Việc sùng kính Mẹ Maria

thời Trung Cổ

 

Việc sùng kính Mẹ Maria thời Trung Cổ.

Vatican (Vat. 10-08-2016) - Trong lịch sử đế quốc Roma người ta ghi nhận sự tách rời giữa đế quốc Roma Ðông phương gọi là đế quốc Bisantin và đế quốc Roma Tây phương. Từ Bisantin phát xuất từ tên gọi Bisansio là tên cũ của thành phố Costantinopoli do hoàng đế Costantino thành lập và là thủ đô của Roma mới. Các nhà nghiên cứu và sử gia không thống nhất với nhau về thời điểm bắt đầu gọi đế quốc Bisantin. Kiểu nói đế quốc Roma Ðông phương đã bắt đầu phổ biến dưới thời hoàng đế Valente và đế quốc Bisantin có nền văn hóa tiếng Hy Lạp, tách rời khỏi đế quốc Roma Tây phương có nền văn hóa hầu như triệt để Latinh. Có học giả cho rằng đế quốc Bisantin bắt đầu sau khi hoàng đế Teodosio I qua đời năm 395, và hai đế quốc hoàn toàn tách rời nhau. Nhiều người khác cho rằng nó bắt đầu năm 330 khi hoàng đế Costantino khánh thành Costantinopoli là thành Roma mới. Nhiều vị khác đề nghị năm 476 là năm chấm dứt đế quốc Roma Tây phương. Có vị đề nghị năm 565 là năm hoàng đế Giustiniano, hoàng đế sau cùng của tiếng Latinh, qua đời. Vài sử gia lại cho rằng đế quốc Bisantin bắt đầu sau khi hoàng đế Eraclito lên ngôi và thay đổi các cơ cấu của đế quốc. Thật ra, ít nhất cho tới thế kỷ thứ VII nhiều người vẫn dùng cả hai từ Roma và Bisantin để gọi đế quốc Ðông Phương. Sau một cuộc khủng hoảng dài đế quốc Bisantin đã bị các thập tự quân tàn phá năm 1204. Nó được tái lập vào năm 1261, nhưng ngưng hiện hữu vào năm 1453, khi đạo binh đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ do Mohammad II đánh chiếm Costantinopoli.

Với biến cố tách rời từ từ của đế quốc đông phương khỏi thế giới tây phương việc sùng kính Mẹ Maria cũng chịu một sự chuyển biến khác trong Giáo Hội Bisantin và trong Giáo Hội tây phương.

Bên Ðông Phương khung cảnh lịch sử xã hội và văn hóa ổn định trong nhiều thế kỷ. Việc chú ý tới Ðức Maria gắn liền với nhiệm vụ của Mẹ trong việc nhập thể và luôn luôn bị điều kiện hóa bởi kiểu tương quan được gán cho Mẹ đối với Chúa Giêsu Con Mẹ. Khuynh hướng Êphêxô miêu tả Mẹ với một loại hào quang siêu việt và thần linh hóa. Trong khi khuynh hướng Calcedonia đề cao mối dây nối kết Mẹ với con người của Ðấng Cứu Thế, là Ðấng đã nhận lấy hình hài của người tôi tớ trong các điều kiện hạ mình và khiêm nhường. Trong cả hai trường hợp tương quan đặc biệt cá nhân của Mẹ với Con Thiên Chúa luôn khích lệ tín hữu chạy đến khẩn cầu Mẹ bầu cử cho họ.

Bên Tây Phương, trái lại, chúng ta có một xã hội chịu ảnh hưởng sâu đậm của các thay đổi sâu rộng. Các điều kiện xã hội bất an, các nguy hiểm, các cuộc chiến do nạn xâm lăng gây ra cũng như tiến trình thuần hóa các dân rợ từ phiá đế quốc Roma và việc hội nhập của các dân này vào tâm thức và nền văn minh cổ điển, tạo thuận tiện cho lòng sùng mộ các nhân vật mạnh mẽ thành công trong việc chiếm hữu được một vị thế ưu tiên và có uy tín trong xã hội. Ðối nghịch với hiện tượng tự khẳng định này của các nhân vật mạnh mẽ trong nghĩa duy cá nhân là đa số đám đông vô danh, nhưng là những người đầu tiên cần bảo vệ các quyền cơ bản của họ.

