Các thực hành và nền tu đức

của lòng sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ

 

Các thực hành và nền tu đức của lòng sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ.

Vatican (Vat. 21-05-2015) - Linh Mục Croiset, người được thánh nữ Margherita Maria Alacoque rất tín nhiệm, tóm tắt nhiệm vụ nền tu đức lòng sùng kính Trái tim Ðức Mẹ như sau: "Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Tâm Mẹ Maria quá bằng nhau và kết hiệp khắng khít với nhau, đến độ không thể bước vào trong một trái tim mà lại không bước vào trái tim kia. Nhưng với một khác biệt này: đó là trái tim Chúa Giêsu chỉ chấp nhận các linh hồn rất mực trong sạch, trong khi trái tim Mẹ Maria nhờ các ơn thánh Mẹ có được, thì thanh tẩy các linh hồn không trong sạch và để chúng trên độ cao được trái tim Chúa Giêsu chấp nhận# Không có một sự dịu hiền lớn lao đối với Ðức Trinh Nữ Rất Thánh, thì không bao giờ có hy vọng đến với trái tim rất thánh Chúa Giêsu Kitô".

Trong lịch sử lòng đạo đức thánh mẫu việc sùng kính trái tim Mẹ Maria đã làm nảy sinh ra vài đặc thái sùng mộ cụ thể, và nhất là đã khơi dậy một nền tu đức có tính cách khắc khổ nhằm mục đích thanh tẩy linh hồn cũng như nâng nó lên cao tới mức thần bí. Trong các nguồn gốc của nó vào thời Trung Cổ lòng sùng kính này được kết hiệp với các thực hành của thuyết nhân bản đầu tiên của thế kỷ XII, của các lời kinh Ave và Gaude làm nền cho chuỗi Mân Côi. Josef Hermann, qua đời năm 1241, hát mừng Mẹ Maria như sau: "Hãy hỉ hoan, hãy vui lên, hỡi đóa hồng trong sáng, hãy là một câu chuyện dịu êm cho người buồn khổ; với người kính chào Mẹ, với người van nài Mẹ, với người khẩn cầu Mẹ, với người yêu thương Mẹ, xin hãy nói: Ta sẽ giữ gìn con trong Chúa Kitô".

Ecberto thành Shoenau cũng diễn tả tương tự như thế trong lời nài van tựa đề "Loquar ad cor tuum" "Thỏ thẻ với trái tim Mẹ". Trong thời đó lòng sùng kính Trái Tim Mẹ Maria được phổ biến trong các hình thức của một khuynh hướng nhân bản đạo đức, trong đó các tác giả cảm thấy họ kết hiệp với tâm hồn Mẹ. Một bản văn của đoạn thêm vào của tác giả Anselmo thành Lucca cống hiến cho chúng ta một đúc kết của nền tu đức này. Tác giả viết: "Ôi lậy Bà, Ðấng chinh phục các con tim với sự dịu dàng của Mẹ: giờ đây Mẹ cũng hãy bắt cóc trái tim con; con xin hỏi Mẹ đã giấu nó ở đâu để con có thể tìm nó? Ôi, Ðấng bắt cóc các con tim! Khi nào Mẹ trả lại trái tim cho con? Khi con xin Mẹ mỉm cười với con và ngay lập tức bị ru ngủ bởi sự dịu hiền của Mẹ, con yên nghỉ. Lúc thức giấc con lại xin Mẹ: Mẹ ôm con vào lòng, ôi Ðấng vô cùng dịu hiền, và lập tức con no say tình yêu của Mẹ. Giờ đây con không phân biệt trái tim con với trái tim Mẹ, và con không biết xin gì nữa ngoài trái tim Mẹ. Nhưng bởi vì trái tim con say sưa tình yêu của Mẹ đến thế và được trấn an trong tình yêu của Mẹ, xin hướng dẫn con với trái tim Mẹ, xin giữ gìn con trong máu của Chiên Con và đặt con vào trong Trái Tim của Con Mẹ". Gautier de Coincy, qua đời năm 1236, cũng diễn tả như trên trong lời kinh dâng trái tim cho Ðức Mẹ. Nền tu đức lòng sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ trong thời này đã đạt tột đỉnh với hiện tượng thần bí của việc "trao đổi con tim", như xảy ra trong trường học của đan viện Helfta.

