Lòng tôn sùng Mẹ Maria
qua các thời đại văn hóa khác nhau
Lòng tôn sùng Mẹ Maria qua các thời đại văn hóa khác nhau.
Vatican (Vat. 9-01-2016) - Mẫu văn hóa của phụ nữ ngày nay cũng ảnh hưởng tới lòng sùng kính Ðức Mẹ trong tương quan với Chúa Kitô. Gương mặt nữ tỳ khiêm hạ, tuân phục và ngoan ngoãn nhường chỗ cho gương mặt của người phụ nữ mạnh mẽ trong Thánh Kinh, có khả năng lãnh các trách nhiệm diễn tả thái độ độc lập, định đoạt và phục vụ tự lập. Một gương mặt khẳng định phẩm giá và các quyền bất khả nhượng của bản vị con người. Việc noi gương Mẹ Maria đưa nữ giới tới chỗ gợi lên một sứ mệnh chuyên biệt của mình trong xã hội và trong lòng Giáo Hội.
Còn có một yếu tố không thể bỏ qua: đó là khuynh hướng nội tâm hóa tâm tình tôn giáo. Khuynh hướng này đã góp phần vào việc đưa ra một khúc rẽ tích cực trong lòng sùng kính Mẹ Maria. Trong trường hợp của Ðức Mẹ và các Thánh, khuynh hướng nội tâm hóa này đã gây thiệt thòi cho các cử hành bề ngoài, thường đã đạt tới các thái qúa văn hóa gần như mê tín dị đoan hay lạc giáo, mà tín hữu không ý thức được. Nhưng nó đã sinh ích cho kitô hữu trong việc suy tư và đào sâu bản chất nội tại và các khía cạnh giáo lý nền tảng của lòng sùng mộ Mẹ Maria. Và tín hữu đã ý thức hơn đối với các tương quan giữa đức tin và lòng thảo kính nối kết họ với Ðức Thánh Trinh Nữ. Vì thế họ lo lắng diễn tả thái độ sùng kính nội tâm của mình qua các hình thức bề ngoài một cách thích hợp và đúng đắn hơn.
Vậy đâu là thái độ của Giáo Hội ngày nay trước các vấn đề này? Trước các men canh tân lòng đạo đức thời nay, huấn quyền Giáo Hội luôn luôn hướng tới một lập trường quân bình không loại trừ sự canh tân. Tông huấn về lòng sùng kính Mẹ Maria của Ðức Phaolô VI cống hiến các chỉ dẫn qúy báu cho lòng sùng mộ Mẹ Maria, phù hợp với các yêu cầu có giá trị nhất của nền tu đức kitô hiện đại. Chống lại các khuynh hướng quá khứ cô lập hóa và tuyệt đối hóa lòng sùng kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI cầu mong rằng nó luôn được tín hữu chấp nhận tốt hơn như một phần của lòng sùng mộ kitô duy nhất, được diễn tả tột đỉnh trong phụng vụ.
Chính việc cải tổ lịch phụng vụ cũng đã nêu bật mối dây nối kết cá nhân hiệp nhất gương mặt Mẹ Maria, gương mặt Chúa Giêsu và nhiệm vụ của Mẹ trong công trình cứu chuộc và trong cuộc sống Giáo Hội. Nhưng nó đã không bỏ qua việc lồng khung vào lịch quanh năm các lễ cử hành Ðức Mẹ gắn liền với các lý do phụng tự địa phương, hay các truyền thống cổ xưa, hoặc có lý do là các đòi buộc của lòng đạo đức ngày nay (MC 8).
Ðức Phaolô VI cũng thừa nhận công lớn của nền thần học. Khi suy tư về các mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội, thần học đã góp phần làm gia tăng và canh tân lòng sùng kính Ðức Mẹ bằng cách trình bầy gương mặt của Mẹ trong ánh sáng đích thật là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội (MC Dẫn nhập).
Trong một cách thế nào đó lòng sùng kính Mẹ Maria đã cổ xưa như Giáo Hội, bởi vì nó gắn bó một cách trực tiếp với các điểm chúc tụng và thán phục Mẹ, mà các Phúc Âm cống hiến cho chúng ta. Trong các thế kỷ theo sau, dần dần nó được diễn tả ra một cách rõ ràng trong cuộc sống của kitô hữu, với các thái độ tôn kính, khẩn nài và việc noi gương, và có các kiểu diễn tả bắt nguồn từ các điều kiện tôn giáo và văn hóa thuộc mọi thời đại.
Tuy nhiên, từ các thế kỷ đầu tiên của lịch sử Giáo Hội cho tới ngày nay, có thể nhận diện ra tính cách kitô học đã luôn luôn trải dài như một nét thường hằng trong lịch sử lòng tôn sùng Mẹ Maria thuộc mọi thời đại. Liên quan mật thiết cá nhân riêng tư của Mẹ đối với Chúa Cứu Thế và mầu nhiệm cứu độ đã luôn luôn được trực giác một cách ít nhiều ý thức như là sụ biện minh cuối cùng cho lòng tôn sùng Mẹ Maria. Vì thế tương quan Chúa Kitô - Mẹ Maria có thể được đồng thời coi như một nguyên lý sự tiếp nối của lòng sùng kính Mẹ Maria và là một lý do định đoạt của các thay đổi theo góc nhìn, từ đó chúng ta quan sát tương quan này.