Tinh trạng này cũng phản ánh trong cuộc sống của Giáo Hội, trong đó các tương quan giữa hàng giáo phẩm và giáo dân cũng tiến triển trong nghĩa duy cá nhân. Giáo dân ngày càng ít coi mình là các chi thể sống động và tích cực của Giáo Hội với nhiệm vụ và trách nhiệm riêng của mình, và họ hướng tới chỗ ẩn nấp sau trách nhiệm tập thể của cơ cấu, và coi mình là những kẻ thuộc quyền đơn sơ. Các chủ chăn và các thừa tác viên phụng tự, thay vì là những người phục vụ dân Thiên Chúa, thì lại tự giới thiệu mình như các lãnh tụ. Trong bối cảnh đó người ta đánh mất đi ý thức bản chất hiền mẫu của Giáo Hội và coi Giáo Hội như một xã hội phẩm trật nhiều hơn.

Từ đó nảy sinh ra một khuynh hướng rõ ràng lấy Ðức Maria thay thế cho Giáo Hội, tình hiền mẫu của Ðức Trinh Nữ thay thế cho tình hiền mẫu của Giáo Hội. Và thế là người ta phổ biến một lòng tôn sùng Mẹ Maria với các sắc thái đặc biệt của ý thức thời trung cổ. Nói chung người ta ghi nhận một khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa trong việc thực hành cuộc sống kitô, coi các giá trị cá nhân như các giá trị tuyệt đối. Một cách có ý nghĩa người ta cũng giải thích các chân lý đức tin theo chiều hướng dậy luân lý, và đánh giá luân lý đạo đức cao hành động của con người, được xem xét trong các khía cạnh cá nhân của nó. Ý niệm về mầu nhiệm cứu chuộc được hiểu theo khuynh hướng duy cá nhân chủ nghĩa, và các vấn đề đặt ra cho kitô hữu trong các tương quan của họ với Thiên Chúa và với người khác được giải quyết trong lối tiếp cận hoàn toàn có tính cách thân mật tâm tình.

Trong một bầu khí tôn giáo loại này Ðức Trinh Nữ bị các tín hữu lôi kéo vào trong một tương quan duy cá nhân chủ nghĩa rất mạnh mẽ. Nhưng hình ảnh của Mẹ không phải là hình ảnh của một bà mẹ khiêm nhường, vâng phục và phụng sự, bởi vì ơn thánh ngoại thường và các đặc sủng nơi Mẹ không được coi như là các ơn nhận được để phục vụ dân Chúa, nhưng như là một phần thưởng cá nhân, hiệu quả của các tương quan duy nhất và đặc tuyển của Mẹ với Chúa. Tương đương với việc tán tụng hàng giáo phẩm là việc tán tụng Ðức Trinh Nữ. Người ta đề cao sự cao cả, phẩm giá, sự thánh thiện và quyền năng của Mẹ. Như là Mẹ Chúa Kitô, Thủ Lãnh Giáo Hội, Mẹ Maria có một quyền bính thực thụ riêng và có uy tín trên tín hữu, thuộc thân mình và là chi thể của Chúa Kitô.