Các thực hành bề ngoài đã chỉ trở thành thường xuyên vào cuối thế kỷ XV, trong lòng đạo đức của khuynh hướng Gôtích đang suy tàn. Chúng sẽ được kết hiệp với các thói quen đạo đức khác, cũng gia tăng như việc đọc kinh các "giờ của Ðức Thánh Maria" và các thói quen đạo đức khác, mà sự chỉ trích gay gắt của anh em tin lành sẽ xóa bỏ khỏi lòng đạo đức bình dân kitô. Chúng cũng được kết hiệp với việc gia tăng đầy dẫy các kinh Kính Mừng, các kinh "Hãy vui lên" và các "Thánh vịnh thánh mẫu". Chúng ta nên để ý đến sự tiến triển của Kinh Mân Côi trong thời gian này. Thời phục hưng được ghi dấu bởi việc nở hoa mới của các huynh đoàn và các dòng tu, mà lòng đạo đức ba rốc của việc chống tin lành sẽ dựng lên như bức tường bảo vệ chống lại các thái qúa của phong trào cải cách. Thánh Jean Eudes sẽ là một người thăng tiến lớn các thực hành này, và vì thế sẽ chịu các tấn kích của phong trào giansenít hồi thế kỷ XVII-XVIII, chủ trương dấn thân sống đời luân lý nghiêm ngặt khắc khổ. Liên quan tới việc thánh hiến một ngày kia sẽ trở thành một phong trào nòng cốt của lòng sùng kính Mẹ Maria chúng ta đã nói đến trên đây.

Thói quen dành ngày thứ bẩy để kính Ðức Trinh Nữ Maria đã có từ thời chân phước thần học gia và chuyên viên phụng vụ Alcuino thành York sống hồi thế kỷ thứ VIII (735-804), ngày nay đã trở thành thực hành "ngày thứ bầy đầu tháng" kính Trái Tim Ðức Mẹ, có lẽ do giống thói quen các thứ sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc thực hành các thứ bẩy đầu tiên có hình thức vĩnh viễn với các mạc khải của bà Pontevedra, xác định nó trong "năm thứ bẩy đầu tháng" và linh hoạt nó với lời hứa lớn của Trái Tim Ðức Maria như sau: "Hãy xem, hỡi con gái Mẹ, Trái tim Mẹ bị gai bao quanh, mà loài người vô ơn đâm vào với các lời nói phạm thượng và các thái độ vô ơn. Ít nhất là con hãy làm sao an ủi Mẹ và hãy cho biết: "Tất cả những ai trong năm tháng liền vào ngày thứ bẩy đầu tháng xưng tội, rước lễ, lần một chuỗi Mân Côi và đồng hành với Mẹ mười lăm phút, bằng cách suy niệm 15 mầu nhiệm chuỗi Mân Côi nhằm phạt tạ các xúc phạm đến Mẹ, thì Mẹ hứa trợ giúp họ trong giờ chết với tất cả các ơn thánh cần thiết cho ơn cứu rỗi của họ".

Văn bản lời hứa nói trên, cả khi có bị phê bình trên phương diện văn chương và biên soạn, nhưng hoàn hảo trên bình diện thần học và có các bảo đảm đầy đủ trên bình diện lịch sử. Khi nó được phổ biến, và nhất là từ năm 1942 nó đã khơi dậy một phong trào đạo đức thánh thể thánh mẫu, giống phong trào 9 thứ sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Chúng ta đã nhấn mạnh các nhiệm vụ của nhiều dòng tu thăng tiến việc sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ chiếu theo lịch sử và nền tu đức tên gọi của chúng. Có thể xem trong cuốn Niên Giám của Tòa Thánh. Ðiều này cũng có giá trị đối với các Tổng huynh đoàn. Trong thời đại của chúng ta phong trào tinh thần này cũng bị phê bình chỉ trích như biết bao nhiêu cơ cấu đáng kính khác của Giáo Hội. Ðương nhiên là đối với lòng sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ cũng cần phải triệt để loại bỏ một vài thực hành, nhưng cần phải thích ứng với sư nhậy cảm của con người thời nay.

Trong dòng lịch sử lòng tôn sùng Trái Tim Ðức Mẹ đã luôn luôn hiện hữu và nó đã là suối nguồn làm phát sinh ra biết bao nhiêu linh hồn yêu mến Ðức Mẹ. Các trường phái Helfta, Biển Ðức, Phan Sinh và Ða Minh trong suốt thời Trung Cổ cống hiến cho chúng ta các văn bản có giá trị khổ hạnh và thần bí khôn sánh. Tiếp đến chủ thuyết nhân bản đạo đức của thánh Phanxicô de Sales khiến cho Trái Tim Ðức Trinh Nữ Maria trở thành nơi các linh hồn gặp gỡ Chúa Thánh Thần. Trường phái Berulle tách rời khỏi khuynh hướng nhân bản đạo đức này và hướng tới một nền tu đức thoát xác và chỉ dành để cho các linh hồn được nâng cao nhất. Chẳng hạn như lễ "sự thân tình của Ðức Trinh Nữ Maria" theo tinh thần Sulpice tuy có giá trị trên bình diện thần học, nhưng làm hư hỏng ý nghĩa lòng tôn sùng Trái Tim Ðức Maria. Thánh Jean Eudes, tuy bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Olier, nhưng đã không để cho mình bị lôi kéo bởi khuynh hướng thiên thần thái qúa này. Trong tác phẩm ý nghĩa nhất của mình là cuốn "Trái tim đáng khâm phục của Mẹ Thiên Chúa" thánh nhân tái lập thế quân bình giữa khuynh hướng duy linh của ÐHY Berulle và chủ thuyết nhân bản tràn đầy của các tu sĩ dòng Tên Pháp. Nhưng ảnh hưởng của Paray-le-Monial lại bẻ gẫy thế quân bình trở lại một cách nguy hiểm, gây lợi cho một chủ thuyết duy thể lý, khi đề cao tầm quan trọng của con tim như cơ phận làm sai lạc ý nghĩa tinh tuyền nền tu đức của lòng sùng mộ này.