Trước hết là lòng sùng kính Ðức Mẹ trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo. Trong các tác phẩm tân ước và bút tích của các tác giả kitô thuộc mấy thế kỷ đầu, Ðức Maria rất ít khi được nhắc tới. Sự kiện này khiến cho chúng ta không ngạc nhiên trước các chứng tá trực tiếp rất họa hiếm liên quan tới sự hiện hữu của lòng sùng mộ đối với Mẹ và chúng được trình bầy một cách trễ tràng. Tuy nhiên, có thể nhận ra các chứng từ gián tiếp liên quan tới lòng tôn sùng Mẹ Maria trong vài văn bản kinh thánh tân ước trình bầy một vài lời chúc tụng và việc tôn kính đối với Mẹ Chúa. Chẳng hạn thánh Luca ghi lại trong chương 1 lời bà Elidabét khen ngợi Ðức Maria: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em" (Lc 1,45); hay lời Ðức Maria chúc tụng Thiên Chúa liên quan tới số phận của chính Mẹ trong kinh Magnificat: "Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn" (Lc 1,48-49); hoặc lời một phụ nữ ca ngợi Mẹ khi nói với Chúa Giêsu: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm" (Lc 11,27). Ngoài ra, sự chú ý trên bình diện giáo lý gia tăng đối với gương mặt của Ðức Mẹ, một cách gián tiếp, chứng minh cho thấy sự hiện hữu của một lòng tôn sùng mộ mến đối với Mẹ Maria, bởi vì lịch sử dậy cho chúng ta biết rằng thần học nảy sinh từ lòng đạo đức, chứ không phải ngược lại.
Dầu sao đi nữa, Ðức Maria đã hiện diện trong phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi. Sự kiện này được xác nhận bởi các công thức cổ xưa của biểu tượng rửa tội, gọi là "luật đức tin", và của hình ảnh hùng biện cách láy đầu trong phụng vụ thánh thể. Thật vậy, các buổi cử hành phụng vụ là việc tưởng niệm mầu nhiệm của Chúa Kitô, được canh tân trong Giáo Hội và cho Giáo Hội; và trong bối cảnh đó Ðức Trinh Nữ được coi như là người đầu tiên và cao cả nhất trong các tín hữu theo ý nghĩa lời khen ngợi của bà Elidabét: Mẹ Maria là người có phúc vì đã tin vào lời Chúa (Lc 1,45). Việc Mẹ được tháp nhập vào mầu nhiệm của Giáo Hội, được hiểu như kết qủa sự kiện các kitô hữu trông thấy trong đức tin của Giáo Hội việc nối dài đức tin của Mẹ. Vì thế Mẹ hiện diện trong bí tích Rửa Tội và trong bí tích Thánh Thể, nơi mầu nhiệm của chính Giáo Hội được lưu truyền.
Luôn luôn trong viễn tượng này, Mẹ Maria được coi như một chứng nhân ưu việt và quan trọng của nhiệm cục cứu chuộc, mà Mẹ đã là người cộng tác thành toàn một cách gần sát, qua sự gắn bó hoàn toàn của Mẹ với ý muốn của Thiên Chúa. Ngoài ra, Mẹ còn xuất hiện như chứng nhân sự hoàn thành các lời tiên tri cựu ước liên quan tới ơn cứu rỗi thời cứu thế, như được Mẹ Maria diễn tả trong Kinh Magnificat (Lc 1,46.55). Chính hai tước hiệu "là người đầu tiên giữa những kẻ tin" - mà đức tin vượt thắng mọi thử thách và chướng ngại - và "là chứng nhân" ưu việt của mầu nhiệm Chúa Kitô làm gia tăng và biện minh cho lòng tôn sùng Mẹ Maria trong một cộng đoàn tín hữu nhậy cảm như vậy đối với hai định tính này, như đã được chứng minh bởi việc sùng kính các vị tử đạo, được tôn sùng như các vị vô địch của lòng tin, và như chứng nhân vô cùng đặc biệt của Chúa, nhất là của cuộc khổ nạn và cái chết của Người, mà các vị đã tham gia một cách hữu hình. Ðiều này giải thích tại sao đã nảy sinh ra lòng sùng mộ các vị tử đạo, mà công nghiệp khiến cho các vị được Thiên Chúa đặc biệt chấp nhận, và vì thế lời bầu cử của các vị có thế giá trước mặt Chúa, ngay cả khi các vị còn sống. Trong cùng cách thức đó, tín hữu đã nhanh chóng thừa nhận vài trò chuyển cầu của Mẹ Maria trước mặt Chúa. Thánh Ireneo goi Ðức Mẹ là "trạng sư của Evà", như thế thánh nhân coi Mẹ có thể bầu cử cho người mẹ nguyên tổ của loài người.
