy nhất, vì Mẹ đồng trinh, không biết đến người nam (Lc 1,34); Mẹ lại mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần (Lc 1,35; Mt 1,20). Chúa Giêsu con Mẹ không phải sinh ra theo huyết nhục, theo dục tình xác thịt hay theo ý muốn của người nam (Jn 1,13), mặc dầu Chúa Giêsu có xác thịt của con người thực. Ðây là mầu nhiệm, thường gọi là Mầu Nhiệm nhập thể và Giáng Sinh. Chúa Giêsu được Mẹ hoài thai và sinh hạ ngoài thông lệ thiên nhiên, đúng như lời Sứ Thần truyền tin cho Mẹ: Thiên Chúa là Ðấng toàn năng, chẳng có việc gì mà Ngài không làm được (Lc 1,37).

Vậy điều siêu việt khôn tả, không thể bỏ qua, đó là bào thai mà Mẹ Maria đồng trinh vô nhiễm nguyên tội cưu mang, không phải chỉ duy có linh hồn và thể xác như bất cứ bào thai nào khác, mà còn có Ngôi Lời của Thiên Chúa (Jn 1,1) là Thần tính kết hợp với nhân tính. Thiên tính là Ngôi Lời cũng là Thiên Chúa, nhân tính là con người có xác hồn. Thiên tính và nhân tính hiệp nhất nên một Ngôi, gọi tắt là Ngôi Hiệp. Do vậy, bào thai trong lòng Mẹ Maria là bào thai của "Ngôi Hiệp", tức là chính Ngôi Lời nhập thể, kết hiệp với máu thịt Mẹ (1) làm nên một hữu thể vô tiền khoáng hậu, tức Con Người Thượng Ðẳng Siêu Phàm, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Nói mầu nhiệm Nhập Thể là nói gọn lại, đúng ra phải nói: Ngôi Lời Thiên Chúa giáng trần, mặc lấy xác thịt trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria (Jn 1,14).

Càng suy niệm, càng nói năng, càng thấy Thiên Chúa toàn năng và từ bi thương xót vô biên, cũng như càng thấy Mẹ Maria được Thiên Chúa tôn lên cao cả tuyệt vời, để làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người... (Jn 19,26-27), để loài người được hưởng trọn mối tình mẫu tử của Mẹ; tình mẫu tử này bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa (Eph 3,15), để tình yêu cao cả này được thông qua Mẹ đến với loài người. Như thế càng thấy phúc lớn lao của con nhỏ đã được hưởng mối tình mẫu tử của Mẹ Maria. Mối tình cao siêu này hằng thông ban ơn phúc cho con nhỏ làm cho nó càng ngày càng trở nên "bé thơ yêu mến" của Mẹ Maria mà yêu mến Mẹ với tấm tình trong trắng đơn sơ và nồng nhiệt, gắn bó với Mẹ, không khác nào mối tình của Chúa Giêsu hài đồng đã yêu mến Mẹ xưa và vẫn yêu Mẹ đời đời.

Thiên chức làm mẹ của Ðức Maria quả thật siêu việt và cao sang tuyệt đỉnh, nên càng nói lại càng cảm thấy như chưa nói được gì, đúng như lời Thánh Benađô đã nói: De Maria nunquam satis = nói về Ðức Maria chẳng bao giờ cùng.

 

Chú Thích:

(1) Thánh Tiến sĩ Augustinô viết: "Thể chất Chúa Kitô al2 thể chất của Ðức Maria.

Thánh Bernard cũng viết: "Caro Christi, caro Mariae = thịt của Chúa Kitô al2 thịt của Mẹ Maria".

Tất cả thân xác của người con là của người Mẹ, vì được thành hình trong lòng mẹ.

 

Linh Mục Vũ Ðình Trác

 

(Trích dẫn từ Tác Phẩm "Tràng Châu Mân Côi" của Lm Vũ Ðình Trác,

Hội Hữu xuất bản năm Thánh Mẫu 1988)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page