Vào thời của chúng ta ngày nay, nền tu đức sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ được phong phong phú nhờ các nghiên cứu mới liên quan tời lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và chúng ta không được quên rằng các bút tích cuối cùng của chị Lucia, nhất là cuốn "Ký ức thứ tư" của chị đã cống hiến rất nhiều yếu tố phong phú cho một nền tu đức về sứ điệp Fatima có chiều kích thần bí. Ðàng khác các linh hồn vĩ đại có lòng sùng kính Trái Tim Ðức Mẹ ngày nay là một thí dụ rõ ràng của mức độ tinh thần cao, mà một nền tu đức tôn sùng Trái Tim Ðức Mẹ đích thật có thể đạt được.

Tuy nhiên, lòng sùng mộ Trái Tim Ðức Mẹ cần duyệt xét lại biểu tượng đã sử dụng cho tới nay. Nếu khi vượt thắng sự suy đồi ý nghĩa mới đây, chúng ta sẽ dùng từ "trái tim" trong nghĩa nguyên thủy của nó, nó sẽ khơi dậy trong ta một hình ảnh rất sâu xa và có nội dung phong phú, không bị hạn hẹp trong lãnh vực trìu mến tình cảm. Ðể làm điều này cần phải vượt qua hai thế kỷ lịch sử, trong đó từ chìa khóa cao quý này đã bị sa lầy, ban đầu trong các vũng cạn của "khuynh hướng rất châu báu Pháp" thấm nhiễm các văn bản của thánh nữ Marguerita Maria Alacoque, rồi sau đó lại mắc cạn trong thuyết thơ mộng Ðức thuộc thế kỷ XIX. Tuy nhiên, trong nền văn chương kitô từ chìa khóa này vẫn rộng mở cho một ý nghĩa hoàn toàn nhân bản và với các gốc rễ thần học vững chắc.

Nếu chúng ta hiểu từ "tráí tim" trong tất cả sự phong phú của nó trong ý nghĩa semít và kitô coi nó như là điểm tham chiếu, nơi tập trung bản thể và từ đó phát xuất ra các lời nói và hành động của nó, và khi được hiểu như vậy chúng ta sẽ áp dụng từ này cho Ðức Trinh Nữ, chúng ta sẽ thấy rằng hình ảnh nó gợi lên là dấu chỉ thánh thiêng của con người và các hành động của chính Ðức Trinh Nữ.

Thật hữu ích nhấn mạnh trên tính cách bí tích của trái tim: nó là một cơ phận dấu ẩn tuy nó tự biểu lộ; ta không trông thấy nó, nhưng thấy trước được các hành động của nó; nó là một thực tại sinh động nhưng quy hướng về các thực tại cao hơn, nhân bản và siêu nhiên.

Lòng sùng kính Trái Tim Mẹ Maria không thể bị giản lược vào việc chiêm ngưỡng "dấu chỉ của trái tim", như đã xảy ra trong các thời đại của sự ưa thích suy đồi. Nó phải ôm gọn toàn thực tại của Ðức Maria được tiếp nhận như mầu nhiệm của ơn thánh, tình yêu và sư hiến dâng trọn vẹn của Mẹ cho Thiên Chúa và loài người.

Ðể kết luận, chúng ta nói rằng nền tu đức lòng sùng mộ Trái Tim Mẹ Maria được mời gọi chu toàn ba nhiệm vụ quan trọng trong nền tu đức thánh mẫu: đó là thông tin, nội tâm hóa và thanh tẩy.

Trước hết vì các lý do đã được đề cập tới nó thông tin tất cả các việc sùng mộ tinh tuyền đối với Ðức Trinh Nữ.

Thế rồi nó nội tâm hóa bằng cách đòi hỏi tín hữu sống trung thực trong con tim mình các kiểu diễn tả bề ngoài lòng sùng mộ đối với Ðức Trinh Nữ.

Sau cùng, nó thực thi nhiệm vụ thanh tẩy đối với các kiểu diễn tả lòng tôn sùng Ðức Maria, để tất cả đạt tới mức độ tinh thần cao; để không mất đi tính tự phát và lòng chân thành, chúng được thanh tẩy khỏi các cặn bã của một thứ bình dân suy thoái, và làm sáng lên vàng của lòng sùng mộ tinh tuyền.

(Mẹ Maria 452)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page