Trong thời rất xa xưa, vào khoảng cuối thế kỷ thứ I đã có vài tác phẩm mạo thư chú ý tới các chi tiết cuộc đời và con người của Ðức Maria và tìm minh nhiên sự ít ỏi các tin tức mà các văn bản mạc khải đích thật cống hiến cho tín hữu. Các tác phẩm này không có nền tảng lịch sử và mạc khải nào nên không có sức nặng định đoạt nào đối với việc diễn tả rõ ràng từ từ tín lý liên quan tới Ðúc Mẹ, bởi vì chúng bị các giáo phụ và huấn quyền giáo hội phản đối và khước từ; nhưng chúng lại có một ảnh hưởng khá lớn đối với nghệ thuật tôn giáo, đối với lòng sùng mộ, việc giảng dậy và trong một mức độ nào đó đối với lòng đạo đức bình dân. Tương quan duy nhất và ưu tiên kết hiệp Mẹ Maria với Chúa Con được nhìn trong các phạm trù của đức tin bình dân như suối nguồn sự cao cả và quyền năng đối với Mẹ và hầu như là một tước hiệu cho phép Mẹ quản lý ơn thánh và lòng thương xót của Thiên Chúa.
* * *
Các thái quá của lòng đạo đức bình dân xem ra đã không ảnh hưởng trên lòng sùng kính chính thức của Giáo Hội đối với Mẹ Thiên Chúa. Trái lại, một cách mau chóng chúng đã phải vào khuôn khổ của một lòng sùng kính thanh đạm và nòng cốt hơn, nếu chúng ta có thể rút tiả ra một kết luận trong nghĩa đó, từ việc phân tích bài thánh ca "Dưới sự che chở của Mẹ chúng con tìm nương ẩn" được sáng tác hồi thế kỷ thứ III hay trễ nhất là thế kỷ thừ IV. Các tâm tình được diễn tả trong công thức rất cổ xưa này không mang dấu vết của một văn bản phụng vụ nào, bởi vì nó hướng thẳng và một cách trực tiếp lên Mẹ, thay vì hướng lên Thiên Chúa, cho dù có phản ánh tâm hồn bình dân nói chuyện với ngôn ngữ của sự tin tưởng, của tình yêu và sự phó thác, nhưng không ra khỏi đường nét chính thống của phụng tự. Lời cầu nguyện diễn tả lòng tin tưởng của tín hữu được lắng nghe bởi Ðấng đang ở trong một vị thế ưu tiên, và vì thế được hưởng một sức mạnh bầu cử đặc biệt "Lậy Thánh Mẫu của Thiên Chúa, xin đừng khinh rẻ các lời khẩn nài của chúng con". Tín hữu xin Mẹ một ơn không ra ngoài ý muốn của Thiên Chúa "Xin Mẹ giải thoát chúng con khỏi mọi nguy khốn", nhưng trái lại phù hợp với điều chính Chúa Giêsu đã dậy phải xin (Mt 6,13). Cả hai tước hiệu Mẹ Thiên Chúa và Trinh Nữ được dùng trong lời cầu, tương ứng với truyền thống phúc âm và truyền thống giáo hội cổ xưa. Thí dụ cổ điển này cho phép chúng ta nhận ra sự kiện lòng đạo đức bình dân ngày càng hướng tới chỗ đồng điệu với các đòi buộc của phụng vụ như thế nào. Các tin tức tưởng tượng của các tác phẩm mạo thư đã chỉ hạn chế trong việc ban một đặc ân cho vài khuynh hướng tò mò tự nhiên của con người, nhưng các trực giác tích cực của chúng đã ảnh hưởng trên sự phát triển của lòng sùng mộ Mẹ Maria.
Liên quan tới dấn thân khổ hạnh, lòng sùng kính Mẹ Maria của các kitô hữu xưa kia được diễn tả ra trong việc noi gương một mô thức cá nhân không được ghi dấu bởi các đặc ân cá nhân của Ðức Mẹ cho bằng thái độ nền tảng mẫu mực của Mẹ trong cuộc sống đức tin và trong việc hoàn toàn rộng mở cho ơn thánh và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sự hoàn toàn sẵn sàng của Ðức Trinh Nữ đối với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần có thể đọc ra một cách dễ dàng trong dấn thân của Mẹ sống sự đồng trinh trọn đời. Giáo Phụ Origene đã giới thiệu Ðức Mẹ như là mẫu gương tuyệt vời của sự đồng trinh với các phụ nữ, bên cạnh Chúa Kitô, mẫu gương đồng trinh của nam giới. Và ảnh hưởng của vị giáo phụ quan trọng này đối với phong trào viện tu hồi thế kỷ thứ IV sẽ vô cùng quan trọng, là phong trào coi Mẹ Maria là mẫu gương cổ diển của các trinh nữ được thánh hiến.
(Mẹ Maria 455)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)