Tuy nhiên, vị thế cao cả trong đó Ðức Trinh Nữ được đặt lên không gây hại cho khả thể các tương quan cá nhân với Mẹ. Tín hữu cảm thấy cần các gương mẫu hành xử tôn giáo, và họ tìm thấy chúng nơi Ðức Mẹ và các Thánh. Sư chú ý của họ di chuyển từ việc coi vai trò của Mẹ trong biến cố nhập thể sang việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm sự tham dự của Mẹ vào hiến tế cứu chuộc của Chúa Kitô, có nghĩa là di chuyển từ Nagiarét lên Núi Sọ. Vào thế kỷ XII lòng đạo đức kitô thích suy gẫm về sự hiện diện của Mẹ dưới chân thập giá, và gán cho Mẹ việc dâng một hiến tế riêng và đích thật lên Thiên Chúa Cha vĩnh cửu, là Ðấng đặt Mẹ bên cạnh Chúa Con trong vị thế của một vị trung gian ơn cứu độ. Vì thế Mẹ ít được coi như Mẹ Chúa Cứu Thế nhưng được coi như là Người cộng tác với Chúa. Ðiều này giải thích lý do việc chú ý tới các đặc ân của Mẹ, các điều liên quan tới con người của Mẹ và các khung cảnh của cuộc đời Mẹ.

Một thái độ như thế có thể dẫn tới các biểu lộ sự tò mò quá đáng trong việc điều tra cuộc sống, hoạt động, các tư tưởng, các xác tín và các tâm tình của Mẹ. Nghệ thuật và nền văn chương tôn giáo thời đó cho thấy người ta đã dễ rơi vào cám dỗ này chừng nào! Nghệ thuật thánh mẫu thế kỷ thứ XIII trưng bầy Ðức Maria như các gương mặt thiếu nữ ăn mặc thanh lịch và biết điệu theo trang phục thời đó; hay các hình vẽ trình bầy một cách thê thảm một Ðức Trinh Nữ đứng dưới chân thập giá, tan nát vì khổ đau và sắp ngất xỉu. Các sách đạo đức, các sách bài giảng và thần học đặt vấn nạn liên quan tới các đặc thái diện mạo của Ðức Mẹ, cũng như các phản ứng tâm lý và cảm xúc của Mẹ.

Ngoài ra, các tín hữu kitô thời đó khẩn cầu Mẹ Maria như là Ðấng cứu chữa họ trong các khốn khó của cuộc sống, nhất là trong nỗ lực bảo đảm ơn cứu rỗi đời đời cho họ, là vấn đề nền tảng của con người thời trung cổ. Trung thành với Chúa Giêsu trong các ngày đen tối nhất của cuộc khổ nạn và cái chết của Người duy một mình Mẹ Maria là Giáo Hội trong các ngày sầu thương ấy. Vì thế dấy lên nơi các tín hữu bản năng đặt để Ðức Trinh Nữ trong một vị thế cao hơn vị thế của Giáo Hội; hầu như giữa trời và đất, giữa Giáo Hội và Chúa Kitô, sẵn sàng bầu cử và làm trung gian cho chúng ta, theo giáo thuyết của thánh Bênađô. Kết qủa là Mẹ xuất hiện như một bà mẹ tinh thần đích thật của các tín hữu, như là mẹ của lòng xót thương, sự cứu giúp của kitô hữu, tất cả là các tước hiệu ưa thích của nền tu đức đan viện Cluny.

Như thế so sánh với thời của các Giáo Phụ viễn tượng đã thay đổi. Mẹ Maria không còn được nhìn trong sự hiện diện của Mẹ bên cạnh Chúa Kitô trên trần gian, nhưng bên cạnh Chúa Kitô trên thiên quốc, nơi Mẹ hoạt động cho chúng ta; không phải qua các can thiệp của Mẹ vào cuộc sống của Chúa Giêsu, nhưng trong hoạt động của Mẹ trong cuộc sống của Giáo Hội; không phải như là Mẹ của Thiên Chúa nhưng như là Mẹ của loài người. Yếu tố kitô học liên tục hiện diện trong ý thức của kitô hữu, mặc dù ít ý thức hơn về tương quan giữa Ðức Maria và Chúa Kitô vật lý các kitô hữu nhìn tương quan giữa Ðức Maria và Giáo Hội dưới ánh sáng của ý niệm này, như là thân mình mầu nhiệm của Chúa.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page